Tuesday, March 21, 2023

Những ngày cuối tại Sài Gòn của TT. Nguyễn Văn Thiệu (Vương Hồng Anh)

 

Việt Nam Cộng Hòa Tôi Yêu - Mai Trâm [ VNCH ]


Diễn văn từ chức của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ─ ngày 21.4.1975 [ Việt Nam Cộng Hòa / VNCH ]

 

Những ngày cuối tại Sài Gòn của TT Nguyễn Văn Thiệu (Vương Hồng Anh)

06/10/2001

          

* Đại tướng Cao Văn Viên kể lại sự kiện Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu từ chức.
Theo hồi ký của Đại tướng Cao Văn Viên do Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ xuất bản, sau khi quân VNCH triệt thoái khỏi Cao nguyên và các tỉnh duyên hải Miền Trung (từ Quảng Trị đến Khánh Hòa), ngày 2/4/1975, suốt trong cuộc họp thường kỳ Thượng Viện VNCH, các nghị sĩ đã ra 1 nghị quyết và tổ chức bỏ phiếu với kết quả 42 phiếu thuận và 10 phiếu chống, trong đó các nghị sĩ cho rằng TT Thiệu phải chịu trách nhiệm về tình hình suy sụp bấy giờ và đòi ông phải từ chức để lập chính phủ mới. Tin đồn được loan nhanh chóng về một giải pháp chính phủ liên hiệp, trong đó có ông Trần Văn Lắm và ông Trần Văn Đỗ đứng đầu. Thật ra không có gì xảy ra cả. Ý kiến trong nghị quyết của Thượng viện cũng bị Tổng Thống Thiệu phủ quyết.

Cũng theo hồi ký của Đại tướng Cao Văn Viên, 19 ngày sau, vào ngày thứ Hai ngày 21 tháng 4, trong cuộc họp tại Dinh Độc Lập, Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố quyết định từ chức. 

Tổng Thống nói thẳng rằng Hoa Kỳ muốn ông từ chức và rằng dù ông có bằng lòng hay không thì có nhiều tướng cũng muốn ông làm như vậy. Tổng Thống còn nói sự ra đi của ông sẽ giúp mang lại nền hòa bình thật sự cho đất nước và Quân đội sẽ được nhận tiếp viện trợ. 

Theo Hiến pháp VNCH quy định thì ông sẽ trao quyền lại cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Cuối cùng Tổng Thống Thiệu yêu cầu Quân đội và Cảnh sát Quốc gia nên triệt để hậu thuẫn cho vị tân Tổng Thống.

Chiều ngày 21/4/1975, lễ bàn giao chức vụ Tổng thống VNCH diễn ra tại Dinh Độc Lập và được trực tiếp truyền hình. Trong bài diễn văn từ chức nói với Chính phủ và đồng bào trong nước, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nêu lên một số phân tích chi tiết về tình hình và lý do ông từ chức. Lần đầu tiên, ông nhìn nhận đã ra lệnh di tản khỏi Pleiku và Kontum, vì theo ông đó là phương cách duy nhất để đối phó với tình hình mỗi ngày mỗi suy sụp, nhưng ông cũng quy trách rằng các tướng đã không thi hành đúng lệnh của ông.

* Sau ngày 21-4-1975
Theo hồi ký của cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, sau khi Tổng Thống Thiệu từ chức, Tòa Đại sứ Pháp đã nhảy vào chính trường Việt Nam. Cố vấn chính trị của sứ quán Pháp là ông Brochand đã gặp cựu Trung tướng Trần Văn Đôn, lúc bấy giờ là Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng của nội các do ông Nguyễn Bá Cẩn làm Thủ tướng. Nhà ngoại giao này đã cho Phó Thủ tướng Đôn biết sứ quán Pháp có liên lạc với Hà Nội và nhấn mạnh thêm: "Nếu có thương thuyết thì Cộng sản chỉ thương thuyết với ông Dương Văn Minh mà thôi". Ông Brochand cũng cho là ông Minh cần sự hợp của cựu Tướng Đôn. Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn đã gặp cựu Đại tướng Minh và sau đó gặp Đại sứ Martin để nhờ vị đại sứ này thuyết phục Tổng Thống Trần Văn Hương trao quyền lại cho ông Dương Văn Minh. 

