Tài liệu trích từ sách "Cuộc Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa của Việt Cộng Mâu Thân 1968".
Chủ biên: Trung tá Phạm văn Sơn, Trưởng khối Quân sử/P5.TTM
Link Phần 2:
https://mauaotran.blogspot.com/2021/02/hue-phan-2-trung-ta-pham-van-son.html
oOo
Phần 3
Toàn thể Thành nội nhìn trên bản đồ diện tích ước vào khoảng 10 cây số vuông. Không kế quân số ở Khu A và Khu B tại ba khu đang tranh chấp với địch là các Khu C,D,F, lực lượng liên quân Việt Mỹ gồm tất cả 7 Tiểu đoàn.
Ký giả Nguyễn Tú ngày 14-2-1968 đã theo Chiến đoàn a TQLC/VN tham dự cuộc hành quân Song Thân 739/68 trong giờ phút đầu. Ông đã mô tả một vài hình ảnh oai hùng của các chiến sĩ mũ xanh trong trận đánh này như sau:
Chiến đoàn A TQLC chia làm 2 cánh quân:
Cánh thứ nhất là Tiểu đoàn 1 do Thiếu tá Phan văn Thắng chỉ huy. Cánh thứ hai là Tiểu đoàn 5 do Thiếu tá Phạm văn Nhã chỉ huy. Mục tiêu đầu tiên là tiến tới trại Cao Thắng của Đại đội 1 Quân cụ làm căn cứ tiền tuyến. Trại này đã được hơn 80 quân nhân cố thủ từ 15 ngày nay dưới quyền chỉ huy của Đại úy Trần Kim Huê và Trung úy Nguyễn văn Cáp mới tiết lộ cho biết kho Quân cụ này rất quan trọng vì tồn kho rất nhiều vũ khí, đạn dược, đủ loại kể cả gần 1400 súng M16 là súng tối tân nhất của Mỹ hiện nay.
Trung úy Cáp thêm rằng nếu địch mà chiếm được kho súng đạn này thì thật là "một đại họa". Bây giờ thì Đại úy Huê và Trung úy Cáp vững dạ hơn: Số vũ khí, đạn dược đã được di tản đi nơi khác. Hai ông còn tỏ vẻ hết sức vui mừng khi đón tiếp Chiến đoàn A TQLC/VN: Từ 15 hôm nay chúng tôi đi cô lập với hậu tuyến. Anh em chúng tôi bị cô lập với hậu tuyến. Anh em chúng tôi hết sức hoan nghênh. Gia đình của hai ông đều thất tán, tới nay chưa có tin tức gì. Sau khi hỏi thăm Đại đội 1 Quân cụ, Thiếu tá Thông ra lệnh phản công.
Tiểu đoàn 5 của Thiếu tá Phạm văn Nhã tiến sang phía Tây rồi đánh dọc theo đường Tôn Thất Thiệp xuống phía Nam, giải tỏa cửa Hữu ở phía Tây Nam thành và cửa Sập ở phía Nam thành. Tiểu đoàn 1 của Thiếu tá Phan văn Thắng thì tiến ở phía Đông khu F đánh dọc theo đường Lê Huân xuống phía Nam thành. Hai cánh quân sẽ gặp nhau ở cửa Sập rồi từ đó sẽ bắt tay với Tiểu đoàn 1/5 TQLC Hoa kỳ đang hành quân trong Khu D.
Nhà báo chọn Tiểu đoàn 1 bằng cách tự ý rút thăm vụ xin đi với Đại đội tiền thám. Thiếu tá Thông ngần ngừ: "Tôi không muốn có nhà báo nào chết khi theo Chiến đoàn tôi". Rồi ông thêm, hóm hỉnh, cợt đùa: "Nhà báo chết là nhà báo vô ích! Lấy ai thuật lại cuộc giao tranh của anh em chiến đoàn?" Nhưng rồi ông cũng chiều ý tôi. Ông gọi trong máy truyền tin: Bốn đây phải không? Cho một thằng con về đón một... thằng con lên... "Thằng con lên" là tôi. Trong ngữ vựng của các đơn vị đang lâm chiến danh từ "thằng con" không có chi là khinh thị, trái lại nó rất nặng tình chiến hữu. Mười lăm phút sau tôi theo chân một anh lính TQLC lên tiền tuyến. Dọc đường, dưới mương, bên gốc cây, sau những bức tường nhà đổ sập, trong vườn, dưới hố, các binh sĩ TQLC ẩn nấp nhan nhãn, súng sẵn sàng nhả đạn.
