Thursday, January 21, 2021

Những ngày cuối cùng trên tỉnh lộ 7B


Theo hồi ký của Trung úy D. (Biệt Động Quân): “Những trang sử bi thảm của một quân đội kiêu hùng”

Đoàn xe GMC của Trường Bộ binh Thủ Đức ngừng lại tại ngã tư Trương Minh Giảng-Tú Xương; trên đoàn xe là những sinh viên sĩ quan khóa 1/72 trừ bị. Họ đã nhập ngũ theo lịnh “Tổng động viên” sau Mùa Hè Đỏ Lửa. Tất cả vội vàng nhảy xuống xe rồi tản mát đi khắp hướng của Saigon. Hôm nay cũng là ngày Hiệp định Ba-Lê có hiệu lực trên toàn cõi VN; tôi là một trong những sinh viên sĩ quan ấy. Tôi lững thững tản bộ về nhà để tận hưởng cái cảm giác thoải mái sau những ngày ép mình với kỷ luật của Quân trường. Trời Saigon đã sẫm tối, từ dốc cầu Trương Minh Giảng về hướng phi trường Tân Sơn Nhất, cả một rừng cờ treo trước cửa của nhà dọc hai bên đường, trên những cao ốc. Tiếng hát ca sĩ Khánh Ly vọng ra hè phố từ một quán càfé bên cạnh khu Đại học Vạn Hạnh “Ta đã thấy gì trong đêm nay, cờ bay trăm ngọn cờ bay... Mặt đất rung rinh, tin hòa bình bay về khắp hướng”. Nghe những điệu nhạc này tôi lâng lâng thoáng chút hy vọng khi nghĩ đến hai chữ Hoà Bình.

Chút thoáng hy vọng về Hoà Bình ấy thực sự đã tiêu tan khi tôi đặt chân lên đất Pleiku. Pleiku, thành phố của lính. Pleiku với thơ mộng trong một bài hát “Em Pleiku má đỏ môi hồng”. Chiến tranh vẫn diễn ra khốc liệt trên lãnh thổ Quân Khu. Đặc biệt tại vùng Pleiku-Kontum và Phân Khu Bắc Bình Định-Bồng Sơn-Tam Quan. Từ Bộ chỉ huy Biệt Động Quân, tôi nhận sự vụ lệnh trình diện Tiểu đoàn 42 Biệt Động do Thiếu Tá Phạm Văn Tiến làm Tiểu đoàn trưởng. Lúc này Tiểu đoàn đang trách nhiệm tại vùng sở trà Kafeka, quận Thạnh An. Trong một lần dẫn Trung đội đánh chiếm cao điểm 30, tôi bị thương khá nặng, xuất viện tôi được thuyên chuyển về Bộ chỉ huy Biệt Động Quân (BĐQ) Quân khu 2 và nhận nhiệm vụ Sĩ quan Hành quân tại Trung tâm hành quân cho đến ngày cuối cùng khi Quân doàn II di tản trên Liên tỉnh lộ 7B.

Tháng 12/1974, Đại tá Phạm Duy Tất, Chỉ huy trưởng BĐQ Quân khu 2 đuợc chỉ định làm Tư lịnh mặt trận Kontum, do đó tất cả quân nhân thuộc Phòng 2, Phòng 3 và Trung tâm hành quân được điều động lên Kontum để thành lập Bộ tư lịnh Mặt Trận.

Những tháng cuối năm 1974, Mặt trận Kontum không có những trận đánh lớn, tình hình tương đối yên tĩnh một cách không bình thường. Nhân dịp gần đến cuối năm, phòng Chiến tranh chánh trị (CTCT) đã mời một số ca sĩ như Khánh Ly, Ngọc Minh lên Kontum hát tại những tuyến đầu của Mặt trận. Những ngày Tết đã êm đềm trôi qua, Cộng quân không pháo kích vào thị xã và Bộ tư lịnh.

Ngày 12/3/75, Thiếu tá Khôi, Trung tâm trưởng Trung tâm hành quân ra lịnh cho chúng tôi thu dọn gấp để kịp dời Kontum ngày hôm sau về lại Pleiku. Bộ Tư lịnh hành quân sẽ đóng tại Hàm Rồng nơi đặt Bộ Tư lịnh Mặt trận Nam Pleiku của Tư lịnh Sư đoàn 23 Bộ binh. Tướng Tất kiêm nhiệm Tư lịnh Mặt trận Nam Pleiku.