Theo sự sắp xếp trung gian của cựu Trung tướng Đôn và cựu Thủ tướng Khiêm, 10 giờ sáng ngày 24 tháng 4/1975, cựu Đại tướng Dương Văn Minh đã đến gặp Tổng Thống Trần Văn Hương tại tư dinh của Đại tướng Khiêm trong bộ Tổng Tham mưu. Tiếp đó, vào buổi trưa, cựu Trung tướng Đôn cũng đến nhà Đại tướng Khiêm để tìm hiểu tình hình, ông đã gặp bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, cựu Phó Thủ tướng và Nguyễn Văn Hảo, Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Canh nông của nội các Nguyễn Bá Cẩn (nội các này từ chức ngày 23/4/1975 và được yêu cầu xử lý thường vụ trong khi chờ nội các mới). Tại cuộc gặp này, các nhân vật trên đã nói là cuộc gặp gỡ vừa rồi giữa Tổng thống Trần Văn Hương và ông Dương Văn Minh đã thất bại vì ông Minh từ chối ghế "Thủ tướng toàn quyền".

Trước tình hình như thế, Đại tướng Khiêm đề nghị cựu Trung tướng Đôn nên nhận chức vụ thủ tướng để thương thuyết. Cựu Tướng Đôn đã kể cho Đại tướng Khiêm nghe lời của ông Brochand là Pháp đã liên lạc với CS Hà Nội và phía CS chỉ muốn nói chuyện với ông Minh mà thôi. Sau đó cựu Trung tướng Đôn đến thẳng Tòa Đại sứ Pháp. Các viên chức cao cấp sứ quán này lặp lại ý kiến trên và cho biết thêm rằng Cộng sản chờ đến ngày Chủ nhật 27/4/1975, nếu không tiến triển gì thì CQ sẽ pháo kích vào Sài Gòn. 

Theo lời kể của cựu Trung tướng Đôn, sau khi nghe tin này, ông lo ngại cho dân chúng sống chen chúc trong thành phố bị trúng đạn pháo của Cộng quân bắn bừa bãi, nên ông hứa sẽ cố gắng dàn xếp để tìm một giải pháp tạm thời. Chiều hôm đó, Đại tướng Khiêm điện thoại cho cựu Tướng Đôn biết là Tổng Thống Trần Văn Hương sẽ chỉ định ông Nguyễn Ngọc Huy làm Thủ tướng. Theo Đại tướng Khiêm, ông Huy là người chống Cộng triệt để nên khó có thể hòa giải được. Cựu Trung tướng Đôn điện thoại báo cho cựu Đại tướng Minh, ông Minh mời cựu Trung tướng Đôn lại nhà để bàn tính tìm một giải pháp.

Lúc 5 giờ 45 ngày 24/4/1975, cựu Trung tướng Đôn vào Dinh Độc Lập thì gặp ông Nguyễn Ngọc Huy đang nói chuyện với ông Nguyễn Xuân Phong, Quốc vụ khanh đặc trách hòa đàm, từ Pháp mới về. Vừa lúc đó, Đại sứ Martin từ trong văn phòng Tổng Thống Trần Văn Hương đi ra. Cựu Trung tướng Đôn hỏi Đại sứ Mỹ là có phải Tổng Thống Hương chỉ định ông Huy làm thủ tướng hay không. Nhưng ông Martin đã trả lời là không có chuyện đó. Thế nhưng, sau đó, Đại tướng Khiêm vào gặp Tổng thống Hương và ra báo cho cựu Trung tướng Đôn biết là ông Hương sẽ chỉ định ông Huy làm thủ tướng. Đến lượt ông Huy vào gặp Tổng thống Hương. 

Cuối cùng là Tổng trưởng Quốc phòng Trần Văn Đôn và Đại tướng Viên vào trình bày cho Tổng thống Hương tình hình quân sự: Cộng quân đang tiến sát vòng đai Sài Gòn, vũ khí, quân dụng, đạn dược thiếu, tinh thần chiến đấu của binh sĩ sa sút... Nghe xong phần trình bày, Tổng Thống Hương nhìn Đại tướng Viên và nói: "Ông sẽ Tổng tư lệnh Quân đội". Tổng Thống Hương nói tiếp rằng ông sẽ chia xẻ với số phận của anh em quân nhân trên các chiến trường, nghĩa là ông sẽ chết cùng với anh em binh sĩ.

