Thursday, May 13, 2021

Thắng hay bại? Ngày 30 tháng 4 năm 1975 nhìn từ hiện tại và tương lai Việt Nam


Phạm Trọng Luật

Tháng 4 năm 2005

«Nếu chúng ta cũng ngậm miệng, thì ai sẽ nói thay?»

(Arthur Schopenhauer)

 

1.

«Chiến tranh là sự tiếp nối chính trị bằng những phương tiện khác». Câu văn trứ danh này của Clausewitz, có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nghe qua. Nó xác lập sự phụ thuộc của quân sự vào chính trị. Từ khi có những tập hợp người gọi là thành quốc hay quốc gia, người ta không làm chiến tranh đơn thuần nhằm chém giết lẫn nhau, mà để giành lấy quyền định đoạt số phận của một cộng đồng. Và kẻ tham chiến có thể thua hàng trăm trận, miễn là thắng trận cuối cùng, bởi vì chỉ có nó mới mang lại quyền quyết định về việc tổ chức chính quyền trên một lãnh thổ. Nói cách khác, nếu tột đỉnh của quân sự thực chất là chính trị, thì bên tham chiến nào đạt được mục tiêu chính trị - đối tượng của cuộc tranh chiến -, bên đó chính là kẻ thắng trận.

Lịch sử đầy các địa danh mang tên loại chiến thắng quân sự ấy. Nhưng lịch sử cũng không thiếu những trường hợp đầu voi đuôi chuột, khi sự chiếm hữu chính quyền chỉ tạo ra nổi một trật tự công cộng đặt trên thứ kết quả trái ngược, về thực chất đúng là những «phản giá trị» hoàn toàn so với lý tưởng được viện dẫn để biện minh cho chiến tranh. Nghĩa là khi thắng lợi quân sự không được tiếp nối bằng loại thành tựu chính trị phù hợp với nguyện vọng ban đầu, mà đôi khi bằng một sự phá sản toàn diện còn sâu đau hơn thất bại trên trận địa bội phần. Ở đây, để không ai sớm động lòng, ta có thể nhìn vào cổ sử phương Tây xa xôi để tìm hiểu trường hợp có lẽ là nghịch lý nhất của nhân loại.

Thừa hưởng một quá khứ tương tranh triền miên, các thành quốc cổ Hy Lạp thường chỉ tập hợp nổi khá muộn màng trong một thứ liên minh phòng ngự trước tham vọng thôn tính của ngoại bang. Liên minh cuối cùng gọi là Liên Minh Achée [Ligue Achéenne], hình thành vào năm 181 trước Tây lịch, đặt thủ đô tại Corinthe [Korinthos], nhằm chống lại đế quốc La Mã. Ba mươi lăm năm sau, Viện Nguyên Lão [Sénat] Roma gửi một đoàn quân và một đội chiến thuyền đổ vào Bucopétra thuộc thành quốc Corinthe, dưới sự thống lĩnh của hai tướng Mummius và Metellus. Không thiện chiến bằng kẻ xâm lược, quân liên minh ra cự địch bị tiêu diệt gọn trong trận Leucopetra (năm 146 trước Tây lịch): Mummius ra lệnh san bằng Corinthe, chỉ chừa lại thành trên [acropole] và một số đền thờ. Vô số kho tàng văn hoá bị thiêu hủy hay chở về Roma. Hy Lạp từ đây trở thành tỉnh Achaïe [Akhaïa] của La Mã, cho đến khi đế quốc này cũng suy tàn rồi tiêu vong (khoảng thế kỷ thứ 5 sau Tây lịch).

Ở đây, đâu là phán quyết của lịch sử? Leucopetra không phải chỉ là một trận thắng mà chính là chiến thắng cuối cùng, bởi vì sau đó quyền quyết định số phận người dân Hy Lạp không còn nằm ở Corinthe hay một mảnh đất Hy Lạp nào khác, mà trong tay Viện Nguyên Lão Roma. Nó cho phép ta kết luận với Clausewitz: có chiến thắng quân sự khi sự kết thúc chiến tranh dẫn đến một thay đổi chính trị, cụ thể về quyền quyết định tổ chức quốc gia hay thành quốc. Nhưng đây chỉ mới là nửa đầu của câu chuyện thắng bại giữa Hy Lạp và La Mã – cái nửa sự thực của cường lực vật chất.

Đây là nửa sau – cái nửa của sức mạnh tinh thần. Mummius ở lại làm Thái Thú [Proconsul] trên vùng đất ông đã chinh phục. Nhưng người La Mã, dù ở thuộc địa hay chính quốc, dần dần bị thu hút bởi văn minh Hy Lạp. Đến «thế kỷ của Auguste» [1] bao văn hoá phẩm và nếp sống Hy Lạp đã hiển hiện bàng bạc trong đời sống hàng ngày của đế quốc, và Hy Lạp trở thành bậc thầy của La Mã trong hầu hết mọi lãnh vực nhân văn. Đến nỗi thi hào đương thời Horace [2], mà ngay bản thân cũng là đệ tử của nhà hiền triết Hy Lạp Epicure [Epikouros], khi suy ngẫm về quan hệ giữa đôi bên, đã để lại câu chơi chữ bất hủ: rốt cuộc, «Hy Lạp bại trận đã chiến thắng kẻ thắng trận hung tợn!» [bản dịch Pháp ngữ: «La Grèce vaincue vainquit son farouche vainqueur!»]. Hiện thực này cho phép ta thắc mắc: thế nào là một chiến thắng chính trị? Phải chăng, ở đây, thắng lợi quân sự chỉ chuyển hoá thành chiến thắng thật sự, khi sự thay đổi chính trị (sự chiếm hữu quyền quyết định tổ chức quốc gia hay thành quốc) là tiền đề cho việc phổ biến những giá trị văn hoá của kẻ đã giành được thắng lợi cuối cùng trên trận địa?

