Friday, February 5, 2021

HUẾ - Phần 2 (Trung tá Phạm văn Sơn)

Tài liệu trích từ sách "Cuộc Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa của Việt Cộng Mâu Thân 1968".

Chủ biên: Trung tá Phạm văn Sơn, Trưởng khối Quân sử/P5.TTM

 Link Phần 1:

https://mauaotran.blogspot.com/2021/01/hue-trung-ta-pham-van-son.html

oOo

Phần 2


Ngày mồng 7 Tết, địch còn tấn công Tiểu đoàn 1 Công binh tại 1 cây số phía Nam Huế. Một Tiểu đòan của ta được đưa vào tăng cường cho Thành nội Huế.

Vào buổi chiều, lực lượng Hoa kỳ đã đẩy lui địch quân và tái chiếm một phần lớn khu vực hữu ngạn Việt cộng cố thủ tại khu trường Quốc học.

Vào 11 giờ 30 sáng ngày 9 Tết, được tăng cường thêm hai Tiểu đòan từ phía An Hòa Kim Long, địch mở một cuộc tấn công vào Tiểu đòan 4/3 trú đóng tại Chánh Tây, gây cho ta tử thương và thất lạc một số máy truyền tin, vũ khí khá quan trọng. Địch bỏ lại 7 xác chết. Cũng trong đêm 9 Tết tức 7-2-1968, địch giật mìn sập cầu Tràng Tiền. Cầu này có 6 vai và 12 nhịp, bị hư một vai.

Ngày 10 Tết, lực lượng Hoa kỳ chiếm lại tòa Đại biểu. Địch bám sát vào các khu: sân Vận động, ga xe lửa và Phú Cam. Một lực lượng TQLC Hoa kỳ đã 2 ngày liền chiếm đóng đầu đường Lê Lợi ngang viện Đại học Huế và trước mặt nhà Ga. Lực lượng hành quân ta trong khu vực tả ngạn không tiến được.

Đến ngày 9-2-1968 tức 11 Âm lịch, tại phía hữu ngạn sông Hương, lực lượng Hoa kỳ mới đẩy lui địch ra khỏi khu vực sân vận động, Phú Cam, nhà Ga. Địch phân tán mỏng và rút lui về phía Nam giao. Tính từ ngày 31-1-1968 đến ngày 9-2-1968, nghĩa là trong 10 ngày, tại hữu ngạn sông Hương, thiệt hại địch: 934 chết, 4 bị bắt, thu 307 súng đủ lọai. Thiệt hại Hoa kỳ: 31 tử thương, 201 bị thương nặng, 80 bị thương nhẹ.

Tòa Tỉnh qua đài phát thanh Huế đã ra thông cáo thiết quân luật 24/24, tuy nhiên lợi dụng cuộc chạm súng tương đối bớt ác liệt, nhiều dân chúng đã liều chạy về nhà cũ vội vàng thu nhập chăn mền, chiếu, gạo, nồi niêu, bát đĩa. Tại hữu ngạn có 2 Trung tâm tỵ nạn, một tại Dòng Chúa Cứu Thế và một tại trường Kiểu mẫu, một trại khác đã được tạo lập tại Phú Lương. Những trại tỵ nạn này được lập ngay từ khi quân lực Hoa kỳ mở cuộc phản công và họ giải tỏa đến đâu thời dân chúng được giải thóat đều đến tập trung tại các Trung tâm tỵ nạn. Những người tỵ nạn đều phải tự túc ăn uống nên mạnh ai người nấy đun nấu, thiếu củi họ chẻ cửa và bàn ghế ra để làm củi đun.

Đến ngày 10-2-1968 người ta mới bắt đâu thu lượm các xác chết Việt cộng và dân chúng nằm rải rác khắp các khu phố và trong những nhà đổ. Những xác chết này gây nên một mùi tử khí nặng nề. Người ta phải vội tạm chôn ngay tại bên đường, không thể dời mang ra nghĩa địa được. Để thanh toán những phần từ địch còn lẩn quất bám trong dân, Tiểu khu Thừa Thiên đã điều động một số binh sĩ địa phương quân của quận Hương Thủy và được xử dụng các khóa sinh của Trung tâm Huấn luyện Đống Đa tại Phú Bài để mở các cuộc hành quân lục soát và kiểm soát các khu phố được giải tỏa.

Hồi 16 giờ ngày 10-2-1968 lần đầu tiên từ khi cuộc giao tranh khởi diễn, một đơn vị TQLC Hoa kỳ được trực thăng vận tới tăng viện cho Tiểu đoàn 2/5 bên khu vực hữu ngạn sông Hương. Tuy thời tiết rất xấu, cuộc tăng viện bằng trực thăng vận đã được hoàn tất. Trong khi đó một đoàn TQLC khác được di chuyển bằng xe từ Phú Bài vào thành phố Huế. Các giới chức có thẩm quyền và dân chúng tại hữu ngạn sông Hương lạc quan khi tiếp nhận tin tăng viện này.

