Wednesday, October 19, 2022

Liên trường Văn Hóa Quân Ðội hội ngộ tại Little Saigon (Lâm Hoài Thạch)

 

GARDEN GROVE, California (NV) – “Sau gần 40 năm xa xứ, các cựu học sinh liên trường trung học Văn Hóa Quân Đội định cư tại Hoa Kỳ đã liên lạc được với nhau, và cũng kể từ đó, hằng năm, ban tổ chức đều cố gắng quy tụ các anh chị em cựu học sinh và quý thầy cô về hội ngộ một lần, và hôm nay là buổi hội ngộ lần thứ năm.”

“Ngoài những cựu học sinh và thầy cô tại tại Little Saigon và những vùng phụ cận còn có những người đến từ Pennsylvania, Virginia, Texas, Florida, Arizona, Washington State, Colorado, Canada và Việt Nam,” bà Trần Ngọc Diệp, trưởng ban tổ chức, cho biết trong buổi hội ngộ lần thứ năm của liên trường Văn Hóa Quân Ðội vừa diễn ra vào chiều Chủ Nhật, 5 Tháng Năm, tại nhà hàng Diamond Seafood Palace, Garden Grove.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, từ Austin, Texas về, là một trong những người đã quy tụ cựu học sinh của những trường Trung Học Văn Hóa Quân Đội trong những lần hội ngộ đầu tiên, kể: “Theo tài liệu ‘Lược Sử Quân Lực VNCH’ thì Trường Văn Hóa Quân Đội Sài Gòn (lớp tối) được thành lập đầu tiên từ năm 1958, khởi đầu là những lớp bổ túc văn hóa theo nghị định của Bộ Giáo Dục VNCH, trường này chỉ thâu nhận các quân nhân tại ngũ hiếu học để có điều kiện trau dồi thêm kiến thức, và chuẩn bị tham dự các kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, Tú Tài I, và Tú Tài II.”

“Sau này, để thỏa mãn nhu cầu học vấn của con em quân nhân đang hoạt động nơi tiền tuyến được yên tâm về việc học hành của các con em họ nơi hậu phương, nên Bộ Quốc Phòng, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, Cục Xã Hội đã yêu cầu Bộ Quốc Gia Giáo Dục thành lập các trường Trung Học Văn Hóa Quân Đội với đầy đủ các lớp từ Đệ Thất (lớp 6) đến Đệ Nhất (lớp 12). Đến năm 1975, tại miền Nam Việt Nam có tổng cộng 22 trường Văn Hóa Quân Đội. Trường Trung Học Văn Hóa Quân Đội Sài Gòn tọa lạc tại số 17 Thống Nhất, Sài Gòn, là một trong những trường Văn Hóa Quân Đội lớn và đông học sinh nhất,” bà kể thêm.

 

Các cựu học sinh Trần Ngọc Diệp (trái) và Trần Kim Oanh.

(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

 

Sau nghi thức khai mạc, toàn ban văn nghệ cùng hát bài “Văn Hóa Quân Đội Hành Khúc,” sáng tác của Giáo Sư Nguyễn Văn Quang, và bài nhạc này đã được các cựu học sinh hát trong những buổi chào cờ dưới sân trường vào những sáng Thứ Hai hằng tuần trước khi vào lớp học.

Bà Trần Ngọc Diệp ngỏ lời cám ơn đến tất cả thầy cô, các bạn đồng môn ở khắp nơi về tham dự, và mong rằng các cô thầy, các bạn học cũ hãy cùng đến bên nhau trong những lần hội ngô kết tiếp.

“Trong cuộc đời học sinh có thể nói, hoài niệm của một thời cấp sách đến trường thì chúng ta đã có những kỷ niệm êm đềm đáng nhớ nhất. Hôm nay, ngày hội ngộ lần thứ năm của trường Văn Hóa Quân Đội đã thể hiện tinh thần tri ân các thầy cô và sự gắn bó tình cảm của các bạn học cũ. Ngoài ra, chúng ta còn tự hào là cựu học sinh của trường Văn Hóa Quân Đội, vì chúng ta là những con em của chiến sĩ trong Quân Lực VNCH,” bà trưởng ban tổ chức nói.

Ông Trần Ngọc Chất đại diện thầy cô lên phát biểu, nói: “Hồi tưởng lại tuổi hoa niên, vì tôi là một quân nhân nên cũng có cái duyên là được dạy học tại trường Văn Hóa Quân Đội một thời gian. Trong quân đội thì tôi là một trung úy huấn luyện viên của quân trường. Vì vậy, sau Tháng Tư, 1957, tôi chỉ bị có ba năm tù cải tạo. Sau đó, tôi cùng hai người con đi vượt biên và được định cư tại hải ngoại. Cho đến mười năm sau thì tôi mới gặp lại vợ của tôi. Chúng tôi ở với nhau hơn năm mươi năm, và đã mất nhau hết ba năm tù đày và mười năm xa cách. Trải qua hết cuộc đời của tôi thì đều có sướng, khổ, vui buồn lẫn lộn. Hôm nay, gặp được các bạn đồng môn, các học trò cũ thì không có gì hạnh phúc bằng.”