Tất nhiên, Hy Lạp là một ngoại lệ hãn hữu. Không phải kẻ thất trận nào cũng cao hơn bên chiến thắng về mặt văn hoá. Nhưng cũng hiển nhiên, không phải giá trị văn hoá nào của kẻ thắng trận cũng đáng được phổ biến. Nói cho cùng, làm sao Roma có thể La Mã hoá Hy Lạp, khi trong lãnh vực thể dục và tiêu khiển chẳng hạn, phe thắng chỉ đẻ ra nổi trò giác đấu mọi rợ, so với những cuộc thi điền kinh đậm nét nhân văn của bên thua? Cả đấu trường lẫn tượng đền Colisée [Colosseum] [3] hoành tráng xưa, nay chỉ còn trơ trẽn đấy như một tàn dư hầu nhắc nhở du khách về cái thú tính luôn luôn còn tiềm năng bật dậy từ thâm sâu con người, trong khi ngọn đuốc thiêng từ Olympia, cứ bốn năm một lần lại chạy vòng quanh trái đất để vinh danh một lý tưởng cao quý của cả nhân loại… Tất nhiên, quan hệ Hy - La chỉ là một trường hợp giới hạn - một thứ mẫu lý tưởng -, nhưng đấy lại chính là thứ điển mẫu để từ đó đánh giá lại mọi tiếng gáy chiến thắng. Đấy là lý do duy nhất khiến tôi đề cập đến trường hợp xa xưa trên trong bài mạn đàm này.

Nói cách khác, chiến thắng hay chiến bại, nói cho cùng, là một vấn đề chính trị - hơn thế nữa, một vấn đề chính trị cấp cao là giá trị văn hoá. Bởi vì không ai hy sinh xương máu giành chánh quyền để chẳng làm gì, chẳng thực hiện gì cả, hãy chỉ cho chúng tôi xem cái nền tảng giá trị mới trên đó anh muốn xây dựng lại trật tự quốc gia của anh, cùng những thành tựu đã hoạch đắc, chúng tôi sẽ nói, rốt cuộc, anh là người chiến thắng hay kẻ chiến bại. Đấy là thách thức phổ quát cho bất kỳ một cuộc chinh phục nào đã kết thúc bằng thắng lợi quân sự, chứ không riêng gì cho cuộc chiến tranh nửa giải phóng, nửa nội chiến ở Việt Nam.

 XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP

 

2.

Từ quan điểm ấy, thử nhìn lại ngày 30 tháng 4 năm 1975 của lịch sử đất nước. Đây là một chiến thắng quân sự không thể chối cãi (mà cũng chẳng ai muốn chối cãi!), bởi vì rõ ràng là nó mở ra một trật tự chính trị mới. Kẻ thắng trận từ đây có thể vất bỏ mặt nạ. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và Đảng Lao Động hiện nguyên hình là Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa và Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nghĩa là từ đây, hệ thống giá trị được sử dụng làm đích nhắm để kiến thiết quốc gia không thể là gì khác hơn ngoài cái lý tưởng «phân phối cho từng người theo nhu cầu» mà chỉ «đòi hỏi ở mỗi người theo khả năng» [4] trong tương lai cộng sản xa xôi [5], và cái phương châm «mình vì mọi người, mọi người vì mình» biểu thị «nếp sống văn minh» của thời quá độ, được giả định đương thành hình cụ thể mỗi ngày trong hiện thực. Cái lý tưởng và nếp sống ấy tất nhiên không chỉ liên hệ đến người cộng sản nói riêng, mà tất yếu phải quy định tương lai của cả nước nói chung, bởi vì đối với đảng cầm quyền, chỉ có loại thể chế này mới có khả năng mang lại và bảo đảm «độc lập, tự do, hạnh phúc» cho đất nước và nhân dân.

Ngày nay, chúng ta đang ở đâu trên bảng giá trị trên của hai cuộc cách mạng, «cách mạng xã hội chủ nghĩa» và «cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân» ấy? Trả lời không nhân nhượng câu hỏi đó là dám nhìn thẳng vào cái ngày mai không mấy sáng sủa đang chờ đợi đất nước chúng ta.

3.

