Trường Quân y Việt Nam Cộng hòa (1951-1975), là một cơ
sở đào tạo, huấn luyện các thành phần Sĩ quan, Hạ sĩ quan và Binh sĩ phục vụ
cho ngành Quân y. Từ đó được phân bổ đến tất cả các Quân, Binh chủng và các đơn
vị khác trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trường được đặt dưới sự điều hành của
Tổng cục Quân huấn trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu (Wikipedia)
Lịch Sử Trường Quân Y
1951: Trường Quân Y Trung Ương (École Principale du Service de Santé Militaire) được thành lập do Nghị Định số III/QP/ND ngày 7 tháng 6 năm 1951.
Giám Đốc Y Sĩ Trung Tá Phạm Biểu Tâm.
Trụ sở: Bệnh viện Bác sĩ Patterson ở phố Hàng Chuối, Hà Nội.
Số sinh viên gia nhập khóa 1 là 54 người, đa số là tình nguyện thẳng từ các trường Y Dược
và một số tuyển lại từ các sinh viên Y Dược đã bị gọi động viên tại các trường Quân Sự Nam Định, và Thủ Đức.
1952: Giám Đốc là Y Sĩ Trung Tá Nguyễn Đình Hào được bổ nhiệm chức Giám Đốc. Thời gian này, Trường Quân Y Trung Ương tổ chức được chương trình nội trú cho sinh viên quân y.
1954: Y Sĩ Thiếu Tá Đinh Văn Thắng được bổ nhiệm làm Giám Đốc.
1955: Y Sĩ Thiếu Tá Trần Anh được bổ nhiệm làm Giám Đốc.
1956: Trường Quân Y Trung Ương giải tán và sát nhập vào Trung Tâm Huấn Luyện Quân Y, cơ sở tại Quân Y Viện Chi Lăng.
Chỉ Huy Trưởng: Y Sĩ Trung Tá Nguyễn Tăng Nguyên.
1957: Trung Tâm Huấn Luyện Quân Y dời về trụ sở số 4, Hùng Vương , Chợ Lớn.
Chỉ Huy Trưởng: Y Sĩ Trung Tá Nguyễn Hữu Thư.
1960: Y Sĩ Trung Tá Hoàng Văn Đức được cử làm Chỉ Huy Trưởng.
1961: Trường lấy lại tên là Trường Quân Y.
Sau năm 1963, trường Quân Y dời về cơ sở mới xây dựng và bên cạnh có Quân Y Viện Trần Ngọc Minh, tọa lạc trên đường Nguyễn Tri Phương, sau chợ cá Trần Quốc Toản, Chợ Lớn.
Những Chỉ Huy Trưởng kế tiếp là:
1964: Y Sĩ Trung Tá Nguyễn Quang Huấn
1964: Y Sĩ Đại Tá Nguyễn Tuấn Phát
1966: Y Sĩ Trung Tá Trần Mạnh Tùng
1969: Y Sĩ Trung Tá Phạm Vận.
1973-30/4/1975: Y Sĩ Đại Tá Hoàng Cơ Lân.
Ngoài những vị Chỉ Huy Trưởng trên còn có Y Sĩ Đại úy Lê Phước Thiện cũng có đảm nhiệm chức vụ Quyền Chỉ Huy Trưởng Trường Quân Y (Sau cuộc đảo chánh 1/11/1963, y sĩ Trung Tá Hoàng Văn Đức không còn làm Chỉ Huy Trưởng trường Quân Y nữa, Y Sĩ Đại úy Lê Phước Thiện làm quyền Chỉ Huy Trưởng trường Quân Y).
Tổng cộng từ 1951 đến 1975 có 13 vị Giám Đốc hay Chỉ Huy Trưởng.
Bác sĩ Lê Ánh
SOURCE:
http://www.ninh-hoa.com/LeAnh-TruongQuanYQLVNCH.htm
oOo
Đại Tá Hoàng Cơ Lân
Mến tặng các chiến hữu Sư Đoàn Nhẩy Dù QLVNCH
Tiếng chuông báo hiệu reo vang, hai tay vịn cửa đẩy người tung ra khỏi máy bay, một làn gió mạnh thổi vào mặt và cảm giác như bị cuốn trong một cơn gíó lốc, rồi người bị giật thẳng lên và sau vài cái đong đưa, dù mở lớn từ từ đưa ta xuống đất giữa sự im lặng của không gian. Ai đã từng qua những giây phút này mới hiểu được cái cảm giác đặc biệt nó làm cho người lính Nhẩy Dù không hoàn toàn giống những người khác. Cho đến ngày hôm nay, tôi chưa bao giờ hối hận đã chọn binh chủng danh tiếng này cách đây hơn 40 năm, và đã được đội mũ đỏ phục vụ 13 năm trời thật là huy hoàng.
