Friday, October 28, 2022

Tướng LOAN và TẤM ẢNH OAN NGHIỆT (CH Nhữ Đình Toán)

 

TOÀN NHƯ

BBT: Đúng 50 năm oan nghiệt mà bọn Việt Cộng đã gây ra cho toàn dân miền Nam, đang sống trong yên bình, mọi người đang chuẩn bị đón Tết vui Xuân. Tội ác của chúng đã ghi vào lịch sử ngàn đời, mà trước đây cũng như ngày hôm nay, chúng ta vẫn còn được rất nhiều người nhắc tới.

    Tết Mậu Thân 1968, đã gắn liền với tên tuổi và số phận của một Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia: Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Cuối cùng, trong đợt 2 Mậu Thân, Ông đã bị thương tại chiến trường, cạnh chân cầu Thị Nghè tỉnh Gia Định.
    Mời quý vị xem bài của CH Nhữ Đình Toán, viết về một tấm ảnh, gọi là “Tấm Ảnh Oan Nghiệt”, để nhớ về một con Người và một Quê Hương thân yêu...


Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan

(11 tháng 12, 1930 -- 14 tháng 7, 1998)

SQ 50/600.198

 

    Tôi vẫn còn nhớ cái ngày định mệnh cách nay gần hai mươi năm, một ngày vào trung tuần tháng 7, 1998, khi tôi nghe tin Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan vừa từ trần tại Virginia, Hoa Kỳ. Lúc đó tôi còn đang ở trong sở làm thì nghe tin từ radio (lén nghe ở chỗ làm) loan báo tin buồn này. Tôi chợt lặng người đi vì xúc động mặc dù tôi biết rằng cái tin buồn ấy sớm hay muộn gì rồi cũng sẽ đến bởi vì tôi đã biết tin vị Tướng cựu Tư Lệnh CSQG của chúng tôi đang chiến đấu với căn bệnh ung thư hiểm nghèo từ nhiều năm nay nhưng kết quả thì ngày càng xấu đi.
    Tin Tướng Loan từ trần đã gây xúc động mạnh trong chúng tôi, những cựu chiến sĩ CSQG, nhất là với những ACE Khóa 1 Học Viện CSQG như chúng tôi, những người từng phục vụ dưới thời ông làm Tổng Giám Đốc (sau này là Tư Lệnh CSQG). Tôi còn nhớ, ngày ông đến chủ tọa các buổi lễ gắn Alpha cũng như mãn khóa cho Khóa 1 Học Viện CSQG. Hình ảnh ông với vóc dáng cao gầy, ăn mặc xuề xòa đi duyệt hàng quân SVSQ Khóa 1 cùng với Thầy Viện Trưởng Đàm Trung Mộc bỗng chốc như thoáng hiện đâu đây. Cả hai người trong bức ảnh đó giờ này đã không còn nữa. Thầy Viện Trưởng Đàm Trung Mộc thì đã bỏ mình trong trại tù ở Hà Sơn Bình vào cuối năm 1982, nay đến lượt Tướng Loan đã ra đi. Tôi đã thực sự bàng hoàng trong ít giây khi nhớ lại những ảnh hình này.
    Đến nay, gần hai mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Tướng Loan mất, nhưng mỗi lần nhắc đến tên ông, người ta lại nhớ đến tấm ảnh oan nghiệt đã làm cho cuộc đời binh nghiệp của ông phải chấm dứt trong cay đắng. Đó là tấm hình ông đang xử tử một tên Việt Cộng do nhiếp ảnh gia người Mỹ Eddie Adams chụp trong biến cố Tết Mậu Thân 1968 ở Sài Gòn



