HIGHLIGHT:
"An Lộc bị tấn công kể từ ngày 13 tháng 4 ..."
Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng tuyên bố :”An Lộc đã chiến thắng hoàn toàn kể từ ngày 12 tháng 6 năm 1972”.
.
Năm 1972, một năm thật sự sôi động, nóng bỏng cho chính trường Quốc tế. Để phá vỡ thế “Chiến Tranh Lạnh” giữa khối Cộng Sản và khối Thế giới Tự Do. Chính quyền Hoa Kỳ và chính quyền Trung Cộng đã dàn xếp, bắt tay nhau. Dựa vào chiến tranh Việt Nam, hai bên Tàu và Mỹ đã đi đêm, hội họp với nhau và họ đã đi đến kết qủa là Tổng Thống Mỹ, Richard Nixon và Chủ tịch Mao Trạch Đông của Tàu cộng, đã bắt tay nhau, yến tiệc cùng nhau trong năm 1972 tại Thủ Đô Bắc Kinh. Cái tên của Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ dạo đó, Henry Kissinger nổi lên trên chính trường Quốc tế và dân quân Miền Nam Việt Nam “nhớ đời” cái tên “Cú Đêm” của Ông ta từ những năm đó.
Năm 1972, trên bàn hội nghị để giải quyết chiến tranh Việt Nam tại Thủ Đô Paris, nước Pháp. Bà Nguyễn Thị Bình lúc đó đang giữ quyền Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao của phe Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam đã tuyên bố:”Quân đội của Chính Phủ Cách Mạng sẽ chiếm Lộc Ninh trong năm 1972 để làm Thủ Đô cho Cộng Hòa miền Nam Việt Nam”. Đồng thời ở ngoài Hà Nội, Cộng sản cũng tuyên bố cho dân quân của họ biết rằng:” Họ sẽ lấy An Lộc bằng mọi gía, hạn chót phải lấy cho xong An Lộc là ngày 20 tháng 4 năm 1972”. Từ tháng 5 năm 1971. Sau khi Chiến Đoàn 8, SĐ 5 BB đã rút ra khỏi Thị trấn Snoul, của Kumpuachia thì Cộng quân đã có cả một năm dài để chuẩn bị cho việc đánh Lộc Ninh và An Lộc năm 1972.
Mùa hè năm 1972, Cộng quân đã mở ra 3 mặt trận lớn. Tài liệu của Cộng quân cho biết, mặt trận lớn số một là ở tại vùng Quảng Trị, mặt trận lớn số hai là ở Komtum và mặt trận lớn thứ ba là ở Lộc Ninh và An Lộc thuộc tỉnh lỵ Bình Long. Theo chọn lựa của Quân Ủy Trung Ương của Cộng Sản Hà Nội, thì mặt trận An Lộc là mặt trận chính phải chiếm lĩnh.
Trong hình: Bản đồ phạm vi lãnh thổ của VNCH. Năm 1972, Cộng sản Bắc Việt mở ra 3 trận đánh lớn là Quảng Trị, Komtum và Lộc Ninh cùng An Lộc thuộc Tỉnh lỵ Bình Long, 100 cây số về hướng Tây Tây Bắc của Thủ đô Sài Gòn.
.
Riêng phía Chính Quyền Miền Nam Việt Nam, Lưỡng Viện Quốc Hội đã nhóm họp một phiên họp đặc biệt để đối phó với tình hình thật sôi động và thật nguy hiểm cho Miền Nam Việt Nam lúc đó. Lưỡng Viện Quốc Hội của Việt Nam Cộng Hòa đã đưa ra “Luật Ủy Quyền năm 1972”. Bộ Luật đó đã Ủy Quyền cho Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng là Quyền Tư Lệnh Tối Cao của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Luật đó Ủy Quyền cho Tổng Thống có toàn quyền quyết định trong vòng 90 ngày, để lo đối phó với tình trạng tấn công khắp nơi của Cộng Sản Bắc Việt. Lo lắng cho mặt trận Bình Long vì nó qúa gần với Sài Gòn, Thủ Đô của Miền Nam Việt Nam.
An Lộc nằm trên Quốc Lộ 13 chỉ cách Sài Gòn 100 cây số, tức chỉ mất 2 tiếng lái xe là về tới Sài Gòn. Nên ngày 10 tháng 4 năm 1972, Tổng Thống đã bay lên Căn cứ Lai Khê của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh vì khi đó Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 3 đã lên đó. Tại đây, Tổng Thống Thiệu đã chỉ thị cho Trung Tướng Nguyễn văn Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn 3, Quân Khu 3 là: ”Bằng mọi gía phải giữ An Lộc cho bằng được”. Tổng Thống đã đồng ý tăng cường nguyên Sư Đoàn 21 Bộ Binh và Trung Đoàn 15 Bộ Binh của Sư Đoàn 9 Bộ Binh cùng với Thiết Đoàn 15 của Sư Đoàn 9 Bộ Binh cũng được lệnh lên tiếp ứng cho mặt trận Bình Long.
XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP
Trong hình: Cấp Chính Ủy các đơn vị của Cộng Sản Bắc Việt đang nghe phân chia công tác tấn công Lộc Ninh nơi có Chiến đoàn 9 Bộ Binh thuộc SĐ5 Bộ Binh cũng như các đơn vị thuộc Chi Khu Lộc Ninh.
.
Để đánh mặt trận Lộc Ninh, An Lộc, Cộng quân đã mở ra cuộc hành quân lấy tên là Chiến dịch Nguyễn Huệ 1972. Họ đã huy động tới 4 Sư Đoàn là: Sư đoàn 5, Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 và Sư đoàn Bình Long tân lập. Họ bắt Dân từ trên Tây Nguyên xuống và lùa Dân từ vùng đồng bằng sông Cửu Long lên để bổ sung quân số cho đầy đủ. Họ còn có thêm 3 Trung đoàn bộ binh cơ động biệt lập khác, 1 Sư đoàn 86 Pháo binh, 2 Trung đoàn Phòng không và 2 Trung đoàn chiến xa T. 54 Và PT. 76. Ngoài ra, Họ còn có cả 1 Sư đoàn Công binh và các Đơn vị Thanh Niên Xung Phong để lo đào hầm hố, làm cầu đường, tản thương cũng như cung cấp đạn dược cho chiến trường do họ đã chọn lựa từ trước khi chính thức tấn công.
