Posted on October 28, 2008 by hoanghaithuy
Mời quí vị đọc bài viết của Ký giả Nguyễn Khắp Nơi, Tuần báo Việt Luận ở
Sydney, Úc đại lợi. Bài này viết về 2 người có tên là DẠ LAN.
Bài của Người viết Nguyễn Khắp Nơi. Bài Số 3.
oOo
Không phải chỉ mình tôi và riêng anh em nhà binh ở Úc còn nhớ Dạ Lan, mà là rất nhiều anh em lính chiến ở khắp nơi trên thế giới vẫn còn nhớ cô. Điểm qua làng báo và websites trên thế giới, từ khi tôi viết bài đầu tiên về Dạ Lan “Lá thư chưa viết từ chiến trường — Huyền thoại Dạ Lan“, đã có nhiều người nói tới Dạ Lan và Chương trình Dạ Lan, tôi tóm tắt như sau:
Cha đẻ của chương trình Dạ Lan là Đại Tá Trần Ngọc Huyến. Đại Tá Huyến di tản sang Hoa Kỳ năm 1975. Ông qua đời ngày 15 Tháng Mười Một, 2004, tại Houston Texas, hưởng thọ 80 tuổi.
Sau năm 1963, ĐT Huyến đảm nhiệm chức vụ Thứ Trưởng Bộ Thông Tin, kiêm Giám Đốc Nha Chiến Tranh Tâm Lý. Ông có nhiều sáng kiến về cách thức tuyên truyền và nâng cao tinh thần binh sĩ, ông đặt ra những chương trình phát thanh:
* Chương trình Gia Binh, nhắm vào gia đình các chiến binh VNCH.
* Chương trình Đồng Minh Vận, nhắm vào các chiến sĩ đồng minh và gia đình của họ.
* Chương trình Dạ Lan, nhằm nâng cao tinh thần các chiến sĩ. Tên của chương trình phát thanh cho lính được đặt là Dạ Lan, trước khi tìm được xướng ngôn viên. Kế tục chức vụ quản đốc Đài Quân Đội là Thiếu Tá Phạm Hậu, tức nhà thơ Nhất Tuấn. Cuối cùng, từ năm 1969 cho đến khi tan hàng, Quản đốc Đài là Trung Tá Nguyễn Quang Tuyến tức nhà văn Văn Quang.
Xướng ngôn viên đầu tiên của Chương trình Dạ Lan, do một trùng hợp, có tên là Lan. Mặc dù giọng đọc của cô là giọng Bắc Kỳ thứ thiệt, nhưng cô ra đời ở Quảng Nam. Thời đó, năm 1963, cô Lan làm xướng ngôn viên cho Đài Phát thanh Quân Đội ở Đông Hà, Quảng Trị, phát về phía bên kia vĩ tuyến, đài do Nhất Tuấn và Hà Huyền Chi điều khiển. Nhờ giọng đọc êm ngọt, do Hà Huyền Chi hướng dẫn phát âm, cô Lan được đưa từ Đông Hà về Sài Gòn để nói trong Chương trình Dạ Lan:
Đây là chương trình Dạ Lan, tiếng nói của những người em gái Hậu Phương, gởi những anh trai Tiền Tuyến
Những danh từ “Em Gái Hậu Phương” và “Anh Trai Tiền Tuyến” từ Chương trình Dạ Lan mà ra. Các nhạc sĩ chuyên viết Nhạc Lính cũng theo đó mà lồng vào bài hát của mình những danh từ kể trên.
Chương trình Dạ Lan phát thanh buổi tối, từ 7 giờ tới 9 giờ, mỗi ngày, gồm những mục tin tức, thời sự, điểm báo, văn nghệ và thư tín.
Phần hấp dẫn nhất của Chương trình Dạ Lan là phần Nhạc và Thư tín, do Dạ Lan giới thiệu từng bản nhạc và trả lời từng bức thư của các anh trai tiền tuyến gởi về. Cho đến bây giờ, những lời nói ngọt ngào của Dạ Lan hầu như vẫn còn âm vang trong tiềm thức của nhiều anh trai tiền tuyến.