 

Giáo Sư Trần Ngọc Chất và phu nhân. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

 

Trong phần phát biểu đại diện cựu học sinh, bà Võ Kim Liên tâm tình: “Chúng ta như đàn chim lưu lạc đã bao nhiêu năm, hôm nay, chúng ta có cơ hội trở về với tổ ấm của mình, đó là đại gia đình của trường Văn Hóa Quân Đội. Không có gì hơn bằng chúng ta nên vui vẻ trong buổi đoàn tụ đêm nay, và cũng không có gì hơn, xin mọi người hãy cùng trọn vẹn hạnh phúc mà chúng ta đang có trong buổi hội ngộ này.”

Có mặt trong buổi hội ngộ, Giáo Sư Nguyễn Văn Dũng kể rằng, ông từng đi dạy cho các quân nhân học trường Văn Hóa Quân Đội đầu tiên và sau này ông cũng có đi dạy tại trường Văn Hóa Quân Đội Sài Gòn. Rồi sau đó ông được làm hiệu trưởng của trường Văn Hóa Quân Đội Tân Sơn. “Vì trường trong phạm vi của phi trường Tân Sơn Nhất, thuộc sự bảo vệ của Quân Chủng Không Quân VNCH, nên tôi được làm hiệu trưởng của trường. Khi đó tôi đang là một quân nhân Không Quân,” ông cho hay.

“Vào khoảng những năm 1968-1969, Cục Xã Hội đã khám phá tại miền Nam có 16 trường tiểu học nằm trong vòng đai của các đơn vị quân đội VNCH bảo vệ, nên những trẻ em đang học ở đó phần đông là con của quân nhân thì phải chấp nhân là con nhà nghèo, không có cha ở nhà để kèm cho con cái học giỏi được. Vì thế, khi chúng học xong tiểu học để chuẩn bị thi vào các trường trung học công lập thì các em nhỏ này sẽ không được tuyển chọn rất nhiều, nên bắt buộc các em phải ghi danh vào những trường trung học tư thục, mà khi các em vào học những tư thục thì có phần nan giải là cha em lại nghèo, không đủ tiền đóng học phí. Vì thế, Cục Xã Hội Quân Lực VNCH mới xin Bộ Quốc Gia Giáo Dục rằng, nên thăng tất cả 16 trường tiểu học đó lên thành những trường Trung Học Văn Hóa Quân Đội,” ông Dũng kể.

 

Từ trái, Giáo Sư Nguyễn Văn Dũng, Giáo Sư Dương Ngọc Sâm và ông Hồ Đắc Huân. 

(Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

 

Cạnh bên, Giáo Sư Dương Ngọc Sum, khách mời đến dự, cho biết thêm: “Lúc đó tôi đang làm việc tại Bộ Quốc Gia Giáo Dục nên tôi rất hiểu rõ vấn đề này. Để giúp cho các học sinh là con của những quân nhân không được vào các trường trung học công lập, nên bộ đã chấp thuận cho 16 trường tiểu học này được trở thành những trường Trung Học Văn Hóa Quân Đội. Nhưng, có điều nan giải là không đủ giáo sư để về làm việc cho các trường này.”

“Lý do là trong thời đất nước binh biến nên có rất nhiều giáo sư trẻ phải thi hành lệnh tổng động viên của chính phủ để tòng quân giúp nước. Và cũng vì cuộc sống, nên có rất nhiều giáo sư chuyên nghiệp lớn tuổi cũng không chấp thuận về dạy học cho các trường Văn Hóa Quân Đội vì đồng lương rất thấp so với số lương của các trường trung học khác. Vì thế, quân đội mới tuyển chọn một số quân nhân được đi thụ huấn các khóa đại học sư phạm đặc biệt do Bộ Quốc Gia Giáo Dục tổ chức để về dạy cho các học sinh của những trường Trung Học Văn Hóa Quân Đội với số lương rất khiêm nhường,” ông nói.

