Có thể nói lực lượng quân sự của Việt Nam Cộng Hòa đã trưởng thành vượt bậc trong thời gian của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa. Khi được thành lập vào năm 1950, với quân số chỉ vào khoảng 60.000, lực lượng này mang tên là Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam. Trong thời gian Ðệ Nhứt Cộng Hòa (1955-1963), lực lượng được cải danh thành Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa. Từ 1965 trở đi, lực lượng quân sự này chính thức mang tên Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH), và vào năm 1970, với sự trợ giúp rất tích cực của Hoa Kỳ, đã có một quân số lên đến trên 1 triệu người, với đầy đủ tất cả các quân binh chủng trang bị rất tối tân, gần như rập khuôn theo quân đội Mỹ, để có thể đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lăng do Bắc Việt phát động với viện trợ quân sự rất lớn lao của khối Cộng Sản mà quan trọng nhứt là từ Liên Xô và Trung Cộng. QLVNCH trở thành một niềm tự hào của Miền Nam nhưng cũng trở thành một con dao hai lưởi cho sự an nguy của Miền Nam. Nó đã có thể giúp VNCH đương đầu một cách hiệu quả với những sư đoàn tinh nhuệ trang bị vũ khí hiện đại của phe Cộng sản từ Miền Bắc xâm nhập vào trong hai cuộc Tổng Tấn Công vào năm 1968 và 1972, nhưng cũng chính vì không còn nhận được đầy đủ quân viện để chi cho hoạt động của nó mà Miền Nam đã sụp đổ một cách thảm hại trong một thời gian ngắn kỷ lục, chỉ có 44 ngày.
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là vị Tổng Thống hội đủ điều kiện nhứt để đảm nhận vai trò hiến-định Tổng Tư Lệnh tối cao của QLVNCH (Ðiều 60, Hiến Pháp 1967), với những lý do sau đây:
· Ông là một Tướng lãnh cao cấp của QLVNCH, mang cấp bậc Trung Tướng 3 sao
· So với phần đông các tướng lãnh cùng thời, không những ông có thâm niên hơn họ (ngay cả đối với Ðại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên, thăng cấp Thiếu Tướng ngày 3-3-1964, trong khi ông Thiệu đã thăng cấp Thiếu Tướng từ ngày 2-11-1963), mà, trong một số trường hợp, ông còn từng là cấp chỉ huy trực tiếp của họ (như các vị Trung Tướng Ðặng Văn Quang, Nguyễn Bảo Trị, và Vĩnh Lộc)
· Ông đã từng chỉ huy các đơn vị quân đội ở nhiều cấp, kể cả Tư Lệnh Sư Ðoàn (Sư Ðoàn 5 Bộ Binh) và Tư Lệnh Quân Ðoàn (Quân Ðoàn IV)
Từ năm 1969 trở đi, Tổng Thống Thiệu, lấy tư cách Tổng Tư Lệnh tối cao của QLVNCH theo Hiến Pháp, nắm hết quyền hành về quân sự, ra lệnh trực tiếp cho các vị tư lệnh của các quân đoàn và các đại đơn vị, không thông qua Bộ Tổng Tham Mưu nữa.1 Do đó người viết nghĩ rằng ông phải chịu một phần rất lớn trách nhiệm về sự thất bại và sụp đổ về quân sự của VNCH vào năm 1975.
Trước hết, để có thể hiểu rõ động cơ của Tổng Thống Thiệu trong những quyết định quan trọng về mặt quân sự trong thời gian cuối 1974 và đầu 1975 đưa đến sự thất trận của Miền Nam, chúng ta phải tìm hiểu rõ bản chất của cuộc chiến, giới hạn của nó, và chiến lược mà VNCH sử dụng để đối phó với cuộc chiến.
Về bản chất, đối với VNCH, đây là một cuộc chiến tranh xâm lược mà Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH, tức Bắc Việt) là nước gây chiến. VNCH, tức Nam Việt Nam, là nạn nhân với lãnh thổ bị xâm phạm. Như vậy cuộc chiến tranh này, đối với VNCH, là một cuộc chiến tranh tự vệ. Hoa Kỳ và các nước Ðồng Minh (Ðại Hàn, Thái Lan, Phi Luật Tân, Úc, Tân Tây Lan) mang quân sang Việt Nam tham chiến là để giúp VNCH trong việc tự vệ, chống lại cuộc xâm lược của VNDCCH. Về giới hạn của cuộc chiến, để tránh mở rộng cuộc chiến và tạo ra cái cớ chính đáng cho Trung Cộng có thể mang quân vào Bắc Việt (như trong Chiến tranh Triều Tiên hồi đầu thập niên 1950), Hoa Kỳ đã không ủng hộ chủ trương Bắc Tiến của VNCH. Do đó, về chiến lược, trong suốt thời gian gần 20 năm của cuộc chiến, VNCH luôn luôn ở vào thế thụ động với chiến lược tổng quát là phòng ngự. QLVNCH phải dàn trãi ra khắp nơi, từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam, để bảo vệ lãnh thổ.
Toàn bộ lãnh thổ VNCH được chia thành 4 Quân Khu:
· Quân Khu I: gồm 5 tỉnh ở cực Bắc là Quảng Trị, Thừa Thiên (gồm cả Huế), Quảng Nam (gồm cả Ðặc Khu Ðà Nẵng), Quảng Tín, và Quảng Ngải, do Quân Ðoàn I phụ trách bảo vệ lãnh thổ với lực lượng chủ lực là 3 Sư Ðoàn BB (Bộ Binh) là các Sư Ðoàn 1, 2, 3, cùng một số đơn vị Không Quân, Hải Quân, yểm trợ, tiếp vận, và các lực lượng Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân thuộc các Tiểu Khu (mổi tỉnh là một Tiểu Khu)
· Quân Khu II: gồm 7 tỉnh cao nguyên là Kontum, Pleiku, Phú Bổn, Darlac, Quảng Ðức, Lâm Ðồng, Tuyên Ðức, và 5 tỉnh duyên hải là Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, do Quân Ðoàn II phụ trách bảo vệ lãnh thổ với lực lượng chủ lực là 2 Sư Ðoàn BB 22 và 23, cùng một số đơn vị Không Quân, Hải Quân, yểm trợ, tiếp vận, và các lực lượng Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân thuộc các Tiểu Khu
· Quân Khu III: gồm 11 tỉnh của Miền Ðông Nam Phần là Phước Long, Bình Long, Phước Tuy, Bình Tuy, Bình Dương, Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Long An, Long Khánh, Biên Hòa, Gia Ðịnh, và Ðặc Khu Vũng Tàu, do Quân Ðoàn III phụ trách bảo vệ lãnh thổ với 3 Sư Ðoàn BB là 5, 18, 25, cùng một số đơn vị Không Quân, Hải Quân, yểm trợ, tiếp vận, và các lực lượng Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân thuộc các Tiểu Khu
· Quân Khu IV: gồm 16 tỉnh của Miền Tây Nam Phần là Gò Công, Kiến Tường, Ðịnh Tường, Kiến Hòa, Kiến Phong, Sa Ðéc, Vĩnh Long, Vĩnh Bình, Châu Ðốc, An Giang, Phong Dinh, Ba Xuyên, Kiên Giang, Chương Thiện, Bạc Liệu, An Xuyên, do Quân Ðoàn IV phụ trách bảo vệ lãnh thổ với 3 Sư Ðoàn BB là 7, 9, 21, cùng một số đơn vị Không Quân, Hải Quân, yểm trợ, tiếp vận, và các lực lượng Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân thuộc các Tiểu Khu
Ngoài các đơn vị cố định chịu trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ kể trên, Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH còn thành lập một số đơn vị cơ động gọi là Lực Lượng Tổng Trừ Bị có thể được điều động đi khắp nơi khi cần. Ðó là các Sư Ðoàn Nhảy Dù, Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến, 5 Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân, và Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù.
