Friday, February 5, 2021

HUẾ - Phần 1 (Trung tá Phạm văn Sơn)

Tài liệu trích từ sách "Cuộc Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa của Việt Cộng Mâu Thân 1968".

Chủ biên: Trung tá Phạm văn Sơn, Trưởng khối Quân sử/P5.TTM

Soạn thảo: Thiếu tá Lê văn Dương

Hình ảnh: Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hạnh

Thực hiện: Trung tâm Ấn loát ấn phẩm

Viết xong: Tháng 8 năm 1968

oOo

 

Phần 1 

 

Trận đánh tại Huế đã kéo dài 26 ngày. Đây là một trận đánh thê thảm đầy chết chóc và đổ vỡ không những do các cuộc hành quân bắn phá mà con do các vụ thủ tiêu chôn sống hàng nghìn người dân vô tội của Việt cộng. Sau cơn khói lửa, người dân cố đô kinh hoàng như trong một cơn ác mộng. Cả một đô thành kiểm điểm quấn màu khăn tang trên các đường phố không một căn nhà nào không in vết tích của chiến tranh.

Nỗi thống khổ của người dân Thừa Thiên lên đến tột độ và là đề tài cho nhiều thiên phóng sự lâm ly trên các mặt báo. Trong tài liệu này, chúng tôi chỉ đề cập đến phần quân sự.

A. DIỄN TIẾN TỔNG QUÁT

Vào tối 30, thành phố Huế nhộn nhịp khác thường. Chợ Đông Ba đông chen chân không được. Những người tinh ý đều lấy làm lạ thấy nhiều người ở đâu mới lại đi rong chơi. Nhưng rồi cũng chẳng ai để ý và quan tâm đến một chuyện gì sẽ xảy ra với Huế.

Cũng như Saigon, Huế cũng có một hiện tượng tương tự về giá cả. Trước Tết hai tuần, mọi thứ hàng đều ế ẩm rẻ hơn lúc thường mà chẳng ai buồn mua, thế mà tới ngày áp Tết dân chúng tranh nhau đến mua khiến giá hàng cao lên vòn vọt.

Từ chiều 30 đến đêm Giao thừa qua ngày mồng 1, tiếng pháo nổ liên hồi, dân chúng lũ lượt đi lễ, đi chúc Tết lẫn nhau rất vui vẻ không có chuyện gì xảy ra.

Sáng mồng 1 Tết, Chuẩn tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh cùng toàn thể nhân viên thuộc Bộ Tư lệnh Sư đoàn đến dự lễ chào cờ đầu năm ở Phú Văn Lâu. Ngay sau đó, Chuẩn tướng được tin Quân đoàn cho biết Việt cộng trong đêm 30 Tết đã đột nhập tấn công hai thị xã Nha Trang và Qui Nhơn và cả Bộ Tư lệnh Quân đoàn I. Cắm trại được ban hành tức khắc, cho các đơn vị trực thuộc. Chính Chuẩn tướng cũng ngủ tại Bộ Tư lệnh Sư đoàn không về nhà. Đang say sưa với hương vị Tết, binh sĩ đồn trú vẫn không tin địch sẽ tấn công nên tuy vào trại nhưng vẫn cho là chuyện thường.

Vào đêm mồng 1 Tết, Huế đang im lìm trong giấc ngủ mệt nhọc của một ngày Tết nhộn nhịp, thời vào 2 giờ Việt cộng đồng loạt pháo kích vào Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1, Bộ chỉ huy Tiểu khu, trung tâm huấn luyện Đống Đa và vị trí của Thiết đoàn 7 Kỵ binh ở An Cựu.

Khoảng trên 100 trái cối 82 ly của địch đã bắn vào khu Mang Cá lớn. Cùng lúc đó, địch tấn công khu Mang Cá sau khi lọt qua được cửa An Hòa. Một cánh quân địch tiến đến sân bay Tây Lộc tấn công khu quân cụ của Đại đội 1 quân cụ bị lực lượng của ta bắn chận dữ dội. Một cánh quân tấn công cửa thành phía Tây dùng bộc phá tan cổng tràn vào nội thành.

