CHƯƠNG III
SỰ TỔ CHỨC CỦA HẢI-QUÂN
VỀ HÀNH QUÂN
TRUNG-TÂM HUẤN-LUYỆN HẢI-QUÂN NHA-TRANG
Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Quân Nha-Trang tọa lạc trên đường Duy-Tân nối dài, qua khỏi phi trường quân sự Nha-Trang và trước khi đến Chutt.
Công tác xây cất Trung-Tâm Huấn-Luyện được khởi sự vào tháng 11 năm 1951 và hoàn tất vào tháng 7 năm 1952.
Tháng 7 năm 1955 Hải-Quân Pháp chuyển giao Trung-Tâm Huấn-Luyện cho Hải-Quân Việt-Nam.
Từ khi Hải-Quân Việt-Nam chính thức điều hành cho đến tháng 4 năm 1975, Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Quân Nha-Trang đã được các sĩ quan sau đây chỉ huy:
* Hải-Quân Thiếu-Tá Chung Tấn Cang
7 tháng 11 năm 1955 – 29 tháng 3 năm 1958
* Hải-Quân Thiếu-Tá Đặng Cao Thăng
29 tháng 3 năm 1958 – 10 tháng 2 năm 1960
* Hải-Quân Thiếu-Tá Vương Hữu Thiều
10 tháng 2 năm 1960 – 19 tháng 1 năm 1963
* Hải-Quân Thiếu-Tá Dư Trí Hùng
19 tháng 1 năm 1963 – 23 tháng 12 năm 1963
* Hải-Quân Trung-Tá Nguyễn Đức Vân
23 tháng 12 năm 1963 – 26 tháng 2 năm 1966
* Hải-Quân Thiếu-Tá Bùi Hữu Thư
26 tháng 2 năm 1966 – 13 tháng 7 năm 1966
* Hải-Quân Đại-Tá Đinh Mạnh Hùng
13 tháng 7 năm 1966 – 1 tháng 3 năm 1969
* Hải-Quân Đại-Tá Khương Hữu Bá
1 tháng 3 năm 1969 – 6 tháng 8 năm 1971
* Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Trọng Hiệp
6 tháng 8 năm 1971 – 6 tháng 1 năm 1973
* Phó-Đề-Đốc Nguyễn Thanh Châu
6 tháng 1 năm 1973 – tháng 3 năm 1975
Từ khóa đầu tiên do sĩ quan Hải-Quân Việt-Nam tuyển mộ và huấn luyện – khóa 8 sĩ quan Hải-Quân Nha-Trang – tiêu chuẩn tuyển chọn sinh viên sĩ quan Hải-Quân là bằng tú tài toàn phần, ban toán. Sinh viên được huấn luyện quân sự theo tiêu chuẩn của những Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Quân quốc tế. Về văn hóa, sinh viên được giảng dạy theo chương trình đại học. Chương trình thụ huấn là hai năm và sinh viên ra trường với cấp bậc Thiếu Úy Hải-Quân.
Năm 1962, vì số sĩ quan không đủ cung ứng, thời gian huấn luyện được rút ngắn 4 tháng.
Đến năm 1969, vì tình trạng đôn quân, khóa 18 Sinh Viên Sĩ Quan Hải-Quân là khóa cuối cùng của chương trình huấn luyện hai mươi tháng.
Kể từ khóa 19, sinh viên được tuyển mộ nhiều hơn, khoảng 200 sinh viên cho mỗi khóa. Về văn hóa, sinh viên vẫn được giảng dạy theo chương trình đại học như các khóa đàn anh. Về quân sự, sinh viên được rèn luyện theo hệ thống tự chỉ huy. Sau khi thụ huấn một năm, sinh viên được đi thực tập một thời gian ngắn rồi tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu Úy Hải-Quân.
Khóa 26 sinh viên sĩ quan Hải-Quân là khóa cuối cùng của Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Quân Nha-Trang.
Trong suốt thời gian từ khi thành lập cho đến tháng 4 năm 1975, Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Quân Nha-Trang đào tạo được 2.538 sĩ quan, cả ngành chỉ huy lẫn kỹ thuật; 15.050 chuyên nghiệp.
HẢI-QUÂN CÔNG-XƯỞNG SÀI-GÒN
Hải-Quân Công-Xưởng được xây cất trên một khu đất rộng lớn, bên bờ sông Sài-Gòn từ thế kỷ 19. Là một thủy xưởng lớn nhất Á-Châu, Hải-Quân Công-Xưởng gồm 87 tòa nhà. Mỗi tòa nhà được xử dụng như một cơ xưởng. Những cơ xưởng ấy là:
* Xưởng đóng tàu
* Xưởng sửa tàu
* Xưởng mộc
* Xưởng điện
* Xưởng tiện
* Xưởng điện tử
* Máy dầu cặn
* Ty dụng cụ
* Nhà kho
* Văn phòng, v.v…
Ngoài ra còn có 2 ụ chìm – một ụ rộng 520 feet và ụ kia rộng 119 feet – một ụ nổi có khả năng sửa tàu nặng 1.000 tấn, bốn đường rầy, bảy cần trục lưu động, một lò nấu chảy. Những cơ sở đó đều tọa lạc trên 53 mẫu đất.*
* Theo MSGS, CP030625Z Dec. 1961; CPF
XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP
NHỮNG ĐẠI ĐƠN-VỊ TÁC CHIẾN
VÙNG SÔNG-NGÒI
HÀNH-QUÂN LƯU-ĐỘNG-SÔNG
Tổ Chức
Hành-Quân Lưu-Động-Sông trực thuộc Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân. Một phụ tá Tư-Lệnh Hải-Quân Hành-Quân Lưu-Động-Sông chịu trách nhiệm điều hành tất cả hành quân trong sông.
Thành Phần
Hành-Quân Lưu-Động-Sông gồm có:
§ Vùng III Sông-Ngòi
§ Vùng IV Sông-Ngòi
§ Lực-Lượng Thủy-Bộ (Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 211)
§ Lực-Lượng Tuần-Thám (Lưc-Lượng Đặc-Nhiệm 212)
§ Lực-Lượng Trung-Ương (Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 214)
§ Giang-Đoàn Xung-Phong.
Phụ Tá Tư-Lệnh Hải-Quân Hành-Quân Lưu-Động-Sông cuối cùng: Phó-Đề-Đốc Đinh Mạnh Hùng.
VÙNG III SÔNG-NGÒI
Tổ Chức
Vùng III Sông-Ngòi gồm có Tư-Lệnh, Tư-Lệnh-Phó và Tham-Mưu-Trưởng.
