(Viết theo tường thuật của Y Tá Hoàng Thiều)
Nối tiếp chí hướng thân phụ là Trung Sĩ Hoàng Tuy, thuyền trưởng L.C.V.P của Đai Đội Giang Hạm 3 từ tháng 1 năm 1954, sau đó Đại Đội Giang Hạm di chuyển vào Nam. Ngày 1 tháng 1 năm 1956 ông thuyên chuyển về TĐ2/TQLC, sau đó ông bị thương và chuyển qua Đơn Vị Quản Trị Liên Khu I - 5 và Thủ Đô rồi giải ngũ với cấp độ tàn phế 100% ngày 16 tháng 8 năm 1958. Dòng máu TQLC của cha trong huyết quản, tôi (Hoàng Thiều) tình nguyện vào Binh Chủng TQLC tại bệnh viện Lê Hữu Sanh. Trải qua khóa huấn luyện căn bản quân sự ở Trung Tâm Huấn Luyện Rừng Cấm rồi tiếp nối các bài học và thực tập về quân y ngay tại Bệnh Viện Lê Hữu Sanh, tháng 1 năm 1971, tôi được bổ sung ra hành quân, phục vụ tại Đại Đội Quân Y LĐ 369/TQLC đóng tại bệnh viện Quảng Trị. Thời gian này Bác Sĩ Trương Thìn Đại Đội Trưởng và Bác Sĩ Hoàng Cơ Trường Đại Đội Phó. Khi Bác Sĩ Trường làm đại đội trưởng được 4 tháng thì tôi xin ra Trung Đội Quân Y TĐ9/TQLC. Tại đơn vị này tôi được Y Sĩ Trung Đội Trưởng biệt phái đi các đại đội như Đại Đội 4 (Đại Úy Nguyễn Minh Trí), Đại Đội 3 (Đại Úy Đoàn Văn Tịnh), tôi bị thương do địch pháo kích dữ dội trước giờ ngưng bắn ngày 27 tháng 1 năm 1973.
Bác Sĩ Hoàng Cơ Trường giữ tôi ở lại phục vụ bệnh xá của lữ đoàn. Thời gian này tôi phụ giúp Bác Sĩ Huỳnh Văn Chỉnh Y Sĩ Điều Trị LĐ 369/TQLC. Tháng 1 năm 1974 tôi trở về lại Tiểu Đoàn Quân Y.
Khi Đại Tá Ngô Văn Định thành lập Lữ Đoàn 468, tôi được chuyển ra Đại Đội Quân Y LĐ 468 mà Bác Sĩ Thân Hoàng Long Đại Đội Trưởng, tôi làm việc ở bệnh xá và trách nhiệm giữ kho thuốc.
Cuối tháng 3 năm 1975 LĐ468 triệt thoái từ Đà Nẳng về đến Vũng Tàu, BCH LĐ 468/TQLC đóng tại căn cứ Long Bình. Ngày 28 tháng 4 tôi nhận lệnh vào tản thương cho Tiểu Đoàn 1 TQLC, tôi theo chiếc xe jeep hồng thập tự do Hạ Sĩ I Sự lái, Hạ Sĩ Bình lái xe Dodge cứu thương (ambulance) chạy đến vị trí theo sự hướng dẫn của tiểu đoàn. Trên xe mọi người trang bị đầy đủ vũ khí phòng khi hữu sự. Rời trạm xá Quân Y LĐ 468, xe ra cổng số 9 của căn cứ Long Bình rồi chạy trên Quốc Lộ 15 hướng về Long Thành. Đến ngã 3 Thái Lan vào Trường Thiết Giáp, hai bên đường trống trải chỉ có những bụi chồi thấp, xe chạy trên đường cuốn theo đám bụi nhỏ phía sau. Tới điểm hẹn, xe jeep chở được 6 thương binh nhẹ, xe Dodge được 14 người gồm bị thương nặng và nhẹ. Lúc chạy về gặp từng tốp người dân đi trên Quốc Lộ 15, từ dốc 47 đến Long Bình dân tràn trên lộ cản lối xe chạy, sợ VC lẫn lộn trong dân chúng và để bảo vệ an toàn cho 2 chiếc xe, những thương binh nhẹ cố gắng cầm súng chĩa ra hai bên đường, xe hồng thập tự trương cờ, hụ còi lúc đó vào khoảng 1 giờ chiều. Về đến bệnh xá Bác Sĩ Long, BS Hồng, BS Bảng, lo điều trị các thương binh ngay lập tức, trong đêm mọi người đều nghe tiếng súng và pháo binh nổ vọng lại thật gần, tuy nhiên mọi người vẫn có được một đêm an lành nơi đây.
