Tuesday, April 20, 2021

Ngày 30-4-1975: Khúc Quanh Ảm Đạm Của Lịch Sử Việt Nam

Là Ngày Quốc Hận Của Dân Tộc

Trần Nhật Kim

Cuộc chiến đấu anh dũng chống cộng sản của dân tộc Việt Nam trong hơn bốn thập niên giữa những người cùng huyết thống, đã chấm dứt một cách bi thảm vào ngày 30-4-1975. Máu xương của hàng nhiều triệu người, cả cầm súng lẫn tay không, đã trở thành vô nghĩa vì không ngăn chặn được chủ thuyết tàn bạo của cộng sản Quốc tế với manh tâm nhuộm đỏ toàn cõi Đông Nam Á Châu.

Để thoát khỏi “vũng lầy” Đông dương, Hoa Kỳ đã xúc tiến các cuộc mật đàm với phe cộng sản từ năm 1968 tại Paris, nhưng phải đợi đến trước ngày bầu cử của nhiệm kỳ II của ông Nixon mới đạt được sự đồng thuận. Ông Henry Kissinger đã gặp gỡ Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai tại bắc Kinh, cũng như tiếp xúc bí mật với Lê Đức Thọ, Trưởng phái đoàn thương thuyết của CS Hà Nội. Một Hiệp định đình chiến được thương thảo giữa các cường quốc mang danh “ngưng bắn vì hòa bình” tại Việt Nam, nhưng thực tế, thay vì đưa đến hòa bình lại mở đường cho cộng sản miền Bắc xâm chiếm miền Nam bằng các trận đánh đẫm máu sau đó.

Hiệp định Paris ký kết ngày 28-1-1973, có hiệu lực và sự ngưng bắn chính thức được thi hành trên toàn miền Nam Việt Nam. Hoa Kỳ chấm dứt mọi hoạt động quân sự tại Việt Nam, và Ngày 29-3-1973, người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi lãnh thổ miền Nam.

Hiệp định Paris 1973 không mang lại hòa bình: VNCH bị bức tử

Hiệp định Paris 1973 với danh nghĩa là hiệp định đình chiến, mang lại hòa bình cho Việt Nam; nhưng trái lại, đã gây bất lợi cho sự sống còn của miền Nam trong các điều khoản sau:

Về lực lượng vũ trang tại miền Nam

- Mục (b) của Điều 3 (Chương II) có ghi: “Các lực lượng vũ trang của hai bên miền Nam Việt Nam sẽ ở nguyên vị trí của mình. Ban Liên hợp quân sự hai bên sẽ quy định vùng do mỗi bên kiểm soát và những thể thức trú quân.”

- Mục (c): “Các lực lương chính quy thuộc mọi quân chủng và binh chủng và các lực lương không chính quy của các bên của miền Nam Việt Nam phải ngừng mọi hoạt động tấn công nhau…”

- Điều 4 (Chương II): “Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.”

- Điều 5 (Chương II) của Hiệp định ngưng bắn ký kết ngày 27-1-1973 có đoạn: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ khi ký Hiệp định này sẽ hoàn thành việc rút khỏi miền Nam Việt Nam mọi quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự, kể cả nhân viên quân sự kỹ thuật, nhân viên quân sự liên quan đến chương trình bình định, các loại vũ khí, đạn dược và dụng cụ chiến tranh của Hoa Kỳ và của các nước ngoài khác.”

Về quân ngoại nhập tại miền Nam, trong Hiệp định đình chiến 1973 không nói tới số 150.000 bộ đội miền Bắc còn lưu lại tại miền Nam từ các trận đánh, ngoài ra còn số quân đội miền Bắc tiếp tục xâm nhập vào miền Nam, được kể là quân ngoại nhập phải rút khỏi miền Nam. Về điều này, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho rằng, với quân số nêu trên của miền Bắc ở lại miền Nam trong khi Mỹ rút toàn bộ quân đội còn lại, sẽ gây trở ngại và khiến miền Nam sụp đổ.