Bộ-Tư-Lệnh đặt tại Long-Bình.
Thành Phần
Các đơn vị cơ hữu của Vùng III Sông-Ngòi gồm có:
§ Giang-Đoàn 22 và Giang-Đoàn 28 Xung-Phong đóng tại Nhà-Bè.
§ Giang-Đoàn 24 và Giang-Đoàn 30 Xung-Phong đóng tại Long-Bình.
§ Nhiều Tiền-Doanh Yểm-Trợ
Ngoài ra, Vùng III Sông-Ngòi cũng được sự tăng phái của các Lực-Lượng Đặc-Nhiệm (Task Forces) 211, 212, 214.
Phạm Vi Hoạt Động
Vùng hoạt động của Vùng III Sông-Ngòi gồm sông rạch thuộc các tỉnh: Biên-Hòa, Gia-Định, Long-An, Hậu-Nghĩa, Bình-Dương, Tây-Ninh, v. v…
Tư-Lệnh cuối cùng: Hải-Quân Đại-Tá Trịnh Quang Xuân.
VÙNG IV SÔNG-NGÒI
Tổ Chức
Bộ-Chỉ-Huy Vùng IV Sông-Ngòi gồm có: Tư-Lệnh, Tư-Lệnh-Phó và Tham-Mưu-Trưởng.
Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng IV Sông-Ngòi kiêm Tư-Lệnh Hạm-Đội Đặc-Nhiệm 21.
Về hành quân, Hạm-Đội Đặc-Nhiệm 21 chỉ huy và điều động các Lực-Lượng Đặc-Nhiệm tăng phái và Lực-Lượng Hải-Quân cơ hữu thuộc Vùng IV Sông-Ngòi.
Bộ-Tư-Lệnh đặt tại Cần-Thơ.
Thành Phần
Đơn vị cơ hữu của Hải-Quân Vùng IV Sông-Ngòi gồm những Giang-Đoàn Xung-Phong sau đây:
§ Giang-Đoàn 21 và Giang-Đoàn 33 đóng tại Mỹ-Tho.
§ Giang-Đoàn 23 và Giang-Đoàn 31 đóng tại Vĩnh-Long.
§ Giang-Đoàn 26 đóng tại Long-Xuyên.
§ Giang-Đoàn 25 và Giang-Đoàn 29 đóng tại Cần-Thơ.
§ Nhiều Căn-Cứ và Tiền-Doanh Yểm-Trợ
Ngoài những đơn vị cơ hữu kể trên, Vùng IV Sông-Ngòi cũng được sự tăng phái của 3 Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 211, 212 và 214.
Phạm Vi Hoạt Động
Địa bàn hoạt động của Hải-Quân Vùng IV Sông-Ngòi gồm tất cả sông rạch các tỉnh: Định-Tường, Kiến-Tường, Kiến-Phong, An-Giang, Châu-Đốc, Gò-Công, Phong-Dinh, v.v…và được chia làm 3 vùng. Mỗi Lực-Lượng Đặc-Nhiệm chịu trách nhiệm một vùng để yểm trợ cho một Sư-Đoàn Bộ-Binh.
Tư-Lệnh cuối cùng: Phó-Đề-Đốc Đặng Cao Thăng.
LỰC-LƯỢNG THỦY-BỘ
(Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 211)
Tổ Chức
Bộ-Tham-Mưu Lực-Lượng Thủy-Bộ gồm có: Tư-Lệnh, Tư-Lệnh-Phó và Tham-Mưu-Trưởng.
Lực-Lượng Thủy-Bộ được chia thành 3 Liên-Đoàn. Mỗi Liên-Đoàn có 2 Giang-Đoàn, được chỉ huy bởi một Thiếu-Tá hoặc Đại-Úy Hải-Quân và được điều hành như sau:
§ Liên-Đoàn I Thủy-Bộ
Danh xưng khác là Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 211.1
Gồm 2 Giang-Đoàn 70 và 71 Thủy-Bộ.
Hậu cứ tại Long-Phú.
Nhiệm vụ: Phối hợp hành quân với các chi khu thuộc tiểu khu Sóc-Trăng và hộ tống
những đoàn thương thuyền chở nhu yếu phẩm từ Bạc-Liêu, Sóc-Trăng về Saigon.
§ Liên-Đoàn II Thủy-Bộ
Danh xưng khác là 211.2.
Gồm 2 Giang-Đoàn 72 và 73 Thủy-Bộ.
Hậu cứ tại Cà-Mau.
Nhiệm vụ: Yểm trợ Trung-Đoàn 32 Bộ-Binh, đồng thời phối hợp hành quân và tiếp tế cho các đơn vị thuộc vùng Cà-Mau.
§ Liên-Đoàn III Thủy-Bộ
Danh xưng khác là 211.3
Gồm 2 Giang-Đoàn 74 và 75 Thủy-Bộ.
Hậu cứ tại Rạch-Sỏi.
Vùng hoạt động: Tuần tiễu, kiểm soát những thủy lộ thuộc hai tỉnh Kiên-Giang và Chương-Thiện.
Trang Bị
Mỗi Giang-Đoàn Thủy-Bộ được trang bị:
§ 4 Alpha
§ 5 Tango
§ 1 Monitor Combat
§ 1 Monitor Commandement
§ Đội hình di chuyển *:
Ø 2 Trục mìn **
Ø 2 Alpha
Ø Monitor Combat
Ø 5 Tango chở quân
Ø Monitor Commandement
Ø 2 Alpha
Vì chiến trường đòi hỏi, Bộ-Tư-Lệnh Lực-Lượng Thủy-Bộ đã biến cải mỗi Alpha trang bị thêm 1 súng 81 ly trực xạ.
Lực-Lượng Thủy-Bộ còn có Căn-Cứ Yểm-Trợ đặt tại Bình-Thủy, Cần-Thơ để cung cấp nhiên liệu cũng như sửa chữa và tu bổ chiến đỉnh.
Tư-Lệnh cuối cùng: Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Bá Trang.
* Đội hình có thể thay đổi tùy theo nhu cầu chiến trường.
** Trước năm 1973, trong những cuộc hành quân của các đơn vị thuộc Sư-Đoàn 21 Bộ-Binh tại U-Minh thường có nhiều cuộc chuyển quân; vì vậy, mỗi Giang-Đoàn Thủy-Bộ được trang bị thêm các giang đỉnh rà và trục mìn. Hai giang-đỉnh này thường được đi đầu.
