Wednesday, July 25, 2012
Với sự thành lập các đơn vị Du Kích Lưu Động, Hành Quân Sigma và Omega, trong khoảng thời gian từ tháng Tám đến tháng Mười năm 1966, khả năng về “Chiến Tranh Ngoại Lệ” của Lực Lượng Đặc Biệt gia tăng. Một trong những đặc tính cơ bản của LLĐB là khả năng mở những cuộc hành quân ngắn hay dài hạn trong vùng địch quân kiểm soát.
Đó là những đóng góp của LLĐB trong cuộc chiến tại Việt Nam. Những phương thức về Chiến Tranh Ngoại Lệ được soạn thảo và thực hành nhằm đáp ứng ba nhiệm vụ: thâu thập tin tức tình báo tác chiến, ngăn chặn phá hoại đường tiếp vận của địch vào miền nam Việt Nam, và tìm kiếm thâu hồi các quân nhân Hoa Kỳ và Đồng Minh mất tích trong vùng Đông Nam Á.
Hai loại hành quân đặc biệt thường được xử dụng trong Chiến Tranh Ngoại Lệ là những cuộc hành quân biệt kích xâm nhập vào khu vực hoạt động để lấy tin tức về đơn vị địch (quân số, hỏa lực, v.v...). Loại hành quân đặc biệt thứ hai là tổ chức những đơn vị Du Kích Lưu Động hoạt động trong lòng địch để phá hoại, gây tình trạng bất an cho địch quân.
Cả hai loại hành quân đặc biệt trên đều dựa trên nền tảng, huấn luyện kỹ càng, tổ chức và yểm trợ hiệu quả, binh sĩ là những người điạ phương, sẽ đem về những kết qủa tốt nhất. Chẳng hạn như, đánh dấu vị trí quân địch, căn cứ, binh trạm, và những kho tiếp vận. Những đơn vị đặc biệt này cần có người Hoa Kỳ làm cố vấn, trợ giúp và yểm trợ hành chánh, tiếp vận. Thí dụ như trong chương trình phát triển lực lượng Dân Sự Chiến Đấu, tất cả mọi cuộc hành quân đặc biệt đều nằm trong khuôn khổ đó (DSCĐ, xử dụng người điạ phương).
Đơn vị Du Kích Lưu Động được thành lập vào mùa Thu năm 1966, được thay đổi, xắp xếp lại từ phương thức tổ chức các đơn vị Xung Kích Lưu Động (Mike Force). Những đơn vị Du Kích Lưu Động được tổ chức, huấn luyện, trang bị để có thể hoạt động trong những khu vực mà trước đây địch quân (VC, quân đội Bắc Việt) coi như Thiên Đàng. Thường những khu vực này chưa từng bị quân đội Đồng Minh càn quét hay cho biệt kích xâm nhập, dò thám.
Là đơn vị du kích, lưu động, binh sĩ trong đơn vị này sẽ xâm nhập vào ngăn chặn đường tiếp vận, chuyển quân của địch. Tổ chức dò thám, tìm kiếm các đơn vị, các nơi đóng quân cùng với tin tức về hướng di chuyển của địch. Khi khám phá ra một binh trạm của địch, đơn vị du kích lưu động sẽ tìm cách tấn công tiêu diệt hoặc quấy rối nếu quân số của địch quá đông và phòng thủ chắc chắn. Phá hoại đường giao liên, liên lạc, đường mòn di chuyển của địch bằng cách đặt mìn, tổ chức những cuộc phục kích. Trường hợp đơn vị du kích lưu động khám phá ra nhà kho, cơ sở tiếp liệu, họ sẽ phá hoại hoặc chỉ điểm cho phi cơ oanh kích.
Đơn vị du kích lưu động được đưa vào khu vực xâm nhập bằng mọi phương tiện. Khi đã vào trong vùng địch kiểm soát, họ xử dụng du kích chiến, phá hoại và luôn di động, không đóng quân tại một vị trí cố định. Các đơn vị này có thể hoạt động trong vùng địch khoảng từ một đến hai tháng, mọi vấn đề tiếp tế sẽ được đem vào bằng phương tiện trực thăng hoặc thả dù. Không như các đơn vị chính quy, Du Kích Lưu Động được hoàn toàn tự do hoạt động trong vùng địch để đạt hiệu qủa tốt nhất. Khi vào vùng hành quân, họ trở thành những “chủ nhân ông” của khu rừng, kể cả vấn đề không trợ (làm theo yêu cầu của họ).
