Friday, June 24, 2022

Duyệt binh, Diễn binh, Diễu binh hay Diễn hành


Lại phải nói về chữ nghĩa: Duyệt binh, Diễn binh, Diễu binh hay Diễn hành

Theo trí nhớ rõ ràng của người viết bài, ngày 19/6 của hai năm 1971 và 1973 ở Thủ đô Sài Gòn đã tổ chức hai buổi Lễ Duyệt binh quy mô lớn.

Riêng năm 1971 có sự tham dự của đại diện các lực lượng Quân đội đồng minh Mỹ, Đại Hàn, Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan và Phi.

Người chứng kiến tại chỗ hoặc xem Truyền hình tường thuật trực tiếp từ Đài Sài Gòn băng tần số 9 đều nghe rõ đây là "Cuộc Duyệt binh nhân Ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa" !

Tôi khẳng định trước 1975 ở miền Nam không hề có ai gọi những cuộc Duyệt binh của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa thời Đệ nhất và Quân lực Việt Nam Cộng Hòa thời Đệ nhị bằng một chữ nào khác !

Cả hai thời Đệ nhất và Đệ nhị phân biệt rất rõ: Thành phần Dân sự gồm các Tổ chức Hội đoàn, Đoàn thể, Nghiệp đoàn, Thanh niên Thanh nữ, Sinh viên Học sinh... kết thành nhóm với xe trang trí và bandroll khẩu hiệu đi trên đường phố nhân một dịp lễ lạc sự kiện thì gọi là cuộc Diễn hành.

Trường hợp một Đơn vị Quân đội nào đó tiến hành cuộc diễn tập nghi thức trong khuôn viên nội bộ Đơn vị hoặc trên đường phố thì gọi là Diễn binh.

Diễn là trình diễn, phô trương, trưng bày ra còn hành là đi. Cùng ý nghĩa đó, Quân đội diễn tập thông thường thì gọi là Diễn binh.

Những cuộc Diễn hành (Dân sự) hoặc Diễn binh (Quân sự) này có thể có hoặc không có sự hiện diện của những nhân vật cao cấp chứng kiến.

Còn đối với những buổi Lễ quan trọng có mặt Tổng thống kiêm Tổng Tư lệnh Quân đội hoặc những vị Tướng lãnh cao cấp và những vị ấy sẽ quan sát, duyệt xét hình ảnh đại diện cho thực lực thực tế của từng Đơn vị thì phải dùng chữ Duyệt.

Tổng thống đến thăm một Đại đơn vị cấp Quân đoàn, Trường Võ bị, Trung tâm Huấn luyện... trong một dịp đặc biệt thì thường có Đội Danh dự cùng Toán Quốc - Quân kỳ dàn chào.  Lúc đó gọi là "Tổng thống duyệt Đội Danh dự".

(Các Đại đơn vị cấp Quân đoàn - Trường Võ bị - Trung tâm Huấn luyện - Bộ Tư lệnh Không quân, Hải quân... có Nhạc đoàn trỗi Quốc thiều phối hợp với Toán Quốc - Quân kỳ trong nghi lễ).

Khi Tổng thống hoặc một vị Tướng lãnh cao cấp đến thăm một Đơn vị từ cấp Sư đoàn trở xuống thì phải có một hoặc vài hàng quân đứng nghiêm chào. Trong bối cảnh đó thì gọi là duyệt hàng quân.

Như vậy đối với Quân đội, nếu có sự chứng kiến, hiện diện quan sát của Nguyên thủ hoặc Tướng lãnh cao cấp thì phải gọi là Duyệt, ở đây là duyệt xét.

Bất kỳ người miền Nam nào đã sống qua thời Việt Nam Cộng Hòa đều biết rõ những câu "Duyệt Đội Danh Dự" và "Duyệt hàng quân". Những nghi lễ nghi thức nhỏ đã dùng chữ Duyệt thì không có lý do gì cuộc tập trung Quân đội quy mô lớn nhất lại không dùng chữ Lễ Duyệt binh!

Trong lịch sử từ 1948 đến 1975 tức từ khi thành lập Quốc Gia Việt Nam đến ngày cuối cùng của thể chế Việt Nam Cộng Hòa thì vào hai năm 1971 & 1973 có hai cuộc tập trung tất cả đại diện của mọi Quân - Binh chủng quy mô lớn nhất vào hai ngày Quân Lực 19/6.

Cả hai lần này văn bản chính thức đều dùng chữ "Lễ Duyệt binh", không có chữ nào khác.

Tuy nhiên có một việc nhỏ mà rất nhiều người không hiểu rồi suy diễn diễn giải sai lệch bản chất từ ngữ: Tổng thể thì gọi là Lễ Duyệt binh, nhưng khi mỗi Khối thuộc các Quân - Binh chủng đang hành tiến thì Xướng ngôn viên gọi là diễn hành.

Ví dụ: " Đang diễn hành ngang Lễ đài là những đại diện ưu tú của Sư đoàn Nhảy dù, một Sư đoàn Tổng trừ bị...... ".

Có nghĩa rằng cái sự "diễn hành" của một Khối Đơn vị Quân đội là đang ở trong phạm vi của buổi "Lễ Duyệt binh".

Toàn bộ buổi Lễ này gọi là Lễ Duyệt binh, còn diễn hành là hoạt động của các Khối Đơn vị trong khuôn khổ của buổi Lễ !

Khi muốn diễn tả một Đơn vị đang đi ngang Lễ đài thì không thể có chữ nào khác thay thế ngoài chữ diễn hành, không thể nói: "Đang duyệt binh ngang Lễ đài là đoàn Trường Thiếu Sinh quân..." vì nói như vậy là hoàn toàn sai !"

Như đã nói ở trên, chữ Duyệt là do sự hiện diện quan sát duyệt xét của Nguyên thủ (chủ thể của từ ngữ), còn hoạt động của bản thân các Đơn vị (khách thể của từ ngữ) thì không thể đưa chữ Duyệt vào.

Còn ví dụ nếu dùng chữ "diễn binh" trong trường hợp vừa nêu trên thì cũng không ổn thỏa về mặt ý nghĩa lẫn thẩm mỹ ngôn ngữ: "Sinh viên Sĩ quan Trường Bộ binh Thủ Đức đang diễn binh ngang Lễ đài..." thì bất hợp lý lại nghe rất kỳ lạ!

Mỗi câu mỗi chữ đều phải đặt vào đúng nơi đúng chỗ đúng bối cảnh đúng trường hợp.

Nên nhớ rằng người Việt Nam Cộng Hòa xưa rất chú trọng việc dùng từ ngữ sao cho chính xác đúng đắn nhất.

Source: Fb Quốc gia Nguyên - Đất Mẹ

Ngày Quân-Lực VNCH 1971 - 1973


.

No comments:

Post a Comment