Monday, November 1, 2021

Tiểu Sử Đại Sứ Bùi Diễm (1923-2021)

 

Đại Sứ Bùi Diễm (1923-2021)

 

Ông Bùi Diễm sinh ngày 1 tháng 10 năm 1923 tại Phủ Lý, Hà Nam (Bắc phần). Ông quê ở Hà Nam, Việt Nam. Thân phụ ông vừa học giả vừa là nhà nho Ưu Thiên Bùi Kỷ, dòng dõi phó bảng Bùi Văn Quế và Bùi Ân Niên.

Ông Bùi Kỷ theo Việt Minh và về sau là một nhân sĩ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ông lập gia-đình với bà Vũ thị Kim-Ngọc, kém ông 5 tuổi, suốt 77 năm, sinh được 3 người con : Bùi Ngọc-Lưu, Bùi Ngọc-Giao và Bùi Hân.

Ông có người cô ruột Bùi Thị Tuất, là phu nhân của học giả Trần Trọng Kim, tức thủ tướng Việt Nam dưới thời vua Bảo Đại (1945).

Lúc nhỏ ông học sử tại Trường Tư Thục Thăng Long và Trường Bưởi (sau này gọi là Chu Văn An).

Ông tốt nghiệp ngành toán học tại trường Đại Học Khoa Học Hà Nội.

Ông lớn lên trong bối cảnh của một Việt Nam còn nằm dưới sự cai trị của chính quyền thực dân Pháp cũng như trải nghiệm sự chiếm đóng của người Nhật trong thời Đệ Nhị Thế Chiến.

 

Hoạt động chính trị

 

Ông cùng gia đình di cư vào nam trước khi Hiệp định Geneva năm 1954 chia đôi Việt Nam thành hai thực thể chính trị Việt Nam Dân Chủ Công Hòa (Bắc Việt Nam) và Việt Nam Cộng Hòa (Nam Việt Nam).

Ông hoạt động chính trị từ thời học trường Bưởi, vận động cho chính phủ Trần Trọng Kim và vào Đảng Đại Việt năm 1944 do lời giới thiệu của một người bạn là ông Đặng Văn Sung.

Năm 1945 ông tham gia Trường Lục quân tại Yên bái, được nửa chừng thì bỏ dở khi trường chuyển về Sa Pa.

Ông rời chính trường cho tới khi nền Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam chấm dứt.

 

Ông thành lập công ty Tân Việt Điện Ảnh và sản xuất bộ phim Chúng Tôi Muốn Sống, nói về vấn đề cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam. Cuốn phim do Đạo diễn Vĩnh Noãn và một người đạo diễn Philippines tên là Manuel Conde, Giám đốc sản xuất là Bùi Ngọc Giao thực hiện với kỹ thuật của nghệ sĩ Totoy Torrente, và sự cộng tác của hệ thống quân đội Việt Nam Cộng Hòa, được khởi quay vào tháng 10/1956. Nam tài tử chính là Lê Quỳnh. Phim được trình chiếu miễn phí ở miền Nam Việt Nam vào khoảng năm 1956.

Những bộ phim do Ông và hãng Tân Việt thực hiện tạo tiếng vang nhưng lại thua lỗ về tài chánh, khiến hãng phim sau đó phải đóng cửa.

Ông cũng không còn giữ cho mình bất kỳ một tài liệu nào, ngoại trừ vài năm trước đây, đạo diễn Vĩnh Noãn trước khi mất đã gửi tặng Ông cuốn DVD Chúng Tôi Muốn Sống được ai đó phát hành ngoài thị trường.

 

Sau khi quay xong bộ phim Chúng Tôi Muốn Sống, Ông Bùi Diễm mời đạo diễn Lê Dân thực hiện cuốn phim Hồi Chuông Thiên Mụ vào tháng 7 năm 1957 với sự diễn xuất của nam tài tử Lê Quỳnh cùng với sự góp mặt lần đầu của Kiều Chinh bước vào thế giới điện ảnh.

Bộ phim được trình chiếu lần đầu tiên đó là ngày 8 tháng 1 năm 1959 tại 4 rạp Nam Quang, Rạng Đông, Thanh Bình và Huỳnh Long.

 

Năm 1963 ông thành lập tờ Saigon Post, một trong những tờ báo tiếng Anh đầu tiên của nền Công Hòa Việt Nam.

Sau biến cố tháng 11 năm 1963, Ông Bùi Diễm trở lại chính trường và năm 1965 làm bộ trưởng Phủ Thủ tướng dưới thời chính phủ Phan Huy Quát.

