Wednesday, October 19, 2022

Trường Văn Hóa Quân Đội Sàigòn và Gia Định (By Lê Thy)

 


Trường Văn Hóa Quân Đội (VHQĐ) là một hệ thống gồm có 22 ngôi trường trung học công lập đệ nhị cấp, hỗn hợp nam và nữ, được thành lập trong 4 Quân Khu toàn cõi miền Nam Việt Nam bởi Cục Xã Hội, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị trực thuộc Bộ Quốc Phòng của chính phủ Việt Nam. Chín (9) trong số 22 trường này tọa lạc trong địa bàn Sàigòn và Gia Định sẽ được trình bày trong bài này.

Sau đây là lược sử các trường VHQĐ theo tài liệu [1,2] :

A- Mục đích thành lập các trường trung học Văn Hóa Quân Đội

Nhằm mục đích giúp đỡ các con em quân nhân tại ngũ có nơi chốn học hành ở hậu phương, Bộ Quốc Phòng, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị (CTCT) và Cục Xã Hội đã tiếp tay cùng Bộ Giáo Dục để thành lập các trường trung học Văn Hóa Quân Đội (VHQĐ).

Các trường trung học VHQĐ tuy do Cục Xã Hội và Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị trực thuộc Bộ Quốc Phòng, trực tiếp quản trị và yểm trợ về mọi phương diện như: thù lao giáo sư, trang bị và tu bổ trường lớp, học phẩm, học cụ, văn phòng phẩm v.v… nhưng các trường này luôn đặt trong hệ thống Giáo Dục Quốc Gia dưới sự thanh tra, kiểm soát chuyên môn sư phạm của Bộ Giáo Dục (Nha Trung Học và quý vị Thanh Tra Trung Học Trung Ương và địa phương).

Một trường trung học VHQĐ khi thành lập đều phải có sự thỏa hiệp giữa Bộ Quốc Phòng và Bộ Giáo Dục để sau đó Bộ Giáo Dục ban hành một Nghị Định công nhận trường trung học VHQĐ với tất cả quyền lợi và bổn phận của một trường Công Lập.

– Quyền lợi: Chứng Chỉ Học Trình cũng như Học Bạ được các trường trung học VHQĐ cấp có giá trị như Chứng Chỉ Học Trình và Học Bạ của một trường trung học Công Lập, không phải qua sự kiểm nhận của Bộ Giáo Dục,

– Bổn phận: Hạng tuổi của học sinh, chương trình giảng huấn, việc bãi trường, lịch trình nghỉ lễ, thể thức cấp Chứng Chỉ Học Trình, Học Bạ v.v… đều phải thi hành đúng theo các tiêu chuẩn của Bộ Giáo Dục ấn định.

 

B-Trường Văn Hóa Quân Đội đối với con của Tử sĩ và Phế Binh

Theo nguyên tắc chính phủ đã phân nhiệm thành phần con của Tử Sĩ và Phế Binh lúc bấy giờ được Bộ Cựu Chiến Binh (Viện Quốc Gia Nghĩa Tử) phụ trách lo lắng, chăm sóc về đủ mọi phương diện. Tuy nhiên, Bộ Quốc Phòng đã tiếp tay với Bộ Cựu Chiến Binh để đem lại sự giúp đỡ, an ủi cho những chiến sĩ đã hy sinh một phần thân thể cho Tổ Quốc hay vong linh của những chiến sĩ đã anh dũng bảo vệ Quê Hương và hiện yên nghỉ trong lòng đất. Nghị Định số 352 của Bộ Quốc Phòng đã chấp thuận thu nhận cả con của Tử Sĩ và Phế Binh ở:

– Bất cứ nơi nào chưa thành lập xong trường trung học Quốc Gia Nghĩa Tử,

– Ngay cả những nơi đã có trường trung học Quốc Gia Nghĩa Tử nhưng vì thiếu phương tiện di chuyển con em Tử Sĩ và Phế Binh, Cựu Quân Nhân, muốn xin vào học một trường trung học VHQĐ ở một địa điểm gần nơi cư trú hơn.

 

C- Các trường trung học Văn Hóa Quân Đội thành lập ở Sàigòn và Gia Định

Trong niên khóa 1970-1971, Bộ Quốc Phòng (Tổng Cục CTCT, Cục Xã Hội) quản trị và yểm trợ cho 22 trường trung học VHQĐ trong 4 Quân Khu toàn cõi miền Nam Việt Nam.

