Friday, March 17, 2023

NỢ MỘT ĐIỀU CHƯA NÓI….

 



Hình phía trên là cổng  quân trường Đồng Đế Nha Trang . Hình phía dưới chụp ngày 07/07/70 là ngày mãn khoá 6/69 của chúng tôi . Đội hình các tân sĩ quan sau khi được gắn lon chuẩn uý đang chuẩn bị đi diễn hành cuối khoá trước khi từ giã quân trường để ra mặt trận

Quân trường Đồng Đế là nơi huấn luyện cấp hạ sĩ quan cho Quân lực VNCH. Bắt đầu 1968 sau vụ tổng tấn công tết Mậu Thân của việt cộng mà phía Hà Nội đứng phía sau, chính phủ nước Việt Nam Cộng Hoà phía nam đã ra lệnh tổng động viên . Vì thế trường được khuếch trương để đảm nhiệm thêm đào tạo sĩ quan trừ bị cho quân lực

Quí bạn có để ý phía sau cổng quân trường in đậm trên bầu trời là dãy núi với hình dạng của một người con gái nằm xoã tóc. Đó là núi Cô Tiên mà vào những đêm trăng nằm ứng chiến ở vũ đình trường hình người thiếu nữ hiện rõ trên vòm trời đã tạo cho trong tôi có nhiều cảm xúc vô cùng khó tả . Dưới chân dãy núi có một ngọn thấp hơn tên Hòn Khô . Trên đỉnh núi này có một bức tượng nghe nói được một khoá sinh hạ sĩ quan nguyên là một điêu khắc gia thực hiện vào những năm có khoá hạ sĩ quan đầu tiên của quân trường Đồng Đế . Bức tượng được dùng xi măng đúc với hình dáng của một người lính đứng trong tư thế thao diễn nghĩ cùng khẩu garand M1 sơn màu trắng. Bức tượng cao 25 mét nên bất cứ ai ngồi trên xe đò từ Ninh Hòa vô Nha Trang trên quốc lộ 1 khi xổ hết dốc đèo Rù Rì từ ngoài đường đều có thể nhìn thấy . Sau khi có bức tượng đó thì xuất hiện hai câu thơ “ Anh đứng ngàn năm thao diễn nghĩ . Em nằm xoã tóc đợi chờ ai “ truyền khẩu cho mãi đến bây giờ

Tôi theo học khoá 6/69 SQTB Nguyễn Viết Thanh nên tôi không biết những khoá trước tôi hay sau tôi trong ngày làm lễ gắn alpha thế nào . Chứ riêng khoá tôi thì tất cả khoá sinh dự bị sĩ quan đều thức dậy từ tờ mờ sáng để thực hiện một cuộc hành quân có tên gọi là “ chinh phục hòn Khô “ . Nghĩa là chúng tôi với ba lô súng đạn đầy đủ bắt đầu dưới chân núi và đi dọc theo sườn đồi quanh co suốt một ngày ròng rã với mục tiêu cuối cùng là bức tượng người lính đứng thao diễn nghĩ . Chúng tôi phải thực hiện thủ tục sờ tay vào chân tượng như để nhận sự uỷ thác và ký gửi hứa hoàn thành tiếp đoạn đường chiến binh sẽ phải đi . Sau đó thì súng cầm tay hô to xung phong rồi chạy thẳng từ trên đỉnh xuống để làm lễ gắn alpha . Với chiếc ba lô nặng ít nhất 20 ký trên lưng sau một ngày lội rừng mồ hôi đã đổ ra không biết bao nhiêu lít mà kể , chúng tôi đứa nào đứa nấy đều muốn hộc xì dầu . Lễ gắn alpha luôn tổ chức vào ban đêm dưới ánh đuốc . Sau khi được gắn alpha chúng tôi mới được trở thành sinh viên sĩ quan , chứ trước đó thì tên gọi của chúng tôi là khoá sinh dự bị sĩ quan . Ngày đầu tiên trở thành sinh viên sĩ quan chúng tôi có 8 giờ phép ra phố ngoài áo quần ủi hồ thẳng thóm giày bóng lưỡng có thể nhe thấy răng còn phải kèm theo những điều luật cấm như sau :

- nếu đi xe đò hoặc xe lam đều phải ngồi trước với tài xế chứ không được ngồi sau . Nếu đón chiếc xe nào mà đã có người dành hai chỗ đó rồi thì ráng đợi chiếc sau

- Nếu có vô rạp xem phim thì mua vé hạng nhất tệ lắm là hạng nhì nếu không đủ tiền thì khỏi xem

