Monday, February 1, 2021

TÌNH RỪNG (Heo yêu Meo) - Phan Ni Tấn

 

Đèo Âm-Rắc (M’drack) nằm trên Quốc lộ 21, cách Ban Mê Thuột khoảng 100km. Đoạn đèo dài 28km quanh co, đổ dốc hiểm trở, một bên là vách núi, một bên vực sâu, cỏ lau bạt ngàn, vào mùa mưa thường xẩy ra nhiều tai nạn. Tuyến đường từ Ninh Hòa lên Banmêthuột, ngoài đèo M'drack còn có đèo Dục Mỹ, đèo Dốc Cao và đèo Phượng Hoàng. Đứng trên đèo M'drack, tháng năm gió Lào thường thổi từng đợt vi vu trên đầm cỏ lau tạo thành những dợn sóng trắng phếu đuổi nhau chạy miết đến hút tầm mắt về phía núi. Đặc biệt, cách đèo M’drack khoảng 20km ở hướng Tây Nam có một buôn Thượng chỉ non chục nóc nhà sàn lụp xụp, được bao kín mít bởi cánh rừng già trăm năm. Đó là buôn Cho của sắc tộc M’dhur, một nhánh nhỏ của người Êđê. Buôn Cho nằm ẩn mình hun hút trong núi rừng trùng điệp nếu không có thảm cảnh chiến tranh thì cả đời chẳng ai héo lánh tới.

Đầu thập niên 1960, tuyến đường của quốc lộ 21 từ quận Phước An đi Ninh Hòa  thỉnh thoảng bị Việt Cộng đắp mô. Sau mùa mưa, phu lục lộ không kịp sửa chữa nên mặt đường càng gập ghềnh, bừa bộn, lồi lõm những ổ gà, ổ voi. Vào mùa mưa đường càng trơn trợt, lầy lội, nhiều xe bị lún sình, nằm ụ dọc đường. Nhất là đèo M'drack, Việt Cộng thường chận xe cộ lên xuống đòi nộp thuế mãi lộ, gạo, muối, cá khô và những vật dụng cần thiết. Trên tuyến đường này, thỉnh thoảng thầy trò thiếu úy Thân và binh nhất Quách Beo đi công tác Dục Mỹ, Nha Trang tiếp nhận các vật dụng quân cụ cần thiết.      

Binh nhất Quách Beo thuộc ban Quân xa Tiểu đoàn Quân Cụ Banmêthuột, là một thợ máy kiêm thợ mộc có tay nghề. Quách Beo tuy còn trẻ nhưng tướng tá vạm vỡ, đi đứng dềnh dàng như con gấu. Hàng ngày, ngoài công việc bảo trì, sửa chửa đủ loại xe nhà binh, rảnh rỗi anh còn lui cui cưa, bào, đục, đẽo, sơn phết doanh trại. Quê của Quách Beo ở miệt vùng Thất Sơn Châu Đốc, nơi có lắm truyền thuyềt huyền bí; sau một khóa huấn luyện tân binh quân dịch tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, Quách Beo chọn ngành Quân cụ tình nguyện lên tuốt cao nguyên miền Thượng lập thân. Nghe đồn anh có võ Thần quyền còn gọi là võ Bùa vì Quách Beo rất tự hào với chiếc nanh heo lúc nào cũng đeo trước ngực. Có điều anh chàng rất bảnh chọe. Cuối tuần là chặt láng. Áo quần tươm tất, nai nịt gọn gàng, xịt dầu thơm, tóc xức "bri-zăn-tin" khệnh khạng đi bát phố.

Tháng 5 năm 1957, trên đường đi công tác Dục Mỹ, thầy trò Quách Beo gặp phải cơn mưa tối tăm mặt mũi gần tới đèo M'drack mới tạnh hẳn. Đèo M'drack vừa dài vừa quanh co, nổi tiếng hiểm trở, dốc chuồi đến chóng mặt, gặp mưa đường càng trơn trợt nên anh tài xế giảm hẳn tốc độ, cẩn thận cho xe chạy thật chậm.

