11 Tháng Mười, 2021
By Trùng Dương
Bài này gồm hai phần, như nêu trong tựa bài. Phần đầu giới thiệu bộ báo Sóng Thần và một số báo khác do anh Võ Phi Hùng ở Virginia thực hiện, và được Kho Sách Xưa của ông Hùynh Chiếu Đẳng phổ biến gần đây. Và phần thứ hai duyệt lại và bổ túc một bài tôi soạn cách đây trên hai năm về các nỗ lực phục hồi sách báo xuất bản ở Miền Nam truớc 1975. Có thể còn những nỗ lực khác mà người viết không được biết tới, xin độc giả tùy nghi bổ túc.
Bộ báo Sóng Thần & kho báo Miền Nam
Vào đầu tháng Chín vừa qua, Võ Phi Hùng, một cựu học sinh Petrus Ký hiện đang cư ngụ tại tiểu bang Virginia, viết thư cho nguyên tổng thư ký Uyên Thao và tôi, nguyên chủ nhiệm nhật báo Sóng Thần (Saigon, 1971-1975), thông báo là đã gần hoàn tất việc scan xong bộ báo Sóng Thần từ toàn bộ bẩy cuộn microfilm 35mm mượn của thư viện Đại học Cornell qua chương trình Interlibrary Loan. Anh Hùng cho biết “đang tiến hành công việc chụp lại từng film một tại thư viện địa phương Fairfax Regional Library ở Fairfax, VA, và sau đó về nhà ráp từng trang lại thành một số báo.” Anh hy vọng trong hai tuần nữa thì hoàn tất.
Sóng Thần là một trong những bộ báo xuất bản tại Miền Nam, từ 1971 tới 1975, mà anh Hùng “vì yêu đọc sách báo và muốn phổ biến cho việc tham khảo các báo chí Việt Nam đã phát hành ở Miền Nam trước năm 1975” nên đã bỏ công sức ra thực hiện. Những báo kia, Hùng cho biết, hoặc đã hoàn tất, gồm có Phụ Nữ Tân Văn, Tiếng Dân, Thần Chung, và An Hà Nhật Báo, đã gởi đăng trên trang mạng Kho Sách Xưa; hoặc đang thực hiện, ngoài nhật báo Sóng Thần, là Chính Luận (tồn tại lâu nhất trong làng báo Miền Nam, từ 1964 đến 1975), Đông Pháp Thời Báo, và Đuốc Nhà Nam.
Chỉ khi anh Hùng phổ biến bộ báo Sóng Thần lên Trang mạng Kho Sách Xưa, tôi mới có dịp nhìn thấy tận mắt danh sách của khoảng 1,000 số báo Sóng Thần chiếm tới trên 20 trang màn hình. Và không khỏi cảm kích trước một công trình vô cùng công phu, tốn kém thì giờ và tiền bạc, đòi hỏi sự kiên nhẫn vượt bực và lại chỉ do một cá nhân thực hiện. Chỉ tiếc một điều là, có lẽ để tiết kiệm chỗ, các số báo bị giữ ở độ resolution thấp nên chữ trong các bài khi phóng lớn bị vỡ nên nhoè, khó đọc, trừ tựa bài.
Vì bộ báo Sóng Thần của Hùng thiếu những số đầu xuất bản vào cuối năm 1971, nên Ngy Thanh, nguyên ký giả ST, cũng tình cờ chụp được các số báo này ở độ resolution cao hơn và do đấy rõ nét hơn, nên đã sẵn sàng chia sẻ với Kho Sách Xưa.
Máy Uscan, trái, đã cũ, chụp báo từ microfilm sang dạng PDF trên computer tại thư viện ở Fairfax, VA, là máy Võ Phi Hùng dùng để scan bộ báo Sóng Thần và một số báo khác, như Tiếng Dân. (Ảnh Võ Phi Hùng)
Tuy nhiên, gần đây, anh Hùng hân hoan báo tin cho biết thư viện này vừa được trang bị máy mới, ScanPro 3000, phải. (Ảnh screenshot). Anh Hùng hy vọng sẽ có được những bộ phim báo Việt ngữ xưa rõ nét hơn.
Xem trên “Kho chứa sách cũ“
Hầu hết các công trình phục hồi, số hoá và phổ biến sách vở của một Miền Nam tự do từ trên 40 năm nay, đã được thực hiện do lòng yêu mến, trân trọng một di sản văn học nghệ thuật nhân bản hiếm hoi đã bị Cộng sản ngông cuồng khai tử khi họ chiếm được Miền Nam. Đó là những công trình hoàn toàn do tự nguyện cũng như tự tài trợ. Cũng vậy là công trình của Võ Phi Hùng, cựu học sinh Petrus Ký khoá 1967-74 sang Mỹ du học từ đầu năm 1975, ngành kỹ sư điện, trước khi biến cố 30 tháng Tư xẩy ra.