Đại đội 4 do Trung úy Nguyễn Xuân Tòng chỉ huy là Đại đội tiền thám của Tiểu đoàn 1. Tôi gặp Trung úy Tòng đang ngồi sau một bờ tường nhìn bản đồ. Ông chỉ cho tôi biết hướng tiến quân: "Địch đang ẩn trong ngôi chùa cách trước mặt ta 30 thước và trong nhà trường bên trái ta cách đó 60 thước. Ông vừa dứt lời thì một loạt "tắc tắc tắc" bay xẹt ngang đầu làm chúng tôi phải khom lưng xuống. Liền lúc đó một tiếng nổ ầm sau chỗ chúng tôi đứng cách chúng tôi chưa đầy 10 thước. Bùn, đất, gạch, có miềng gang như được ai vốc lên rồi hất rào rào xuống đầu chúng tôi. Lúc đó tôi mới chịu cái công hiệu của chiếc mũ sắt mà tôi vẫn chê là "gông đeo cổ".
Mặt mũi lem luốc, Trung úy Tòng hỏi mấy anh binh vác máy truyền tin ngồi kế bên: "Thằng nào gọi yểm trợ đấy?" Ba anh truyền tin kia lắc đầu cùng trả lời: Không, Trung úy! Ông Tòng chộp lấy ống nghe hỏi Bộ chỉ huy. Bộ chỉ huy cũng trả lời "không". Ông quay sang tôi: Chính tụi nó "nã" mình đấy ông ạ.Rồi ông nói thêm vào máy truyền tin:"Cho mượn vài "con cua" được không? Tụi nó "nã" rốc két vào tụi tôi! Có tiếng trả lời trong máy: Rồi! Ba cua đủ chưa? "Ba, thì tốt quá". Đại đội 4 bây giờ nằm yên không ai bắn một phát, độ 3 phút sau, không biết ẩn từ đâu, ba xe tăng cỡ đại chia làm 3 ngã rầm rộ tiến lên. Đại bác của 3 xe tăng cũng một loạt khai hỏa làm inh tai, nhức óc. Rồi hàng loạt băng đạn đại liên 50 nổ đùng đùng. Cành cây gẫy răng rắc, lá cây rơi tơi tả. Súng thời bắn mà tiếng dội còn vang lên trong buổi mai ủ rũ sương mù lạnh lẽo. Trung úy Tòng ra lệnh trong máy truyền tin cho một toán tiến chiếm ngôi chùa. Ba "con cua" được lệnh rút lui. Toán TQLC do Chuẩn úy Nhựt chỉ huy vừa tiến về phía chùa, vừa bắn. Súng M.16 của ta "tắc tắc" nổ, súng AK50 của địch tắc tắc đáp lại.
Ba mươi thước chạy ngoài bãi trống dưới họng súng địch dài bằng 3 cây số. Toán TQLC do Chuẩn úy Nhựt dẫn đầu, dàn hàng ngang cũng thoăn thoắt chạy. Bỗng có người xô mạnh tôi, quá mạnh làm tôi ngã lăn chiêng xuống đất, chiếc mũ sắt bị hất khỏi đầu, lăn lông lốc cách tôi vài thước. Cỏ ướt đẫm sương mai làm mát vừng trán nóng hổi. Tôi xây lưng nằm nghiêng, nhìn về phía bên trái. Một anh lính TQLC đang nằm sấp trên bãi cỏ, quay đầu lại toét hàm răng trắng nhởn cười tình, dơ ngón tay trỏ co vào, duỗi ra vài lần rồi chỉ về một phía. Lúc đó tối mới hiểu rõ là anh đã nhanh mắt nhìn thấy một họng súng địch hướng về phía chúng tôi đang chạy và anh đã xô cho tôi ngã trước khi chính anh bổ nhào xuống đất để tránh làn đạn địch. Tôi dơ bàn tay chào ra hiệu cám ơn. Anh lính nháy tôi một cái rồi lấy tay vỗ vào nón sắt của anh ta. Tôi chợt hiểu vội lết tới chỗ mũ sắt của tôi vớt lấy rồi chụp lên đầu. Tôi nhìn quanh tìm chỗ núp. Chỉ có một cây đu đủ nhỏ, thân cây không to quá bắp chân của tôi. Nhưng trước mối nguy của làn đạn địch, có lẽ thân cây sậy cũng được coi to hơn thân cây cổ thụ nữa là thân cây đu đủ. Ôm gọn chiếc máy hình trong lòng tôi cố gắng chuyển mình bò tới cây đu đủ. Từ bao nhiều năm chưa có lần nào tôi tập thể dục một cách nhanh nhẹn và đúng phương pháp đến thế! Gốc cây đu đủ thật chẳng khác nào cây sào đối với tên đang chết đuối "trên cạn" là tôi. Và tôi cũng tới được bên. Chưa kịp thở để ăn mừng, thì anh lính gần tôi hét "Tiến" . Trông thấy anh chồm dậy, tôi cũng bắt chước. Thấy anh chạy tôi cũng bắt chước chạy. Thấy anh chạy nhanh tôi cũng bắt chước cố chạy nhanh. Anh giơ súng lia một làn đạn. Tôi đưa máy hình lên bấm. Bị vướng mũ sắt, mắt không nhìn được vào cửa ngắm, tôi cũng bấm đạn. Tiếng tắc tắc của súng địch không nổ nữa.