Chương trình Dạ Lan được anh em quân nhân đón nghe, nhất là những anh trai nào đóng quân ở những tiền đồn hẻo lánh. Những người lính viết thư về cho Dạ Lan nhiều tới nỗi Đài Quân Đội phải tuyển thêm một số nữ nhân viên để phụ trách việc đọc và trả lời thư của các “anh tiền tuyến” hằng đêm. Một số thiệp chúc Tết, chụp hình cô Xuân Lan được Nha Chiến Tranh Tâm Lý ấn hành để gởi tặng các chiến sĩ tiền đồn.
Tuy vậy, nhân vật “Em Gái Hậu Phương Dạ Lan” chưa bao giờ xuất hiện trên truyền hình, báo chí hay ngoài đời, mà chỉ duy nhất có tiếng nói qua làn sóng điện. Cũng chính vì thế mà Dạ Lan trở thành huyền thoại. Sau Biến cố 30 tháng Tư, chương trình Dạ Lan không còn nữa, đa số nhân viên làm việc cho Đài Phát thanh Quân Đội đuợc di tản. Trong thời gian đầu ở đất khách quê người, ai cũng phải lo cuộc sống. Đến khi cuộc sống tạm ổn định, mọi người mới bắt đầu tìm kiếm nhau. Kiếm tới kiếm lui mới thấy thiêu thiếu một cái gì đó.
Cái gì đó là cái Chương trình Dạ Lan mà hằng đêm chúng ta vẫn thường nghe, dù ta ở tiền tuyến hay ở hậu phương. Từ đó, anh em mới đặt câu hỏi: Dạ Lan đâu?
Sau khi bài viết “Lá thư chưa viết từ chiến trường — Huyền Thoại Dạ Lan” của tôi đuợc đăng trên Việt Luận và Vietluanonline, rất nhiều độc giả tiếp xúc với tôi để cùng tìm Dạ Lan.
Một độc giả tìm ra trong website của nhà văn Hoàng Hải Thủy một bài đề cập tới Dạ Lan. Ông HHT cho biết, Dạ Lan quen biết với gia đình ông từ trước 1975, cho tới khi gia đình ông qua Mỹ vào năm 1995, vợ ông vẫn thường gọi điện thoại về Sài Gòn nói chuyện với Dạ Lan. Chỉ sau này, vào khoảng 1998, Dạ Lan vì lý do gì đó, vắng bóng ở Sài Gòn. Ông nói sẽ nhờ những bạn hữu ở Sài Gòn tìm Dạ Lan.
Đầu tháng Muời 2008, ông HHT email cho tôi, báo tin: đã tìm ra Dạ Lan, có địa chỉ điện thư và số điện thoại của Dạ Lan.
Tôi gởi ngay email cho Dạ Lan, kèm theo bài viết của tôi về cô và buổi tối hôm đó, vợ chồng tôi hồi hộp gọi điện thoại về Việt Nam. Tôi gọi hai, ba lần mà vẫn không được. Tôi mới nhớ ở Úc mà gọi điện thoại ra ngoại quốc, phải bỏ đi số 0 đầu tiên của số điện thoại muốn gọi. Tôi quay số theo cách này. Sau vài giây chờ đợi, đầu giâynói bên kia có người trả lời. Tôi lên tiếng ngay:
– Tôi là Nguyễn Khắp Nơi, ở bên Úc, muốn nói chuyện với Cô Dạ Lan.
– Thưa anh . . . Dạ Lan đang nghe đây.
– Chào cô Dạ Lan, cô vẫn . . . mạnh khỏe chứ?
– Cám ơn anh, Dạ Lan vẫn khỏe. Lan nhận được meo (email) của anh và của anh Hoàng Hải Thủy. . .
Không ngờ đến nay vẫn còn người nhớ… .
Nói đến đây thì Dạ Lan bật lên tiếng khóc, nhưng vẫn cố gắng nói tiếp:
– Đến bây giờ mà vẫn còn có người nhớ Dạ Lan sao?
– Anh em chúng tôi ở bên này vẫn nhớ Dạ Lan, người bạn năm xưa đã nói chuyện với chúng tôi hằng đêm.