Trong hình: Đoàn Thanh niên Xung Phong bị lùa ra chiến trường. Một cô gái phải đeo cả 10 quả đạn súng cối để cung cấp cho chiến trường.
Trong hình: Công Binh Bắc Việt chặt cây làm cầu cho Xe Cơ giới đi qua. Họ đang lăn cây lên để làm đà cho cây cầu.
.
Khởi đầu cho chiến dịch Nguyễn Huệ của Cộng quân. Đêm mồng 4 rạng ngày 5 tháng 4 năm 1972 vào khoảng 2:30 sáng, Địch khai hỏa tấn công vào TĐ 3/9 trước, đồng thời Pháo kích mạnh mẽ vào Căn Cứ “A” của TĐ 74 BĐQ biên phòng, khiến đơn vị này phải rút ra chạy đến nơi đóng quân của Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh đang đóng tại Ngã 3 Lộc Tấn, địch cũng cương quyết pháo kích, tấn công và bao vây dầy đặc, khiến cho đơn vị này không thể về cứu Chiến Đoàn 9 BB dưới Lộc Ninh được .
Sáng ngày mồng 5 tháng 4 năm 1972, Địch quân dồn Pháo bắn phá vào Bộ chỉ Huy của Chiến Đoàn 9 BB, cũng như bên Chi Khu Lộc Ninh. Sang ngày 6 tháng 4 năm 1972 địch Pháo vào Căn cứ Hùng tâm, nơi có Chiến Đoàn 52 BB của Sư Đoàn 18 BB đóng. Căn cứ Hùng Tâm mới được thiết lập đầu năm 1972 nằm cách Cầu Cần Lê vào khoảng 5 cây số về hướng Đông Đông Bắc của Cầu Cần Lê. Đơn vị này đã lên tăng phái cho SĐ 5 BB khoảng đầu năm 1972. Cộng quân đã chiếm lĩnh, khống chế toàn bộ Lộc Ninh vào khoảng 4 giờ chiều ngày 7 tháng 4 năm 1972. Nếu lấy sông Cần Lê làm ranh giới thì hướng Bắc cầu Cần Lê đã nằm trong tay địch. Vài ngày trước, một số lớn dân chúng trên Lộc Ninh đã về được An Lộc. Nhưng phần lớn dân chúng vẫn còn kẹt lại trong vùng địch chiếm.
Sau khi Lộc Ninh mất, tình hình dân chúng ở An Lộc rất xôn xao, Địch đã lai rai pháo kích vào Thị Xã, cũng như tiến chiếm, tấn công vào căn cứ Quản Lợi trước, căn cứ Quản Lợi nằm trên đồi cao, cách An Lộc khoảng 6 cây số về hướng Tây Tây Bắc của An Lộc . Dân chúng, ai có cơ hội thì họ đã chạy đi sớm, họ thoát về được Chơn Thành, hay về Bình Dương. Ai không có cơ hội thì họ chấp nhận ở lại, chịu chung phần đau khổ như Lính, thiếu thốn như Lính và chịu chết chóc như Lính. Sang ngày 8 tháng 4 năm 1972, địch đã đóng chốt đường QL13, ở đoạn Suối Tàu Ô, Ấp Tân Khai. Kể từ ngày đó, mọi sinh hoạt bình thường của An Lộc bị xáo trộn, căng thẳng, bị bao phủ bởi một màu tang tóc, chết chóc. Ngày hôm đó, một đoàn người rất đông, khoảng 5000 người, do một Linh Mục Công Giáo có mặc Áo Dòng Đen và một Đại Đức Phật Giáo mặc Pháp y màu Nâu. Trên tay vị Đại Đức này có cầm một lá cờ trắng to. Họ dẫn đầu dân chúng từ Quản Lợi kéo vào An Lộc và họ hướng dẫn dân chúng đi tiếp về hướng Chơn Thành. Đoàn người đi xuống tới Xã Xa Trạch thì bị Cộng quân bắn Pháo vào giữa đoàn dân chạy loạn. Thịt nát xương tan, máu thịt tung tóe vung vãi trên đường, chân tay xương thịt của họ văng móc trên cành cây cao su. Một số dân đi đầu cố gắng chạy về Nam, về Chơn Thành. Số đi sau thì chạy ngược về Thị Xã. Thật đau xót cho dân tôi.
Ngày 6 tháng 6 năm 1972 , khi Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù tấn công để thông đường QL 13. Họ tiến quân qua vùng này, họ còn thấy lợm giọng vì mùi hôi thối của tử thi đang thối rữa và cũng ngậm ngùi đau xót cho thân phận người dân Việt hiền lành chỉ biết chạy để tránh chiến tranh.
Ngày 7 tháng 4 năm 1972, Trung Đoàn 7 Bộ Binh đang hành quân vùng Quản Lợi, 6 cây số về hướng Tây An Lộc và vùng Đồi Gío, khoảng 3 cây số hướng Tây Tây Nam An Lộc. Họ được lệnh tiến lên hướng Nam cầu Cần Lê. Cây cầu Cần Lê này là Cầu giao thông chính cho con đường QL.13 từ An Lộc đi Lộc Ninh. Cây cầu sắt này đẹp, rất vững chắc, dài tới 5 nhịp, cầu do người Pháp làm cho nhu cầu các đồn điền cao su của họ. Lệnh của Sư Đoàn ban ra cho Chiến Đoàn 52 Bộ Binh là khi rút về An Lộc thì họ phải phá cây cầu này để ngăn Địch tràn xuống. Tôi nhớ đã nghe họ báo cáo là đã phá cầu rồi.