LỰC-LƯỢNG TUẦN-THÁM
(Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 212)
Lực-Lượng Tuần-Thám (LLTT) là hậu thân của Task Force 116 Hoa-Kỳ, dưới sự điều động hành quân của Commander of Naval Forces Việt-Nam.
Task Force 116 được thành lập ngày 15 tháng 3 năm 1966 tại căn cứ Hải-Đoàn 22 Xung-Phong, Nhà Bè, dưới quyền chỉ huy của Hải-Quân Đại-Tá Burton B. William, Jr.. Tổng số giang đỉnh đầu tiên là 60 PBR.
Tổ Chức
Bộ-Tham-Mưu LLTT gồm có Tư-Lệnh, Tư-Lệnh-Phó và Tham-Mưu-Trưởng.
Bộ-Tư-Lệnh hành quân đóng tại Châu-Phú, Châu-Đốc. Về sau, Bộ-Tư-Lệnh hành quân dời về Bình-Thủy, Cần-Thơ.
Năm 1973, Bộ-Tư-Lệnh hành quân dời về Mỹ-Tho.
Lực-Lượng Tuần-Thám gồm 14 Giang-Đoàn, kể từ Giang-Đoàn 51 Tuần-Thám cho đến Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám và được chia thành 4 Liên-Đoàn, gọi là Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm.
Mỗi Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm gồm 2 hoặc 3 Giang-Đoàn do một Thiếu-Tá hoặc Trung-Tá Hải-Quân chỉ huy.
Phối Trí
§ Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 212.1 gồm các Giang-Đoàn 51 Tuần-Thám, 52 Tuần-Thám và 53 Tuần-Thám; chịu trách nhiệm Đặc Khu Rừng Sát, sông Lòng-Tào, sông Soài Rạp, sông Đồng Tranh; hậu cứ Nhà-Bè.
§ Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 212.2 gồm các Giang-Đoàn 54 Tuần-Thám, 55 Tuần-Thám và 56 Tuần-Thám; đặc trách hành quân vùng Tân-Châu, Châu-Đốc, Cao-Lãnh, NeakLuong; hậu cứ Tân-Châu.
§ Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 212.3, gồm các Giang-Đoàn 57 Tuần-Thám, 58 Tuần-Thám và 60 Tuần-Thám; chịu trách nhiệm các vùng Long-An, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, Kiến-Tường, Tây-Ninh; hậu cứ Bến-Lức.
§ Liên-Đoàn Đặc-Nhiệm 212.4 gồm các Giang-Đoàn 61 Tuần-Thám, 62 Tuần-Thám và 63 Tuần-Thám; chịu trách nhiệm vùng Rạch-Giá, Hà-Tiên, sông Cái Lớn; hậu cứ Rạch-Sỏi.
§ Giang-Đoàn 64 Tuần-Thám được biệt phái cho Bộ-Tư-Lệnh Vùng I Duyên-Hải; trách nhiệm tuần thám trên sông Hương; hậu cứ Huế.
§ Giang-Đoàn 59 Tuần-Thám trừ bị.
Mỗi Giang-Đoàn Tuần-Thám có 20 PBR, do một Đại-Úy hoặc Thiếu-Tá chỉ huy; và được chia thành 5 Liên-Đội.
Mỗi Liên-Đội có 4 PBR do một Trung-Úy chỉ huy.
Mỗi PBR có từ 4 đến 5 nhân viên do một hạ sĩ quan Hải-Quân làm thuyền trưởng.
PBR có chiều dài 31 feet, chiều ngang 10 feet rưỡi, vỏ bằng nhựa (fiberglass), nhẹ, vận tốc cao – khoảng 32 km/giờ – chạy bằng máy phản lực, không có chân vịt cho nên rất thích hợp trên những sông cạn.
Mỗi PBR được trang bị 2 radio, 1 radar, máy truyền tin cực mạnh, ống dòm hồng ngoại tuyến, súng cối 81 ly và 12 ly 7 đôi; trong nhiều trường hợp, PBR cũng được trang bị súng 50 ly đôi, 7 ly 62 và 20 ly.
Phạm vi hoạt động
Trách nhiệm trực tiếp vùng biên giới Tân-Châu, Hồng-Ngự, Châu-Đốc, Hà-Tiên, Cao-Lãnh, v. v…
Ngoài ra Lực-Lượng Tuần-Thám cũng được tăng phái cho những vùng hành quân và trực thuộc dưới sự chỉ huy của vùng đó.
Tư-Lệnh đầu tiên và cũng là Tư-Lệnh cuối cùng: Phó-Đề-Đốc Nghiêm Văn Phú.
LỰC-LƯỢNG TRUNG-ƯƠNG
(Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 214)
Tổ Chức
Bộ-Chỉ-Huy Lực-Lượng Trung-Ương gồm có Tư-Lệnh, Tư-Lệnh-Phó và Tham-Mưu-Trưởng.
Bộ-Chỉ-Huy được đặt tại Đồng-Tâm, thuộc tỉnh Định-Tường.
Về hành chánh, Lực-Lượng Trung-Ương gồm có:
§ Liên-Đoàn Người Nhái
§ 2 Giang-Đoàn Trục-Lôi
§ 4 Giang-Đoàn Ngăn-Chận
§ Nhiều Căn Cứ Hải-Quân
Giang-Đoàn Ngăn-Chận được trang bị cùng loại chiến đỉnh với Giang-Đoàn Thủy-Bộ và có thêm máy phun lửa. Mỗi Giang-Đoàn Ngăn-Chận được chỉ huy bởi một Thiếu-Tá hoặc Đại-Úy Hải-Quân.
Về hành quân, Lực-Lượng Trung-Ương được tăng phái 2 Giang-Đoàn Tuần-Thám và 2 Giang-Đoàn Xung-Phong.
Lực-Lượng Trung-Ương có 300 sĩ quan, khoảng 3.000 binh sĩ và được chia làm 3 Liên-Đoàn. Mỗi Liên-Đoàn gồm 2 Giang-Đoàn và đặt dưới sự chỉ huy của một Thiếu-Tá hoặc Trung-Tá Hải-Quân.
Hậu cứ của các Liên-Đoàn:
§ Liên-Đoàn 214.1 đóng tại Tuyên-Nhơn.
§ Liên-Đoàn 214.2 đóng tại Kinh Chợ Gạo.
§ Liên-Đoàn 214.3 đóng tại Cao-Lãnh.
