Saturday, June 18, 2022

Chương Trình Dạ Lan - Đài phát thanh Quân Đội VNCH

Ai là cha đẻ của chương trình Dạ Lan nổi tiếng một thời của đài phát thanh Quân Đội?

 

* Câu trả lời: - Ðại tá Trần Ngọc Huyến

- Ít nhất đã có hai vị Ðại Tá tự nhận là chính mình khai sinh ra chương trình này.

- Ðại tá Trần Ngọc Huyến và những chương trình cải tổ đường lối tâm lý chiến của Quân Ðội VNCH từ sau tháng 11-1963.

 

HUY PHƯƠNG

 

LTG. Tuần qua tôi có nhận được e mail của anh Dương Ngọc Hoán, cựu Ðại Uý, phục vụ tại Ðài Phát Thanh Quân Ðội từ năm 1965. Nội dung bức thư như sau:

“Anh Huy Phương ơi.

Tôi vừa xem xong chương trình”Paris By Night 88”, đặc biệt về nhạc sĩ Lam Phương, và buồn về chuyện “đất nước nhiễu nhương”, có người nhảy ra vỗ ngực tự xưng là đã làm ra chương trình Dạ Lan trên đài Quân Ðội, rồi bịa đặt ra đã dùng nhạc Lam Phương trong chương trình này như thế nào cho công tác “địch vận” (trong khi ai cũng biết Dạ Lan là một chương trình “binh vận”).

Qua đây, ai muốn nói trước đây mình làm gì cũng được, chẳng nể nang gì ai, chẳng sợ có người phán xét lời nói của mình. Phải chi những người xem chương trình này đều được đọc bài viết của anh về chương trình Dạ Lan để biết thật giả ra sao?

Vài hàng thăm anh chị,

Thân mến, Hoán.”

oOo

 

Vì cho cả người sống (anh chị em phục vụ trong Ðài Quân Ðội như Phạm Văn Thuý, Anh Ngọc, Ðan Thọ, Dương Ngọc Hoán...) và người chết (Ðại Tá Trần Ngọc Huyến, Trung Tá Lê Ðình Thạch), bài báo này buộc phải đăng lại. (Huy Phương) (12-2004). Trong tuần qua, một bản tin nhỏ từ Houston Texas cho biết cựu Ðại tá Trần Ngọc Huyến, nguyên Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị Quốc Gia vừa qua đời. Người viết bài này không tốt nghiệp từ trường Võ Bị, nhưng cái tên Trần Ngọc Huyến nhắc nhở lại một đoạn đời phục vụ tại Nha Chiến Tranh Tâm Lý (1) của mình, mà ngày ấy ông là Giám Ðốc. Người ta biết nhiều tới chức vụ Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị của ông hơn là chức vụ Giám Ðốc Nha Chiến Tranh Tâm Lý, nhưng chính ông là người đã thay đổi hoàn toàn đường lối chiến tranh tâm lý của Quân Ðội một cách bạo dạn và khôn ngoan, đưa đến những kết quả tốt đẹp. Phải nói ông là người có nhiều sáng kiến và dám làm, đối với các cộng sự, ông không câu nệ tới cấp bậc mà nhìn vào khả năng làm việc của từng người. 

Ðại Tá Trần Ngọc Huyến là một người đã có bằng Cử Nhân Văn Chương trước khi vào lính. Trước năm 1960, ông là Chỉ Huy Phó kiêm Phó Văn Hóa Vụ tại trường Võ Bị Quốc Gia, sau cuộc đảo chính năm 1960 ông giữ Chức Vụ CHT, và thăng Ðại Tá sau tháng 11-1963 nhờ công trận của ông trong lúc Ông là Quân Trấn Trưởng Ðà Lạt. Tuy nhiên, người ta nói ông có liên hệ nhiều với cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm nên sau đó từ cao nguyên Ðà Lạt, ông lại được mời đi làm Lãnh Sự tại Hồng Kông. Cũng không biết với lý do nào, sau đó Ðại Tá Trần Ngọc Huyến lại được triệu về giao cho chức vụ Thứ Trưởng Bộ Thông Tin kiêm Giám Ðốc Nha Chiến Tranh Tâm Lý.