Ngoài quân chủng Lục Quân với các binh chủng và đơn vị kể trên, cùng với các binh chủng khác như Thiết Giáp, Pháo Binh, Truyền Tin, Công Binh, vv, QLVNCH còn có 2 quân chủng nữa là Không Quân và Hải Quân cũng đã phát triển rất nhanh và trở thành những lực lượng rất hiện đại với đầy đủ tất cả các loại phi cơ và tàu chiến. Không Quân có tất cả 6 Sư Ðoàn rải ra trên khắp lãnh thổ của VNCH như sau:
· Sư Ðoàn 1: đóng tại Ðà Nẵng
· Sư Ðoàn 2: đóng tại Nha Trang
· Sư Ðoàn 3: đóng tại Biên Hòa
· Sư Ðoàn 4: đóng tại Cần Thơ
· Sư Ðoàn 5: đóng tại Sài Gòn
· Sư Ðoàn 6: đóng tại Pleiku
Hải Quân cũng có các hạm đội và giang đoàn khắp nơi và tại mỗi Quân Khu đều có một Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng đứng đầu là một vị Phó Ðề Ðốc (tướng một sao; tương đương với cấp Chuẩn Tướng bên Lục Quân và Không Quân).
VNCH hoàn toàn không có khả năng về kinh tế để có thể nuôi dưỡng và duy trì một quân lực hùng hậu và hiện đại như vậy nếu không có viện trợ của Hoa Kỳ.
Vào đầu năm 1975, sau khi Thượng Viện Hoa Kỳ không phê chuẩn Hiệp Ðịnh Paris, Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua War Powers Act vào ngày 7-11-1973 giới hạn tối đa quyền của Tổng Thống gửi quân ra nước ngoài, và Tổng Thống Nixon phải từ chức vào ngày 9-8-1974 vì vụ Watergate, và được thay thế bởi ông Gerald Ford, Tổng Thống đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ không hề được dân bầu vào chức vụ đó, Tổng Thống Thiệu chắc chắn phải suy nghĩ là ông không còn có thể trông đợi vào viện trợ đầy đủ về quân sự của Hoa Kỳ cho cuộc chiến tranh với một Quốc Hội hoàn toàn do phe phản chiến và chống VNCH chiếm đa số, và vào việc Hoa Kỳ sẽ trả đủa trong trường hợp Bắc Việt vi phạm Hiệp Ðịnh Paris với vị Tổng Thống mới hoàn toàn yếu thế đối với Quốc Hội vì không được nhân dân Hoa Kỳ bầu ra.
Một số sự việc quan trọng sau đây đã khiến cho ông khẳng định là ông đã nghĩ đúng.
Việc thứ nhứt là Quốc Hội Hoa Kỳ đã cắt giảm nghiêm trọng quân viện cho VNCH. Năm 1973, con số này là 2,8 tỷ đô la; năm 1974 cắt xuống còn 1 tỷ, và 3 ngày sau khi Tổng Thống Nixon từ chức, vào ngày 11-8-1974, Quốc Hội cắt thêm 300 triệu nữa chỉ còn lại 700 triệu đô la mà thôi. (2)
Việc thứ nhì là Hoa Kỳ đã hoàn toàn không có phản ứng gì cả sau khi xảy ra vụ phe Cộng sản vi phạm nghiêm trọng Hiệp Ðịnh Paris trong vụ tấn công tỉnh Phước Long từ giữa tháng 12-1974 và chiếm được tỉnh này vào ngày 6-1-1975.
Việc thứ ba là: “Một ngày trước khi Tướng Phú tuyên bố Ban-Mê-Thuột mất, hạ viện Mỹ đã biểu quyết cắt hoàn toàn 300 triệu Mỹ kim quân viện bổ túc cho VNCH mà trước đây Tổng Thống Ford đã cố gắng đệ trình Quốc Hội.” Và chính cái suy nghĩ đó đã thúc đẩy ông tin rằng VNCH không còn có đủ khả năng và phương tiện để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ của mình nữa.
Ngày 11-3-1975, một ngày sau khi Ban Mê Thuột lọt vào tay quân Cộng sản, ông triệu tập một cuộc họp rất quan trọng tại Dinh Ðộc Lập. Hiện diện tại cuộc họp này với Tổng Thống Thiệu là Ðại Tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ Tướng Chính phủ, Ðại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, và Trung Tướng Ðặng Văn Quang, Cố Vấn An Ninh và Quân Sự của Tổng Thống. Chính trong cuộc họp này, lần đầu tiên, Tổng Thống Thiệu trình bày ý tưởng của ông là QLVNCH chỉ còn có thể giữ được hai Vùng III và IV mà thôi, có nghĩa là phải cắt bỏ 2 Vùng I và II ở phía Bắc của lãnh thổ VNCH cho phía Cộng sản. Ðây là một việc mà, theo đánh giá của người viết bài này, Tổng Thống Thiệu đã làm không đúng hoàn toàn. Lẽ ra ông phải trình bày chuyện hết sức quan trọng này tại một phiên họp của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia thì mới đúng.