Tôi không viết bài này để so sánh Việt Nam với Hy Lạp: «bốn nghìn năm văn hiến» của ta chỉ là một hòn đất tí hon so với chiếc nôi văn hoá vĩ đại kia của nhân loại! Tôi cũng không viết bài này để hàm chỉ rằng Việt Nam Cộng Hoà cao hơn Dân Chủ Cộng Hoà về mặt văn hoá, và do đó, mới là kẻ «chiến thắng» thực sự; tất nhiên, tôi không quên chuyện đốt sách ở Saigon và những phát biểu trịch thượng về văn hoá miền Nam trước 1975 - chỉ xin nhường lại mọi chuyện phán xét về cả đôi bên cho mai hậu. Mặt khác, tôi không viết bài này để thương khóc một chế độ độc tài quân phiệt (mặc dù thừa hiểu nó cũng chưa đến nỗi tệ hại cho đất nước và nhân dân như chế độ toàn trị tiếp theo), hoặc để khơi lại những hận thù chưa hẳn đã thuộc về quá khứ; tôi hoàn toàn ý thức rằng cuộc chiến đã cáo chung, rằng giải pháp ít xấu nhất cho Việt Nam ngày nay là hoà giải dân tộc, trong một thể chế dân chủ đa nguyên. Cuối cùng, tôi cũng không viết bài này để kể tội Đảng Cộng Sản Việt Nam: tôi tự biết không đủ thẩm quyền bằng, và do đó, xin nhường lại công việc ấy cho những người đã hy sinh cả tuổi trẻ lẫn xương máu cho Đảng, cùng các thế hệ nạn nhân sau 1975.

Đối tượng phê phán duy nhất của tôi ở đây là tập đoàn bảo thủ và đầy tớ của Trung Cộng đang lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam cùng Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa hiện nay. Và tôi chỉ cố gắng viết bài này, với tất cả sự thành khẩn còn giữ được, dù đôi lúc thật sự cũng mất điềm tĩnh trước nỗi đau nhục quá lớn, để nói với mọi người, trong cũng như ngoài nước, trong cũng như ngoài Đảng, đôi ba điều tôi tin là sự thật. Không phải là những sự thật nhìn «từ quá khứ» hay «của miền Nam», mà từ hiện tại và từ tương lai của cả nước và của các thế hệ sau.

Một, thất bại của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong tư thế đảng cầm quyền, dù muốn hay không, đương nhiên sẽ là thất bại chung cho cả nước. Hai, chúng ta đang trên đường mất nước (như vẫn thường được cảm nhận ở miền Nam Việt Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 trước đây), nhưng không chỉ theo nghĩa là mất đi một nhà nước (phong kiến, độc tài hay toàn trị), mà là mất hẳn quê hương tổ quốc, lịch sử văn hoá, sông núi đất đai,… bởi vì chúng ta đã hội đủ mọi điều kiện để trở thành một tỉnh của Trung Hoa: lãnh đạo đồng loã, trí thức nhu nhược, dân trí thấp kém. Ba, chỉ một sự thức tỉnh và vùng dậy của cả nước, trong tinh thần hoà giải và cộng tác trong ngoài, trong truyền thống kháng chiến toàn diện, mới có hy vọng giúp ta thoát hiểm.

Ðừng bao giờ quên: Mông Cổ - kẻ từng mang quân sang chinh phục Âu châu - nay chỉ còn là một tỉnh của Trung Hoa. Ðừng bao giờ quên: Tây Tạng đã bị Trung Cộng thôn tính trong sự bó tay bất động của quốc tế. Ðừng bao giờ quên: nếu lại rơi vào cảnh Bắc thuộc lần nữa, với sự chênh lệch một trời một vực về mọi mặt (quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá) như hiện nay, chúng ta khó lòng tránh nổi cái họa bị kẻ thù truyền kiếp Hán hoá vĩnh viễn. Và nhất là đừng bao giờ quên: đấy luôn luôn là giấc mơ không giấu giếm của «nước bạn», của «đảng anh em» Trung Quốc. Ở đây, «lịch sử thế giới chính là toà án thế giới» («Weltgeschicte ist Weltgerichte»), đúng như Hegel đã phát biểu, không thể có ngoại lệ nào.  

4.

Nhìn lại, tiếng gáy «đại thắng lợi» của ngày 30 tháng 4 năm 1975 thực chất chỉ là «một canh gà báo trượt rạng đông». Có những mặt nạ người ta tự ý vất đi; có những huyền thoại dù không chủ ý vẫn bị lột trần. Không ít trí thức từng tham gia chống Mỹ, đánh Ngụy, để «cứu nước, giành độc lập» nay bỗng bật ngửa khám phá ra rằng không thể nào có cách mạng, vì thực ra chưa bao giờ có những con người cách mạng đích thực mà họ tưởng tượng, dù ở cấp bậc nào!