Đối với chúng tôi, những người từng là thuộc cấp của Tướng Loan, chúng tôi chẳng lạ gì sự kiện trong tấm hình đó. Năm 1968, lợi dụng thời gian ngưng bắn đã thỏa thuận giữa hai bên nhân dịp Tết Mậu Thân để cho mọi người không phân biệt dân hay quân được vui Xuân ăn Tết theo truyền thống dân tộc, Việt Cộng đã tung ra một cuộc tổng tấn công trên toàn miền Nam Việt Nam. Trận chiến vô cùng khốc liệt. Địch đã mở một mặt trận rộng lớn trên cả nước từ Quảng Trị, Huế cho tới Cao Nguyên và vào đến tận Cà Mâu. Chúng tấn công vào 36 trên 44 tỉnh lỵ, 5 trên tổng số 6 thành phố lớn và hàng trăm quận lỵ và xã ấp. Có thể nói, so về cường độ và sự ác liệt thì biến cố Tết Mậu Thân còn to lớn gấp nhiều lần hơn cuộc tấn công của địch trong tháng 4 năm 1975. Thế nhưng trong cuộc chiến Tết Mậu Thân đó, chúng ta đã không thất bại, chúng ta đã chiến thắng, đẩy lùi được những cuộc tấn công của địch. Đặc biệt là thành phố Sài Gòn, thủ đô của chúng ta đã không bị thất thủ mặc dù địch đã tràn ngập khắp nơi. Từ Bộ Tổng Tham Mưu ở Tân Sơn Nhứt, cho đến Đài Phát Thanh Sài Gòn và những khu dân cư đông đúc ở giữa thành phố. Ngay cả Tòa Đại Sứ Mỹ ở trên Đại lộ Thống Nhất, gần Dinh Độc Lập, cũng bị tấn công. Nhưng tất cả những cuộc tấn công ấy đều đã bị chúng ta đẩy lui một cách ngoạn mục. Chiến thắng ấy, ngoài sự đóng góp của các lực lượng quân sự thuộc Quân Lực VNCH, còn phải kể đến sự đóng góp của các chiến sĩ CSQG, chủ yếu là các đơn vị Cảnh Sát Dã Chiến dưới sự điều động và chỉ huy trực tiếp của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, nguyên Tổng Giám Đốc CSQG thời bấy giờ. Có lẽ trong lịch sử ngành CSQG Việt Nam, cũng như trên thế giới, chưa có một vị Tư lệnh Cảnh Sát nào lại đích thân chỉ huy ngoài mặt trận như Tướng Loan. Dưới sự chỉ huy của ông, CSQG đã góp phần không nhỏ vào chiến công đẩy lùi các cuộc tấn công của cộng sản trên toàn quốc và ở thủ đô Sài Gòn. Lý do các đơn vị CSQG tham gia chiến đấu cùng với Tướng Loan ngay từ đầu bởi vì lúc khởi sự cuộc tấn công của địch, phần lớn các binh lính quân đội đang nghỉ phép ăn Tết chưa trở về đơn vị trong khi các chiến sĩ CSQG vì phải lo giữ an ninh và trật tự nên vẫn phải ứng chiến. Nhờ vậy mà Sài Gòn đã có những phản ứng kịp thời góp phần làm nên chiến thắng. Chiến thắng này đã một phần nào xóa đi những ngộ nhận và những cái nhìn tiêu cực về những hoạt động của ngành cảnh sát. 

   
      Tôi còn nhớ một kỷ niệm trong thời gian được tu nghiệp tại Học Viện Cảnh Sát Quốc Tế ở Washington, D.C., năm 1971. Trong chương trình huấn luyện, phái đoàn học viên của mỗi nước phải có một buổi thuyết trình giới thiệu về quốc gia của mình, dĩ nhiên trong đó nếu có những hoạt động của cảnh sát thì càng tốt. Để chuẩn bị cho buổi thuyết trình này, phái đoàn Việt Nam đã được vị cố vấn lớp (class counselor) đề nghị chúng tôi chiếu cuốn phim tài liệu “Saigon, Target Zero”. Phim do một số phóng viên chiến trường Việt Mỹ thực hiện trong năm 1968 ở Saigon. Cuốn phim nói về cuộc tấn công của Việt Cộng vào thủ đô Sài Gòn trong Tết Mậu Thân 1968 đã gặp phải sự phòng thủ và chống trả quyết liệt của các lực lượng bảo vệ Sài Gòn trong đó có các chiến sĩ Cảnh Sát Dã Chiến đã đẩy lui được các cuộc tấn công của địch. Trong phim có cảnh các chiến sĩ quân đội và cảnh sát đang chiến đấu trong khói lửa đổ nát, cảnh các chiến sĩ của ta đang tải thương và giúp đỡ đồng bào đi lánh nạn cộng sản đến nơi an toàn,v.v...

