Friday, January 1, 2021

CHUYỆN TÌNH XẺO RÔ - Phan Ni Tấn

Sau 5 năm lênh đênh mộng hải hồ, thủy thủ Đỗ Đồng Chiếc trở về thăm lại chốn xưa. Đứng bên bờ kinh xáng Xẻo Rô nước vẫn chảy đỏ quạch như nước trà. Vẫn đò dọc, đò ngang chen lẫn tiếng máy "cô le" chạy ngược xuôi. Vẫn ì xèo người buôn kẻ bán. Vẫn cây bẹo thân quen treo lủng lẳng các loại đặc sản dựng trước mũi ghe thương hồ. Nhìn bọt nắng lung linh đập vào bờ phía căn cứ hải quân Kiên An ở đầu kinh Cán Gáo, thượng sĩ Chiếc bồi hồi chiếc thân. Hình như cái gì cũng không thay đổi, chỉ có tiẹ hủ tiếu mì cô Hõn là không còn.

Thuở đó, hạ sĩ Đỗ Đồng Chiếc đóng ở ngoài Đà Nẵng thất tình một cô em Chợ Củi sầu đời xin đổi về căn cứ hải quân ở tận miệt thứ Xẻo Rô, Rạch Giá. Đó là một buổi chiều mưa rơi. Màu của Xẻo Rô lúc đó đón hạ sĩ Chiếc là màu nước trà hệt như màu áo bà ba cô Hõn thường hay mặc. Cô Hõn là con gái rượu của vợ chồng chệt Xểnh, chủ tiệm hủ tiếu mì Cái Thia. Quán lúc nào cũng  đông khách, phần vì thức ăn ngon lại rẻ phần vì vẻ hồn nhiên tươi tắn của cô Hõn. Sau này quen thân Chiếc tò mò hỏi ở Xẻo Rô sao lại đặt tên tiệm Cái Thia, cô Hõn cười tỏn tẻn nhe cái răng khểnh dễ thương ra đọc luôn hai câu thơ: "Con rạch Cái Thia chảy dìa Tắc Cậu. Con sáo qua sông con sáo đậu hiên nhà". Nhìn vẻ hồn nhiên phát ra từ cửa miệng nhỏ xíu có duyên của cô Hõn làm hạ sĩ Chiếc phải bật cười.

Té ra Cái Thia là quê chệt Xểnh. Xưa kia tổ tiên người Minh Hương "phản Thanh  phục Minh" của chệt Xểnh xuống tàu trốn qua Việt Nam tới Cái Thia lập nghiệp sanh con đẻ cái lần hồi mới có chệt Xểnh. Sau khi cưới xiếm Kía được một năm, chệt Xểnh dắt xiếm về Xẻo Rô mở tiệm mới sanh ra cô Hõn

Ngày đầu tiên chân ướt chân ráo tới Xẻo Rô, hạ sĩ Chiếc vô nhà lồng chợ ghé tiệm hủ tiếu mì Cái Thia làm một tô cho đã bụng trước khi đi trình diện đơn vị. Xiếm Kía vợ chệt Xểnh ra tiếp khách, nhưng bưng đồ ăn ra lại là cô Hõn. Hình như trời sắp đặt sẵn hay sao mà hạ sĩ Chiếc vừa ngước lên thấy cô Hõn đã sững người khiến cô đâm ra lúng túng, hai má đỏ bừng, bẽn lẽn thụt lẹ vô bếp. Từ đó, cứ mỗi cuối tuần, hạ sĩ Chiếc hay lui tới quán xá, trước là ăn ủng hộ sau là tìm cách ve cô Hõn.

Hồi đó, người Tiều (gọi là Ca-kỳ-nán) không bao giờ chấp nhận gả con gái cho con trai Việt (A-nàm-nán). Ngược lại trai Triều Châu có thể lập gia đình với gái quê bản xứ dễ ợt. Chính vì vậy nên sợ mối tình non dạ của hai trẻ bị lậm, xiếm Kía đã âm thầm đưa cô Hõn qua ở tạm nhà ông bà nội tuốt bên huyện U Minh, Cà Mau, cái xứ "muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh". Không riêng gì cô Hõn lạ nước lạ cái vừa buồn vừa sợ, hạ sĩ Chiếc cũng rầu thúi ruột thúi gan.  

