Đại Tá Lê Đức Đạt
Thực tình tôi không muốn viết bài này vì nó cho tôi một kỷ niệm nhiều đau
thương nhất trong cuộc đời binh nghiệp vốn dĩ đã kém may mắn cuả tôi, hơn nữa
tôi không muốn gợi lại những chuyện (sự thật đau lòng) nhưng một vị đàn anh dã
yêu cầu nên tôi đành vâng lời, tôi cố gắng chỉ viết những gì thật cần thiết,
còn những gì không cần thiết tôi xin được né tránh, một điều xin thưa rằng đây
là sự thực những gì tôi thấy, những gì tôi nghe; nhớ tới hình dáng người dân
địa phương, lưng mang gùi nặng tay vẫy chào như trao trách nhiệm bảo vệ thôn
rẫy, mà lòng nào đành quên sao? Nhớ tới những vị đàn anh, những người bạn,
những người em lạc lõng tại SÐ22BB mà lòng nao nao bất ổn, đây là một cuộc hành
hạ không phải là một trận đánh, tôi không hiểu sao sau khi SÐ22BB bị bỏ rơi tàn
bạo mà tôi còn đủ tinh thần tiếp tục chiến đấu, tôi vẫn ngạc nhiên tại sao
chúng ta vẫn hiên ngang ôm lấy quê hương cho đến năm 1975.
Nguyễn Ðình Bảo mới ra đi hun hút, tôi lặng người trước cơn gió tây Hạ Lào, dáng dấp lao đao như muốn ngả theo gió, cách nay 5 năm tức năm 1967 tôi đã tiễn một người bạn đồng cư trong trại Học sinh di cư Phú Thọ ra đi tại đây Nguyễn Thu, toàn những mất mát rơi rụng không bao giờ cầm lại được, năm 1959 tôi cùng Ðại Úy Lai văn Chu Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 7 Bộ Binh SÐ3DC chơi Vũ Cầu rất thân thiết, hai năm sau ông đổi lên Tân Cảnh rồi hai năm sau nữa tôi thấy tên ông trên cổng trại Trung Ðoàn 42 Bộ Binh tức doanh trại Bộ Tư Lệnh Hành Quân cuả SÐ22BB bây giờ.
Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, tiểu đoàn trưởng cùng Đại Uý Đoàn Phương Hải, sĩ quan hành quân, thuộc tiểu đoàn 11 Nhảy Dù. Trung Tá Bảo đã tử trận tại ngọn đồi Charlie, được vinh thăng Đại Tá
Tôi được đọc hai cuốn sách cuả hai tác giả rất nổi danh và baì viết của vị trưởng Phòng 2 Quân Ðoàn II tuy chỉ nói phớt qua về SÐ22BB nhưng điểm chính đều sai lạc. Cuốn thứ nhất tôi được đọc khoảng năm 1988 trong sách nói (khi bị tấn công thì Trung Ðoàn 42 thuộc SÐ22BB và Bộ Tư lệnh của Sư Ðòan này đầu hàng). Cuốn thứ hai khỏang năm 1994 nói (sau khi bị địch quân vây hãm Ðại Tá Lê Ðức Ðạt Tư Lệnh SÐ22BB được trực thăng bốc ra ngoài), bài viết của vị Trưởng Phòng 2 Quân Ðoàn tôi được đọc năm 1996 (SÐ22BB thua là do rút Nhảy Dù đi nơi khác). Tôi thật sự không hiểu tài liệu tham khảo ở đâu vậy. Thứ nhất: SÐ22BB không hề đầu hàng mà bị thất thủ. Thứ hai: Ðại Tá Tư Lệnh SÐ22BB tử trận ngay tại chỗ. Thứ Ba: tôi chính là người cho lệnh bắn yểm trợ sau cùng, và có lẽ là người sau cùng tiếp chuyện trên máy với vị Tư Lệnh khả kính này trước không đầy 3 phút khi ông vĩnh viễn ra đi.
