Thursday, February 4, 2021

CỐ ĐÔ TRONG BIẾN CỐ (Trung tá Phạm văn Sơn)

 

Tài liệu trích từ sách "Cuộc Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa của Việt Cộng Mâu Thân 1968".

Chủ biên: Trung tá Phạm văn Sơn, Trưởng khối Quân sử/P5.TTM

Soạn thảo: Thiếu tá Lê văn Dương

Hình ảnh: Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hạnh

Thực hiện: Trung tâm Ấn loát ấn phẩm

Viết xong: Tháng 8 năm 1968

.

Việt Cộng đã tự do hành động và đi lại trong các khu phố suốt từ Mồng 2 đến Mồng 4 Tết mà về phía ta không có một phản ứng nào cả.

Trong các ngày được tự do hành động, bọn chúng tuyên truyền cho một mặt trận mới gọi là Mặt trận Liên minh Dân tộc Dân chủ và Hòa bình do Lê văn Hảo làm chủ tịch mặt trận Trị Thiên. Một số sinh viên và dân chúng thuộc thành phần tranh đấu Phật giáo và Hội đồng cứu quốc trong mấy năm trước đã tham gia vào tổ chức này, có sự tham gia của các sinh viên Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan. Người ta cho biết giáo sư Lê văn Hảo đã trốn ra khỏi thành phố Huế từ ngày 28 Tết. Người ta cũng nói sở dĩ dân Huế bị Việt cộng sát hại nhiều cũng vì chúng được chỉ điểm bởi các phần tử địa phương thù oán nhau qua những vụ xáo trộn chính trị từ trước đó.

Một vài cơ sở dân sự đã chống trả lại địch một cách oanh liệt và giữ vững được như tại trường Thành Nhơn 1, Trung đội Việt Nam Quốc dân đảng với một ít vũ khí thô sơ đã cầm cự với địch đến khi thành phố được giải tỏa. Thanh niên Công giáo Phú Cam có khoảng 100 người được võ trang nhẹ đã chống trả với địch trong suốt 4 ngày gay cấn hết đạn xin tiếp tế không được nên phải rút chạy về trường bay Phú Bài, nếu họ có đầy đủ đạn dược vị tất khu Phú Cam đã bị lọt vào tay địch. Một vài thường dân Hoa Kỳ đã chống cự rất anh dũng như trường hợp 5 người Mỹ dân sự ở một ngôi nhà gần cầu Nam Giao họ đã chống cự với quân địch trong hai ngày liền không chịu hàng đến khi cả 5 người lần lượt bị bắn chết. Sự hy sinh của họ đã làm cho nhân dân Huế rất thán phục. Một gương chiến đấu khác của người Mỹ cũng rất hào hùng. Họ có 7 người ở tại số 7 Lý Thường Kiệt là nhân viên của hãng Industrial Relations Department đã chống cự lại địch khi chúng xâm nhập nhà này. Họ bắn địch bị chết và bị thương nhiều người. Địch phải dùng tới B40 công phá khiến cho 2 trong số 7 người này chết. Số 5 người còn lại có 2 người này chết. Số 5 người còn lại có 2 đàn bà sau 24 giờ chống trả phải đầu hàng.

Địch làm chủ tình hình thị xã ngay từ đêm Mồng 1. Trong ngày Mồng 2 chúng di chuyển trong thành phố kiểm soát dân chúng như ở chỗ đông người.

Chúng vào từng nhà dân kêu gọi mọi người ra tập hợp, phân lại những người thuộc thành phần công chức, quân nhân hay cảnh sát được tập trung lại để chúng giải thích giác ngộ và mang giữ lại một chỗ. Tại hữu ngạn sông Hương, những người bị giữ được chúng mang tập trung vào tòa Đại biểu chính phủ giam một đêm sáng hôm sau cho ai về nhà nấy.

Người ta bảo rằng Việt cộng bắt người và giết người theo một kỹ thuật gồm 3 giai đoạn. Trường hợp trên là giai đoạn đầu đối với khu hữu ngạn ít khắt khe vì chúng không kiểm soát được bao lâu. Còn đối với khu tả ngạn nhất là tại Gia Hội chúng áp dụng được cả 3 giai đoạn đầy đủ.