Các trường trung học Văn Hóa Quân Đội trong Quân khu 3, địa bàn Sàigòn và Gia Định gồm có 9 trường sau đây:

1- Trung Học VHQĐ Sàigòn (lớp ban ngày), số 17, đường Thống Nhất (Sàigòn),

2- Trung Học VHQĐ Sàigòn ( lớp tối), số 94 , đường Phan Đình Phùng (Sàigòn),

3- Trung Học VHQĐ Quang Trung (TTHL Quang Trung, Gia Định),4- Trung Học VHQĐ Nguyễn Văn Hùng TQLC (Thủ Đức, Gia Định),

5- Trung Học VHQĐ Lam Sơn 3 (Hốc Môn, Gia Định),

6- Trung Học VHQĐ Đồng Tháp (Gò Vấp, Gia Định),

7- Trung Học VHQĐ Tân Sơn (Tân Sơn Nhất, Gia Định),

8- Trung Học VHQĐ Hải Quân (Sàigòn),

9- Trung Học VHQĐ Trần Công Ngọ (Thủ Đức, Gia Định).

 

Cổng trường trung học VHQĐ
Số 17, đại lộ Thống Nhất, Sàigòn ngày bầu cử hội đồng Đô Thành

 

D- Thành lập Trường Trung Học VHQĐ Sàigòn và Gia Định

Trong đại gia đình Trung Học VHQĐ, trường trung học VHQĐ Sàigòn (lớp tối) là trường được thành lập trước nhất vào năm 1958. Khởi đầu trường này chỉ là những lớp bổ túc văn hóa được Bộ Giáo Dục chấp thuận cho mở (Nghị Định số 25.108 GD/HV/TR ngày 1/10/1958), dành riêng cho quân nhân tại ngũ hiếu học để có phương tiện trau dồi thêm kiến thức và chuẩn bị tham dự các kỳ thi: Trung Học Đệ Nhất Cấp, Tú Tài I và Tú Tài II.

Với đà bành trướng của QĐVNCH lúc bấy giờ để thỏa mãn nhu cầu học vấn của con em quân nhân, những lớp bổ túc văn hóa nêu trên đã được biến cải thành một trường trung học VHQĐ với đầy đủ các lớp từ lớp 6 (Đệ Thất) đến lớp 12 (Đệ Nhất). Vì trường đang lúc xây cất chưa xong nên phải tạm mượn phòng ốc của Trường Trung Học Lê Văn Duyệt, 94 Phan Đình Phùng, Sàigòn (lớp tối) là một trong những trường trung học VHQĐ lớn nhất và hoạt động rất có quy cũ và hữu hiệu. Hàng năm tỉ lệ thí sinh thi đậu Tú Tài II (đặc biệt Ban C) luôn luôn cao nhất trong số 22 trường trung học VHQĐ trên toàn quốc.

 (Phụ chú : Tại địa điểm số 94, đường Phan Đình Phùng, Sàigòn là trường tiểu học Phan Đình Phùng . Sau này, trường này đổi tên thành Nam Tiểu Học Lê văn Duyệt. Xem thêm chi tiết về Trường Nam Tiểu Học Lê Văn Duyệt trong Phụ đề 2 của bài Trường Nguyễn Trãi của cùng tác giả).

Nguyễn Sơn (trái) và Trần Quốc Dũng khi cả hai cùng học lớp 6 niên khóa 1968-1969

 

Năm 1965 , trường VHQĐ Sàigòn (lớp ngày) được thành lập để thu nhận khoảng 500 học sinh không được tiếp tục theo học tại trường trung học Quốc Gia Nghĩa Tử, lý do những em này là con quân nhân tại ngũ thay vì con của Phế Binh và Tử Sĩ.

Trường VHQĐ Sàigòn (lớp ngày) tọa lạc tại trung tâm điểm Sàigòn trong một khu vực hành chánh và ngoại giao quan trọng nhất thủ đô (số17,đại lộ Thống Nhất). Ngoài ra Bộ Giáo Dục còn biệt phái ông Hà Đạo Hạnh, giáo sư Đệ Nhị Cấp, sang làm hiệu trưởng trường VHQĐ Sàigòn (ngày), một trường có từ lớp 6 đến lớp 12 với đầy đủ uy tín đối với Bộ Giáo Dục và phụ huynh học sinh.

 

Bên phải hình là cổng trường Văn Hóa Quân Đội trên đại lộ Thống Nhất, đối diện thành Cộng Hòa xưa -Sàigòn năm 1970 (Ngày nay là khách sạn Sofitel Plaza).
– Photo by Artzkat -Hình trích từ tài liệu [2].