Vùng Hoạt Động
Miền Tiền-Giang, từ bên này sông Cữu-Long cho đến sông Vàm-Cỏ, gồm các tỉnh Định-Tường, Vĩnh-Long, Kiến-Tường, v.v…
Tư-Lệnh cuối cùng: Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Văn Thông.
GIANG-ĐOÀN XUNG-PHONG
Tổ Chức
Chỉ-Huy-Trưởng của mỗi Giang-Đoàn Xung-Phong (River Assault Group) có thể là Thiếu-Tá hoặc Đại-Úy Hải-Quân. Về sau, vì thiếu sĩ quan, một số sĩ quan tốt nghiệp từ trường Bộ-Binh Thủ-Đức biệt phái cũng được huấn luyện để giữ những chức vụ này.
Trang Bị
Mỗi Giang-Đoàn Xung-Phong được trang bị:
§ 6 LCVP – mỗi LCVP có 1 đại bác 20 ly và 2 trung liên 7 ly 62.
§ 6 Fom – mỗi Fom có 1 đại liên 12 ly 7 và 3 trung liên 7 ly 62.
§ 4 LCM – mỗi LCM có 2 đại bác 20 ly và 2 đại liên 12 ly 7.
§ 1 Combat, được trang bị: 1 đại bác 40 ly, 1 súng cối 81 ly, 2 trung liên 7 ly 62 và 1 đại liên 12 ly 7.
§ 1 Commandement, được trang bị: 2 đại liên 12 ly 7 hoặc 1 đại liên 40 ly, 2 trung liên 7 ly 62 hoặc 20 ly và 1 súng cối 81 ly.
Ngoài ra, trên mỗi giang đỉnh đều có súng cá nhân như M79, M16 và 57 trực xạ.
Nhiệm Vụ
Chuyển vận, yểm trợ và phối hợp hành quân với quân bạn.
Vùng Hoạt Động
Tất cả sông rạch thuộc miền Nam Việt-Nam.
Đội hình di chuyển *:
§ 2 LCVP
§ 2 FOM
§ 1 Combat
§ 1 LCM
§ 2 LCVP
§ 1 LCM
§ 2 FOM
§ 1 LCM
§ 2 LCVP
§ 1 LCM
§ 1 Commandement
§ 2 FOM
* Đội hình có thể thay đổi tùy theo nhu cầu chiến trường.
LIÊN-ĐOÀN TUẦN-GIANG
Thành Lập
Để đáp ứng nhu cầu chiến trường, Lực-Lượng Giang-Phòng được thành lập và trực thuộc Bộ-Tư-Lệnh Địa-Phương-Quân.
Về sau, danh xưng Lực-Lượng Giang-Phòng được đổi thành Liên-Đoàn Tuần-Giang, trực thuộc Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân.
Bộ-Chỉ-Huy Liên-Đoàn Tuần-Giang đặt tại Saigon.
Tổ Chức
Khóa Tuần-Giang đầu tiên do Hải-Quân huấn luyện. Sau đó, Trung-Tâm Huấn-Luyện Tuần-Giang được thành lập tại Cát-Lái.
Ba đại đội sửa chữa được đặt tại Saigon, Cần-Thơ và Mỹ-Tho.
Quảng Trị
Về hành chánh: Bộ-Chỉ-Huy Liên-Đoàn Tuần-Giang trực thuộc Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân về quản trị nhân viên, thuyên chuyển, bổ nhậm, tiếp liệu, sửa chữa, v.v…
Về hành quân: Đại-Đội Tuần-Giang đặt dưới sự điều động và xử dụng của Tiểu-Khu.
Thành Phần
Liên-Đoàn Tuần-Giang gồm 24 Đại-Đội, kể từ Đại-Đội 11 Tuần-Giang đến Đại-Đội 35 Tuần-Giang.
Mỗi Đại-Đội Tuần-Giang được một Thiếu-Tá hoặc Đại-Úy chỉ huy.
Trang Bị
Đại-Đội Tuần-Giang được trang bị 1 LCM 8 và 8 hoặc 9 LCVP.
Mỗi giang đỉnh được trang bị đại liên 50, đại liên 30 và M72.
Nhiệm Vụ
Mỗi Tiểu-Khu được tăng phái một hoặc hai Đại-Đội Tuần-Giang để thực hiện những nhiệm vụ sau đây:
§ Chuyên chở Bộ-Binh và phối hợp những đơn vị bạn tham dự các cuộc hành quân do Tiểu-Khu tổ chức.
§ Kiểm soát ghe thuyền để khám phá và ngăn chận sự xâm nhập của địch. Tuần tiễu và giữ an ninh cầu cống trên những thủy trình do Tiểu-Khu chỉ định.
§ Bảo vệ an ninh ấp, xã, yểm trợ hỏa lực và tiếp viện đồn bót ven sông.
§ Hộ tống xà-lan đạn, dầu, thực phẩm, v.v…
Chỉ-Huy-Trưởng cuối cùng: Đại-Tá Kỹ-Thuật Nguyễn Văn Kinh.
LỰC-LƯỢNG ĐẶC-NHIỆM 99
Thành Lập
Ngay sau khi đáo nhiệm chức vụ Tư-Lệnh Hải-Quân lần thứ hai, Phó-Đề-Đốc Chung Tấn Cang ra lệnh thành lập Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 99 trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Lực-Lượng này được đặt dưới sự điều động trực tiếp của Tư-Lệnh Hải-Quân chứ không theo hệ thống quân giai. Hậu cứ là Căn-Cứ Hải-Quân Nhà-Bè.
Vì tính cách cấp thời, Bộ-Tham-Mưu Lực-Lượng chỉ gồm có: Chỉ-Huy-Trưởng, một Trung-Úy, một tài xế và một thượng sĩ vô tuyến.
Trang Bị
Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 99 gồm 50 chiến đỉnh, là sự kết hợp của các Giang-Đoàn: 42 Ngăn-Chận, 59 Tuần-Thám, một phần của Giang-Đoàn 22 Xung-Phong, một toán trục vớt, một toán tiền-phong-đỉnh, một trung đội Hải-Kích, 3 súng phun lửa.
Phạm Vi Hoạt Động
Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 99 được xem như Lực-Lượng tổng trừ bị của Hải-Quân, với mục đích giải tỏa áp lực nặng của địch ở bất cứ nơi nào thuộc phạm vi hoạt động của Hải-Quân.
Chỉ-Huy-Trưởng đầu tiên và cũng là cuối cùng: Hải-Quân Đại-Tá Lê Hữu Dõng.