Rải rác khắp các vùng chiến thuật biết bao nhiêu chiến sĩ Vô Danh đã anh dũng chiến đấu và hiên ngang gục ngã họ chẳng bao giờ được nhắc nhở và nếu may mắn được nhắc tới thì cũng chứa chất hàm hồ sai lạc như các chiến sĩ SÐ22BB. Gặp lại những người bạn cũ trên chiến trường này than phiền về những bất công cuả dư luận, nhất là một người anh nên tôi xin kể lại trận đánh có một không hai này.
Ngày 14-4-1972 tôi tháp tùng Ðại Tá Lữ Ðoàn Trưởng LÐ2ND bay trên căn cứ Charlie, chúng tôi không sao ngăn được những giọt lệ tự nhiên lăn trên gò má. Căn cứ Charlie không còn nữa mà chỉ còn là một vùng đất đỏ, trông như một khu đất mới được cầy lên để chuẩn bị canh tác không một công sự nào còn tồn tại, tất cả mọi sinh vật trong vùng này đều bị hủy diệt và chắc chắn không còn nguyên vẹn hình hài, tôi sẽ nấc lên khi gọi tên Bảo, tthân xác anh đích thực đã trở thành tro bụi, cùng với các chiến sĩ anh hùng TÐ11ND và một Trung Ðoàn cuả SÐ320 Công Sản Bắc Việt, những tấm thảm B52 đã trải lên Charlie để Charlie không còn tồn tại trên thế gian này. Tuy vậy phòng không của địch trên sườn Yankee và khoảng giữa Delta và Charlie và dưới sườn phiá đông nam của Charlie cũng giăng lưới đầy trời, tôi trình bầy với ÐT/LÐT những vùng thông thủy không có phòng không chắc chắn các đơn vị chúng đang ẩn náu tại đó nếu không phòng không của chúng đã rút đi rồi, ta nên xử dụng Pháo Binh, ÐT/LÐT đồng ý ngay và những loạt đạn TOT phủ xuống như một tấm thảm B52, quả nhiên vì không hầm hố cho nên địch quân chạy tán loạn, và đương nhiên không khi nào các Pháo Thủ Mũ Ðỏ lại để chúng an lành như vậy, sau một giờ bay vừa tránh đạn phòng không vừa điều chỉnh Pháo Binh.
Phi công xin đi đổ xăng chúng tôi đáp xuống Tân Cảnh. Trực thăng bay đi phi trường Phượng Hoàng đổ xăng; chúng tôi vừa đến cửa Trung Tâm Hành Quân (TTHQ) cuả BTL/SÐ22BB thì hoả tiễn cuả địch dàn chào ngay, một vị sĩ quan nói đuà (chúng nó chào mừng Nhảy Dù đó). Tại TTHQ Ðại Tá Lê Ðức Ðạt TL/SÐ22BB đề nghị cùng ÐT/LÐT/LÐ2ND là cho TÐ9ND do Trung Tá Trần hữu Phú làm TÐT vào giữ căn cứ Tân Cảnh,nhưng ÐT/LÐT/LÐ2ND không đồng ý với những lý do sau đây: Thứ nhất: trong căn cứ quá đông người. Thứ hai: việc bảo vệ BTL/SÐ22BB phải do đơn vị cơ hữu chiụ trách nhiệm. Thứ ba: các đơn vị Nhảy Dù lưu động có hiệu quả hơn là nằm một chỗ. Tôi nhìn thấy nỗi lo lắng hiện trên khuôn mặt hiện đang khắc khổ của vị TL/SÐ22BB. Sau đó ÐT/LÐT/LÐ2ND đề nghị nên cho TÐ9ND đang trong vùng của LÐ2ND vào chiếm những cao điạ hướng đông đông bắc cuả Tân Cảnh còn BCH/TÐ nên cho đóng tại phi trường Phượng Hoàng vì dẫy núi này sẽ chế ngự mọi hoạt động không vận cho Tân Cảnh và phi trương Phượng Hoàng, ÐT/TL/SÐ22BB mừng rỡ và đồng ý ngay, ông đề nghị Nhảy Dù nên xin tăng cường quân, nhưng ông đâu có biết hiện nay Sư Ðoàn Nhảy Dù không còn một đơn vị nào tại hậu cứ.