Saigon, Target Zero Psychological Warfare Film 1968



    Ngay sau khi cuốn phim được trình chiếu với lời giới thiệu của chúng tôi, các học viên bạn bè ngoại quốc trong lớp đã vô cùng cảm phục và ngạc nhiên về những người cảnh sát Việt Nam trong phim. Chúng tôi đã giải thích cho họ biết, nhiệm vụ của người chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia VNCH không chỉ đơn thuần là duy trì an ninh trật tự xã hội, bảo vệ luật pháp quốc gia như cảnh sát ở các quốc gia khác, mà họ còn thực sự chiến đấu, đóng góp xương máu vào công cuộc bảo vệ Tổ Quốc vì đất nước Việt Nam đang trong thời kỳ có chiến tranh. Chúng tôi cũng cho họ biết, trong biến cố Tết Mậu Thân 1968 như trong cuốn phim tài liệu mà họ vừa xem có nhiều chiến sĩ cảnh sát đã chiến đấu, đã bị thương và đã hy sinh; trong số đó có cả vị chỉ huy cao cấp nhất của ngành là Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Ông đã bị trọng thương và bị mất đi một cái chân trong trận chiến này.




 

    Thế nhưng, khi nhắc đến Tướng Loan người ta đã không nhắc đến những công lao và sự hy sinh to lớn ấy của ông. Thật là một sự bất công và đầy ác ý. Nhắc đến ông, người ta chỉ liên tưởng tới tấm ảnh (oan nghiệt) mà nhiếp ảnh gia Eddie Adams, phóng viên của hãng thông tấn AP đã chụp trong cuộc tấn công của VC ở Sài Gòn năm Mậu Thân 1968. Tấm hình ghi lại cảnh Tướng Loan đang cầm một khẩu súng lục xử tử một tên đặc công VC mặc thường phục. Sự kiện xảy ra ngay giữa cuộc giao tranh ở một góc phố nào đó. Tấm hình đã gây xôn xao dư luận thế giới một thời và nó đã mang đến cho tác giả bức ảnh giải thưởng Pulitzer. Người ta chỉ trích Tướng Loan đã vi phạm quy ước về tù binh chiến tranh khi xử tử tên VC trên đường phố. 


    Tuy bức ảnh đã mang lại vinh quang cho Eddie Adams, nhưng ngược lại nó đã mang đến cho Tướng Loan sự bạc bẽo với nhiều cay đắng. Nó không chỉ bạc bẽo bất công đến từ phía người bạn đồng minh mà ngay cả chính quyền VNCH ngày đó cũng im lặng không lên tiếng bênh vực ông. Và cũng chính vì người bạn đồng minh bạc bẽo đó, họ đã tàn nhẫn từ chối chữa trị vết thương cho ông khiến cho ông đã phải mất đi một cái chân (phải). Sự tàn nhẫn còn theo đuổi ông đến tận miền đất tạm dung sau 1975, nơi ông và gia đình muốn ẩn dật mưu sinh bằng một cửa hàng liquor nhỏ ở Virginia. Thế nhưng bọn phản chiến thù ghét ông đã tìm đến hăm dọa ông với hàng chữ viết trên tường “F..k  you! I know who you are” khiến cho ông phải dẹp tiệm dời đi nơi khác. Thật đáng tiếc!