- Khi bước vô quán ăn hay quán cà phê phải chào tay bảng hiệu của quán . Và khi ngồi trong quán thì phải chọn ghế hướng mặt nhìn ra đường ( tôi nhớ lần bước vô quán pate chaud sữa đậu nành ở góc đường Độc Lập - Công Quán Nha Trang tôi đưa tay chào bảng hiệu bị mấy cô áo trắng bụm miệng cười chọc quê , kể từ đó tôi sợ luôn con gái Nha Trang)

- Nếu đi chung với phái nữ thì đi bên cạnh không được nắm tay và ngực phải ưỡn thẳng phía trước không được ngó láo liên ( sau này tôi có quen một cô và áp dụng luật này kết quả cô bạn đó gài số de vì chê cù lần)

Năm 70 tôi ra trường được thuyên chuyển về Darlac. Khỏi phải nói, ai cũng biết đó là vùng cao nguyên với núi và rừng . Tôi sống trong rừng nhiều hơn sống dưới đồng bằng nên tha hồ mà lội . Lội rừng suốt năm suốt tháng như vậy nhưng thỉnh thoảng vẫn nhớ Hòn Khô ở Đồng Đế với dãy núi cô gái nằm xoã tóc và người lính ngàn năm thao diễn nghĩ . Chiến tranh ở ngay trước mặt, tôi không được phép thao diễn nghĩ nên vẫn còn hoài thắc mắc không biết cô gái đợi chờ ai với tháng năm dài phơi sương cùng tuế nguyệt . Chắc chắn là không phải đợi chờ tôi bởi vì theo dòng lịch sử đẩy tôi đi về phía trước thì hình bóng cô gái xoã tóc ấy khuất nẽo lại phía sau . Tôi loay hoay bì bõm giữa hai dòng đẩy sém chết mấy lần. Tôi chưa được chết cho nên không có kinh nghiệm nói về điều đó, nhưng tôi đã từng được sống và trên thế gian này nếu sống chỉ là một sinh hoạt theo nhu cầu ngày hai buổi và cứ thế tiếp diễn đến ngày nằm xuống gọi là chết thì sống và chết có gì khác nhau ? Vì thế cái chết chưa chắc hẳn đã là điều phải sợ. Riêng tôi giả dụ như nếu trong tâm lý có sự hiện diện của trạng thái sợ chết chẳng qua tôi còn thèm sống để nuôi một hy vọng nhỏ nhoi đó là đất nước tôi sẽ được chuyển mình

Cuối cùng từ một người lính tôi trở thành một người tù, tôi không còn bì bõm bơi trên dòng chinh chiến nữa mà bơi qua biển Thái Bình Dương trở thành người biệt xứ . Giờ đây sau những giây phút an bình hạnh phúc hay những lúc gian nan khốn nhục hình ảnh người lính đứng trên đỉnh Hòn Khô ở Đồng Đế Nha Trang vẫn lừng lững xuất hiện trong giấc mơ, bắt nhịp từ bờ dĩ vãng bước qua bến tương lai . Tôi vẫn phải tiếp tục bước đi cho dù đi cà nhắc

Ngày xưa thuở còn đi học thầy dạy té từ chổ nào thì đứng dậy từ chổ đó, nhưng giờ đây từ nơi tôi đứng dậy hành trang đầy nặng trĩu hình bóng của quê nhà . Tôi còn đang mệt mỏi khom mình thì một cái vèo như chớp mắt, người lính năm nào nay đã là một lão già đang chờ Nam Tào điểm danh đến lượt mình

Từ khi đặt tay chạm vào chân bức tượng người lính trên đỉnh Hòn Khô nhận lời uỷ thác của tổ quốc giao cho mà không chu toàn nhiệm vụ . Xem như tôi vẫn còn mắc nợ tổ quốc tôi một điều chưa nói