Sự khác biệt giữa Du Kích Lưu Động (MGF) và Xung Kích Lưu Động (MSF, Mike Force) ở chỗ, đơn vị du kích lưu động hoàn toàn do quân Mũ Xanh Hoa Kỳ chỉ huy, đặt dưới quyền chỉ huy của một toán A LLĐB/HK. Trong khi đó các đơn vị Xung Kích Mike Force được chỉ huy hỗn hợp LLĐB Việt-Mỹ từ tháng Mười Hai năm 1966. Du kích lưu động hoàn toàn hoạt động biệt lập trong khu vực trách nhiệm, không được sự yểm trợ hoặc tiếp viện của đơn vị bạn.
Du Kích Lưu Động được tổ chức tương tự như đơn vị Xung Kích Mike Force, được tăng cường thêm một trung đội viễn thám 34 người. Cấp đại đội du kích lưu động không có trung đội súng nặng, chỉ có mấy khẩu đại liên M-60. Thường, trung đội viễn thám được đưa vào khu vực hoạt động trước để dò thám, thâu thập tin tức và tìm vị trí thuận tiện để nhận đồ tiếp tế. Để giữ bí mật cho đơn vị du kích lưu động, những đồ tiếp tế được cho vào vỏ qủa bom 500 cân Anh và được phi cơ chiến đấu A1-E Skyraider thả xuống trong một phi vụ oanh kích giả.
XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP
Song song với việc thành lập những đơn vị du kích lưu động cho mỗi vùng chiến thuật, đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của các bộ chỉ huy C (C1, C2, C3, C4), liên đoàn 5 LLĐB Hoa Kỳ tổ chức thêm Hành Quân (Chương Trình) Omega và Sigma. Hai chương trình này có nhiệm vụ hành quân biệt kích xâm nhập, để thâu thập tin tức tình báo tác chiến, cũng như chương trình Delta đã được thành lập từ trước. Mỗi chương trình có vào khoảng 600 quân biệt kích, cùng với bộ chỉ huy, biến cải từ bộ chỉ huy B LLĐB. Mỗi chương trình gồm có một đơn vị “Thám sát” gồm các toán biệt kích và một đơn vị xung kích tiếp ứng.
Cả ba chương trình Delta, Sigma, Omega đều được tổ chức tương tự như nhau, tuy vẫn có vài nét đặc biệt riêng của mỗi chương trình. Hành quân Delta đặt dưới sự chỉ huy hỗn hợp LLĐB Việt-Mỹ, là một đơn vị “tổng trừ bị”, trực thuộc Bộ Tư Lệnh Quân Viện (MACV) và Bộ Tổng Tham Mưu QL/VNCH. Và được tiểu đoàn 91 Biệt Cách Dù Việt Nam làm đơn vị xung kích, tiếp ứng. Hành quân Omega và Sigma hoàn toàn do LLĐB/HK đảm trách và chỉ chịu trách nhiệm hành quân ngoài vùng 1 (Omega) và vùng 2 (Sigma) chiến thuật và xử dụng lực lượng Dân Sự Tiếp Ứng làm đơn vị xung kích, tiếp ứng.
Phần dưới đây lấy ra từ bài thuyết trình của một vị chỉ huy trưởng liên đoàn 5 LLĐB/HK về các hoạt động trong hành quân Delta, Omega, và Sigma trong khoảng thời gian từ tháng Sáu 1966 đến tháng sáu 1967.
Hành quân Omega (Bộ chỉ huy B-50) và Sigma (B-56) trực thuộc hành quân trên vùng 1 và vùng 2 chiến thuật. Do LLĐB/HK chỉ huy, và có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu (tình báo tác chiến) của vị tư lệnh quân đoàn. Mỗi bộ chỉ huy có 8 toán biệt kích “chạy đường mòn” (Road runner), gồm bốn binh sĩ Việt Nam trong mỗi toán, và 8 toán biệt kích xâm nhập, mỗi toán có hai quân nhân Mũ Xanh Hoa kỳ và bốn binh sĩ Việt Nam (có thể là người Thuợng, hoặc sắc tộc thiểu số). Các toán biệt kích “chạy đường mòn” có nhiệm vụ dò thám hệ thống đường mòn của địch, các toán biệt kích xâm nhập vào khu vực hành quân đã được ấn định trước, dò thám, lấy tin tức về địch, như chuyển quân, binh trạm, và điạ thế trong khu vực.