 

Khai sinh ra chương trình Dạ Lan:

 

Sau khi tốt nghiệp khóa 16 SQTB Thủ Ðức (7-1964), tôi trình diện Nha Chiến Tranh Tâm Lý, thì ông là Giám Ðốc Nha, nghe nói ông đã rời Bộ Thông Tin vì bất đồng quan điểm với Bộ Trưởng Bộ này về vụ Bộ tiếp đón phái đoàn của bộ Quốc Phòng Mỹ. Là một sĩ quan mới ra trường tôi phấn khởi thấy được làm việc với một cấp chỉ huy trẻ trung, năng động và có nhiều sáng kiến như ông. Chính ông người khai sinh ra chương trình phát thanh “Dạ Lan” của Ðài Phát Thanh Quân Ðội (2) lúc bấy giờ, chứ không phải là những người kế nhiệm ông như nhiều người vẫn lầm tưởng. Ðại Tá Trần Ngọc Huyến đã có sáng kiến thay đổi các lối mòn tuyên truyền của thời cũ, nhất là sau biến cố 1963, cần ổn định lại tinh thần của các binh sĩ ngoài mặt trận. Ngoài chương trình Dạ Lan, phỏng theo một chương trình địch vận của Ðài Loan hướng về Trung Quốc lục địa vào thập niên 50, Ðại Tá Trần Ngọc Huyến đã có sáng kiến mở những chương trình: 

 

- Chương trình Gia Binh với Xướng Ngôn Viên Ngọc Dung dành cho gia đình binh sĩ.

 

- Chương trình Ðồng Minh Vận (do XNV Mai Lan và Dương Ngọc Hoán phụ trách (3) phát thanh bằng Anh Ngữ) dành cho các quân nhân đồng minh đang chiến đấu bên cạnh QLVNCH. Trong Ðệ II Thế Chiến Nhật Bản cũng có chương trình “Rose of Tokyo” phát thanh bằng Anh Ngữ, nhưng nhắm vào quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, lúc bấy giờ là kẻ thù của Nhật.

 

Ðại Tá Trần Ngọc Huyến, ngoài các buổi họp tham mưu ở Nha, đã mời một số anh em phụ trách các tiết mục trong chương trình Dạ Lan dùng những bữa cơm “tham mưu” để tạo sự thông cảm và nói chuyện thân mật về việc mở ra chương trình này. Phó Giám đốc Nha bấy giờ là Trung Tá Cao Ðăng Tường, Chánh Sự Vụ Sở Kỹ Thuật là Thiêu Tá Lê Ðình Thạch. Trong quân đội, cùng cơ quan, phải nói ít khi có một buổi ăn mà Ðại Tá ngồi chung với Thượng Sĩ (trong nhóm “ tham mưu” Dạ Lan, Thượng sĩ nhà văn Lưu Nghi là người có cấp bậc nhỏ nhất) để bàn công chuyện như thời Trần Ngọc Huyến. Ông là người có tinh thần “cách mạng” và rất gần gũi với những người cộng sự.

Tôi được điều từ phòng Báo chí về để viết “chapeau” (lời dẫn cho mỗi bản nhạc) do hai nhạc sĩ Ngọc Bích và Ðan Thọ soạn vào thời gian phôi thai của chương trình Dạ Lan.

 

Dạ Lan, cô là ai? 