Toán quân chưa tới 10 anh TQLC tản rộng hơn, bọc lấy hai bên chùa. Các anh cũng thôi bắn, nhưng vẫn chạy. Bức tường của chùa đâm sầm vào chúng tôi. Thế là thêm một mục tiêu đã chiếm được. Trong chùa đồi thờ tự ngổn ngang dưới đất. Vỏ đạn của địch quân rải rác những nơ chúng nấp bắn vào TQLC. Anh lính truyền tin báo cáo về cho Trung úy Tòng.
Mục tiêu sau là một ngôi trường. Giữa ngôi trường này với chùa lại có một căn nhà. Số địch quân vừa rút lui khỏi chùa chạy về căn nhà, thủ thế. Bây giờ thì lại phải thanh toán cùng một lúc cả căn nhà lẫn ngôi trường. Tôi đang dùng khăn lau ống kính thì bỗng tiếng phản lực cơ rú xẹt trên đầu, liền đó là một tiếng nổ ầm kinh thiên động địa. Bụi và ngói trên máy chùa thi nhau rơi lả tả, rào rào xuống nền nhà. Thì ra phản lực cơ đang oanh tạc những vị trí địch cách chúng tôi chắc chỉ vào khoảng 100 hay 150 thước. Một vài mảnh bom đã văng tới tận trong chùa đen sì và nóng bỏng như mới lấy ở trong lò đúc ra.
Trong năm phút chúng tôi ngồi co ro nép mình trong các xó chùa. Máy truyền tin lại hoạt động, mạnh, liên lạc với Bộ Chỉ huy để Bộ chỉ huy lại liên lạc với bạn. Không trợ báo cho phản lực cơ biết các mục tiêu bên ta đã chiếm được để khỏi oanh tạc nhầm. Đối với phản lực cơ mà tốc độ quá mau, chỉ một ly là đi không biết bao nhiêu dặm. Được cái là anh chàng phi công nào lái chiếc phản lực cơ đó "thiện chiến quá". Anh không oanh tạc nhầm lẫn nào cả. Và một lần dội bom là "vừa khít". Liền khi phản lực cơ rú xẹt trên đầu, toán TQLC lại chuẩn bị chờ lệnh tiến chiếm mục tiêu sau là cái nhà và ngôi trường. Qua máy truyền tin, tôi được nghe cọp lại là 1 toán TQLC khác đã dùng lựu đạn làm sập 1 căn hầm trong đó có chừng 15 tên địch bị giết chết. Tôi muốn chạy sang chỗ đó để chụp hình. Một anh lính TQLC của Đại đội 4 bảo tôi: Đừng đi như vậy nguy! Muốn tới chỗ đó ông phải chạy qua mặt chúng tôi và địch. Dễ ăn "kẹo" AK50 lắm đấy! Đợi chúng tôi "dọn sạch" cái nhà và ngôi trường, rồi ông qua bên đó cũng không muộn. Vả lại tụi nó bị chết dưới hầm sập thì ông chẳng chụp được gì đâu. Phải đợi xúc đất hầm lên mới thấy xác địch chứ! Thấy anh lính nói có lý, tôi chịu liền. Bỗng một anh kêu lớn: Chết cha! Chuẩn úy Nhựt chạy tiến trước, kìa. Nguy quá! Đã có lệnh đâu mà tiến?... "Anh chưa kịp nói thêm thì một tràng "tắc tắc" của địch quân nố dòn. Một bóng người ngã quỵ trên bãi đất trống cách chùa chừng 15 thước. Chuẩn úy Nhựt đã gục ngã trước đạn địch. Một vài anh lính định chạy ra đem xác Chuẩn úy Nhựt về mà không sao băng qua được lằn đạn ác nghiệt của địch. Qua máy truyền tin tôi nghe thấy Trung úy Tòng la lớn: "Trời ơi! Tôi đã bảo chiếm được chùa rồi, thì đợi đó. Sao lại tiến trước vậy? Khổ quá!