Thoạt giai đoạn đầu chúng cô lập hóa vùng chúng chiếm đóng, chia dân chúng ra từng thành phần: công chức, quân nhân, cảnh sát còn dân chúng thời đoàn thể hóa thành các đoàn nam phụ lão ấu. Mọi thành phần đều có đại diện. Chúng ra lệnh cho ai nấy cứ an tâm làm việc. Chúng đi từng gia đình một, tịch thu tất cả máy thu thanh để cô lập dân chúng với tất cả tin tức bên ngoài. Chúng phao tin toàn tỉnh Thừa Thiên và toàn quốc đã vào tay chúng.

Tiếp theo chúng kêu gọi các cán bộ quốc gia như công chức, quân nhân, cảnh sát ra trình diện nạp vũ khí. Ai ra trình diện được chúng phát cho một thẻ và cho về nhà. Chúng để cho mọi người tự do trong hai ngày liền không cưỡng bách một ai làm gì. Giai đoạn thứ hai này được coi là giai đoạn vuốt ve.

Bước sang giai đoạn thứ ba, chúng bắt đầu diệt chính và khủng bố.

Sau hai ngày để cho mọi người được tự do, ngày thứ ba, cán bộ Việt cộng đi từng nhà một gọi các cán bộ quốc gia và đồng bào đi họp và học tập. Một số đi học tập đã không thấy trở về nhà nữa. Chúng đã lần lượt thủ tiêu các thành phần công chức, quân nhân, cảnh sát và dân chúng có tinh thần quốc gia. Những nạn nhân này không hề hay biết trước giờ định mệnh. Chính học đã phải tự đào lấy hố chôn mình do Việt cộng viện cớ để ẩn núp máy bay ném bom. Đêm đến, họ bị giết hoặc bị trói rồi bị Việt cộng xô xuống những cái hầm do chính mình đã đào trước đó.

Riêng số người bị Việt cộng bắt và bị giết ở vùng ngoại ô có tới trên dưới 1000. Những người bị giết đều là công chức, quân nhân, cảnh sát hoặc những người vì tư thù tư oán do những xáo trộn chính trị tại Huế trước kia. Người ta tìm thấy rải rác khắp nơi những hầm chôn người nhiều nhất ở trường Trung học Gia Hội, chùa Tăng Quang tự, Bãi Dâu (30 hầm) và lăng Tự Đức (20 hầm). Những xác đào lên đã cho thấy những người bạc phước ấy bị giết một cách vô cùng dã man như bị chặt đầu, chặt tay trước khi chôn hoặc bị chôn sống trói cột lại từng chùm từ 10 đến 15 người xô xuống hầm rồi lấp đất.

Trong các vụ chôn sống và sát hại dã man có cả các giáo sư Đại học Tây Đức dạy ở Y khoa Đại học Huế. Đó là bác sĩ Raimund Discher và bác sĩ Alois Alterkoster. Các giáo sư Tây Đức sang Việt Nam với tư cách đại diện của một quốc gia thân hữu trợ giúp đại diện của một quốc gia thân hữu trợ giúp cho Việt Nam Cộng Hòa về phương diện kỹ thuật khoa học. Những vị này bị bắt sáng 31.2.1968.

 

Khi chúng đột nhập cư xá Đại học Huế, Việt cộng không bắt các giáo sư Đại học người Việt Nam có lẽ chúng do dự muốn lấy lòng vị chủ tịch mặt trận chính trị Trị Thiên là Lê văn Hảo chẳng phải ai xa lạ cũng là một giáo sư Đại học. Mãi tới tháng 4/1968 người ta mới khám phá được hầm chôn chung các giáo sư Tây Đức và bà Krainich. Sự tiêu diệt này làm cả thế giới chấn động và công phẫn. Người ta không ngờ Việt cộgn lại tàn bạo và dã man đến nỗi sát hại cả những người chỉ lo phục vụ cho tình thương và nhân loại mà họ không gớm tay.

