Friday, October 21, 2022

HQ 502: KHÔNG BỎ BẠN BÈ (CHIẾN HẠM HQ/VNCH RA KHƠI – Những Chuyện Đáng Ghi -rần Đỗ Cẩm)



Dương Vận Hạm Thị Nại HQ 502 nguyên là USS Cayuga County (LST 529), chuyển giao cho HQ/VNCH ngày 17 tháng 12 năm 1963. Hạm Trưởng Nguyễn Văn Tánh cho biết trong đêm di tản 29-4-1975, chiến hạm cập vị trí 1, cầu L trong HQCX, ngay trước BTL/Hạm Đội; bên ngoài là các chiến hạm HQ 501, HQ 503, HQ 504 và HQ 11 ở vị trí 5 ngoài cùng.

Vào thời gian sôi động đó, HQ 502 đang đại kỳ dở dang chưa hoàn tất nên tình trạng kỹ thuật rất yếu kém. Hai máy chánh vừa được HQCX ráp xong, nhưng chưa chạy thử tại chỗ. Sàn tầu nơi bị cắt một mảng lớn để câu máy chánh lên chưa kịp hàn lại; máy điện chưa được ghép song song; máy neo trước và sau bất khiển dụng; nhiều dụng cụ cần thiết để vận chuyển và hải hành như tay lái điện, la bàn điện… chưa được lắp ráp xong.

Ngày 29-4-1975, Việt Cộng đã vào tới ngoại ô Sài Gòn. Dân chúng kéo xuống bến Bạch Đằng tìm tầu HQ xin di tản. Vì các chiến hạm bên cạnh cũng đang trong thời kỳ sửa chữa không vận chuyển được hay không di tản nên dân chúng và quân nhân thuộc đủ mọi quân binh chủng đều hốt hoảng ùa xuống HQ 502 mỗi lúc một đông. Tới chiều tối, dân chúng đã tràn ngập khắp nơi, kể cả trên các tiểu đĩnh LCVP treo bên hông tầu.

Ngoài việc phải đương đầu với những thiếu thốn kỹ thuật và khó khăn vì dân chúng quá đông, vấn đề cấp bách cần giải quyết tức thời là phải dời các bên ngoài đi chỗ khác để HQ 502 đang cập vị trí trong cùng có thể tách bến. Trong số các chiến hạm bạn cùng cập cầu L, chỉ có Hộ Tống Hạm HQ 11 Chí Linh đậu ngoài cùng, do HQ Thiếu Tá Phạm Đình San chỉ huy sẵn sàng ra đi. Hạm Trưởng Tánh đã vất vả thương lượng và giàn xếp với nhiều chiến hạm bạn, đồng thời cũng nhờ sự trợ giúp đắc lực của các tầu giòng Ty Quân Cảng, các chiến hạm bên ngoài mới được đưa qua cầu tầu bên cạnh để HQ 502 trống trải có thể ra đi.

Lúc tầu sẵn sàng rời bến, nhân viên mới phát giác và báo cáo tay lái không xử dụng được vì các đường giây cáp bị đứt hay đã tháo gỡ. Đây là một tin bất ngờ “sét đánh” vào giờ chót vì chiến hạm nặng nề to lớn, chỉ chạy được một máy chánh, lái điện đã không có, nay cả đến lái tay cũng không dùng được, chiến hạm làm sao có đủ sức lên đường? Tuy nhiên, vì đã quyết định không ở lại và cũng vì sinh mạng của mấy ngàn người đang trông mong được thát nạn Cộng Sản, HQ 502 phải rời bến bằng bất cứ phương cách nào, dù khó khăn nhất. Hạm trưởng Tánh cùng một số hạm trưởng quá giang kinh nghiệm khác đã đích thân xuống phòng lái tay tìm cách tạm nối giây cáp lại bằng những kẹp sắt lớn. Đây là một lối sửa chữa chưa từng có trong sách vở. Sau nhiều cố gắng tột cùng với sự trợ giúp đắc lực của nhiều người cả quân lẫn dân, cuối cùng sợi giây cáp lái tay được tạm thời nối lại; bánh lái đã có thể di chuyển. Tuy nhiên, vì giây cáp nối bằng tay còn chùng và những kẹp sắt quá lớn không luồn qua được những lỗ ròng rọc nhỏ nên góc xoay của tay lái rất hẹp, chưa tới 10 độ mỗi bên.

Vào lúc rạng sáng ngày 30-4, dù chiến hạm biết rõ trong tình trạng hư hỏng nặng, hạm trưởng Tánh vẫn quyết định ra khơi. Tầu giòng Ty Quân Cảng của Thượng Sĩ Vận Chuyển Nguyễn Văn Biết trong “cú đẩy ân tình” đưa được HQ 502 ra ngoài sông lớn. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ và trợ giúp tận tình của những hạm trưởng kinh nghiệm khác có mặt trên tầu như HQ Trung Tá Trần Đức Cử, HQ Trung Tá Lê Văn Quí, HQ Thiếu Tá Phan Lạc Tiếp, HQ 502 xuôi giòng ra biển với một máy tiến một, 5 người bẻ lái tay, góc độ tay lái tối đa 10 độ thay vì hai ba chục độ như bình thường. Phải mất trên 1 phút mới xoay nổi lái tay để đổi hướng bánh lái từ bên này qua bên kia.

HQ 502 di chuyển chậm chạp, khó khăn trên sông Sài Gòn, vừa chạy vừa sửa. Con tầu nặng nề xiêu vẹo lúc phải, khi trái giang hành qua những khúc sông hẹp, cong quẹo trong bóng đêm mù mịt đầy bất trắc đe dọa. Trong lúc nguy nan, nhiều người tình nguyện đứng xếp hàng từ đài chỉ huy trên boong tầu xuống tận hầm lái tay bên dưới để chuyền khẩu lệnh lái chiến hạm. Phải mất 4 tiếng đồng hồ mò mẫm, HQ 502 mới ra tới Nhà Bè (hải lý 11), nơi hai nhánh sông Sài Gòn và Đồng Nai nhập lại thành khúc sông lớn tương đối an toàn.

Trên đường ra biển, chiến hạm dù vận chuyển rất khó khăn nhưng vẫn ngừng lại nhiều lần để vớt thêm vài trăm người từ những tầu nhỏ của đơn vị bạn. Tại sông Nhà Bè, HQ Trung Tá Trịnh Hòa Hiệp và khoảng 60 người thuộc Liên Đoàn Người Nhái trên LCU di tản từ Cát Lái được đưa lên tầu.

Sáng ngày 30-4, HQ 502 ra tới biển Vũng Tầu. Ngoài khơi đầy ghe thuyền dân chúng, trên trời có nhiều trực thăng từ trong bờ đổ ra cũng như từ biển bay vào. Vài trực thăng bay thấp, dọc theo hông tầu, ngang đài chỉ huy chiến hạm. Cửa máy bay mở rộng, trong lòng máy bay đầy đàn bà, trẻ con ra hiệu xin cấp cứu. Viên phi công rà tìm được tần số của chiến hạm, khấp thiết kêu gọi:“Anh em Hải Quân ơi, cứu chúng tôi với. Chúng tôi được lệnh bay ra biển để đáp xuống tàu Mỹ. nhưng tới điểm hẹn không tìm được tàu Mỹ nên phải quay về. Máy bay tchỉ còn 5 phút xăng. Xin cứu chúng tôi, gia đình tôi, mẹ tôi…”.

Hạm Trưởng Tánh và thủy thủ đoàn bợ không cầm được thương cảm, dù chính mình đang trong tình trạng thiếu an toàn, nhưng cũng đồng ý để trực thăng đáp xuống sân chiến hạm đang đầy ắp người và vật dụng đủ loại. Sinh mạng của mấy chục người trên trực thăng đang được đếm bằng mấy phút phù du. Chỉ trong vòng mấy phút phải giải tỏa cấp tốc, đưa hết người và vật dụng xuống hết sân chiến xa phía dười. Tuy khó khăn nhưng cuối cùng sàn tầu cũng được thu dọn tạm trống trải, đủ chỗ đậu cho trực thăng. Hai chiếc trực thăng chở đầy người đáp xuống an toàn. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng hai phi công trực thăng đáp xuống chiến hạm.