Nhưng đến ngày 9 tháng 4 năm 1972 thì có hai xe M.113 của Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh đã thoát từ Lộc Tấn về đến chân Đồi Đồng Long, thì họ qúa mệt và ngất xỉu tại đó, như vậy là Cầu Cần Lê còn xử dụng được. Riêng Trung Đoàn 7BB , họ còn một Tiểu Đoàn nữa đang hành quân vùng Mỏ Vẹt, vùng giáp ranh giữa Bình Long, Tây Ninh và Mimot, Kumpuchia cũng được lệnh khẩn cấp để về An Lộc bằng chạy bộ và họ đã về được An Lộc đúng hạn định.
Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân cũng được trực thăng bốc từ Kumpuchia và từ Tây Ninh về, đổ quân xuống vùng giữa Quản Lợi và An Lộc. Nhảy xuống đây họ cũng bị địch pháo vào bãi đáp, gây thương vong một số. Sau đó Liên Đoàn 3 BĐQ được lệnh vào án ngữ một phần vùng hướng Bắc củaThị Xã An Lộc, vùng tiếp nối với Phi Trường L.19 và khu Tiếp liệu cũ của Sư Đoàn 5BB. Họ cũng rải quân, Kéo dài qua hướng Tây Bắc của An Lộc, cũng như đánh vòng cung rải quân kéo dài đến gần vùng Đồi Gió, cũng như Đồi 169, khoảng 5 cây số về hướng Tây của Thị xã An Lộc.
Trong hình: Hình vẽ những con đường chính trong Thị xã An Lộc. Phòng Ba Sư Đoàn đã dùng bản đồ này, in thành nhiều bản để phân phát ra cho các Đơn Vị tham chiến trên An Lộc. và đã xử dụng hình bản đồ này trong suốt cuộc chiến An Lộc năm 1972. Từng ngày một, Phòng Ba sẽ đánh số Thứ tự 1,2,3,4… hay bằng chữ A, B, C... lên từng ô, từng khu vực nơi các Đơn vị đóng quân và các Đơn vị chỉ báo cáo sự việc với những mã số của khu vực họ trách nhiệm mà thôi.
.
Tính đến ngày 9 tháng 4 năm 1972 , Thị Xã An Lộc đã có Trung Đoàn 7 BB với ĐĐ7 Trinh Sát, Liên Đoàn 3 BĐQ, Chiến Đoàn 52 của SĐ18 BB từ trên Căn cứ Hùng Tâm kéo về An Lộc, đơn vị này, quân số của họ gom lại được cỡ một Tiểu đoàn. Họ được giao nhiệm vụ phòng thủ hướng Nam cửa ngõ vào An Lộc , nằm giáp khu rừng cao su và giáp ranh với khu Ty Cảnh Sát Bình Long và Đại Đội Chiến Tranh Chính Trị Tiểu Khu, khu vực Tòa Hành Chánh Tỉnh Bình Long. Ngoài ra còn có các Đơn Vị thuộc Tiểu Khu như Địa Phương Quân, Nghĩa Quân cùng các Đơn vị Cảnh Sát của Tiểu Khu, tất cả họ gom lại cỡ một Tiểu Đoàn đầy đủ. An Lộc còn có một Đại Đội thuộc TĐ 2/9 . Đơn vị này họ đóng tại khu vực phía Bắc của Cầu Cần Lê. Họ không đụng địch trên đó, nên họ kéo về làm một tuyến phòng thủ từ Sân Vận động kéo dài vào phía Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận của Tiểu Khu. Một điểm Đặc Biệt mà ít người biết tới, mà ngay tình báo của Cộng quân cũng không biết. Đó là Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Sư Đoàn 5BB đã được dời đi từ ngày 8 tháng 4 năm 1972. Địa điểm cũ không có khả năng chịu đựng cho một cuộc chiến lớn cỡ trận An Lộc với mưa Pháo ngày đêm. Địa điểm cũ nằm trong khu Cư Xá Sỹ Quan của Bộ chỉ Huy Tiểu Khu. Một khu vực nhỏ hẹp, nên hầm hố rất sơ sài. Trong khu Cư xá đó, nằm giáp ranh với đường Nguyễn Du còn có Bộ Chỉ Huy Hành quân Tiền Phương của Biệt Động Quân Quân Đoàn 3, Quân Khu 3 và cũng là khu vực của Ban chỉ Huy Liên đoàn Biệt động Quân.
Trong hình: Hầm Hành Quân, nơi Tướng Lê Văn Hưng Tư Lệnh Mặt Trận An Lộc làm việc. Nơi đây, thu thập tin tức của tất cả mọi Đơn Vị báo cáo về và nơi đây, ra lệnh và chỉ thị cho các Đơn Vị hoạt động.
(Được vẽ lại theo trí nhớ của P.M.Huyên/SQ. Hành quân/TTHQ/P3 Sư Đoàn 5 Bộ Binh)
.
Trong 3 ngày thu dọn để di dời đến địa điểm mới, các đơn vị như TTHQ/SĐ, Pháo Binh, Truyền Tin vẫn để người lại làm việc như không có gì xảy ra. Các hệ thống truyền tin vẫn nhận tin, tải tin từ đây, nên nơi đây Địch Pháo vào ngày càng nhiều. Đến ngày 10 tháng 4 năm 1972 mới chính thức dời toàn bộ sang làm việc ở nơi mới, đó là một căn hầm nửa nổi, nửa chìm. Nó nằm khuất sau hai căn nhà mái ngói lớn. Đi ngoài đường nhìn vào không thấy được hầm Chỉ Huy này, nó chỉ cách nơi cũ chừng 300 mét, nằm ngay góc đường Nguyễn Huệ và Đường Phan Bội Châu. Đối diện bên kia đường là Trường Nữ Trung học Tỉnh Bình Long. (Khu đất trống, góc phải của sân trường này, nằm ngay góc đường Phan Bội Châu và đường Đinh Tiên Hoàng. Đại Tá Bùi Đức Điềm đã cho đào một hố rất lớn. Đại Tá đã điều động anh em Lao Công Đào Binh, lo chôn cất một ngôi mộ tập thể lớn. Các Quân nhân bị thương, họ được đưa về Bệnh viện Tỉnh Bình Long. Vì địch đã pháo sập Bệnh viện và Bệnh viện cũng không còn thuốc men hay bông băng gì để chữa trị. Các Bác Sỹ, Y Tá đứng ứa nước mắt nhìn họ chết dần dần).
