Bây giờ
là 6 giờ chiều ngày 29 tháng Tư năm 1975. Đó là buổi chiều cuối cùng tôi còn là
lính. Tôi được gọi lên gặp Hằng Minh (danh hiệu truyền tin của Tướng Tư lệnh Sư
đoàn).
Trước buổi trưa, chiến tuyến cuối cùng của VNCH là Trảng Bom (Biên Hòa). Lúc
này Long Bình đã là địa đầu chiến tuyến. Trước ngày 16.4, quân ta còn đánh nhau
với quân CSBV tại Phan Rang. Thời gian càng dài ra thì chiến tuyến càng thu
ngắn lại. Sau đó là Bình Thuận, Bình Tuy, rồi Xuân Lộc. Quân và dân Xuân Lộc đã
anh dũng chiến đấu suốt 12 ngày đêm, với quân số tương đương một sư đoàn, đã
chống đở thắng lợi 4 sư đoàn quân CSBV, đã tạo nên chiến tích thần kỳ. Nhưng
cuối cùng Xuân Lộc cũng bị bỏ ngỏ vào đêm 20 rạng ngày 21.4. Lực lượng trấn thủ
được lệnh lui binh về Biên Hòa lập phòng tuyến mới để bảo vệ Biên Hòa và Thủ đô
Sài Gòn.
Vào lúc quá trưa, cộng quân bắt đầu pháo kích kho đạn Long Bình. Những tiếng nổ
long trời lở đất, khói đen bốc lên ngùn ngụt, cao tận mây xanh. Từ buổi sáng,
phòng tuyến Trảng Bom đã vỡ. Một Tiểu đoàn của Trung đoàn 43BB bị địch quân
đông gấp bội, với chiến xa trợ chiến, đã tràn ngập vị trí. Vị Tiểu đoàn trưởng
được ghi nhận mất tích. Mất Trảng Bom, chiến tuyến cuối cùng của VNCH là Long
Bình.
Tôi dời Bộ chỉ huy Tiểu đoàn vào bên trong căn cứ, đặt tạm tại văn phòng của
Ban chỉ huy Đại đội Quân Cảnh Sư đoàn.
Khi Tiểu đoàn xuống núi (Núi Thị) để hành quân triệt thoái khỏi Xuân Lộc, quân
số khá đầy đủ, với hơn 500 tay súng. Nhưng vì là đơn vị sau cùng triệt thoái
khỏi mặt trận, một mình đơn độc, không có không quân và pháo binh yểm trợ, đạn
dược thiếu hụt, lại bị Sư đoàn 341/CSBV truy đuổi liên tục trong khu rừng rậm,
từ lâu vốn là căn cứ địa của VC, nên đã bị hao hụt rất nhiều. Vì lẽ đó, lần đầu
tiên đơn vị được giao một nhiệm vụ khá nhẹ nhàng là bảo vệ Bộ Tư lệnh Sư đoàn,
trong lúc các tiểu đoàn bạn phải lên tuyến đầu chống chọi với cộng quân tại
chiến tuyến Trảng Bom.
