08/04/2016
Hồ Đắc Huân
I. TRƯỜNG VĂN HÓA QUÂN
ĐỘI NỐI LẠI TÌNH THÂN
A. MỪNG HỘI NGỘ
LẦN THỨ 2
Các nam, nữ Cựu Học Sinh Trường Trung Học Văn Hóa Quân Đội (VHQĐ) 17 Thống
Nhất, Sàigòn trước 1975 hiện định cư tại Hoa Kỳ và một số nước tự do trên thế
giới như từ Đức bay sang, từ Canada xuống, có một số anh chị em từ Việt Nam qua
sẽ hội ngộ tại Miền Nam California nắng ấm, nơi mà Cộng Đồng Việt Nam định cư
đông nhất thế giới.
Buổi họp mặt lần thứ 2 này chính thức được tổ chức tại nhà hàng Diamond Seafood
Restaurant, 8058 Lampson Ave., Garden Grove, CA 92841, từ 5PM - 11PM ngày Chủ
Nhật 24/4/2016.
B. KHỞI ĐẦU NỐI
LẠI TÌNH THÂN
Bất kỳ một tổ chức Đồng Hương, các Quân Binh Chủng VNCH, các trường Trung, Đại
Học hoặc các tổ chức Tôn Giáo, Đoàn Thể, Đảng Phái khác... trước 1975 thuộc
Miền Nam Việt Nam, nay tạm dung nơi xứ người. Lần đầu các Hội Đoàn phải có một
hoặc đôi ba người có tâm huyết, hoài bão đưa ra ý kiến muốn tổ chức họp mặt lần
đầu để nối kết lại tình thân đồng hương, đồng ngũ, đồng môn, đồng trường… từ
trước. Các nam, nữ Cựu Học Sinh Trung Học VNQĐ 17 Thống Nhất, Sàigòn cũng nằm
trong chiều hướng đó. Mở đầu có hai nữ cựu học sinh là cô Diệp Trần và cô
Nguyễn Thị Kim Ngân tại Nam Cali đứng ra kết hợp để tổ chức buổi họp mặt đầu
tiên.
C. HỌP MẶT LẦN
ĐẦU
Hai cô Diệp và Ngân thông qua liên lạc trên điện thoại, email, thư từ, báo
chí... Lần đầu đã có 50 bạn học hưởng ứng tham dự vào tháng 4/2015 cũng tại nhà
hàng sắp họp mặt lần 2 tới đây. Trong lần họp này các bạn vui mừng gặp lại
nhau. Tuy số tham dự không nhiều song tình thân bạn học đồng trường thật vô
cùng cảm động. Có nhiều bạn xa nhau qua hơn 4 thập niên mới có cơ hội gặp lại.
Trong dịp này các bạn bầu đại diện để tìm cách tiếp xúc các bạn học chưa nhận
được tin tức để biết về tham dự kỳ họp mặt lần thứ hai.
D. ĐÃ CHUẨN BỊ XONG KỲ ĐẠI HỘI LẦN 2
Được hai cựu học sinh cô Diệp Trần và chú Nguyễn Hải Sơn trong Ban Tổ Chức cho
biết đã đặt xong nhà hàng lên chương trình gởi thiệp mời đến các Giáo Sư và các
bạn đồng môn. Còn hai tuần nữa mới đến ngày hội ngộ song Ban Tổ Chức đã nhận
được hồi báo có trên 100 người ghi tên tham dự. Rất tiếc còn khá đông các Thầy
Cô, Giáo Sư và bạn học mà Ban Tổ Chức không có địa chỉ để gởi thiệp mời và rất
hân hoan đón tiếp các bạn học cũ và Thầy Cô, kể cả các bạn cựu học sinh cùng
quý Thầy Cô, Giáo Sư thuộc 21 trường Trung Học VHQĐ khác của VNCH hôm đó khi
biết tin đến tham dự càng thêm quý. Ban Tổ Chức có dự trù đặt thêm một số bàn
nếu có quý khách tăng thêm.
Nguyễn Sơn (trái) và Trần Quốc Dũng khi cả hai cùng học lớp 6 niên khóa 1968-1969,
Trường Trung Học VHQĐ, 17 Thống Nhất, Sàigòn.