Để việc rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam được thuận lợi, chương trình Việt Nam Hóa chiến tranh ra đời. Với chương trình này, ông Nixon nói Việt Nam hóa sẽ giúp miền Nam đủ sức tự vệ mà không cần tới quân đội Mỹ, và đã đưa ra lịch trình rút quân, giảm từ 500.000 vào tháng 1-1969 xuống còn khoảng 50.000 vào ngày bầu cử 1972. Mặc dù quân số miền Nam có tăng cường nhưng quân viện bị cắt giảm, cũng không mang lại kết quả tốt đẹp hơn.

Ông Thiệu không chấp nhận một số điều khoản trong bản dự thảo và cực lực phản đối đề nghị hòa bình giả dối của các cuộc hòa đàm ở Paris. Điều này đã gây trở ngại cho cuộc hòa đàm, khiến Ông Nixon phải hứa sẽ tăng viện trợ quân sự và Hoa Kỳ sẽ trở lại Việt Nam nếu CS miền Bắc vi phạm hiệp định, và ép buộc ông Thiệu phải chấp nhận các điều khỏan với áp lực đe dọa cắt viện trợ cho miền Nam. Ông Thiệu đã phải chấp nhận đề nghị của Hoa kỳ. Trên thực tế, một năm sau khi Hiệp định đình chiến được ký kết, cộng quân đã tiến hành những trận đánh chiếm tại các vùng đất xa xôi.

Vào thời gian này, viện trợ kinh tế cho Việt Nam Cộng Hòa tiếp tục giảm (*):

Năm 1972: 445 triệu Mỹ kim

Năm 1973: 297 triệu Mỹ kim

Năm 1974: 265 triệu Mỹ kim

Quốc hội Hoa Kỳ chuẩn chi viện trợ quân sự cho VNCH 1.4 tỉ Mỹ kim, nhưng chỉ còn 700 triệu vì phân nửa đã dùng cho nửa năm trước. Ngân khoản 700 triệu Mỹ kim này cũng bị trừ mất 300 triệu Mỹ kim cho số dụng cụ quân sự mà Hoa Kỳ đã ứng trước đó. Như vậy, sau tháng 6 của năm 1974, VNCH chỉ còn 400 triệu Mỹ kim để tự vệ (*).

Vì số quân viện cắt giảm, nên quân dụng cũng phải cắt giảm theo, chỉ còn 50% số lượng của những năm trước. Chẳng hạn mỗi cuộc hành quân: súng cá nhân trước đây là 400 viên đạn, nay chỉ còn 200. Mỗi khẩu đại bác 105 ly trước đây là 180 nay chỉ còn 10 viên. Vì không đủ nhiên liệu nên các phi vụ của máy bay chiến đấu, trực thăng cũng giảm đi một nửa (*).

Vào thời điểm này, Hà Nội đưa 35.000 tân binh, 400 chiến xa, 350 đại pháo tầm xa và 35.000 tấn tiếp liệu theo đường mòn Hồ Chí Minh xâm nhập vào miền Nam. Các phương tiện chiến tranh đều do Nga Xô cung cấp vào năm 1973 đã gấp đôi năm 1972. Hà Nội cũng được Nga thông báo về viện trợ của năm 1974 sẽ gia tăng với lý do: “Cách mạng ở phía Nam phải được thực hiện dưới hình thức một cuộc bạo động”

[(*) nguồn: Stephen B. Young – Cuộc chiến thắng bị bỏ lỡ)]

Các nước thuộc khối Xã hội Chủ Nghĩa Viện trợ kinh tế của cho VNDCCH, đã gia tăng gấp bội vào năm 1974, với ngân khoản:

Năm 1973 575 – 605 triệu Mỹ kim

Năm 1974: 1.159 – 1.190 triệu Mỹ kim.

Khối lượng hàng quân sự cũng tăng theo:

Giai đoạn 1965-1968: 517.393 tấn

Giai đoạn 1969-1972: 1.000.796 tấn

Đến cuối năm 1974, tình hình Miền Nam Việt Nam trở lên nguy ngập hơn khi Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật “1974 Foreign Assistance Act”, chấm dứt các viện trợ quân sự ngoại quốc.

