Monday, November 22, 2021

Part 1: Lâm Vĩnh Thế - Tình Báo Trong Chiến Tranh Việt Nam

 

SOURCE:

Tình Báo Trong Chiến Tranh Việt Nam | Nghiên Cứu Lịch Sử (nghiencuulichsu.com)

Nghiên Cứu Lịch Sử

 

Phạm Ngọc Thảo (cầm mi-crô), tháng 2/1965. Ảnh: Tạp chí Life

 

Tôn Tử (544-496 Trước Công Nguyên), binh gia nổi tiếng của Trung Hoa, đã dành hẳn một chương trong cuốn Binh pháp nổi tiếng của ông, Thiên thứ 13, để bàn về vấn đề tình báo trong quân sự, cụ thể là tầm quan trọng của việc sử dụng gián điệp trong chiến tranh. Hơn 2500 năm sau khi ông mất, những gì ông viết trong Thiên thứ 13 đó vẫn còn nguyên giá trị của nó. Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào trong thời cận và hiện đại, từ các Thế Chiến I và II cho đến các cuộc chiến tranh địa phương, cục bộ và giới hạn, tình báo đều đóng một vai trò quan trọng. Chiến tranh Việt Nam cũng không đi ra ngoài quy luật này. Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Ðồng Minh Hoa Kỳ cũng như phe Cộng sản đều sử dụng tình báo đến mức độ tinh vi. Bài viết này được thực hiện nhằm giúp bạn đọc có một cái nhìn tổng quát về hệ thống tình báo của cả hai phe lâm chiến, và một cái nhìn chi tiết hơn trong một vài trận đánh quan trọng của cuộc chiến.

Mục Tiêu và Chức Năng của Công Tác Tình Báo

Mục tiêu của công tác tình báo là cung cấp cho các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm về chính trị và quân sự những thông tin cần thiết về mọi khía cạnh, đặc biệt là về ý đồ, của phe địch để họ có thể kịp thời đối phó và chiến thắng đối phương. Do đó, chức năng chính yếu của công tác tình báo bao gồm 3 lãnh vực chính sau đây:

• Thu thập tin tức về địch
• Phân tích / tổng hợp và đánh giá tin tức về địch
• Khai thác tin tức: suy đoán ý đồ của địch và tiên đoán hành động của địch

Ngoài chức năng chính yếu vừa kể, công tác tình báo cũng bao gồm luôn cả các lãnh vực phản gián sau đây:

• bảo vệ an ninh, đề phòng sự xâm nhập của địch vào trong hệ thống của mình
• ngụy tạo tin tức để che dấu ý đồ và đánh lừa địch

Trong lãnh vực thu thập tin tức, có rất nhiều phương thức khác nhau, trực tiếp cũng có mà gián tiếp cũng có, nhưng nói chung, hai phương thức chính là:

• qua con người (thí dụ: các điệp viên), tức là tình báo nhân sự (tiếng Anh gọi là Human Intelligence hay HUMINT)
• qua máy móc, theo dõi các tin tức của địch, tức là tình báo tín hiệu (tiếng Anh gọi là Signal Intelligence hay SIGINT) 

HUMINT bao gồm công tác thu thập tin tức từ rất nhiều nguồn tin (loại người) khác nhau, nhưng quan trọng nhứt là những tin tức do điệp viên của phe ta cung cấp bằng nhiều cách thức khác nhau, cũng như tin tức thu thập được qua thẩm vấn các tù hàng binh, các cá nhân hoạt động cho địch bị bắt hay các điệp viên của địch đã về hàng.

SIGINT bao gồm tất cả các hình thức theo dõi, chặn bắt tín hiệu truyền thông và điện tử giữa người và người, cũng như giữa máy và máy, trong đó có rất nhiều trường hợp phải giải mã vì các thông điệp đã được đối phương ngụy trang bằng mã số trước khi truyền đi. 

