Em có biết Tháng Tư Buồn rơi lệ
Quê hương mình: Cảnh nước mất, nhà tan
Là tháng năm của khởi đầu dâu bể
Người khóc người, lòng vội chít khăn tang
Bài viết ngắn này như lời Tâm Tình của tôi dành tặng Các Bạn Trẻ vào độ tuổi của thế hệ sinh năm 1975, tức năm nay (2021) vừa tròn 46 tuổi - tuổi của gần nửa đời người. Số tuổi của Các Bạn Trẻ là cột mốc lịch sử của đất nước giữa hai lằn ranh Quốc gia và Cộng sản, là số năm tháng của một dân tộc sống trong sự hoài niệm, trong nỗi đau thương đầy nước mắt và nhất là trong nỗi thống khổ của việc mà người cộng sản gọi là "thống nhất đất nước", để trang sử Việt đã phải viết một trang sử đẫm lệ: QUỐC HẬN THÁNG TƯ.
Xin cho tôi viết chữ Các Bạn Trẻ bằng một từ ngữ viết hoa với tất cả sự trân trọng và quý mến từ tận đáy lòng tôi. Chúng ta hãy ngồi gần lại nhau, hãy nắm tay nhau để cảm nhận được sự ấm áp và linh thiêng của dòng máu Lạc Hồng chảy trong huyết quản. Xin cho tôi được làm bạn với Các Bạn Trẻ nhé.
Hôm qua, ngày 30 tháng 4, hẳn Các Bạn Trẻ đã được nghe, thấy, xem hay đọc rất nhiều tài liệu, hình ảnh, Video Clips về những buổi LỄ TƯỞNG NIỆM NGÀY QUỐC HẬN 30 THÁNG 4 LẦN THỨ 46 trên các phương tiện truyền thông.
Tại sao cái mốc thời gian ấy lại quan trọng đến nỗi mọi người phải làm một buổi Lễ Tưởng Niệm long trọng với đầy đủ nghi thức như thế? Quan trọng đến độ phải tổ chức hàng năm vào Tháng Tư được mệnh danh là THÁNG TƯ ĐEN.
Trên màn hình, Các Bạn Trẻ sẽ thấy màu cờ vàng ba sọc đỏ, màu áo lính trận Việt Nam Cộng hòa và màu tang đen. Tại sao trong phút Mặc Niệm, người hướng dẫn chương trình đã đề cập đến quân dân cán chính, thuyền nhân, tù "cải tạo" và dân lành vô tội? Mọi người để tang cho những oan hồn chết oan khuất ấy. Cả nước một màu tang!
Các Bạn Trẻ thấy gì trong những thước phim quá khứ? Phải chăng là những hình ảnh những người lính màu áo trận của một quân đội có chính danh "Bảo vệ quê hương, bảo vệ người dân sống trong ấm no, bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ, ngăn chận làn sóng đỏ cộng sản xâm chiếm miền Nam Tự do" với tên gọi là QUÂN ĐỘI CỦA VIỆT NAM CỘNG HÒA. Những người lính ấy đã làm gì trong những đoạn phim thời sự mà Các Bạn Trẻ đang xem? Vâng, những người lính ấy đang đánh giặc! Giặc Cộng từ phương Bắc tràn xuống miền Nam với dã tâm tiến chiếm miền Nam. Sự thật giặc cũng là người Việt Nam đấy, nhưng trái tim và khối óc của họ không còn là người Việt Nam nữa, bởi vì không ai đi giết đồng bào mình như thế cả! Họ nhân danh một chủ thuyết vô nhân đạo, còn có tên gọi là chủ thuyết Karl Marx - Lenin hay còn gọi là chủ thuyết cộng sản để giết người dân vô tội một cách vô nhân tính.