VÙNG DUYÊN-HẢI
HÀNH-QUÂN LƯU-ĐỘNG-BIỂN
Lực-Lượng Duyên-Phòng
(Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 213)
Tổ Chức
Hành-Quân Lưu-Động-Biển trực thuộc Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân. Phụ-Tá Tư-Lệnh Hải-Quân Hành-Quân Lưu-Động-Biển chịu trách nhiệm tất cả hành quân trên biển.
Thành Phần
Vùng Duyên-Hải từ vĩ tuyến 17 đến Cà-Mau được chia làm 5 Vùng. Mỗi Vùng Duyên-Hải có một Lực-Lượng Đặc-Nhiệm, gồm những chiến hạm biệt phái, Lực-Lượng cơ hữu (Duyên-Đoàn) và Hải-Đội Duyên-Phòng.
Trang Bị
Mỗi Hải-Đội Duyên-Phòng được trang bị khoảng 30 PCF và Coast Guard.
Mỗi PCF được trang bị 1 súng cối 81 ly đặt phía sau, bên trên là đại liên 12 ly 7.
Hành Quân
Tất cả Lực-Lượng Đặc-Nhiệm của 5 Vùng Duyên-Hải trực thuộc Lực-Lượng Đặc-Nhiệm 213.
Phụ-Tá Tư-Lệnh Hải-Quân Hành-Quân Lưu-Động-Biển cuối cùng: Phó-Đề-Đốc Nguyễn Hữu Chí. *
* Tên thật và chức vụ của nhà thơ Hữu Phương.
HẠM-ĐỘI
Tổ Chức
Bộ-Tư-Lệnh Hạm-Đội gồm có Tư-Lệnh, Tư-Lệnh-Phó và Tham-Mưu-Trưởng; được đặt tại Hải-Quân Công-Xưởng.
Hạm-Đội gồm 3 Hải-Đội.
§ Hải-Đội I Tuần-Duyên gồm có:
* PGM từ HQ 601 đến HQ 619.
* LSIL từ HQ 327 đến HQ 331.
* LSSL từ HQ 225 đến HQ 231.
* Nhiệm vụ: tuần tiễu, kiểm soát vùng cận duyên.
§ Hải-Đội II Chuyển-Vận gồm có:
* LST từ HQ 500 đến HQ 505.
* LSM từ HQ 400 đến HQ 406.
* LST loại lớn HQ 800 và HQ 801.
* LCM từ 530…
* YOG từ HQ.470 đến HQ 475.
* Cơ-Xưởng-Hạm HQ 802.
* Nhiệm vụ: Hành quân đổ bộ, yểm trợ tiếp vận, y-tế, sửa chữa.
§ Hải-Đội III Tuần-Dương gồm:
* PCE HQ 7, PCER HQ 12 và HQ 14.
* WHEC HQ 2, HQ 3, HQ 5, HQ 6, HQ 15, HQ 16 và HQ 17.
* DER HQ 1 và HQ 4.
* Nhiệm vụ: Tuần tiễu, ngăn chận, nghênh chiến khi tàu địch xâm nhập hải phận Việt-Nam.
Phạm Vi Hoạt Động
Khắp 4 vùng chiến thuật, từ vỹ tuyến 17 đến Cà-Mau, cả biển lẫn sông.
Tư-Lệnh Hạm-Đội cuối cùng: Hải-Quân Đại Tá Phạm Mạnh Khuê.
VÙNG I DUYÊN-HẢI
Tổ Chức
Bộ-Tư-Lệnh Vùng I Duyên-Hải gồm có Tư-Lệnh, Tư-Lệnh-Phó và Tham-Mưu-Trưởng.
Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng I Duyên-Hải kiêm Chỉ-Huy-Trưởng Khu Quân-Sự Tiên-Sa, gồm tất cả đơn vị Hải, Lục, Không-Quân đồn trú tại bán đảo Sơn-Chà.
Bộ-Tư-Lệnh Vùng I Duyên-Hải đặt tại Tiên-Sa Đà-Nẵng.
Thành phần cơ hữu gồm những đơn vị sau đây:
§ Hải-Đội I Duyên-Phòng.
§ Giang-Đoàn 32 Xung-Phong tại Huế.
§ Giang-Đoàn 92 Trục-Lôi tại Thuận-An.
§ Giang-Đoàn 60 Tuần-Thám tại Thuận-An.
§ Duyên-Đoàn 11 tại Cửa-Việt.
§ Duyên-Đoàn 12 tại Thuận-An.
§ Duyên-Đoàn 13 tại cửa Tư-Hiền.
§ Duyên-Đoàn 14 tại Hội-An.
§ Duyên-Đoàn 15 tại Chu-Lai.
§ Duyên-Đoàn 16 tại Quảng-Ngãi.
§ 4 đài kiểm-báo: 101 tại núi La-Ngữ, Huế; 102 ở Sơn-Chà; 103 ở Cù Lao Ré; 104 ở Sa-Huỳnh.
§ Nhiều Căn Cứ và Tiền-Doanh Yểm-Trợ.
Ngoài ra, vùng I Duyên-Hải còn có nhiều chiến hạm biệt phái.
Phạm Vi Hoạt Động
Vùng Duyên-Hải và sông rạch các tỉnh Quang-Trị, Thừa-Thiên, Đà-Nẵng và Quảng-Ngãi.
Tư-Lệnh cuối cùng: Phó-Đề-Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại.
VÙNG II DUYÊN-HẢI
Tổ Chức
Bộ-Tư-Lệnh Vùng II Duyên-Hải gồm Tư-Lệnh, Tư-Lệnh-Phó và Tham-Mưu-Trưởng.
Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng II Duyên-Hải đặt tại Cam Ranh và gồm các đơn vị sau đây:
§ Hải-Đội II Duyên-Phòng đóng tại Qui-Nhơn.
§ Duyên-Đoàn 21 tại Qui-Nhơn.
§ Duyên-Đoàn 22 tại Poulo Gambir.
§ Duyên-Đoàn 23 tại Sông-Cầu.
§ Duyên-Đoàn 24 tại Tuy-Hòa.
§ Duyên-Đoàn 25 tại Hòn-Khói.
§ Duyên-Đoàn 26 tại Bình-Ba.
§ Duyên-Đoàn 27 tại Phan-Rang.
§ Duyên-Đoàn 28 tại Phan-Thiết.
§ Các Căn-Cứ Yểm-Trợ.
§ Nhiều Đài-Kiểm-Báo.
§ Một số chiến hạm biệt phái.