Sau khi Đạo Luật “Viện Trợ Ngoại Quốc 1974” ban hành, cộng quân đã gia tăng các trận đánh chiếm một số tỉnh lỵ như Phước Long và Bình Long vào đầu năm 1975, vì biết không lực Hoa kỳ không thể tiếp trợ khi CSBV vi phạm Hiệp định Paris, như Tổng thống Nixon đã hứa hẹn với Tổng Thống Thiệu.

Trước sự sụp đổ của VNCH, ngày 14-1-1975, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã phát biểu khi điều trần tại Quốc Hội, Hoa Kỳ không giữ lời hứa với Tổng Thống Thiệu như đã cam kết.

Cùng chiều hướng trên, Thống tướng William C. Westmoreland đã nói: “Chúng ta không thua tại Việt Nam, nhưng chúng ta đã không giữ đúng lời cam kết đối với Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Đồng minh của chúng ta.”

Và ông cũng xin lỗi các cựu quân nhân QLVNCH: “Thay mặt cho quân đội Hoa Kỳ, tôi xin lỗi các bạn Cựu Quân Nhân của Quân Lực Miền Nam Việt Nam vì chúng tôi đã bỏ rơi các bạn.”

(On behalf of the United States Armed Forces, I would like to Apologize to the veterans of the South Vietnameses Armed Forces fo abandoning you guys.” (General Williams C. Westmoreland)

Sau khi ông Nixon từ chức vì vụ Watergate, ông Gerald Ford lên làm Tổng thống, đã tuyên bố vào ngày 23-4-1975: “Chiến tranh Việt Nam chấm dứt”.

Miền Nam sau ngày 30-4-1975

Trong một cuộc chiến không cân sức vì thiếu phương tiện khiến VNCH sụp đổ vào ngày 30-4-1975, mặc dù nhân dân miền Nam vẫn thừa can đảm và ý chí chiến đấu. Cho dù nền Dân chủ của miền Nam còn non trẻ sau 20 năm xây dựng trong một đất nước chiến tranh, nhưng người dân miền Nam đã sống hạnh phúc trong một xã hội mà nhân phẩm được tôn trọng, một nơi mà người dân góp sức xây dựng ngày một tốt đẹp hơn.

Sau ba thập niên phí phạm máu xương, những tưởng biến cố 30-4-1975 là một cơ hội để đảng CS đoàn kết dân tộc, hàn gắn vết thương chiến tranh, đã từng nêu cao như một chính nghĩa, nhưng “bản chất Cướp” đã lộ nguyên hình trước miếng mồi béo bở miền Nam. Hàng loạt chính sách tàn bạo được thực hiện tại miền Nam.

Chính sách “học tập cải tạo” đã đưa hàng triệu người miền Nam vào tù, một hình thức “nhân đạo”, không giết cũng chết, mà căn bản là thành phần Quân, Cán, Chính của chính quyền miền Nam, gây ra cảnh gia đình tan nát, con mất cha vợ xa chồng. Số tù nhân cải tạo tử vong trong các trại tù ngày một gia tăng, nhất là tại nơi rừng thiêng nước độc từ Nam ra Bắc vì bị đầy ải trong lao động, bệnh tật không thuốc chữa, đã lên tới hàng trăm ngàn người. Tại miền Nam, từ trường học đến giáo đường đã biến thành nhà tù, những nơi tôn nghiêm đã trở thành cơ sở sản xuất, chăn nuôi.

Chính sách đánh “Tư sản” và đưa người dân thành phố tới vùng “Kinh tế mới” chỉ để cướp đoạt của cải tài sản của người miền Nam, lấy nhà của người miền Nam cho các quan chức miền Bắc. Các cuộc “đổi tiền” đã cào bằng kinh tế miền Nam, để miền Nam “tiến mau, tiến mạnh” bằng đời sống nghèo đói miền Bắc. Nhưng tệ hại nhất là chính sách “Kê khai lý lịch 3 đời” đã gạt tuổi trẻ miền Nam ra khỏi ngưỡng cửa đại học vì là con cái “Ngụy”.

Trước chính sách đàn áp tàn bạo của cộng sản, hàng triệu người miền Nam đã bỏ nước vượt biên đi tìm tự do, để lại sau lưng cả mồ hôi và nước mắt. Hàng nửa triệu người đã vùi thân dưới lòng biển cả hay bị cướp bóc, hãm hiếp bởi hải tặc. Tất cả những hành động trên của đảng cộng sản Hà Nội, đã khắc sâu sự căm hờn trong lòng người miền Nam. Vì vậy, ngày 30 tháng 4 được ghi nhận là “Ngày Quốc Hận”.