Ông Hồ Đắc Huân, khách mời đến dự, một trong những nhà biên khảo về sách “Lược Sử Quân Lực VNCH” cho biết: “Các Trường Trung Học Văn Hóa Quân Đội tuy do Cục Xã Hội, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị trực thuộc Bộ Quốc Phòng trực tiếp quản trị và yểm trợ về mọi phương diện như tiền thù lao cho các giáo sư, trang bị và tu bổ trường lớp, học phẩm, học cụ, văn phòng phẩm… nhưng luôn đặt trong hệ thống thanh tra của Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Khi thành lập một trường Trung Học Văn Hóa Quân Đội đều có sự thỏa hiệp giữa Bộ Quốc Phòng và Bộ Giáo Dục. Các học sinh đều được công nhận bổn phận và quyền lợi như những trường công lập.”

 

Các cựu nữ sinh trong ban tổ chức. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

 

Bà Đỗ Châu Huyền, cựu giáo sư Anh Văn của trường Văn Hóa Quân Đội Sài Gòn, tâm tình: “Sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, hàng trăm trường trung học tại miền Nam được chính phủ đang thời trưng dụng lại để có nơi cho các học sinh đi học, nhưng cũng có nhiều trường bị đổi tên hay đổi chỗ. Cho dù có bị thay đổi như thế nào thì các cựu học sinh cũng có dịp trở về quê hương để ngắm nhìn và tưởng nhớ lại những kỷ niệm êm đềm dưới mái trường thân yêu của nào.”

“Nhưng, có đến 22 trường Trung Học Văn Hóa Quân Đội bị chính quyền Cộng Sản Việt Nam hủy diệt hoàn toàn. Đây là niềm đau lòng cho các cựu học sinh và các cô thầy của chúng tôi ở trong nước cũng như ở hải ngoại. Vì thế, hằng năm đến thời điểm kỷ niệm 30 Tháng Tư Đen, thì cũng là lúc các cựu giáo chức và cựu học sinh của liên trường Văn Hóa Quân Đội về họp mặt để ôn lại những kỷ niệm vui buồn ngày xưa, và cũng để đánh dấu sự mất mát đau lòng của quê hương và ngôi trường thân yêu của ngày nào,” bà nói.

Bà cũng cho biết thêm là nhóm thân hữu cựu học sinh liên trường Văn Hóa Quân Đội hải ngoại không có ban điều hành mà chỉ có ban tổ chức hội ngộ hằng năm. Vì các cựu học sinh là con của các cựu quân nhân Quân Lực VNCH, với huy hiệu “Tổ Quốc-Học Đường” nên hằng năm trong những lần hội ngộ, nếu không bị sức khỏe hay gia cảnh ràng buộc thì họ phải tự động, tự quyết trở về với mái ấm gia đình của trường Văn Hóa Quân Đội để nêu cao tinh thần đồng môn và tình yêu dân tộc, tổ quốc.  

Lâm Hoài Thạch


22 trường Trung Học Văn Hóa Quân Đội (VHQĐ)

tại miền Nam được chia theo từng Quân Khu

Quân Khu I: Trung Học VHQĐ Huế (Huế), Trung Học VHQĐ Đà Nẵng (Đà Nẵng), Trung Học VHQĐ Hùng Vương (Sơn Trà, Đà Nẵng), Trung Học VHQĐ Lữ Đình Sơn (Quảng Ngãi).

Quân Khu II: Trung Học VHQĐ Dương Quan Sang (Nha Trang), Trung Học VHQĐ Lam Sơn I (Dục Mỹ), Trung Học VHQĐ Lam Sơn II (Ban Mê Thuột), Trung Học VHQĐ Nguyễn Viết Quý (Pleiku), Trung Học VHQĐ Lê Lợi (Quy Nhơn).

Quân Khu III: Trung Học VHQĐ Sài Gòn (ngày), 17 Thống Nhất (Sài Gòn), Trung Học VHQĐ Sài Gòn (tối), 94 Phan Đình Phùng (Sài Gòn), Trung Học VHQĐ Quang Trung (Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung), Trung Học VHQĐ Trần Nguyên Hãn (Vũng Tàu), Trung Học VHQĐ Nguyễn Văn Hùng Thủy Quân Lục Chiến (Thủ Đức), Trung Học VHQĐ Nguyễn Văn Hùng Sư Đoàn 5/ Bộ Binh (Bình Dương), Trung Học VHQĐ Lam Sơn III (Hóc Môn, Gia Định), Trung Học VHQĐ Đồng Tháp (Gò Vấp, Gia Định), Trung Học VHQĐ Tân Sơn (Tân Sơn Nhất), Trung Học VHQĐ Hải Quân (Sài Gòn), Trung Học VHQĐ Trần Công Ngọ (Thủ Đức).

Quân Khu IV: Trung Học VHQĐ Phong Dinh (Cần Thơ), và Trung Học VHQĐ Dương Văn Châu (Vĩnh Long).

 

SOURCE:

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/lien-truong-van-hoa-quan-doi-hoi-ngo-tai-little-saigon/amp/

 


No comments:

Post a Comment