Trên đỉnh, vất vưởng một dúm lãnh đạo lăm le «giải phóng» tất cả, song lại quên tự giải phóng cái đầu, mắc bệnh syđa (sao y đàn anh) trầm trọng. Khoảng giữa, lẫm liệt một đoàn cán bộ «hồng», một lũ tham quan, nấp dưới lớp sơn «cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư» của Bác Hồ để ăn hối lộ, buôn lậu, làm ăn «phi xã hội chủ nghĩa». Bên dưới, chen chúc hàng trăm ngàn đảng viên nghèo đói, thèm thuồng trước cảnh «phồn vinh giả tạo», từ đây nhất quyết đánh đổi cuộc đời vô sản lấy chút của cải phù du bằng mọi thủ đoạn «mánh mung», «móc nối». «Nếp sống văn minh» của thời quá độ, trong hoàn cảnh cả nước bị vô sản hoá, rốt cuộc, dẫn đến một xã hội lưu manh từ trên xuống dưới: người ta thi nhau ăn cắp của công, lường gạt cướp giật lẫn nhau, phá hoại từng mảng tài nguyên đất nước, bán tống bán tháo hàng loạt gia sản cha ông để lại. Rồi nhìn nhau than thở: «Cha chung không ai khóc!». Trên sỏi đá cằn cỗi của thứ phương châm không tưởng «mình vì mọi người, mọi người vì mình», chẳng có gì nghịch lý khi chỉ mọc lên nổi thứ cây trái phong kiến đắng chát vô cùng hiện thực: «bần cùng sinh đạo tặc».

Nếu đấy là những biểu hiện văn hoá (nền tảng giá trị và thành tựu thu hoạch) của chủ nghĩa xã hội, thì ai thắng ai ở đây? Cái Cũ hay cái Mới? Phong Kiến hay Cộng Sản? Tư Sản hay Vô Sản?

Mặt khác, hàng loạt chính sách giáo điều quái đản (nào cải tạo, nào đổi tiền, nào lý lịch), cùng với sự bao che băng đảng dưới chiêu bài «hợp tình, hợp lý» của ông Hồ, đào sâu thêm hố thẳm Quốc - Cộng vốn đã hun hút. Khi thiên đường của phe «đại thắng lợi» đồng nghĩa với địa ngục cho bên «đợi thắng lại», tất yếu phải xuất hiện thảm cảnh thuyền nhân, và nỗi lo đảo lộn «phản cách mạng» khi cả khối Liên Xô sụp đổ. Bên ngoài, giương cao ngọn cờ quốc tế tơi tả, lãnh đạo dẫn toàn Đảng sang Thiên Triều Trung Quốc xin chiếc dù bảo hộ, bất kể sự chế nhạo của nhân dân: «Đánh Tây đánh Mỹ bạc đầu, Ngày nay chống gậy qua Tàu ăn xin!». Bên trong, giương cao lá bài độc lập, lãnh đạo bắt cả nước trốn đằng sau một xác chết: Lăng Bác với cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng ông Hồ đội hai cái mũ: nhà Kominterchik và nhà yêu nước. Nhà Kominterchik chưa bao giờ phát biểu chi đáng giá về chủ nghĩa, về lý thuyết Mác Lênin. Nhưng nhà ái quốc, dù với lập trường vô sản, đôi khi cũng để lại vài câu nghe được về chủ quyền dân tộc.

Chẳng hạn như lời dạy một đồng chí lãnh tụ mắc bệnh nóng vội (Trần Huy Liệu?) cực kỳ bình dân sau đây, mà ngay cả kẻ vô học cũng phải hiểu được: «Thà ngửi phân Tây thêm vài năm nữa, còn hơn ngửi cứt Tàu suốt đời» (tôi trích dẫn theo trí nhớ). Nghĩa là, so với bất kỳ một hoàn cảnh lệ thuộc nào khác, cái thước đo độc lập của đất nước qua trường kỳ lịch sử (hôm qua, hôm nay, và ngày sau mãi mãi), luôn luôn là và chỉ có thể là sự bảo toàn lãnh thổ, gìn giữ chủ quyền trước tham vọng thôn tính và đồng hoá của Bắc Kinh. Bác ơi, đám cháu ngoan của Bác ngày nay dường như đang phản cả Bác để nắm chặt quyền toàn trị. Ai đi ngang Lăng Bắc, dán giùm dân, đâu đấy cạnh bên, mấy câu thơ nhại từ Ông Phỗng Đá của nhà nho phong kiến Nguyễn Khuyến: «Ông ở làm chi trõng hỡi ông, Bơ vơ cá chậu với chim lồng, Đêm ngày coi sóc cho ai đó, Non nước đầy vơi có biết không?». Bác ơi, nhất nhật tại Lăng, nghìn thu trách nhiệm. Vượt biên đi Bác! Vượt cả tường đá lẫn tường lửa, ra mà xem thế sự xoay vần.