Để tiếp ứng (lực lượng trừ bị) cho các toán biệt kích, mỗi bộ chỉ huy có ba đại đội xung kích Mike Force. Những đại đội này được xử dụng trong trường hợp khẩn cấp để cứu nguy, triệt xuất toán biệt kích hoặc trong những hành quân cấp đơn vị.
Mặc dầu mới hoạt động được chín tháng, những đơn vị này đã thâu thập được nhiều tin tức quan trọng, có giá trị về vị trí các đơn vị địch, các cuộc chuyển quân và hệ thống đường mòn, giao thông liên lạc. Họ đã trông thấy (khám phá) nhiều nơi có sự hiện diện của địch, từ cấp tiểu đội cho đến cấp tiểu đoàn. Khi phát hiện ra địch quân, toán biệt kích có thể gọi không trợ để tiêu diệt địch, nếu điều kiện cho phép.
Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, là kể từ khi được thành lập, những đơn vị này đã dành hơn 60% thời gian đi hành quân. Ngoài nhiệm vụ chính là thâu thập tin tức tình báo tác chiến, họ đã loại khỏi vòng chiến 191 địch quân (con số này do LLĐB/HK báo cáo). Và quan trọng hơn nữa là ảnh hưởng vấn đề tâm lý, làm cho địch quân xuống tinh thần. Họ cảm thấy bất an, những mật khu của họ không còn là nơi an toàn nữa. Các bộ chỉ huy vẫn tiếp tục huấn luyện, tìm kiếm những phương thức hành quân hữu hiệu hơn, để nâng cao uy tín của các bộ chỉ huy.
Hành quân Delta (B-52) được thành lập vào năm 1964, duới sự chỉ huy của LLĐB/VN và LLĐB/HK đóng vai trò cố vấn. Chương trình Delta được lấy làm nền tảng cho hai hành quân Omega và Sigma, nên cách tổ chức, khả năng và giới hạn gần như giống nhau. Sự khác biệt chính là Delta có tiểu đoàn 91 Biệt Cách Dù QL/VNCH làm đơn vị xung kích, tiếp ứng. Điạ bàn hoạt động của Delta trải rộng trên khắp bốn vùng chiến thuật, mọi yêu cầu xử dụng Hành Quân Delta phải được gửi lên bộ TTM/QLVNCH và bộ tư lệnh MACV qua hệ thống quân giai.
Trong năm vừa qua, đơn vị này (Delta) gần như hành quân ngoài vùng 1 chiến thuật thường xuyên. Đây là đơn vị đã đóng góp rất nhiều trong trận chiến tranh ngoại lệ. Nhờ tiểu đoàn xung kích Biệt Cách Dù, Delta giết được nhiều địch quân (194) hơn cả hai hành quân Omega và Sigma cộng lại. Tuy nhiện, Delta chỉ xử dụng 55% thời gian hành quân.
Những quân nhận được tuyển chọn gia nhập các “hành quân đặc biệt” thường đã phục vụ trong các đơn vị Dân Sự Chiến Đấu, và đã được huấn luyện phần tác chiến căn bản Bộ Binh. Do đó chương trình huấn luyện về “chiến tranh ngoại lệ” bắt đầu từ đây. Đầu tiên, họ sẽ được huấn luyện về nhẩy dù, sau đó họ sẽ được huấn luyện những bài học đặc biệt như: di chuyển im lặng, bí mật, phương pháp tìm dấu vết, và quan sát, xử dụng bản đồ, điạ bàn, thủ hiệu, v.v... Và những môn học khác như xử dụng, bảo trì máy truyền tin, vũ khí, cứu thương, kỹ thuật xâm nhập, triệt xuất vùng hành quân. Kỹ thuật tác chiến như đột kích, phục kích, và những nguyên tắc để bảo đảm bãi đáp được an toàn, không có địch. Chương trình huấn luyện kéo dài khoảng năm, sáu tuần lễ, sáu ngày trong tuần, mỗi ngày 9, 10 tiếng đồng hồ. Và phần thực tập trong căn cứ và trong hành quân.