Hầm của Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 7 Bộ Binh được dựng lên bằng bao cát, hầm nổi, nằm ép sát vào hầm chỉ huy của Tướng Hưng. Đại đội 7 Trinh Sát chịu trách nhiệm an ninh cho BTL. SĐ cũng như cho Bộ Chỉ Huy của Tr.Đ7 BB trong suốt cuộc chiến. Cộng quân cố công tìm kiếm vị trí của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn, nhưng chúng thất bại. Trận tấn công lần thứ hai tức ngày 18 tháng 4 năm 1972, Bộ Binh và Xe tăng Địch tấn công vào An Lộc, xe tăng T.54 đã đến ngay cổng, đã quay đầu xe hướng vào sân Bộ Tư Lệnh, nhưng có lẽ không thấy dấu hiệu gì là của Bộ Tư Lệnh cả. (vì không có cần anttena cao vút lên trời, ngay cả bảng anttena của Siêu Tần Số cũng được kê rất thấp). Sau đó, xe T. 54 này quay đầu đi ra và Đại Tá Lê Nguyên Vỹ đã nằm phục kích ngoài đó và Đại Tá bắn trúng nó với một khẩu M.72. Chiếc xe này chưa bị liệt hoàn toàn bởi cú bắn của Đại Tá Vỹ, cuối cùng nó bị một lính ĐPQ Tiểu Khu hạ gục bởi một phát M.72 nữa.
Ngày hôm đó, Cộng quân cũng đã tung ra hai Trung Đội Đặc Công chia ra hai mũi. Một mũi từ hướng Đông Bắc đánh xuống, chúng chọc thủng phòng tuyến của BĐQ và đã chiếm được Ty Chiêu Hồi. Mũi thứ hai chúng tiến vào từ phía Cổng Phú Lố do Đơn vị của Trung Đoàn 7BB trấn giữ. Chúng chọc thủng phòng tuyến và đã chiếm được khu Trại giam, cũng như Ty Công Chánh của Tỉnh. Cả hai mũi này được tung vào để đi dò tìm Bộ Tư Lệnh nơi Chỉ Huy mặt trận An Lộc, nhưng chúng đã bị chặn lại tại chỗ nơi chúng chiếm được và dần dần đã bị tiêu diệt hết.
Sau khi Lộc Ninh đã mất vào tay địch ngày 7 tháng 4 năm 1972. Đại Tá Lê Nguyên Vỹ từ bên Tăy Ninh bay trở lại An Lộc. Với sự trợ giúp của Đại Tá Lê Nguyên Vỹ, Đại Tá Vỹ đã cùng các Đơn vị của Trung Đoàn 7 Bộ Binh, dùng các xe be, xe đò, xe bus lật đổ chúng nằm ngang trên mặt Quốc lộ 13. Đồng thời gài mìn chống chiến xa dày đặc vào các con lộ trọng yếu dẫn vào An Lộc. Kết qủa, những chốt chặn này xe tăng địch không vào được. Pháo kích thi địch luôn luôn pháo cả ngày lẫn đêm. Những đêm nào địch pháo nhiều hơn thì thường thường họ sẽ tấn công ngày hôm sau, quân trú phòng họ đã cảnh giác về điều này. Thị trấn An Lộc đã đổ nát lại càng đổ nát hơn mỗi ngày.
Ngày 12 tháng 4 năm 1972, Trung Đoàn 8 BB đang hành quân vùng Dầu Tiếng, Bình Dương, hoặc đang tái huấn luyện ở các quân trường. Họ được lệnh vào An Lộc, chỉ để lại Tiểu Đoàn 3/8 ở lại phòng thủ Căn cứ Lai Khê. Thời gian Tr.Đ 8 BB vào An Lộc cũng gặp khó khăn vì phòng không địch. Các Phi đoàn trực thăng phải cố gắng nhiều lần mới chuyển quân xong. Khi Tr.Đ 8 BB vào An Lộc, họ được lệnh tiến lên khu Bắc Thị xã nơi tiếp giáp với phi trường L.19 cũ, họ đóng quân trong khu Chợ Mới, khu gia binh, khu Cảnh Sát Dã Chiến và hướng Đông lấn qua tới khu Nhà Thờ Giáo Xứ Thánh Mẫu. Hướng Bắc Tây Bắc tiếp giáp với Liên Đoàn 3 BĐQ. Hướng Nam, lấy con đường Trần Hưng Đạo là ranh giới giữa Tr. Đ 8 BB và Tr.Đ 7 BB. Tr.Đ 7 BB kéo hàng ngang vào hết con đường Nguyễn Huệ và kéo tới khu cổng Phú Lố ở hướng Đông. Riêng TĐ 2/7 thì tiến ra rừng cao su, nằm trong Căn cứ Lam Sơn, án ngữ cho mặt Đông Đông Nam của Thị Xã.
