Thursday, May 27, 2021

Bảo Lâm: Thăm Nghĩa trang Nạn Nhân Chiến Cuộc 1972 tại Phò Trạch - Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế.

 July 12–16, 2020



Người mặc áo khoác và mang giầy trắng là anh Bảo Lâm &
Một trong hai người bạn đồng hành với Bảo Lâm trong chuyến đi !


LỜI CHÚ THÍCH CỦA ANH BẢO LÂM, người chụp hình tại Nghĩa trang:

Viếng Nghĩa trang Nạn nhân trong chiến sự Cầu Dài - Quảng Trị, mùa hè năm 1972.

Nghĩa trang tọa lạc trên địa phận thôn Khúc Lý - Ba Lạp, xã Phong Thu, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế và cách thị trấn Phò Trạch khoảng từ 4 đến 5km. (Ngày 12.7.2020).

Từ những ngày cuối tháng 4 năm 1972, người dân Quảng Trị đã bắt đầu tìm đường chạy vào Huế khi chiến sự trở nên ác liệt.

Từ ngày 01.5.1972 và tiếp mấy ngày sau đó, trên đoạn đường chỉ chừng 3 cây số từ Cầu Dài đến cầu Bến Đá thuộc địa phận quận Hải Lăng đã trở thành những ngày oan nghiệt và kinh hoàng trong ký ức của mọi người dân Quảng Trị.

Hàng nghìn quả đạn pháo đã được canh kỹ tọa độ và bắn rất chính xác vào đoàn người chạy loạn... Hàng nghìn người đã nằm lại và cả nhiều người không còn cả hình hài, thịt xương họ đã tan nát vương vải lẫn cùng cát trắng ...biến vào hư không!

Hai tháng sau, khi chiến sự tạm lắng, Nhật báo Sóng Thần - Saigon đã kêu gọi và tổ chức nhiều đợt  tìm kiếm và thu gom hài cốt của những nạn nhân xấu số trên đoạn đường dài 3 cây số này!

Trong thời điểm đó, quân của VNCH đã tạm rút về phía nam và lấy bờ nam cầu Mỹ Chánh (sông Ô Lâu) làm tuyến phòng thủ.

Từ bờ bắc cầu Mỹ Chánh là vùng chiến sự, hai bên đang tranh chấp nên không thể chọn được địa điểm tập trung các hài cốt, phân loại - xác định danh tính qua giấy tờ còn lại trên áo quần, thân nhân nhận dạng người thân qua áo quần và các thứ chưa mục nát của người thân...Sau đó mới tiến hành chôn cất những nạn nhân vô thừa nhận.

Đó là lý do tại sao Nghĩa trang Nạn nhân quê Quảng Trị lại nằm trên địa phận của Thừa Thiên - Huế !

(Lý giải sự việc trên chỉ là nhận định chủ quan của Bảo Lâm, rất mong nhận được ý kiến khác chính xác hơn của mọi người!)

Nghĩa trang Nạn nhân Chiến cuộc Cầu Dài 1972 nằm trên địa phận của thôn Khúc Lý - Ba Lạp, xã Phong Thu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đây là kiến trúc duy nhất nằm ngay giữa khu vực nghĩa trang. Một bệ gạch tô xi măng, một bát hương chung nhỏ bé khiêm tốn, không đủ cho người dưới mộ mỗi người một cây! Một bia mộ bằng xi măng sứt mẻ!

Khu vực nghĩa trang - Những nấm mộ bên trên có rải một ít loại sỏi-đất-đá vàng đỏ gan gà có nhiều ở các ngọn đồi phía tây Phong Điền - khu vực sân bay Đồng Lâm trước 1972. Những nấm mồ đường kính trên dưới 1m chỉ cao hơn mặt bằng chung quanh chưa đến 2 tấc và không có lấy một chân hương cũ nào!

Những nấm mồ vô chủ đã nằm đây gần nửa thế kỷ. Nếu không nhờ những đất sỏi gan gà hoàn toàn khác với màu cát trắng, chắc không ai nhận ra đây là những mộ phần!

Ngôi mộ nằm phía phải khu vực nghĩa trang may mắn được xây và có bia mộ nhưng trên bia chỉ ghi dòng chữ ' BIA TƯỞNG NIỆM " và hoàn toàn không có tên cũng như thông tin của người dưới mộ.

Có lẽ đây là ngôi mộ được nhóm trùng tu năm 2009 chọn xây mẫu (vì chỉ có một ngôi duy nhất)

Những ngôi mộ được Nhóm Bs. Lý Văn Kim và nhóm Hướng Thiện tái thiết năm 2009 theo cách đơn giản nhất: một vòng bi giếng đường kính cỡ chừng 8 tấc đặt nông để cho nấm khỏi trôi. Nhóm mộ này có chừng 100 cái!

Nhóm " MỘ BI " nằm phía trong khu vực nghĩa trang. Phía ngoài là nhóm mộ chưa được đặt " bi ". Nhóm MỘ BI được tái thiết năm 2009!

Bia bằng xi măng dựng ngay chính giữa khu nghĩa trang. Bia này chắc mới được dựng lại năm 2009. Trên bia ghi " NGHĨA TRANG ĐỒNG BÀO NẠN NHÂN CHIẾN CUỘC TRỊ THIÊN " và " NHẬT BÁO SÓNG THẦN THÂN HỮU ..." Chữ viết thẳng vào lớp xi măng lúc mới tô còn mềm, chữ viết nông sâu người đều nét nguệch ngoạc và bị sứt mẻ nhiều chỗ!

Ngôi mộ quét vôi vàng phía trên ảnh là ngôi mộ "bề thế " nhất trong khu nghĩa trang nằm cạnh những nấm mộ " dàu dàu ngọn cỏ bên đường" không bia mộ không nhang khói ! Như thế, toàn nghĩa trang chỉ có 2 ngôi mộ có bia ghi tên của người dưới mộ!

Hy vọng qua những hình ảnh này sẽ giúp cho những người muốn viếng thăm Nghĩa trang sẽ định hướng được đường đi, ko mất thời gian trong việc kiếm tìm!

— with Đức Lê Quang.

Lộ trình này, khi vào đến Phò Trạch sẽ rẽ trái vào đường Bùi Dục Tài. Tại ngã tư Bùi Duc Tài - Hiền Sỹ , sẽ rẽ trái sang đường Hiền Sỹ, vào tỉnh lộ 6 và đi theo Tỉnh lộ 6 (trên GGmap ghi đường 6 ) đến Nghĩa Trang . Chủ yếu đi theo tỉnh lộ 6.

 

 

 

 
 

 

 


 
 




 

 
 


 
 


 
 

 
 

 


 
 

 
 



 
 

 
 



 
 





 
 



 
 


Tài liệu này do anh Bảo Lâm gởi trực tiếp đến Blogger Màu Áo Trận.

Cám ơn anh và bạn đồng hành đã đến viếng Nghĩa Trang Nạn Nhân Chiến Cuộc 1972 của Quảng Trị tang thương này.

Nguyện xin Ơn Trên cho hương hồn những người con yêu của đất Quảng Trị đã chết oan khuất được siêu thoát.

Blogger Phạm Lê Hương

 

 


 
.

No comments:

Post a Comment