Hệ thống chỉ huy các đơn vị trong “chiến tranh ngoại lệ” rất đơn giản, phù hợp với tổ chức, nhiệm vụ, khả năng, và yểm trợ tiếp vận. Thí dụ, đơn vị xung kích Mike Force rất hữu hiệu, khi được xử dụng đúng với sự huấn luyện và nhiệm vụ xung kích, tiếp ứng và thám sát cấp đơn vị. Nhưng khi được tăng cường, biệt phái cho các đơn vị trong quân đội Hoa Kỳ cũng như Việt Nam, họ bị cấp chỉ huy đơn vị Bộ Binh chê trách không có khả năng. Thực sự, không phải vậy, các cấp chỉ huy Bộ Binh đã xử dụng đơn vị Mike Force không đúng với khả năng của họ.
Về vấn đề cho các loại hành quân đặc biệt, Lục Quân Hoa Kỳ biệt phái một phi đoàn trực thăng cho liên đoàn 5 LLĐB/HK, gồm trực thăng võ trang và trực thăng chở quân. Không Lực Hoa Kỳ sẽ yểm trợ các cuộc chuyển quân cấp lớn và chuyên chở đồ tiếp vận. Không lực Việt-Mỹ yểm trợ trực tiếp cho các cuộc hành quân, và tiếp vận truyền tin. Ngoài vùng 1 chiến thuật, TQLC Hoa Kỳ cũng yểm trợ tương tự.
Chiến tranh ngoại lệ là một nhiệm vụ rất quan trong cho LLĐB trên chiến trường miền nam Việt Nam. Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, tất cả mọi cuộc hành quân đều được soạn thảo kỹ càng trước, và đơn vị hành quân sẽ được di chuyển từ căn cứ, bộ chỉ huy lên căn cứ hành quân tiền phương, trước khi xâm nhập vùng hành quân. Thời gian soạn thảo kế hoạch và chuyển quân có thể thay đổi, tùy theo mức độ khẩn của cuộc hành quân.
Soạn thảo kế hoạch hành quân bắt đầu với sự nghiên cứu chi tiết khu vực hành quân. Tất cả dữ kiện (data) về khu vực hành quân, điạ hình, điạ vật, vị trí đóng quân của địch cũng như căn cứ, binh trạm đều được đem ra nghiên cứu từng chi tiết và phân tích. Tất cả đều được ghi lại trên bản đồ. Điểm xâm nhập chính và phụ, cũng như lộ trình, di chuyển, hoạt động, cho đơn vị (có thể là một toán biệt kích) hành quân ngoại lệ, đều được lựa chọn và đánh dấu.
Tất cả dữ kiện như: bản đồ, bản báo cáo tin tức tình báo, không ảnh, bản báo cáo qua lời khai của tù binh, bản báo cáo tổng kết hành quân của các đơn vị bạn trong lần hành quân trong khu vực trước đây. Nếu có thể, sĩ quan trong ban tham mưu hành quân sẽ bay thám sát để phối kiểm các dữ kiện đã có. Chuyến bay này thường do người trưởng toán biệt kích đi bay, rất quan trọng trong việc lựa chọn bãi đáp để xâm nhập và triệt xuất.
Sau khi đã phân tích kỹ lưỡng, lênh hành quân sẽ được ban ra và các đơn vị liên quan chuẩn bị di chuyển lên căn cứ hành quân tiền phương. Trên căn cứ hành quân, trưởng toán biệt kích sẽ phải đi thám sát khu vực hành quân trao phó cho toán, khi trở về sẽ thuyết trình cho sĩ quan điều hành để được cung cấp phương tiện, vũ khí, vật dụng cần thiết cho chuyến hành quân xâm nhập.
Trong một cuộc hành quân xâm nhập, dò thám, người trưởng toán phải thuyết trình chi tiết nhiệm vụ của toán biệt kích và kế hoạch hoạt động trong lòng địch. Từ việc chọn bãi đáp trực thăng xâm nhập, thời khóa biểu cho các hoạt động từng ngày, di chuyển, những điều phải làm, trường hợp chạm súng bất ngờ, và triệt xuất.
Sự thành công cho một chuyến hành quân xâm nhập, dò thám lấy tin tức tùy thuộc vào yếu tố bất ngờ rất nhiều. Lực Lượng Đặc Biệt thường xử dụng “nghi binh” để đánh lừa địch quân. Trên chiến trường Việt Nam, phương tiện trực thăng để xâm nhập rất phổ thông, các toán biệt kích thường lên đường trong những tia nắng cuối cùng của một ngày là tốt nhất. Lúc đó các phi công bay hợp đoàn thả biệt kích vẫn còn trông thấy đường, và toán biệt kích sau khi xuống đất vẫn còn chút thì giờ tìm chỗ trú ẩn qua đêm.