II. TÀI LIỆU
LỊCH SỬ HIẾM QUÝ VỀ 22 TRƯỜNG TRUNG HỌC VĂN HÓA QUÂN ĐỘI TRÊN TOÀN QUỐC
CƠ DUYÊN TÌM ĐƯỢC TÀI LIỆU
Chúng tôi Ban Biên Soạn sách Lược Sử QLVNCH với đồng tác giả: Đại Tá Trần Ngọc
Thống, Trung Úy Lê Đình Thụy (1945-2008) và người viết Thiếu Tá Hồ Đắc Huân.
Năm 2004 tôi bay sang Canada gặp nhà văn Phạm Phong Dinh sưu tầm tài liệu để
soạn viết tập sách trên. Duyên may đến với chúng tôi, những tài liệu tìm được
đều có giá trị cao, trong đó có hai tài liệu đề cập đến sự thành lập Quốc Gia
Nghĩa Tử Cuộc và 22 Trường Trung Học Văn Hóa Quân Đội đã đăng trong Bán Nguyệt
San Chiến Sĩ Cộng Hòa đầu 1971 (không nhớ số).
Nhân dịp Cựu Học Sinh Trung Học VHQĐ hội ngộ lần 2, qua tham khảo bài báo trên,
chúng tôi xin lược ghi lại những sự kiện lịch sử liên quan đến 22 Trường Trung
Học VHQĐ trước 1975 hầu cống hiến bạn đọc, nhất là các bạn nguyên cựu học sinh
Trung Học VHQĐ để hồi tưởng lại một thời các bạn đã theo học và xuất thân qua
một trong những ngôi trường Trung Học VHQĐ vào thời gian năm, sáu thập niên trước.
22 TRƯỜNG TRUNG HỌC VĂN HÓA QUÂN ĐỘI PHỤC VỤ CON EM CHIẾN
SĨ
A. MỤC ĐÍCH THÀNH LẬP CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC VĂN HÓA QUÂN ĐỘI
Để cho các chiến sĩ hàng ngày hoạt động nơi tiền tuyến bảo vệ Quê Hương được
yên tâm về việc học hành của các con em họ nơi hậu phương, Bộ Quốc Phòng, Tổng
Cục Chiến Tranh Chính Trị (CTCT), Cục Xã Hội đã tiếp tay cùng Bộ Giáo Dục để
thành lập các Trường Trung Học VHQĐ nhằm mục đích giúp đỡ cho con em quân nhân
tại ngũ có nơi chốn học hành. Các Trường Trung Học VHQĐ tuy do Cục Xã Hội, Tổng
Cục Chiến Tranh Chính Trị trực thuộc Bộ Quốc Phòng trực tiếp quản trị và yểm
trợ về mọi phương diện như: thù lao Giáo Sư, trang bị và tu bổ trường lớp, học
phẩm, học cụ, văn phòng phẩm v.v... nhưng luôn đặt trong hệ thống Giáo Dục Quốc
Gia dưới sự thanh tra, kiểm soát chuyên môn sư phạm của Bộ Giáo Dục (Nha Trung
Học và quý vị Thanh Tra Trung Học Trung Ương và địa phương). Khi thành lập một
Trường Trung Học VHQĐ đều có sự thỏa hiệp giữa Bộ Quốc Phòng và Bộ Giáo Dục để
sau đó Bộ Giáo Dục ban hành một Nghị Định công nhận Trường Trung Học VHQĐ với
tất cả quyền lợi và bổn phận của một trường Công Lập.
- Quyền lợi: Chứng Chỉ Học Trình cũng như Học Bạ được các Trường Trung Học VHQĐ
cấp có giá trị như Chứng Chỉ Học Trình và Học Bạ của một trường Trung Học Công
Lập, không phải qua sự kiểm nhận của Bộ Giáo Dục.
- Bổn phận: Hạng tuổi của học sinh, chương trình giảng huấn, việc bãi trường,
lịch trình nghỉ lễ, thể thức cấp Chứng Chỉ Học Trình, Học Bạ v.v... đều phải
thi hành đúng theo các tiêu chuẩn của Bộ Giáo Dục ấn định.