Ngày 15-4-1972 toàn bộ TÐ9ND vào vùng hành quân mới, hai Ðại Ðội do Thiếu Tá Võ thanh Ðồng TÐP chỉ huy,dùng trực thăng chiếm các cao địa nhưng ngày khởi đầu hai trực thăng bị bắn rơi vì LZ (bãi đáp) được dọn quá sơ sài. Ngoài tầm của các Pháo Ðội TÐ1PB/ND, hơn nữa TÐ9ND được tăng phái cho SÐ22BB nên tôi không có trách nhiệm đổ quân cũng như dọn bãi đáp, ngược lại lúc này tôi phải yểm trợ trực tiếp cho một Liên Ðoàn BÐQ mới được tăng phái dưới quyền chỉ huy cuả LÐ2ND. Hai đại đội còn lại cuả TÐ9ND tung vào lục soát khu vực hướng bắc và tây bắc cuả căn cứ Tân Cảnh tức hướng tây cuả phi trường Phượng Hoàng còn lại BCH/TÐ9ND đồn trú ngay tại phi trường Phượng Hoàng. Như vậy ngoài vòng đai căn cứ Tân Cảnh từ hướng Tây bắc sang đến hướng đông đông bắc là do TÐ9ND trách nhiệm, còn các hướng khác là do các đơn vị cơ hữu cuả SÐ22BB trách nhiệm.
Ngày 18-4-1972 khoảng 2330g địch quân pháo và đánh thăm dò căn cứ, từ chùa Tân Cảnh địch quân dùng hoả tiễn điều khiển bắn các chiến xa phòng thủ trong căn cứ, nhưng không một chiến xa nào bị hạ. Ngày 19-4-72 chúng tôi lại đáp xuống Tân Cảnh thì các sợi dây mầu xanh, đỏ, vàng điều khiển hoả tiễn còn vương vãi trên hàng rào phòng thủ, vị trí đặt hoả tiễn ngay tại chùa Tân Cảnh tức phía tây nam căn cứ cách không tới 1Km, nên ngoài tầm chính xác của hỏa tiễn đó là lý do không trúng chiến xa cuả ta, nhưng nó đã làm cho quân ta xuống tinh thần không ít. Tôi vòng phiá nam căn cứ thấy đang huấn luyện chống chiến xa địch nhưng từ HLV trở xuống không ai thấy chiến xa địch bao giờ, và lúc này dàn phòng không của địch đã đến gần căn cứ chúng tôi là người phát hiện đầu tiên, khi địch quân khai hỏa nếu chúng tôi bay cao một chút, hay bay sát lộ thì đã bị hạ rồi, nhưng vì bay sát ngọn cây và xa đường lộ nên thoát nạn.
Vị trí phòng không ngay sát căn cứ trong vùng trách nhiệm của SÐ22BB gần trên đường đi Võ Ðịnh nơi đóng quân của LÐ2ND. Lúc này bất cứ ai cũng cảm thấy địch quân sắp sửa dứt điểm Tân Cảnh, nhưng cấp trên cũng vẫn chưa cho không quân chiến lược can thiệp, còn không quân chiến thuật cũng rất hạn chế, khi đánh căn cứ số 6 hay căn cứ số 5, chúng tôi xin không quân chiến thuật còn dễ dàng và dồi dào hơn bây giờ. Lúc đó ta chỉ là cấp đại đội bị vây hãm, còn bây giờ sự an nguy cho cả một Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn và một Trung Ðoàn cộng. Vậy mà cấp trên vẫn thờ ơ. Sức người có hạn hỏi làm sao chống đỡ được đây? Nhất là hiện nay trục lộ tiếp tế cũng đã bắt đầu bị chặn đứng, trong khi những đoàn xe tiếp tế cuả địch quân di chuyển cả ban ngày, còn ban đêm xe địch quân di chuyển, đèn sáng như trong thành phố vậy. Hỏi làm sao tinh thần của anh em SÐ22BB còn vững được.