Mối hận của người miền Bắc

Phải tới thời điểm 30-4-1975, người miền Bắc mới được sáng mắt, vì bị Hồ Chí Minh và đảng CSVN lừa gạt. Ngay từ buổi đầu “Cách mạng Tháng Tám”, khi Hồ Chí Minh ôm ngọn “Cờ Đỏ Sao Vàng”, một bản sao của lá cờ tỉnh Phúc kiến có từ năm 1931, về cắm tại hang Pác Bó-Cao Bằng vào năm 1941, người miền Bắc bị mê hoặc do lời tuyên truyền “bài Phong, đả Thực” được khích động bởi chiêu bài “Đấu tranh Giai cấp”, nên đã vắt cạn sức người cho một chủ thuyết không tưởng. Cũng từ chiến dịch Cải cách Ruộng đất, ông Hồ và đảng CS đã giết oan 172.008 người dân lành, không kể hàng triệu thân nhân của nạn nhân bị trù dập, sống ngoài lề xã hội.

Qua hành động đàn áp, cướp đoạt tài sản của nhân dân miền Nam vào ngày 30-4-1975 của đảng CS Hà Nội, người miền Bắc chua xót nhớ lại chính sách “Cải cách Ruộng đất” và “Cải tạo Công thương nghiệp” đã biến miền Bắc, vốn một thời kiêu hãnh nằm trên vùng đất mầu mỡ Sông Hồng, một nơi được nhận là vựa lúa của vùng Châu thổ, đã trở thành nghèo đói. Hạt gạo, bữa cơm no thường có trước đây, đã trở thành giấc mơ của người dân nghèo.

Chính sách “đốt sách, giam tù các nhà trí thức miền Bắc” qua chiến dịch “Trăm hoa đua nở” sau năm 1954, được ông Hồ và đảng CS rập theo Trung cộng. Một loại văn hóa lai căng nửa Việt nửa Tầu đã giết chết tình thần dân tộc của người Việt.

Sau 30 năm bị mê hoặc, cuốn lôi trong hào quang “giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cứu dân miền Nam thoát khỏi cảnh kìm kẹp đói khổ”, người dân miền Bắc một lần nữa phải thắt lưng buộc bụng, hạt gạo xẻ tư để nuôi con em trên đường “Sinh Bắc-Tử Nam”.

Cũng do chính sách “Trăm năm trồng người” khiến nhiều thế hệ thanh thiếu niên miền Bắc bị u mê, đã hủy diệt nhận thức của tuổi trẻ, trở thành một thứ công cụ “chết vì đảng”. Một thí dụ điển hình như trường hợp của Bác sĩ trẻ tuổi Đặng Thùy Trâm, đã ghi trong nhật ký của cô vào ngày 19-9-1968:

“Đại đội huyện đoàn thanh niên lớn lên trong chiến đấu:

– Em Hoàng 14 tuổi trong 6 tháng đầu năm giết được 6 lính Mỹ, đánh lật 2 xe tăng bằng vũ khí tự tạo, lấy được 7 súng giặc trong đó có 2 cối cá nhân và các loại khác.

– Em An Phổ Châu lấy 5 súng, có 2 cối cá nhân, một đài RC. (Nhật ký Đặng Thùy Trâm: trang 83)

Lời chúc tết của ông Hồ vào ngày đầu năm 1-1-1969 đã trở thành một loại kinh nhật tụng, được Đặng Thùy Trâm ghi nhớ:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc còn thắng to.