Sáng ngày 29 tháng 4 tôi lại nhận lệnh tản thương, do yêu cầu của tiểu đoàn, chúng tôi chất thêm lên hai xe cứu thương một số đạn dược, M.72, lựu đạn M67, chúng tôi theo sự hướng dẫn của Tiểu Đoàn 1 đến điểm hẹn giống như ngày hôm qua nhưng khác vị trí. Lúc này trên Quốc Lộ 15 người dân chạy trốn giặc Cộng Sản từ hướng Bà Rịa ùn ùn đổ dồn về ngã 3 đi Vũng Tàu (giao điểm xa lộ Biên Hòa và Quốc Lộ 15), chắc chắn có bọn VC trà trộn vào đó. Trong lúc đi đến điểm hẹn, nghe tiếng các loại vũ khí đua nhau nổ xa xa về hướng đi trước mặt, Hạ Sĩ I Sự chạy chậm lại để bảo đảm sự an toàn tránh đi lạc vào vùng có địch. May mắn tới đúng điểm hẹn, các cánh quân đang chiến đấu ngăn nhận VC cách xa gần 1 cây số. Trên xe jeep chở những thương binh nhẹ, xe Dodge ambulance có 6 thương binh nặng, một thương binh có thể ngồi được ở phía trước với tài xế.
Ra Quốc Lộ 15, dòng người dầy đặc, xe nối đuôi nhau tại dốc 47, mặc dù có hụ còi nhưng cũng không thể nào vượt qua được. Sợ VC trà trộn có thể gây điều không tốt cho thương binh trên xe, vài anh em còn cầm súng được sẵn sàng theo thế tác chiến bảo vệ 2 chiếc xe. Vào cổng số 9 của căn cứ Long Bình, rồi dừng lại tại bệnh xá của Lữ Đoàn 468, tất cả thương binh được chuyển vào trạm xá, Bác Sĩ Thân Hoàng Long cùng các y tá xem xét lại vết thương, thuốc men cùng săn sóc cẩn thận. Bác Sĩ Long báo về Tiểu Đoàn Quân Y tổng số cùng tình trạng các thương binh rồi sau đó qua tần số với BCH Lữ Đoàn 468 để xin tản thương, lúc đó khoảng 5 giờ rưỡi chiều nhưng không sao liên lạc được, một số thương binh đau nên rên la dữ dội. Bác Sĩ Long nhờ tôi chạy qua bên lữ đoàn xem họ có rút đi hay có chuyện gì xảy ra mà ông gọi mãi không trả lời. Khi vào T.O.C của Lữ Đoàn 468 không thấy ai, tôi tức tốc chạy ngay trở về cho Bác Sĩ Long biết, nghe tôi trình bày, lập tức Bác Sĩ Long cho lệnh chuẩn bị di chuyển. Trước tiên là đem theo dụng cụ y khoa, kế tiếp là chở hết số thương bệnh binh nơi bệnh xá. Hiện tại chỉ có 2 xe jeep hồng thập tự và 2 xe Dodge ambulance như vậy thì không làm sao chở hết anh em được. Một số thương binh trông thấy tình trạng đó họ khẩn khoản van nài:
- Cứu em bác sĩ ơi!
- Đừng bỏ em bác sĩ ơi!