Cũng vào chiều ngày 10-2 một chiếc LCU của Hải thuyền Việt Nam đã cập bến trước trường Đại học Sư phạm chở các đồ tiếp tế từ Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 bên tả ngạn sông Hương sang hữu ngạn cho các cơ quan quân sự của Tiểu khu Thừa Thiên.

Phía Bắc sông Hương, lực lượng của ta gồm 3 Tiểu đoàn Nhảy dù và 4 Tiểu đoàn Bộ binh phải đối đầu với địch tử thủ trong công sự và nhà cửa. Gia Hội vẫn hoàn toàn do địch quân kiểm soát. Hai phần ba đường Phan Bội Châu cũng vậy. Trong Thành nội, quân ta tiến rất thận trọng vì địch quân chiếm được nhiều cao điểm. Cuộc hành quân lùng và diệt địch lại thêm phần khó khăn vì địch quân đều lẩn lút trong nhà dân chúng.

Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 đang đứng trước hai ngã. Một là thận trọng mà tiến cố gắng chiếm từng căn nhà để cố gắng bảo vệ tài sản và nhà cửa của đồng bào. Hai là quyết tâm đánh mau đánh mạnh thanh toán nhanh chóng những ổ địch và như vậy buộc dân chúng chấp nhận một hy sinh rất lớn lao.

Vào ngày 12-2 một đơn vị tiền thám của Chiến đoàn A Thủy quân lục chiến được trực thăng vận vào Thành nội.

Cùng với cuộc trực thăng vận này hồi 18 giờ một đơn vị TQLC Hoa kỳ đã băng qua sông Hương sang bên tả ngạn cập bến Bảo Vinh vào Thành nội qua cổng hậu. Sáng ngày 13-2, TQLC Mỹ tiếp tục đổ bộ lên bến Bảo Vinh. Đó là lần đầu tiên từ ngày khởi sự cuộc giao tranh tại Huế, TQLC Mỹ nhập Thành nội tăng cường cho quân đội VNCH. Dân chúng có vẻ rất lạc quan .

Trong khi đó Lai Chữ, một địa điểm ở phía Tây Bắc ngoài Thành nội Huế bị pháo binh và phản lực cơ liên tiếp oanh kích. Nơi đây được coi là điểm tập trung lực lượng và Bộ chỉ huy của địch quân. Cuộc chạm súng với địch trong Thành nội hết sức lẻ tẻ.

Nhiều đoàn di cư đã tự tìm cách di tản về những vùng an ninh hơn. Miền Tây Lộc Tây Linh và vùng phụ cận. Mang Cá hiện đang là những điểm tập trung của một số tỵ nạn mỗi ngày một đông. Cả hai bên hữu ngạn và tả ngạn sông Hương đều thiếu cán bộ mọi ngành vì bị thất tán hoặc mất tích hoặc đã chết hay bị địch hạ sát. Nên hành chánh ở đây đã bị hoàn toàn xáo trộn.

Ngày 13-2 tức rằm Tháng Giêng Mậu Thân, lần đầu tiên từ 15 ngày qua, mưa phùn đã tạm hết sau một đêm tầm tã, gió bấc đã bớt lạnh lùng và hơn mọi điều nào khác, lần đầu tiên từ 15 ngày nay mặt trời đã ló dạng.

Trên không phận cố đô Huế tuy mây xám chưa chịu nhường hẳn cho vòm trời xanh thẳm, nhiều đợt phi cơ đủ loại đã xuất hiện nhào lộn đem thêm một chút yên dạ cho quân dân Thành nội.

Cũng nhờ trời quang mây tạnh trong 3 ngày liền 14, rằm và 16 Âm lịch nên việc chuyển vận Chiến đoàn A TQLC/VN từ Saigon đến chiến trường Huế để thay thế cho Chiến đoàn Nhảy dù đã quá mệt mỏi được về lại Saigon nghỉ ngơi và bổ sung.

Chiến đoàn A TQCL được mang đến Phú Bài rồi từ đây di chuyển tới đầu tàu thuộc khu hữu ngạn gặp sông Hương dùng tàu vượt sông đổ bộ lên bến Bao Vinh. Hai trong 3 Tiểu đoàn TQLC đã đổ bộ an toàn vào Thành nội ngày 12-2-1968.

Chiến đoàn A TQLC do Thiếu tá Hoàng Thông chiến đoàn trưởng và Thiếu tá Lương chiến đoàn phó.