 

Không ai có thể ngờ rằng xướng ngôn viên mang tên Dạ Lan nói giọng Bắc lại là một người con gái Quảng Nam có một thời gian sinh sống tại Huế, tên Nguyễn Xuân Lan. Cô này trước làm việc tại Ðài Phát Thanh “Gươm Thiêng Ái Quốc”, một chương trình thuộc dạng tuyên truyền xám (không rõ nguồn gốc) phát thanh về bên kia vĩ tuyến, thiết lập tại Ðông Hà tại tỉnh địa đầu Quảng Trị. Ðài này do Nhất Tuấn làm Quản Ðốc và Hà Huyền Chi làm phó. Cô Xuân Lan không đẹp nhưng cô phát âm tiếng Bắc rất đúng giọng (nhờ HHC huấn luyện trong thời gian ở Ðồng Hà) và lẽ cố nhiên rất ngọt ngào. Ðêm đêm trên làn sóng điện của Ðài Phát Thanh Quân Ðội, giọng nói của người em gái hậu phương có mãnh lực thu hút cảm tình của các binh sĩ trú đóng khắp trên bốn vùng chiến thuật. Danh từ “em gái hậu phương” và “anh trai tiền tuyến” là một danh từ khá quen thuộc phát sinh trong thời gian này được nghe và dùng nhiều trong các bài thơ hay nhạc phẩm thịnh hành. 

 

Chương trình Dạ Lan: 

 

Chương trình được phát thanh hằng đêm từ 7 giờ đến 9 giờ , gồm các phần câu chuyện hằng, tin tức, thời sự , điểm báo và phần văn nghệ. Ðặc biệt nhất là phần trao đổi thư tín giữa Dạ Lan và các quân nhân, phần lớn là các quân nhân ở các tỉnh xa thủ đô, nhất là thành phần trú đóng ở các tiền đồn. Trong giai đoạn mới thành lập, chương trình Dạ Lan, phần câu chuyện hằng ngày do Lưu Nghi (4) phụ trách, điểm báo do Nguyễn Triệu Nam (5), phần nhạc do nhạc sĩ Ðan Thọ, Ngọc Bích (6) chọn và lời dẫn nhạc (chapeau) do Huy Phương viết (7). Phần tin tức do ban tin tức của Ðài phụ trách và thư tín do Cô Ngọc Xuân và một số cô đặc trách việc chọn lựa thư tín để sau đó Dạ Lan trả lời trên làn sóng phát thanh.

Chương trình Dạ Lan rất được anh em quân nhân hoan nghênh, nhất là các quân nhân xa nhà, trú đóng ở các tiền đồn hẻo lánh. Vào hai năm 1964-65, Ðài Phát Thanh Quân Ðội phải tuyển thêm một số nữ nhân viên để phụ trách vấn đề trả lời thư của các “anh tiền tuyến” hằng đêm. Một số carte-postale chụp cô Xuân Lan đã nói trên cũng được Nha Chiến Tranh Tâm Lý ấn hành để gởi tặng đến các chiến sĩ tiền đồn. Tuy vậy nhân vật “em gái hậu phương Dạ Lan” chưa bao giờ xuất hiện trên truyền hình, báo chí hay ngoài đời mà chỉ duy nhất qua làn sóng điện, vì ngoài đời nhan sắc cô chỉ thuộc loại trung bình. Cô cũng nhận được không ít thư từ tỏ tình với cô của các “anh tiền tuyến”. Nhiều anh tiền tuyến đi phép về Saigon có tìm đến đài phát thanh Quân Dội nhưng không bao giờ gặp được Dạ Lan bằng xương bằng thịt.

Chương trình Dạ Lan kéo dài tới ngày tàn cuộc chiến, nhưng chỉ sôi nổi vào những năm đầu khi còn Ðại Tá Trần Ngọc Huyến, một phần là nhờ sự lưu tâm đặc biệt của ông, phần khác, chương trình nào qua thời gian cũng trở nên nhàm chán, thư từ trở nên thưa thớt và chương trình còn lại chỉ là cái vỏ bọc để chuyên chở tin tức, bình luận thời sự cho đài Phát Thanh Quân Ðội. Thậm chí vào khoảng năm 1966 khi cô Xuân Lan rời Ðài Phát Thanh Quân Ðội, tiếng nói Dạ Lan được thay bằng cô Mỹ Linh, gốc người Bắc vẫn thường phụ trách các chương trình nhạc ngoại quốc buổi trưa, mà ở ngoài Ðài Quân Ðội không ai hay biết.