Đêm 12 tháng 4 địch pháo mạnh và sáng hôm sau ngày 13 tháng 4 Bộ binh và Chiến xa địch tấn công lần đầu tiên vào An Lộc. Từ Ql.13, Bộ binh và chiến xa địch phải đi đường vòng để đánh vào hướng Đông Bắc nơi có TĐ 52 BĐQ trấn giữ. Chúng chọc thủng phòng tuyến này, chiến xa và bộ binh địch tràn rộng vào khu vực của Liên Đoàn 3 BĐQ và khu vực của Tr.Đ 8 BB, khiến các đơn vị này phải rút xuống một khoảng xa và rồi cố thủ lại. Trực Thăng võ trang lên can thiệp ngay lập tức. Bay vào An Lộc họ được lệnh từ Tướng Hưng, lấy trục lộ QL.13 làm chuẩn. Bên trái đường 13 là Trực thăng Corbra Mỹ làm việc. Bên phải đường 13 là Trực Thăng GunShip của Không Quân Việt Nam đảm trách. Họ rượt bắn xe tăng và chiến xa địch như trong phim. Bằng những trái Rocket hết sức chính xác xe địch nổ tung. Sau khoảng một giờ quần thảo, phi công từ Corbra báo cáo vào phòng Hành Quân là bên phía họ trách nhiệm không còn xe tăng hay chiến xa nhưng họ thấy bên tay phải đường 13 còn có xe tăng chạy bên đó. Lập tức Tướng Hưng ra lệnh cho Trực Thăng KQ Việt Nam rời vùng để Corbra vào. Chẳng qua GunShip VN tròn đầu, xoay trở chậm hơn cá nẹp Corbra hình dẹp nên xoay đầu lẹ hơn. Sang ngày 15 tháng 4 năm 1972, địch dùng cùng chiến thuật như đã tấn công lần đầu, họ tấn công vào An Lộc lần nữa nhưng kết qủa không khá hơn. Xe tăng và chiến xa chỉ tiến vào tới phân nửa thị xã thôi là bị tiêu diệt hết rồi.
Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù do Đại Tá Lê Quang Lưỡng là Lữ Đoàn Trưởng, đã lên Bình Long từ tháng 3 năm 1972, nhưng họ phải đánh những căn cứ địch ở vùng Chơn Thành, khu Xã Minh Thạnh, Khu Bàu Lòng đường QL.13 . Ngày Lộc Ninh mất họ đã lên vùng Suối Tàu Ô và Ấp Tân Khai vì Sư đoàn 7 Việt Cộng chiếm giữ vùng này.
An Lộc bị tấn công kể từ ngày 13 tháng 4, nên Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù được bốc lên để vào An Lộc tiếp ứng. Quân của LĐ1 ND chạm địch rất nặng tại bãi đổ quân vùng Đồi Gío, Đồi 169. Tiểu đoàn 3 Pháo Binh Dù và Tiểu Đoàn 6 Dù bị tan tành, thiệt hại nặng do pháo và xe tăng địch tấn công. Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù và hai Tiểu Đoàn 5 và 8 Nhảy dù là vào được An Lộc trưa ngày 15 tháng 4 năm 1972.
Ban Chỉ Huy của LĐ1 Dù sang đóng quân chung với Đại Tá Trần Văn Nhựt Tỉnh Trưởng Bình Long. Đại Đội Trinh Sát Dù phòng thủ cho BCH Lữ Đoàn. Tiểu Đoàn 5 Dù vào khu vực Xã Xa Cam. Tiểu Đoàn 8 Dù tiếp giáp với Tiểu Đoàn 5 Dù và kéo dài ra tới ngoài QL.13. qua tới đường rầy xe lửa cũ . Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù do Trung Tá Phan Văn Huấn Chỉ Huy, họ vào An Lộc ngày 17 tháng 4 năm 1972. Liên đoàn 81 liền tiến vào khu vực hướng Bắc của Thị Xã, khu Chợ Mới, bên dưới tiếp giáp với Tr.Đ 8 BB. Ở hướng Tây, họ tiếp giáp với Liên Đoàn 3 BĐQ. Sau khi Nhảy Dù và Liên Đoàn 81 BCD vào An Lộc thì tình hình thay đổi hẳn. Ngày 18 tháng 4 năm 1972, Bộ Binh và xe tăng cùng chiến xa Địch tấn công vào An Lộc, cũng vẫn hướng Đông Bắc tấn xuống là mạnh nhất. Xe tăng Địch lần đầu tiên tiến sâu hơn vào Thị Xã, có chiếc đã vào tới khu Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn nhưng đã bị Đại Tá Vỹ bắn hạ. Tin Đại Tá Vỹ bắn xe tăng được loan truyền đi mau chóng trong đoàn Quân Tử Thủ. Đồng thời cũng mau chóng truyền về Bộ TTMưu, Quân Đoàn 3 ..v...v.... Tướng Hưng ra lệnh mỗi Tiểu Đoàn lập ra 3 hay 4 Tổ Cảm Tử đi diệt xe tăng. Cuối cùng, mọi Chiến Sỹ đều xung phong vào các Toán Cảm tử xách M.72 đi hạ xe tăng. Thật là cảnh oai hùng, không ai còn biết sợ. Kết qủa cuộc tấn công vào ngày 18 tháng 4 năm 1972 Địch hoàn toàn thất bại. Riêng Đơn Vị Biệt Cách Dù 81 trong gian nan, vất vả và đầy hy sinh. Họ đã lần lượt tái chiếm lại từng căn nhà, từng góc phố của khu vực hướng Bắc Thị xã An Lộc.
An lộc còn gánh chịu sự thiếu thốn về lương thưc dùng hàng ngày. Thiếu thốn cả thuốc men để chữa trị vết thương. Số thương bệnh binh càng ngày càng gia tăng vì không tản thương được. Quân số bổ xung cũng không vào được An Lộc. Đường bộ không đi được vì bị Địch chốt chặn kể từ ngày 8 tháng 4 năm 1972 . Đường tiếp tế trên không cũng không được vì phòng không dầy đặc của địch. Những ngày đầu của cuộc chiến, các Phi Đoàn vận tải của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa đều thất bại mỗi khi họ đến thả dù tiếp tế cho An Lộc. Họ bị thiệt hại nhiều do phòng không, cao xạ bắn lên. Đôi khi họ liều lĩnh xông vào, xuống thấp để thả dù cho An Lộc, xuống thấp qúa dù không mở được. Một số dù mở được thì bay vào khu địch chiếm. Các Phi cơ Vận tải nhào xuống thấp này, khi bay lên, họ bị trúng đạn phòng không, Phi cơ bị bốc cháy trước mặt những người đứng dưới đất đang nhìn lên. Không đoàn vận tải của Mỹ cũng làm thử kiểu của KQ Việt Nam cuối cùng vẫn không có kết qủa. Sang đến đầu tháng 5 năm 1972.