B. TRƯỜNG VĂN HÓA QUÂN ĐỘI ĐỐI VỚI CON CỦA TỬ SĨ VÀ PHẾ BINH
Theo nguyên tắc chính phủ đã phân nhiệm thành phần con của Tử Sĩ và Phế Binh
lúc bấy giờ được Bộ Cựu Chiến Binh (Viện Quốc Gia Nghĩa Tử) phụ trách lo lắng,
chăm sóc về đủ mọi phương diện. Tuy nhiên, Bộ Quốc Phòng đã tiếp tay với Bộ Cựu
Chiến Binh để đem lại sự giúp đỡ, an ủi cho những chiến sĩ đã hy sinh một phần
thân thể cho Tổ Quốc hay vong linh của những chiến sĩ đã anh dũng bảo vệ Quê
Hương và hiện yên nghỉ trong lòng đất. Nghị Định số 352 của Bộ Quốc Phòng đã
chấp thuận thu nhận cả con của Tử Sĩ và Phế Binh ở:
- Bất cứ nơi nào chưa thành lập xong Trường Trung Học Quốc Gia Nghĩa Tử.
- Ngay cả những nơi đã có Trường Trung Học Quốc Gia Nghĩa Tử nhưng vì thiếu
phương tiện di chuyển con em Tử Sĩ và Phế Binh, Cựu Quân Nhân, muốn xin vào học
một Trường Trung Học VHQĐ ở một địa điểm gần nơi cư trú hơn.
C. CÁC TRƯỜNG
TRUNG HỌC VĂN HÓA QUÂN ĐỘI TRÊN TOÀN QUỐC
Trong niên khóa 1970-1971, Bộ Quốc Phòng (Tổng Cục CTCT, Cục Xã Hội) hiện quản
trị và yểm trợ cho 22 Trường Trung Học VHQĐ trên toàn quốc được chia theo từng
Quân Khu như sau:
Quân Khu 1
- Trung Học VHQĐ Huế (Huế).
- Trung Học VHQĐ Đà Nẵng (Đà Nẵng)
- Trung Học VHQĐ Hùng Vương (Sơn Trà, Đà Nẵng)
- Trung Học VHQĐ Lữ Đình Sơn (Quảng Ngãi)
Quân Khu 2
- Trung Học VHQĐ Dương Quan Sang (Nha Trang)
- Trung Học VHQĐ Lam Sơn I (Dục Mỹ)
- Trung Học VHQĐ Lam Sơn II (Ban Mê Thuột)
- Trung Học VHQĐ Nguyễn Viết Quý (Pleiku)
- Trung Học VHQĐ Lê Lợi (Quy Nhơn)
Quân Khu 3
- Trung Học VHQĐ Sàigòn (ngày), 17 Thống Nhất (Sàigòn)
- Trung Học VHQĐ Sàigòn (tối), 94 Phan Đình Phùng (Sàigòn).
- Trung Học VHQĐ Quang Trung (TTHL Quang Trung)
- Trung Học VHQĐ Trần Nguyên Hãn (Vũng Tàu)
- Trung Học VHQĐ Nguyễn Văn Hùng TQLC (Thủ Đức)
- Trung Học VHQĐ Nguyễn Văn Hùng SĐ5/BB (Bình Dương)
- Trung Học VHQĐ Lam Sơn III (Hóc Môn, Gia Định)
- Trung Học VHQĐ Đồng Tháp (Gò Vấp, Gia Định)
- Trung Học VHQĐ Tân Sơn (Tân Sơn Nhất)
- Trung Học VHQĐ Hải Quân (Sàigòn)
- Trung Học VHQĐ Trần Công Ngọ (Thủ Đức)
Quân Khu 4
- Trung Học VHQĐ Phong Dinh (Cần Thơ)
- Trung Học VHQĐ Dương Văn Châu (Vĩnh Long)
Cổng Trường Trung Học VHQĐ, 17 Thống Nhất, Sàigòn ngày bầu cử.
D. DIỄN TIẾN
VIỆC THÀNH LẬP CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC VHQĐ
1. Trong đại gia đình Trung Học
VHQĐ, Trường Trung Học VHQĐ Sàigòn (lớp tối) là trường được thành lập trước
nhất vào năm 1958. Khởi đầu trường này chỉ là những lớp bổ túc văn hóa được Bộ
Giáo Dục chấp thuận cho mở (Nghị Định số 25.108 GD/HV/TR ngày 1/10/1958), dành
riêng cho quân nhân tại ngũ hiếu học để có phương tiện trau dồi thêm kiến thức
và chuẩn bị tham dự các kỳ thi: Trung Học Đệ Nhất Cấp, Tú Tài I và Tú Tài II.