Các dấu hiệu rõ ràng sự xuất hiện cuả SÐ320, SÐ304, SÐ986, các trung đoàn phòng không, các trung đoàn chiến xa. Thời điểm này nếu chúng ta khôn ngoan một chút thì phải cho BTL/SÐ22BB rút về cố thủ tại Kontum. Tân Cảnh nếu cần chỉ nên để lại một trung đoàn là nhiều, chứ không nên để một BTL/SÐ làm tiền đồn cho Quân Ðoàn, lúc đó quân số mà BTL/SÐ22BB chỉ huy chỉ vỏn vẹn có Trung Ðoàn 42 Bộ Binh còn Lữ Ðoàn Nhảy Dù thì Bộ Tổng Tham Mưu có thể rút đi bất cứ lúc nào, ai cũng rõ là địch sẽ dùng một Sư Ðoàn cộng với chiến xa để dứt điểm Tân Cảnh, trong khi SÐ22BB chỉ có một Tiểu Ðoàn trừ trong căn cứ để bảo vệ BTL. Không có chiến lược hay chiến thuật nào lại xử dụng BTL/SÐ làm tiền đồn bao giờ, một sự bất nhẫn tàn bạo đã phí mạng hàng trăm quân nhân và làm thành làn sóng bất mãn.
Kontum 1972
Quân số không quan trọng bằng tinh thần, tôi thấy anh em trong căn cứ tinh thần xuống từ khi không được yểm trợ không quân đúng mức nhất là những mục tiêu rõ ràng, chẳng hạn như đoàn xe địch di chuyển ban ngày không bị một lực lượng nào ngăn cản, hay những vị trí phòng không, vị trí pháo binh của địch. Việc Tân Cảnh còn hay mất chỉ còn chờ thời gian khi nào địch quân khởi sự tấn công mà thôi thật sự là như vậy. Tôi đang ghi chép những vùng địch tập trung, ÐT/TL/SÐ22BB gọi tôi ra chỗ vắng dặn dò (tôi quen ÐT Ðạt khi ông còn là Tỉnh Trưởng Bà Riạ không lần nào xuống Trung Tâm Huấn Luyện Vạn Kiếp thao dượt mà ông lại quên đón chúng tôi vào tư dinh để hàn huyên, tôi thường gọi ông bằng anh, chỉ gọi bằng cấp bậc những khi có mặt người khác) .
– Anh cảm thấy nguy đến nơi rồi, bọn Tây (Cố Vấn Mỹ) mấy hôm nay nó có thái độ rất lạ lùng, chú mày nhớ rằng có chuyện gì phải vào tần số chỉ huy để yểm trợ cho anh.
– Anh nên vào tần số của em dễ làm việc hơn tốt nhất anh nói bên Pháo Binh biệt phái một toán Sĩ Quan Liên Lạc bên cạnh anh, họ sẽ có đủ đặc lệnh Truyền tin để liên lạc với em.
– Ừ như vậy tiện đó, nhớ rằng anh rất cần em khi có biến động.
–
Anh cẩn thận em thấy không được yểm trợ đúng mức anh em trong căn cứ có vẻ mất
tinh thần. Ông gật đầu tỏ dấu không còn làm gì hơn được. Ông bắt tay tôi thật
chặt trước khi chia tay, mắt ông đờ đẫn vì nhiều đêm mất ngủ, chúng tôi trở về
căn cứ Võ Ðịnh nhìn cách phòng thủ và tinh thần cuả anh em Mũ Ðỏ tôi an tâm,
đặn dò Trung Tâm Phối Hợp Hoả Lực nếu SÐ22BB bị đánh phải gọi tôi dậy ngay, dầu
gì tôi cũng chỉ còn Pháo Ðội trên Yankee là có thể bắn cho Tân Cảnh, được đạn
dược trên đó còn. Hai Pháo Ðội 105 ở Võ Ðịnh và Non Nước thì mút tầm, có thể xử
dụng 155 ở Non Nước. Tôi dặn dò các Pháo Ðội liên hệ, cũng là lúc mà tôi điều
khiển tác xạ vào vùng tập trung quân chung quanh Tân Cảnh, hai Pháo Ðội mặc dù
mút tầm tôi vẫn cho bắn vào những nơi không qua đầu hay thẳng trục đồng hồ chỉ
0300G vậy mà ÐT Ðạt vẫn còn trên máy, trận Hạ Lào cũng không làm tôi bối rối
như trận này.