Không quân Mỹ đã áp dụng kiểu tân tiến hơn, khoa học hơn. Họ lấy địa điểm để thả dù là Sân Vận Động nhỏ tý trước Chi Khu An Lộc, Tòa Hành Chánh Tỉnh. Phi Cơ C .130 bay cao trên 7 hay 8,000 feet, ngoài tầm đạn phòng không. Trời trong xanh, đứng dưới đất nhìn lên trời, chỉ thấy chiếc phi cơ C. 130 nhỏ bằng con ruồi. Các kiện hàng được đặt trên các Pallet và được thả xuống với những chiếc dù Cánh dơi tức dù lủng lỗ, dù được may bằng nhiều cánh dù ghép lại. Dù cánh dơi rơi xuống rất mau, vượt qua được tầm đạn phòng không. Khi xuống gần, cách mặt đất chừng 3 hay 400 feet, thì” hạt thời nổ” kích hoạt, điều khiển cho một chiếc Dù khác bung ra và giúp cho pallet hàng xuống đất nhẹ nhàng, an toàn. Không những Không Lực Mỹ đã giúp cho về mặt tiếp tế thả dù. Họ còn giúp cho về mặt Không yểm rất hữu hiệu, nó góp phần không nhỏ cho việc bẻ gẫy tham vọng chiếm An Lộc của Địch.
Ngoài Trực Thăng Corbra, Không lực Mỹ còn có các Phi Tuần Phản Lực từ Hàng Không Mẫu Hạm ngoài Biển Đông vào trợ chiến. Các Cố Vấn Mỹ trong hầm Chỉ Huy dùng Radar “Beacon”. Họ mang ra để trên nóc hầm. Radar Beacon này sẽ phát tín hiệu cho Phi Cơ Mỹ mỗi khi họ vào làm việc. Các Phi Tuần B.52 từ Đảo Guam bay qua hay từ Căn Cứ U- Tapao bên Thái Lan tới sẽ đánh bom theo tín hiệu của Radar này. Loại B.52 này Việt Cộng không ưa vì gây cho họ tổn thất qúa nặng nề. Kể cả các đơn vị Pháo tầm xa như pháo 130 ly, được đặt cách An Lộc rất xa nhưng B.52 cũng không buông tha.
Trong hình dưới đây: Các Phi tuần B.52 được gọi đến đánh bom yểm trợ cho Mặt trận An Lộc.
Trong hình: B.52 Thả xuống một lần gần 80,000 lbs chất nổ . Bom gây ra chấn động rất lớn và tạo ra một biển khói lửa đứng cách xa cả 10 cây số vẫn nghe rõ.
Ngoài ra Không Lực Mỹ còn có loại AC.130 còn được gọi là “The Spector”. Trên phi cơ này có gắn Đại Bác 20 ly, 40 ly và 105 ly không giật, từ trời cao bắn xuống với hệ thống Computerize điều khiển những trái đạn tầm nhiệt, dù đêm hay ngày, không một Chiến xa, thiết giáp, cơ giới, pháo binh hay vị trí súng phòng không nào có thể trốn thoát. Có nhiều đêm, tin tình báo cho biết là địch sẽ tấn công An Lộc và phía Mỹ lại thông báo là đêm nay “The Spector” không ưu tiên cho An Lộc mà sẽ bay ra Quảng Trị. Tướng Hưng gọi điện xin can thiệp, cuối cùng “The Spector” vẫn đến cho An Lộc. Một tin vui nữa là kể từ khi Tiểu Đoàn 8 Dù cố gắng bung rộng xuống hướng Nam, họ đã bung được khoảng 3 cây số dọc theo Quốc Lộ 13. Họ dừng lại để giữ an ninh cho đoạn đường này. Lấy đoạn đường này làm bãi đáp Trực Thăng. Trực thăng có thể lên xuống trên đường Quốc Lộ. Khi gần khi xa, nhưng cũng tương đối an toàn hơn trước vì bãi đáp đã thông thoáng hơn. Chỉ có điều lâu lâu địch pháo kích thôi. Việc tiếp tế, tản thương, bổ xung quân mới coi như được tiến hành tốt đẹp.
Tôi còn nhớ vào một buổi chiều vào khoảng 5:30 chiều., ngày 6 tháng 5 năm 1972. Tôi đang ngồi trực Hành Quân thì chuông điện thoại Hotline từ Sài Gòn reo lên.
Trong hình: Đại Tướng Cao Văn Viên lên thăm An Lộc ngày 7/7/1972. Hình chụp trước cửa BTL. SĐ5 BB. Anh em Lính tráng chạy đến bên Đại Tướng lên.
.
Tôi nhắc ống nghe lên thì đầu dây kia có tiếng nói:”Cho Tổng Thống nói chuyện với Tướng Tư Lệnh đi”. Tôi trả lời:”Vâng xin chờ để tôi trình Ông Tướng”. Tôi cầm ống nghe trên tay, quay lại Tướng Hưng:”Thưa Chuẩn Tướng có Tổng Thống muốn nói chuyện với Chuẩn Tướng”. Chuẩn Tướng đứng lên, ngối xuống ghế cạnh tôi, tôi trao ống nghe cho Chuẩn Tướng . Tổng Thống hỏi han tình hình diễn tiến trên An Lộc, cuối cùng Tổng Thống nói:” Tôi cho anh hay, theo tin tình báo tôi nhận được thì địch nhất định phải lấy cho được An Lộc trong thời gian tới. Tình hình coi bộ căng thẳng đó. Thôi, nếu anh không giữ được mà có phải chạy thì tôi cũng không bắt lỗi anh”. Chuẩn Tướng Hưng lúc này có vẻ cảm động sau câu nói đó của Tổng Thống Thiệu, Chuẩn Tướng đáp:”Thưa Tổng Thống tôi sẽ giữ được An Lộc, dù có chết tôi cũng không để mất An Lộc”. Tổng Thống trả lời:’Thế thì tốt. Thôi cố gắng lên”. Rồi cúp máy.