Một đơn vị địch cỡ tiểu đoàn tấn công vị trí Bắc cầu An Hòa tới 3 giờ 20 mới chiếm được xong trận đánh vào làng An Hòa tưởng có một tiểu đoàn Nhảy dù của ta, nhưng thực ra Tiểu đoàn 2 Nhảy dù của ta đã di chuyển đi nơi khác từ hôm trước. Lực lượng tiến vào nội thành chia một số quân xuống chiếm cầu Bạch hổ, chiếm cầu này và phá một dịp cầu ở phía tả ngạn sông Hương.

Sau khi chiếm xong cửa An Hòa và cửa chánh Tây, Việt cộng dồn nỗ lực tấn công khu Mang Cá. Lực lượng phòng thủ từ trên các tầng lầu bắn xuống dữ dội khiến địch tiến không nổi.

Lực lượng địch đánh sân bay Tây Lộc bị rào kẽm gai ngăn cản nên chạy lạc sang đánh khu quân cụ. Đến 3g15 Việt cộng dốc toàn lực tấn công khu sân bay, đột nhập đốt kho đạn, kho xăng và khu nhân viên kỹ thuật , nhưng cả ngày hôm sau địch vẫn không chiếm được sân bay. Đêm đến, Việt cộng lại tấn công nữa, cuối cùng chiếm được khu đậu phi cơ. Sáng hôm sau, ta phản kích chiếm lại sân bay.

Cuộc chiến giữa địch và đại đội Thám báo của Sư đoàn 1 Bộ binh đã xảy ra dữ dội quanh khu Đại nội, cuối cùng vào 5 giờ sáng địch tràn ngập cả khu Đại nội và tới 8 giờ sáng chiếm được cột cờ treo lên một lá cờ giải phóng rất lớn.

Tới sáng mồng 2 Tết tại phía tả ngạn sông Hương, địch trà trộn vào nhiều khu phố và kiểm soát được Đại nội, chợ Đông Ba, cửa Thượng tứ, cửa Chánh Tâu và cửa An Hòa.

Tại hữu ngạn sông Hương, một cánh quân khác của địch phối hợp với thành đội Huế cũng làm chủ tình hình khá dễ dàng. Địch chỉ tràn ngập vào các khu dân chúng và bao vây cô lập tất cả các cứ điểm quân sự của ta. Tuy nhiên, địch đã thành công chiếm tất cả các cơ quan hành chánh trong đó có tòa hành chánh tỉnh Thừa Thiên, khu Đại học v...v... Riêng khu tứ giác MACV- Bộ chỉ huy Tiểu khu Thừa thiên, Đài phát thanh, trường Kiểu mẫu và cầu tàu hải quân giữ được nguyên vẹn từ đầu tới cuối.

Vào sáng mồng 2 Tết, để giải tỏa áp lực địch, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 điều động Tiểu đoàn 1 Nhảy dù từ Từ Hạ kéo về giải tỏa thành phố. Tiểu đoàn Dù trước hỏa lực rất mạnh của địch từ trong các nhà dân chúng bắn ra không sao xê dịch được nhất là trời xấu không có không quân yểm trợ. Tiểu đoàn 3/3 đóng tại chợ Nam Giao phản công cũng không giải tỏa được áp lực tại vùng này. Thiết đoàn 7 Kỵ binh đóng tại An Cựu được lệnh tiến sang Thành nội giải tỏa.

Cả buổi sáng Trung tá Phan Hữu Chí Thiết đoàn trưởng xuất trại 3 lần đều bị địch bắn cầm chân. Vào buổi trưa có đoàn xe Mỹ từ Phú Bài lên, nhân dịp này Trung tá Chí đích thân mang 3 chiến xa mở đường vào thành phố. Đoàn xe Mỹ vừa đi vừa bắn vào các ruộng mía hai bên đường và ngưng lại ở ngoại ô thành phố. Các thiết giáp chẳng ngại hiểm nguy cứ vọt lên nhưng khi vào thành phố tới gần Ty cảnh sát quốc gia vẫn do ta giữ, bất đồ xe ông bị B40 địch từ khu nhà phố bắn lén cháy và ông đã hy sinh.

Suốt cả ngày mồng 2 Tết, tình hình Huế rất hỗn tạp. Tất cả các cơ quan quân sự của ta đều giữ vững. Riêng phòng động viên ở sát cầu Bạch Hổ, trại cảnh sát dã chiến bị địch chiếm vì binh sĩ đồn trú quá ít bỏ chạy. Tuy nhiên các cơ quan quân sự này đều bị cô lập không thể liên lạc tiếp cứu lẫn nhau. Trại Lê Lai nơi đồn trú Đại đội 811 quân cụ sau vài ngày chống cự, bị cô lập hết đạn, binh sĩ phải bỏ chạy.