Với đà bành trướng của QĐVNCH lúc bấy giờ để thỏa mãn nhu cầu học vấn của con
em quân nhân, những lớp bổ túc văn hóa nêu trên đã được biến cải thành một
Trường Trung Học VHQĐ với đầy đủ các lớp từ lớp 6 (Đệ Thất) đến lớp 12 (Đệ
Nhất). Vì trường đang lúc xây cất chưa xong nên phải tạm mượn phòng ốc của
Trường Trung Học Lê Văn Duyệt, 94 Phan Đình Phùng, Sàigòn (lớp tối) là một
trong những Trường Trung Học VHQĐ lớn nhất và hoạt động rất có quy cũ và hữu
hiệu. Hàng năm tỉ lệ thí sinh thi đậu Tú Tài II (đặc biệt Ban C) luôn luôn cao
nhất trong số 22 Trường Trung Học VHQĐ.
2. 1962. Thành lập Trường Trung Học VHQĐ
Nha Trang
Tháng 6/1962, Liên Bộ Quốc Phòng và Giáo Dục đã thỏa hiệp (Nghị Định số 2779
GD/PC2 ngày 20/6/1962) để thành lập Trường Trung Học VHQĐ Nha Trang tại thị xã
Nha Trang, một nơi có rất nhiều Đại Đơn Vị QLVNCH trú đóng, nhất là các Quân
Trường lớn như: Trường Hạ Sĩ Quan QLVNCH, các TTHL Hải Quân và Không Quân Nha
Trang.
Gánh nặng chiến tranh nên chưa cho phép Bộ Quốc Phòng xây cất cơ sở cho Trường
Trung Học VHQĐ Nha Trang, do đó trường này cũng đã tạm mượn cơ sở của trường
Nam Tiểu Học Nha Trang để hoạt động vào buổi tối. Để giải quyết vấn đề phòng ốc
cho Trường Trung Học VHQĐ Nha Trang, Bộ Quốc Phòng đã chấp thuận sáp nhập hai
Trường Trung Học VHQĐ Nha Trang và Dương Quan Sang (do Bộ Chỉ Huy 5 Tiếp Vận
xây cất tại Nha Trang) làm một kể từ 1/1/1971 và mệnh danh là Trường Trung Học
VHQĐ Dương Quan Sang, tọa lạc trong Khu Xã Hội BCH 5/TV. Trường này hoạt động
ban ngày và là một Trường Trung Học VHQĐ có số lớp, số học sinh cao nhất trong
số 22 Trường Trung Học VHQĐ.
3. 1965 các Trường Trung Học VHQĐ được
thành lập thêm:
a. VHQĐ Sàigòn (lớp ngày) được thành lập để thu nhận khoảng 500 học sinh không
được tiếp tục theo học tại Trung Học Quốc Gia Nghĩa Tử, lý do những em này là
con quân nhân tại ngũ thay vì con của Phế Binh và Tử Sĩ. Trường VHQĐ Sàigòn
(ngày) tọa lạc tại trung tâm điểm Sàigòn trong một khu vực hành chánh và ngoại
giao quan trọng nhất thủ đô (17 Thống Nhất). Ngoài ra Bộ Giáo Dục còn biệt phái
một Giáo Sư Đệ Nhị Cấp, Giáo Sư Hà Đạo Hạnh sang làm Hiệu Trưởng Trường VHQĐ
Sàigòn (ngày), một trường có từ lớp 6 đến lớp 12 với đầy đủ uy tín đối với Bộ Giáo
Dục và phụ huynh học sinh.
b. Ba Trường Trung Học VHQĐ: Phong Dinh, Đà Nẵng và Huế: Những trường này thuộc
Đệ Nhị cấp (có đến lớp 12). Do chưa có trường sở riêng biệt nên phải hoạt động
buổi tối bằng cách thuê (Đà Nẵng) hay mượn phòng ốc (Huế, Phong Dinh) của các
trường Bán Công hoặc Công Lập. Từ đó Bộ Quốc Phòng đã quyết định sử dụng quỹ
Tiết Kiệm và Tương Trợ Quân Nhân để xây cất cơ sở cho 3 trường Phong Dinh, Đà
Nẵng và Huế để biến cải những trường (buổi tối) thành trường hoạt động ban ngày
ngõ hầu mang lại lợi ích thiết thực cho con em quân nhân để đỡ vất vả vì phải
đến trường vào buổi tối. Công tác do BCH/TV xúc tiến xây cất và hoàn tất vào
đầu niên khóa 1971-1972.