Vì độc lập – Vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào. (Nhật ký ĐTT trang 113)

Trong chiều hướng bị mê hoặc bởi lời tuyên truyền, tin tưởng tuyệt đối vào đảng CS, cô Đặng Thùy Trâm đã ghi trong nhật ký ngày 2-6-1970:

“Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn có thể kéo dài, đồng bào ta còn có thể hy sinh nhiều hơn nữa, song dù sao chúng ta nhất định thắng lợi…”

Cô tâm niệm: “Bác Hồ ơi, di chúc của Bác còn vang bên tai con và lúc này lời nói ấy vang lên át cả tiếng bom đạn, con mang nó trong lòng và ra đi…” (Nhật ký Đặng Thùy Trâm, trang 247)

Từ những bút tích ghi trong nhật ký của Đặng Thùy Trâm, chúng ta liên tưởng tới bài hát “Anh Kim Đồng” vào thập niên 3,40 đã nức lòng tuổi trẻ miền Bắc, đến câu chuyện tiểu anh hùng Lê Văn Tám tẩm săng tự đốt cháy, chạy tới phá kho xăng Nhà Bè năm 1946. Sau này, ông Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền, tác giả của câu chuyện trên đã giải thích, đây là một “chuyện bịa”, để tạo dựng một thần tượng thúc đẩy sự hy sinh của tuổi trẻ lúc bấy giờ. Rất tiếc, cô Đặng Thùy Trâm qua đời từ lâu, nên không thấy đảng CS đã biến chất và đang trên đà suy vong.

Sau trận Tết Mậu Thân 1968 và Mùa Hè đỏ lửa 1972, qua chiến thuật biển người, nhiều sư đoàn chính quy miền Bắc đã bị xóa sổ tại chiến trường miền Nam. Con số thương vong lên đến hàng triệu người, chưa kể thành phần dân chúng tử vong và thương tật nhiều hơn gấp bội. Khi chiến tranh chấm dứt, số phận của 300.000 bộ đội trẻ được ghi nhận mất tích, đã không để lại dấu vết trên các nẻo đường tiến quân đánh chiếm miền Nam. Đảng CS cầm quyền phủi tay để mừng thành quả “chiến thắng”, không màng tới số phận các nạn nhân, khiến gia đình thân nhân của các con em tử nạn phải đau khổ âm thầm chịu đựng

Mối hận của cả dân tộc

Sau biến cố 30-4-75 tài sản của miền Nam đã theo nhau ra Bắc. Một phần trả các món nợ quân viện của các nước Nga-Tầu để CS Hà Nội có phương tiện đánh chiếm miền Nam, phần khác đã chui vào túi tham của kẻ cầm quyền. 16 tấn vàng trong Ngân khố Sài Gòn do những ai chiếm đoạt, cũng không còn dấu vết. Người Việt trong nước chỉ thấy các quan tham bất chợt trở lên giầu còn người dân ngày càng nghèo hơn.

Sau ngày mở cửa, vì tình cảm gia đình, người Việt hải ngoại gửi tiền về giúp đỡ thân nhân, vực dậy một đất nước nghèo đói. Theo thống kê, số ngân khỏan gửi về trong nước tính đến năm 2013 đã lên tới 84 tỉ Mỹ kim.. Không kể số tiền người Việt hải ngoại hàng năm về thăm quê mang theo tiêu dùng lên tới hàng tỉ Mỹ kim. Riêng năm 2014, số ngân khoản chuyển về Việt Nam lên tới 12 Tỉ Mỹ kim. Một ngân khỏan không hoàn trả, là ước mơ của các nước sau chiến tranh. Hà Nội đã in tiền giả để đổi lấy tiền thật.

Một câu hỏi được đặt ra, tại sao kinh tế Việt Nam không phát triển, như Nhật Bản và Nam Hàn, mặc dầu chiến tranh đã chấm dứt. Với tài sản chiếm đoạt của Miền Nam sau ngày 30-4-1975 và ngân khỏan người Việt hải ngoại chuyển về hàng năm, kinh tế VN vẫn tụt hậu so với các nước trong vùng?

Theo tài liệu phát triển kinh tế của 10 quốc gia Á Châu vào thời điểm 1960, thứ tự trong bảng xếp GDP tính bằng Mỹ kim như sau:

Singapore (395$),

Malaysia (299$),

Philippine (257$),

Việt Nam Cộng Hòa (miền Nam: 223$),

South Korea (155$),

Thailand (101$),

Trung quốc (92$),

Ấn Độ (84$),

Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (miền Bắc: 73$).