Chương trình Dạ Lan bắt đầu có từ thời quản đốc Ðài Quân đội là Thiếu Tá Phạm Văn Thuý, tức nhà văn Kỳ Văn Nguyên. Ông ở binh chủng truyền tin, nhưng sau khi tác phẩm “Tìm Về Sinh Lộ” (viết về cuộc di cư 1954) của ông ra đời, ông được cấp lãnh dạo VNCH chú ý và mời về làm Quản Ðốc Ðài. Tiếp đó là Thiếu tá Phạm Hậu, tức nhà thơ Nhất Tuấn. Giai đoạn sau Thiếu Tá Phạm Hậu là Thiếu Tá Hà Sĩ Phong. Cuối cùng từ năm 1969 cho đến khi tan hàng, Quản Ðốc Ðài là Trung Tá Nguyễn Quang Tuyến tức là nhà văn Văn Quang. Ðài Phát Thanh Quân Ðội ngày ấy liên tiếp qui tụ nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi như Dương Ngọc Hoán, Anh Ngọc, Nhật Bằng, Xuân Tiên, Xuân Lôi, Canh Thân, Nguyễn Ðức, Văn Ðô, Trần Thiện Thanh, Nguyễn Triệu Nam, Lưu Nghi, Nguyễn Ngọc Quan,Trần Trịnh, Ðào Duy, Mai Trung Tĩnh, Nguyễn Quốc Hùng (thầy khóa Tư), Dương Phục, Châu Trị, Lâm Tường Dũ, Nguyễn Xuân Thiệp...

 


 

Những thay đổi trong ngành báo chí Quân Ðội:

 

Ðối với báo chí quân đội (8), Ðại Tá Trần Ngọc Huyến cũng có những cải tổ rất táo bạo. Ông chủ trương hình thức cũng như nội dung của những tờ báo này phải hấp dẫn, “tươi mát” vì cuộc sống lính tráng đã quá gian khổ, khô cằn. Hình thức phải đẹp, có ảnh các kiều nữ, và nếu có “hở hang” đôi chút cũng không sao. Báo phải có hý họa, chuyện vui cười và nếu có dung tục một chút cũng OK. Tờ “Thông Tin Chiến Sĩ”dành cho binh sĩ do Huy Vân (8) phụ trách và tờ “Văn Nghệ Chiến Sĩ” do Thanh Nam (9) và kế là Thiếu Úy Nguyễn Văn Thảo làm TTK Tòa Soạn. Thiếu úy Hiếu Ðệ, họa sĩ là tác giả nhiều ảnh hý họa trên hai tờ báo này. Nhiều lúc Ðại Tá Huyến còn gợi ý cho Huy Vân viết chuyện cười và cho Hiếu Ðệ vẽ tranh vui, và chính ông đã đổi tên hai tờ báo này thành “Chiến Sĩ Cộng Hòa” và “Tiền Phong”, tăng số lượng in lên gấp đôi, hai tờ báo này tồn tại cho đến ngày tàn cuộc. Những người đã lần lượt phụ trách Thư Ký Toà Soạn cho hai tờ báo này là Tường Linh, Ðặng Trần Huân, Trần Xuân Thành, Du Tử Lê, Hà Huyền Chi và chúng tôi là Huy Phương.

Về sau này nhiều sĩ quan tên tuổi được lần lượt tăng cường cho báo chí quân đội như các họa sĩ Nguyễn Uyên, Mai Chửng, Trần Nhật Thiệu, các nhà văn Nguyễn Ðạt Thịnh, Phạm Huấn, Hà Huyền Chi, Ðặng Trần Huân, Trần Xuân Thành, Du Tử Lê, Nguyễn Thiệp, Tô Mặc Giang, Nguyễn Chí Khả, Ðặng Triên...