Do đòi hỏi của các công tác chuyên môn phức tạp vừa kể trên, các hệ thống tình báo luôn luôn phải có các trung tâm huấn luyện để đào tạo nhân viên, các trung tâm thẩm vấn để khai thác tin tức từ các người của phe địch, và phải có đầy đủ các trang thiết bị cần thiết để theo dõi và chặn bắt tín hiệu truyền thông và điện tử của phe địch. 

Hệ Thống Tình Báo của VNCH 

Những thông tin trình bày dưới đây phần lớn tập trung trong khung thời gian của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa, tức là trong thời gian cuộc chiến đã leo thang với sự tham gia của quân đội Mỹ. Trong thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, hệ thống tình báo của VNCH còn rất thô sơ, gần như chỉ là một bộ máy mật vụ với nhiệm vụ chính yếu là bảo vệ chế độ mà thôi. Cho đến cuối năm 1960, VNCH chỉ có 2 cơ quan sau đây:

Sở Nghiên Cứu Chính Trị Xã Hội: thành lập năm 1956, trực thuộc Phủ Tổng Thống, do Bác sĩ Trần Kim Tuyến chỉ huy, có nhiệm vụ chính là công tác tình báo và bảo vệ chế độ. Họạt động của Sở bên ngoài lãnh thổ VNCH rất giới hạn, chủ yếu chỉ có tại Cao Miên (1).

 Sở này bị giải thể năm 1962, sau vụ ném bom Dinh Ðộc Lập của 2 phi công Không Lực VNCH là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc.
Ðoàn Công Tác Ðặc Biệt Miền Trung: thành lập năm 1957, do Dương Văn Hiếu chỉ huy, có nhiệm vụ chính là công tác tình báo, phản gián, nhằm phá vỡ các tổ chức nội tuyến của Bắc Việt tại Miền Nam. Ðoàn này bị giải tán sau vụ đảo chánh ngày 1-11-1963 lật đổ chế độ Ngô Ðình Diệm (2). 

Hệ thống tình báo của VNCH khá phức tạp, bao gồm một số cơ quan và đơn vị, với chức năng về an ninh và tình báo chồng chéo lên nhau, trong đó quan trọng nhứt là Khối Cảnh Sát Ðặc Biệt (thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia), Nha An Ninh Quân Ðội, Tổng Nha An Ninh Hành Chánh, Phủ Ðặc Ủy Trung Ương Tình Báo, Phòng 2 và Phòng 7 Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. 

Khối Cảnh Sát Ðặc Biệt (CSÐB)

Sắc Lệnh số 17A/TT/SL do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ký ngày 1-3-1971 cải tổ ngành cảnh sát công an, biến Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia (CSQG) thuộc Bộ Nội Vụ, thành Bộ Tư Lệnh CSQG trực thuộc Phủ Thủ Tướng (3).

Khối CSÐB là một bộ phận quan trọng của Bộ Tư Lệnh CSQG, dưới quyền chỉ huy của 1 vị Trưởng Khối, Phụ Tá Tư Lệnh CSQG, Ðại Tá Huỳnh Thới Tây, về sau, ngày 1-2-1975, thăng cấp Chuẩn Tướng (4) 

Nhiệm vụ của Khối CSÐB thuộc về 2 lãnh vực Tình Báo và Phản Tình Báo:

• Tình Báo: thu thập tin tức về phe Cộng sản và những tổ chức ngoại vi của Cộng sản thông qua 3 bộ phận là Tình Báo Diện Ðịa, Tình Báo Xâm Nhập, và Kế Hoạch Phượng Hoàng

Phản Tình Báo: cài người vào các đoàn thể chính trị, tôn giáo, nghiệp đoàn, thanh niên, sinh viên, vv. để phát hiện các phần tử Cộng sản trà trộn vào các đoàn thể này.
Ðể thực hiện tốt nhiệm vụ vừa kể trên, Khối CSÐB đã được quy định với một hệ thống tổ chức có quy mô toàn quốc như sau:

Tại trung ương, đứng đầu là 1 vị Trưởng Khối được xếp ngang hàng với một Tổng Giám Ðốc, bên dưới gồm một số Nha do các vị Giám Ðốc chỉ huy; đó là các Nha Tình Báo, Nha Phản Tình Báo, Nha Ðiều Hành Công Tác, và Nha Yểm Trợ; dưới các Nha có các Sở (do Chánh Sở chỉ huy), Phòng (do Chủ sự chỉ huy), và Ban (do Trưởng Ban chỉ huy) đảm trách các công tác chuyên môn khác nhau

Tại địa phương có các cấp:

   – Cấp Ðô Thành và các Khu: do một Giám Ðốc chỉ huy, với 4 Sở (Nghiên Cứu, Huấn Luyện, Công Tác và Yểm Trợ), bên đưới có các Phòng, Ban chuyên môn
   – Cấp Tỉnh và Thị Xã: do một Trưởng F chỉ huy, được xếp ngang hàng với một Chánh Sở, bên dưới có các Trưởng G điều khiển 4 Phòng (Nghiên Cứu, Công Tác, Yểm Trợ, và Thẩm Vấn)
   – Cấp Quận: do một Trưởng G chỉ huy, được xếp ngang hàng một Chủ Sự, bên dưới có các Trưởng Ban điều khiển 4 Ban (Nghiên Cứu, Công Tác, Khai Thác, và Văn Thư + Yểm Trợ) (5)

Nha An Ninh Quân Ðội

Tên của cơ quan an ninh này được giữ như thế suốt thời Ðệ Nhất Cộng Hòa cho đến ngày 19-6-1965 thì đổi thành Cục An Ninh Quân Ðội, trực thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị (6).

Nhiệm vụ chính yếu của Cục thuộc lãnh vực phản gián, nhằm chống lại sự xâm nhập của địch vào hàng ngũ quân nhân QLVNCH. 

Tại trung ương, Cục gồm có 5 Khối: Hành Chánh, Huấn Luyện, An Ninh, Phản Gián, và Tiếp Vận.

Tại địa phương, Cục có các đơn vị (Phòng, Ban) theo từng cấp:

• Khu: Thủ đô và tất cả 4 Vùng Chiến Thuật
• Tiểu Khu: tất cả các Tỉnh và Thị Xã
• Chi Khu: tất cả các Quận 

Ngoài nhiệm vụ chính là phản gián như vừa kể trên, Cục còn được giao một số nhiệm vụ khác về an ninh như:

• Nhận xét, cho ý kiến về các bổ nhiệm, thăng cấp trong QLVNCH
• Cấp thông hành về an ninh (security clearances) cho quân nhân và công chức
• Duyệt xét và chấp thuận cho các đơn xin xuất ngoại du học hay tu nghiệp của các quân nhân và công chức

Cục An Ninh Quân Ðội có một đội ngũ nhân sự gồm tất cả 4328 người, trong đó Tổng Hành Dinh tại Sài Gòn có 657 người, Biệt Khu Thủ Ðô có 221 người, mỗi Quân Khu có 50 người, mỗi Tiểu Khu (cấp Tỉnh) có 30 người, mỗi Chi Khu (cấp Quận) có 6 người; ngoài ra mỗi Quân Ðoàn có 20 người, và mỗi Sư Ðoàn có 25 người (7)

Cục An Ninh Quân Ðội được quyền bắt giữ và thẩm vấn mọi công dân của VNCH, cả quân nhân lẫn dân sự. 

Tổng Nha An Ninh Hành Chánh

Năm 1971, sau vụ gián điệp Việt cộng Huỳnh Văn Trọng, một cơ quan an ninh tình báo cho phía dân sự, giống như Cục An Ninh Quân Ðội dành cho bên quân sự, được thành lập và mang tên là Tổng Nha An Ninh Hành Chánh (8).

Tổng Nha này hình thành do quyết định nâng Nha An Ninh Hành Chánh của Bộ Nội Vụ lên thành Tổng Nha An Ninh Hành Chánh, đặt trực thuộc Phủ Thủ Tướng, với vị Tổng Giám Ðốc đầu tiên là Ðại Tá Nguyễn Văn Tuấn, và gồm có một số Sở. Sở đầu tiên được thành lập là Sở Huấn Luyện với vị Chánh Sở là Thiếu Tá Võ Thành Ðức (từ Khối CSÐB của Bộ Tư Lệnh CSQG đặc phái sang). Sở Huấn Luyện đã tổ chức được một vài khóa huấn luyện tại các Quân Khu cho các vị Phó Quận Trưởng Hành Chánh thuộc các tỉnh trong Quân Khu về các vấn đề An Ninh Cơ Sở, An Ninh Nhân Sự, và An Ninh Tài Liệu (9).

Tổng Nha này vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển cơ sở khi Miền Nam thất trận nên chưa lập được nhiều thành tích như Cục An Ninh Quân Ðội. 

Phủ Ðặc Ủy Trung Ương Tình Báo

Phủ Ðặc Ủy Trung Ương Tình Báo (sau đây sẽ viết tắt là PÐU; tài liệu của Hoa Kỳ khi dịch sang tiếng Anh thường dùng từ Central Intelligence Organization, hay Central Intelligence Office = CIO) được thành lập bởi Sắc Lệnh số 109/TTP do Tổng Thống Ngô Ðình Diệm ký ngày 5-5-1961 (10)

Tuy nhiên PÐU chỉ chính thức hoạt động từ năm 1962 sau khi hoàn tất cơ cấu tổ chức và bắt đầu tuyển dụng nhân viên và huấn luyện (11).

 Sau cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963, lật đổ chế độ Ngô Ðình Diệm, PÐU trải qua nhiều xáo trộn với 5 vị Ðặc Ủy Trưởng (toàn là quân nhân, 4 tướng lãnh và 1 đại tá) trong 4 năm liền (1963-1967) (12)

Ngày 7-5-1968, Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Ðặc Ủy Trưởng, bị thương nặng trong một cuộc đụng độ với Việt Cộng (trong đợt 2 của cuộc Tổng Tấn Công Mậu Thân) và được đưa ra nước ngoài trị thương. Tháng 9-1968, Trung Tá Nguyễn Khắc Bình (Bí thư của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu) được cử thay thế và PÐU được đặt trực thuộc Phủ Tổng Thống. Ðặc Ủy Trưởng Nguyễn Khắc Bình về sau thăng lên cấp Ðại Tá tháng 6-1969, thăng Chuẩn Tướng ngày 1-11-1972, và thăng Thiếu Tướng ngày 1-2-1975 (13). Chính Ðặc Ủy Trưởng Bình là người đã lên kế hoạch và thực hiện việc cải tổ PÐU.

Sau khi hoàn tất việc cải tổ, PÐU có một cơ cấu tổ chức như sau: (14)

• Khối Kế Hoạch: bí danh là Ban A, có nhiệm vụ tổng hợp tất cả các tin từ 2 Khối Quốc Nội và Quốc Ngoại; 2 Ban quan trọng của Khối Kế Hoạch là:
Ban A10: có nhiệm vụ soạn thảo bản tin tình báo hàng ngày để trình lên Tổng Thống vào mỗi buổi sáng (15)
Ban A8: phụ trách các công tác đặc biệt do Ðặc Ủy Trưởng giao phó
• Khối Tình Báo Quốc Ngoại: bí danh là Ban E, Khối này đặc trách công tác tình báo tại một số quốc gia như Lào, Kampuchia, Thái Lan, Nhật, Hong Kong và Pháp.
• Cục Tình Báo Quốc Nội: bí danh là Ban T, Cục này đặc trách công tác phản gián trong nước, với các 3 Phân cục được giao phó các công tác như sau:
   – Phân cục Ðiệp báo: bí danh là Ban K, thu thập tin tức của địch qua các đội công tác tại tất cả các tỉnh và thị xã.
   – Phân cục Phản gián: bí danh là Ban U, với công tác chính là cài người vào hàng ngũ địch và phát hiện những điệp viên của địch cài vào hàng ngũ của ta.
   – Phân cục An ninh Chính trị: bí danh là Ban Z, công tác chính là theo dõi, xâm nhập vào các chính đảng, phong trào, hội đoàn, nghiệp đoàn để phát hiện và phá vỡ các âm mưu xâm nhập của địch.
• Khối Yểm Trợ: bí danh là Ban Y, ngoài các công tác yểm trợ thông thường qua 2 Sở là Sở Nhân Viên và Sở Hành Chánh Tài Chánh, Khối này còn có Sở Kỹ Thuật, với bí danh là Ban M, phụ trách tất cả các công tác kỹ thuật chuyên môn trong ngành tình báo như chụp hình, quay phim, in ấn, truyền tin, nhận tin, giải mã, vv.
• Trung Tâm Huấn Luyện Tình Báo Quốc Gia: bí danh là Ban D, phụ trách huấn luyện nghiệp vụ tình báo cho tất cả nhân viên các cấp của PÐU
• Trung Tâm Quốc Gia Thẩm Vấn: bí danh là Ban Q, với nhiệm vụ chính là thẩm vấn các tù hàng binh và cán binh Cộng sản đã được chiêu hồi.