Hỡi những người Lính Việt Nam Cộng Hòa trong giờ phút thứ 25 của mệnh nước tồn vong, các Anh còn rất trẻ để chết, nhưng cái "Chết vì núi sông" thì thật đáng ngưỡng mộ, khâm phục và noi gương. Các Anh còn bổn phận với tổ tiên, còn hạnh phúc gia đình; thế thì tại sao các Anh trong phút giây thập tử nhất sinh của trận chiến, các Anh lại chỉ nhớ đến tình Đồng Đội và xem thường mạng sống quý báu của chính mình? Câu hỏi này ai trong thế hệ hậu sinh sẽ trả lời được khi các Anh đã nằm xuống lòng đất mẹ vĩnh viễn?
Thế hệ chúng tôi và cả những thế hệ mai sau xin nghiêng lòng kính cẩn trước tấc lòng sắt son với lời thề "TỔ QUỐC - DANH DỰ - TRÁCH NHIỆM" linh thiêng của các Anh. Một sắc cờ vàng ba sọc đỏ phủ trên mộ phần các Anh hay chiếc Poncho gói xác người lính tử trận trên chiến trường - Các Anh đã ra đi với chiếc Poncho và cũng trở về với chiếc áo thủy chung ấy như một lời thề bất biến. Khi người lính ra trận, dường như họ chẳng bao giờ nghĩ đến gia đình lúc đạn réo tên bay! Họ sống với đồng đội, với "Mày Tao" như thể là sống với gia đình. Các Bạn Trẻ có nhìn thấy họ xông lên giữa lằn đạn để kéo xác đồng đội về hậu cứ không? Mặc cho số mạng mình giữa súng đạn vô tình, xác của bạn sẽ không bị bỏ rơi trên chiến trường. Cao cả thay! Can đảm thay! Trong những ngày cuối cùng trong trận chiến, các Anh đã trở thành những người lính ngửa mặt hét lên câu uất hận thấu Trời xanh. Thế hệ của Các Bạn Trẻ có bao giờ nghe: Người lính phải buông súng đầu hàng không? Không có quân trường nào trên thế giới dạy người lính chiến đấu như vậy cả.
Những tiếng súng đã đồng hành với lính, với những người dân chạy loạn. Chạy đi đâu bây giờ để thoát tay giặc? Chạy theo lính Việt Nam Cộng Hòa thì còn con đường sống! Thế đấy, một ý nghĩ không cần đắn đo, suy nghĩ đã hình thành trong lòng người dân, vì họ biết người lính sẽ bảo vệ họ. Giặc là thần chết và người lính của "phe ta" là thần cứu mạng họ. Đấy là tình Quân Dân và mọi người như cùng ở trên một trận tuyến: Trận tuyến chống giặc Cộng!
Người "tù cải tạo": Các Bạn Trẻ có bao giờ thắc mắc về ý nghĩa của từ ngữ này chưa nhỉ? Đây là một danh từ chỉ có trong tự điển chiến tranh Việt Nam! Họ là những người lính oai hùng đã lên đường gìn giữ quê hương được sống bình an khi giặc Cộng tràn Vĩ tuyến phân ranh 17 để tiến chiếm miền Nam yên bình. Họ xuất thân từ trường học, tay yếu chân mềm thư sinh; nhưng khi khoác lên người màu áo lính rồi thì họ đã trở nên những người của chân cứng đá mềm. Tay cầm bút giờ thành tay cầm súng! Họ chiến đấu để nêu cao màu cờ chính nghĩa của lý tưởng mà họ theo đuổi: Màu cờ thiêng của ba miền đất nước hòa quyện nhau trong tình tự dân tộc da vàng. Máu của họ đã đổ cho màu cờ thêm thắm tươi trong buổi mừng lễ chiến thắng với tiếng ca của những khúc Quân hành. Ai đã ban lời hiệu triệu cho bước chân lên đường của họ? Chính trái tim của những người con yêu nước đã làm điều ấy. Họ hăng hái Tòng Quân, chọn lựa Binh chủng theo tâm nguyện. Thật oai hùng! Thay vì họ sẽ "Ra trường học ở học đường", họ sẽ "Ra trường ở Quân Trường". Hai môi trường khác nhau hoàn toàn, nhưng cùng chung một ý niệm: Phục vụ đất nước.