Vào sáng ngày 14-2, Tiểu đoàn 1 do Thiếu tá Phan văn Thắng chỉ huy và Tiểu đoàn 5 do Thiếu tá Phạm văn Nhã làm Tiểu đoàn trưởng bắt đầu xuất phát. Cuộc hành quân của Chiến đoàn A TQLC/VN tại chiến trường Huế nay được mệnh danh là "cuộc hành quân Sóng Thần 739/68", khởi diễn từ Thành nội. Cũng cần nói là Chiến đoàn A TQLC/VN trước khi ra Huế đã thắng Cộng quân tại Cai Lậy và dự trận càn quét địch quân tại Gò vấp khi địch mở cuộc tấn công thủ đô vào đầu năm Mậu Thân.

Cuộc hành quân giải tỏa Thành nội giai đoạn 2 được chia làm 5 khu vực ABCDEF.

KHU VỰC A:

Là góc Đông Bắc Thành nội gồm có Mang Cá Nhỏ và Mang Cá Lớn nơi đây Bộ Tư Lệnh của Sư đoàn 1 và Khu 11 Chiến thuật đặt bản doanh. Khu này hoàn toàn an ninh và do một vài đơn vị của Bộ Tư lậnh phòng vệ. Cửa hậu của Khu A này là cửa độc nhất của Bộ Tư lệnh liên lạc với bến Bao Vinh. Cửa này được coi là cuống họng của quân ta và đồng mình vì mọi tiếp vận đều qua ngã này, ngoại trừ không vận.

KHU VỰC B:

Là khu chính Đông. Tuy cửa Đông Ba vẫn do Cộng quân, trấn giữ trên thành cao, quân ta đã chiếm kiểm soát được khu này.

KHU VỰC C:

Là góc Tây Bắc Thành nội gồm phường Tây Lộc và Tây Linh do Trung đoàn 3 Bộ binh dưới quyền chỉ huy của Trung tá Phan Bá Hòa tảo thanh. Vùng nhà thờ Tây Linh là một nơi lánh cư đông đảo trong Thành nội. Khu này có cửa Chánh Tây vẫn do Cộng quân kiểm soát.

KHU VỰC D:

Giới hạn phía Bắc là đường Mai Thúc Loan đâm ra cửa Đông Ba, phía Đông đường Nguyễn Thành chạy dài bờ thành lớn phía Đông, phía Tây giáp bờ thành Đại nội, phía Nam là một phần đường Ông Ích Khiêm, nơi đây có cửa Thượng Tứ, khu D được giao cho Tiểu đoàn 1/5 TQLC Hoa kỳ đảm trách việc lùng và diệt địch. Tiểu đoàn này gồm 1000 quân tinh nhuệ, vũ khí tối tân, có cả trung và trọng pháo. Tiểu đoàn 1/5 đã được chuyển vận vào Thành nội trong 2 ngày 10 và 11-2-1968. Tiểu đoàn 1/5 TQLC Hoa kỳ từ khu Ba được coi là khu an toàn, tràn ngập đường Mai Thúc Loan rồi từ hai mũi phía Đông dọc theo đường Nguyễn Thành, phía Tây dọc theo đường Đinh Bộ Lĩnh đánh tốc xuống phía Nam bao vây địch vào giữa.

KHU VỰC E:

Là Đại nội vẫn bị Cộng quân chiếm giữ. Khu này có thể xem là một cứ điểm chiến thuật của địch vì từ trên bờ thành cao bao quanh 4 mặt Cộng quân đều đật các ổ thượng liên uy hiếp cản đường tiến của quân ta tại bốn phía. Khu này có cửa Ngọ Môn và Phú văn Lâu, Cộng quân đã trương cờ tại đây.

KHU VỰC F:

Là góc Tây Nam Thành nội do Chiến đoàn A TQLC/VN đảm trách lùng và diệt địch. Khu này gồm các phường Tri Vụ, Thuận Cát được giới hạn về phía Bắc bởi đường Triệu Quang Phục, phía Tây bởi đường Tôn thất Thiệp, có cửa Hữu, phía Đông bởi đường Lê Huân chạy song song với bộ Thành Tây cửa Đại nội, phía Nam bởi đường Trần bình Trọng có cửa nhà Đồ và cửa đi ra cầu Gia Viên tức cầu Bạch Hổ.

Như vậy cho ta thấy các khu C, D, F có thể coi là những khu vực đang tranh chấp. Riêng khu E là Đại nội vẫn hoàn toàn trong tay Cộng quân. Ngoài ra, các bộ thành cao về phía Tây, phía Đông Nam và phía Nam Thành nội vẫn bị Cộng quân trấn giữ.

 (XIN XEM TIẾP PHẦN 3)

 .

No comments:

Post a Comment