Sau đó, mấy Sỹ Quan ở dưới hầm Chỉ Huy đã hỏi thăm tôi, tôi kể cho họ nghe là Ông Tướng sẽ Tử thủ cho đến chết chứ không có chạy. Nghe tin đó, Trung Tá Trịnh Đình Đăng, Trưởng Phòng 3 Sư Đoàn, đã gọi về Quân Đoàn 3 để xin chuẩn bị cho một Phi cơ có trang bị Máy Truyền Tin đặc biệt, phòng hờ tình huống xấu xảy ra thì đã có ngay Đài phát tuyến trên trời. Cũng từ đó, một không khí nặng nề chụp xuống An Lộc như chờ đợi một tai họa sẽ ập đến, mà không biết lúc nào?. Thế rồi ngày đó đã đến. Đêm ngày 11 tháng 5 năm 1972, vào lúc 2:30 đêm, địch bắt đầu Pháo vào An Lộc với một trận Pháo kinh hoàng nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại. Không phải chỉ nghe được 1 , 2 tiếng nổ hay 10 tiếng nổ trong cùng một lúc, mà là hàng 100 tiếng nổ cùng một lúc. Tiếng nổ mạnh và nổ đồng thời cùng một lúc đã làm cho mặt đất rung lên, gằn lên, như chấn động của trận động đất lớn. Ngọn đèn điện 60 watt, ánh sáng duy nhất của căn hầm hành quân đong đưa, lúc lắc qua lại, nhìn thấy cảnh này tôi chỉ sợ dây điện bị đứt.
Trong hình: Tổng Thống Thiệu lên thăm mặt trận An Lộc ngày 7 tháng 7 năm 1972. Anh em Chiến Sỹ Sư Đoàn 5 Bộ Binh đang bồng, nâng Tổng Thống lên. Hình chụp trước cửa hầm BTL. SĐ5 BB.
Nhìn qua Chuẩn Tướng Hưng, Ông vẫn ngồi trên ghế bố, dựa lưng sát tường, mặc áo giáp và nón sắt đội trên đầu. Chỉ có đưa hai ngón tay lên bịt lỗ tai thôi. Còn 3 Ông Cố Vấn Mỹ, cũng nón sắt, áo giáp ngồi trên ghế cúi gập người xuống. Dưới hầm, Phía trong kia nhiều người ngồi hẳn xuống đất. Tôi đi đến cạnh Trung Tá Phùng Chỉ Huy Trưởng Pháo Binh Sư Đoàn, Trung Tá đang ngồi trên ghế bố:”Trung Tá, nếu như ra lệnh cho Pháo Binh bắn, thì Trung Tá phải hô làm sao cho nó nổ như thế này?”. Trung Tá Phùng trả lời:”Tao phải hô là, Sư Đoàn Pháo Trăm Tràng, Bắn”. Nghe thấy có vài tiếng cười sau câu trả lời của Trung Tá Phùng. Đến 5:30 sáng Địch thôi pháo, chẵn chòi chúng đã pháo 3 tiếng đồng hồ, ước lượng có tới hơn 10,000 qủa đạn các loại đã rót vào An Lộc đêm hôm qua. Nhìn ra Thị Xã An Lộc, hôm trước đã đổ nát, sau trận pháo đêm qua, bây giờ An Lộc đã hoàn toàn đổ nát, không còn hòn gạch nào chồng trên hòn gạch nào. Sáng hôm sau, ngày 12 tháng 5 năm 1972 , địch tổng tấn công vào An Lộc. Bộ binh địch tấn công vào nhiều hướng, xe tăng và chiến xa cũng cố vào trong An Lộc. Một trận thư hùng đã diễn ra. Quân tử thủ lớp chống trả bộ binh địch tấn công, lớp rượt bắn xe tăng. Bây giớ anh em không còn núp bắn nữa mà rượt đuổi theo xe tăng mà bắn. Khí thế chiến đấu lên cao vô cùng. Không có xe tăng nào chạy thoát được. Tướng Hưng liên lạc với các Đơn vị để xem xét tình hình thì thấy mặt phòng thủ của Tiểu Đoàn 5 Dù ngoài Xa Cam không bị tấn công . Tướng Hưng liền yêu cầu Đại Tá Lưỡng cho Tiểu đoàn 5 Dù vào hỗ trợ cho khu vực của Trung Đoàn 7 và Trung Đoàn 8 BB đang chạm địch mạnh. Tiểu đoàn 5 Dù vào trong An Lộc để hỗ trợ, đến tới chiều Địch hoàn toàn bị đẩy lui, tình hình đã yên tĩnh, TĐ 5 Dù lại trở về vị trí cũ ngoài Xa Cam. Ngày 12 tháng 5 năm 1972 cũng là ngày mà Không Lực Hoa Kỳ yểm trợ mạnh nhất cho An Lộc. AC.130 “The Spector” dùng đạn tầm nhiệt, đánh phá các cơ giới, các vị trí pháo và phòng không của Địch đã bị Không ảnh chụp được từ đêm trước. Pháo đài bay B. 52 cũng góp sức, trong một ngày mà họ đã đánh tới 90 Boxes B.52, đúng là lịch sử vô tiền khoáng hậu. Có những Box họ đánh cách quân bạn chừng 3,4 trăm mét. Nghĩa là không có một chút an toàn nào cho đơn vị bạn dưới đất nếu tính theo luật, nhưng nhu cầu cần, họ chơi luôn. Tụi tôi ngồi trong hầm mà thân thể lắc lư, lắc qua lắc lại. Mọi vật như muốn nhảy tưng lên. Ngồi trong hầm mà nghe rõ tiếng bom B.52 Xé gío..út..út..út rơi xuống.