Như vậy VNCH đã ngang hàng với Philippine, vượt qua South Korea, gấp 2 Thái Lan, gấp 2,4 lần Trung quốc, gấp 2,7 lần Ấn Độ và gấp 3 lần VNDCCH.

Vào thời điểm 2013, mức phát triển của Việt Nam là 1.660 US$, trong lúc Singapore đang ở vị trí 50.899 US$. Theo tiên đoán của IMF về sự phát triển của GDP từ năm 2011 đến 2017, Việt Nam sẽ không bao giờ đuổi kịp các quốc gia nói trên, nếu vẫn tăng trưởng với cường độ hiện tại. Việt Nam tiếp tục ở hạng chót và sẽ không bao giờ bắt kịp được Philippine, Indonesia, Thái Lan, chứ đừng mơ tưởng đuổi kịp Malaysia, Nam Hàn và Singapore.

So sánh đà phát triển của các nước Á Châu trong nửa thế kỷ vừa qua, chúng ta nhận ra một sự thật, cơ chế của một chính thể đã ảnh hưởng tới sự phát triển của quốc gia đó.

Về mặt xã hội, tệ nạn tham nhũng trong giới lãnh đạo đảng ngày càng gia tăng. Cán bộ lãnh đạo đảng trắng trợn cướp đoạt tài sản nhân dân, khiến các cuộc biểu tình đòi đất của người dân nghèo xẩy ra từ Bắc vào Nam. Tình trạng an ninh xã hội xuống cấp đến nỗi một đại biểu quốc hội đã phải lên tiếng: “ra ngõ không thấy anh hùng chỉ gặp toàn kẻ cướp.” Mà tệ hại hơn nữa, chính quyền nhiều địa phương xử dụng xã hội đen, hay trá hình xã hội đen để đàn áp nhân dân trong các vụ cướp đoạt ruộng vườn.

Đạo đức xã hội ngày càng suy đồi, bạo hành xẩy ra thường xuyên trong các trường học. Giáo dục chạy theo thành tích, định hướng Xã hội Chủ nghĩa, đã đẩy nhiều thế hệ tuổi trẻ Việt Nam trở thành công cụ của đảng. Trước sự tha hóa của xã hội, nhiều người lên tiếng đòi nhà cầm quyền tôn trọng quyền sống căn bản của con người, họ đã bị khủng bố, trù dập, giam cầm.

Chưa có chính quyền nào công khai bán nước như đảng CSVN. Công Hàm 1958 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký tên dưới sự chỉ đạo của ông Hồ, đã dâng Hòang Sa và Trường sa cho Trung quốc với mục đích để có phương tiện đánh chiếm miền Nam, mặc dầu vào thời gian này các hải đảo trên thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa.

Chiến tranh biên giới Hoa-Việt năm 1979, Trung cộng đã tàn phá các tỉnh biên giới, di chuyển cột mốc xuống phía nam và đòi đảng CSVN phải vẽ lại đường biên giới. Việt Nam đã mất hàng ngàn cây số vuông chạy dài trên sáu tỉnh miền Bắc. Các cao điểm chiến lược đã nằm trong tay Trung cộng. Pác Bó – Cao Bằng trước của ta nay thuộc Tầu. Điều tệ hại hơn nữa, với “16 chữ vàng và 4 tốt”, người Tầu vào Việt Nam tự do, trái lại người Việt vào đất Tầu phải xin phép. Vịnh Bắc bộ của Việt Nam cũng phân chia lại, có lợi về phía Trung quốc.

Năm 1988 Trung cộng tiến chiếm các đảo đá thuộc Trường Sa, Hải quân VN đã khởi động chiến dịch chủ quyền các đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma dưới tên CQ-88. Anh Nguyễn Văn Thống người sống sót sau trận đụng độ với quân Trung cộng cho hay: “trước khi đi đã quán triệt không được nổ súng với bất cứ giá nào.” Tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân sự Việt Nam cho biết: “…Đồng chí lãnh đạo cấp cao ra lệnh bộ đội ta không được nổ súng nếu như đánh chiếm cái đảo Gạc Ma hay bất cứ đảo nào của Trường Sa…” Ông Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh triết cho biết “ông Lê Đức Anh trong vai trò Bộ trưởng Quốc phòng, được xem là người đã ra lệnh không được nổ súng.” (Nguồn: Mạc Lâm-đài RFA)