Ba ngày sau, vào ngày 14-3-1975, cũng cùng với các vị tướng kể trên, Tổng Thống Thiệu lại có một cuộc họp quan trọng khác tại Cam Ranh, lần này là với Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Vùng II. Chính tại cuộc họp định mệnh này mà Tổng Thống Thiệu, với tư cách Tổng Thống và đương nhiên là Tổng Tư Lệnh tối cao của QLVNCH, đã biến suy nghĩ của ông thành hành động, trực tiếp ra lệnh cho Tướng Phú rút bỏ Pleiku-Kontum. Dù cho ông, trong lúc tâm sự với Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng sau này, có biện minh rằng: “Tôi ra lệnh tái phối trí tức là rút quân khỏi Pleiku và Kontum để tái chiếm Ban Mê Thuột, chứ không phải rút lui hoàn toàn khỏi Quân đoàn II,” và dù cho lời biện minh này có đúng đi nữa thì sự thật lịch sử vẫn là chính ông đã ra lệnh cho Tướng Phú triệt thoái khỏi Pleiku, nơi đặt Bộ Tư Lệnh của Quân đoàn II. Ngoài ra, cũng trong lúc tâm sự với Tiến sĩ Hưng, ông còn nói thêm rằng: “Tôi ra hai chứ không phải một lệnh: đó là thứ nhất, rút quân khỏi Pleiku để tái chiếm Ban Mê Thuột; và thứ hai, Bộ Tổng Tham Mưu ‘theo dõi và giám sát’ (suivre et surveiller) cuộc triệt thoái này.” Về cái lệnh thứ hai này thì Ðại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng cho biết là không có. Cho dù là có thật đi nữa, Tướng Viên cũng sẽ không tích cực thi hành, vì, trên thực tế, ông đã không còn làm tròn nhiệm vụ Tổng Tham Mưu Trưởng của ông từ bao nhiêu năm trước đó rồi vì không đồng ý với cách làm việc của Tổng Thống Thiệu là luôn luôn ra lệnh trực tiếp cho các Tư Lệnh Quân Ðoàn, không qua hệ thống của Bộ Tổng Tham Mưu. Trên thực tế, ông đã nhiều lần xin từ chức nhưng không được Tổng Thống Thiệu chấp thuận. Phản ứng của ông là không tích cực làm tròn nhiệm vụ Tổng Tham Mưu Trưởng nữa.
Trở lại vấn đề cái lệnh thứ hai này, chúng ta có cơ sở để tin là Tướng Viên đã không nói hết sự thật. Trong cuốn hồi ký Ðôi dòng ghi nhớ của ông, Ðại Tá Phạm Bá Hoa (nguyên Chánh Văn Phòng của Tổng Tham Mưu Trưởng, 1965-1966), có thuật lại là vào buổi trưa ngày 15-3-1975, Ðại Tướng Viên có điện thoại cho ông, lúc đó dang giữ chức Tham Mưu Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận của Bộ Tổng Tham Mưu, và ra lệnh cho ông điều động tất cả các phi cơ vận tải C-130 có thể sử dụng được lên cho Quân đoàn II, nhưng không cho biết để dùng trong việc gì và cũng ra lệnh cho ông phải bảo mật chuyện đó.6 Qua chuyện này, chúng ta có thể tin rằng Tổng Thống Thiệu có ra cái lệnh thứ hai này, vì nếu không thì, với thái độ tiêu cực trong nhiệm vụ của ông từ bao năm trước đó, chắc chắn Tướng Viên đã không có điện thoại cho Ðại Tá Hoa như vậy. Và Tướng Viên cũng chỉ có hành động như vậy thôi, hoàn toàn đúng với cách làm việc tiêu cực của ông
Trở lại cái lệnh rút bỏ Pleiku-Kontum, người viết thấy có rất nhiều điều cần phải được phân tích để có thể hiểu rõ và đánh giá Tổng Thống Thiệu: bối cảnh và thời điểm lệnh được ban hành, tính chất của lệnh, nội dung của lệnh, tính khả thi của lệnh, cách thi hành lệnh, và hậu quả của lệnh.
XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP
Bối Cảnh và Thời Ðiểm Của Lệnh
Về bối cảnh và thời điểm, Tổng Thống Thiệu trực tiếp ra lệnh này cho Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Ðoàn II, tại cuộc họp ở Cam Ranh, vào ngày 14-3-1975. Tại thời điểm này, VNCH đang ở vào giai đoạn khó khăn nhứt trong suốt cuộc chiến tranh đã kéo dài gần 20 năm:
· mức quân viện từ Hoa Kỳ bị cắt giảm nặng nề, và có thể sẽ không còn nữa trong tài khóa 1976, đưa QLVNCH đến chổ không còn khả năng tác chiến hiệu quả như trước nữa;
· không còn lực lượng tổng trừ bị để bổ sung cho các mặt trận cần đến vì các đơn vị của lực lượng này đã được điều động đi khắp nơi hết rồi;
· hai tỉnh Phước Long và Ban Mê Thuột đã bị quân Cộng sản chiếm mà QLVNCH không có khả năng đánh chiếm lại được;
· và trước tình hình nghiêm trọng như vậy, vị Tổng Tư Lệnh tối cao của QLVNCH, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đã có ý quyết định phải cắt bỏ 2 Quân Khu I và II, chỉ giữ lại 2 Quân Khu III và IV mà thôi.
Khi ra cái lệnh rút bỏ Pleiku-Kontum cho Tướng Phú, Tổng Thống Thiệu lần đầu tiên chính thức thực hiện cái quyết định cắt bỏ lãnh thổ đó. Tuy đã có họp với các tướng lãnh cao cấp vào ngày 11-3-1975, như chúng ta đã thấy trong phần trên, nhưng Tổng Thống Thiệu phải một mình chịu trách nhiệm về quyết định này vì đây là ý nghĩ của ông và 3 vị tướng kia hoàn toàn không có đóng góp gì cả trong cuộc họp; họ gần như chỉ đóng vai trò làm nhân chứng mà thôi. Trong cuộc họp tại Cam Ranh ngày 14-3-1975 thì cũng vậy, không có một vị tướng nào có một lời phản biện nào cả. Tướng Phú là người mang cấp bậc thấp nhứt tại cuộc họp nên lại càng không có ý kiến gì cả vì ông đã thấy rõ là Tổng Thống đã quyết định như vậy với sự đồng thuận của 3 vị tướng lãnh cao cấp kia. Thật là một điều hết sức đáng tiếc về cuộc họp này cho một quyết định vô cùng quan trọng về quân sự và chính trị của VNCH.