Lối 9 giờ sáng, Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn III kiêm Vùng 3 Chiến thuật bay trực thăng đến BTL/SĐ để gặp Tư lệnh các đại đơn vị: SĐ5, SĐ18, SĐ25, và Lữ đoàn 3 Xung kích. Nhưng hiện diện chỉ có hai tướng là Lê Minh Đảo, TL/SĐ18BB và Trần Quang Khôi, TL/LĐ3XK. Lúc này BTL/QĐ đã di chuyển về Sài Gòn. Sau cuộc họp mặt chớp nhoáng để ban chỉ thị giữ Biên Hòa, Tướng Toàn vội vả bay đi mà không bao giờ trở lại. Có lẽ đây là những chỉ thị cuối cùng trong tư cách là Tướng Tư lệnh Quân đoàn. Theo “Những Sự Thật Chiến Tranh Việt Nam 1954 – 1975” của các tác giả Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Đại tá Lê bá Khiếu, và Tiến sĩ Nguyễn Văn, thì vào một ngày của tháng 3.1975, Quân đoàn III được lệnh Bộ Tổng Tham Mưu, nghiên cứu bãi đổ bộ tại Phước Tuy cho hai Sư đoàn Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ khi hữu sự. Khi Tướng Dương Văn Minh nhậm chức Tổng Thống chiều ngày 28.4.1975, bận lo tổ chức nội các, lo hòa giải và hòa hợp với cộng sản, Tướng Toàn tìm mọi cách liên lạc với giới chức có thẩm quyền về việc liệu có việc đổ bộ của hai Sư đoàn TQLC Hoa Kỳ? Nhưng không gặp được ai. Sau khi họp mặt và ban lệnh cho hai Tướng Đảo và Khôi tại Long Bình là phải giữ Biên Hòa , Tướng Toàn bay về Gò Vấp. Sau đó bay ra Soái hạm Blue Ridge của Đệ Thất Hạm đội Mỹ, để yêu cầu xác nhận. Nhưng đó chỉ là “quả lừa.”
Cũng buổi sáng ngày 29.4, lối 8 giờ, trong lúc các đơn vị QLVNCH trên khắp các
mặt trận, Sư đoàn 5 tại Lai Khê, Sư đoàn 25 tại Củ Chi, Sư đoàn 18 tại Biên
Hòa, Sư đoàn 22 tại Bến Lức, và tại Vùng 4, quân sĩ của Thiếu tướng Nguyễn Khoa
Nam với các Sư đoàn 7, 9 và 21, đang anh dũng chiến đấu với quân thù, thì cựu
Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã bay ra Hạm đội 7 bằng trực thăng riêng Huey của mình.
Trước khi bay đi, Tướng Kỳ ghé lại Bộ Tổng Tham Mưu, tình cờ gặp Trung tướng
Ngô Quang Trưởng, và rủ rê cùng đi. Có nguồn tin cho rằng Tướng Kỳ mời Tướng
Trưởng bay về Miền Tây gặp Tướng Nam để bàn chuyện cứu nước. Nhưng trực thăng
đã trực chỉ ra biển đông. Được biết quân sĩ tại Vùng 4 đã tiếp tục chiến đấu
với quân thù, dù có lệnh buông súng của Dương Văn Minh. Họ chỉ buông súng tan
hàng sau khi nghe tin các Tướng chỉ huy của họ là Trần Văn Hai (TL/SĐ7BB), Lê
Văn Hưng (TLP/QĐ), và Nguyễn Khoa Nam (TL/QĐ) tuẩn tiết. Buổi chiều ngày 28.4,
tại xứ Tân Sa Châu thuộc quân Tân Bình, Tướng Kỳ nói chuyện với những người Bắc
Kỳ Di cư, những người đã một lần năm 1954, bỏ nhà bỏ cửa, bỏ ruộng vườn, bỏ nơi
chôn nhau cắt rốn, trốn chạy cộng sản vào Nam. Tướng Kỳ hô hào đoàn kết, cùng
nhau chiến đấu chống bọn CSBV xâm lược. Khi nghe Tướng Kỳ tâm sự rằng ông sẽ ở
lại chiến đấu cùng đồng bào đến giọt máu cuối cùng, ai ai cũng nức lòng. Ông
còn khôi hài rằng qua Mỹ sẽ không có “mắm tôm để ăn”. Đồng bào đã hoan hô Tướng
Kỳ hết mình. Một hy vọng mong manh đang nhen nhúm! Hay nói như cách nói qua lời
của một bài hát: “Có Tin Vui Giữa Mùa Tuyệt Vọng”.
Sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, bàn giao lại cho Phó Tổng thống
Trần Văn Hương, Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng BTTM/QLVNCH cũng
đệ đơn lên Tổng Thống Tân nhiệm xin nghỉ việc. Nhưng Tổng Thống Huơng vẫn lưu
nhiệm, và ông chỉ ký Sắc lệnh giải nhiệm Đại tướng Viên trước khi bàn giao chức
vụ Tổng Thống cho Tướng Dương Văn Minh. Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Tham Mưu
Trưởng BTTM kiêm Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận được cử thay thế. Nhưng
Tướng Khuyên cũng rời bỏ nhiệm sở buổi trưa ngày 29.4. Các Tướng có chức có
quyền bắt đầu rời bỏ nhiệm sở, tìm cách trốn chạy trước khi quân CSBV vào đến
Sài Gòn. Lúc đó tại Sài Gòn, vị sĩ quan cao cấp nhất và thâm niên là Trung
tướng Vĩnh Lộc, liền được Tổng thống Dương Văn Minh mời giữ chức TTMT đang bỏ
trống. Đồng thời cựu Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh (sau này được biết Hạnh đã bị
VC móc nối) được gọi tái ngũ, giữ chức Phụ tá TTMT cho Tướng Vĩnh Lộc. Vừa nhận
chức TTMT, Tướng Vĩnh Lộc triệu tập cuộc họp tại Bộ TTM, yêu cầu “mọi người
đừng bỏ đi, hãy ở lại để làm việc với tất cả trách nhiệm”. Tướng Vĩnh Lộc điện
thoại về Vùng 4, nói chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, bàn kế hoạch đưa
Chính phủ hoặc những nhân vật đầu não về Miền Tây. Dưới quyền của Tướng Nam,
còn nguyên vẹn các Sư đoàn 7, 9, 21, Không Quân, Hải Quân, lực luợng ĐPQ và NQ.
Tướng Lộc liên lạc với Tư lệnh Không Quân và Tư lệnh Hải Quân cùng lên đài Truyền
hình, nhưng không thực hiện được. Trong cố gắng cuối cùng, ông ban Nhật lệnh
kêu gọi quân sĩ tiếp tục chiến đấu, miệt thị đám tướng lãnh và sĩ quan bỏ ngũ,
rời nhiệm sở là “những con chuộc nhắt!” Nhưng lối 6 giờ sáng ngày 30.4, cùng
với Trung tướng Trần Văn Trung, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Chiến tranh Chính trị,
cũng đã tìm đường di tản, cũng làm “những con chuột nhắt”.
Lúc tôi đến căn phòng nhỏ nằm sát đàng sau Văn phòng Tư lệnh, Tướng Đảo đang
dùng cơm chiều. Ông ngồi đó, cô đơn, ăn cơm một mình. Một Trung úy Pilot ngồi
cạnh đang đọc báo. Các vị Đại tá, gồm Nguyễn Văn Mai, TLP/SĐ, Huỳnh Thao Lược,
TMT/SĐ, Hứa Yến Lến, TMP/HQ & TV, Dương Phún Sáng, Chánh Thanh Tra, đều
đứng. Không ai nói gì, chỉ im lặng. Không khí trầm lắng. Có lẽ các vị vừa họp
bàn xong. Đâu ngờ đây là cuộc họp cuối cùng của các vị. Trên khuôn mặt, ai ai
đều mang nặng nét ưu tư. Một lúc sau, các vị đều rời khỏi phòng đi đâu đó. Giờ
đây chỉ còn lại Tướng Đảo, viên Phi công trực thăng và tôi. Ông mời tôi dùng
cơm. Tôi từ chối. Ông khui chai rượu Tây mời uống. Khui hộp bánh Lubico mời ăn.
Tôi hỏi khẻ vị Trung úy:
- “Chỉ một mình anh thôi sao?”
- “Vâng, ông Tướng có thể làm co-pilot.”