Đi công tác lúc nào cũng vậy, Quách Beo thường mang theo tấm nệm đặt sau sàn xe. Dọc đường ít khi gặp mưa, chàng tuổi trẻ hứng chí hát hò đã đời rồi dụi đầu xuống nệm ngủ thẳng cẳng. Lần này, sau khi mưa dứt hột Quách Beo khoan khoái vạch tấm bạt thò đầu ra, vươn vai phồng ngực thở hít khí núi, ngắm cảnh hoang liêu chập chờn những làn sương trắng mỏng như khói từ những khe núi phả xuống bao trùm ngọn đèo. Ở núi chiều xuống rất nhanh nên không còn bóng dáng xe cộ xuôi ngược.   

Đi được nửa đường đèo tới khúc quanh trơn trợt nguy hiểm nhất thì trời lại đổ mưa, thiếu úy Thân vội trấn an người tài xế. Có điều trong thời chiến, đôi khi số phận người lính cũng giống như khúc quanh của ngọn đèo, vốn nguy hiểm lại ẩn chứa nhưng bất trắc khôn lường. Mà thật vậy.

Anh tài xế rà thắng vừa cho xe áp sát vách núi quẹo khúc quanh thật gắt thì xe cán trúng mìn chôn bên đường, cùng lúc một luồng hơi nóng từ trên chóp núi bắn vụt xuống. Đúng là họa vô đơn chí. Chiếc GMC to lớn, kềnh càng làm vậy, chỉ cần một phát bazooka và trái mìn Việt Cộng quá đủ để nhấc bổng chiếc xe lên, xé banh từng mảnh bốc lửa ngùn ngụt xong ném tất cả ào xuống vực sâu.   

* * *

Nằm chết ngất dưới vực sâu không biết bao lâu, một ngày, hai ngày hay lâu hơn, binh nhất Quách Beo vẫn không chết. Có thể nhờ sức vóc trẻ trung khỏe mạnh hay nhờ nanh heo yểm bùa đeo trên cổ đã giúp Quách Beo thoát khỏi tay tử thần? Tuy  nhiên khi tỉnh dậy, anh thấy người vấy đầy máu, trán, ngực, cánh tay và đùi trái bị miểng cắt ngang dọc bầy nhầy những lằn dài, máu vẫn còn ri rỉ.

Quách Beo run rẩy ngóc đầu nhìn quanh quất không thấy người tài xế chỉ thấy thiếu úy Thân nằm bất động cạnh gốc cây dầu. Quách Beo cố trườn tới gần để rồi sởn cả tóc gáy. Khuôn mặt thiếu úy Thân bị cắt phăng mất phân nửa, óc bết nhầy nhụa lên tóc, máu từ trong con mắt còn lại mở trừng chảy thành dòng xuống cổ đọng thành vũng, đặc quánh, hai cánh tay và chân trái đứt lìa, ngực mở toang, ruột trào ra khỏi bụng thành một nùi nhuộm đỏ cả đám cỏ lau.  

Nhìn cảnh tượng hãi hùng trước mắt, Quách Beo cố sức bò ra khỏi vùng tử địa khoảng hai mươi thước, vừa chạm lối mòn luồn giữa đám cỏ tranh cao lút đầu thì kiệt sức. Trước lúc ngất đi anh loáng thoáng nghe như có tiếng chân người đạp cỏ tranh lào xào đi tới.