Sang ngày 13 tháng 5 năm 1972 . Tướng Hưng chỉ thị cho các Đơn vị phải bung rộng ra, tấn công ra ngoài vành đai Thị Xã An Lộc. Kể từ ngày này, cường độ pháo của Địch đã giảm xuống.
Dưới vùng Suối Tàu Ô và Ấp Tân Khai tính đến ngày 13 tháng 5 năm 1972 đã có Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù đang hành quân. Trung Đoàn 15 Bộ Binh của SĐ 9 BB, cùng Đại Đội Trinh Sát của Trung Đoàn đã tiến vào khu hướng Nam của rừng cao su An Lộc, họ tiến vào bên phía trái của QL.13, nếu tính từ Chơn Thành đi lên. Đơn vị này do Trung Tá Hồ Ngọc Cẩn chỉ huy. Nếu tính theo hàng ngang nhưng ở bên tay phải của QL.13 có Trung Đoàn 33 BB của SĐ 21 BB do Trung Tá Nguyễn Viết Cần chỉ huy. Kể từ khi vào vùng hành quân, 2 Đơn Vị này đã bị bao vây. Địch cầm chân họ. Họ cố gắng để đi lên bắt tay với An Lộc nhưng bị Địch chọc thế cài răng lược, bị cầm chân bởi chốt và kiềng của Địch khiến họ không tiến lên được. Coi như họ bị vây hãm và hàng ngày chịu mưa pháo chụp xuống, khiến số thương vong ngày càng tăng. Riêng Trung Tá Nguyễn Viết Cần đã tử trận do địch đã pháo vào trúng vị trí đóng quân của Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 33 BB khi đó đóng tại khu rừng cao su gần Ấp Đồng Phát 1.
Từ ngày 3 , 4 tháng 6 năm 1972. Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù của Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù do Trung Tá Nguyễn văn Đỉnh là Tiểu Đoàn Trưởng, từ Lai Khê tiến lên An Lộc. Đầu tiên họ đánh vào vùng Ấp Tân Khai, ngày hôm sau đó ngày 5 tháng 6 năm 1972, họ tiến lên Ấp Đức Vinh khu vực giáp với rừng cao su An Lộc về phía tay trái QL.13. Ngày 6 tháng 6 năm 1972, TĐ 6 ND tiến sang phía phải của đường QL.13. Họ xung phong tiến vào đánh giải vây cho Trung Đoàn 33 Bộ Binh của Trung Tá Nguyễn Viết Cần. Địch hớt hải, xối xả chạy rút lui về hướng Đồi Gío. Sang ngày hôm sau, ngày 7 tháng 6 năm 1972 , họ tiến sang bên trái đường QL.13 và xung phong đánh tan thế bao vây và đã giải vây được cho Trung Đoàn 15 BB. Sang ngày 8 tháng 6 năm 1972. Họ tiến qua phía phải đường QL.13 và từ đây họ tấn công lên hướng Bắc và đến buổi chiều ngày hôm đó, Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù đã bắt tay được với Tiểu Đoàn 8 Dù. Cú bắt tay lịch sử này đã làm cho Cộng Sản Bắc Việt bẽ mặt.
Trên An Lộc, mọi người vui mừng về chiến tích này của Tiểu Đoàn 6 Dù. Tinh thần mọi người cảm thấy sảng khoái, phấn chấn như trút được gánh nặng sau những ngày tháng ngột ngạt trong thế bị bao vây. Những ngày sau đó, các Đơn Vị đều bung rộng ra xa hơn. Ngày 12 tháng 6 năm 1972, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù tiến chiếm để lấy lại Đồi Đồng Long. Họ đã cắm được ngọn Cờ Vàng, 3 Sọc Đỏ trên đỉnh đồi Đồng Long. Nhìn ngọn Cờ Tổ quốc ngạo nghễ tung bay, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng tuyên bố :”An Lộc đã chiến thắng hoàn toàn kể từ ngày 12 tháng 6 năm 1972”.
Ngày 18 tháng 6 năm 1972 , Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù rời An Lộc, họ đi vào Suối Tàu Ô, Ấp Tân Khai và đã thanh toán các mục tiêu tại đây trước khi về lại Sài Gòn.
Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, rời An Lộc ngày 24 tháng 6 năm 1972, xuống vùng Tân Khai và được Trực Thăng bốc về Lai Khê. Sau đó họ về Hậu Cứ của Liên Đoàn.
Ngày 7 tháng 7 năm 1972, Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu cùng Đại Tướng Cao Văn Viên lên thăm và ủy lạo quân dân trên An Lộc.
Ngày 9 tháng7 năm 1972 , Chuẩn Tướng Richard J. Tallman Cố Vấn Phó cho Tướng Nguyễn Văn Minh Tư Lệnh Quân Đoàn3 , Quân Khu 3 cùng phái đoàn lên thăm Mặt trận An Lộc. Khi phái đoàn đáp trực thăng xuống Sân bay B.15, nằm ngay cạnh Bộ chỉ Huy Tiểu Khu An Lộc. Trên đường đi bộ vào Bộ chỉ huy, phái đoàn trúng đạn pháo của Cộng Sản Bắc Việt từ phía sau lưng khiến cho: 3 Sỹ quan Mỹ (1)Trung Tá Stanley J. Kuick, (2) Thiếu Tá Peter M. Bentson, (3)Trung úy Jonh A. Todd và (4) Trung Sỹ Thông dịch Viên của Tiểu khu tên Sơn chết liền tại chỗ. