Văn Lan/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Sáng Chủ Nhật, 16 Tháng Mười, tại nhà hàng Paracel Seafood, Westminster, diễn ra sự kiện vô cùng cảm động khi lá cờ VNCH trên Dương Vận Hạm Thị Nại HQ 502 cách đây 47 năm được trao lại cho Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt (VHM – Vietnamese Heritage Museum). Đồng thời, đây cũng là tiệc mừng đại thọ lần thứ sáu của các vị niên trưởng Hải Quân VNCH trên 80 tuổi và phu nhân.
Hải Quân Đặng Thanh Long (trái), trao lá cờ VNCH trên Dương Vận Hạm Thị Nại HQ 502 cho ông Châu Thụy, giám đốc Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Lá cờ thiêng liêng này từng tung bay trên những chuyến hải hành, ngược xuôi trên chiến trường Việt Nam, được Hải Quân Đặng Thanh Long, thuộc Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hải Quân VNCH gìn giữ từ khi đến Philippines vào ngày 7 Tháng Năm 1975 sau cuộc di tản từ Việt Nam trên Dương Vận Hạm HQ 502.
Tham dự trong buổi lễ gồm các cựu quân nhân thuộc Quân Chủng Hải Quân VNCH: Đại Tá Dư Trí Hùng từ Dallas Texas; Trung Tá Phạm Mạnh Quân; Trung Tá Nguyễn Văn Dinh; Trung Tá Trần Đình Hòa; Trung Tá Võ Văn Huệ (tất cả đều xuất thân Khóa 8 Trường Sĩ Quan Nha Trang); cựu Trung Tá Hoàng Đình Báu, hạm trưởng chiến hạm HQ 09; các niên trưởng Đệ Nhất Bảo Bình; niên trưởng phu nhân Bùi Văn Tẩu; cùng quý phu nhân các niên trưởng Khóa 7, Khóa 9, Khóa 12 Hải Quân; Giáo Sư Lê Văn Khoa và phu nhân.
Quang cảnh trong ngày lễ trao và nhận lá cờ VNCH trên tàu HQ 502.
(Hình: Văn Lan/Người Việt)
Ban tổ chức gồm các ông bà Hiền Nguyễn, Lệ Trần Nguyễn, và Đặng Thanh Long mời mọi người cùng đứng lên chứng kiến giây phút giây phút long trọng nhất khi Hải Quân Đặng Thanh Long trân trọng trao kỷ vật là lá cờ VNCH của Hải Quân VNCH trên tàu HQ 502 lại cho ông Châu Thụy, giám đốc Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt.
Ông Long nói: “Đây là lá quốc kỳ VNCH trên Dương Vận Hạm Thị Nại HQ 502, khi chúng tôi rời Bộ Tư Lệnh hạm đội tại Sài Gòn vào khoảng 2 giờ sáng ngày 30 Tháng Tư 1975, và đến ngày 7 Tháng Năm 1975 lúc quá trưa đoàn tàu của chúng tôi đến Subic Bay, Philippines. Lúc hạ cờ, tôi đã tình nguyện lên kéo cờ, quàng quanh cổ và được giữ làm báu vật cho riêng tôi. Nay gần 80 tuổi, do hạm trưởng Hoàng Đình Báu giới thiệu, tôi nghĩ rằng nơi gìn giữ báu vật này xứng đáng nhất là Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt, tôi xin trao lại anh.”
Các chiến hữu Hải Quân VNCH năm xưa vui mừng gặp lại trong ngày hội ngộ,
mừng đại thọ 80 của các niên trưởng.
(Hình: Văn Lan/Người Việt)
Mọi người cùng đứng lên, sau đó ông Châu Thụy, đại diện Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt, tiếp nhận lá cờ thiêng, phát biểu: “Trong nhu cầu sưu tầm, thu góp, gìn giữ, bảo tồn và phổ biến những chứng tích của người Việt tỵ nạn kể từ biến cố năm 1975, Viện bảo tàng được thành lập với mục đích bảo tồn những di sản, tài liệu, hiện vật của người Việt tỵ nạn để phổ biến trên toàn thế giới. Để thực hiện nhiệm vụ đó, chúng con mong quý cô chú bác có thể tích cực đóng góp những tài liệu, hiện vật đó đã mang theo trên bước đường tỵ nạn.”
Ông tiếp: “Lá cờ thân yêu mà ông Đặng Long gìn giữ trong 47 năm qua vừa trao lại, luôn là biểu tượng cho biết bao sự hy sinh của chính các cô chú bác và các công dân Việt Nam, sẽ được gìn giữ trong viện bảo tàng hàng trăm năm cho các thế hệ mai sau cần được biết đến, để nhớ ơn và hãnh diện cho sự hy sinh và can đảm của cha ông.”
Ông Châu Thụy, giám đốc Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt,
tiếp nhận và trình diện lá cờ VNCH.
(Hình: Văn Lan/Người Việt)
“Bên cạnh đó, viện bảo tàng cũng muốn dành cho người bản xứ có cơ hội hiểu thêm về nguồn gốc, xuất xứ, cùng sức sống nỗ lực vươn lên và những đóng góp vào xã hội tái định cư của cộng đồng Việt Nam nơi hải ngoại. Chúng tôi kêu gọi toàn thể người Việt Nam tự do trên toàn thế giới có cùng chung lý tưởng, hãy đoàn kết và liên minh một cách chặt chẽ để cùng phát triển rộng lớn Viện Bảo Tàng Di Sử Người Việt, trong mục đích tối hậu là gìn giữ sử liệu một cách cụ thể, chính xác, minh bạch về sự thật lịch sử của người Việt Nam.”