Đoàn xe chỡ chúng tôi cùng với Liên đoàn 4 BĐQ di chuyển ngang qua thị xã, dân chúng ngơ ngác nhìn với ánh mắt lo âu. Dân chúng ở đây đã quen nhiều với chiến tranh, họ thường vui mừng khi thấy quân vào Kontum và thoáng lo âu khi thấy bất cứ một đơn vị quân chủ lực nào rút đi. Thực sự giờ phút đó tôi cũng không hiểu tại sao mà toàn bộ BĐQ chúng tôi lại hối hả rút đi như thế lại không có đơn vị nào hoán đổi vùng trách nhiệm như thường lệ từ trước đến nay. Kontum đã bỏ ngỏ từ ngày hôm ấy khi toàn bộ quân chủ lực được rút đi.

Đơn vị chúng tôi về tới Hàm Rồng chưa đầy 5 ngày thì ngày 17/3/75 Quân đoàn II bắt đầu di tản theo Liên tỉnh lộ 7B về Tuy Hòa. Bộ Tư lịnh Quân đoàn được không vận về Nha Trang. Nhưng Bộ Tư lịnh Mặt trận của Tướng Tất chúng tôi vẫn làm việc kỷ luật và bình thường. Những ngày này Tướng Tất luôn luôn hỏi đến hai Liên đoàn 4 và 25 rút các đứa con khỏi trận địa vùng Thạnh An và Pleiku. Tướng Tất chỉ huy Đoàn quân trên liên tỉnh lộ vào trưa về Bộ tư lịnh; vào chiều đó, ông lại bay trên đoàn quân di tản để chỉ huy.

Chín giờ sáng ngày 20/3/75, những quân nhân cuối cùng của Bộ Tư lịnh Mặt trận băt đầu rút khỏi căn cứ Hàm Rồng. Tôi được lịnh đi trên chiêc xe tăng M113 chỉ huy của Tướng Tất. Đoàn xe dời Hàm Rồng chạy qua phố chính của thị xã Pleiku phố xá vắng tanh. Những cửa tiệm bị cướp phá tan hoang. Một thành phố chết. Tôi ngồi trên xe đưa mắt nhìn về hướng Bộ Tư lịnh Quân đoàn và phi trường Cù Hanh thấy những cột khói đang bốc cao tại hai nơi này.

Tướng Tất hằn rõ nét ưu tư trên khuông mặt đen xạm của ông. Ông là vị tướng mới nhất của QLVNCH và cũng là vị tướng duy nhất của Quân đoàn II cùng Bộ Tham mưu triệt thoái bằng đường bộ. Các cuộc điện đàm liên tiếp giữa Tướng Tất và các Đơn vị trưởng đang di chuyển trên Liên tỉnh lộ 7B cho tôi hiểu lệnh của ông đã không được thi hành đúng. Thực sự đến ngày hôm nay 20/3/75, lệnh của ông chỉ còn hữu hiệu với các đơn vị BĐQ mà thôi. Tướng Tất đã dùng các Tiểu đoàn BĐQ thiện chiến nhất của Liên đoàn 4 (một Liên đoàn nổi danh đã làm VC phải khiếp sợ tại vùng châu thổ sông Cửu Long -Tiểu đoàn 42 “Cọp Ba Đầu Rằn”). Hành quân bọc hậu, đây là một trong những cố gắng sau cùng của Tướng Tất nhưng sự hỗn độn vô cùng của quân và dân xen kẽ nhau, tắc nghẽn xe cộ đã làm tiêu tan mọi hy vọng của vị Tướng chỉ huy đoàn quân triệt thoái này.