Tôi cùng Hạ Sĩ I Hồng và anh Định (tài xế mới bổ sung cho đại đội quân y) chạy qua khu vực của đơn vị bộ binh, tìm được 2 xe ambulance, sẵn có xăng của họ bỏ lại chúng tôi đổ đầy hai bình xăng, lục lạo thấy có gạo, thịt hộp cùng lon trái cây, có lẽ nơi đây là đơn vị tiếp liệu của Bộ Binh, chúng tôi chất một ít thực phẩm khô với đạn dược, mìn claymore lên xe rồi lái về bệnh xá. Bốn xe Dodge ambulance chở các thương binh nặng, thương binh nhẹ trên hai chiếc jeep hồng thập tự. Sau khi các thương binh lên hết các xe, Bác Sĩ Thân Hoàng Long mời các tài xế và ban quân y để trình bày kế hoạch di chuyển về bệnh viện Lê Hữu Sanh, xe nào chạy trước và phải chạy như thế nào, các tài xế phải cố bám sát với nhau. Trạm xá gần cổng số 9 của căn cứ Long Bình nhưng tình hình bên ngoài cổng dân chúng chạy giặc đông đảo, Bác Sĩ Long quyết định lên đường theo cổng số 10 ra Tam Hiệp cho an toàn.
Xe của Hạ Sĩ I Sự dẫn đầu, trương cờ hồng thập tự và hú còi, kế tiếp là xe của tài xế Định có Bác Sĩ Thân Hoàng Long ngồi ghế trưởng xa, nhưng ở chính giữa vì tôi ngồi bên tay phải bác sĩ và sát cửa, kế tiếp là 2 xe Dodge ambulance cơ hữu của TQLC và sau cùng là 2 xe Dodge ambulance của bộ binh, tay tôi giữ chặc súng M16 phòng khi bất trắc. Đây không phải là chuyến tản thương bình thương như trước kia nữa vì VC trà trộn vào dòng người chạy giặc, chúng có thể phục kích ở một vị trí nào đó hoặc bắn vào đoàn xe chạy ngang qua. Vì thế trên mỗi xe tản thương, y tá và thương binh còn có thể xử dụng vũ khí, tất cả được trang bị súng M 16 chĩa ra hai bên đường. Bên ngoài cổng số 10, một số binh lính rã ngũ nhào tới muốn leo lên, anh em y tá và thương binh có súng liền bắn chỉ thiên nên những người lính này dạt ra xa. Xe của Hạ Sĩ I Sự dẫn đầu chạy chầm chậm về hướng Sàigòn để các chiếc sau kịp nối đuôi, dọc đường gặp nhiều chiếc quân xa chạy ngược chiều, họ ra dấu bảo cho xe quay lại về hướng Long Khánh, lúc này Bác Sĩ Long nhất quyết tiếp tục chạy hướng về Sàigòn. Khi tới con dốc nhìn thấy ngã 3 đi Vũng Tàu, xe Bác Sĩ Long dừng lại chờ các xe phía sau, Bác sĩ Long đã nói với các tài xế đàng sau là:
- Khi xe tôi chạy thì các cậu phải chạy theo tôi, và phải bám theo thật là sát,
Lúc đó mấy xe chạy ngược chiều cho biết VC đã chiếm bên trái ngã 3 đi Vũng Tàu, Bác Sĩ Long lại thông báo lần nữa cho các tài xế cái quyết định sau cùng là vẫn cứ chạy, hai xe jeep trương cờ hồng thập tự hú còi lao về phía trước dẫn đường, trên các xe tất cả súng chĩa ra ngoài với tư thế sẵn sàng chiến đấu., Khi chiếc xe Hạ Sĩ I Sự vượt qua ngã 3 và sắp lên cầu Đồng Nai, thì VC bắn 2 trái đạn B40 bay qua đầu hai chiếc jeep, may mắn lúc đó toán quân nhân bố trí trên cầu trông thấy vội vàng kéo các vòng kẻm gai cho đoàn xe chạy thẳng qua cầu. Khi chạy ngang qua Nghĩa Trang Biên Hòa, tôi nhìn bức tượng Thương Tiếc bổng dưng lòng lắng xuống, tôi thì thầm lời cám ơn Chúa đã che chở đoàn xe. Gần tới ngã rẽ vào căn cứ Sóng Thần chúng tôi gặp được vài người dân và tài xế những chiếc xe lưu ý coi chừng bị phục kích, thay vì chạy vào căn cứ Sóng Thần để đến bệnh viện Lê Hữu Sanh, Bác Sĩ Long quyết định chạy thẳng về Sàigòn.