Bốn Vùng Chiến Thuật với ám số KBC sẽ là địa chỉ của những người trai trẻ lên đường tòng chinh ấy. Một bộ đồ trận, thẻ bài với số quân, một đôi giày Saut, dây ba chạc và súng đạn trở thành người thân, người yêu của những người lính Việt Nam Cộng Hòa. Bước chân họ lội suối băng rừng... có hề chi gian lao. Hào hùng lắm phải không Các Bạn Trẻ?
Thế nhưng lịch sử oan nghiệt đã đến vào cái ngày mà dân tộc cúi đầu rơi lệ: Tháng Tư Đen...
Trang sử này dẫu có viết triệu triệu trang thì vẫn chưa đủ lột tả hết được những nỗi uất hờn.
Những người con yêu của Tổ quốc đã bị buông súng và người của "bên thắng cuộc cộng sản" đã đẩy họ vào cửa tử với mỹ danh là "Trại tù cải tạo"! Nước Việt Nam có bao nhiêu tù nhân vô tội và không bản án! Dân tộc Việt Nam đã phải gánh chịu tai ương kinh hoàng ấy với hơn 150 trại tù khi một người ông, người cha đi vào "tù cải tạo", thì cả gia đình như bị họa lây!
Các Bạn Trẻ của thế hệ "46" chưa từng thấy những gia đình có người thân bị đi đày xa biệt đã sống ra sao. Bằng mọi cách, mọi giá thì người ở trong tù và ngoài tù đều phải sống! Sống để còn có ngày gặp lại nhau. Những bản án 10, 20 năm đã là tương lai của những chàng trai thư sinh năm xưa ấy! Hận không? HẬN... ngút ngàn!!! Cả nước có bao nhiêu người trong "tù cải tạo" và có bao nhiêu người không về lại với gia đình? Một mảnh khăn tang có đủ vơi đi nỗi đau ấy không khi chọn ngày ra đi là ngày giỗ kỵ? Không tìm được nấm mộ người thân ở đâu nơi thâm sơn cùng cốc, hỏi có nghẹn lòng không? Chết bao giờ, chết ở đâu và chết vì điều gì? Bạn tù có cơ hội kể lại với người thân của người xấu số không... chết vì một báng súng sau lưng!
Các Bạn Trẻ đã và sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được từ ngữ "Cô nhi quả phụ", vì thế hệ của Các Bạn Trẻ đâu có những người vợ lính và những người con của lính đã tử trận nơi chiến địa khắp mọi miền đất nước. Xót xa lắm!!! Người vợ trẻ đã vấn tang chồng và trở thành những Hòn Vọng Phu ngàn đời, lặng lẽ thờ chồng nuôi con dại. Họ thờ chồng bằng nước mắt và vò võ thâu đêm. Họ nuôi con bằng tất cả tấm lòng của Cái Cò. Họ chung thủy với Tình Yêu Vợ Chồng, dẫu đôi khi chỉ được một lần duy nhất đầu ấp tay gối với người mình thương. Rồi từ giây phút quấn khăn tang ấy, họ không còn trông ngóng chồng về nữa khi đoàn Convoy bụi mù chạy đi qua con phố nhỏ nơi họ cư ngụ. Những người lính ấy đã ra đi, đi đến những địa danh chỉ toàn là những con số ám danh hoặc là những tiền đồn, căn cứ có Trời làm nhà, Đất làm giường ngả lưng và nắng mưa làm bạn. Có những người lính ra đi và không còn trở về nữa, không thấy mặt vợ con trước giờ tử...như trong những Video Clips trích đoạn mà Các Bạn đã xem thấy! Bên cạnh những người lính oai hùng ấy là đồng đội, là giao thông hào, là những căn cứ địa, súng đạn và … tử thần!