    Nhưng tấm ảnh đó chỉ nói lên một phần sự thật. Nó đã không nói lên cái sự thật đằng sau nó. Nếu ngày ấy, cùng với tấm ảnh, Eddie Adams đã có lời chú thích một cách trung thực những gì đã xảy ra thì mọi sự có thể đã khác. Vậy sự thực đằng sau tấm ảnh ấy là gì? Trong cuộc giao tranh đang diễn ra ác liệt ngay giữa các đường phố Sài Gòn, tên đặc công VC Nguyễn Văn Lém tự là Bảy Lốp đã trà trộn trong một khu dân cư, hắn đã sát hại nhiều thường dân trong đó có toàn bộ gia đình một chiến sĩ CSQG gồm cả vợ và mấy người con. Sau đó, để tìm đường tẩu thoát, tên VC đã sử dụng các trẻ em và phụ nữ làm lá chắn, nhưng cuối cùng hắn đã bị các chiến sĩ của ta bắt giữ và giải đến cho Tướng Loan. Khi nhìn xác những đứa trẻ thơ và biết hắn đã vừa sát hại toàn bộ gia đình một sĩ quan cảnh sát, Tướng Loan đã không dằn được cơn tức giận khi biết được thủ phạm chính là tên đặc công VC này. Ông đã dùng súng xử tử ngay tên sát nhân hèn hạ bắt hắn phải đền tội ngay tại chỗ.


    Sự kiện ấy đã diễn ra ngay giữa Sài Gòn, nhưng đó là một Sài Gòn đang trong chiến tranh. Lúc đó khắp nơi trong thành phố đang có nhiều cuộc giao tranh. Khói lửa khắp nơi, chiến tranh đã diễn ra trên từng khu phố. Mà đã là chiến tranh thì quy luật thời chiến có thể được ứng dụng. Tấm hình của Adams bị cho là tàn ác nhưng nếu hiểu nó theo quy luật thời chiến thì cũng chỉ là sự tàn ác của chiến tranh, một chuyện thường tình. Nó còn thua xa sự tàn ác mà VC đã áp dụng bằng cách thảm sát, chôn sống hàng ngàn người dân vô tội ở Huế cũng trong Tết Mậu Thân. Hơn nữa, công ước Geneve về tù binh không bảo vệ những kẻ làm gián điệp hoặc khủng bố, nó cũng không bảo vệ các phiến quân giả dạng thường dân (không mặc quân phục). Như vậy, tên VC Bảy Lốp trong lớp áo thường dân sau khi đã gây ra hàng loạt tội ác ở chiến trận, hắn không được coi là tù binh đúng nghĩa. Cho nên nếu hắn có bị xử bắn ngay tại mặt trận thì cũng chẳng có gì quá đáng. 


    Năm mươi năm sau sự kiện trong tấm ảnh oan nghiệt ấy đã trôi qua (1968-2018). Tất cả những người liên hệ đến tấm ảnh nay đều đã không còn nữa. Không kể tên VC đã bị ông tướng cho đi chầu diêm vương gặp bác của hắn, ba mươi năm sau Tết Mậu Thân, năm 1998, Tướng Loan cũng đã vĩnh viễn ra đi, và rồi sáu năm sau đó, năm 2004, nhiếp ảnh gia Eddie Adams, chủ nhân của tấm ảnh cũng đã ra người thiên cổ. Nhưng điều đáng nói là, trước khi người nhiếp ảnh gia này mất, ông đã tỏ ra ân hận về việc mình đã làm. Khi được tin Tướng Loan mất năm 1998, ông Eddie Adams đã gởi đến một vòng hoa phân ưu với lời ghi chú thật cảm động: “Thưa Thiếu Tướng, lệ đã ứa trong mắt tôi” (General! I’m so sorry - There are tears in my eyes). Cũng trong dịp này, ông đã gởi tới báo Washington Post một lá thư ngỏ có nội dung như sau:
    “Tôi đã thắng giải Pulitzer vào năm 1969 nhờ tấm hình chụp một người bắn một người khác. Hai người trong tấm ảnh đó đều đã chết: kẻ nhận viên đạn và Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Ông tướng đã giết tên Việt Cộng, còn tôi đã giết ông tướng bằng cái máy ảnh của tôi.
    Hình chụp vẫn còn là thứ vũ khí đầy quyền uy trên thế giới. Người ta tin tưởng chúng, thế nhưng hình chụp thực ra rất dối trá, cho dù không bị cắt xén. Chúng chỉ là một nửa sự thật. Điều mà tấm hình không nói được đó là, “Bạn đã phải làm gì nếu bạn là ông tướng ở vào cái thời điểm và nơi chốn trong cái ngày nóng bỏng đó, và khi bạn bắt được tên khốn kiếp như vậy sau khi nó vừa hạ sát một, hai hay ba người lính Mỹ?”
Tướng Loan chính là người mà bạn có thể gọi là một người chiến sĩ đích thực, được ngưỡng mộ bởi những binh sĩ dưới quyền ông. 