Từ tháng 11-1971, một ban mới được thành lập trong Khối Kế Hoạch với bí danh là Ban A17 do một Phụ tá Ðặc biệt của Ðặc Ủy Trưởng điều khiển, với nhiệm vụ chính là theo dõi và xâm nhập vào các phong trào và tổ chức thanh niên – học sinh – sinh viên, đặc biệt là Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn, để phá vỡ các âm mưu và hoạt động của các cán bộ và đoàn viên mà Thành Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh đã cài vào các phong trào và tổ chức đó (16).

Tổng số nhân viên của PÐU là 1.400 người trong đó nhân viên cao cấp có trình độ tốt nghiệp đại học chiếm đến 60%, được hưởng các quy chế đặc biệt như được hoãn dịch (gốc dân sự) hay được giải ngũ (gốc quân nhân) (17) 

Tuy được tổ chức rất có quy củ với ngân sách dồi dào và một lực lượng nhân sự có trình độ cao, PÐU đã không hoàn thành tốt trong công tác tình báo chiến lược vì càng ngày càng nghiêng nặng về chính trị và sau cùng trở thành một “cơ quan tình báo của Phủ Tổng Thống” (18) 

Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH

Bộ Tổng Tham Mưu (BTTM) QLVNCH là một cơ cấu quân sự khổng lồ của VNCH với nhiệm vụ yểm trợ và điều hợp hoạt động của tất cả các quân binh chủng và các đại đơn vị của QLVNCH qua rất nhiều Nha Sở và Phòng Ban, trong đó Phòng 2 là Phòng giữ nhiệm vụ về tình báo nhân sự (HUMINT), do một sĩ quan cấp Ðại Tá chỉ huy. Vị Trưởng Phòng 2 cuối cùng của BTTM là Ðại Tá Hoàng Ngọc Lung, xuất thân Trường Sĩ Quan Nam Ðịnh, Khóa 1 (năm 1951) (19) 

Phòng 2 BTTM có cơ cấu tổ chức như sau(20)

Tuy không phải là cơ quan tình báo duy nhứt của QLVNCH (vì ngoài Phòng 2 BTTM còn có Phòng 7 BTTM, Cục An Ninh Quân Ðội, các cơ quan tình báo của Hải Quân và Không Quân), Phòng 2 BTTM là bộ phận quan trọng nhất chịu trách nhiệm về quân báo, đặc biệt là tình báo tác chiến (combat intelligence), của QLVNCH, với một hệ thống đơn vị trực thuộc trải rộng khắp các đơn vị từ cấp Quân đoàn xuống đến cấp Tiểu đoàn, và từ cấp Vùng xuống đến cấp Chi Khu (Quận). Tại trung ương, Phòng 2 BTTTM có 2 đơn vị là Ðơn Vị 101 phụ trách thu thập tin tức tình báo, và Ðơn Vị 306 tức Trung Tâm Quân Báo phụ trách khai thác tin tức tình báo. Sĩ quan Phó Trưởng Phòng 2 đương nhiên kiêm mhiệm chức vụ Chỉ Huy Trưởng Ðơn Vị 306. 