Sau khi Phan Huy Quát tuyên bố từ chức vào ngày 11 Tháng 6, 1965, ông nhận lời mời của Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương Nguyễn Cao Kỳ về làm Phụ Tá Đặc Biệt đặc trách các vấn đề kế hoạch có liên quan đến ngoại viện để tiếp tục giữ vững mối giao hảo với Hoa Kỳ.

Ngoài việc lo việc xếp đặt toàn bộ chương trình cuộc họp thượng đỉnh ở Honolulu, ông còn được ủy nhiệm thảo một bản diễn văn chánh thức để Thủ Tuớng Nguyễn Cao Kỳ đọc tại hội nghị thượng đỉnh, cùng những bài diễn văn khác cho ông Nguyễn Cao Kỳ. Lúc này ông hoàn toàn hòa mình vào làm việc với một chánh phủ quân nhân, và đưa ra vấn đề cần phải chuyển hướng chánh phủ để dẫn đến một chánh phủ dân chủ hợp hiến.

Sau cuộc họp thượng đỉnh ở Honolulu tháng 8 năm 1966, ông càng đi sâu vào các quyết định ngoại giao. Ông được bổ nhiệm làm Phụ Tá Ngoại Trưởng kiêm Phụ Tá Đặc Biệt của Thủ Tướng.

 

Sau cuộc họp thượng đỉnh Manila với những xích mích ngấm ngầm giữa ông với những người trong giới quân nhân đã khiến ông hao tổn khá nhiều tinh thần. Ông quyết định từ chức và quyết định này của ông đã dẫn đến việc ông được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ thay thế đại sứ Vũ Văn Thái, từ năm 1967 đến năm 1972, và Đại sứ lưu động từ năm 1973 cho tới khi kết thúc cuộc chiến vào tháng 4 năm 1975.

 

Ông từng góp ý kiến với các ông Thiệu, ông Kỳ và các vị tướng lãnh khác về phản ứng của Hoa Kỳ với Việt Nam.

Đặc biệt vào ngày 10 tháng 3-1967, ông Nguyễn Văn Thiệu và ông Nguyễn Cao Kỳ triệu tập một buổi họp chánh thức ở dinh độc lập. Cuộc họp bao gồm tất cả Bộ Trưởng và các Tư Lệnh quan trọng trong giới lãnh đạo quân sự. Ông Nguyễn Văn Thiệu giới thiệu ông Bùi Diễm là "Một nhân vật của Hoa Thịnh Đốn."

 

Trong suốt thời gian làm đại sứ ông đã đem những nhận xét, hiểu biết về Hoa kỳ, đến chính quyền VNCH. Những bản lượng định tình hình chính trị ông gửi về Sài Gòn, bao gồm tất cả những điều ông tổng kết sau những buổi thảo luận của ông cùng với cả giới báo chí lẫn chính quyền Hoa Kỳ. Ông đưa ra cả những suy luận cùng những suy luận của nhiều nhân vật cao cấp khác trong giới quân sự Hoa Kỳ. Ông trình bày những điểm đặc biệt của chính trị Hoa Kỳ đến Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ.

 

Hiệp Định Ba Lê

 

Tháng 5, 1972 ông từ chức đại sứ VNCH tại Hoa Thịnh Đốn quay về Sài Gòn sau một chuyến du ngoạn dài hai tháng ở Châu Âu.

Sau hiệp định Ba Lê TT Nguyễn Văn Thiệu cử ông làm đặc sứ.

Ông được gửi đi nhiều công tác khác nhau ở Á Châu, Âu Châu và Hoa Kỳ. Ông cho rằng việc ông có thể gặp gỡ TT Nguyễn Văn Thiệu cũng là một dịp tốt để ông có thể đóng góp ý kiến phần nào vào việc xây dựng quốc gia.

 

Ông bắt đầu soạn thảo một kế hoạch chỉ rõ phương hướng cho các công việc của Việt Nam sau giai đoạn Hiệp Định Ba Lê nhằm chuyển hướng ngoại giao của chính phủ VNCH để xóa tan những chỉ trích hiếu chiến và độc tài mà dư luận thế giới đã gán cho VNCH, và cũng để xây dựng hình ảnh của VNCH như một quốc gia độc lập, có chủ quyền và được cả thế giới công nhận.

 

Từ giữa năm 1973 cho đến năm 1974, ông thường xuyên đến Hoa Kỳ để theo dõi các diễn biến ở Hoa Thịnh Đốn và làm tất cả mọi việc có thể làm được để giữ viện trợ khỏi bị cắt bỏ.

Là đại sứ tại Hoa Kỳ, ông đã có cơ hội làm việc với những chính khách Việt Nam và Hoa Kỳ như Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Lyndon B. Johnson, Richard Nixon, William Westmoreland, Robert McNamara, Henry Kissinger, Clark Clifford, Maxwell Taylor, Ellsworth Bunker, Walt Rostow, Alexander Haig, Jr., Dean Rusk, và nhiều nhân vật khác.