    Tôi không nói rằng việc ông làm là đúng, nhưng bạn phải tự đặt mình vào vị trí của ông. Bức ảnh đã không nói cho bạn biết rằng ông tướng đã mất rất nhiều thời gian ở trong bệnh viện ở Việt Nam vì những vết thương chiến tranh. Tấm hình đã làm xáo trộn đời ông. Ông chưa bao giờ trách cứ tôi. Ông đã nói với tôi rằng, nếu tôi không chụp bức ảnh đó thì người khác cũng chụp, tuy nhiên tôi cảm thấy thật tội cho ông và gia đình ông trong một thời gian dài. Tôi vẫn giữ liên lạc với ông, và lần cuối cùng chúng tôi nói chuyện cách nay đã 6 tháng, lúc đó ông đã rất bệnh. Khi nghe tin ông chết, tôi đã gởi hoa và viết, “Thưa Thiếu Tướng, tôi rất hối hận. Lệ đã ứa trong mắt tôi.”
    (Nguyên văn: I won a Pulitzer Prize in 1969 for a photograph of one man shooting another. Two people died in that photograph: the recipient of the bullet and General Nguyen Ngoc Loan. The general killed the Viet Cong, I killed the general with my camera.
    Still photographs are the most powerful weapon in the world. People believe them, but photographs do lie, even without manipulation. They are only half truths. What the photograph didn’t say was, “What would you do if you were the general at the time and place on that hot day, and you caught the so-called bad guy after he blew away one, two or three American soldiers?” General Loan was what you would call a real warrior, admired by his troop.
    I’m not saying what he did was right, but you have to put yourself in his position. The photograph doesn’t say that the general devoted most of his time trying to get hospitals built in Vietnam for war casualties. This picture really messed up his life. He never blamed me. He told me if I hadn’t taken the picture, someone else would have, but I’ve felt bad for him and his family for a long time. I had kept in contact with him, the last time we spoke was about six months ago, when he was very ill. I sent flowers when I heard that he died and I wrote, “General! I am so sorry. There are tears in my eyes.”) 


    Lá thư của Eddie Adams thật chân tình và cảm động. Chỉ tiếc rằng sự chân tình và hối hận của ông đã đến quá muộn màng. Tuy nhiên, lời tỏ bày của ông tuy muộn nhưng dù sao có vẫn hơn không. Nếu ngày ấy, khi mà những sự ồn ào do tấm ảnh của ông gây ra nhắm vào Tướng Loan, ông có can đảm nói ra điều ấy thì có lẽ mọi việc đã khác. Dù sao lời tạ tội của ông trước cái chết của Tướng Loan đã làm sáng tỏ được một sự thực mà từ lâu vẫn bị che khuất bởi những định kiến hẹp hòi và giả trá. Sự thật bao giờ cũng là sự thật. Cái gì của Cesar hãy trả về cho Cesar.


    Đã hai mươi năm Tướng Loan đã không còn nữa. Nhưng ngành CSQG rất tự hào đã có những vị tư lệnh lỗi lạc và can đảm như các Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai (cựu Tư Lệnh CSQG từ 1968-1971, đã tuẫn tiết trong ngày 30/4/1975) và nhiều cấp chỉ huy đầy tiết tháo khác như Trung Tá Nguyễn Văn Long, người đã tự sát dưới chân Tượng Đài TQLC ở Saigon sáng ngày 30/4/1975. Tổ Quốc sẽ đời đời ghi nhớ công ơn của họ.