Qua những vụ cuồng sát của Việt cộng này, dư luận và báo chí quốc tế không ngớt lên tiếng kết án. Tờ Times tại Luân Đôn đăng trang đầu với hàng chữ lớn nhan đề chính sách hành quyết tập thể đã được xác nhận trong những hố chôn tập thể tại Huế trong đó ký giả Stewart Harris đã cực lực phản đối. Tuần báo Minute của Pháp do ký giả Yvesgautron viết, cũng cho rằng bất cứ ai ai cũng không thể tha thứ được hành vi man rợ của Việt cộng đã sát hại những dân vô tội tại Huế. Tại Pháp, để phản đối thanh niên Pháp ở Balê đã tổ chức một cuộc biểu tình tại công trường Ternes lên án các hành động dã man của Việt cộng tại Huế.

Về phía nhân vật Việt Nam có những giới chức sau đây bị giết:

- Ông Trần đình Phượng phó thị trưởng Huế bị hạ sát ngay trước cửa nhà, mãi 8 ngày sau mới được tạm chôn ở vỉa hè trước cửa nhà ông

- Thiếu tá Trần Hữu Bào phó nội an Thừa Thiên

- Thiếu tá Bửu Thạnh ủy viên chánh phủ tòa án mặt trận

Bị bắt mất tích:

- Ông Nguyễn Khoa Hoàng chánh án phòng tòa Thượng thẩm Huế cùng con trai lớn là luật sư. Ông Hoàng bị bắt sáng mồng 2 Tết, người con năn nỉ chúng bắt đi theo luôn.

Bị thương:

- Thiếu tá Bào, Tiểu khu phó. Ông bị thương khi địch tấn công vào bộ Chỉ huy Tiểu khu lúc 03 giờ ngày 31.1.1968.

Qua câu chuyện của người dân Huế thuật lại lúc ban đầu Việt cộng cố gây cảm tình với dân chúng nào là giữ bộ đội không xâm phạm vào của cải, nào là lo tiếp tế thực phẩm cho đồng bào. Người ta kể lại rằng ngày mồng 3 Tết, Việt cộng lấy quân xa cuẩt, phá kho gạo của thị xã, rồi mang tới của mỗi nhà dân chúng một bao gạo gọi là món quà của quân giải phóng tiếp tế cho đồng bào. Việc làm này chỉ có tính cách tượng trưng thôi nhưng sau đó nhiều người dân cũng dạn dĩ không sợ hãi chúng lắm.

Nhưng qua hành động cuồng sát tập thể kể trên gây cho không mấy gia đình thoát khỏi mất người thân yêu, người dân Huế mới học hỏi được một kinh nghiệm quý báu về thực chất khát máu của Cộng sản. Lúc đó họ mới tỉnh ngộ là những gì ngọt ngào ve vuốt của Cộng sản chỉ là dối trá và thủ đoạn và người quốc gia bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng không thể kết ngẫu hợp tác với Cộng sản được.

Qua những ngày đầu của cuộc binh biến mới được chấm dứt tại Huế, dưới bầu trời ảm đạm và rét mướt, cảnh vật cố đô điêu tàn với những đổ phá, lại tang thương hơn với những người dân gầy ngơ ngác mà phần đông đều quấn vành khăn tang.

Người ta còn lo rằng dân Huế sẽ thiếu gạo đói ăn vì các ngã đường Huế tiếp tế chưa khai thông, cầu không vận bị hạn chế bởi mây mù không chuyển vận được điều hòa.

Nhưng thực sự dân chúng không thiếu gạo đói ăn vì các ngã đường tiếp tế chưa khai thông, cầu không vận bị hạn chế bởi mây mù không chuyển vận được điều hòa.

Nhưng thực sự dân chúng không thiếu gạo vì nhà chỉ bị phá đổ không bị cháy, nên gạo dự trữ trong nhà vẫn còn tại đó. Cũng chuyện gạo, dân chúng Huế đồn đãi đến một chuyện mờ ám của chánh quyền địa phương có ý ám chỉ tới giới chức cầm đầu thị xã này. Họ cho rằng chánh quyền địa phương đã cho giải tỏa ba kho gạo: Hai kho của tỉnh và một kho của nhà buôn Viễn Đệ để dân chúng mạnh ai người nấy lấy, người có kẻ không. Phương thức cấp phát lờ mờ này là cơ hội để xí xóa những chuyện mờ ám. Đây là một dư luận có trong quần chúng địa phương vào đầu tháng 3/68 do phái đoàn nghiên cứu quân sử tới thị sát nơi này ghi nhận chắc sau này chánh quyền đã có dịp biện bạch. Chung quy cũng để nói lên rằng người dân Huế quá đau khổ cần phải bộc lộ tất cả những gì mà họ còn bực tức.