– Lan đã đọc được bài viết của anh, Lan cảm động quá . . .
Rồi cô lại nghẹn ngào. Vợ tôi ngồi bên cũng góp phần nước mắt.
– Hơn bốn mươi năm qua rồi.
– Hơn bốn mươi năm rồi, nhưng giọng nói của Dạ Lan vẫn không có gì thay đổi, vẫn trong, vẫn . . . như xưa, không khác gì cả. Cuộc sống của Dạ Lan hiện tại ra sao? Lý do nào mà cô vẫn còn ở Sài Gòn?
Dạ Lan cho tôi biết vắn tắt như sau:
Cô họ Hoàng, làm việc với Chương trình Dạ Lan từ ngày đầu tiên vào năm 1963-1964. Sau đó, vì lý do gia đình, cô đổi về làm ở Đài Phát thanh Đà Lạt. Tới năm 1968, cô trở lại Sài Gòn, làm việc trong Đài Phát thanh Sài Gòn. Ngày 30 Tháng Tư 1975 cô là người phụ nữ cuối cùng còn ở trong Đài Phát thanh, để cùng một số anh em khác đốt bỏ những tài liệu cần phải hủy bỏ. Trước đó, cô được mời di tản, nhưng không hiểu tại sao, cô không đi.
Cuộc sống của những người ở lại, bạn và tôi, cũng đều đã trải qua: Ai nấy đều lo cho mạng sống, lo cho miếng ăn hàng ngày, lo né tránh bắt bớ, rồi cuối cùng là tù đầy . . . chẳng ai còn có bụng dạ nào mà tìm ai, kiếm ai. Sau đó, người thì bị tù đầy, người thì vượt biên ra ngoại quốc, người thì bôn ba ngược xuôi tìm sống, cố gắng tìm đường vượt biên.
Cuộc sống của Dạ Lan đầy những điều mà cô cho là không được như mong ước. Cho đến bây giờ, cô vẫn là một người đàn bà độc thân. Cô có một người con gái, nay con cô đã yên bề gia thất ở Pháp, còn cô thì vẫn độc thân, vẫn một mình một bóng, không nhà không cửa, không thân nhân.
Dạ Lan đang ở . . . chùa.
Chùa đây có đầy đủ ý nghĩa của nó: Cô ở trong một ngôi chùa ở vùng ngoại ô đèn vàng. Cô làm công việc từ thiện cho chùa, do đó, cô ăn ở ngay tại đây. . . không phải trả tiền, tức là . . . ăn ở chùa. Cô không mặc áo cà sa, cô vui với cuộc sống hiện tại.
Dạ Lan ngày nay như vậy hay sao?
Người em gái ngày xưa đem tiếng nói của mình để tâm sự, an ủi những anh trai tiền tuyến, những người vợ hiền đang chờ chồng trở về, bây giờ sống một cuộc sống cô độc như vậy hay sao? Ngày xưa, cô an ủi mọi người đang ở những chốn cô đơn, mưa gió, đạn bay súng nổ. Ngày nay, người em gái hậu phương sống cô đơn hiu quạnh, có ai biết tới cô để an ủi cô hay không?
Chúng ta thật sự có còn nhớ đến Dạ Lan hay không?
Dạ Lan cho biết, cô hàng ngày đi làm việc thiện nguyện. Nhà chùa quyên được cái màn, tấm chăn, ký gạo, manh áo, thì cô và những người thiện nguyện khác chất những món quà này lên xe, lái tới tận nơi có những người cần dùng mà phát cho họ. Rừng nào cô cũng băng, suối nào cô cũng lội, làng xã xa xôi tới đâu, chiếc xe từ thiện của cô cũng lăn bánh tới. Cô nói đi như vậy, tuy cực mà vui, vì mình đem lại niềm vui cho đồng bào.
Tâm nguyện của Dạ Lan là như vậy! Ngày xưa, cô đem lại niềm vui cho mọi người, đối tượng của cô lúc đó là những chàng trai chiến tuyến, nay cô cũng làm công việc đó, chỉ khác đi cái đối tượng làm việc của cô mà thôi. Đối tượng ngày nay của cô là những người nghèo đói, nghèo hơn cô, đói hơn cô. Tương lai của Dạ Lan ra sao?