Lá cờ thiêng được xếp lại, trao và nhận giữa hai bên trước sự chứng kiến của các vị niên trưởng cùng các chiến hữu Hải Quân, các nhân viên của Viện Bảo Tàng, và đồng hương, khi mọi người cùng hát quốc ca VNCH trong không khí như trầm lắng tràn đầy cảm xúc.
Cindy và chiến hữu Chuyên Vũ trong nhạc phẩm “60 Năm Cuộc Đời” trong ngày vui hội ngộ.
(Hình: Văn Lan/Người Việt)
Kể lại câu chuyện 47 năm trước với nhật báo Người Việt, ông Đặng Thanh Long cho biết:“Hộ Tống Hạm Kỳ Hòa HQ 09 của chúng tôi sau khi đi tuần, rút từ Đà Nẵng về đến Vũng Tàu, ngược xuôi đón đồng bào và yểm trợ hải pháo, phá hủy những bồn dầu ở các căn cứ trên bờ gần biển. Đến giữa Tháng Tư 1975, tàu bất khiển dụng phải trở về Hải Quân Công Xưởng, lấy hết hai máy điện lên chưa kịp gắn lại thì mất nước! Đó là lý do vì sao tàu HQ 09 phải nằm lại ở cầu F nơi Bộ Tư Lệnh Hải Quân, không rời bến được.”
Ông Long kể tiếp: “Đến 8 giờ ngày 29 Tháng Tư 1975, tôi lại phải quá giang chiếc Dương Vận Hạm HQ 502 trong khi mong ước của tôi là đi bằng đường bộ ra Vũng Tàu, nơi gia đình tôi đang ở, để rồi tình cờ bắt buộc phải ra đi mặc dù đã hứa với gia đình nếu có chuyện gì tôi sẽ trở về đón. Nhưng không ngờ đó là chuyến đi chót của tôi.”
Từ trái: Các chiến hữu Hải Quân năm xưa
Phó Thái Văn, Nguyễn Văn Sĩ, Đặng Thanh Long, trong ngày vui hội ngộ.
(Hình: Văn Lan/Người Việt)
Ông Long xúc động nhớ lại: “Thế là chúng tôi toàn bộ hải đội có hơn 30 chiếc tàu, rời hải phận Việt Nam đi đến Philippines, riêng chiếc HQ 502 chở theo cả lính và dân khoảng hơn bốn ngàn người. Khi chúng tôi vào hải phận Philippines, họ yêu cầu chúng tôi hạ cờ VNCH xuống, sơn lại số tàu và giao lại tàu cho Hoa Kỳ. Đó là giây phút đau buồn nhất cho chúng tôi.”
“Khoảng 2 giờ chiều ngày 7 Tháng Năm 1975, trước khi vào Vịnh Subic Bay, Philippines, chúng tôi mới hạ cờ VNCH xuống. Đó là một kỷ vật thiêng liêng chúng tôi đã gìn giữ suốt 47 năm qua, nay đã đến lúc không còn giữ cho riêng mình được nữa, nên bàn giao lại cho Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt, là nơi rất xứng đáng lưu giữ là cờ thân yêu này.”
Các niên trưởng Hải Quân cắt bánh mừng đại thọ 80.
Từ trái, Trung Tá Nguyễn Văn Dinh, Trung Tá Phạm Mạnh Tuân, Trung Tá Dư Trí Hùng,
và Hải Quân Đặng Thanh Long.
(Hình: Văn Lan/Người Việt)
Trung Sĩ Nguyễn Văn Sĩ thuộc Liên Đoàn Người Nhái căn cứ tại Cát Lái, nhưng lực lượng ở khắp các vùng chiến thuật, nơi nào cần sẽ đến.
Ông Sĩ cho biết: “Đang chiến đấu tại Long An, đến 30 Tháng Tư 1975 chúng tôi vẫn chưa biết vị tướng Tổng Tư Lệnh ra lệnh đầu hàng. Nhưng chúng tôi không đầu hàng, từ vùng công tác chúng tôi thoát về đến Sài Gòn, tiếp tục giữ an ninh cho thủ đô đến ngày 1 Tháng Năm để giao lại cho phía bên kia và làm lễ kéo cờ VNCH xuống, cùng với anh em đốt lá cờ tổ quốc, xong chia tay về quê. Năm 1982 tôi lái ghe chở hơn 30 người vượt biên, được tàu Đan Mạch vớt lên đưa vào Singapore. Rất vui mừng được gặp lại nhau tại Mỹ trong những lần hội ngộ Hải Quân, tình đồng đội chiến hữu không bao giờ quên.”
Các niên trưởng Hải Quân trong ngày lễ mừng đại thọ 80. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Tiếp đến, tất cả các vị niên trưởng Hải Quân đều được mời lên sân khấu để trao tặng những đóa hoa nồng thắm, quây quần bên chiếc bánh sinh nhật lần thứ 80 trong không khí thân tình, với những tiếng hát “cây nhà lá vườn”, mang không khí ấm áp, vui tươi, thân mật trong tình đồng đội, sau những biến động của thời cuộc và dịch bệnh suốt ba năm qua. [kn]
SOURCE:
No comments:
Post a Comment