Vơi đi sông núi đất đai, đầy hơn bao tủi nhục: bảo hộ nào cũng có cái giá phải trả. Hãy đọc bằng ngôn ngữ sự kiện. Hoàng Sa đã rơi vào tay Trung Quốc nhờ một lá thư dại dột của Phạm Văn Ðồng (chuyện này hẳn Bác Hồ phải biết!). Trường Sa cũng có thể mất toàn bộ vào tay đế quốc đỏ cuối cùng này bất kỳ lúc nào, chẳng cần thêm một văn kiện ngây ngô thứ hai. Ấy thế mà tập đoàn lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn tiếp tục ký tiếp hai hiệp ước sặc mùi triều cống với Trung Cộng, cả về biên giới lẫn lãnh hải. Rồi bưng bít, không xong thì dối dân, hoặc phản đối suông trước mỗi «diễn biến hoà bình», với đầy đủ chiến thuyền súng ống, của chủ nghĩa bành trướng! Không dám đưa vấn đề các quần đảo ra trước toà án quốc tế liên hệ - dù với khả năng thắng kiện đáng kể -, không dám công bố nội dung hai hiệp định - dù nhân dân đòi hỏi -, là đích thân hiến dâng lãnh thổ cho ngoại bang, tiếp tục đánh lừa nhân dân một cách hoàn toàn ý thức. Qua hành trạng này, nhóm lãnh đạo bảo thủ Ðảng đã tự xác nhận, không thể nào rõ ràng hơn, như một tập đoàn tay sai, như lớp công chức thuộc địa của đế quốc đỏ Trung Cộng. 

Bây giờ, thử đọc bằng ngôn ngữ biểu tượng. Khi Vi Quốc Thanh tuyên bố hắn mới chính là kẻ thắng trận Điện Biên Phủ, cả tập đoàn lãnh đạo Ðảng im lặng. Phải chăng, cùng với tên tướng Tàu này, họ đã nhổ vào hương linh bao thanh niên Việt Nam đã hy sinh xương máu cho cuộc chiến tranh kháng Pháp và bao gia đình liệt sĩ? Khi Giang Trạch Dân nghênh ngang sang Hội An tắm biển không cần hộ vệ, hắn muốn tuyên bố gì với thế giới, nếu không phải rằng cái gọi là Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam kia, kể từ nay, đã trở lại quy chế An Nam Đô Hộ Phủ của Thiên Triều trên thực tế? Giả vờ không hiểu (hoặc có khi không hiểu thực!) ý nghĩa của trò ám chỉ đểu cáng, xấc láo trên, phải chăng tập đoàn lãnh đạo bảo thủ Ðảng đã khạc vào mặt tổ tiên, chối bỏ lịch sử bất khuất của dân tộc mình? Khi chiến thuyền Trung Cộng xâm phạm hải phận, giết hại và bắt giam ngư phủ người Việt, nếu đại diện của nước phạm pháp không bị Bộ Ngoại Giao Việt Nam gọi lên mắng chửi, đòi bồi thường như trong cách hành xử thông thường của bất kỳ một quốc gia có chủ quyền và tự trọng nào, thì cả Bộ Chính Trị, Trung Ương Ðảng lẫn Nhà Nước bên ta đã muối mặt xác nhận với thế giới rằng tên Tề Kiến Quốc kia, thực chất không phải là ông Ðại Sứ, mà chính là quan Thái Thú mới của Thiên Triều trên thủ đô «nghìn năm đô hộ» của mình. Nếu không phải vậy, tại sao người Việt không được phép biểu tình tố cáo việc Trung Cộng giết hại đồng bào ta mới đây, trong khi người Hoa ở Việt Nam lại có quyền biểu tình trước sứ quán Nhật, với công an Việt Nam làm hộ tốt, về những chuyện xảy ra từ mấy mươi năm trước, ngay ở Hà Nội và nhục nhã hơn nữa, đúng 100 ngày sau vụ chiến thuyền Trung Quốc thảm sát ngư dân ta? Phải chăng đấy là lễ cầu siêu mà lãnh đạo Đảng giành cho những lương dân đã chết oan vì chính sách triều cống của mình? Những anh hùng Đàng Ngoài đã vào giải phóng Đàng Trong năm 1975 đâu, còn đợi gì mà chưa về giải phóng thủ đô yêu dấu?

Bảo hộ nào cũng có cái tiến trình của nó. Xưa, bao che Bảo Đại, Pháp tìm mọi cách tô son, trét phấn cho ông vua phường tuồng - một cách vuốt ve tự ái dân tộc để dân chúng dễ chấp nhận. Nay, Trung Cộng vừa che chở, lại vừa công khai hạ nhục tập đoàn tay sai lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam anh em. Nghịch lý ngoài mặt này chỉ tố cáo ý đồ nham hiểm bên trong. Càng gục đầu, cúi mặt, càng bị nhân dân khinh oán; càng bị khinh oán, nhóm lãnh đạo bảo thủ Đảng ta càng phải khuất phục nhục nhã Thiên Triều. Hố phân cách giữa lãnh đạo và nhân dân Việt Nam ngày cành khuếch rộng, đào sâu; nhưng dù theo kịch bản nào cũng đều có lợi cho Trung Cộng. Hoặc tập đoàn bảo thủ Đảng tiếp tục thống trị: đủ tham để tự tay triệt hạ khả năng kỹ nghệ hoá và phát triển đất nước qua việc tổ chức buôn lậu đủ loại mặt hàng «Made in China», đủ mạnh và khôn vặt để trấn áp phong trào dân chủ, duy trì ngăn cách trong ngoài, lũng đoạn tôn giáo, v. v… - đương nhiên Trung Quốc sẽ tiếp tục gặm nhấm lãnh thổ và lãnh hải, làm thực dân mới. Hoặc đến một lúc nào đó, bất mãn sẽ nổ bùng thành bạo loạn - dựa trên một thỏa ước chính thức và hợp pháp chắc chắn đã được ký kết ngầm giữa hai bên, lúc ấy Trung Cộng sẽ gửi quân sang cứu nguy Đảng anh em, rồi viện cớ ngăn ngừa một đệ tam nhân tưởng tượng nào đó «thừa nước đục thả câu» để vĩnh viễn ở lại, làm thực dân cũ như ở Tây Tạng. Đấy là cái tương lai tăm tối đang chờ đợi Việt Nam. Không phải phim chính trị giả tưởng đâu, hiện thực Hungari, Tiệp Khắc, Tây Tạng tái diễn đấy!