Dạ Lan trả lời:
– Lan cũng không biết! Danh sách những nơi bị hỏa hoạn, lụt, hạn hán . . . còn rất nhiều, chương trình của nhóm cứu trợ trên lịch kéo dài cả mấy tháng trời nữa. Lan chỉ mong có sức khỏe, để giúp đỡ mọi người. Cũng có thể một ngày nào đó, Lan sẽ . . . mặc áo tu hành! Biết đâu được! Cám ơn các anh còn nghĩ đến Dạ Lan.
Nếu tôi ở trong hoàn cảnh của Dạ Lan, tôi sẽ làm gì? Tôi cũng chẳng biết nữa. Nếu bạn ở trong hoàn cảnh của Dạ Lan, bạn sẽ làm gì? Cố tìm cho ra người bạn quý năm xưa. Tìm được bạn rồi, chúng ta làm gì bây giờ? Tôi cũng chẳng biết tôi phải làm gì nữa? Chỉ biết rằng người bạn năm xưa của chúng ta đang ở tình trạng cô đơn, đang cần sự an ủi của những người mà năm xưa, cô đã từng an ủi họ.
– Chúng tôi, những người bạn của Dạ Lan, muốn giúp đỡ Dạ Lan, chúng tôi phải làm sao bây giờ?
Dạ Lan nói:
– Nhớ tới nhau thì hỏi thăm nhau là được rồi! Lan cũng nhớ tới các anh lắm, đi đâu, nhìn thấy những gì còn lại từ năm xưa, cũng làm cho Lan nhớ lại thời gian đẹp của những ngày Chương trình Dạ Lan. Có nhũng lúc buồn tủi, chỉ khóc một mình. Cuộc sống của Lan bây giờ rất là đơn giản. Phải nói như thế này: Cần thì Dạ Lan cần nhiều thứ lắm, nhưng rồi lại chẳng biết mình cần gì! Muốn nói chuyện với Lan, thì phải đợi khi nào Lan không đi cứu trợ, về lại nhà chùa. Lúc trước, Lan có một cái Laptop, thỉnh thoảng vào Net liên lạc với bạn, nhưng đi rừng, đi núi, cái Laptop mất lúc nào, mất ở đâu không biết, Lan đang dành tiền để mua cái khác, nhưng chắc còn lâu lắm mới có. Nay mỗi lần muốn liên lạc Internet, Lan phải ra phố, vào Internet cafe, nên cũng khá bất tiện. Thôi thì, nếu ai có muốn liên lạc với Lan, anh cứ nhận dùm, khi nào tiện thì chuyển cho Lan.
Tôi có viết Dạ Lan chỉ làm với Đài Phát thanh Quân Đội tới năm 1966 thôi. Vậy thì ai tiếp tục mà chúng ta vẫn nghe Chương trình Dạ Lan hằng đêm?
Người tiếp tục Chương trình Dạ Lan, cũng do một sự tình cờ, có tên thật là Lan, Hồng Phương Lan, tức Mỹ Linh. Lúc đó, cô Mỹ Linh đang làm việc cho Đài Phát thanh Quân Đội, ở Chương trình Nhạc Ngoại Quốc yêu cầu. Cô là người Bắc, vì cô có giọng nói giống hệt như giọng cô Xuân Lan, nên cô được chọn để tiếp tục Chương trình Dạ Lan mà không ai biết cả, ai cũng tưởng chỉ có một Dạ Lan.
Mỹ Linh tiếp tục nói trong Chương trình Dạ Lan tới ngày 29 Tháng Tư 1975 thì di tản sang Hoa Kỳ. Cô có tham gia nhiều chương trình cộng đồng và đã giới thiệu Nhạc cho băng Nhạc Hoàng Oanh 2 “Thương Người Chiến Sĩ.”
Nguyễn Khắp Nơi
* Sao y bản chính.
CÔNG TỬ HÀ ĐÔNG
SOURCE:
No comments:
Post a Comment