•    TOÀN NHƯ

SOURCE:

https://www.canhsatquocgia.org/a855/tuong-loan-va-tam-anh-oan-nghiet?fbclid=IwAR0nfzeIpngErwb8Cim250N1lxAU0WDMoKkFZ8vd7Ux4JCe0Zfp67JXiPAE

 oOo

 

Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan (1930 - 1998)

Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia 

 


 

ĐƯỜNG BINH NGHIỆP

1951: Tốt Nghiệp Tú Tài Tòan Phần.

- Sinh Viên Dự Bị Y Khoa Sài Gòn

- Theo Học Khóa 1 Lê Văn Duyệt Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức

1952: Ra trường cấp bậc Thiếu Úy Trung Đội Trưởng thuộc Tiểu Đòan 62 Việt Nam.

- Theo học lớp Huấn luyện Biệt Kích

- Mãn khóa tùng sự tại Lực Lượng Xung Kích

- Cuối năm 1952 trúng tuyển vào Quân Chủng Không Quân

1953: Du học khóa Huấn Luyện Hoa Tiêu Khu Trục tại trường Võ Bị Không Quân Pháp Salon De Provence.

1955: Tốt nghiệp Hoa Tiêu tại Necknes

1956: Hoa Tiêu Phi Đoàn 1 Khu Trục Biên Hòa

1957: Vinh thăng Đại Úy

1958: Chỉ Huy Trưởng Phi Đoàn 2 Quan Sát Nha Trang

1959: Thiếu Tá Phụ Tá Tham Mưu Trưởng Không Quân

1960: Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Kiểm Soát Không Chiến

1963: Trung Tá Tham Mưu Trưởng Không Quân

- Tư Lệnh Phó Không Quân.

1965: Chỉ Huy 2 Phi Đội A-1E Skyraider oanh tạc căn doanh trại Bắc Việt tại Chánh Hòa và Chấp Lễ.

- Ngày 2 tháng 3 Oanh tạc Căn cứ Hải Quân Bắc Việt tại Quảng Khê, Quảng Bình.

- 20-6 Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội kiêm Phủ Đặc Ủy Tình Báo Trung Ương.

- 1-11 Thăng Đại Tá Nhiệm Chức

1966: 29-4 Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia.

- Thành Lập 8 Biệt Đoàn Cảnh Sát Quốc Gia

- 1-11 vinh thăng Chuẩn Tướng nhiệm chức

1967: Trưởng phái đoàn Công Du Nam Hàn

1968: Ngày 2-2 (mồng 5 Tết Mậu Thân ) Hạ sát Thượng Úy Nguyễn Văn Lốp tự Bảy Lốp Đặc Công Việt Cộng tại ngả ba Vườn Lài góc Sư Vạn Hạnh và Minh Mạng, Chợ Lớn Quận 6 Sài Gòn.

- Trưa ngày 5-5 bị thương tại Phường Tự Đức Phan Thanh Giản ĐaKao Quận 1 Sài Gòn Điều trị tại Bệnh Viện Đồn Đất (Grall) Sài Gòn, sau nhiều năm điều trị không lành phải đưa sang Hoa Kỳ giải phẩu nhiều lần không thành công và cuối cùng phải cưa chân

- Ngày 3-6 vinh thăng Chuẩn Tướng Nhiệm Chức.

1975: Định cư tại Burke, Virginia Hoa Kỳ

1998: Từ Trần ngày 14-7 Hưởng Thọ 68 tuổi.

SOURCE:

http://nguyen-ngoc-loan.blogspot.com/2012/10/thieu-tuong-nguyen-ngoc-loan-tong-giam.html

 oOo

Trong chiến dịch "Mũi Tên Lửa" (Flaming Dart), ngày 11 tháng 2 năm 1965, Nguyễn Ngọc Loan đã dẫn đầu những phi đoàn Bắc phạt A1 Skyraider vượt qua vĩ tuyến 17 bắn phá miền Bắc Việt Nam.
Sau chiến dịch này Nguyễn Ngọc Loan được thăng Chuẩn tướng và điều về làm Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia kiêm Giám đốc Nha An ninh Quân đội, phụ trách Đặc ủy Trung ương Tình báo….”

SOURCE:

https://ydan.org/showthread.php?t=16316

 

 

No comments:

Post a Comment