Tướng Tư lệnh hỏi han tình hình của đơn vị, nhất là tinh thần quân sĩ. Tôi cứ
tình thật trình bày. Sau cuộc triệt thoái khỏi Xuân Lộc, là đơn vị rút ra cuối
cùng, phải đơn độc chiến đấu không có không quân và pháo binh yểm trợ, phải
chống chỏi trước một lực lượng địch đông gấp bội, bị thiệt hại nhiều, tinh thần
căn thẳng, thể xác rã rời, chưa lấy lại sức. Thật ra những người lính của tôi
đã chịu đựng quá nhiều. Là một trong những đơn vị có thành tích chiến đấu dũng
mãnh trong Sư đoàn, nhiều lần Tiểu đoàn tôi đã nhận lãnh những nhiệm vụ khá
nặng nề, và luôn luôn đã hoàn thành xuất sắc. Vì lẽ đó, con số thương vong
thường cao. Nhưng người lính QLVNCH vẫn “xem Thái sơn nhẹ tựa hồng mao!” Vào
những ngày như những ngày hôm nay, những ngày của giờ thứ 25 cuộc chiến, đơn vị
nằm sát đuờng Quốc lộ, chứng kiến hàng đoàn người dân di tản, và tin tức lan
truyền từ Sài Gòn, rằng đã có nhiều người bỏ nước ra đi, trong đó không ít các
tướng lãnh và sĩ quan cao cấp. Con đường QL1 từ Kẻ Sặt đến cầu Đồng Nai, đi
ngang qua BTL/SĐBB từ mấy ngày qua trở nên chật hẹp. Người nguời gồng gánh, xe
ba-gác, xe lam, xe ngựa, xe trâu, xe bò, và xe vận tải, chất đầy người và hành
lý, vội vàng xuôi về Sài Gòn. Hình như Sài Gòn là nơi mà mọi người dân tị nạn
chiến cuộc có thể nương náu an toàn. Tình hình xáo động. Người lính chiến từ
nhiều tháng nay không có tin tức gì về gia đình. Nhưng “Việc công là trọng,
niềm tây sá nào”. Quân sĩ của tôi, hầu hết vẫn ở lại chiến đấu. Tinh thần không
nao núng! Dù là chiến đấu một cách vô vọng! Họ ở lại, bởi vì các cấp chỉ huy
trực tiếp của họ vẫn còn ở lại. Yếu tố quan trọng nhất, vị anh cả của họ, Tướng
Tư lệnh Lê Minh Đảo vẫn còn ở lại. Buổi chiều trong cuộc họp tại Bộ Tư lệnh,
tôi là sĩ quan tác chiến, không phải tham mưu nên không tham dự, chỉ nghe kể
lại, rằng ông Tướng đã khẳng định cùng thuộc cấp, rằng ông sẽ không đi đâu cả,
rằng ông sẽ ở lại chiến đấu sát cánh cùng anh em. Vợ con ông cũng ở lại, gia
đình ông không ai bỏ đi.
Ông khuyên tôi cố gắng giữ Long Bình. Nếu giữ được Long Bình thì Long Bình là
của mình! Ông nói: “Một Phái đoàn của Chính phủ do Giáo sư Bùi Tường Huân, Bộ
trưởng Quốc Phòng của Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đã đi gặp đối phương tại một nơi nào
đó trên xa lộ Đại Hàn, để bàn chuyện ngưng bắn “da beo”. Sau này được biết,
Phái đoàn của Bùi Tường Huân đã bị cộng quân giữ lại, bị bắt làm con tin. Dương
Văn Minh bị lừa. Nhà Sư Thích Trí Quang đã bị lừa. Để rồi cả Miền Nam bị lừa.