Tuy nhiên chỉ ít lâu sau, địch quân cũng biết cách xâm nhập này, do đó cần phải đánh lừa như vào “bốc” toán biệt kích thay vì đưa đi xâm nhập. Trực thăng thả biệt kích sẽ đáp xuống thêm ba vị trí nữa trong khu vực lân cận bãi đáp chính để địch quân không biết, toán biệt kích xuống nơi bãi nào. Thêm một cách đánh lừa địch quân nữa, ba trực thăng đổ quân (giống nhau) bay theo đội hình hàng dọc, chiếc đầu chở biệt kích đáp xuống thật nhanh cho biệt kích xâm nhập, rồi bay lên nhập vào đuôi hợp đoàn (địch quân ở dưới đất vẫn trông thấy ba chiếc trực thăng bay theo đội hình hành dọc).
Để chống biệt kích xâm nhập, địch quân cũng nghĩ ra nhiều phương pháp. Chúng dựng những cây tre cao nơi bãi đất trống để trực thăng không vào đáp được, hoặc cắm những cọc nhọn như hầm chông trong những khoảng trống, không có nhiều cây trong khu rừng rậm rạp. Cách thứ hai này các toán biệt kích thuờng gặp, vì không thể trông thấy hầm chông từ trên một độ cao. Và cách cuối cùng của địch là đặt người canh gác tại những khoảng đất trống để báo động. Mỗi khi toán biệt kích có người bị thương vì hầm chông hay bất cứ lý do gì, hoặc đã bị lộ, toán biệt kích phải được triệt xuất ngay tức khắc.
Trong vài trường hợp đặc biệt, xâm nhập bằng cách lội bộ là tốt nhất. Các toán biệt kích và “chạy đường mòn” có thể phát xuất từ một căn cứ (thường là một trại LLĐB biên phòng) bằng đường bộ vào mật khu của địch khi chiều sâm sẩm tối (tránh được sự quan sát). Toán biệt kích cũng có thể trà trộn với toán tuần tiểu của trại LLĐB, khi vào trong rừng, sẽ tách ra xâm nhập sâu vào khu vực kiểm soát của địch.
Mọi di chuyển, hành động trong lòng địch phải được chuẩn bị kỹ càng. Sự sống còn của toán biệt kích tùy thuộc vào từng cá nhân, hiểu biết rõ nhiệm vụ của mình trong toán, theo đúng thời khóa biểu lộ trình di chuyển. Những kế hoạch hành quân xâm nhập thường có thêm trường hợp chạm súng bất ngờ với địch, bị phân tán và phải đến điểm hẹn đúng giờ để trực thăng vào triệt xuất toán biệt kích.
Đơn vị xung kích Mike Force, không cần những chi tiết như toán biệt kích, nhưng cũng phải có những kế hoạch lúc di chuyển, phải theo đúng lộ trình hành quân ngoại trừ trường hợp gặp chướng ngại vật hoặc chạm địch. Dĩ nhiên lực lượng xung kích Mike Force quân số đông hơn nhiều, được trang bị vũ khí nặng để tấn công.
Bí mật là nguyên tắc căn bản trong chiến tranh ngoại lệ. Mặc dầu địch quân sẽ biết được, có toán biệt kích đang hoạt động trong giang sơn của họ nhưng không thể biết vị trí chính xác của toán biệt kích. Mọi di chuyển của toán biệt kích phải nhẹ nhàng, không gây nhiều tiếng động, xử dụng thủ hiệu thay cho lời nói và chỉ liên lạc vộ tuyến khi cần thiết. Vũ khí, máy truyền tin, vật dụng kim loại phải dán băng keo để tránh gây tiếng động khi va chạm cành cây hoặc đá.
Địch quân cũng có những phương pháp chống biệt kích, đặt người canh gác những khoảng đất trống, có thể làm bãi đáp, suối, đường mòn, v.v... Tổ chức những toán tìm dấu vết, theo dõi, toán biệt kích. Ngoài ra chúng cũng xử dụng máy móc để dò nghe những cuộc đối thoại các đơn vị bạn, do đó toán biệt kích phải cẩn thận khi xử dụng máy truyền tin.