Độc lập là giá trị văn hoá tối cao của bất kỳ một dân tộc nào. Bởi vì mọi kiến trúc thượng tầng đều phải được xây dựng trên cái nền tảng ấy. Do đó, trong suốt thế kỷ qua, chủ quyền dân tộc đã là đối tượng đấu tranh của cả nước - kể cả Đảng Cộng Sản Việt Nam, dù bằng một con đường lắt léo, nguy hiểm. Nếu bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu xương máu đã mất đi chỉ để đánh đổi lấy một sự lệ thuộc nhục nhã - tiệm tiếm nhưng chắc chắn - vào Trung Quốc như hiện nay, thì ngày 30 tháng 4 năm 1975, bước đầu quyết định của cái tiến trình mất độc lập ấy, là ngày chiến thắng hay chiến bại cho cả nước?

5.

Trước khi mất, ông Hồ hứa hẹn sẽ xây dựng lại quê hương tổ quốc đẹp hơn gấp mười. Một nhà thơ còn minh hoạ cái ngày mai tuyệt vời ấy, rồi xuýt xoa kết luận «Ðất nước bao giờ đẹp thế này chăng?». Ngày nay, nếu chưa hoàn toàn đui mù, có lẽ chúng ta nên tự hỏi: «Ðất nước bao giờ nhục thế này chăng?» hoặc «Đất nước bao giờ nguy thế này chăng?». Tôi tin rằng, chỉ với ý thức nhục nhã, ý thức hiểm nguy, song song với ý muốn giải ảo toàn diện khỏi mọi ảnh hưởng tai hại của một thứ chủ nghĩa cứu thế không tưởng, đất nước ta mới có khả năng hồi sinh hầu đương đầu với tình hình bi đát hiện tại. Chính vì bị chủ nghĩa tha hoá mà ta đã nhìn kẻ thù truyền kiếp thành đồng minh quốc tế. Chính vì bị giáo điều tha hoá mà ta đã giết hại anh em ruột thịt như kẻ thù không đợi trời chung. Cái chủ nghĩa trên, dù nay đã bị cả thế giới phế thải, bất hạnh thay, vẫn còn không ít tàn dư trên mảnh đất cha ông để lại. Bởi vì, đâu nhân danh gì khác ngoài cái chiêu bài «bảo vệ thắng lợi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa» mà hai tập đoàn lãnh đạo Trung Hoa và Việt Nam đã nối lại duyên nợ bất bình đẳng xưa cũ, trong hoàn cảnh thực ra chẳng bên nào còn tin tưởng hay đeo đuổi lý tưởng cộng sản nữa cả: một bên chỉ để bành trướng bá quyền, một bên chỉ để duy trì quyền lực và đủ thứ đặc quyền đặc lợi băng đảng!

Trong số những «thắng lợi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa» nói trên, tất nhiên có cả ngày 30 tháng 4 năm 1975 «hùng vĩ» này! Do đó, xác định lại nó như ngày thất bại vừa chính trị, vừa văn hoá bi thảm nhất của hơn hai nghìn năm lịch sử dân tộc, chính là góp phần giải ảo một huyền thoại cực kỳ nguy hại, thức tỉnh những ai còn chút lương tri để suy nghĩ một cách thực tế và trách nhiệm về tương lai của đất nước.

Đây không thể nào là một chiến thắng chính trị, nếu đánh giá qua những thành quả về mọi mặt xuất phát từ đấy. Đối ngoại: đất nước trở lại mô hình Bắc thuộc tưởng đâu đã vĩnh viễn trôi qua, trong khi cả thế giới đang đổi mới về mọi mặt để lao đầu vào một thế kỷ 21 đầy bất trắc. Nội bộ: dưới lớp sơn thống nhất không những chỉ hạn chế vào mặt hành chánh mà còn rách bươm vì nạn sứ quân địa phương, dân tộc bị phân hoá trầm trọng thành bao mảnh đối kháng (Bắc - Nam, trong nước - ngoài nước, trong đảng - ngoài đảng),… trong khi ngay cả những quốc gia cựu thù ở khắp nơi đều đang tìm cách bắt tay nhau, song song với việc xây dựng hệ thống hành chánh nội bộ tối ưu, để gia tăng tiềm lực tự quyết và phát triển. Văn hoá: kẻ cầm quyền đã tự tay tổ chức sự tụt hậu về mọi mặt của quốc gia (giáo dục, y tế, v. v…), phá hủy nền đạo lý cổ truyền thoát thai từ các đạo giáo lớn mà không thay thế nổi bằng bất cứ chủ trương, chính sách nào, cầm cố tương lai bao thế hệ con em bằng đủ thứ biện pháp bưng bít,… trong khi cả thế giới đang nỗ lực củng cố và phát huy đồng thuận dân tộc, xông pha hăm hở tìm kiếm thông tin, kiến thức trên mạng lưới quốc tế… Tất cả, trong bối cảnh cuộc cạnh tranh một còn một mất ngày nay giữa các quốc gia dân tộc ở mức độ toàn cầu! Cám ơn Bác - Đảng. Cám ơn lãnh đạo và chủ nghĩa!