Hồi còn là sinh viên Y khoa, luật lệ Trường Quân Y cho phép những ai đã học được hai khóa quân sự căn bản tại Trường Võ Bị Quốc Gia Đalat được đi học để lấy bằng Nhẩy Dù. Cho nên một buổi đẹp trời cuối niên học 1955, tôi đã đến trình diện tại căn cứ Nhẩy Dù Bà Quẹo (sau này trở thành Bộ Tư Lệnh SĐND/VN). Ông đại tá Pháp, chỉ huy trưởng căn cứ, ngực đeo đầy huy chương, duyệt xét toán chúng tôi và nhìn mỗi người với đôi mắt đăm đăm dưới hai hàng lông mày rậm rạp. Trả lời một câu hỏi của ông, tôi đã thưa: Oui mon Colonel, và bèn được ông ta chỉnh lại: trong Nhẩy Dù, chúng tôi không thích chữ oui (tạm dịch là vâng) vì nó không hiên ngang, anh phải trả lời bằng câu bien mon colonel, chứng tỏ là anh đã hiểu và thông suốt lệnh vừa ban ra. Ngay phút tiếp xúc đầu tiên đó, tinh thần đặc biệt của binh chủng đã được bộc lộ, và khi về doanh trại, một dòng chữ viết trên tường làm cho chúng tôi hiểu là chúng tôi không đăng vào một binh chủng bình thường mà tình nguyện gia nhập một tổ chức quân sự đặc biệt: “quân nhân Nhẩy Dù, anh phải làm quen với gian khổ vì nghiệp của anh là phải hy sinh” (parachutiste, tu dois apprendre à souffrir car tu es fait pour mourir).
Sau này, trong những năm sống chung với những chiến hữu mũ đỏ, tôi luôn luôn tìm thấy nơi họ tinh thần mạo hiểm, thích chiến đấu và coi thường cái chết của tuổi đôi mươi. Thật vậy, tuổi trẻ thích được hướng dẫn và chỉ huy, nhiều người và nhiều cấp lãnh đạo đã nhầm lớn khi chỉ biết mang những bánh vẽ như tiền bạc và thụ hưởng để nói chuyện với thanh thiếu niên.
Sau hai tuần huấn luyện hành xác, đến ngày đi nhẩy thật sự. Hồi đó máy bay vận tải toàn là C47 Dakota, có chiếc thân và cánh còn sơn đen vì đã tham dự những phi vụ đêm trên chiến trường Điện biên Phủ. Phi hành đoàn gồm Pháp và Việt, riêng cá nhân tôi thì hồi hộp và lo sợ hết chỗ nói ! Dù trong những năm đó đều là loại T7, kiểu đã có từ đệ nhị thế chiến. Những loại dù như TAP 660 của Pháp và T10 của Mỹ, an toàn hơn và êm hơn, chỉ được xử dụng kể từ 1961-62. Với kiểu T7, lá dù được kéo ra trước và mở tung bởi sức gió của cánh quạt máy bay. Các bạn hãy tưởng tượng: sau khi rớt độ 30 thước như một cục đá, sức nặng của người bạn lên khoảng 150 đến 200 kilô, dù bọc và giật ngược bạn lên, mắt bạn nổ đom đóm, và nếu đai dù không được xiết đàng hoàng thì ngực và vai sẽ tím bầm.
Một sự cải tiến khá lớn đã được thực hiện với những loại TAP 660 và T10: khi nhẩy, giây dù được kéo ra trước và lá dù chỉ mở ra sau, bởi sức nặng của nguời nhẩy chứ không phải vì gió máy bay thổi. Cho nên loại dù này ít bị cụp hơn là loại T7; nhẩy với một độ cao 400 thước, mình chỉ còn vài giây đồng hồ để mở dù bụng nếu dù lưng không mở...Dù T7 hồi đó nguy hiểm hơn thật: trong thời kỳ vàng son của dù này (trước 1961-62), kinh nghiệm bản thân cho biết là mỗi khi một tiểu đoàn (500 người) nhẩy hành quân, luôn luôn có một người chết vì dù không mở.