Núi kết núi dáng em nằm xõa tóc

Đợi chờ ai mà năm tháng mõi mòn

Thành phớ biển cùng em trong tiềm ức

Ta nhớ mình còn có một Nha Trang

Nha Trang với cánh chim trời bay lạc

vào hồn ta hót tiếng hót nhẹ nhàng

Chia tóc em thành hai bờ trái đất

Nửa ở bên này nửa ở cố hương

Nửa ở bên này dòng sông em chảy

Len êm đềm qua ngõ ngách đời ta

Có chuỗi nắng ai xâu từ ký ức

Đeo nụ hôn lên gò má trắng ngà

Có giọt biển xưa chạy vòng khoé mắt

Như bóng hoàng hôn quanh quẩn nỗi sầu

Từ New Orleans ngồi nhớ về cổ tháp

Nối nụ buồn vào mắc xích hư vô

Chiều xa xứ vàng hồn ai vật vã

Rót thời gian xuống dòng nước xanh trong

Con đường cũ hỏi khi nào trở lại

Để bao giờ biển mặn được vầng trăng

Mơ một giấc mơ về một thành phố

Cổng nhà ta xưa dĩ vãng chứa đầy

Có tiếng guốc em đi từ một buổi

Cùng lời thề ước nguyện ở đâu đây

Cuộc sống vốn có nhiều điều khác biệt

Cuộc đời ta và em chẳng giống nhau

Ta có một tuổi thơ đầy khánh kiệt

Tuổi thơ em dòng sữa ngọt ca dao

Ta trải qua thời chiến tranh gian khổ

Thành trái cây lột vỏ vứt ngoài đường

Em là giọt sương bón ta nhú rễ

Nứt xuân thì trên cuối biển đầu non

Rừng hành quân xưa mùa này sim nở

Nghe bên tai tiếng bìm bịp kêu chiều

Nỗi thấm đó giải thích sao em hiểu

Dĩ vãng của ta buồn như tương lai

Mưa xuống núi trôi Nha Trang ra biển

Xưa bày em môn đánh lưới ái tình

Tay lớ ngớ bủa ra ngoài vô vọng

Mõi mắt trông vời đã mấy mươi năm

Ta mắc nợ em một điều không nói

Lịch sử đi qua phá sản ngôn từ

Đêm chắc lưỡi tiếng thạch sùng quá khứ

Nếu có luân hồi xin hẹn kiếp sau

 

 BONUS:

SĨ QUAN TRỪ BỊ / DỰ BỊ / HIỆN DỊCH của QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA

1/ Sĩ quan trừ bị là chỉ khoác áo lính khi đất nước có nhu cầu chiến tranh cần đến . Khi nào không còn chiến tranh nữa thì trở về đời sống dân sự.

2/ Gọi "dự bị" là gần với để dành chờ bổ sung; còn "trừ bị" là tại vị có thời hạn nhưng đáp ứng trong tình hình cấp bách!

3/ Bị: dự sẵn; dự bị: sắp sẵn trước; Trừ bị: trữ sẵn đó. Chữ Trừ (
) trong trừ bị có nghĩa là chứa cất, lưu giữ.
Ở miền Nam thời gian này, sinh viên dự bị y khoa là sinh viên đang theo học những chứng chỉ, năm học chuẩn bị cho kỳ thì vào y khoa.

Sinh viên dự bị y khoa chưa phải là sinh viên y khoa
Ngược lại, sĩ quan trừ bị đã là sĩ quan rồi, có thể giải ngũ (xuất ngũ, ra quân) sau 3 năm trong quân đội. Nhưng sau này, chiến tranh càng ngày càng leo thang, việc xuất ngũ chỉ áp dụng cho một số nhỏ (lớn tuổi, chẳng hạn). Khi xuất ngũ, có thể gọi tái động viên (vào lính trở lại) không cần qua huấn luyện nữa nên chữ trừ bị dùng là thế. Muốn học trường sĩ quan trừ bị, tối thiểu phải có tú tài bán (tú tài 1) và khi kỳ thi bãi bỏ, phải có chứng chỉ học xong lớp 11. Và phải trình diện lệnh động viên đúng ngày. Sau khi học 9 tháng, ra trường mang lon Chuẩn uý.

SĨ QUAN HIỆN DỊCH
Còn sĩ quan hiện dịch là người chọn bình nghiệp làm đường đi, phải thi vào trường Võ bị Đà Lạt, học trình từ 1967 trở đi là (gần) 4 năm (trước đó thay đổi từ vài tháng cho đến 4 năm). Tốt nghiệp ra trường đeo lon Thiếu uý.

Có chữ trừ bị trong các binh chủng quân đội nữa, đó là Tổng trừ bị. Binh chủng tổng trừ bị cho cả 4 quân khu (do Tổng Tham Mưu & Tổng Thống phân bố) là Nhảy Dù và Thuỷ Quân Lục Chiến. Binh chủng tổng trừ bị cho mỗi quân khu thôi là Biệt động Quân. Binh chủng tổng trừ bị, theo lý thuyết, theo nghĩa lưu động đánh xong rút về để đó, khi có nhu cầu một trận đánh khác thì tung vào. Nhưng sau này khi chiến tranh leo thang, thì tổng trừ bị cũng phải đóng căn cứ cố định.

Source: Trang văn chương miền Nam - Quan Duong

 .

 

No comments:

Post a Comment