Có những đứa con chưa ra đời thì đã mồ côi Cha vì Cha là lính trận, để rồi trong suốt cuộc đời của chúng đã đau đáu nhớ và mường tượng người Cha qua lời kể của Mẹ. Tiếng lòng của con trẻ tựa như muối xát kim châm vào lòng người Mẹ. nhưng những người con của Quốc Gia Nghĩa Tử ấy vẫn luôn tự hào về sự hy sinh của Cha mình.
Các Bạn Trẻ có nhìn thấy nỗi kinh hoàng hiện ra trên từng khuôn mặt của đồng bào mình hoảng loạn trong những Clips hay trích đoạn thời sự của những ngày cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam trên quê hương mình không? Tại sao dân chúng lại chạy khiếp vía như thế? Vì họ sợ đạn pháo kích, sợ giặc Cộng xông vào nhà giết họ. Các Bạn Trẻ có cảm thấy sợ hãi khi nhìn thấy cảnh tang thương, chết chóc đã xảy ra trên từng con phố ở thành thị, từng ngóc ngách của nông thôn, ngoại ô yên bình không?
Thế hệ "46" của Các Bạn Trẻ được sinh ra mà không cần biết đến danh từ "Pháo kích". Đó là một từ ngữ ghê rợn của hung thủ giết người - để rồi thây người, gạch đá và đất hòa lẫn nhau, mất hút dấu vết của sự sống. Một viên gạch cũng chịu chung số phận tang thương ấy! Một sợi tóc cũng chẳng còn nguyên vẹn trong những ngày bom đạn rền trời! Thế thì thân thể con người có còn lại dấu tích nào để nhận diện được nữa đâu? Thế hệ "46" của Các Bạn Trẻ có hình dung ra nỗi sợ hãi khi nghe tiếng đạn réo trong đêm an giấc của mọi người không? Nó đó: Tiếng đạn pháo kích có thể bay ngang nóc nhà mà người dân lành đang ngủ bên cạnh gia đình êm ấm hoặc có thể rơi ngay xuống căn nhà mình đang ở. Ai bắn những viên đạn giết người ấy? GIẶC CỘNG! Có trận chiến nào trên thế giới mà tất cả người dân đều là điểm nhắm của họng súng quân thù không? Người dân Việt Nam đã từng là nạn nhân của trận chiến ấy. Tội nghiệp cho dân mình phải không Các Bạn Trẻ? Các Bạn chưa từng "bị pháo kích" nên không thấu rõ được nỗi sợ, nỗi kinh hoàng cuả nó đâu. Sợ đến nỗi bước chân như khựng lại, không bước đi được nữa, sợ đến nỗi miệng không nói nên lời, sợ đến nỗi lấy tay bụm mặt lại để không nhìn thấy hình ảnh của chiến tranh quanh mình. Cái mùi của chiến tranh là mùi chết chóc, mùi của máu, của thân người cháy khét, của ngôi nhà hóa thành tro, là mùi đạn, là cái chết mà chính nạn nhân không biết mình chết! Các Bạn Trẻ thử hình dung xem nếu một ngày nào đó, Các Bạn đưa con mình đến trường học và đứa con thân yêu của mình không về nhà nữa bởi chúng đã chết vì đạn pháo kích vào trường học, thì bạn sẽ điếng lòng như thế nào. Trẻ thơ đâu phải là kẻ thù của một trận chiến! Giặc Cộng đã đếm xác con trẻ như thành tích chiến thắng vẻ vang ư? Vô nhân tính! Vô nhân đạo!
Lời Mặc Niệm cũng dành cho "Thuyền nhân"- những người dám đi tìm cái sống trong cái chết! Nếu họ là người sống sót, thì tôi thường nghe nói rằng: Họ sẽ không dám đứng trước biển để ngắm biển nữa! Vì họ đã ngụp lặn trong cái biển chết ấy, cầu xin các Đấng Thiêng Liêng cứu mạng họ giữa trùng dương mênh mông đầy bất trắc và dã thú hải tặc. Tội nghiệp cho dân tôi, không còn kiểu chết nào mà không trải qua. Không còn ngôn từ nào để diễn tả hết những nỗi kinh hoàng. Vượt biên đường rừng, đường biển: Người Việt Nam đã chết trên rừng, trên biển, trên sông và về với gia đình bằng lời nhắn tin hay bằng Mộ Gió. Bao nhiêu hồn oan còn vất vưởng nơi núi rừng hay đáy biển? Một ngày nào đó, Các Bạn Trẻ thử tìm ra biển, đứng nhìn về phía chân trời để thấy được cái giá của Tự Do như thế nào đối với thuyền nhân.