“Làm việc này trước hết là cho cá nhân tôi, để giúp tìm hiểu đích xác hơn về lịch sử cận đại Việt Nam dưới thời Pháp độ hộ nước ta, và sự thất bại của chính thể VNCH trước sự xâm lược của cộng sản,” anh Hùng tâm sự trong một điện thư. “Qua báo chí VN, ta có thể tìm đọc các bài tường thuật thực trạng yếu kém trong xã hội, chia rẽ phân hoá của các tôn giáo, phe nhóm trong chánh trường, và tệ hại nhất là sự quá lệ thuộc sống nhờ vào viện trợ kinh tế và quân sự từ người Mỹ. Từ đó để đối chiếu với các sách báo của người Pháp (qua Thư Viện Quốc Gia Pháp, BnF) và của người Mỹ trong hai thời kỳ nói trên. Và để đối chiếu, không thể nương tựa vào một nguồn duy nhất, thành ra tôi phải đi tìm và làm lại nhiều tờ báo của cùng thời kỳ.”
“Biết nhiều người không có cơ may được đọc, nên tôi không muốn giữ nó làm tài liệu riêng và muốn phổ biến cho mọi người cùng biết,” anh Hùng cho biết.
Hơn cả sở thích cá nhân và nỗ lực tìm câu trả lời cho thắc mắc lịch sử của mình, tôi nghĩ công trình của Võ Phi Hùng còn giúp cho các thế hệ Việt tương lai, tại hải ngoại cũng như trong nước, cơ hội nhìn thấy Việt Nam đã có một thời báo chí hoàn toàn do tư nhân làm chủ trong một bầu không khí khá tự do. Dù những khó khăn về mọi phương diện, báo chí Miền Nam đã từng có lúc hành xử vai trò của cơ chế tự trao, đó là Đệ tứ quyền, để đòi hỏi chính quyền tôn trọng hiến pháp, hành xử minh bạch và công bằng trong việc điều hành quốc sự, như trong cuộc tranh đấu của báo giới Miền Nam cho quyền tự do ngôn luận vào cuối năm 1974.
Chúng tôi thành thật cám ơn Võ Phi Hùng đã tự lực thực hiện được một công trình vô cùng quí giá, cám ơn chủ nhân Kho Sách Xưa, ông Huỳnh Chiếu Đẳng, đã dành chỗ cho bộ báo Sóng Thần cũng như những bộ báo khác của Miền Nam trước 1975, và cám ơn Ngy Thanh đã không ngần ngại chia sẻ những số báo Sóng Thần mà Kho Sách Xưa còn thiếu từ bộ sưu tập của riêng mình. Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc.
Sau đây là phần lược thuật về các nỗ lực vãn hồi sách báo xuất bản dưới thời Cộng hoà tại Miền Nam trước 1975. Đây cũng là bài duyệt lại và hiệu đính một bài cũ. Thiếu sót không thể tránh được. Cũng xin lưu ý là trong bài này, tôi chủ ý khi dùng tiếng Việt, như trang mạng hay Liên mạng, khi dùng tiếng Anh Internet hay Websites, không vì sự thiếu đồng nhất trong ngôn từ, mà như một nhắc nhở nguồn gốc của những từ kỹ thuật bằng tiếng Việt.
Những nỗ lực vãn hồi sách báo Miền Nam
Biến cố 30 tháng Tư, 1975 đã đưa tới cảnh bức tử vô cùng đau thương của nền văn học tự do của Miền Nam, một nền văn học có thể nói là rực rỡ nhất, sau nền văn học tiền chiến, song đa dạng hơn nhờ một bầu không khí tự do thực sự dù tương đối, và một tinh thần nhân bản, dân tộc song khai phóng, vốn là nền tảng của chính thể Việt Nam Cộng Hoà.
Sau khi Cộng sản Miền Bắc cưỡng chiếm Miền Nam, ai cũng đã biết là nơi nơi sách vở và các sản phẩm văn hoá đủ loại lưu hành dưới thời Cộng hoà đều bị lên án là “đồi truỵ,” “phản động,” một phần bị đốt, còn thì tất cả bị cấm đoán, trong một chủ trương lãnh đạo ngu dân của nhà cầm quyền cộng sản. Theo một ước tính, có khoảng 180 triệu đơn vị văn hoá phẩm, trong đó gồm nhiều sách báo thời tiền chiến đã được di tản vào năm 1954 và tái bản tại Miền Nam, đã bị cấm. Cũng trong thời kỳ này, các văn nghệ sĩ Miền Nam, nếu không may mắn thoát được ra nước ngoài, đã bị bắt bớ và lâm vào vòng tù tội.