Rồi vẫn qua máy truyền tin tôi nghe thấy Trung úy Tòng báo cáo về Bộ chỉ huy giọng nghẹn ngào: "Tôi vừa mất một đứa con lớn. Chưa đem được về. Tôi sẽ cử toán khác đánh chiếm cái nhà và ngôi trường để anh em ở chùa đem đứa con về. Trên bệ gạch cao, đôi mắt "sắc, sắc, không, không" của Đức Phật hiền từ và bình thản chứng kiến sự đời. Bây giờ tiếng "tặc tặc" của hàng chục khẩu M.16 lại nổ ran. Mười lăm phút sau, thi hài của Chuẩn úy Nhựt được đem về trên chiếc "băng ca" có 4 binh sĩ khiêng. Nếu làn đạn bắn từ phía trước tới có lẽ ông chỉ bị thương vì nhờ mặc áo giáp. Nhưng địch lại bắn từ bên hông nên làn đạn trúng nách phía phải và đâm vào tim nên ông đã từ trần. Ông trông còn trẻ măng. Lúc chết nét mặt ông bình thản đôi mắt ông nhắm nghiền, tay chân buông xuôi một cách tự nhiên không co quắp.
Có ai đã lấy 1 "pông sô" phủ lên người ông. Một anh lính bảo tôi: Chuẩn úy Nhựt hăng lắm. Bao giờ cũng tiến trước mọi người nhiều khi không kể gì đến tiêu lệnh. Ông có biết không, Đại đội 4 của chúng tôi trong trận Cai Lậy đã diệt được nhiều địch nhất, tịch thu được nhiều súng nhất: 95 khẩu đủ loại. Vô tình anh đã đọc một bài điếu văn rất giản dị, rất đơn sơ, rất mộc mạc, mà biết bao giá trị và ý nghĩa! Tôi thẩn thờ bước theo chiếc băng ca cùng với một binh sĩ khác khoác thêm trên vai khẩu súng M.16 của Chuẩn úy Nhựt.
Gần chỗ cỏ xanh loang máu đỏ lẫn với bùn, nơi Chuẩn úy Nhựt vừa gục ngã cho công cuộc giải phóng Thành nội, một chiếc mũ sắt nằm trơ, mở một mắt độc nhất thao láo nhìn bầu trời vẩn mây xám, mưa phùn và gió bão.
Tôi không biết có phải là mũ của Chuẩn úy Nhựt không. Tôi cúi xuống nhặt. Trên nền vải bọc ngoài đã bạc mầu đấu tranh có vẽ hình cây lá, mấy chữ ký trông rất phóng túng ngang tàng. Đặc biệt hai bên phía thái dương mũ sắt, hai giòng viết nguệch ngoạc từ lâu: "sống bên em, chết bên bạn". Vô tình, giòng chữ viết chơi kia đối với tôi, lúc đó đã trở nên một khẩu hiệu nặng nghĩa hy sinh âm thầm, lặng lẽ nhất của Đại đội 4, của Tiểu đoàn 1, của cả Chiến đoàn A TQLC/VN.
Một chiến sĩ đã ngã gục. Một chiến sĩ khác lên thế chỗ. Cuộc giao tranh lại tiếp diễn, ác liệt, từng căn phố, từng khu vườn, từng khúc đường, từng bãi trống.
(XIN XEM TIẾP PHẦN 4)
.
No comments:
Post a Comment