 

* * *

Ngót mười năm sau, năm 1967, binh nhất Quách Beo của mười năm trước đã trở thành người Thượng chính cống, mang tên Y Heo Mlô, gọi tắt là Heo, có vợ tên H'mái, người trong bản thường gọi là Meo, con gái của già làng. Sau hơn bốn tháng được đồng bào buôn Cho cứu chữa bằng lá thuốc và rễ cây rừng khó khăn lắm Quách Beo mới dần dà hồi phục, song anh mất hết ký ức. Quách Beo hoàn toàn không biết gì về quá khứ của mình chỉ mơ màng biết anh là Y Heo thuộc người của buôn Cho. Dù vậy, Quách Heo vẫn còn yếu, chân tay run rẩy không làm được việc gì ngoài việc bập bẹ học tiếng của người M'dhur do vợ anh dạy. Qua khuôn mặt đờ đẫn, mắt nhìn xa xăm, vơ dạy sao anh học vậy, như người máy. Dĩ nhiên, Quách Beo cũng không hề biết người vợ đã nhọc nhằn, kiên tâm nuôi anh từng muỗng cháo ngô, mớm từng chút nước suối, cố giằng co, níu kéo anh ra khỏi tay tử thần.

Từ đó, xuôi theo năm tháng dần qua Quách Beo tìm lại sự sống và sống bằng cuộc sống bình thường như người làng Cho mình trần, đóng khố, ngậm dọc tẩu. Từ việc ăn uống, làm rẫy, tỉa lúa, thu hoạch, nghỉ ngơi cho tới săn bắn, đặt bẫy, bắt cá…, anh đều khá thuần phục như người đàn ông M'dhur chính cống.

Và rồi cũng như bao trai làng khác, một ngày đẹp trời, Y Heo Mlô được người con gái thanh xuân để ngực trần, quấn yêng tên H'mái cưới về làm chồng. Người Êđê theo chế độ mẫu hệ, con gái tới tuổi cặp kê đi cưới chồng, người Thượng gọi là "bắt cái chồng", một tập tục dễ thương được lưu truyền từ ngàn đời đã trở nên tự nhiên đến bình thường. 

 

* * *

Cũng vào quãng thời gian này, một hôm toán thợ săn của ông Ba Lâu lần theo vết máu của con mãnh hổ bị ông Ba bắn cố chạy thoát thân về hướng Đông Bắc đèo M'drack. Mùa mưa, rừng ẩm ướt, trơn trợt gây trở ngại cho toán thợ săn đang ra sức truy lùng ác thú.

Thập niên 1960 không còn nhiều thú dữ như thời Pháp thuộc. Săn được cọp, tuy không ăn thịt, nhưng móng cọp, nanh, xương cọp và bộ da cọp rất quí giá. Cọp chết để da, người ta chết để tiếng là vậy. Chưa kể râu cọp dùng để chế thuốc độc.

Đang đội mưa rượt theo dấu vết mãnh thú, chợt cả toán không ai biểu ai đều nhất loạt khựng lại, ngồi thụp xuống, căng mắt nhìn về phía trước, lóng tai nghe. Theo ngọn gió Đông thổi về họ nghe trong mưa rả rích văng vẳng tiếng trẻ con hồn nhiên ca hát pha chút diễu cợt. Từ trong sâu thẳm của núi rừng hoang dại tự nhiên lại nổi lên âm thanh kỳ lạ, một loại âm thanh khúc khích của trẻ con dù có tính cách hồn nhiên nhưng nghe rất ma quái và man rợ. Hơn chục năm lăn lộn trong nghề săn bắn, ông Ba Lâu ít nhất cũng đã ba phen gặp phải ma rừng. Dù vậy, sau khi quan sát tình hình địa thế, ông khoát tay ra hiệu cho cả toán tiến về phía tiếng hát.

Họ men theo dòng suối, đi mãi xuống gần thung lũng. Trời đang ngã về chiều. Rừng như ngủ trong sương. Vừa xuống tới thung lũng toán thợ săn ngạc nhiên khi tận mắt nhìn thấy một buôn Thượng nghèo xơ nằm sụp trong cánh rừng rậm rập, âm u, nếu không tinh mắt không ai có thể trông thấy. Lúc này, không ai nghe thấy tiếng cười đùa của trẻ con nữa, nhưng hầu như ai cũng còn lạnh gáy. Đúng lúc đó, một nhóm người Thượng đi săn trở về. Họ cầm giáo mác và mang cung tên, hai người đi sau khiêng con nai chà khá lớn. Vừa nhìn thấy toán thợ săn, người Thượng đi đầu dừng lại quan sát giây lâu xong hỏi ngay: "Ba Lâu hả?".   