Thật tội tình cho dân mình phải không Các Bạn Trẻ? Tiếc rằng chữ nghĩa chỉ gồm 24 chữ cái, làm sao đủ để viết lên nỗi bất hạnh của dân tộc Việt Nam? Có còn nước mắt để rơi lệ không hay đã cạn khô dòng lệ mặn...Có lẽ nước mắt dân tộc tôi đã thành biển mặn rồi chăng? Lời kinh nguyện cầu nào để xoa dịu nỗi đau không bờ bến? Tiếng chuông nào đủ vang để gọi hồn bao người chết oan? Mùa Xuân mà sao dân tộc tôi vẫn rơi lệ? Tháng Tư nào sao lòng cũng ngậm ngùi? Ngày nào cũng có giỗ của người chết vì chiến tranh (nếu cả gia đình đều vong mạng hết, thì ai giỗ ai bây giờ?)
Thế hệ của chúng tôi đã đi qua chiến tranh, sống và chết với cuộc chiến đầy oan khiên, tàn khốc này cho đến khi nó "kết thúc" năm 1975. Cuộc chiến ấy có kết thúc chưa? Nếu đã tàn cuộc rồi, tại sao mọi người kể cả người của quốc gia và của cộng sản vẫn còn nhắc nhở? Vâng, cuộc chiến chỉ mới sang trang, chưa kết thúc … vì tham vọng tiến chiếm miền Nam chỉ là sự bắt đầu của một tham vọng tột cùng: Xóa tan dân tộc Việt! Người Việt Nam sẽ biến mất trên mảnh đất Việt Nam, dân tộc tính kiêu hùng, không khuất phục bạo cường, giặc ngoại xâm của người Việt Nam cũng sẽ chẳng còn. Tên gọi Việt Nam sẽ mất tên trên bản đồ thế giới.
Một cuộc chiến dai dẳng nên đã... Có người còn sống sót nguyên vẹn, nhưng cũng có triệu triệu người đã vĩnh viễn ra đi, trong số ấy có những người lính đã chết vùi thây nơi rừng sâu núi thẳm tận phương Bắc hay chết mất xác ở một nơi nào đó mà gia đình, thân nhân sẽ không bao giờ tìm lại được. Có người còn sống lây lất với những thương tích trong hồn, trong lòng và trên thân xác, họ là những Thương Phế Binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và sống ngẩng mặt không hổ thẹn, chùn bước trước sự đối xử tàn ác, không công bằng nơi quê nhà của chính quyền cs. Có những đứa trẻ mồ côi trong chiến tranh từ khi mới vừa lọt lòng mẹ. Có những người Mẹ đã trao cho đất nước đứa con trai yêu quý của mình, để rồi không bao giờ còn gặp mặt lại nữa.
Rất cám ơn tất cả Các Bạn Trẻ đã chịu khó đọc lời tâm tình của một người đi trước Các Bạn Trẻ một quãng đời. Xin hãy tiếp nối những điều mà tiền nhân chúng ta đã làm: Yêu quê hương - Yêu giống nòi - Bảo vệ quê hương trước bất cứ móng vuốt nào của giặc thù muốn tiêu diệt dân tộc Việt Nam. Chúng tôi mong đợi và hoài vọng Thế hệ "46" của Các Bạn Trẻ sẽ làm nên lịch sử, xóa tan đi những đêm dài tăm tối vì cộng sản quốc tế hay cộng sản tay sai đội lốt nhà cầm quyền trên quê hương mình.