 

Trường Văn Hóa Quân Đội trên đại lộ Thống Nhất,

mang tên Thống Nhất năm 1970-1975
– Hình trích từ tài liệu [2].

 

Năm 1966, trường trung học VHQĐ Quang Trung được thành lập tại Trung Tâm Huấn Luyện (TTHL) Quang Trung ở tỉnh Gia Định.

Tại TTHL Quang Trung, một nơi luôn có trên 10.000 quân nhân thụ huấn. Trường trung học VHQĐ Quang Trung có 20 lớp, là một trường trung học Đệ nhị cấp lớn vào hàng thứ hai của các trường VHQĐ với một ban giám đốc nhiều thiện chí, một ban giáo sư với nhiều kinh nghiệm, đầy đủ khả năng cùng sự tích cực giúp đỡ của vị Chỉ Huy Trưởng cũng như Bộ Chỉ Huy TTHL Quang Trung. Trường đã mang lại lợi ích thiết thực cho quân nhân cơ hữu của Trung Tâm và giúp cho tân binh quân dịch có niềm tin vững chắc là chính phủ luôn quan tâm đến con em quân nhân, trong đó có cả họ.

Năm 1970-1971 : Thành lập cùng lúc 14 trường Trung Học VHQĐ.

Vào thời điểm 1970-1971, giá sinh hoạt đắt đỏ trong khi trường trung học công lập khan hiếm mà học phí tại các trường trung học tư thục lại quá cao.

Nhằm giúp đỡ cho con em quân nhân với đồng lương cố định có điều kiện tiến thân trên đường học vấn,những địa điểm đã có sẵn phòng ốc khang trang, có trại gia binh, có nhiều trường Tiểu Học Quân Đội tọa lạc trong vùng phụ cận đã được lựa chọn để thành lập trường.Từ đó Bộ Quốc Phòng đã quyết định thành lập cùng lúc 14 trường trung học VHQĐ gồm những trường có tên sau:

Đô Thành Sàigòn và Gia Định : Lam Sơn 3, Nguyễn Văn Hùng TQLC, Đồng Tháp, Tân Sơn, Hải Quân , Trần Công Ngọ ,

Các nơi khác : Lữ Đình Sơn, Hùng Vương, Lam Sơn 2, Nguyễn Viết Quý, Lê Lợi, Nguyễn Văn Hùng SĐ5/BB, Dương Văn Châu, Dương Quan Sang.

Kể từ năm này , toàn quốc có 22 Trường Trung Học VHQĐ.

Mặt khác, theo tài liệu [3] : Giáo sư Nguyễn Văn Dũng, cựu sĩ quan không quân, cựu hiệu trưởng của trường Văn Hóa Quân Đội Tân Sơn nằm trong vành đai phi trường Tân Sơn Nhất, cho biết, “Vào khoảng những năm 1968-1969, Cục Xã Hội đã khám phá tại miền Nam có 16 trường tiểu học nằm trong vòng đai của các đơn vị quân đội VNCH bảo vệ, những học sinh đang học ở đó phần nhiều là con của quân nhân đang đồn trú ngoài tiền tuyến thì phải chấp nhân là con nhà nghèo, không có cha ở nhà để kèm cho con cái học giỏi được.

Vì thế, khi chúng học xong tiểu học để chuẩn bị thi vào các trường trung học công lập thì các em nhỏ nầy sẽ không được tuyển chọn rất nhiều, nên bắt buộc các em phải ghi danh vào những trường trung học tư thục, mà khi các em vào học những tư thục, vì cha em lại nghèo, không đủ tiền đóng học phí. Vì thế, Cục Xã Hội Quân Lực VNCH mới xin Bộ Quốc Gia Giáo Dục nên thăng tất cả 16 trường tiểu học đó lên thành những trường Trung Học Văn Hóa Quân Đội.” (thay vì 14 như đã ghi trong tài liệu). (Chi tiết về việc thành lập các trường tiểu học quân đội được trình bày trong Phụ đề).