TÍnh Chất Của Lệnh
Về tính chất của lệnh thì đây là một lệnh tối mật, chỉ có các sĩ quan cao cấp tại Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II được biết mà thôi, ngay cả các sĩ quan cao cấp tại Bộ Tổng Tham Mưu cũng không được thông báo. Trong cuốn hồi ký của ông, Ðại Tá Hoa còn cho biết thêm là khi ông liên lạc với Ðại Tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu Trưởng Quân Ðoàn II, để thông báo về việc ông điều động phi cơ vận tải C-130 lên Pleiku cho Quân Ðoàn II, thì Ðại Tá Lý cũng không cho ông biết sử dụng các phi cơ đó trong việc gì. (7) Các giới chức Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng hoàn toàn không được thông báo gì hết về lệnh này. Tác giả Ðỗ Sơn, trong tác phẩm Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất và sự thật cuộc triệt thoái Quân Ðoàn II, đã có ghi lại cuộc phỏng vấn của ông với Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất về cuộc triệt thoái này. Khi được hỏi về việc Tướng Phú đã truyền đạt lại lệnh của Tổng Thống Thiệu như thế nào tại cuộc họp của Quân Ðòan II vào buổi chiều ngày 14-3-1975 thì Tướng Tất đã trả lời như sau: “Lệnh Tống Thống là giữ bí mật tuyệt đối, chỉ rút quân chủ lực, còn bỏ lại tất cả. Có nghĩa là bỏ Tiểu Khu, bỏ Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân, và dân chúng. Có người đã hỏi tại sao vậy? Tướng Phú trả lời: Tổng Thống đã có nói nếu họ muốn theo thì họ sẽ biết cách đi theo, các anh không phải lo. Phải rút nhanh, gọn để bảo toàn sự bất ngờ.” (8) Tính chất tối mật này không giữ được lâu vì trên thực tế không thể nào có thể giữ được bí mật việc di chuyển của cả một Quân Ðoàn. Cuốn hồi ký của Ðại Tá Hoa cho biết khi phi cơ C-130, mà ông điều động lên Pleiku vào sáng ngày 16-3-1975, đến phi trường Cù Hanh (Pleiku) đã “không thể nào đáp xuống phi trường được, vì người ta đông không thể tưởng tượng nổi.” (9)
Nội Dung Của Lệnh
Về mặt nội dung, lệnh của Tổng Thống Thiệu gồm 2 phần: 1) Bỏ Pleiku-Kontum, rút toàn bộ quân chủ lực của Quân Ðoàn II về vùng duyên hải; và 2) Tổ chức lại lực lượng để phản công tái chiếm Ban Mê Thuột. Quân Ðoàn II chỉ thực hiện được phần 1 của lệnh này; phần 2 của lệnh này không bao giờ được thực hiện vì, trên thực tế, sau cuộc triệt thoái, Quân Ðoàn II không còn hiện hữu nữa. Lệnh của Tổng Thống Thiệu, như đã nói ở trên, là: “rút nhanh, gọn để bảo toàn sự bất ngờ,” nhưng hoàn toàn không có nói gì hết về khung thời gian, như vậy có thể được xem như giao toàn quyền cho Tướng Phú quyết định về khía cạnh này. Và Tướng Phú, trong cuộc họp với các sĩ quan cao cấp tại Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II của ông vào đêm 14-3-1975, đã quyết định bắt đầu ngay cuộc triệt thoái vào sáng ngày 16-2-1975, nghĩa là chỉ sau có 1 ngày chuẩn bị (15-3-1975) mà thôi, nghĩa là, trên thực tế, có thể xem như là không có chuẩn bị gì cả, một điều gần như không có thể nào tưởng tượng được cho một cuộc hành quân ở cấp quân đoàn. Một điều cũng không bình thường là ngay cả lệnh hành quân trên giấy tờ mà lẽ ra Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn phải gửi cho các đơn vị trực thuộc Quân Ðoàn cũng không có luôn.
Tính Khả Thi Của Lệnh
Về tính khả thi của lệnh này, được Tổng Thống Thiệu đưa ra trong một bối cảnh chính trị – quân sự hết sức nghiêm trọng, có rất nhiều vấn đề cần phải được xem xét và đánh giá một cách đầy đủ và khách quan. Trước hết là cái cách thức ra lệnh của Tổng Thống Thiệu: khi ông cảm thấy không thuyết phục được Tướng Phú về chủ trương rút bỏ Vùng II của ông (vì Tướng Phú xin được cùng toàn quân ở lại tử thủ), ông đã sử dụng đến cả hạ sách là hăm dọa cách chức và bỏ tù Tướng Phú.10 Như người viết đã trình bày bên trên, lệnh triệt thoái này gồm 2 phần: 1) rút lực lượng chủ lực của Quân Ðoàn II ra khỏi Pleiku-Kontum, và 2) tổ chức lại lực lượng để phản công tái chiếm Ban Mê Thuột. Như vậy, phần 2 chính là mục tiêu để biện minh cho phần 1 chỉ là phương tiện. Lý luận này hoàn toàn không có cơ sở vững chắc. Ban Mê Thuột đã mất và Quân Ðoàn II, với lực lượng sẳn có (và sẽ không có thêm bất cứ lực lượng Tổng Trừ Bị nào được tăng viện nữa cả), đã không thể phản công tái chiếm, thì làm thế nào, cũng với lực lượng đó (chắc chắn sẽ bị giảm thiểu rất nhiều sau cuộc triệt thoái) lại có thể phản công chiếm lại được Ban Mê Thuột. Ðó là mới chỉ xét sự việc thuần túy về mặt lực lượng mà thôi. Còn về mặt tinh thần chiến đấu của binh sĩ thì sao ? Chắc chắn sẽ bị sút giảm trầm trọng sau khi QLVNCH đã thua 2 trận lớn, đã mất luôn 2 tỉnh và cả một Quân Ðoàn phải rút lui. Tổng Thống Thiệu có thể đã nghĩ rằng rút bỏ Pleiku-Kontum thì Quân Ðoàn II sẽ không còn phải trãi quân bảo vệ các vùng đó nữa, vậy có thể tập trung nhiều quân hơn để tấn công Ban Mê Thuột. Nếu quả thật ông đã suy nghĩ như vậy thì ông đã quên là Bắc Việt cũng sẽ không cần các sư đoàn của họ bao vây Pleiku và Kontum nữa, mà sẽ tập trung chúng lại để bảo vệ Ban Mê Thuột. Ngoài ra, về phương diện tinh thần binh sĩ, thì quân Bắc Việt chắc chắn sẽ cao hơn tinh thần của binh sĩ QLVNCH rất nhiều vì họ đang liên tiếp chiến thắng và đã khiến cho QLVNCH phải triệt thoái cả một Quân Ðoàn, một điều chưa từng xảy ra trong suốt cuộc chiến tranh gần 20 năm. Chuyện phản công tái chiếm Ban Mê Thuột, mục tiêu của lệnh triệt thoái này, rõ ràng là một chuyện không tưởng. Câu hỏi cần có lời giải đáp là có thể nào Tổng Thống Thiệu là một vị tướng lãnh cao cấp, có nhiều kinh nghiệm, và là một người luôn luôn làm việc có tính toán cẩn thận, lại có thể suy nghĩ nông nổi như vậy hay không? Câu trả lời của người viết bài này là: KHÔNG. Tổng Thống Thiệu chỉ dùng nó làm cái cớ để thực hiện việc cắt bỏ Vùng II mà ông đã quyết định tại cuộc họp ngày 11-3-1975 tại Dinh Ðộc Lập với các Tướng Khiêm, Viên và Quang. Suy nghĩ thêm một chút nữa chúng ta cũng thấy rằng ông không đề cập gì cả đến chuyện tái chiếm Pleiku- Kontum, nghĩa là nếu có phản công thì chỉ là để chiếm lại Ban Mê Thuột mà thôi, không phải để chiếm lại Vùng II. Tóm lại mức độ khả thi của lệnh này là rất đáng nghi ngờ.