Khi nhẩy saut đầu, tôi không may bị gió thổi ngang khi chạm đất và bị gẫy bàn chân phải, tôi buồn và thất vọng muốn khóc lên được... Hai tháng sau, tức 3 tuần bó bột và một tháng nghỉ ngơi, tôi trở lại Trung Tâm Bà Quẹo. Lần này tôi được sát nhập vào một toán (stick) 22 binh sĩ, đa số là người Đức thuộc Tiểu đoàn 2 Lê Dương Nhẩy Dù (2è Bataillon Etranger de Parachutistes), đơn vị này đã tham dự trận Điện biên Phủ và đang được thành lập lại trước khi lên đường về Algérie. Vì là Sĩ quan duy nhất trong toán (tôi mang lon Thiếu úy), tôi có nhiệm vụ bắt mấy anh này hát sau khi máy bay cất cánh, kiểm điểm họ sau khi xuống đất rồi cùng đi về nơi tập họp. Tôi còn nhớ trong máy bay, thường thường tiếng hát nhỏ dần khi chúng tôi biết là sắp đến lúc nhẩy và tắt hẳn trong cuống họng khi huấn luyện viên hét: debout, accrochez ! (tất cả đứng lên và móc giây !). Vì là trưởng toán, tôi đứng lấy thế ở cửa máy bay và có được thời giờ ngắm bãi nhẩy với quả khói được đốt lên để giúp huấn luyện viên biết chiều gió.
Như vậy tôi luôn luôn nhẩy đầu và không phải chứng kiến cảnh đau lòng đôi khi xẩy ra khi một khóa sinh tới cửa máy bay khựng lại và huấn luyện viên phải dùng biện pháp mạnh để đá đít ra ngoài...
Vận xui tiếp tục theo đuổi tôi trong khóa thứ hai này vì đến lần nhẩy thứ 4 thì một khóa sinh tử nạn. Lúc đó toán của tôi đã an toàn đáp xuống đất, tôi đang kiểm điểm và tập họp mấy anh Lê Dương thì đợt máy bay thứ hai bắt đầu thả: chúng tôi thấy ngay một người bị dù đuôi nheo không mở. Tất cả mọi người đều nhìn lên anh ta và la hét: dù bụng,dù bụng, mở dù bụng !.. Xong anh này tiếp tục giẫy dụa và rớt như cục đá. Ngay lập tức một huấn luyện viên hô to: garde à vous ! (một tục lệ của binh chủng Nhẩy Dù khi xẩy ra trường hợp tương tự) và chúng tôi đã đều đứng nghiêm để chào anh bạn đang lao vào cõi chết. Chỉ vài giây sau đã có tiếng gọi: Bác sĩ ! bác sĩ đâu ? Thật quả tôi đâu đã là Bác sĩ và dầu có là Bác sĩ chính hiệu đi nữa, thì hồi lúc này làm được cái gì ? Tuy nhiên, chân tay bủn rủn, tôi cùng một anh Lê Dương (có lẽ bạo nhất trong bọn) đã đến gói cái xác mềm nhũn với lá dù đẫm máu của anh ta. Ngày hôm sau, tất cả chúng tôi đi dự đám táng kẻ đồng đội xấu số và sang ngày kế tiếp chương trình Nhẩy Dù tiếp tục. Lần này với sự có mặt của ông đại tá chỉ huy trưởng và một số Sĩ quan trong căn cứ. Muốn cho chắc ăn, trong mỗi máy bay một nữ quân nhân gấp dù được đặt ngồi ngay cửa để kích thích tinh thần anh em. Bữa đó ai cũng hát rất hay và nhẩy đúng theo sách vở ! Đôi khi sự can đảm cũng chỉ là một vấn đề tự ái...
Với bằng dù mới toanh đeo trên ngực, tôi hãnh diện đưa vị hôn thê của tôi vào Câu lạc Bộ Sĩ quan (Cercle Militaire) thời đó ở đường Norodom (sau này là đường Thống Nhất, cũng như Câu lạc Bộ này sẽ là Bộ Tư Pháp của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà). Với sự bồng bột của tuổi trẻ, tôi có cảm tưởng là các Sĩ quan Bộ binh trong phòng ăn đều nhìn tôi bằng con mắt kính phục !