8 giờ sáng ngày mồng 3 Tết, Chiến đoàn 1 Nhảy dù gồm các Tiểu đoàn 2 và 7 cùng với Chi đoàn 3/7 thiết vận xa từ An Lỗ và Từ Hạ kéo về giải tỏa thành phố Huế. Bộ chỉ huy Chiến đoàn 1 và Tiểu đoàn 7 Nhảy dù mới được tăng cường từ Saigon tới Huế vào buổi trưa ngày mồng 2 Tết.

Địch nghênh chiến và nhiều cuộc chiến rất ác liệt đã xảy ra tại làng An Hòa và làng Đốc Xơ. Cuối cùng địch rút lui vào nội thành cố thủ.

Tại khu Mang Cá, khu quân cụ và sân bay, Việt cộng vẫn bám xiết. Địch đã mở một cuộc xung phong vào thành Mang Cá nơi trú đóng Bộ Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh. Một vài phần tử xung phong địch đã lọt vào khu đại đội quân y Sư đoàn và bị tiêu diệt. Nhiều bệnh binh và y tá điều dưỡng ta bị sát hại.

Sau nhiều ngày tác chiến với những đợt phản kích của ta có thiết vận xa, pháo binh và phi cơ yểm trợ, địch bỏ khu An Hòa, khu nhân viên kỹ thuật tại sân bay Tây Lộc rút về phòng thủ tại cửa Chánh Tây.

Trong khi các lực lượng của ta và địch kìm kẹp và dành đánh những trận quyết liệt, các khu phố dân sự lại bỏ ngõ cho địch thao túng để chúng dấy động lên những hoạt động chính trị trong suốt thời gian chiếm đóng. Việt cộng đã được tự do hành độnh và đi lại trong các khu phố trong ba ngày liền từ mồng 2 đến mồng 4 Tết không bị một phản ứng cụ thể nào của phía ta.

Khi Huế bị đánh, Hoa kỳ không có một lực lượng nào ở trong thành phố ngoài Bộ chỉ huy MACV ở ngay sát Bộ chỉ huy Tiểu khu Thừa Thiên. Mãi đến chiều mồng 3 Tết mới có một Đại đội Thủy quân lục chiến Hoa kỳ đầu tiên đến tăng cường cho Bộ chỉ huy MACV của họ. Lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa kỳ di chuyến từ phía Đông thành phố vào được chuyển vận, bằng tàu vượt sông Hương đổ bộ lên cầu tàu ngay cạnh trường Kiểu mẫu rồi từ đó di chuyển đến Bộ chỉ huy MACV khoảng 700 thước.

Liên tiếp trong 3 ngày mồng 3,4 và 5 Tết (1, 2 và 3-2-1968) Quân lực Hoa kỳ gồm 3 Đại đội Thủy quân lục chiến và 1 Chi đoàn thiết xa thuộc Sư đoàn 1 Thủy quân lục chiến đã được đưa vào khu vực hữu ngạn sông Hương và đặt căn cứ ở phía sau Bộ chỉ huy MACV để mở các cuộc hành quân giải tỏa.

Ngày mồng 4 Tết, Việt cộng tấn công Tiểu đoàn 1 Công binh tại một cây số phía Nam Huế và tiếp tục duy trì áp lực tại khu vực Tây Lộc, Thành nội, khu vực cột cờ, khu vực hành chánh và trường Đồng Khánh. Cũng trong đêm này, địch chiếm lao xá giải thoát khoảng 2000 can phạm đủ thành phần. Sự giải thoát các can nhân này gây thêm xáo trộn cho thành phố Huế. Các tù nhân được địch võ trang tăng thêm áp lực vào tất cả các khu phố chỉ điểm trả oán.

Đêm mồng 5 Tết, địch đốt một kho xăng quân sự tại chợ Dinh cách Huế 1 cây số về phía Đông Bắc, tại An Cư địch hoạt động lẻ tẻ xung quanh vị trí đóng quân của Tiểu đoàn 111 Vận tải.