Ăn cơm xong, ông Tướng đến ngồi bên chiếc bàn nhỏ, có điện thoại bàn. Ông gọi
vào Dinh Độc Lập xin gặp Đại tá Đẩu, Tùy viên của Tổng Thống. Nhưng người trả
lời trong máy tự xưng là Trung tá, hình như tên Thọ, Phó Tùy viên. Trung tá Thọ
cho biết, hiện Tổng Thống đang chủ tọa cuộc họp Nội Các. Tướng Đảo trình bày
tổng quát tình hình, và xin lệnh Tổng Thống được đưa Sư đoàn 18BB về thiết lập
tuyến phòng ngự bên bờ Nam sông Đồng Nai để ngăn chận địch từ hướng Đông. Phía
Bắc và Tây Bắc có Sư đoàn 5 của Tướng Lê Nguyên Vỹ, và Sư đoàn 25 của Tướng Lý
Tòng Bá, phía Nam có Sư đoàn 22 của Tướng Phan Đình Niệm. Với lực lượng phòng
thủ như vậy, chúng ta có thể giữ được Sài Gòn. Cuộc điện đàm kết thúc với lời
hứa của Trung tá Thọ, rằng sẽ trình lại với Tổng Thống và sẽ liên lạc với Tuớng
Đảo cho biết quyết định. Được biết sau khi nhậm chức Tổng thống, Dương Văn Minh
đã bổ nhiệm Trung tướng Vĩnh Lộc làm Tổng Tham Mưu Trưởng, và cựu Chuẩn tướng
Nguyễn Hữu Hạnh (đã giải ngũ), làm Phụ tá TTMT. Nhưng Tướng Vĩnh Lộc vừa mới
nhậm chức chưa hiểu rõ tình hình. Tướng Tư lệnh Quân đoàn thì đã bỏ nhiệm sở.
Do đó Tướng Đảo phải làm việc trực tiếp với Dinh Độc Lập, vì Tổng Thống là Tổng
Tư Lệnh Tối Cao của QLVNCH.
Được biết, vào những ngày cuối cùng, Đại tướng Vanuxem của Pháp có mặt ở Sài
Gòn, thường vào ra Dinh Độc lập. Chính vị tướng này đã khuyên Dương Văn Minh cố
gắng để cho quân đội cầm cự thêm 48 tiếng đồng hồ thì sẽ có giải pháp chính trị
có lợi cho VNCH. Theo Tướng Vanuxem, nếu có lời yêu cầu, quân Trung cộng sẽ
tràn vào Bắc Việt, áp lực CSBV ngừng tấn công. Một giải pháp chính trị có lợi
cho VNCH sẽ được thi hành. Nhưng Tổng Thống Dương Văn Minh đã từ chối. Ông chỉ
tin Thầy Thích Trí Quang, là người môi giới để ông tiếp xúc và đàm phán với “người
anh em phía bên kia”. Nhưng khi Phái đoàn đàm phán do Giáo sư Bùi Tường Huân
(Bộ trưởng Quốc phòng) cầm đầu, ra xa lộ Đại Hàn gặp VC, thì bị VC giữ lại làm
con tin. Sau nhiều lần thúc dục Thích Trí Quang không kết quả, Dương Văn Minh
tuyệt vọng, đã than: “Thầy hại con rồi!”
Trở lại bàn ăn, Tướng Đảo cho biết, lối 12 giờ khuya nay, BTL/SĐ sẽ dời về Thủ
Đức. Trung đoàn 43BB và Trung đoàn 52 vẫn ở lại Long Bình. Một lần nữa ông
khuyên tôi cố gắng giữ cho được Long Bình. Tôi chỉ dám hứa là làm hết sức mình.
Gặp Tướng Tư lệnh xong, tôi lại được lệnh đi gặp Đại tá Trung đoàn trưởng Lê
Xuân Hiếu. Đó là cuộc họp mặt cuối cùng, trong buổi chiều cuối cùng của tôi với
các đơn vị trưởng bạn. Chỉ có hai Tiểu đoàn trưởng là tôi, 2/43, và Thiếu tá
Nguyễn Văn Dư, 3/43. Tiểu đoàn trưởng 1/43 được ghi nhận là mất tích, trong một
trận giao tranh ác liệt tại Trảng Bom sáng nay. Được biết Thiếu tá Dư bị bọn
“cách mạng 30” dùng búa đánh chết tại nhà ở Vũng Tàu, sau ngày tan hàng 30.4.