Rốt cuộc, gần như cả thế kỷ 20 của Việt Nam ta đã bị phung phí, với bao nhiêu xương máu và tài nguyên, chỉ để làm bia đỡ đạn cho Trung Cộng trở thành cường quốc, để rồi sau đó hắn quay lại lăm le nuốt chửng tổ quốc Việt Nam! Do đó, khi nào tập đoàn lãnh đạo ta còn vênh váo đăng đàn diễn thuyết, và kẻ ăn theo còn hý hửng nhảy nhót reo mừng «ngày khải hoàn» 30 tháng 4, đất nước còn nhục nhã, khốn đốn trong lệ thuộc, phân hoá và tụt hậu. Bởi vì, phải vô tâm đến mức mất cả lương tri, nếu người dân Kampuchea ngày nay còn nhận thức ngày 17 tháng 4 cũng năm ấy như «ngày quốc khánh» của dân tộc họ, khi sự mù quáng và ngu muội của tập đoàn Pol Pot đã đưa cả xứ Chùa Tháp đến họa diệt chủng, và nguy cơ giải thể cả về chính trị lẫn văn hoá trước tham vọng của ngoại bang. Và về ngu mù thì, bất hạnh thay, thật sự chỉ có chút chênh lệch về mức độ, chứ không hề có khác biệt về bản chất giữa hai nhóm lãnh đạo đỏ Khmer và Việt. Vâng, tôi biết... Tôi biết có cái quy luật biện chứng gọi là «lượng chuyển thành phẩm» chứ; nhưng điều tôi muốn nói ở đây là cả hai bộ máy vẫn luôn luôn chia sẻ với nhau cùng một ý chí sắt đá: tiêu diệt sự khác biệt bằng cách hủy hoại con người, chỉ không giống nhau ở chỗ một bên giết ngay, còn bên kia giết lần giết mòn qua hành hạ cải tạo.

Một câu cho hỏi cho cả nước trước khi ngừng bút: khởi điểm của mọi tiến trình tự hủy như đã nói ở trên, thực chất ngày 30 tháng 4 năm 1975 này là gì, trong tâm thức mỗi người chúng ta? Ngày «đại thắng lợi vinh quang» cần được vinh danh hàng năm, hay khúc ruột thừa đã mưng mủ của lịch sử cần phải gấp rút cắt bỏ? Tương lai bao thế hệ sau còn tùy thuộc vào giải đáp chân thật của chúng ta cho câu hỏi đau đớn ấy.

Phạm Trọng Luật

Tháng 4 năm 2005


[1] Caius Julius Caesar Octavianus Augustus. Cháu gọi César là ông cậu, sau được nhận làm con nuôi, tên là Octave, Auguste là danh hiệu (chỉ dành cho thần thánh) do Viện Nguyên Lão Roma trao tặng. Hoàng đế (từ năm 27 trước, đến năm 14 sau Tây lịch), sau khi đã trị vì Roma cùng với Lépide và Antoine trong một tam đầu chế (từ năm 43 đến năm 31 trước Tây lịch). «Thế kỷ Auguste », như vậy, có thể coi như chỉ đại thể khoảng thời gian từ 50 năm truớc đến 50 năm sau lịch Ki Tô. Riêng về Auguste, đây là một nhân vật cực kỳ giảo hoạt: muốn độc tài như César mà không bị giết như César, ông biết dàn xếp khiến mọi quyết định gia tăng quyền lực trong tay mình đều có vẻ như xuất phát từ ý muốn của Viện Nguyên Lão chứ không phải từ tham vọng cá nhân! Trước khi chết, ông cho vời các nguyên lão đến bên giường, hỏi họ chịu công nhận ông là nhà kịch sĩ đại tài trên sân khấu chính trị chăng; và sau khi được sự gật đầu tán thành của các vị này, ông bảo «Vỗ tay đi chứ, công dân!» [«Plaudite, cives!»], rồi mới nhắm mắt.