Thế hệ của chúng tôi chỉ viết lên được SỰ THẬT CỦA TRANG SỬ VIỆT TRƯỚC NĂM 1975. Chúng tôi đã sống và chiến đấu với cộng sản, nhưng Các Bạn Trẻ hãy chiến đấu để KHÔNG sống chung với cộng sản. Sống với cộng sản là sống trong địa ngục. Chúng ta mất nước vào tay cộng sản, nhưng chúng ta không hề và không bao giờ mất quê hương, bởi quê hương ở trong trái tim của mỗi người chúng ta. Các Bạn Trẻ sinh ra dưới thời cộng sản thống trị đất nước, nhưng Các Bạn Trẻ có quyền chọn lựa con đường sống KHÔNG cộng sản cho cuộc đời mình.
Tôi vững niềm tin vào Thế hệ của Các Bạn Trẻ vì Các Bạn Trẻ chính là những người sẽ VIẾT NÊN TRANG SỬ VIỆT MỚI.
Như Thương
(Viết sau ngày Tưởng niệm Tháng Tư Đen lần thứ 46)
.
Cánh Cò - Phía sau câu chuyện hạ nhục cờ vàng tại Úc
ReplyDelete03/5/2021
Vài ngày qua, vụ chà đạp cờ vàng của một du học sinh tại Úc gây xôn xao trong cộng đồng người Việt tại Úc và nhiều nơi khác trên thế giới. Video clip được cho là từ bạn bè của nhân vật đạp cờ tung ra trên mạng cho thấy Dương Đức Thịnh đã tự thân leo lên cột cờ giật lá cờ VNCH xuống rồi cầm lá cờ trong tay phát biểu những lời lẽ thô tục, chà đạp lá cờ mà người Việt trước 1975 từng nghiêm trang chào kính.
Liên tiếp trong ba ngày, nhiều trang mạng xã hội bên ngoài Việt Nam hầu như chỉ chú tâm tìm kiếm cậu du sinh này. Với nhiều tin nhắn, hình ảnh và không lâu sau người ta biết đích xác tên tuổi của cậu đó là Dương Đức Thịnh đang theo học tại tại Trường Trung Học Marrickville bang Sydney của Úc. Sáng ngày 3 tháng 5 Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do New South Wale, ông Paul Huy Nguyễn cho biết BCH CĐNVTD NSW đã gửi thư khẩn đến Hiệu Trưởng trường Trung Học Marrickville yêu cầu trường có biện pháp với những học sinh nhục mạ Cờ Vàng, ông nhấn mạnh "Đây là việc rất nghiêm trọng, nhục mạ lá cờ thiêng có mặt trên nước Úc hơn 40 năm qua, chúng tôi đã liên lạc với trường và Bộ giáo dục để có những biện pháp nghiêm khắc".
Cùng sáng hôm 3 tháng 5, cảnh sát đã bắt giữ Dương Đức Thịnh và nhóm học sinh cùng với Thịnh để điều tra làm rõ hành động được xem là phi pháp này, bởi vi phạm quy định cho du sinh khi vào du học tại Úc ngăn cấm mọi hành vi gây thiệt hại tài sản công cộng, gây phản ứng văn hóa của người dân tại Úc, cả hai điều cấm này có thể gây cho Dương Đức Thịnh bị cáo buộc tội hình sự.
Trong không khí u trầm của người Việt vào ngày 30 tháng 4 trên khắp thế giới, hành vi chà đạp lá cờ của một du sinh Việt Nam như tát nước vào mặt những người ra đi vì lá cờ này. Mọi hàn gắn nếu có của cả hai bên lại một lần nữa rạn nứt. Nó cho thấy phe thắng cuộc chưa bao giờ bỏ ra một chút thời gian nào để suy nghĩ về cái gọi là “giải phóng đất nước” trong bầu khí quyển ngày 30 tháng 4. Hành vi của một cậu bé có thể vì sốc nổi, hợm hĩnh, bị giật giây của bọn thương lái mua bán quá khứ có thể được người Việt hải ngoại sau cơn giận dữ sẽ tha thứ và bỏ qua nếu nhà chức trách Úc, và nhất là Bộ giáo dục Úc hành xử đúng mực.