 

Về nhân dáng, Ðại tá Trần Ngọc Huyến là người có bề ngoài rất dễ gây thiện cảm, ông có nước da trắng, môi hồng, rất đẹp trai, có tài hùng biện dễ thu phục người khác và làm cho thuộc cấp cũng như bạn bè quí mến ông. Ông cũng là một sĩ quan có văn hóa, lương thiện, có óc cầu tiến, nhưng chắc chắn ở con người ông không tránh khỏi đôi chút kiêu hãnh nhất là đối với những tướng tá kém cỏi nhưng đầy quyền lực trong thời đại của ông. Tác phong và kiến thức của ông trong quân đội đáng lẽ còn đưa ông tới những cấp bậc chỉ huy và tham mưu cao hơn, nhưng ông là người bất phùng thời, bị trù dập, chỉ mang tới cấp bậc Ðại Tá là cùng.

Dư luận cho rằng ông không lên cấp Tướng được là vì ông là sĩ quan trừ bị và không chịu vào hiện dịch. Nhưng khi thấy một sĩ quan cấp Ðại Tá bị đày ra chiến trường với cái chức vụ kỳ quái được Bộ Tổng Tham Mưu phong cho là “quan sát viên chiến trường” phải xuống tới cấp tiểu đoàn bộ binh, thì người ta phải hiểu rằng ông đã bị chèn ép như thế nào. Ông giải ngũ khoảng năm 1966 và những năm cuối cùng trước khi ra ngoại quốc, ông là Giám Ðốc hãng xăng Esso ở Saigon.

Sang Hoa Kỳ vào năm 1975, ông sống ở Houston Texas với một đời sống tương đối lặng lẽ suốt từ ngày ấy tới nay. Hai tuần trước, vào ngày 15 tháng 11-2004, ông qua đời tại đây vì bệnh tim, hưởng thọ 80 tuổi. Ở khắp nơi, các “cùi” Võ Bị Ðà Lạt, môn sinh của ông đã làm lễ tưởng niệm để thương tiếc, nhớ tới một vị Thầy khả kính của họ, riêng tôi, một thời là sĩ quan trừ bị cấp nhỏ, được làm việc với ông trong ngành chiến tranh tâm lý quân dội, không khỏi bùi ngùi nhớ tới ông. Một người sĩ quan như Ðại Tá Trần Ngọc Huyến không phải là người dễ kiếm trong hàng ngũ của chúng ta.

 

12/2004

Huy Phương

 

* Nói cho rõ thêm (7-2007): Những bản tân nhạc phát trong chương trình Dạ Lan.

Vào thời ấy (1964-1965), các nhà xuất bản đã trả cho các nhạc sĩ số tiền bản quyền khá cao, vì ngoài các dĩa nhạc, họ còn cho in những bản lời ca rất phổ biến, có khi lên đến hàng chục nghìn ấn bản cho quần chúng bình dân. Muốn bản nhạc được phổ biến bán chạy thì bản nhạc ấy phải được phát sóng trên hai đài Phát thanh duy nhất là đài Saigon và Quân Ðội. Tôi nhớ vào thời ấy, các ông chủ nhà xuất bản đều vào ra liên tục đài quân đội, và ông Thượng sĩ Chiêu thuộc văn phòng Ðài này có một cuốn sổ để ghi tên những bản nhạc đã chạy trong tuần, bất kể Dạ Lan nhạc yêu cầu, để hàng tháng lãnh tiền của nhà xuất bản, số tiền thu này đi đâu thì tôi không rõ, nhưng chắc chắn là những người như Ðại tá Trần Ngọc Huyến không biết gì về chuyện này.

 

Sở dĩ tôi nêu chuyện này lên là để nói với cựu Ðại tá Trần Văn Nam (thời 1964 ông là Thiếu Tá, Trưởng Khối Tình Báo (địch vận) không liên hệ gì với chương trình Dạ Lan là “binh vận” đúng như anh Dương Ngọc Hoán đã nói) là việc phát nhạc trên đài nếu có là do các ông chủ nhà xuất bản, băng dĩa lo liệu, không cần ai ở Nha Chiến Tranh Tâm Lý hay Cục Tâm Lý Chiến phải đi năn nỉ nhạc sĩ Lam Phương bằng lòng cho chương trình Dạ Lan chạy nhạc như thế. Ðề cao ông Lam Phương như thế là quá đáng và hoàn toàn sai sự thật.