[2] Quintus Horatius Flaccus (sinh năm thứ 65, mất năm thứ 8 trước Tây lịch). Con của một kẻ nô lệ được giải phóng, ông đã học ở Roma trước khi qua Athènes học triết và thi ca Hy Lạp. Vào quân đội, làm sĩ quan thống lãnh một quân đoàn cộng hoà, ông tham dự trận Philippes và bị quân của liên minh Antoine – Octave đánh tan. Được ân xá, ông trở về Roma và từ đấy cống hiến tất cả cho thi ca. Sự nghiệp của Horace gồm có nhiều tập thơ (thuộc các loại châm biếm, trữ tình), một số nhận định dưới hình thức thư ngắn (về văn học, triết học và xã hội), cùng một tác phẩm ngày nay được xem là chuyên luận văn học. Mang dấu ấn rõ rệt của văn minh Hy Lạp, thơ văn Horace cũng ca ngợi những giá trị nhân bản phổ quát (tình yêu, tình bạn, thanh bình, tổ quốc), và còn để lại ảnh hưởng lâu dài trên văn học Pháp (Ronsard hay Du Bellay ở thế kỷ 16) cũng như Anh (thế kỷ 18, 19).

[3] Được xây trong gần 10 năm, đấu trường vĩ đại nhất của Roma thời cổ đại này (có thể chứa từ 45 đến 50 nghìn người), được gọi là Colosseum, vì bên ngoài và cách đấy không bao xa là pho tượng đồng khổng lồ của bạo chúa Néron (Lucius Domitius Claudius Nero, trị vì từ năm 54 đến năm 68), kẻ đã đốt thành Roma năm 64 để tìm thi hứng và xây lại cổ thành theo ý muốn. Sau cuộc hỏa hoạn suốt 6 ngày, Néron cho xây lại lâu đài mới của ông ta, từ nay gọi là Domus Aurea (Nhà Vàng), với pho tượng trên (Colossus Neronis, cao hơn 30 thước, tác phẩm của nhà điêu khắc Hy Lạp Zênodôros). Sau khi Néron tự sát, Domus Aurea gây nhiều bối rối cho các hoàng đế kế nghiệp, nên cũng bị tháo gỡ dần để nhường chỗ cho các kiến trúc khác, trong đó có đấu trường này, do Vespasien (Titus Flavius Vespasianus, trị vì từ năm 69 đến năm 79) khởi xây vào năm 72, và được Domitien (Titus Flavius Domitianus, trị vì từ năm 81 đến năm 96) khánh thành vào năm 80, bằng 100 ngày vui chơi liên tục. Pho tượng Neron khổng lồ cũng thay mặt đổi tên thành tượng Hélios (Mặt Trời), thần hộ mạng của Roma: các tín đồ Ki Tô giáo thường bị bắt đến quỳ dưới chân tượng để tuyên thệ trung thành với đế quốc. Sau nhiều trận động đất (năm 445, 1231, 1255), toàn khu vực bị hủy hoại nặng nề. Bị chôn lấp dưới những công trình khác, Domus Aurea chỉ được khai quật lại phần nào từ thời Phục Hưng, và sau nhiều đợt phục hồi, mở cửa tiếp du khách vào năm 1999. Riêng đấu trường tanh máu  Colosseum (thời vàng son, người ta phải phủ các khán đài bằng một loại hương đặc biệt để che lấp mùi xác chết và mùi dã thú), nhờ được các Giáo Hoàng Ki Tô chủ ý lưu giữ để tưởng niệm bao tín đồ tử vì đạo, cũng bớt bị gỡ phá kể từ thế kỷ 18.

[4] Nguyên văn: «from each according to his ability, to each according to his needs = de chacun selon ses capacités, à chacun selon ses besoins». Dịch câu trên là «phân phối theo nhu cầu» và «đòi hỏi theo khả năng» là sát nguyên bản, dù có đảo ngược hai vế. Nó chỉ tối nghĩa đối với kẻ tối dạ. Bởi vì chủ từ ẩn của câu văn trên là xã hội; và ở đây, đòi hỏi chỉ đòi hỏi đóng góp, phân phối chỉ phân phối phẩm vật. Dịch là «làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu», tất nhiên không sai, song cũng không sát - bởi vì đấy là cách diễn giảng của cán bộ cộng sản về sau cho nông dân. Mặt khác, nó hoàn toàn che lấp nguồn gốc thực sự của câu văn.  

[5] Bởi vì thật ra, cái nguyên tắc - đặc biệt là vế thứ nhất - vẫn được xem là nền tảng đạo lý của xã hội cộng sản ngày mai này đã được Karl Marx trưng dụng từ lối sống tập thể của những người đầu tiên theo đạo Chúa của ông Jésus, qua trung gian của một tác giả khuynh hướng xã hội Pháp (Louis Blanc, Organisation du Travail, Paris, Ed. Prévot, 1839). «Và tất cả những kẻ có lòng tin sống chung với nhau, để chung lại tất cả của cải, và chia chúng ra cho mỗi người, theo nhu cầu của từng người» («And all that believed were together, and had all things in commun, and parted them to all men, as every man had need»). «Cũng không ai phải thiếu thốn, vì mỗi người được phân phối theo nhu cầu của từng người» («Neither was there any among them that lacked, for distribution was made unto every man according as he had need»). (Trích lại từ Acts of the Apostles, bởi K. Popper). Xem: Karl R. Popper, The Spell of Plato, trong The Open Society and Its Enemies, q. 1, London, Routledge and Kegan Paul, 1974, chth. 29, tr. 241).

SOURCE:

http://amvc.free.fr/Damvc/Khoa/ChinhTri/THANGBAI.htm

.

No comments:

Post a Comment