Ngày 20-4-72 các đơn vị hoạt động chung quanh căn cứ Tân Cảnh ghi nhận địch
quân di chuyển đông và tiến dần về Tân Cảnh, hướng tây bắc (DAKTO) có tiếng
đoàn chiến xa di chuyển. Khi bay lên vùng này chúng tôi cố gắng tìm dấu vết
chiến xa nhưng địch quân không để lộ dấu vết. Như vậy chiến xa địch nếu có cũng
ít mà thôi. Ðồng thời ÐÐ2TS/ND cũng làm thịt những toán TSV/PB cũng như những
toán tiền thám cuả địch chung quanh căn cứ cuả LÐ2ND (Võ Ðịnh).
– Ngày 21-4-72 các ÐÐ cuả TÐ9ND bắt đầu chạm địch cánh quân trên núi đụng rất nặng, một ÐÐ Trưởng tử thương, TÐP bị thương nặng không sao có thể tản thương được, hai ÐÐND hoạt động hướng tây bắc Tân Cảnh bắt sống được một tù binh trong toán Tiền Sát Viên Pháo Binh. Tù binh khai thuộc SÐ968 và mới từ Bắc vào bổ xung cho đơn vị này, theo kinh nghiệm khi nào TSV/PB tới gần tức là để điều chỉnh Pháo Binh và không bao giờ chúng đi một toán, mất toán này còn toán khác, khi Pháo địch đã hoạt động trúng ta, là thời điểm tấn công cũng bắt đầu, pháo bắt đầu mãnh liệt từ 1800G và lúc 2300G chúng tấn công thăm dò căn cứ, lần này chúng tấn công quy mô hơn, hoả lực vũ bão hơn, vậy mà không quân chiến thuật chỉ yểm trợ có một phi tuần mà thôi, một tiền đồn với cấp Ðại Ðội nếu bị đánh cũng không đến nỗi yểm trợ rời rạc như vậy, từ hôm đó một vị sĩ quan Pháo Binh bên cạnh TL/SÐ22BB bắt đầu liên lạc với TÐ1PB/ND tôi được biết là Ð/U Hưng, Hưng làm việc rất giỏi và rất cẩn trọng.
– Ngày 22-4-72 ban Cố Vấn trốn khỏi Tân Cảnh bằng trực thăng không thông báo cho BTL/SÐ22BB biết, tuy nhiên mọi người đều biết trước vì đang đêm 2400G ban Cố Vấn đánh dấu bãi đáp, trong lúc địch đang pháo mạnh, ban ngày lúc địch pháo cũng như tấn công mạnh đã thấy họ dọn bãi đáp cho trực thăng ngay sát phòng Cố Vấn, một vài sĩ quan có đề nghị với ÐT/TL không cho Cố Vấn đi, nhưng ông cười và đáp ngắn gọn (cho họ đi) nhờ vậy toán Cố Vấn ra đi an toàn, từ lúc đó địch quân đánh mạnh, cường độ Pháo cũng gia tăng. Hướng tấn công chính là ngay cổng chính tức là hướng từ phố Tân Cảnh, có tiếng xe tăng từ hướng Dakto chạy về, và xe tăng địch khởi sự bắn đại bác không giật và đại liên vào căn cứ, anh em trong căn cứ cố gắng mở hàng rào từ phía nhà của Cố Vấn để băng sang Phi Trường Phượng Hoàng, hy vọng bắt tay với TÐ9ND, toán Công Binh do đích thân vị Tiểu Ðoàn Trưởng Công Binh chỉ huy phá hàng rào cũng đành bó tay vì hàng rào được làm bằng thùng xăng 200 lít nhồi đất và gài mìn dầy đặc cộng với kẽm gai, các cột kẽm gai được đúc bằng xi măng rất kiên cố, về sau phải xin Không Quân oanh tạc mở đường, nhưng phòng không của địch quá mạnh, máy bay không sao xuống thấp được.