Nghe giọng khàn khàn, lơ lớ của người đàn ông Thượng, không riêng gì ông Ba Lâu, cả toán thợ săn đều giựt mình không ngờ nổi giữa chốn thâm sơn cùng cốc này lại có người Thượng biết nói tiếng Việt và nhận ra bạn cũ. Vững tâm ông Ba tới gần nhìn kỹ thì nhận ra ngay Y Xá, người bạn cùng đơn vị ngày xưa đã mất tích cả chục năm trước. Thì ra tiếng gọi thiêng liêng của Mẹ Núi đã kéo binh nhì "đơ-dèm-cùi-bắp" tên Y Xá… đào ngũ trở về với chốn sơn lâm huyền bí.

Bữa tiệc rừng do tù trưởng Y Xá mừng gặp lại bạn xưa khoản đãi lúc trời vừa sụp tối. Ngồi quanh đống lửa, chủ khách chào hỏi xôn xao, hỏi thăm nhau những chuyện thường ngày trong làng, chỗ này bàn bạc vế săn bắn, chỗ kia tâm sự vế múa màng, chỗ nọ tay bốc thức ăn, tay vít cần trúc cong xuống kê miệng lim dim hút rượu cần.

Ngồi hai bên thành hàng dài, có một anh thanh niên dáng người vạm vỡ, nước da đen xạm, luôn luôn ngồi im lặng, nét mặt lúc nào cũng đờ đẫn, có lúc ngơ ngác, đăm chiêu. Dù ở trần, đóng khố nhưng y không có nét gì là người sơn cước cả. Nhất là gương mặt sần sùi, dù nhuộm đầy mưa nắng vẫn phảng phất chút thành thị. Ông Ba Lâu nghĩ mãi vẫn không nhớ đã từng gặp người bạn trẻ này ở đâu. Đến lúc y chồm tới bốc miếng thịt nai, sợi dây dù đính nanh heo lủng lẳng bật ra, ông Ba mới giựt mình sực nhớ tới Quách Beo, anh binh nhất đã tử nạn trên đèo M'drack mươi năm trước. Tù trưởng Y Xá biết ý, sau bữa tiệc đã rì rầm kể cho ông Ba nghe về tình cảnh đáng thương của người thanh niên lực lưỡng mà lạc loài này.

Mỗi con người sinh ra đều có sẵn số phận khác nhau một cách lạ lùng. Như Quách Beo, sau tai nạn thảm khốc đã mất hết ký ức cũng là do phận số. Anh không hề biết mình từng là người Kinh bảnh chọe mang tên Quách Beo, chỉ trong phút chốc bị mệnh đời quái ác biến anh thành ngưởi sơn cước dưới cái tên mộc mạc Y Heo Mlô. Nhưng nghĩ cho cùng dù suốt đời sống trong trạng thái mơ màng anh Heo cũng biết yêu người vợ tên Meo của mình. Những lần đầu gối tay ấp, anh cũng biết thủ thỉ bên tai vợ: "Heo yêu Meo".

Thưa Quí bạn đọc. Câu chuyện kỳ lạ kể trên do ông Ba Lâu kể lại cho ba tôi, nhân lúc tôi từ mặt trận trở về ba tôi kể lại cho tôi nghe. Chuyện xẩy ra lâu rồi, nay tôi mạn phép viết ra đây để tưởng nhớ - dù muộn - những linh hồn đã khuất, đã trở về với cát bụi, với núi rừng hoang lạnh âm vu.

 Phan Ni Tấn

 

No comments:

Post a Comment