Ông Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh người cầm đầu phái đoàn VN, với Đỗ Mười, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Phạm Văn Đồng đại diện phía Việt Nam, và TBT Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng đại diện phía Trung quốc, dự Hội nghị Thành Đô trong 2 ngày 3 và 4 -9-1990, đã tái xác định con đường bán nước của các người tiền nhiệm lãnh đạo đảng CSVN. Ông Nguyễn Cơ Thạch đã tuyên bố sau Hội nghị Thành Đô: “Một thời kỳ Bắc thuộc rất nguy hiểm đã bắt đầu.”

Gần đây nhất, khi Trung cộng đưa giàn khoan vào vùng đặc nhiệm kinh tế của Việt nam khiến tình hình Biển Đông trở lên sôi động. Nhiều nước đã đưa lời phản đối Trung quốc, trong khi Tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã tuyên bố quan hệ Việt-Trung vẫn tốt đẹp. Ông Thanh nói: “…Đây chỉ là sự bất đồng, cũng như sự bất đồng trong một gia đình .” Mặc dầu ở địa vị đứng đầu tổ chức quân đội, ông Thanh đã không có một hành động nào bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ và chủ quyền của quốc gia.

Mục tiêu Xã Hội Chủ Nghĩa vốn không tưởng, chỉ còn là tấm bình phong của đảng CSVN che đậy những hành động đàn áp bóc lột người dân để bảo vệ quyền lợi của đảng. Đã tới lúc những đảng viên thực tâm yêu nước phải bỏ đảng, như nhận định của ông Nguyễn Minh Cần:

“…Nhóm cầm quyền không đủ trí tuệ để nhận ra cái mới, cái năng động của mầm non…Ban lãnh đạo, nhất là Bộ chính trị, Ban Bí thư già cả không có sức sống của tuổi trẻ để vươn tới trí tuệ..” Ông Cần cũng nhắn nhủ: “Mỗi người tự hỏi và quyết định: có nên tiếp tục ở trong đảng CS này không? Cái đảng phạm tôi diệt chủng. Cái đảng gian dối, lừa gạt lật lọng…”

Cũng cùng nhận định về sự phản bội dân tộc của đảng CSVN, ngày 10-4-2013, Thiếu tướng Hà Thanh Châu đã xin tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ. Gần đây nhất, ông Đặng Xương Hùng, nguyên Lãnh sự VN tại Genève đã tuyên bố bỏ đảng từ tháng 10-2013 và xin tỵ nạn chính trị tại Thụy Sỹ, để khởi đầu cuộc đấu tranh dân chủ cho Việt Nam.

Từ thời điểm 30-4-1975, đảng CSVN đã chứng tỏ là một đảng cướp, tồn tại nhờ dựa vào bạo lực để củng cố địa vị sống còn. Một đảng phạm tội diệt chủng, gây ra bao nhiêu đau thương cho người dân Việt từ Bắc vào Nam. Vì nguồn gốc côn đồ, các cuộc thanh toán vì quyền lợi phe nhóm của giới lãnh đạo đảng ngày một công khai, và những giới chức sẽ “phải hy sinh” còn đang tiếp diễn. Sau hơn 7 thập niên cầm quyền, đảng CS chứng tỏ không có khả năng xây dựng nhưng mạnh về phá hoại, khiến dân tộc ngày thêm điêu đứng và đất nước trở lên chậm tiến.

Ngày 30-4 không những là ngày Quốc hận đối với người Miền Nam, mà còn là mối căm hận chung cho cả Dân Tộc Việt Nam.

 

Trần Nhật Kim

SOURCE:

https://hoiquanphidung.com/forum/c%C3%A1c-chuy%C3%AAn-m%E1%BB%A5c/th%E1%BB%9Di-s%E1%BB%B1/chuy%E1%BB%87n-30-4/8563-ng%C3%A0y-30-4-1975-kh%C3%BAc-quanh-%E1%BA%A3m-%C4%91%E1%BA%A1m-c%E1%BB%A7a-l%E1%BB%8Bch-s%E1%BB%AD-vi%E1%BB%87t-nam

.

 

No comments:

Post a Comment