Sau khi nghe tôi trình bày chỉ thị tôi vừa nhận trực tiếp từ Tướng Tư lệnh, Đại
tá Hiếu đưa ra hai kế họach:
1. Kế hoạch Alpha: Tiểu đoàn 2/43
thi hành theo chỉ thị nhận trực tiếp từ Tướng TL Lê Minh Đảo.
2. Kế hoạch Bravo: Tiểu đoàn 2/43 sẽ
di chuyển qua bên kia sông Đồng Nai, lập tuyến phòng ngự từ cầu Đồng nai đến
cầu Ghềnh, dọc theo bờ Nam con sông.
Đúng 12 giờ đêm, trực thăng Tư lệnh cất cánh. Tiếp theo sau đó là BTL với các
phòng ban, cùng các đơn vị kỹ thuật và tiếp vận thuộc BTL bắt đầu di chuyển.
Được biết, Tướng Đảo đã hoàn trả chiếc trực thăng về cho Sư đoàn 3/KQ. Ông đã
di chuyển bộ cùng binh sĩ qua ngã cầu Ghềnh. Đây là lần thứ hai Tướng Tư lệnh
đi bộ cùng binh sĩ khi triệt thoái. Lần thứ nhất là đêm 20 rạng ngày 21.4,
Tướng Đảo đi bộ cùng binh sĩ trong cuộc triệt thoái khỏi Xuân Lộc về Bà Rịa.
Đây là cuộc triệt thoái thành công nhất. Sự hiện diện của vị Tướng Tư lệnh,
cùng di chuyển bộ với binh sĩ là yếu tố thiết yếu cho sự thành công. Một lần
nữa, Tướng Đảo lại di chuyển bộ trên đường triệt thoái.
Lúc gần sáng, tôi nhận lệnh thi hành “Kế hoạch Bravo”. Đơn vị rời Long Bình, di
chuyển qua hướng cầu Đồng Nai. Vài chiếc xe tăng địch xuất hiện. Chúng nổ súng
một lúc, rồi lại trở lui. Đoàn quân tiếp tục di chuyển. Toán tiền phương đã đến
cầu. Nhưng đơn vị bảo vệ cầu chận lại, không cho đi qua. Tôi phải cho lệnh đổi
hướng qua ngã cầu Ghềnh. Khi toán quân cuối cùng qua khỏi cầu thì trời đã hừng
sáng. Tôi gặp BCH Trung đoàn đang dừng chân trên đoạn đường dốc gần cầu. Theo
kế hoạch đã định, Tiểu đoàn bắt đầu rải quân, thiết lập chiến tuyến. Tôi đặt
BCH/Tiểu đoàn trong một khu vườn có vòng rào bao quanh. Đơn vị cuối cùng là Đại
đội 2/2 của Đại úy Võ Văn Mười cũng bắt đầu rải quân. Nhưng nhìn về hướng cầu
Đồng Nai, cách xa vài trăm mét, không tin vào mắt mình, xe tăng và xe chở quân
CSBV đang di chuyển trên xa lộ. Chúng đã vượt qua cầu. Cây cầu vẫn còn đứng
nguyên! Tại sao cây cầu không bị giật sập? Đơn vị bảo vệ cầu đã biến đi đâu?
Tối hôm qua Tướng Đảo cho biết tất cả các cây cầu bắt qua sông Đồng Nai, gồm
cầu Đồng Nai, cầu Ghềnh và cầu Mới đều đã được công binh đặt mìn. Cầu sẽ bị
đánh sập, nếu cộng quân tiến qua cầu. Nhưng sự việc đã không xảy ra. Sau này
được biết chính tên phản tướng Nguyễn Hữu Hạnh, với tư cách Quyền TTMT đã cấm
không cho giựt sập cầu, để cho bộ đội CSBV thuận lợi tiến chiếm Sài Gòn. Đây là
thành tích “dâng Bác và Đảng” mà tên Hạnh đã khoe trong một bài phỏng vấn của
báo Tuổi Trẻ cách đây vài năm, nhân dịp kỷ niệm “Đại thắng Mùa Xuân” của CSBV.