Phạm Vi Hoạt Động
Vùng II Duyên-Hải trách nhiệm vùng duyên hải thuộc các tỉnh Bình-Định, Phú-Yên, Khánh-Hòa, Cam-Ranh, Phan-Rang và Phan-Thiết.
Tư-Lệnh cuối cùng: Phó-Đề-Đốc Hoàng Cơ Minh.
VÙNG III DUYÊN-HẢI
Tổ Chức
Bộ-Tư-Lệnh Vùng III Duyên-Hải gồm có Tư-Lệnh, Tư-Lệnh-Phó và Tham-Mưu-Trưởng.
Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng III Duyên-Hải đóng tại Cát-Lỡ và gồm những đơn vị sau đây:
§ Hải-Đội III Duyên-Phòng, đóng tại Cát-Lỡ.
§ Duyên-Đoàn 33 tại Rạch-Dừa.
§ Duyên-Đoàn 34 tại Bến-Tre.
§ Duyên-Đoàn 35 tại Trà-Vinh.
§ Căn-Cứ Yểm-Trợ Cát-Lỡ.
§ Bệnh xá Vũng-Tàu.
§ Các đài kiểm báo: 301 ở Dakoo, Bình-Tuy; 302 ở Núi Lớn; 304 đặt trên một chiến hạm, neo ngoài khơi Ba-Động.
§ Nhiều chiến hạm biệt phái.
Phạm Vi Hoạt Động
Miền Duyên-Hải thuộc các tỉnh Phước-Tuy, Gò-Công và Kiến-Hòa.
Tư-Lệnh cuối cùng: Phó-Đề-Đốc Vũ Đình Đào.
VÙNG IV DUYÊN-HẢI
Tổ Chức
Bộ-Tư-Lệnh Vùng IV Duyên-Hải gồm có Tư-Lệnh, Tư-Lệnh-Phó và Tham-Mưu-Trưởng.
Bộ-Tư-Lệnh Hải-Quân Vùng IV Duyên-Hải được đặt tại Phú-Quốc và gồm những đơn vị sau đây:
§ Hải-Đội IV Duyên-Phòng đóng tại An-Thới.
§ Duyên-Đoàn 42 tại Hòn Nam-Du.
§ Duyên-Đoàn 43 tại Sông Ông-Đốc, Cà-Mau.
§ Duyên-Đoàn 44 tại Kiên-An, Rạch-Giá; trách nhiệm vùng U-Minh-Thượng, cửa sông Cái-Lớn và Cái-Bé.
§ Duyên-Đoàn 45 tại Bắc-Đảo, Hà-Tiên.
§ Căn-Cứ Yểm-Trợ và Tiếp-Vận.
§ Nhiều đài kiểm báo.
Phạm Vi Hoạt Động
Từ mũi Cà-Mau đến biên giới Miên Việt, trong vịnh Thái-Lan.
Tư-Lệnh cuối cùng: Hải-Quân Đại-Tá Nguyễn Văn Thiện.
VÙNG V DUYÊN-HẢI
Tổ Chức
Bộ-Tư-Lệnh Vùng V Duyên-Hải gồm có Tư-Lệnh, Tư-Lệnh-Phó và Tham-Mưu-Trưởng.
Bộ-Tư-Lệnh Vùng V Duyên-Hải đặt tại Năm-Căn thuộc tỉnh An-Xuyên.
Lực-Lượng cơ hữu Hải-Quân Vùng V Duyên-Hải gồm có:
§ Hải-Đội V Duyên-Phòng.
§ Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận.
§ Giang-Đoàn 53 Tuần-Thám.
§ Duyên-Đoàn 36 tại cửa Định-An.
§ Duyên-Đoàn 41 tại Poulo Obi.
§ Đài kiểm báo 401 đặt trên núi Poulo Obi.
§ Căn-Cứ Hải-Quân.
§ Tiền-Doanh Yểm-Trợ.
§ Nhiều chiến hạm biệt phái.
Vùng Hoạt Động
Vùng V Duyên-Hải trách nhiệm miền Duyên-Hải của các tỉnh Ba-Xuyên, Bạc-Liêu, An-Xuyên (Cà-Mau), một phần duyên hải của tỉnh Kiên-Giang (Rạch-Giá) và các đảo Poulo Obi, Fais Obi, v.v…
Ngoài ra, Giang-Đoàn 43 Ngăn-Chận và Giang-Đoàn 53 Tuần-Thám chịu trách nhiệm sông Năm-Căn – giới hạn từ cửa Bồ-Đề đến cửa Bảy-Hạp – sông Đồng-Cùng và Chi-Khu Năm-Căn.
Tư-Lệnh cuối cùng: Hải-Quân Đại-tá Nguyễn Văn May.
LỰC-LƯỢNG HẢI-THUYỀN
Thành Lập
Khởi thủy, Lực-Lượng Hải-Thuyền là một Lực-Lượng bán quân sự, do sĩ quan Hải-Quân tuyển mộ, huấn luyện và chỉ huy. Thời gian huấn luyện là ba tháng.
Khi mới thành lập, mỗi đơn vị của Lực-Lượng Hải-Thuyền được gọi là Đội Hải-Thuyền và đoàn viên đều xâm trên ngực hai chữ Sát Cộng.
Tổ Chức
Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Thuyền đặt ở Phú-Quốc; đến tháng 2 năm 1963 được dời về Cam-Ranh.
Thành Phần
Mỗi Đội Hải-Thuyền được một Thiếu-Úy hoặc Trung-Úy chỉ huy và gồm có:
§ 3 ghe Chủ-Lực – mỗi ghe Chủ-Lực được trang bị 1 đại liên 50 trước mũi, 1 đại liên 30 sau lái và nhiều súng cá nhân.
§ 3 ghe Di-Cư – mỗi ghe Di-Cư được trang bị 2 đại liên 30 và nhiều súng cá nhân.
§ 20 ghe Buồm – chỉ được trang bị súng cá nhân.
§ Ghe Yabuta được trang bị 2 đại bác 20 ly bên hông.
Y phục của đoàn viên là bà ba đen.
Nhiệm Vụ
Tuần tiễu, kiểm soát và ngăn chận sự xâm nhập và trà trộn của Việt-Cộng vào những làng ven biển
Phạm Vi Hoạt Động
Dọc theo miền duyên hải Nam Việt-Nam.
Sau khi được sát nhập vào Hải-Quân, danh xưng Đội Hải-Thuyền được đổi là Duyên-Đoàn và đoàn viên mặc quân phục Hải-Quân.
Cấp số của mỗi Duyên-Đoàn là Thiếu-Tá.