4. 1966. Trường Trung Học VHQĐ Quang
Trung thành lập
Tại TTHL Quang Trung, một nơi luôn có trên 10.000 quân nhân thụ huấn. Trường
Trung Học VHQĐ Quang Trung có 20 lớp, là một Trường Trung Học Đệ II cấp lớn vào
hàng thứ hai của các Trường VHQĐ với một Ban Giám Đốc nhiều thiện chí, một ban
Giáo Sư với nhiều kinh nghiệm, đầy đủ khả năng cùng sự tích cực gúp đỡ của vị
Chỉ Huy Trưởng cũng như Bộ Chỉ Huy TTHL Quang Trung. Trường đã mang lại lợi ích
thiết thực cho quân nhân cơ hữu của Trung Tâm và giúp cho tân binh quân dịch có
niềm tin vững chắc là chính phủ luôn quan tâm đến con em quân nhân, trong đó có
cả họ.
5. 1969. Trường Trung Học VHQĐ Trần
Nguyên Hãn
Trường Truyền Tin QLVNCH tọa lạc tại Vũng Tàu đã tự túc xây cất được một Trường
Trung Học mệnh danh là Trường Trung Học Trần Nguyên Hãn, được Bộ Quốc Phòng
chấp thuận đặt trong hệ thống các Trường Trung Học VHQĐ. Trường tọa lạc tại thị
xã Vũng Tàu, là trường có kỷ luật nghiêm minh, có một thư viện và một phòng thí
nghiệm lớn nhất và trang bị đầy đủ, tối tân nhất trong các Trường Trung Học
VHQĐ do nhờ ở sự tiếp tay, giúp đỡ của các đơn vị Đồng Minh đồn trú trong vùng
phụ cận.
6. 1970. Trường Trung Học VHQĐ Lam Sơn 1
Trường được xây cất với ngân khoản tự túc của TTHL/QG Lam Sơn và cũng đã đặt
trong hệ thống quản trị và yểm trợ của Bộ Quốc Phòng. Trường tọa lạc tại Dục
Mỹ, quận Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây có nhiều Quân Trường gồm TTHL/QG Lam
Sơn, Trường Pháo Binh và TTHL Biệt Động Quân QLVNCH. Tại đây thành lập Huấn Khu
Dục Mỹ. Trường Lam Sơn 1 chỉ là một Trường Trung Học Đệ I cấp nhưng lại là một
trường có cơ sở khang trang nhất, chắc chắn nhất trong số các Trường Trung Học
VHQĐ.
7. 1970-1971. Thành lập cùng lúc 14
Trường Trung Học VHQĐ
Nhằm giúp đỡ cho con em quân nhân với đồng lương cố định có điều kiện tiến thân
trên đường học vấn. Sau khi nghiên cứu, lựa chọn một số địa điểm để thành lập
trường là những nơi đã có sẵn phòng ốc khang trang, có trại gia binh, có nhiều
trường Tiểu Học Quân Đội tọa lạc trong vùng phụ cận. vào thời điểm 1970-1971,
sinh hoạt đắt đỏ trong khi Trường Trung Học Công Lập khan hiếm mà học phí tại
các Trường Trung Học Tư lại quá cao. Từ đó Bộ Quốc Phòng đã quyết định thành
lập cùng lúc 14 Trường Trung Học VHQĐ gồm những trường có tên sau: Lữ Đình Sơn,
Hùng Vương, Lam Sơn 2, Lam Sơn 3, Nguyễn Viết Quý, Lê Lợi, Nguyễn Văn Hùng
TQLC, Nguyễn Văn Hùng SĐ5/BB, Đồng Tháp, Tân Sơn, Hải Quân, Trần Công Ngọ,
Dương Văn Châu, Dương Quan Sang, nâng tổng số Trường Trung Học VHQĐ lên 22
Trường.