Cách Thi Hành Lệnh
Về cách thức thực hiện lệnh này thì có thể tóm tắt trong một câu: không được chuẩn bị chu đáo, nếu không muốn nói là không có chuẩn bị gì cả. Ðây là một lỗi lầm lớn, rất lớn của Tướng Phú. Dù cho lệnh của Tổng Thống Thiệu là phải thực hiện cho nhanh, ông cũng không thể và không nên thực hiện quá nhanh như vậy. Chắc chắn ông phải biết rằng dân chúng trong Vùng II, đặc biệt là tại Pleiku, nơi đóng Bộ Tư Lệnh của Quân Ðoàn II, sẽ biết về việc triệt thoái này, và họ sẽ đi theo. Như vậy, ông không thể chỉ quan tâm đến khía cạnh quân lính và quân trang, quân dụng mà phải tính trước cả yếu tố dân chúng, mà là dân chúng bị hoảng hốt, kinh hoàng trước việc lui binh vĩ đại, vô tiền khoáng hậu này. Ngoài ra, một số việc làm của Tướng Phú trong thời gian này cũng cần phải được đánh giá. Việc thứ nhứt là việc ông đòi hỏi, gần như là một điều kiện để đánh đổi cho việc ông phải thi hành cái lệnh vô cùng khó khăn này, Tổng Thống Thiệu phải đồng ý thăng cấp Chuẩn Tướng cho Ðại Tá Phạm Duy Tất, Chỉ Huy Trưởng Biệt Ðộng Quân Vùng II. Tình hình quân sự lúc bấy giờ hoàn toàn không phù hợp cho việc thăng cấp trong quân đội; QLVNCH đang thua trận nặng nề chứ có phải đang chiến thắng oanh liệt gì đâu. Thứ hai, chỉ thăng cấp cho 1 vị đại tá là ông Tất mà thôi (với lý do gì cũng không thấy nói rõ, nhưng chắc chắn không phải do hành động gì phi thường tại mặt trận lúc bấy giờ) làm sao không tạo ra sự dèm pha (ông Tất là bạn thân của ông Phú từ nhiều năm) và bất mãn của các vị đại tá khác trong Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn, trong lúc đang cần sự đồng thuận và cộng tác tích cực giữa các sĩ quan cao cấp của Quân Ðoàn trong cuộc hành quân hết sức quan trọng này. Việc thứ ba là Tướng Phú gần như không có mặt trong cuộc triệt thoái này. Sáng ngày 15-3, ông và một số sĩ quan trong bộ tham mưu của ông bay về Nha Trang với lý do là để thiết lập bản doanh mới cho Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn. Việc chỉ huy tổng quát cuộc triệt thoái này được ông giao cho Tướng Tất.11 Ðây có thể là động cơ chính của Tướng Phú trong việc hết sức cố gắng xin Tổng Thống Thiệu thăng cấp Chuẩn Tướng cho bằng được cho Ðại Tá Tất. Theo kế hoạch, chỉ có Sư Ðoàn 6 Không Quân sẽ tự lo liệu để di chuyển toàn bộ lực lượng về căn cứ không quân Phan Rang, tất cả các lực lượng còn lại của Quân Ðoàn II sẽ di chung với nhau, mỗi ngày sẽ có một đoàn 200-250 xe sẽ rời Pleiku với binh sĩ và chiến cụ. Toàn bộ các lực lượng chủ lực của Quân Ðoàn II hiện diện trong vùng Pleiku-Kontum lúc đó gồm:
· 1 tiểu đoàn thuộc Trung Ðoàn 44, Sư Ðoàn 23 Bộ Binh
· 6 Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân: 4, 7, 21, 22, 24 và 25
· Thiết Ðoàn 21 Chiến Xa M.48 (thuộc Lữ Ðoàn 2 Kỵ Binh)
· 2 tiểu đoàn pháo 155 ly Howitzer
· 1 tiểu đoàn pháo 175 ly tầm xa
· Liên Ðoàn 20 Công Binh Chiến Ðấu
· Liên Ðoàn 231 Yểm Trợ Tiếp Vận
Theo kế hoạch mà Tướng Phú đã đề nghị tại cuộc họp ở Cam Ranh ngày 14-3 và đã được Tổng Thống Thiệu và các tướng lãnh hiện diện đồng chấp thuận, Liên TỈnh Lộ 7B (LTL-7B), con đường (tách ra từ Quốc Lộ 14 là quốc lộ nối liền Pleiku với Ban Mê Thuột) từ Ngả Ba Mỹ Thạch đi về hướng Ðông Nam đến Tuy Hòa, đã được chọn để rút quân. Lý do là vì cả 2 quốc lộ huyết mạch nối liền cao nguyên với duyên hải là Quốc Lộ 19 (nối liền Pleiku với Qui Nhơn) và Quốc Lộ 21 (nối liền Ban Mê Thuột với Ninh Hòa) đều đã bị các đơn vị quân Bắc Việt đóng chốt và cắt đứt. LTL-7B là một con đường trãi đá, dài 182 km, ít được sử dụng vì hư hại nhiều, gần như bỏ hoang, gồm 3 đoạn như sau:
· từ ngả ba Mỹ Thạch đến Cheo Reo: 84 km, đường tốt
· từ Cheo Reo đến Củng Sơn: 48 km, qua đèo Tuna (cách Cheo Reo khoảng 4 km về phía Nam, ngày nay gọi là đèo Tô Na), qua cầu Sông Ba (thời Pháp thuộc gọi là cầu Le Bac, sông Ba ở khúc này rất rộng nên cầu nầy dài đến 600 m nhưng đã bị sập từ lâu, và sau cùng phải qua cầu Cà Lúi (một sông nhánh của sông Ba) trước khi đến Củng Sơn
· từ Củng Sơn đến Tuy Hòa: 50 km, đoạn đường này đã bị quân Đồng minh Ðại Hàn gài rất nhiều mìn trước năm 1973.