LIÊN-ĐOÀN NGƯỜI NHÁI
Thành Lập
Liên-Đội Người Nhái được thành lập năm 1961, gồm toàn quân nhân tình nguyện.
Ngay sau khi được thành lập, 12 nhân viên tốt nghiệp khóa Biệt-Hải U.D.T. tại Đài-Loan huấn luyện lại cho Người Nhái Hải-Quân.
Tổ Chức
Bộ-Chỉ-Huy Liên-Đoàn Người Nhái trước đặt tại Ty Quân-Cảng, trong Hải-Quân Công-Xưởng; sau dời về Căn-Cứ Hải-Quân Cát-Lái, đặt dưới sự chỉ huy của Lực-Lượng Đặc-Nhiệm Trung-Ương 214.
Trước năm 1968, Liên-Đội Người Nhái chỉ phụ trách những công tác thám sát hành quân, đổ bộ, lặn và vớt tàu.
Từ năm 1968 trở về sau, khả năng Người Nhái Hải-Quân Việt-Nam được tận dụng đúng mức khi Liên-Đoàn Người Nhái bắt đầu biệt phái nhân viên cho các toán Người Nhái Mỹ – SEAL team – khắp 4 vùng chiến thuật và cho cả chiến dịch Phụng-Hoàng.
Năm 1971, một số sĩ quan trẻ, xuất thân từ Trường sĩ quan Bộ-Binh Thủ-Đức tình nguyện gia nhập và được huấn luyện theo những khóa Hải-Kích Người Nhái Việt-Nam.
Năm 1972, quân số Người Nhái từ 80 tăng lên 600. Liên-Đội Người Nhái trở thành Liên-Đoàn Người Nhái và gồm có:
§ Hải-Kích (SEAL – Sea, Air, and Land Forces)
§ Biệt-Hải (UDT – Underwater Demolition Team)
§ Tháo gỡ đạn dược (EOD – Explosive Ordinance Disposal)
§ Trục Vớt (vớt tàu)
§ Phòng thủ hải cảng.
§ Giang-Đoàn yểm trợ Hải-Kích (chuyên chở hành quân).
§ Toán yểm trợ tiếp vận.
Nhiệm Vụ
Xâm nhập vùng đất địch, chống đặc công thủy Việt-Cộng, vớt tàu, cứu tù binh, v.v…
Phạm Vi Hoạt Động
Người Nhái có thể hoạt động trong sông lẫn ngoài biển.
Bất cứ lúc nào Liên-Đoàn Người Nhái cũng có từ 15 đến 20 toán thuộc các ngành để biệt phái khắp nơi.
Khóa Người Nhái cuối cùng là Khóa 8.
Chỉ-Huy-Trưởng cuối cùng: Hải-Quân Trung-Tá Trịnh Hòa Hiệp.
BIỆT-HẢI
Thuộc Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải
Tổ Chức
Biệt-Hải được chia ra 3 nhóm: Vega, Lucky và Romulus. Cả ba nhóm đều sống trong các trại dọc theo bãi biển từ Mỹ-Khê đến chùa Non-Nước. Trại nọ cách trại kia khoảng một cây số. Trước mặt trại là biển và sau lưng là rừng dương liễu.
Mỗi trại đều có dân sự chiến đấu lo canh gác và vấn đề ẩm thực. Biệt-Hải chỉ lo tập và thi hành công tác cho đến khi giải nhiệm hoặc tự ý xin rút lui.
Tuyển Mộ
Muốn trở thành một Biệt-Hải, học viên phải hội đủ những điều kiện: Thể chất khỏe mạnh, cường tráng; tinh thần can đảm, tự tin, kín đáo; phản ứng bén nhạy để xoay trở khi lâm nạn và có sức chịu đựng phi thường.
Huấn Luyện
§ Khóa I Biệt-Hải
Tháng 10 năm 1962, khóa Biệt-Hải đầu tiên tại Việt-Nam do Người Nhái Mỹ (U.S. Navy SEALs) và một số Biệt-Hải Việt-Nam tốt nghiệp tại Đài-Loan huấn luyện. Khóa này có một sĩ-quan duy nhất – Hải-Quân Trung-Úy Trịnh Hòa Hiệp, xuất thân khóa 7 Hải-Quân Nha-Trang – và một số hạ sĩ quan Hải-Quân, còn hầu hết là nhân viên Hải-Thuyền.
Khóa này ra trường vào tháng 1 năm 1963 rồi xin chuyển sang Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải, chuyên thi hành công tác xâm nhập miền Bắc, từ bắc vỹ tuyến 17.
§ Khóa II Biệt-Hải
Cũng được tổ chức tương tự như khóa I. Hải-Quân Thiếu-Úy Phan Tấn Hưng – xuất thân khóa 9 Hải-Quân Nha-Trang – là sĩ-quan thứ hai theo thụ huấn.
Khóa I và khóa II Biệt-Hải được huấn luyện tại Đà-Nẵng. Những khóa kế tiếp được huấn luyện tại các địa điểm khác nhau như: Nha-Trang, Cam-Ranh, Vũng-Tàu, v.v…
Biệt-Hải được huấn luyện như một điệp viên chiến tranh thuần túy để thích nghi với mọi môi trường như lặn, đổ bộ và nhảy trực thăng từ một cao độ khá nguy hiểm mà không cần dù. Biệt-Hải biết xử dụng tất cả mọi loại vũ khí – của ta cũng như của địch – và có khả năng xâm nhập/ trốn thoát/sống còn.
Thời gian huấn luyện là 16 tuần lễ, kể cả “Tuần lễ địa ngục”. Muốn vượt qua “Tuần lễ địa ngục”, học viên phải qua nhiều thử thách như: Chèo ghe 115 dặm, chạy bộ 75 dặm, mang tàu đi 21 dặm, bơi 10 dặm, bơi trong khi tay và chân bị trói để lấy tài liệu dưới đáy nước – bằng miệng. Biệt-Hải phải chịu đựng được những khắc nghiệt của độ nóng, độ lạnh, độ sâu và độ cao.
Vì những điều kiện huấn luyện để trở thành một Biệt-Hải rất khắc khe cho nên Biệt-Hải Hoa-Kỳ có câu: The only easy day was yesterday!
Nhiệm Vụ
Mỗi nhóm hoạt động trong một lãnh vực khác nhau.
§ Nhóm Vega được huấn luyện để đổ bộ, đột kích, phá cầu bằng chất nổ và bắt người ngoài Bắc về lấy tin tình báo. Nhóm này xử dụng Bazooca và 75 ly không giật.