Con dấu của Trường
III. VIỆC
THÀNH LẬP CÁC TRƯỜNG TIỂU HỌC QUÂN ĐỘI
Qua tài liệu được đề cập về 22 Trường Trung Học VHQĐ, riêng bậc Tiểu Học được
các đơn vị thành lập như sau: Trước 1975 QLVNCH có hàng triệu quân. Ngoài những
đơn vị hoạt động nơi tiền tuyến, các đơn vị cấp Trung Đoàn, Tiểu Khu, Quân
Trường, TTHL và các đơn vị cấp tương đương hoặc lớn hơn đồn trú nơi hậu phương.
Những quân nhân có gia đình tùy theo cấp bậc được đơn vị cấp cho cư xá Sĩ Quan,
Hạ Sĩ Quan hoặc Trại Gia Binh. Có gia đình là có con em. Để giải quyết việc học
hành được thuận tiện cho con em, các đơn vị đều thành lập một Trường Tiểu Học
VHQĐ. Từ phòng ốc, phương tiện giáo huấn, giáo viên phụ trách... đều do đơn vị
tự đảm trách (Phòng Xã Hội, thuộc Khối Chiến Tranh Chính Trị). Về chương trình
học được áp dụng theo chương trình bậc Tiểu Học Công Lập của Bộ Giáo Dục quy
định. Tùy theo nhu cầu học sinh nhiều, ít để tổ chức các lớp học từ 1 đến lớp
5. Việc giáo dục văn hóa con em bậc Tiểu Học rất thuận lợi và đem lại hiệu quả
tốt đẹp. Do đó các Trường Tiểu Học Quân Đội được thành lập rất nhiều.
PHẦN KẾT
Qua nhiều thập niên gần đây, ở hải ngoại có nhiều hội ái hữu, thân hữu Trung
Học như: Trưng Vương, Gia Long, Chu Văn An, Petrus Ký (Thủ Đô Sàigòn), Nguyễn
Hoàng (Quảng Trị), Đồng Khánh, Quốc Học (Huế), Phan Chu Trinh (Đà Nẵng), Võ
Tánh, Nữ Trung Học (Nha Trang), Duy Tân (Phan Rang), Châu Văn Tiếp (Phước Tuy),
Phan Thanh Giản (Cần Thơ)… hàng năm đều có những ngày họp mặt. Đến nay có thêm
học sinh Trung Học VHQĐ tuy ra đời sau song đã góp lên tiếng nói về sự có mặt
của hàng chục ngàn cựu học sinh nguyên là con em các chiến sĩ QLVNCH.
Từ đây sinh hoạt liên trường Hải Ngoại cúa các Trung Học Miền Nam trước 1975 sẽ
càng thêm phong phú hơn.
Ngày Chủ Nhật 24/4/2016 tới đây, các bạn cựu học sinh Trung Học VHQĐ sẽ hội
ngộ. Đa số thành phần tham dự là cựu học sinh Trung Học VHQĐ (ngày) tại 17
Thống Nhất, Sàigòn. Trước 1975, QLVNCH đã thành lập được 22 Trường Trung Học
VHQĐ. Bài viết này được phổ biến trước ngày Hội Ngộ 2 tuần. Hy vọng các bạn
đồng môn VHQĐ các trường khác biết tin và liên lạc với Ban Tổ Chức về tham dự.
Khi nghe giới thiệu thành phần tham dự có một đồng môn VHQĐ đại diện cho Trường
mình học thì chắc chắn những tràng pháo tay sẽ nổ vang dài.
Nhân đây xin cám ơn hai cô, chú trong Ban Tổ Chức ngày họp mặt là cô Diệp Trần
(714) 837-9547 và chú Nguyễn Hải Sơn (408) 518-2184 đã giúp cung cấp một số dữ
kiện về Trường cũ, ngày họp mặt sắp tới cùng vài hình ảnh để minh họa cho bài
viết.
Thân mến chúc các thành viên về tham dự gặp lại nhiều bạn hữu trong niềm vui
tươi, hạnh phúc. Chúc Ban Tổ Chức ngày hội ngộ được thành công mỹ mãn.
Westminster, 30/3/2016
Hồ Đắc Huân
SOURCE:
https://vietbao.com/a251437/chao-mung-hoi-ngo-cuu-hoc-sinh-trung-hoc-van-hoa-quan-doi
No comments:
Post a Comment