Đôi giầy trận
“Giầy trận” thường được gọi là “bốt đờ sô” (botte de saut), hay gọi cho gọn là “giầy sô”. Nói đến Không Quân và Lục Quân VNCH thì mỗi binh sĩ được cấp phát loại giầy này cùng những trang bị khác từ ngày đầu nhập ngũ. Đôi giầy trận này cùng bộ quân phục theo người lính khắp các mặt trận và cả khi nghỉ phép. Giầy được nâng niu, đánh bóng, gìn giữ sạch sẽ từ ngày còn trong quân trường cho những buổi Thanh Tra hoặc khi về phép cùng nàng đi dạo phố.
Mỗi đôi “Giầy trận” nặng khoảng một ký rưỡi, có loại hoàn toàn bằng da nhưng sau này có loại phần dưới bằng da, cổ giầy bằng vải nylon, rất nhẹ trong những chuyến lội rừng băng suối. Lính Địa Phương Quân hay Nghĩa Quân thì hẩm hiu hơn với những đôi giầy bằng vải bố, được gọi tắt là “giầy bố”; kiểu như giầy “Ba-Ta” nhưng cổ cao hơn giầy thường.
Nguyên liệu cao su dùng để làm đế giầy trận này do hãng Saran (hiện do hãng S.C Johnson & Son Inc. làm chủ) phát minh, phần còn lại của giầy thì bằng da bò. Năm 1942, hãng Natick Laboratories cải biến lại, phần dưới trên đế giầy bằng da và cổ giầy bằng vải nylon. Còn có mấy lỗ nhỏ ở sát đế giầy để thoát nước khi giầy bị vô nước. Những đường rãnh dưới đế giầy được làm to và rộng ra nhiều để bùn đất dễ rớt ra khi đi vào sinh lầy. Loại này ta thường gọi là giầy Map của Mỹ.
Năm 1966 vì nhiều binh sĩ đạp nhằm chông trên đường hành quân, nên khi đúc đế giầy, một lớp thép được lót vào bên trong đế giầy. Phần bên trên được may thêm những dải nylon dày (nylon webbing reinforcement on the uppers).
Đôi giầy trận luôn âm thầm đồng hành cùng các binh sĩ VNCH qua cuộc chiến chống giặc Cộng phỉ từ nền Đệ Nhất đến Đệ Nhị Cộng Hòa, trên khắp nẻo đường quê hương qua Bốn Vùng Chiến Thuật. Có thể nói là đôi giầy “bốt đờ sô” trang bị cho quân nhân dùng hàng ngày trong doanh trại, trên đường hành quân, khi nghỉ phép đã đi vào lòng người dân, văn chương, nghệ thuật và thi ca nhạc của miền Nam Tự Do ngày đó .
SOURCE: Minh Anh Jessica - Hoài Niệm Miền Nam Một Thời
Another Source from De Nguyen’s comment:
Theo tiếng Mỹ, các loại giầy cao cổ như giầy lính gọi là giầy "BOOT" dù làm bằng bất cứ NGUYÊN LIỆU gì.
Mình gọi là giầy "bốt đờ sô" âm theo tiếng Tây (botte de saut).
Loại giầy cao hơn giầy thường nhưng thấp hơn giầy boot thì mình gọi là "đờ mi boot" theo tiếng Tây, theo tiếng Mỹ là semi boot.
Hình đôi giầy trong bài viết là giầy boot vì nó cao cổ. Không hiểu sao khi qua tới VN nó được gọi là giầy MAP.
Hãng sản xuất thiết kế kiểu giầy này cho quân đội Hoa Kỳ dùng trong những vùng rừng núi, mưa gió, sình lầy, ẩm ướt như tại VN. Họ gọi là "Jungle Boot".