 

Chú thích:

(1) Về sau ngành Chiến Tranh Chính Trị của VNCH mô phỏng theo tổ chức Lục Ðại Chiến của Trung Hoa Dân Quốc, Nha Chiến Tranh Tâm Lý trở thành Cục Tâm Lý Chiến và Tổng Cục CTCT được thành lập ra để chỉ huy các Cục này (như Xã Hội, Chính Huấn, ANQÐ...)

(2) Giám Ðốc Ðài Phát Thanh Quân Ðội lúc bây giờ là Ðại Úy Phạm Văn Thúy, bút hiệu Kỳ Văn Nguyên, ngành truyền tin, tác giả cuốn “Tìm Về Sinh Lộ” đã được giải thưởng Văn Học thời TT Ngô Ðình Diệm.Ông rời Ðài Quân Ðội năm 1969.

(3) Chương trình Ðồng Minh Vận lúc đầu do một nữ nhân viên làm việc tại Tòa Ðại Sứ Anh làm Xướng ngôn viên. Về sau, cô Mai Lan, một sinh viên con của một sĩ quan đã làm tùy viên Quân Sự tại Thái Lan về nước được tuyển chọn thay thế. Cô Mai Lan, rất xinh đẹp, trong thời gian ở Bangkok đã theo học trường Sinh Ngữ Quốc Tế, có giọng nói rất chuẩn.

(4) Thượng Sĩ Lưu Nghi, người Quảng Nam, ông chủ trương một nhà xuất bản sách nhi đồng ở Saigon, giải ngũ năm 1966. Sau 1975 người ta mới phát giác ra ông là cán bộ nằm vùng hoạt động cho CS ở Saigon, cũng như trường hợp thi sĩ Tường Linh ở Phòng Báo Chí.

(5) Nguyễn Triệu Nam là con trai của nhà văn Nguyễn Triệu Luật, khóa 13 SQTB, giải ngũ năm 1966.

(6) Ðan Thọ, Ngọc Bích đều là hạ sĩ quan đồng hóa trước di cư.

(7) từ Báo Chí biệt phái cho chương trình phát thanh.

(8) Trưởng Phòng Báo Chí năm 1964 là Ðại Úy Văn Quang, tên thật là Nguyễn Quang Tuyến, sau năm 1970, Văn Quang về phụ trách Ðài Phát Thanh Quân Ðội.

(9) Huy Vân tên thật là Nguyễn Trung Hòa, bào huynh của nhà văn Nguyễn Trung Hối (Oregon) và là thân phụ của nhạc sĩ Trung Hành. Cấp bậc cuối cùng là Thiếu Úy, Tổng Thư ký Tòa Soạn NB Tiền Tuyến. Ông mất trong trại Cải Tạo ở Bắc Việt khoảng năm 1980.

(10) Nhà văn Thanh Nam là nhân viên đồng hóa, giải ngũ vào cuối năm 1964.

 

SOURCE:

http://hon-viet.co.uk/HuyPhuong_ChuongTrinhDaLan.htm

 

 oOo

 

 Tiếng Nói Dạ Lan: Kính tặng Toàn Thể các Chiến Sĩ VIÊT NAM CỘNG HÒA


 

 Hồi Ký | Tiếc thương Cô Dạ Lan 2 (Hồng Phương Lan) 

Xướng Ngôn Viên của Đài Phát Thanh Quân Đội VNCH



 Chương Trình Tiếng Nói Dạ Lan


Chương Trình Dạ Lan - Đài phát thanh Quân Đội VNCH


Phóng viên Lê nguyên Phương báo Chiến Sĩ Cộng Hòa phỏng vấn Dạ Lan giọng đọc: Vũ Hải và Mai Loan


Xướng ngôn viên Dạ Lan của Đài Phát thanh quân đội Sài Gòn qua đời


.


No comments:

Post a Comment