Đến cầu Phan Thanh Giản xe dừng lại, một đơn vị của Nhảy Dù trấn giữ cầu không cho bất cứ một ai đi vào Sàigòn, người sĩ quan chỉ huy đơn vị Nhảy Dù ra gặp Bác Sĩ Long, sau khi được biết đoàn xe tản thương binh của LĐ468 TQLC và nhìn thấy các thương binh, vị sĩ quan Nhảy Dù gọi máy liên lạc trình bày với thượng cấp, một phút sau ông này ra lệnh kéo các vòng kẻm gai, ông nói với Bác Sĩ Long:
- Giờ phút này ở Sàigòn nội bất xuất, ngoại bất nhập, Bác Sĩ dự tính chở thương binh về đâu?
Bác Sĩ Long trả lời:
- Tôi nghĩ sẽ đến Tổng Y Viện Cộng Hòa hay bệnh viện Trần Ngọc Minh, tùy thuộc tình hình cho phép.
- Theo tôi Bác Sĩ nên đi thẳng về bệnh viện Trần Ngọc Minh, số thương binh nặng cần được điều trị gấp. Đường về Tổng Y Viện Cộng Hòa nhiều nút chặn, phiền phức và mất thì giờ.
- Cám ơn anh và đơn vị Nhảy Dù đã giúp chúng tôi.
Đoàn xe theo đường Phan Thanh Giản vào thành phố. Qua một số điểm kiểm soát, đoàn xe đến bệnh viện Trần Ngọc Minh, các thương binh nặng được đưa ngay vào phòng cấp cứu. Bác Sỉ Long cùng tôi và các y tá giúp săn sóc các thương binh, bên ngoài trời tối đen gần 10 giờ đêm ngày 29 tháng 4 năm 1975.
Những ngày cuối cùng 28 và 29 của tháng 4 mọi người chúng tôi đều vất vả, ăn uống thất thường, mệt mỏi và lo âu vì trách nhiệm, chỉ chợp mắt đôi chút hay dựa bên thành xe ngủ gật gù. Bác Sĩ Thân Hoàng Long và toán Quân Y LĐ468 đóng ở căn cứ Long Bình đã tản thương được hết toàn bộ thương binh, không một ai bị bỏ lại. Bác Sĩ Thân Hoàng Long đã làm tròn nhiệm vụ của người Y Sỉ Trưởng LĐ 468/TQLC với thương binh và bổn phận của cấp chỉ huy Đại Đội Trưởng Đại Đội Quân Y LĐ 468 với thuộc cấp, ông ở lại sát cánh bên họ trong cảnh hỗn loạn, có quyết định hợp lý và nhanh chóng, điểm chính yếu là không bỏ sót một thương binh nào, không bỏ rơi thuộc cấp tìm an toàn cho riêng bản thân, họ là những người lính chỉ biết tiến ra mặt trận vì bảo vệ quê hương, vì danh dự binh chủng, một lòng cùng sống chết với cấp chỉ huy và chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi mà thượng cấp ít ai quan tâm đến.
Tôi nhìn bầu trời đêm, tiếng đại bác và súng của các đơn vị VNCH vẫn còn tại vị trí đang chiến đấu ngăn chặn quân CSBV xâm lược, nghĩ tới sự hy sinh của những người lính và chuyến tản thương vừa qua, tôi nở nụ cười mãn nguyện và hình như có một chút vị đắng trên bờ môi.
MX Giang Văn Nhân
(Viết theo tường thuật của Y Tá Hoàng Thiều, TĐQY/SĐTQLC)
No comments:
Post a Comment