Nói chung LTL-7B không phải là một trục lộ giao thông tốt cho cuộc rút quân, nhưng nó là con đường duy nhứt còn lại và có thể tạo ra yếu tố bất ngờ cần thiết cho cuộc rút quân.
Lịch trình rút quân được sắp xếp như sau:
· Ngày 16-3: Liên Ðoàn 20 Công Binh Chiến Ðấu đi tiền tiêu, mở đường và sửa chửa cầu đường nếu cần; Liên Ðoàn 6 Biệt Ðộng Quân đi theo để yểm trợ cho Công Binh; cùng đi trong đợt đầu tiên này là một số đơn vị tiếp vận, quân cụ di chuyển trên khoảng 200 quân xa, cùng với một số đơn vị pháo binh, và một chi đoàn thiết giáp M-48 thuộc thiết đoàn 21 đi theo để bảo vệ đoàn xe
· Ngày 17-3: các đơn vị còn lại của tiếp vận, pháo binh, và quân y, di chuyển trên khoảng 250 quân xa, với một chi đoàn thiết giáp M-48 đi theo để bảo vệ đoàn xe
· Ngày 18-3: các đơn vị thuộc Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II, một vài đơn vị thuộc Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 23 Bộ Binh, các đơn vị Quân Cảnh, Tiểu đoàn thuộc Trung Ðoàn 44 của Sư Ðoàn 23, và một đơn vị thiết giáp đi theo bảo vệ đoàn xe cũng gồm khoảng 250 quân xa
· Ngày 19-3: các Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân còn lại và các đơn vị thiết giáp cuối cùng đi tập hậu để chận địch quân truy kích
Bản đồ Liên TỈnh Lộ 7B
Ngày đầu tiên của cuộc rút quân diển ra suông sẻ, tốt đẹp, đúng kế hoạch vì dân chúng cũng như các đơn vị quân Bắc Việt phe chưa hay biết về cuộc triệt thoái. Nhưng vào cuối ngày thì dân chúng Pleiku đã biết chuyện và họ lũ lượt kéo nhau chạy theo đoàn quân di tản. Cũng trong buổi chiều ngày hôm đó, Tướng Văn Tiến Dũng của Bắc Việt cũng đã biết tin về cuộc triệt thoái của Quân Ðoàn II, và ông ra lệnh cho Tư Lệnh Sư Ðoàn 320 phải cấp tốc truy kích đoàn quân đang triệt thoái trên LTL-7B.
Ngày hôm sau, 17-3, dân chúng bắt đầu nhập vào đoàn quân triệt thoái bằng đủ tất cả những phương tiện di chuyển mà họ có, kể cả một số rất đông đi bộ, tất cả khiến cho đoàn quân không thể di chuyển nhanh được.
Một cảnh của đoàn quân triệt thoái trên LTL-7B
Ngày 18-3, đoàn quân đến được Cheo Reo và ngừng lại vì Công Binh chưa làm kịp cầu bắc qua sông Ba ở phía Nam Cheo Reo. Cũng trong ngày này, trước tình hình cuộc triệt thoái có vẻ thuận lợi với yếu tố bất ngờ, “tướng Phú thay đổi ý kiến. Ông ra lệnh ngưng cuộc lui binh và thay vào đó là lệnh lập tuyến phòng thủ tại Hậu-Bổn.” 12 Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Quân Ðoàn II dưới sự chỉ huy của Chuẩn Tướng Trần Văn Cẩm đặt ngay tại một trường học trong thị trấn Hậu Bổn (Cheo Reo). Nhưng ngay tối hôm đó, các đơn vị thuộc Sư Ðoàn 320 của Bắc Việt đã bắt kịp đoàn quân triệt thoái tại Cheo Reo và bắt đầu tấn công bằng tất cả hỏa lực mà họ có, gây thiệt hại rất nặng cho đoàn quân triệt thoái và dân chúng đi theo, rất nhiều quân xa bốc cháy, nhiều trọng pháo và thiết giáp bị phá hủy, xe cộ và xác người ngỗn ngang trên tỉnh lộ và trong thị trấn. Liên Ðoàn 23 BÐQ được lệnh tiến chiếm đèo Ban Bleik ở phía tây Thị Trấn Cheo Reo để chặn dứng sức tấn công của quân Bắc Việt, kéo dài thời gian để giúp cho Công Binh có thể làm xong được cầu bắt qua sông Ba.