Nhưng phía sau câu chuyện này người ta nhận ra được điều gì?
Đó là bề dày của một thứ kiến thức mà nhà nước Việt Nam đã bồi đắp, tô vẽ bằng đủ loại media cho một thanh niên 17 tuổi. Nó kéo dài và tồn tại sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 trong học đường. Trên những con đường treo đầy bích chương kích động lòng tự hào chiến thắng chính đồng bào mình qua các trang sách giáo khoa. Nó tồn tại trên từng chương trình thời sự của TV đã đành nó còn xuất hiện trong các chương trình giải trí mà điểm nhấn đôi khi kéo lệch sang hai chữ “giải phóng” một cách cố tình bôi bẩn và hạ nhục.
tiếp theo...
ReplyDeleteNó tồn tại trong nhà ngoài ngõ và ngày nay nó được một lực lượng do nhà nước trả lương hoạt động say sưa trên mạng xã hội mà ai cũng biết đó là dư luận viên hay Aka 47.
Ngay sau khi vụ việc Dương Đức Thịnh diễn ra hệ thống dư luận viên được tung tràn ngập trên Facebook để ca tụng kẻ ngu muội. Người ta không ngạc nhiên vì điều này rất dễ liên tưởng, cái ngạc nhiên lớn nhất là chính phủ Việt Nam im lặng cho những kẻ hàm hồ này. Chính phủ không thể im lặng vì hành vi của Dương Đức Thịnh cùng bọn dư luận viên đang trực tiếp phá hoại chiêu bài hòa giải.
Lực lượng người Việt sống trên khắp thế giới đã và đang bị lợi dụng nhưng họ chấp nhận để cho gia đình họ yên thân và ít ra còn có của ăn của để từ sự giúp đỡ của họ. Nhưng bảo họ cúi đầu trước việc nhục mạ một lá cờ mà hầu hết trong họ thương yêu chào kính là hành vi không những phi chính trị mà còn cho thấy sự phá hoại đạo đức sống của lớp trẻ đã lên đến cực đỉnh. Cái đạo đức ấy được huấn luyện, tuyên truyền và xúi giục từ hơn 70 năm qua đến nay đã lan ra tận những xứ sở mà văn minh của nước ngoài không thể nào chấp nhận.
Dương Đức Thịnh có bị trục xuất hay không không phải là việc chính yếu, cái mà người Việt hải ngoại cần là một lời xin lỗi chính thức từ trong nước, từ những cơ quan thẩm quyền cao nhất, nơi từng hô hào, vận động, khẩn khoản đề nghị “hòa giải” với người của phe thua cuộc.
Có như thế mọi vận động sắp tới may ra người ta còn vớt vát, nếu cứ lẳng lặng coi như việc này của riêng nước Úc thì thôi rồi, sẽ không còn gì để mà vơ vét!
Cám ơn bạn đọc "Quê hương" đã thể hiện cảm nghĩ của mình qua bài viết "Cánh Cò - Phía sau câu chuyện hạ nhục cờ vàng tại Úc" sau khi đọc bài: Phút tâm tình với thế hệ "46" của Như Thương.
ReplyDeleteSự việc cậu bé Dương Đức Thịnh đã là tấm gương phản chiếu của những gì mà cậu bé đã được học trên ghế nhà trường và xã hội. Mọi người đều có quyền bày tỏ chính kiến của riêng mình, nhưng với một nhân cách chững chạc và kiến thức, nhất là ngôn ngữ lịch sự của người có học. Tiếc thay, cậu bé ấy đã không có tất cả những điều tối thiểu nêu trên.
Rất cám ơn bạn đọc Quê Hương & tác giả Cánh Cò.
Trân trọng,
Blogger Phạm Lê Hương