Kể từ giờ phút đó tôi nhất quyết sẽ là Y sĩ Nhẩy Dù khi học xong Đại Học Y Khoa. Năm 1957 chỉ có một mình tôi tình nguyện, phục vụ với đơn vị khét tiếng đánh đấm này chưa có gì là hấp dẫn lắm đối với các Y sĩ tân khoa thời đó vì trước tôi mới có ba người Bác sĩ Việt Nam có bằng dù. Tuy nhiên trường hợp nào cũng phải có lúc ban đầu và đến năm 1965, Sư đoàn Nhẩy dù/QLVNCH đã có trên dưới 20 Bác sĩ tình nguyện. Tôi đã thấy lại ngay tinh thần mũ đỏ khi đáo nhậm Liên đoàn Nhẩy dù hồi đó, gồm có 4 Tiểu đoàn tác chiến và 1 Tiểu đoàn trợ chiến mà Quân đội Viễn chinh Pháp vừa để lại. Tôi có thể ví tinh thần đó như tinh thần của những người thuộc một quân phái chứ không phải một quân đội thường, những người đã phải vượt qua nhiều cuộc thử thách cam go mới được thâu nhận. Quân phái hay đoàn thể đó có lối sống riêng với tục lệ và ngôn ngữ riêng biệt đã đuợc hun đúc với thời gian. Ví dụ, người lính Nhẩy Dù Mỹ khi nhận lệnh, luôn luôn trả lời All the way, Sir nghĩa là lệnh đó sẽ được thi hành tới cùng và bằng mọi giá. Người lính Nhẩy Dù Pháp sẽ không dùng chữ oui hoặc non để trả lời cấp trên, mà thay bằng hai chữ affirmatif hoặc négatif; một chỉ thị lúc nào cũng phải được thông suốt 5 trên 5; trong trường hợp bị nguy khốn (lúc bát phố hay đi hành quân) anh Nhẩy Dù Pháp sẽ hô ventral (mở dù bụng !) chứ không kêu cứu như bần dân thiên hạ !...
Với các chiến hữu nhẩy dù Việt Nam, kỹ luật thép và tinh thần đoàn kết huynh đệ chi binh luôn luôn được nêu cao trong mọi trường hợp. Mỗi người chúng tôi đều biết là nếu có chết hay bị thương, sẽ không bao giờ bị đồng đội bỏ rơi. Sự tin tưởng tuyệt đối mà binh sĩ mũ đỏ đặt nơi người Bác sĩ bắt buộc chúng tôi luôn luôn cố gắng để khỏi phụ lòng họ, vì vậy không bao giờ một tiểu đoàn Nhẩy Dù xuất trận mà không có Bác sĩ đi theo. Đôi lúc, vì lý do này nọ thiếu Bác sĩ, chúng tôi luân phiên đi hành quân cả mấy tháng mà không về thăm nhà. Trong những lúc mệt nhọc căng thăng này, khẩu hiệu Nhẩy Dù cố gắng thật đầy ý nghĩa!
Mỗi người chúng tôi đều biết rằng, trên thực tế chúng tôi phải luôn luôn đóng góp hơn các binh chủng khác. Binh sĩ của Sư Đoàn đều tâm niệm là sự can đảm và lòng hy sinh cố hữu của họ sẽ giúp họ tấn công chiếm những mục tiêu cực kỳ khó khăn, chống giữ những cứ điểm trên nguyên tắc không thể giữ nổi. Họ cũng biết là khi hữu sự, họ sẽ phải hy sinh khi xung quanh đã tan hàng (sự chống trả tuyệt vọng của họ trong mấy ngày cuối tháng 4/1975 là một thí dụ điển hình)
Lời thề nguyện sau đây của binh sĩ Nhẩy Dù Pháp có thể là câu tâm niệm của binh sĩ Nhẩy Dù Việt Nam mà không sợ bị sai nghĩa: Xin Chúa hãy cho chúng con những gì còn sót laị, xin Chúa hãy dành cho chúng con những thử thách mà không ai ham muốn ! (Donnez nous mon Dieu ce qui vous reste, donnez nous ce que l’on ne vous demande jamais !)
Từ 25 năm nay, những cựu quân nhân Nhẩy Dù của miền Nam tự do phải sống lưu đày trên khắp năm Châu, vẫn tiếp tục duy trì tinh thần binh chủng thể hiện bằng một sự đoàn kết trước sau như một.
Sự đoàn kết của những kẻ đã một thời mang cùng một đai dù, mặc cùng một quân phục, và vì vậy mỗi người như mang nặng trên vai danh dự của cả một tập thể. Sau hết, nếu không sợ người đời chê là kiêu ngạo, đó là sự đoàn kết và hãnh diện của những kẻ đã nhẩy, đối với số đông những người đã bình chân như vại dưới đất liền.
Y sĩ Đại Tá Hoàng Cơ Lân
Tốt nghiệp Chỉ huy Tham Mưu Fort Leavenworth Mỹ.
Cựu Y sĩ Trưởng SĐND/QLVNCH
SOURCE:
https://nguyentin.tripod.com/dt_hoangcolan.htm
.