Ngày 19-3, trận kịch chiến vẫn tiếp tục tại Cheo Reo giữa các liên đoàn BÐQ và các đơn vị của Sư Ðoàn 320 Bắc Việt đang truy kích. Trong ngày này, một số đơn vị Ðịa Phương Quân người Thượng đã nổi loạn, bỏ hàng ngũ, cướp phá, gây hỗn loạn trong đoàn quân dân triệt thoái. Trong lúc trận chiến đang diễn ra ác liệt, một phi tuần phản lực cơ A-37 của Không Quân VNCH lại oanh tạc lầm vào quân bạn, gây thiệt hại rất nặng cho một một tiểu đoàn của Liên Ðoàn 7 BÐQ, và làm cho tình hình trong đoàn quân triệt thoái càng thêm hỗn loạn; mệnh lệnh và kỷ luật gần như không còn nữa. Một số cấp chỉ huy của các thiết đoàn cũng như của các tiểu đoàn BÐQ có nhiệm vụ yểm trợ đoàn quân triệt thoái không còn chỉ huy được các đơn vị của họ nữa. Trước tình hình rối loạn, không còn kiểm soát được nữa tại Hậu Bổn, Tướng Phú lại một lần nữa thay đổi ý kiến, ra lệnh bỏ tuyến phòng thủ ở Hậu Bổn, và tiếp tục lui quân về Tuy Hòa. Ông “… cho trực thăng tới bốc Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Quân Ðoàn đưa về Tuy Hòa, riêng Tướng Cẩm là người ở lại sau cùng nên chính trực thăng của tôi [tôi = Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất) bốc ông.” 13 Kể từ lúc này trở đi, không còn một vị tướng lãnh nào trong đoàn quân triệt thoái nữa hết, việc chỉ huy thống nhứt hoàn toàn không còn nữa, đoàn quân như rắn mất đầu, binh sĩ cảm thấy bị bỏ rơi, các cấp chỉ huy và các đơn vị mạnh ai nấy lo. Trong thời gian đó, Không Quân VNCH được lệnh ném bom phá hủy tất cả các chiến cụ nặng, không để chúng lọt vào tay địch quân. Sáng ngày 20-3, đoàn quân triệt thoái cố gắng phá vòng vây của các đơn vị thuộc Sư Ðoàn 320 Bắc Việt, thoát ra khỏi Hậu Bổn để tiến về phía Củng Sơn, nhưng mới được khoảng nửa đường thì bị chận lại vì Phú Túc đã bị quân Cộng sản chiếm. Liên Ðoàn 7 BÐQ được lệnh tiến lên, tấn công dũng mãnh và chiến thắng, chiếm lại được Phú Túc trong cùng ngày. Ngày hôm sau, 21-3, đoàn quân tiếp tục tiến về Củng Sơn, mặc dù vẫn tiếp tục bị địch quân truy kích. Trên đường đi, sau khi ra khỏi Phú Túc, tình hình mất kỷ luật bên trong đoàn quân triệt thoái càng lúc càng tệ hơn, binh sĩ nhiều đơn vị tranh nhau, kể cả bắn nhau, để vượt lên trước. “… Súng bắt đầu nổ từ một phe, bạo lực lan nhanh như lửa cháy đồng, trong chốc lát nó bao trùm đoàn xe, súng nổ khắp nơi, người ta bắn để cướp đường giành đi trước…Bấy giờ súng không nổ phát một, ngưới ta bắn hàng tràng đại liên, không bắn chỉ thiên, mà bắn xả trên đầu… ” 14 Ðoàn xe sau cùng cũng đến được bờ sông Ba. Lúc đó Liên Ðoàn 20 Công Binh Chiến Ðấu vẫn làm chưa xong cầu. Cầu phao đã được đưa từ Nha Trang lên Tuy Hòa nhưng sau đó không đưa được bằng đường bộ từ Tuy Hòa về Củng Sơn vì các chốt chận của quân Cộng sản. Sau cùng Không Quân VNCH phải sử dụng đến các trực thăng khổng lồ Chinook CH-47 để dưa từng phần từ Tuy Hòa về Củng Sơn.15 Liên Ðoàn 6 BÐQ, tại phòng tuyến phía Tây Củng Sơn, đã chiến đấu rất ác liệt để chận đứng các cuộc tấn công của Trung Ðoàn 64 của Sư Ðoàn 320 Bằc Việt, nhằm giúp cho Công Binh hoàn thành cầu phao bắt ngang qua Sông Ba. Ngày 22-3, cầu phao làm xong, đoàn xe bắt đầu vượt sông Ba. Lúc bắt đầu vượt sông, vì tranh nhau qua cầu cho nhanh, một số xe tiến quá nhanh làm sập một đoạn cầu phao, gây thêm một số thương vong. Công Binh đã nhanh chóng sửa chửa lại đoạn cầu bị sập và đoàn quân triệt thoái qua được sông Ba, sử dụng Tỉnh Lộ 436 để tiến về Tuy Hòa. Các Tiểu Ðoàn 35 và 51, thuộc Liên Ðoàn 6 BÐQ, tiếp tục bám giữ phòng tuyến tại Củng Sơn để bảo vệ phía sau của đoàn quân. Tiểu Ðoàn 34, thuộc Liên Ðoàn 7 BÐQ, tiến về phía trước, nhổ từng chốt chận của Cộng quân để giúp đoàn dân quân triệt thoái tiến về Tuy Hòa. Ngày 27-3, vào lúc 9 giờ tối, những chiếc quân xa đầu tiên của đoàn quân triệt thoái về đến Tuy Hòa.
Hậu Quả Của Lệnh
Về mặt hậu quả, cuộc triệt thoái này là bước đầu của tiến trình sụp đổ nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng của VNCH: nếu tính từ ngày 16-3-1975, ngày khởi đầu của cuộc lui quân, cho đến ngày 30-4-1975, ngày Ðại Tướng Dương Văn Minh, Tổng Thống cuối cùng của VNCH đầu hàng quân Bắc Việt tại Dinh Ðộc Lập, thời gian chỉ có 44 ngày.
Hậu quả đầu tiên và trực tiếp của cuộc triệt thoái vô tiền khoáng hậu trong lịch sử của QLVNCH này là việc Quân Ðoàn II đã bị xóa sổ, và điều này có nghĩa là VNCH đã mất đi ¼ lực lượng quân sự trong vòng chỉ có hơn 10 ngày. “Khoảng 60 ngàn quân chủ lực khi về đến Tuy Hòa chỉ còn lại khoảng 20 ngàn. Năm liên đoàn BÐQ với quân số khoảng 7 ngàn chỉ còn lại 900 người. Lữ Ðoàn 2 Kỵ Binh với hơn 100 thiết-xa các loại chỉ còn đúng 13 thiết-vận-xa M-113.” 16 Ðại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH, tổng kết thiệt hại của Quân Ðoàn II trong tác phẩm của ông viết bằng Anh ngữ, The Final collapse, như sau: “At least 75 percent of II Corps combat strength, to include the 23d Infantry Division as well as Ranger, armor, artillery, engineer, and signal units, had been tragically expended within ten days.” 17 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Ít nhứt 75 phần trăm lực lượng chiến đấu của Quân Ðoàn II, bao gồm các đơn vị của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh cũng như Biệt Ðộng Quân, thiết giáp, pháo binh, công binh, và truyền tin, đã bị tiêu diệt một cách bi thảm trong vòng mười ngày”). Về phương diện lãnh thổ, Quân Ðoàn II đã mất gần hết các tỉnh thuộc vùng Cao Nguyên, đó là các tỉnh Pleiku, Kontum, Darlac, và Phú Bổn, với các tỉnh còn lại là Lâm Ðồng, Tuyên Ðức và toàn bộ các tỉnh ở vùng Duyên Hải đang bị đe dọa rất nặng nề.