Kế hoạch hành quân phải có những điểm dừng lại nghỉ ngơi, trong trường hợp đơn vị xung kích Mike Force, cần có thêm điểm nhận đồ tiếp tế, điểm chính, điểm phụ. Việc lựa chọn những điểm này tùy thuộc vào điạ thế, dễ phòng thủ, gần suối lấy nước, có cây cối che chở. Trong trận chiến Việt Nam, LLĐB/HK đã phải tìm một phương pháp hữu hiệu cho việc tái tiếp tế cho các đơn vị Mike Force đang hành quân. Kinh nghiệm cho biết, mỗi quân nhân trong chiến tranh ngoại lệ có thể đem theo lương thực, đạn dược và những nhu cầu khác cho năm ngày hành quân, do đó kế hoạch hành quân phải có thời khóa biểu cho những chuyến tiếp tế và điạ điểm.
Trong chiến tranh ngoại lệ, phải dự trù trường hợp bất trắc xẩy ra, phải tính toán trước việc triệt xuất một cá nhân (đau ốm, bị thương) hay cả toán biệt kích. Những chuẩn bị, tính toán trước có thể làm thay đổi tình thế trên chiến trường.
Những toán biệt kích “chạy đường mòn” và biệt kích xâm nhập rất dễ bị địch quân tiêu diệt, do đó vấn đề chỉ huy, điều hành các đơn vị này phải có kế hoạch cấp cứu, lúc nào cũng phải sẵn sàng thủ tục triệt xuất toán biệt kích ngay sau khi được thông báo. Nếu bãi đáp an ninh, trực thăng sẽ đáp xuống đón toán biệt kích, nếu trường hợp quá cấp bách, trực thăng sẽ “câu” toán biệt kích bằng thang dây hoặc dây McGuire Rig.
Hành quân Blackjack 33 cũng là một hành quân ngoại lệ, khai diễn từ ngày 27 tháng Tư đến 24 tháng Năm 1967, trong vùng 3 chiến thuật. Đó là một cuộc hành quân xử dụng đơn vị Du Kích Lưu Động, phối hợp với hành quân Sigma (biệt kích, thuộc B-56 LLĐB). Kết qủa rất khả quan, loại khỏi vòng chiến 320 địch quân. Hành quân này đặt dưới quyền chỉ huy của trung tá Clarence T. Hewgley và đại úy James “Bo” Gritz.
Một sự hiểu lầm của quần chúng về nguyên tắc căn bản của chiến tranh ngoại lệ, và Lực Lượng Đặc Biệt trên chiến trường Việt Nam năm 1969, đã đưa đến việc khép tội đại tá Robert B. Rheault, chỉ huy trưởng liên đoàn 5 LLĐB/HK tại Việt Nam, sáu sĩ quan ngành Tình Báo biệt phái (làm việc) với LLĐB, và một hạ sĩ quan LLĐB/HK. Tám quân nhân kể trên bị ghép tội giết chết một điệp viên nam Việt Nam, bị nghi ngờ làm gián điệp đôi. Trong tháng Chín, bộ trưởng Lục Quân Stanley R. Resor, tuyên bố hủy bỏ trát tòa vì cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA muốn giữ bí mật, không cung cấp nhân chứng.
Một nhiệm vụ đặc biệt cuối cùng trong chiến tranh ngoại lệ là xử dụng đơn vị xung kích Mike Force, tấn công giải thoát tù binh. Những cuộc hành quân loại này xẩy ra trong năm 1966, 1967. Trong mùa thu năm 1966, một đơn vị xung kích Mike Force tấn công căn cứ điạ của VC trong rừng U Minh dưới vùng 4 chiến thuật, để cứu tù binh nhưng không tìm thấy một tù binh nào. Đầu năm 1967, một cuộc hành quân cứu tù binh tương tự xẩy ra trong tỉnh Tây Ninh. Một hành quân khác vào thung lũng An Lão (Bình Định) trên vùng 2 chiến thuật.
Trong mùa xuân năm 1967, hành quân cứu tù binh, xử dụng đơn vị Du Kích Lưu Động, là một phần trong hành quân Blackjack 41 trong khu vực Thất Sơn. Cũng trong thời gian này, một đơn vị xung kích Mike Force tấn công vào chiến khu C của địch cũng với mục đích giải cứu tù binh. Tất cả các cuộc hành quân đều khám phá trại tù của địch, nhưng chúng đã đề phòng, di chuyển tù binh thường xuyên.
Những cuộc hành quân ngoại lệ là một điểm son và làm quân nhân LLĐB hãnh diện.
Dallas, TX
http://ccnmacvsog.blogspot.com/2012/07/chien-tranh-ngoai-le.html
.
No comments:
Post a Comment