Ðơn Vị 101

Ðơn vị này đã được đổi tên nhiều lần như sau:

• 1961-1963: Biệt Ðội Sưu Tập
• 1964-1965: Biệt Ðoàn 300
• 1965-1968: Liên Ðoàn Yểm Trợ 924
• 1968-1975: Ðơn vị 101

Vị Chỉ Huy Trưởng cuối cùng của Ðơn Vị 101 là Ðại Tá Lê Ðình Luân tốt nghiệp Khóa 2 (tháng 4-1953) Trường Sĩ Quan Thủ Ðức (21).

 Tất cả các sĩ quan của đơn vị đều phải trải qua khóa huấn luyện tình báo tại Trường Tình Báo của Lục Quân Hoa Kỳ tại Okinawa (Nhật Bản).

Ðơn Vị 101 có tổ chức hàng dọc như sau: (22)

• Ðoàn: ở cấp Vùng hay Quân Ðoàn, có tất cả 5 Ðoàn mang bí số 65, 66, 67, 68, và 69 (cho Biệt Khu Thủ Ðô), chỉ huy trưởng là một sĩ quan mang cấp bậc Trung Tá
Toán: ở cấp Khu hay Sư Ðoàn, chỉ huy trưởng là một sĩ quan mang cấp bậc Thiếu Tá
• Lưới: ở cấp Tiểu Khu, chỉ huy trưởng là một sĩ quan mang cấp bậc Ðại Úy
Công tác thu thập tin của Ðơn Vị 101 bao gồm cả 2 lãnh vực: tình báo tác chiến và tình báo lãnh thổ (territorial intelligence) và phương thức thu thập chính được sử dụng là tình báo nhân sự (HUMINT) qua 2 lối:
Công khai: thu thập và khai thác tin của các Phòng 2 và Ban 2 của các cấp đơn vị từ quân đoàn xuống đến tiểu đoàn, và các cấp lãnh thổ từ khu xuống đến chi khu, qua việc thẩm vấn và khai thác tin từ tù hàng binh, các tài liệu bắt được của địch, và việc chận bắt tín hiệu truyền tin của địch
Bí mật: thu thập tin của mật báo viên của các Lưới được tổ chức cho xâm nhập vào các vùng xôi đậu, ngay cả trong hậu phương của địch 

Ðơn Vị 306 (Trung Tâm Quân Báo)

Dưới quyền chỉ huy của Phó Trưởng Phòng 2 BTTM, Ðơn Vị 306 thật ra gồm nhiều trung tâm quân báo với những chức năng khác nhau bao gồm: (23)
• Trung tâm quân báo hỗn hợp: cung cấp tin tình báo tác chiến và lãnh thổ cho Phòng 2 BTTM QLVNCH, và Ban 2 của Bộ Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam (J2-MACV)
• Trung tâm khai thác tài liệu hỗn hợp: tập trung và khai thác tất cả các loại tài liệu (kể cả sách báo, phim ảnh chính thức của Bắc Việt) thu được của địch, và báo cáo cho Phòng 2 TTM và J2-MACV
Trung tâm khai thác quân dụng hỗn hợp: tìm hiểu, khai thác tất cả các loại vũ khí, đạn dược, quân dụng tịch thu được của địch, và soạn thảo tài liệu Chiến cụ của Việt Cộng để phổ biến cho tất cả các đơn vị của QLVNCH học tập 
• Trung tâm thẩm vấn hỗn hợp: có nhiệm vụ thẩm vấn các tù hàng binh, hồi chánh viên quan trọng, từ cấp đại đội trở lên; khi tình hình chiến trường sôi động, có thể tăng phái người cho các đại đơn vị
• Trung tâm quản trị quân báo: quản trị toàn thể nhân viên quân báo tại trung ương cũng như tại địa phương.