Theo tài liệu [4] : Giáo sư Nguyễn Văn Dũng nói rằng “sai lầm hết sức thời ấy khi cho rằng các quân nhân VNCH, vì phải chiến đấu để bảo vệ đất nước nên không có thì giờ dạy bảo con em mình, do đó các học sinh Văn Hóa Quân Đội không sáng giá bằng học sinh các trường nổi tiếng.Nhưng khi vào dạy tại trường, tôi mới thấy học sinh Văn Hóa Quân Đội cũng giỏi không thua kém học sinh các trường công khác, đôi khi còn giỏi hơn nữa vì các em thuộc con nhà binh, từ các giáo sư cho đến học sinh, đều tuân thủ kỷ luật thật nghiêm minh, từ tác phong bên ngoài như đi học phải chỉnh tề đồng phục, với áo trắng quần đậm màu, có phù hiệu tên trường và bên cánh tay trái có mang huy hiệu Tổ Quốc Học Đường’’.

Vài giáo sư trường VHQĐ theo tài liệu [3,4] : Hà Đạo Hạnh (hiệu trưởng), Nguyễn Văn Dũng (hiệu trưởng),Dương Ngọc Sum, Đỗ Châu Huyền (dạy môn Anh Văn tại trường Văn Hóa Quân Đội Sàigòn), Nguyễn Thị Minh Hương, Ngọc Thúy, Nguyễn Minh Nguyệt, Dương Ngọc Chu, Trần Ngọc Chất, Nguyễn Địch Hà, Vũ Ngọc Cảnh, Trần Ngọc Chất…

Theo tài liệu [3] : Bài hát “Văn Hóa Quân Đội Hành Khúc,” sáng tác của giáo sư Nguyễn Văn Quang, là bài hát chính thức của trường VHQĐ,học trò hát và chào cờ vào những sáng Thứ Hai hàng tuần trước khi vào lớp học. Học sinh của trường luôn thể hiện tinh thần huynh đệ chi binh, dù sao cũng là con em của chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa.

Sau 30 tháng Tư, 1975, sau khi giặc cộng cưỡng chiếm được miền Nam. Chúng đã tịch thu hàng trăm trường trung học, công cũng như tư. Rất nhiều trường đã bị đổi tên hay dời vị trí hay giải thể. Nhưng, chỉ có 22 trường trung học Văn Hóa Quân Đội thì bị ngụy quyền cộng sản hủy diệt hoàn toàn (tài liệu [3]).

 

Phụ đề: Việc thành lập các trường tiểu học quân đội

Theo tài liệu [1] : Các trường tiểu học quân đội được các đơn vị thành lập như sau: Trước 1975, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa có hàng triệu quân. Ngoài những đơn vị hoạt động nơi tiền tuyến, các đơn vị cấp Trung Đoàn, Tiểu Khu, Quân Trường, TTHL và các đơn vị cấp tương đương hoặc lớn hơn, đồn trú nơi hậu phương. Những quân nhân có gia đình tùy theo cấp bậc được đơn vị cấp cho cư xá Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan hoặc Trại Gia Binh. Có gia đình là có con em. Để giải quyết việc học hành được thuận tiện cho con em, các đơn vị đều thành lập một Trường Tiểu Học VHQĐ. Từ phòng ốc, phương tiện giáo huấn, giáo viên phụ trách… đều do đơn vị tự đảm trách (Phòng Xã Hội, thuộc Khối Chiến Tranh Chính Trị). Về chương trình học được áp dụng theo chương trình bậc Tiểu Học Công Lập của Bộ Giáo Dục quy định. Tùy theo nhu cầu học sinh, nhiều hay ít, để tổ chức các lớp học từ 1 đến lớp 5. Việc giáo dục văn hóa con em bậc Tiểu Học rất thuận lợi và đem lại hiệu quả tốt đẹp. Do đó các Trường Tiểu Học Quân Đội được thành lập rất nhiều.

Tài liệu tham khảo:

1.                  Hồ Đắc Huân – Chào Mừng Hội Ngộ Cựu Học Sinh Trung Học Văn Hóa Quân Đội – Việt Báo – 08/04/2016.

2.                  Quan Nguyen Thanh- Dân Sàigòn xưa-Tài liệu lịch sử hiếm qúy về 22 trường trung học Văn Hóa Quân Đội trên toàn quốc – Facebook -13/11/2016.

3.                  Ngự Bình/Việt Mỹ- Trường Văn Hóa Quân Đội hội ngộ lần thứ 5 – News Paper Viet My.

4.                  Trường Văn Hóa Quân Đội Sàigòn hội ngộ nhân 50 năm thành lập trường- Người Việt -20/04/2018.

 SOURCE:

https://baovecovang2012.wordpress.com/2020/11/16/truong-trung-hoc-31/8/?fbclid=IwAR07SmOLgzCnRfeQtfGjflW8d3DRe0ABmQDtOKX-iliFKZu1soOPHicBGAs 

 

No comments:

Post a Comment