Ngoài gạo, các thứ thực phẩm và nhu yếu khác hết sức khan hiếm. Tại các hè phố, chỉ thấy mấy loại đồ hộp thuộc phần ăn C của binh lính đồng minh. Các tiệm thuốc Tây bán rất chạy và cũng tự động tăng giá làm mọi người cũng phải ngạc nhiên về tinh thần chợ đen của mấy ông lang Tây trước cảnh thống khổ của đồng bào coi tiền bạc trọng hơn lương tâm của người trí thức. Người dân Huế cũng thương tiếc trước cái chết của gia đình Trung úy Y sĩ Nguyễn Xuân Lang cùng vợ là dược sĩ Tôn Nữ Ái Quỳ và hai con đều bị chết. Bác sĩ Lang có phòng mạch tại đường Phan Bội Châu. Bà Ái Quỳ có tiệm thuốc Tây cũng ở Huế. Vào ngày đầu biến loạn, hai vợ chồng ông cùng các con chạy khỏi căn nhà ở đường Phan Bội Châu định sang khu hữu ngạn, khi đến đường Trần Hưng Đạo thời bị lạc đạn cũng chết. Căn nhà ông ở đường Phan Bội Châu còn nguyên vẹn. Người ta bảo rằng nếu gia đình ông ở lại vị tất đã bị nạn.

Tai nạn ăn cắp cũng trầm trọng. Các nhà vắng chủ đều bị vét sạch đồ. Người ta bảo rằng chính dân chiến nạn lấy của nhau. Người này mất đồ lại đi kiếm đồ khác để tạm dùng trong lúc thiếu thốn. Cho nên người ta lấy làm lạ nhìn những khu phố đổ nát không có người, nhà nào cũng mang trước cửa hàng chữ bằng phấn hay bằng mực "nhà đã có chủ" hay "nhà có chủ" hầu để ngăn ngừa các sự ra vào tự nhiên của những người khác.

Sau vụ tổng công kích, Huế bị tàn phá tới 80% nhà cửa.

Khu Đại nội rộng 1/4 dặm bị thiệt hại khá nặng. Hai bên nóc cửa Ngọ Môn bị pháo kích trúng gẫy cả cột xiêu cả mái ngói. Chiếc ngai vàng trong Đại nội tuy còn nguyên vẹn, nhưng đồ vật xung quanh đổ nát. Các hoành phi trướng đối đều bị hư hại rách nát dưới đống gạch ngói. Các trống chóe của các đời vua hầu như bị vỡ hết do tiếng dội cùng các mảnh đạn của bích kích pháo. Thành nội với một chiều dài 2 cây số rưỡi kể như hoàn toàn bị tàn phá. Khu đường Nguyễn Thành chỉ còn là một đống gạch vụn. Bức tường thành kiên cố bao quanh cũng bị đổ vỡ nhiều chỗ.

Nhiều thường dân đã bị chết và bị thương trong biến cố. Tổng số thiệt hại về nhà cửa và nhân mạng (thường dân) được ghi nhận qua bản thống kê của thị xã Huế như sau:

Khu vực hành chánh - Quận 1 (thành nội): 378 người chết, 411 người bị thương

Khu vực hành chánh - Quận 2 (tả ngạn): 400 người chết, 162 người bị thương

Khu vực hành chánh - Quận 3 (hữu ngạn): 166 người chết, 211 người bị thương

Các cầu trong thành phố cũng bị hư đến 60%:

- Cầu An Cựu phải làm lại thành 2 cầu (1 nổi)

- Cầu Kho Rèn sập hẳn

- Cầu Phú Cam bị hư phải phá đi để xây lại

- Cầu Nam Giao sập hẳn

- Cầu Ga hư nhẹ đã sửa lại

- Cầu Bạch Hổ gãy nhịp đầu sát bờ đất sửa đi lại được

- Cầu Gia Hội bị thủng đã sửa xong

- Cầu Kim Long sập hẳn đã xây lại

- Cầu Tràng Tiền gãy ở giữa phải làm cầu nổi 2 bên để dùng cho khách bộ hành

 

.

No comments:

Post a Comment