§ Nhóm Romulus chuyên lặn bình hơi và đổ bộ bằng cách nhảy dù xuống biển, mang theo bình hơi và xuồng cao su.
§ Nhóm Lucky thi hành công tác phá hoại kinh tế, tuyên truyền, gây xáo trộn tinh thần trong hàng ngũ địch. Nhóm này thường bắt ngư phủ trong hợp tác xã Việt-Cộng đem về làng kiểu mẫu Thế-Giới Tự-Do – được thành lập tại Cù Lao Chàm – nuôi nấng, cho ăn uống sung sướng, học về đời sống tự do; sau đó những người này được thả về Bắc lại để tuyên truyền. Nhiều người trong số này xin ở lại miền Nam, nhưng không được chấp thuận.
Trước khi Biệt-Hải thực hiện một công tác nào thì nhân viên phải được huấn luyện và thực tập dựa theo địa hình, địa vật – do không ảnh U2 cung cấp – của những địa điểm mà công tác sẽ được thi hành.
Trong khi thi hành nhiệm vụ, Biệt-Hải thường bơi từng cặp để tương trợ lẫn nhau. Phương thức này được gọi là Buddy System.
Khi Lực-Lượng Hải-Tuần chưa thành lập, Việt-Cộng bố trí nhiều vị trí đóng quân dọc theo duyên hải kể từ phía Bắc vỹ tuyến 17. Về sau, những đơn vị Việt-Cộng này bị Biệt-Hải tấn công và bắn phá liên miên, Việt-Cộng dời quân vào sâu trong nội địa.
Sau khi Việt-Nam hóa chiến tranh, Đại-Đội Hải-Kích được biệt phái cho các Giang-Đoàn, Duyên-Đoàn hay những Căn-Cứ Hải-Quân trên khắp lãnh thổ miền Nam.
Nhiệm vụ
Nhiệm vụ của Hải-Kích cũng tương tự như Biệt-Kích, nghĩa là đột nhập vào những mục tiêu ven biển hoặc sông rạch.
Một toán Hải-Kích được biệt phái thường trực cho Căn-Cứ Hải-Quân Năm-Căn. Đại đội vớt tàu trang bị dụng cụ lặn và trục vớt, lưu động các nơi, nhất là Vùng IV Sông-Ngòi. Đại đội tháo gỡ đạn dược cũng biệt phái nhân viên đến các Bộ-Chỉ-Huy Vùng.
Tầm hoạt động xa nhất của Biệt-Hải là Hải-Phòng.
LỰC-LƯỢNG HẢI-TUẦN
Tổ Chức
Lực-Lượng Hải-Tuần thuộc Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải, đóng tại Tiên-Sa, Đà-Nẵng. Bộ-Chỉ-Huy gồm có Chỉ-Huy-Trưởng và Chỉ-Huy-Phó.
Chỉ-Huy-Trưởng Lực-Lượng Hải-Tuần đầu tiên là Hải-Quân Thiếu-Tá Trần Bình Sang.
Tất cả nhân viên thuộc Lực-Lượng Hải-Tuần, cả sĩ quan và lính, đều là những quân nhân tình nguyện và được biệt phái hẳn cho Lực-Lượng Đặc-Biệt (Special Operations Group). Lực-Lượng Đặc-Biệt này gồm nhiều binh chủng khác nhau như Thủy-Quân Lục-Chiến, Không-Quân, Nhảy-Dù, Biệt-Kích, v. v…và Hải-Quân là một thành phần trong cơ cấu này.
Trang Bị
Khinh-Tốc-Đỉnh (PT).
PT dài khoảng 80 feet, vỏ bằng nhựa, máy chạy bằng dầu cặn, được đóng tại Na-Uy (Norway), vận tốc trên 50 hải lý một giờ. Những PT thuộc Sở Phòng-Vệ Duyên-Hải có biệt danh là Nasty và Swift.
Mỗi PT được trang bị:
§ 1 súng cối 130 hoặc 81 ly, quay và nhắm được, đặt sau đài chỉ huy.
§ 2 đại liên 50 đôi đặt hai bên.
§ 1 trọng pháo phòng không 40 ly, hai nòng, bắn tự động.
PT được chế tạo để phóng thủy lôi, nhưng công tác của Lực-Lượng Hải-Tuần không cần đến, cho nên không trang bị.
Mỗi PT có một hạm trưởng – cấp bậc Đại-Úy Hải-Quân – một hạm phó, một cơ khí viên và một số nhân viên. Mỗi lần hành quân thường đi chung 2 hoặc 3 PT để yểm trợ lẫn nhau.
Nhiệm Vụ
Nhiệm vụ của Lực-Lượng Hải-Tuần là dùng PT đưa Biệt-Hải hoặc những người có nhiệm vụ liên hệ, vượt vỹ tuyến 17, xâm nhập Bắc Việt. Công tác thường được thực hiện ban đêm và chỉ với mục đích thu thập tin tức tình báo.
Phạm Vi Hoạt Động
Dọc vỹ tuyến 17 cho đến Hải-Phòng.
Sau khi thi hành công tác từ Bắc về, PT Hải-Quân V.N.C.H. thường bị PT Việt-Cộng chận đánh, khoảng Hòn-Cọp. PT Hải-Quân V.N.C.H. cũng thường bị Mig Bắc-Việt – bay từng cặp – phát giác bằng radar và dùng hỏa tiễn tầm nhiệt tấn công.
Hải-Quân Việt-Cộng được trang bị 12 P4.
Việt-Cộng thường dùng loại tàu Kronstaff, vận tốc khoảng 35 hải lý một giờ và loại P4 vận tốc 65 hải lý một giờ và được trang bị 6 giàn đại liên 50 đôi để tấn công PT Nam Việt Nam. PT Nam Việt-Nam vừa phản công vừa lui về dưới vỹ tuyến 17 để khỏi bị lộ.
Lực-Lượng Hải-Tuần đưa Biệt-Kích xâm nhập Bắc Việt lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1964.
Khi mới thành lập, Lực-Lượng Hải-Tuần có khoảng 20 PT. Đến cuối năm 1970, theo tinh thần Hòa Đàm Paris, Cộng Sản Việt Nam yêu cầu Mỹ hủy bỏ những công tác tình báo ngoài Bắc. Mỹ nhượng bộ.
Lực-Lượng Hải-Tuần ngưng hoạt động và giải tán.
TIẾP CHƯƠNG IV
No comments:
Post a Comment