Sau khi quân Mỹ rút khỏi VNCH, Ðơn Vị 306 được cải tổ thành các Khối như sau:
• Khối Quốc nội: gồm có các Ban như sau:
   – Ban quốc nội tại 4 Vùng Chiến Thuật
   – Ban ước tính: cung cấp các báo cáo định kỳ
   – Ban nghiên cứu: về tổ chức của địch 
• Khối Quốc ngoại: bao gồm các công tác:
   – Theo dõi tình hình Bắc Việt, đặc biệt là viện trợ của các nước Cộng sản
   – Theo dõi tình hình chính trị, quân sự của Lào và Kampuchia
   – Gồm các Ban: Bắc Việt, Ðông Nam Á, Nghiên Cứu, Liên Lạc Quốc Ngoại (phối hợp, khai thác các báo cáo của các Tùy Viên Quân Sự tại các Tòa Ðại Sứ của VNCH) 
• Khối Sưu tập: thu thập, lưu trữ, kiểm soát tất cả các loại tin thu thập được từ mật bào viên, tù hàng binh, hồi chánh viên, cũng như từ các bộ phận tình báo tín hiệu (SIGINT) 
• Khối Kế, huấn, tổ: phụ trách các lãnh vực kế hoạch, huấn luyện và tổ chức cho toàn ngành quân báo

Việc huấn luyện cho nhân viên Phòng 2 BTTM được thực hiện tại Trường Cây Mai. Trước năm 1961 Trường Cây Mai mang tên là Trường Quân Báo và Chiến Tranh Tâm Lý mà Chỉ Huy Trưởng là Thiếu Tá Phạm Văn Sơn. Từ đầu năm 1961, Trường Cây Mai đổi tên là Trường Quân Báo và bắt đầu cung cấp những khóa huấn luyện về tình báo chiến trường (Field Operation Intelligence, hay FOI) do Biệt Ðội Sưu Tập phối hợp tổ chức với các huấn luyện viên Hoa Kỳ, giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Việt. Khóa 1 gồm 16 sĩ quan, khóa 2 gồm 25 sĩ quan, và các khóa kế tiếp về sau được gửi đi học tại Okinawa, Nhật Bản (24) 

Phòng 2 BTTM còn có 1 bộ phận nữa rất quan trọng, mặc dù không có hiện diện trong sơ đồ tổ chức: đó là Phòng Tình Hình (Situation Room). Phòng này được sử dụng như một trung tâm hành quân của Phòng 2 BTTM trong những thời điểm sôi động với những trận đánh lớn ngoài chiến trường, với những hệ thống truyền tin trực tiếp với các Quân đoàn, Sư đoàn, vv. để kịp thời trao đổi các tin tức về tình báo và chiến thuật với các đơn vị đang lâm chiến (25).

Phòng 7 Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH

Phòng 7 BTTM QLVNCH chịu trách nhiệm về công tác tình báo tín hiệu (SIGINT) và các hoạt động về an ninh truyền tin. Về SIGINT, Phòng 7 đảm nhận cả 2 lãnh vực: Tình Báo Thông Tin (Communications Intelligence = COMINT) và Tình Báo Ðiện Tử (Electronic Intelligence = ELINT). Vị sĩ quan đã chịu trách nhiệm thành lập Phòng 7 vào năm 1964 và đảm nhận chức vụ Trưởng Phòng 7 cho đến tháng 4-1975 là Chuẩn Tướng Phạm Hữu Nhơn, tốt nghiệp Khóa Sĩ Quan Trừ Bị Nam Ðịnh (1951).

Phòng 7 BTTM được tổ chức như sau: (26)



Phòng 7 BTTM gồm có tất cả 3.500 nhân viên phục vụ tại các đơn vị ở trung ương và một số đơn vị tại địa phương. Tại trung ương, Phòng 7 được chia thành 3 Khối, 3 đơn vị đặc biệt và Biệt Ðội Kỹ Thuật. Tại địa phương, nhân viên của Phòng 7 hoạt động trong 4 Trung Tâm SIGINT tại Ðà Nẵng (Vùng I), PLeiku (Vùng II), Sài Gòn (Vùng III), và Cần Thơ (Vùng IV).