Dù thế, chính hàng trăm triệu sản phẩm văn hoá bị kết án và cấm đoán song vẫn lưu hành trong quần chúng đã giúp dân miền Bắc tỉnh ngộ, hiểu ra là mình đã bị “một chế độ man rợ” lừa gạt cả đời thanh xuân, như nhà văn Dương Thu Hương đã công nhận. Có thể nói là từ đống tro tàn của sản phẩm văn học nghệ thuật của Miền Nam hồi ấy đã giúp hình thành những Dương Thu Hương và một nền văn học phản kháng, tiếp nối truyền thống của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm của giữa thập niên 1950.
Cũng chính nhờ những văn hoá phẩm đó đã được tẩu tán, cất giữ đó đây ở trong nước, và đặc biệt đã được bảo lưu tại hai thư viện lớn tại Hoa Kỳ, là Thư Viện Quốc Hội và Đại học Cornell, mà đôi chục năm gần đây, với sự phát triển và phổ biến của ngành kỹ thuật cao và hệ thống Internet, chúng dần xuất hiện tại nhiều nơi trên Web.
Hoặc bằng phương tiện chụp, tức scan, hoặc đánh máy, có một số trang mạng lưu trữ nhiều sách báo xưa. Như phần lớn sinh hoạt văn hoá xưa ở Miền Nam, đây là những công trình hoàn toàn do tư nhân, hoặc cá nhân hoặc nhóm hay hội, đứng ra tự tài trợ và tự thực hiện, vì lòng yêu mến văn hoá, văn học nghệ thuật, không chịu một sự chỉ đạo của một chính thể hay đảng phái chính trị, tôn giáo nào.
Một số trang mạng chỉ cho đọc tại chỗ, hay trực tuyến, tức online, không cho tải xuống máy computer hay các máy di động khác, như điện thoại hay tablet, để đọc mà không cần phải lên mạng. Có trang mạng cho tải xuống một số sách chọn lọc, khó nói đâu là tiêu chuẩn, có thể là sách mạng [ebooks] nào mà họ lấy từ các trang mạng khác (thường là “vô tư”, tức ít khi chịu ghi nguồn) thì họ cho tái tải xuống, còn như nếu họ hay các thành viên thực hiện việc chụp hay đánh máy lại thì họ… giữ bản quyền, không cho cả copy & paste hay in ra.
Tuởng cũng nhắc lại, là sau 1975, các sách báo xuất bản ở Miền Nam trước 1975 kể như đã thuộc về cõi chung, tức public domain. Ít ai nghĩ tới vấn đề tác quyền khi thấy sách của mình được chụp và tái bản ở hải ngoại. Dù vậy, một số tác giả còn kẹt ở Việt Nam, do đời sống khó khăn, đã nhờ các thân hữu ngoài này can thiệp và hình như cũng nhận được chút đỉnh tiền tác quyền để sống qua ngày. Ngoài ra, một số tác giả của Miền Nam khi ra tới hải ngoại đã cẩn thận và bỏ tiền túi ra in lại những tác phẩm của của mình để có thể xin số cầu chứng bản quyền với Thư viện Quốc Hội Mỹ, một cách để bảo vệ các đứa con tinh thần của mình.
Bên duới là danh sách (không theo một thứ tự trước sau nào mà do bộc phát hay tự tiện của người viết) vài Trang mạng số hoá và lưu trữ sách báo xuất bản truớc 1975 tại Miền Nam mà tôi đã có dịp điểm qua. Khi có thể, tôi dùng tên tác giả và tựa sách của cá nhân tôi để tiện kiểm chứng phẩm chất của bản scan hay đánh máy.
Một cách chủ quan và có lẽ hơi bảo thủ về thẩm mỹ và méo mó nghề nghiệp, tôi vẫn thích sách chụp/scan lại bản gốc (giấy), mặc dù nhiều khi mờ. Lý do chính là vì nó trung thực, lại giữ được gần như nguyên vẹn cách trình bầy và những chi tiết liên quan đến cuốn sách, kể cả tình trạng nhầu nát nói lên cuộc đời nổi trôi của nó, như cuốn phân cảnh phim Yêu của nhà văn kiêm đạo diễn điện ảnh Đỗ Tiến Đức, đã do chính anh chụp và in lại trên giấy, và tôi đã mạn phép số hoá phổ biến tại đây. Không thể có cuốn sách giấy như vậy trên tay, thì đành bằng lòng với một ấn bản điện tử vậy.
Phần tiếp theo, xin mời bạn đọc cùng ghé thăm một số trang lưu giữ sách Miền Nam.
SOURCE:
https://usvietnam.uoregon.edu/di-san-sach-bao-mien-nam-viet-nam-tren-mang-phan-1/
No comments:
Post a Comment