Một đoàn chiến xa quân CSBV, gồm T-54, PT-76, xen lẫn những chiếc Molotova chở
đầy bộ đội đang di chuyển trên xa lộ hướng về Sài Gòn. Được biết đó là quân của
Tướng Nguyễn Hữu An, Chỉ huy Quân đoàn 2/CSBV được lệnh đưa bộ đội của hắn,
“hợp đồng” cùng 4 cánh quân khác, tiến nhanh về Sài Gòn. Theo kế hoạch ban đầu
của “Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh”, quân của Tướng Hoàng Cầm, Chỉ huy Quân
đoàn 4/CSBV sẽ tiến về Sài Gòn. Nhưng 12 ngày chạm trán Sư đoàn 18BB, Tiểu đoàn
82/BĐQ, Lữ đoàn 1 Dù, lực lượng ĐPQ và NQ Long Khánh, Quân đoàn 4/CSBV bị tử
vong hơn 6 ngàn bộ đội, và 37 chiếc xe tăng bị phá hủy. Chỉ huy sở Sư 341 và
các đơn vị “tập kết”, chuẩn bị tiến về Biên Hòa, bị hai trái bom BLU-82 đánh
trúng, hơn 10 ngàn bộ đội bị loại ra khỏi vòng chiến, nên không còn khả năng
tác chiến. Một sĩ quan bị bắt khi đơn vị bị quân CSBV tràn ngập, trong trận
giao tranh ác liệt tại Trảng Bom buổi sáng ngày 29 cho biết:
“Khi bị áp giải đến gặp tên “Thủ trưởng E” (Trung đoàn trưởng), hắn nói: “May
mà anh gặp chúng tôi. Nếu anh bị đơn vị kia bắt (ý hắn muốn nói các đơn vị
thuộc Sư 341) thì đã bị giết ngay tại chỗ.”
Thấy còn vài chiếc lẹt đẹt chạy sau, tôi cho lệnh nổ súng. Lối 4 chiếc xe tăng
dừng lại, quay nòng súng hướng về chúng tôi nổ súng. Những tràng đại liên 12.8
ly ào ào xối xả, nhưng không lâu. Rồi 4 chiếc xe đó lại quay đầu xe hướng về
Sài Gòn, tiếp tục chạy. Chúng cố chạy nhanh cho kịp đoàn quân đang hung hăng
hướng về Sài Gòn.
Tôi tự hỏi, nếu đơn vị giữ cầu Đồng Nai để cho Tiểu đoàn tôi qua cầu, nếu đơn
vị tôi đã vào vị trí trước khi cộng quân qua cầu, nếu cầu Đồng Nai bị đánh sập
thì chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng trang sử đã lật. Những trang sử oai hùng của
quân và dân VNCH đang lùi dần vào dĩ vãng. Một trang sử mới đầy đau thương và
nước mắt đang ghi lại biết bao nỗi ô nhục của người dân Việt do bọn cầm quyền
ngu dốt ngự trị tại “Bắc Bộ Phủ” cam tâm làm tay sai cho giặc Tàu, kẻ thù
truyền kiếp của Dân tộc.
Buổi chiều cuối cùng kéo dài đến 11 giờ 30 trưa hôm sau, ngày 30.4. Tiếp theo
là bóng đêm. Bóng đêm đã đổ ập xuống trời Nam. Đã 45 năm qua, hừng đông vẫn
chưa ló dạng.
Bảo Định
SOURCE:
https://hon-viet.co.uk/BaoDinh_BuoiChieuCuoiCung.htm
.
No comments:
Post a Comment