Khối I gồm có 3 Ban: 3, 4 và 5. Ban 3 phụ trách giữ liên lạc với các Phòng 2 (Tình Báo) và Phòng 3 (Hành Quân) của BTTM, cập nhật thông tin về tình hình địch, soạn thảo và phổ biến các báo cáo về tình báo kỹ thuật. Ban 4 soạn thảo các báo cáo về không thám và phát hiện điện đài, theo dõi các chuyến bay và báo cáo những thay đổi về kỹ thuật của các điện đài của địch. Ban 5 xử lý các cung từ của tù hàng binh liên quan đến tình báo tín hiệu, các bản tin của các đài bạn (BBC, VOA) và địch, soạn thảo các bản tin hàng ngày, và duy trì liên lạc với các cơ quan tình báo dân sự và quân sự khác về những vấn đề có liên quan đến tình báo tín hiệu.

Khối II gồm 2 Ban, Ban 6 và Ban 7, và phụ trách về an ninh truyền tin. Ban 6 xử lý các dữ liệu kỹ thuật và soạn thảo các báo cáo về an ninh truyền tin và đề nghị những biện pháp sửa chữa. Ban 7 nghiên cứu các biện pháp an ninh về mật mã, duy trì liên lạc với Phòng 6 (Phản Gián) của BTTM và tổ chức thanh tra về mật mã trong toàn quân.

Khối III, gồm 3 Ban là Ban 8, Ban 9 và Ban 10, chịu trách nhiệm về nghiên cứu, cải thiện, và phối hợp giữa yểm trợ và huấn luyện. Ban 8 lo về các vấn đề tổ chức, tuyển mộ, hoạt động, yểm trợ, bảo trì và vận chuyển. Ban 9 chịu trách nhiệm về kiểm tra các kế hoạch hoạt động ngắn hạn. Ban 10 lo về huấn luyện chuyên viên, theo dõi huấn luyện, và soạn thảo tài liệu huấn luyện.

Ðơn Vị 15, trong khoảng thời gian 1961-70, là đơn vị duy nhất chịu trách nhiệm về kiểm thính. Về sau công tác này được giao cho các trung tâm SIGINT tại các vùng chiến thuật, và đơn vị này được giao nhiệm vụ giải mã các thông địch được mã hóa của địch.

Ðơn Vị 16 chịu trách nhiệm về an ninh truyền tin cho QLVNCH và một số cơ quan trọng yếu của chính phủ, soạn thảo các báo cáo về các vi phạm an ninh truyền tin, thanh tra các cơ sở về mật mã và tài liệu mật, và phối hợp với Phòng 6 (Phản Gián) của BTTM để duyệt xét các thủ tục về mật mã trong QLVNCH.

Ðơn Vị 17, được thành lập vào năm 1970 để phối hợp với hai Phi Ðoàn 716 và 718 của Không Quân VNCH trong việc thiết lập các phi trình cho các phi vụ tình báo tín hiệu. Các Phi Ðoàn này là đơn vị của Không Ðoàn 33 thuộc Sư Ðoàn 5 Không Quân đóng tại căn cứ Tân Sơn Nhất. Phi Ðoàn 716 có 5 chiếc phi cơ U-6A, và Phi Ðoàn 718 có 33 chiếc phi cơ EC-47.

Bốn Trung Tâm SIGINT tại 4 vùng chiến thuật có trách nhiệm thu thập tin tức qua các công tác kiểm thính và khám phá địa điểm phát tuyến của các điện đài của địch. Ðể hỗ trợ cho hoạt động của các Trung Tâm này còn có thêm một số trạm kiểm thính tại Phú Bài (Vùng I), Sông Mao (Vùng II), Vũng Tàu (Vùng III) và đảo Côn Sơn. Tại các vùng chiến thuật, mỗi sư đoàn bộ binh đều có 1 đơn vị thuộc Biệt Ðội Kỹ Thuật chịu trách nhiệm về tình báo tín hiệu.

  NEXT TO PART 2, PLEASE




No comments:

Post a Comment