– Ngày 23-4-1972 tức là ngày chủ nhật, Pleiku hay Sài Gòn giờ này có thể trời đang đẹp 1000G không Quân mới giúp mở được hàng rào có thể rút sang phi trường, tuy vậy muốn băng qua được cũng vẫn còn rất khó khăn, lúc này TÐ9ND cũng bị tấn công mạnh, bốn đại đội tác chiến đều ở ngoài nên BCH/TÐ không có khả năng tiếp cứu, 1300G thiết giáp hạng nhẹ của địch không một chiếc nào bị thương vào tới cột cờ, nhưng địch không có tùng thiết cho nên thiết giáp nằm tại đó, quân ta vẫn cứ chạy qua mặt thiết giáp ra phiá hàng rào đã phá. Hưng liên lạc cho tôi cho biết anh và Ðại Tá TL/SÐ22BB ra tới hàng rào, lúc đó ÐT/TL giật lấy máy.
– 11 (chỉ danh cuả tôi) đây 01 (chỉ danh cuả ÐT/TL/SÐ22BB. Nguy rồi 11 anh bắn ngay vào sân cờ thiết giáp nó vào sân cờ rồi.
– 01 đây 11 tôi thi hành ngay.
– 11 đây 01 anh tiếp tục cho bắn như vậy may ra tôi có thể gặp Cửu Long (TÐ9ND) được, khoảng 2 phút sau tôi nhận được Hưng gọi.
– 11 đây Hồng Hà gọi ………… … 01 theo ông Bắc Bình rồi.
Tôi hiểu Hưng muốn nói gì nhưng tôi cũng cứ hỏi lại.
– Hồng Hà đây 11 anh nói gì lập lại.
– 11 dây Hồng Hà tôi nói ………. 01 theo ông Bảo rồi.
– Hồng Hà đây 11, anh cố gắng mang 01 sang Cửu Long được không.
– Không được vì xe tăng nó bắn nên kẽm gai quấn chặt lấy ông ấy rồi, tôi cố gỡ ra nhưng không ai có kềm cắt kẽm gai cả. Giọng Hưng yếu hẳn đi tôi nghe rõ tiêng nổ chát chúa và tôi hoàn toàn mất liên lạc từ lúc 1410G ngày 23-4-72. Cho tới giờ phút này cuối tháng 4-97 tức 25 năm sau từc 1/4 thế kỷ, thương nhớ ngày Tân Cảnh thất thủ, chỗ Ðại Tá Ðạt và Hưng nằm xuống tại đâu, chỗ nào tôi vẫn còn nhớ, cỏ cây dù có che lấp hình hài các anh nhưng tôi không sao quên được chỗ nằm của các anh những anh hùng của SÐ22BB, tôi biết các anh nằm xuống mà không sao nhắm mắt được./.
Cho tới giờ phút này cuối tháng 4-97 tức 25 năm sau từc 1/4 thế kỷ, thương nhớ ngày Tân Cảnh thất thủ, chỗ Ðại Tá Ðạt và Hưng nằm xuống tại đâu, chỗ nào tôi vẫn còn nhớ, cỏ cây dù có che lấp hình hài các anh nhưng tôi không sao quên được chỗ nằm của các anh những anh hùng của SÐ22BB, tôi biết các anh nằm xuống mà không sao nhắm mắt được./.
Bùi Ðức Lạc
Source:
.
Ðưa quân và cố vấn Mỹ vào Nam VN là hành động tự sát của chánh phủ VNCH vì khi nguời Mỹ trở mặt thì VNCH chết. Cố vấn Vann đã biết Mỹ sắp bỏ rơi Nam VN mà lại bắt các đơn vị VNCH vào chổ chết, giữ cao nguyên chỉ vài năm. Vì hiềm khích cá nhân với đại tá Ðạt mà ông Vann gài đại tá Ðạt vào chổ chết. Tuớng Ngô Du có lần than phiền vì phiá Mỹ không chịu đưa B52 vào cứu Tân Cảnh khỏi bị tràn ngập và thốt lên là không biết nguời Mỹ (cố vấn Vann) là bạn hay thù của VNCH. Ðến 1975 thì Mỹ trở mặt, vì muốn lấy điểm để bang giao với CSVN sau khi CS thắng. Nay các tổng thống Mỹ đều viếng thăm CSVN nâng cấp quan hệ chiến luợc cho thấy Mỹ không chống CS, họ luờng gạt VNCH đánh CS cho ván cờ quốc tế.
ReplyDelete