Đường tình duyên thêm một lần trắc trở khiến thủy thủ Đỗ Đồng Chiếc lại sầu đời làm đơn xin thuyên chuyển ra đơn vị tác chiến. Lần sang sông này, ngoài một nhúm băn khoăn, tiếc nuối còn có nỗi buồn lớn đi theo, giống hệt như cái thuở hạ sĩ Chiếc với con tim tan nát vì tình ngoài miền Trung lũi thũi xuôi Nam. Quảy balô xuống thuyền, thủy thủ Chiếc như giề lục bình mồ côi dật dờ trôi từ căn cứ hải quân Kiên An giạt về đơn vị giang thuyền ở miệt Cà Mau. Hành quân trên giang thuyền qua các kinh rạch Đầm Dơi, Cái Nước, Cái Keo, nhất là qua kinh Xác Cò um tùm ôrô, lau lách dễ bị bắn tỉa chết như chơi. Vậy mà sau 5 năm lùng địch, chạm địch, bắn nhau túi bụi với địch, thủy thủ Chiếc vẫn sống phây phây.  

          Ở đời có nhiều cái khó cưỡng. Thượng sĩ hải quân Đỗ Đồng Chiếc, mặc dù từng lăn lộn trong chiến tranh, vẫy vùng trên sông nước, vững vàng trước sóng cả trùng dương, Chiếc tưởng thời gian từ từ vá lại những nỗi buồn, làm phai mờ đi hình bóng cô Hõn trong cuộc sống lênh đênh của mình, nhưng thực đời không như ý. Ước mơ đôi khi giúp người hưng phấn nhưng nhiều khi thực tế lại giết chết ước mơ của người. Mất Hõn, Chiếc lại mất thêm một giấc mơ đời.

           Dù vậy, 5 năm sau thượng sĩ Chiếc có dịp quay về Xẻo Rô thăm lại chốn cũ, đồng đội cũ với mong manh tìm lại dấu vết người xưa. Nhưng đời không như là mơ. Căn cứ hải quân Xẻo Rô vẫn dập dềnh bên sóng nước, chợ Xẻo Rô vẫn nhộn nhịp, nhưng từ bao giờ, tiệm hủ tiếu mì Cái Thia đã đổi chủ trở thành tiệm hàng xén. Hỏi thăm thì bà Cả Xén lắc đầu không biết gia đình chệt Xểnh đã dọn đi đâu, trôi giạt về phương nào.

                                                                                   * * *

           Tháng tư 1975 mất nước, thượng sĩ hải quân Đỗ Đồng Chiếc theo đon vị xuống tàu ra khơi. Bốn mươi năm sau, cựu thượng sĩ Chiếc tuy già những vẫn sống đời độc thân ở Kinh Đô Ánh Sáng nước Pháp.  Người ta thường nói trái đất tròn, vì tròn nên con người có trôi giạt tận góc bể chân trời nào rồi có ngày cũng gặp lại nhau. Có điều gặp lại nhau để "châu về hiệp phố" hay là một lần nữa lại xa nhau, vĩnh viễn mất nhau.

           Trong một bữa tiệc gây quỹ xây chùa ở thành phố Pau, miền Nam nước Pháp, Chiếc-già mừng rỡ gặp lại Bứng, thợ máy tàu ở căn cứ hải quân Xẻo Rô năm xưa. Binh nhất Bứng là em cô cậu với chệt Xểnh, tía cô Hõn nên biết rất rõ chuyện tình bất như ý của hạ sĩ Chiếc và cô cháu của mình. Ngày Chiếc đổi ra đơn vị tác chiến cho đến khi gặp lại Bứng ở Pháp mới biết Bứng đã có vợ đầm ba con. Trong nhà hàng, Bứng kín đáo chỉ qua bàn bên kia, ở đó cô Hõn đang ngồi lặng lẽ cạnh vợ con của Bứng. Một tia chớp xẹt vào mắt Chiếc-già để thấy cô Hõn ngày xưa đã mất đi vẻ hồn nhiên, tươi thắm, thay vào đó là một gương mặt xanh xao, mệt mỏi, cam chịu và thật buồn.

           Bứng nói nhỏ:

           - Từ ngày bị "chia uyên rẽ thúy" tới nay con Hõn vẫn thui thủi một mình. Nó không còn thiết đến tình yêu vì không muốn dây phiền cho ai.

           Bứng ngập ngừng rồi thở dài buông một câu làm Chiếc muốn rớt nước mắt:

           - Con Hõn, cháu tôi nó bị ung thư máu thời kỳ cuối.

 .

 

    n

            

 

,

No comments:

Post a Comment