Lịch sử tấm thẻ bài của lính Việt Nam Cộng Hòa
Ngay từ khi bắt đầu bước vào thụ huấn quân sự, các thanh niên đều được cấp phát “thẻ bài” còn được gọi: La plaque d’identité militaire (Pháp), Dog tag (Hoa Kỳ), Erkennungsmarke (Đức). Tấm “thẻ bài” là vật bất ly thân, được đeo trên cổ trong suốt thời gian tại ngũ của quân nhân. Mỗi quân nhân VNCH từ lính đến sĩ quan đều bắt buộc có hai tấm “thẻ bài” bằng kim loại không rỉ sét, được đeo bằng sợi dây cũng bằng kim loại không rỉ sét (inox). Trên mỗi tấm có ghi họ tên, “số quân” và loại máu để khi bị thương, cần tiếp máu quân y biết ngay loại máu gì? Khi người chiến sĩ tử trận, một tấm thẻ bài được bỏ trong miệng tử sĩ và tấm kia đơn vị sẽ giữ lại để làm tài liệu báo cáo. Ngoài mặt trận khi điều kiện trận chiến không cho phép di chuyển xác của tử sĩ, một tấm thẻ bài sẽ ở lại, sau đó khi tàn cuộc chiến, đơn vị sẽ quay lại tìm và đưa về chôn cất.
Ý thức được việc nếu không may bị thương hoặc tử trận thì khi đó sẽ rất cần thông tin cá nhân. Những người lính thời xưa đã ghi tên tuổi, quê quán của mình lên những tấm gỗ và luôn mang theo người.
Theo những tài liệu nghiên cứu thì từ thế kỷ 17, Hải đội Hoàng Sa của triều Nguyễn đã “vắt lưng” những tấm thẻ này lênh đênh trên biển trong những chuyến thực thi quyền chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa. Trong cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc (1851 – 1866) ở Trung Hoa, người ta cũng đã ghi nhận có những tấm thẻ gỗ ghi tên tuổi quê quán, đơn vị theo chân những nghĩa quân.
Trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ (1861 – 1865), những người lính thường ghi thông tin cá nhân và thông tin đơn vị mình lên các tờ tiền, ghi trong quần áo, ghi trên balo, khóa thắt lưng…đề phòng khi gặp bất trắc. Đó là thuở sơ khai của những tấm thẻ bài.
Nhu cầu về một tấm thẻ có độ bền vật lý đã khiến thẻ bài kim loại ra đời. Những chất liệu bạc, chì, đồng thau đã được sử dụng nhưng cuối cùng thép không gỉ (inox) là sự lựa chọn cuối cùng cho tới ngày nay. Vật liệu này có khả năng chống cháy, chịu lực va chạm và không bị mục khi chôn trong đất.
Thẻ bài trước Chiến tranh thế giới thứ 2 có nhiều hình dạng khác nhau: hình tròn, hình vuông, hình dầu dục nhưng sau đó Quân đội Mỹ và các nước đồng minh đã thống nhất sử dụng mẫu thẻ 2,9 x 5,1 cm được bo góc. Bộ thẻ bài hoàn chỉnh bao gồm một dây bi dài khoảng 75 cm, một dây bi ngắn dài tầm 12 cm, 2 thẻ bài và bộ ron cao su đi kèm nhằm tránh tiếng động leng keng phát ra khi di chuyển. Để tránh tiếng động phát ra từ tấm thẻ bài, ngày xưa người lính VNCH thường hay lấy băng keo hay giây thun bằng cao su quấn, cột 2 tấm thẻ bài chung với nhau.
Khi Quân đội Mỹ tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam, những tấm thẻ bài đã theo chân người lính và trở thành vật bất ly thân. Tấm thẻ đó ghi tên tuổi, số an sinh xã hội, binh chủng phục vụ, nhóm máu, cỡ mặt nạ phòng độc, tôn giáo. Lính thường đeo 1 thẻ trên cổ và thẻ còn lại đeo dưới giày hoặc ở cổ tay.
Nếu người lính không may tử thương ngoài mặt trận mà không thể đem xác về thì đồng đội sẽ lấy 1 thẻ đem về còn thẻ kia nhét vào miệng nhằm tạo thuận lợi cho việc nhận diện hài cốt sau này. Với thân nhân của người mất thì việc nhận tấm thẻ bài có ý nghĩa như việc nhận hài cốt người thân.
Trong khi hầu hết các quân đội trên thế giới đều được trang bị một cặp thẻ bài, duy chỉ có lính của cộng sản VN là không có trang bị loại thẻ này. Đến nay khi chấm dứt chiến tranh đảng không phân định được 300.000 ngàn bộ hài cốt đang được lưu trữ.
Trịnh Khánh Tuấn 7/8/2017
(Người lính già chưa bỏ cuộc)
SOURCE:
.
No comments:
Post a Comment