Trước khi rời Dinh Độc Lập, cựu Trung tướng Đôn nói với Tổng thống Hương: "Cụ nghiên cứu lại, vì bên kia họ chỉ muốn nói chuyện với ông Minh mà thôi". 8 giờ tối hôm đó, cựu Trung tướng Đôn trở lại nhà ông Minh và thấy một số nhân vật ở đây: ông Nguyễn Văn Huyền, cựu chủ tịch Thượng nghị viện, giáo sư Vũ Văn Mẫu và ông Brochand, cố vấn chính trị sứ quán Pháp. Cựu Tướng Đôn giải thích với ông Minh: "Ông Hương vừa mới lên mà yêu cầu ông từ chức thì cũng khó xử cho ông ấy, hơn nữa còn Hiến pháp, còn Quốc hội." Ý kiến của cựu Trung tướng Đôn chỉ có ông Huyền đồng ý, còn ông Minh và ông Mẫu thì cho rằng ông Hương trì hoãn như vậy nhưng thế nào rồi cũng chấp thuận.

* TT Thiệu gặp cựu Trung tướng Trần Văn Đôn lần cuối cùng
8 giờ sáng ngày 25 tháng 4/1975, cựu Tổng Thống Thiệu điện thoại cho cựu Trung tướng Đôn ngỏ ý muốn gặp ông tại Dinh Độc Lập (sau khi từ chức, cựu TT Nguyễn Văn Thiệu vẫn còn ở trong dinh Độc Lập). Khi gặp cựu Trung tướng Đôn, cựu Tổng Thống Thiệu nhờ ông Đôn lấy giúp cho bạn của ông một giấy chiếu khán đi ngoại quốc và sau đó hai người bàn về tình hình. Cựu Tổng Thống Thiệu cho biết là ông đã hiểu rõ diễn biến. Câu chuyện nửa chừng thì cựu Tổng Thống Thiệu điện thoại cho Tổng thống Hương và nói: "Nếu ông Dương Văn Minh không chịu làm Thủ tướng toàn quyền thì cụ tìm một người khác có thể thương thuyết với bên kia và người đó theo tôi là ông Đôn".

Để điện thoại xuống, cựu Tổng Thống Thiệu nói với ông Đôn: "Theo tôi, ngoài ông Minh ra, ông là người có thể nhận trách nhiệm này. Tôi đã nghĩ đến ông từ năm 1973. Tôi đã biết ông từng tiếp xúc nhiều giới chức...Ông có uy tín trong giới chính trị và quân đội. Nhưng tôi không thay đổi lập trường chống Cộng triệt để của tôi nên không thể ngồi chung với Cộng sản. Nếu chịu thương thuyết tôi đã mời ông làm thủ tướng từ năm 1973 rồi. Nhưng ngày nay thì tôi đề nghị với ông Hương mời ông làm việc".

Cựu Trung tướng Đôn hỏi lại cựu TT Thiệu: "Ông có nghĩ là bây giờ đã trễ không". Ông Thiệu im lặng không đáp. Trước khi từ giã, cựu Trung tướng Đôn nhìn thẳng cựu TT Thiệu, rồi nói: "Còn phần ông, chừng nào ông đi. Tôi biết Mỹ không muốn chuyện xảy ra như ông Diệm. Xung quanh ông đang bỏ ông nhất là khi nghe có tân thủ tướng và chính phủ mới. Ông phải đi cho nhanh. Nếu tôi làm Thủ tướng, nội các của tôi cũng sẽ đòi bắt ông và tôi làm theo."

Từ giã cựu TT Thiệu, cựu Trung tướng Đôn ghé nhiều nơi để trao đổi ý kiến với một số yếu nhân và sau đó trở về nhà. Đến nhà, cựu Trung tướng Đôn được biết cựu Tổng Thống Thiệu điện thoại cho ông mấy lần và có để lại số điện thoại. Cựu tướng Đôn gọi lại thì cựu Tổng thống Thiệu nói lời từ giả với cựu Tướng Đôn: "Chúc anh thành công và cám ơn anh." Cựu Tướng Đôn nhắc lại những gì đã nói khi gặp cựu Tổng thống Thiệu và nói: "Ông đừng quên những gì tôi đã nói hồi sáng, nghĩa là ông phải ra đi." Sau đó, cựu Tướng Đôn được báo là người Mỹ đã giúp cựu TT Thiệu và cựu Thủ tướng Khiêm và cả gia đình hai vị này rời khỏi Việt Nam bằng máy bay đặc biệt đến Đài Bắc, Thủ đô Đài Loan.

SOURCE:

https://vietbao.com/a9147/nhung-ngay-cuoi-tai-sai-gon-cua-tt-nguyen-van-thieu




 

No comments:

Post a Comment