Khoảng 3 giờ chiều cùng ngày, chúng tôi đến được tỉnh lỵ Phú Bổn. Tướng Tất ngồi trên mũi trước chiếc M113 cho xe chạy vòng quanh phố tỉnh nhỏ xíu này rồi đậu trong sân trường tiểu học. Từ chiếc máy truyền tin trong xe Đại tá Hồng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn II Kỵ binh, và Đại tá Tây, Liên đoàn trưởng Liên đoàn BĐQ đang liên tiếp báo cáo với Tướng Tất diễn tiến đánh diệt các chốt chận cấp Tiểu đoàn của địch gồm các Tiểu đoàn K13, K9, K2 và các Tiểu đoàn chủ lực miền của Cộng quân. Tiếp sau là một phi tuần A39 đánh bom lầm vào đơn vị bạn, vụ đánh lầm này đã gây bất hòa về chỉ huy giữa hai Đại tá.

Ánh nắng lại gần tắt, mặt trời đã xuống tới đỉnh núi ở xa xa thì tin từ Nha Trang cho biết sư đoàn 320 do tên Đại tá Bắc Việt Vũ Lăng làm Tư lệnh đang gấp rút bôn tập về Phú Bổn để chặn đánh quân ta. Trên khuôn mặt đã xạm đen vì nắng cháy, Tướng Tất nén tiếng thở dài. Ông đang nghĩ gì...??

Trong gần hai năm làm việc tại Trung tâm Hành quân, tôi thường được tiếp xúc với ông khi chiến trường sôi bỏng. Tại Bộ Tư lịnh tiền phương trên đồi 37 Pháo binh (Pleiku), ông đoán quyết với Thiếu tá Long, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 82 Biệt Động, bằng mọi giá phải giữ vững căn cứ Pleiku khi bị 3 Trung đoàn quân chính quy Cộng sản Bắc Việt vây hãm. Cùng thời gian khi căn cứ Pleiku đang bị địch xung phong biển người, chúng hy vọng dứt điểm căn cứ này thì 3 căn cứ hỏa lực khác là 522-433-711 bị cộng quân tràn ngập trong đêm. Tướng Tất đã điều Tiểu đoàn 90 với Thiếu tá Phan Bát Giác, người Tiểu đoàn trưởng tài bà này đã dùng quân theo lối đánh của “Tổ Tam Tam” lấy lại ba căn cứ hỏa lực trên ngay trong ngày hôm sau. Pleiku vẫn đứng vững ngạo nghễ sau đợt tấn công biển người. Chưa bao giờ tôi cảm nhận được ở ông nỗi thất vọng chua chát như trong tiếng thở dài của buổi chiều hôm đó...

Ánh nắng chiều đã tắt hẳn, Tướng Tất ngã mình trên chiếc võng căng trong xe. Tôi trực máy truyền tin trong xe. Khoảng 5 giờ chiều, tiếng máy truyền tin gọi rè rè “Trường An - Hiệp Tình”. Trường An là ám danh đàm thoại của Tướng Tất, Hiệp Tình là Tướng Phú, Tư lịnh Quân đoàn. Tôi cầm máy trả lời “Trình Mặt Trời - Trường An nghe”, tôi chưa kịp lên tiếng gọi Tướng Tất vì lúc đó ông vừa như thiếp đi trên võng thì tiếp theo một vọng nói thật nhanh “Anh nói với Trường An - Đạp lên mà đi”. Là một sĩ quan hành quân, tôi hiểu đó là lệnh sau cùng khi không còn cách nào khác để cứu vãn tình thế hiện tại, giờ khai tử của đoàn quân bị tắc nghẽn tại Phú Bổn này đã điểm, tôi xúc động lặng đi trong giây phút thì Tướng Tất chợt tỉnh. Ông hỏi :”Có gì không?”. Tôi trả lời cho ông nguyên văn lệnh của Quân đoàn. Tướng Tất ngồi dậy bước ra khỏi chiếc M113. Ông cho gọi tất cả đến rồi dặn dò với chúng tôi một câu ngắn gọn “Các anh theo Trung tá Huấn, Tôi sẽ cho C&C bốc các anh”.

Trời lúc này đã xẫm tối khoảng 17 giờ 30, một trực thăng đáp xuống sân trường Tiểu học Phú Bổn bốc Tướng Tất, Đại tá Hoàng Thọ Nhu, Tỉnh trưởng Pleiku. Chiếc trực thăng cất cánh mang theo điểm tựa và niềm hy vọng sau cùng của chúng tôi.