Các hậu quả dây chuyền tiếp theo là việc QLVNCH phải rút lui khỏi tất cả những vùng lãnh thổ của Quân Ðoàn I và II bị áp lực nặng nề của các sư đoàn quân Bắc Việt. Trong thời gian này một số chỉ huy cao cấp của Quân Ðoàn II như Chuần Tướng Trần Văn Cẩm, Tư Lệnh Tiền Phương, và Ðại Tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu Trưởng, đã bị địch quân bắt làm tù binh. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Quân Ðoàn I phải rút bỏ Huế và Ðà Nẵng. Lần lượt tất cả lãnh thổ của hai quân khu này đều lọt vào tay địch. Quân Ðoàn III phải thiết lập Bộ Tư Lệnh Tiền Phương tại Phan Rang, nhưng chẳng bao lâu, phòng tuyến này cũng tan vở vào ngày 15-4-1975, và Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư Lệnh Tiền Phương, và Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang, Tư Lệnh Sư Ðoàn 6 Không Quân (từ Pleiku di chuyển về) cũng đã bị địch quân bắt làm tù binh. Bắc Việt tập trung tất cả 5 sư đoàn tấn công Xuân Lộc nhưng bị Sư Ðoàn 18 của Thiếu Tướng Lê Minh Ðảo chận đứng lại. Phe Cộng sản quyết định bỏ Xuân Lộc tiến thẳng về Sài Gòn và VNCH đã đầu hàng vào trưa ngày 30-4-1975.
Thay Lời Kết:
QLVNCH đã giữ được Miền Nam trong 20 năm, chiến thắng tất cả những cuộc Tổng Tấn Công của quân Bắc Việt, nhưng đã tan rã và bại trận trong vòng 44 ngày, kể từ ngày 16-3-1975 khi Quân Ðoàn II bắt đầu cuộc triệt thoái khỏi Pleiku theo lệnh của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho đến ngày 30-4-1975 khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Việc Hoa Kỳ “tháo chạy” và bỏ rơi “đồng minh” VNCH qua hành động cắt giảm và sau đó cắt bỏ hoàn toàn quân viện cho VNCH, mỉa mai thay, là một “đảm bảo” cho việc thất trận của VNCH, như Ðại Tướng Fred C. Weyand, Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ (U.S. Army Chief of Staff), đã nhận xét trong báo cáo đề ngày 4-4-1975 mà ông trình lên Tổng Thống Gerald Ford sau chuyến đi xét duyệt tình hình quân sự của VNCH từ ngày 28-3-1975 đến ngày 4-4-1975: “The present level of U.S. support guarantees GVN defeat.” 18 Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Mức viện trợ hiện nay của Hoa Kỳ bảo đảm cho việc thất trận của VNCH.” Lệnh triệt thoái Quân Ðoàn II của Tổng Thống Thiệu, mà hậu quả sau cùng là việc đầu hàng của VNCH vào ngày 30-4-1975, nghĩ cho cùng, chỉ là một chất xúc tác giúp cho việc thất trận của VNCH diễn ra nhanh hơn mà thôi.
Ghi Chú:
1. Tiểu sử Ðại Tướng Cao Văn Viên, tài liệu trực tuyến tại địa chỉ Internet sau đây: http://nhaydu.com/index_83hg_files/main_files/Tuong/TS-TuongCaoVanVien.htm.
2. Congress cuts military aid to South Vietnam, tài liệu trực tuyến tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.history.com/this-day-in-history/congress-cuts-military-aid-to-south-vietnam
3. Nguyễn Ðức Phương, Chiến tranh Việt Nam toàn tập: từ trận đầu (Ấp Bắc – 1963) đến trận cuối (Sài Gòn – 1975). Toronto: Làng Văn, 2001. Tr. 732.
4. Nguyễn Tiến Hưng, Tâm tư Tổng Thống Thiệu. San Jose, Calif.: Cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh, 2010. Tr. 52.
5. Nguyễn Tiến Hưng, sđd, tr. 57.
6. Phạm Bá Hoa, Ðôi dòng ghi nhớ: hồi ký chính trị, 1963-1975. Ấn bản lần 4. Houston, Tex.: Ngày Nay, 2007. Tr. 271.
7. Phạm Bá Hoa, sđd, tr. 273-274.
8. Ðỗ Sơn, Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất và sự thật cuộc triệt thoái Quân Ðoàn II. Burke, Va.: Nhà xuất bản THAO UYEN PHAM, 2013. Tr. 111.
9. Phạm Bá Hoa, sđd, tr. 275.
10. Ðỗ Sơn, sđd, tr. 98 và 122.
11. Vấn đề ai là người được Tướng Phú giao cho nhiệm vụ chỉ huy toàn bộ cuộc triêt thoái của Quân Ðoàn II cho đến nay vẫn còn được tranh cải, lý do chánh là vì hoàn toàn không có lệnh hành quân trên giấy tờ. Tuy nhiên, trừ trường hợp cuốn sách của tác giả Ðỗ Sơn, tất cả các tài liệu, đặc biệt là 2 tác phẩm viết bằng Anh ngữ do Trung Tâm Quân Sử của Lục Quân Hoa Kỳ (U.S. Army Center of Military History) xuất bản, The Final collapse của Ðại Tướng Cao Văn Viên (năm 1983), và Vietnam: from cease-fire to capitulation của Ðại Tá Hoa Kỳ William E. Le Gro (năm 1981), đều ghi rằng Tướng Phú đã chỉ định Tướng Tất chỉ huy tất cả các lực lượng trong cuộc triệt thoái này. Hai cuốn sách Anh ngữ này có mức độ khả tín cao.
12. Nguyễn Ðức Phương, sđd, tr. 735.
13. Ðỗ Sơn, sđd, tr. 132.
14. Hoàng Khởi Phong, Ngày N+…. Sách điện tử trực tuyến tại địa chỉ Internet như sau: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=1663&rb=08, Phần 1, Pleiku-Tuy Hòa, Ðoạn Ngày N+2, 12 giờ trưa.
15. Cao Văn Viên, The Final collapse. Washington, D.C.: U.S. Army Center of Military History, 1985. Tr. 92. Nguyên văn Anh ngữ như sau: “A pontoon bridge had been brought to Tuy Hoa from Nha Trang, but it was impossible to move the bridge to Cung Son by road because of several enemy blocking positions. Finally, the bridge was carried to Cung Son piece by piece by CH-47 helicopters.”
16. Nguyễn Ðức Phương, sđd, tr. 738.
17. Cao Văn Viên, sđd, tr. 95.
18. Nguyễn Tiến Hưng, sđd, tr. 526.
Lâm Vĩnh Thế
Nguồn:
http://www.simplehitcounter.com/
.
No comments:
Post a Comment