Ông cũng chứng kiến sự nổi dậy của phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ, cuộc đàm phán hòa bình tại Paris, và góp phần vào việc vận động cuối cùng để tìm 700 triệu đô viện trợ quân sự để miền Nam Việt Nam có phương tiện chống lại cuộc xâm lăng của quân đội Bắc Việt, tuy nhiên cuối cùng số tiền Hoa Kỳ có thể viện trợ cho VNCH là 400 triệu Mỹ kim.

 

Tại Hải ngoại

 

Sau 30 tháng 4 năm 1975, Ông Bùi Diễm cùng gia đình tỵ nạn và định cư tại Hoa Kỳ.

Tại Hoa Kỳ, ông đã từng làm việc và là học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Học thuật Quốc tế Woodrow Wilson, Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (American Enterprise Institute), cũng như Viện Nghiên Cứu Đông Dương tại Đại học George Mason.

 

Ông là tác giả cuốn tự truyện lịch sử về chiến tranh Việt Nam, hồi ký chính trị có tựa "Gọng Kìm Lịch Sử". Ấn bản đầu tiên của tác phẩm này được viết bằng tiếng Anh với tựa The Jaws of History được phát hành năm 1987. Năm 2000, ông viết "Gọng Kìm Lịch Sử" do cơ sở Phạm Quang Khai xuất bản dựa theo sau bản tiếng Anh chứ không phải dịch từ bảng tiếng Anh ra tiếng Việt.

 

Cuốn sách thứ hai là cuốn Vietnamese Economy and Its Transformation to an Open Market System xuất bản năm 2004.

 

Ông là một thành viên trong Ban Cố vấn của National Congress of Vietnamese Americans (NCVA, Nghị hội Toàn quốc người Việt tại Hoa Kỳ). Trong thời gian này Ông thường có mặt trong các buổi vận động cho chương trình HO do Bà Khúc Minh Thơ phối hợp tổ chức tại Quốc Hội Hoa Kỳ.

 

Ông vẫn hoạt động trong Đảng Đại Việt và giữ chức Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương của Ðại Việt Cách mạng Ðảng.

Ông Bùi Diễm từng xuất hiện với vai trò nhân chứng trong các tập phim Chiến tranh Việt Nam (phim tài liệu) do đài PBS (Mỹ) sản xuất vào năm 2017.

 

Vì đã tham gia và chứng kiến nhiều sự thay đổi và thăng trầm của lịch sử, đặc biệt trong giai đoạn Hoa Kỳ trực tiếp can thiệp vào cuộc chiến tại Việt Nam, nên ông Bùi Diễm có những dữ liệu, ký ức, và suy nghĩ rất đáng kể về lịch sử Việt Nam.

 

Từ những năm đầu của SBTN mới thành lập, Đại Sứ Bùi Diễm hợp tác thường xuyên với Nhà Báo Phạm Trần qua các cuộc hội hội thảo chính trị bàn tròn cùng Gs Nguyễn Mạnh Hùng, Cựu Đại Tá Nguyễn Cao Quyền, Ông Nguyễn Tự Cường và Bình Luận Gia Đại Dương. Ngoài ra Ông còn tham gia vào Chương Trình Lịch Sử Cận Đại với Kim Nhung SBTN. Sau này Ông cùng ban biên tập Bản Tin Hoa Thịnh Đốn thực hiện nhiều chương trình phân tích tình hình chính trị hoa kỳ đặc biệt về ngoại giao và quân sự tại Á Châu và Âu Châu.

 

Riêng sinh hoạt với giới trẻ Ông rất chịu khó thảo luận các đề tài lịch sử với các em hướng đạo. Ông thường hợp tác với Minh Thuý và Vạn Lý để tổ chức các buổi thảo luận song ngữ này. Được biết thuở thiếu thời Ông gia nhập Hướng Đạo và thường xuyên đi sinh hoạt với Ls Trần Văn Tuyên. Vào cuối đời Ông thường hay tâm sự Ông rất trân quý sự dấn thân vô vụ lợi của các hướng đạo sinh.

Đại Sứ Bùi Diễm qua đời lúc 11:00 sáng Chúa Nhật 24 tháng 10 năm 2021 nhằm ngày 19 tháng Chín năm Tân Sửu, hưởng đại thọ 99 tuổi.

SOURCE:

https://www.daisubuidiem.com/home/ti%E1%BB%83u-s%E1%BB%AD?fbclid=IwAR3Roe7hUrDvJXnrOSAyniBKNLgrlQz29Uy3icEirh7FGF9AHHkIietzQDA

 

 

No comments:

Post a Comment