Tướng Tất đi rồi, Trung tá Huấn, Liên đoàn trưởng Liên đoàn 22 BĐQ nói với chúng tôi là phải gấp rút dời xa Phú Bổn càng nhanh càng tốt vì sau đó sẽ có những phi tuần phá hủy những quân và chiến cụ đang kẹt ứ tại đây. Chúng tôi tạt vào rừng nhắm hướng Tuy Hòa mà đi, trong số này tôi còn nhớ có Trung tá Lộc, Tham mưu trưởng, Thiếu tá Khôi, Trưởng phòng 3, Trung úy Thành của Phòng 2, Thiếu úy Chương phòng CTCT, tôi, Thiếu úy Chúc, Chuẩn úy Phước của Trung tâm Hành quân... Từ lúc này tôi không còn nhớ tới giờ giấc của thời gian nữa. Khi đi sâu vào rừng núi Phú Bổn được 2-3 giờ lúc vượt qua một đỉnh đồi cao nhìn lại Phú Bổn những cột lửa loé sáng rực, trên trời là 2 chiếc A37 đang nhào lộn bắn phá.

Đêm xuống thật nhanh với núi rừng, Trung tá Huấn và Lộc nói là không thể đi đông như thế này vì dễ bị lộ nên tách ra làm hai. Các quân nhân của Liên đoàn theo Trung Tá Huấn, Ban Tham mưu BĐQ theo Trung tá Lộc. Qua đêm trời hừng sáng, tôi thật vô cùng ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều đoàn quân cũng tạt vào rừng theo đoàn quân chúng tôi hôm qua. Thật tội nghiệp cho họ, vợ chồng, con cái cha mẹ anh em dắt dìu nhau. Họ không mang theo được bất cứ một thứ gì cả, là dân của phố thị, họ hoàn toàn không hiểu được sự khắc nghiệt ghê gớm của thời tiết tháng 4 trong cánh rừng già bạt ngàn như thế này. Những đám dân tội nghiệp ấy cứ lếch thếch đi theo hướng chúng tôi đi. Họ sẽ không theo kịp những quân nhân chuyên nghiệp như chúng tôi.

Sau ba bốn lần bị truy kích qua mấy ngày tôi không còn nhớ nữa, chỉ thấy sức đã kiệt vì đói và khát. Chúng tôi còn lại 5 người đến bên một con sông (có lẽ đó là sông Ba). Trong đêm tối trời, tôi đã hoàn toàn kiệt sức nhìn bên kia bờ sông hy vọng gặp quân bạn. Ba người trong chúng tôi đã bơi được qua bờ bên kia con sông dâng cuồn cuộn nước chảy. Tôi không nhớ rõ 3 người ấy là ai vì chúng tôi vừa bị truy kích chạy tán loạn trong lúc đó Cộng quân lại bắn xối xả vào đoàn người chúng tôi.

Bên này con sông chỉ còn lại tôi và Trung sĩ Thành Phòng 2. Thành còn rất trẻ khoảng 21-22. Thành bảo tôi “Cố gắng bơi qua đi Trung úy”. Nhìn sông tôi hiểu sức mình không thể qua nổi. Tôi bảo với Thành: ”Tôi ở lại bên này”. Thành nói: ” Vậy tui qua nhe”. Thành xuống nước; khi ra tới dòng nước cuồn cuộn tôi thấy Thành chới với rồi chìm hẳn. Chứng kiến Thành chết chìm trong đêm tịch mịch của núi rừng, tôi đứng lên vô tri vô giác lê từng bước bên con sông ấy. Trên người tôi không còn cái gì ngoài bộ đồ trận tả tơi đang mặc. Tôi cứ đi đi mãi khi nắng loé lên sau những ngọn cây cao. Một tiếng quát giọng Bắc đặt sệt: ”Biệt Động Ngụy giơ tay nên”, tôi thẩn thờ quay ngang nhìn “Lính chính quy Bắc Việt”.

Tại Trại Đào Bá Phước, Bộ chỉ huy BĐQ ở Saigon đã trả lời mẹ tôi khi bà đến hỏi tin của tôi “Trung úy D. được ghi nhận mất tích trên Liên tỉnh lộ 7B”.

Source:

http://doanket.orgfree.com/quansu/bmtltl7b.html

.

No comments:

Post a Comment