Cũng cần nhắc lại trong những ngày đầu của cuộc binh biến, ông Tỉnh trưởng Thừa Thiên kiêm Thị trưởng Huế là Trung tá Phan văn Khoa đều vắng mặt. Người ta tưởng ông bị địch bắt giết, nhưng sự thực ông đã trốn thoát có lúc phải giả làm một bệnh nhân nằm trong bệnh viện.

Có thể nói là mãi đến mồng 5 Tết, quân ta mới bắt đầu thực sự phản công.

Quân lực ta và đồng minh đã phối trí lực lượng phản công như sau:

- Lực lượng Hoa kỳ gồm Tiểu đoàn 2/5 Thủy quân lục chiến có 3 Đại đội và một Chi đoàn chiến xa xuất phát từ cứ điểm MACV Thừa Thiên cộng với Chiến đoàn RAY gồm hai Đại đội TQLC Hoa kỳ xuất phát từ đầu cầu An Cựu. Các lực lượng này được phân công giải tỏa khu vực hữu ngạn sông Hương.

Lực lượng VNCH gồm Chiến đoàn 1 Nhảy dù với 3 Tiểu đoàn và 1 Chi đoàn thiết vận xa. Tiểu đoàn Nhảy dù 2 và 7 với Chi đoàn thiết vận xa xuất phát từ phía Bắc Thành nội tiến vào. Tiểu đoàn 9 Nhảy dù được trực thăng vận từ Quảng Trị đến thành Mang Cá vào chiều ngày mồng 4 Tết và xuất phát từ đây tiến vào Thành nội. Chiến đoàn dù còn được tăng cường thêm các đơn vị của Sư đoàn 1 Bộ Binh để giải tỏa khu vực tả ngạn sông Hương.

Ngoài ra, cũng cần kể đến một lực lượng khác nằm án ngữ ở phía Tây Bắc và Tây Nam của thành phố Huế. Đó là Sư đoàn 1 Không vận Hoa kỳ mới được đưa từ An Khê ra trước Tết để ứng phó với tình hình chiến sự tại Khe Sanh.

Trong ngày mồng 5 Tết, lực lượng hành quân của Việt Nam đã tái chiếm được một nửa sân bay Thành nội và cửa An Hòa. Trong trận này địch chết 77, mất 27 súng đủ loại. Ta thiệt hại nhẹ.

Trong ngày mồng 6 Tết tức 4-1-1968, tình hình không tiến triển. Địch lợi dụng các pháo đài cũ thiết lập từ thời Pháp cầm chân lực lượng bạn trong khu vực Thượng tứ và Kỳ đài.

Về phía tả ngạn, Tiểu đoàn 2/5 TQLC Hoa kỳ giải toả áp lực địch tại khu Đại học Huế và Bộ chỉ huy MACV. Hoa kỳ có chiến xa Ontos được trang bị 6 khẩu đại bác trên xe. Họ đánh mỗi ngày một đường phố, dùng hỏa lực chiến xe bắn vào các nhà trước khi tiến vào Đến gần tối, họ lại rút quân về đóng tại khu MACV. Đánh theo cách này, thành ra họ cứ tiến lên rồi lại lui về, do đó việc giải tỏa khu vực hữu ngạn sông Hương đã trì chậm và kéo dài trong nhiều ngày. Họ đã tận dụng hỏa lực hùng mạnh để tiêu diệt từng đám địch nhỏ và cũng nhằm tiêu diệt địch Tiểu đoàn 2/5 TQLC Hoa ky coi việc chiếm đất là thứ yếu. Trên thực tế các đơn vị của Tiểu đoan 2/5 TQLC Hoa kỳ đã giải tỏa được áp lực cho nhiều cơ sở quân sự và cho nhiều khu dân cư nhưng trên thực tế sau ít giờ chiếm đóng các đơn vị này lại rút lui nên địch quay lại bắn sẻ. Trong ngày mồng 6 Tết, tại phía hữu ngạn, địch quân vẫn chiếm khu hành chánh gồm tòa Đại biểu, dinh Tỉnh trưởng, lao xá và trường Khải Định. Ta còn có Duyên đoàn 12 Hải thuyền tuần tiểu trên sông Hương. Duyên đoàn trong ngày này bị súng cối Việt cộng pháo kích gây thiệt hại nhẹ. Thời tiết rất xấu hạn chế các hoạt động của không quân.

(XIN XEM TIẾP PHẦN 2)

 .

No comments:

Post a Comment