Tưởng như vậy đã xong, nhưng vẫn còn một chiếc phi cơ thám thính loại L-19 Cessna OE-1 “Bird Dog” đột nhiên xuất hiện bay vòng quanh chiến hạm đang ra hiệu xin cấp cứu. Đây là loại phi cơ nhỏ, nhẹ thường được gọi là máy bay bà già 2 chỗ ngồi, một cho phi công và một dành cho người quan sát. Phi công là Thiếu Úy Nguyễn Thành Hưng thuộc Phi Đoàn 120 Quan Sát, Sư Đoàn I Không Quân, đồn trú tại phi trường Đà Nẵng. Khi di tản khỏi Vùng I, đơn vị của anh Hưng được dời về Tân Sơn Nhất. Người còn lại là Hạ Sĩ Quan Cơ Khí Phi Hành Nguyễn Viết Nhiễm, Cơ Khí Phi Hành phục vụ tại Phi Đoàn 720 (Vận Tải cơ C-119), Không Đoàn 53 Chiến Thuật, Sư Đoàn 5 Không Quân, căn cứ Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Hai người đã rời Sài Gòn bằng phi cơ L-19, đáp xuống phi trường Bình Thủy, Cần Thơ vào khoảng 1:30 giờ trưa 29/4. Trưa hôm sau ngày 30-4, sau khi nghe lệnh buông súng, họ dự tính bay ra tàu Mỹ ngòai khơi Vũng Tầu. Tình cờ gặp HQ 502 trên tầu đầy nghẹt người, họ bỏ ý định bay ra khơi, đồng ý cùng nhẩy xuống biển với hy vọng HQ 502 sẽ thả xuồng vớt lên. Theo dự tính, phi công sẽ bay thấp trước mũi chiến hạm rồi nghiêng cánh để bạn đồng hành nhảy ra trước còn phi công sẽ nhẩy ra vào vòng bay sau, để phi cơ không người lái đâm xuống biển.

Sau nhiều lần bay quanh chiến hạm để bàn tính và chuẩn bị, chiếc L19 sà thấp hơn, cách mũi tầu khoảng 50 thước, anh Nhiễm từ phi cơ nhẩy xuống biển an toàn, cố bơi theo tầu. Thủy thủ rên tầu lập tức liệng xuống nhiều phao nổi trợ giúp, nhưng những đợt sóng của HQ 502 quá mạnh, đẩy người lâm nạn ra xa và lùi dần về phía sau lái. Trong lúc tuyệt vọng, người nhái Nguyễn Văn Kiệt mang áo phao từ trên tầu nhẩy xuống tiếp cứu nạn nhân; chiến hạm quay lại vớt cả hai lên tầu an toàn.

Chiếc phi cơ trên trời bay thêm một vòng nữa rồi viên phi công còn lại nhẩy ra, nhưng không may anh bị đập mạnh khi rơi xuống nước nên bị chìm mất tích luôn.

HQ 502 tiếp tục ra khơi độ 20 hải lý lại gặp một xà-lan chở đầy phụ nữ và trẻ em đang kêu cứu. Chiến hạm ngưng lại vớt từng người một bằng thang giây. Lúc bấy giờ tổng số người trên tầu ước lượng trên dưới 3 ngàn. Sau đó HQ 502 tiếp tục hải hành tới điểm tập trung Côn Sơn và được chiến hạm bạn trợ giúp đi đến Subic Bay an toàn.

Trong chuyến ra khơi rạng sáng ngày 30-4-1975, HQ 502 chưa đại kỳ xong, tình trạng kỹ thuật yếu kém, không có tay lái điện, giây cáp tay lái tay lại bị đứt, nhưng hạm trưởng Nguyễn Văn Tánh vẫn can đảm và thành công đưa tầu ra khơi. Trên đường đi, HQ 502 còn vớt thêm nhiều thường dân và binh sĩ di tản, đặc biệt đã cứu giúp anh em Không Quân trong lúc nguy nan nhất. Đây một thành quả rất đáng khâm phục và ca ngợi. Dương Vận Hạm Thị Nại HQ 502 dưới quyền chỉ huy của hạm trưởng Nguyễn Văn Tánh đã thể hiện hùng hồn truyền thống cao đẹp “Không Bỏ Bạn Bè” của QLVNCH.

 


Nguyễn Văn Tánh

Số quân: 46A 700.011

Cấp bậc cuối cùng: HQ Trung-Tá

 

 

 

 

 

 

 

SOURCES: Xin bấm vào Link để đọc nguyên bài viết

http://camtran11.6te.net/

https://chienhuuvnch.com/haiquan/?p=28

 

 

 

No comments:

Post a Comment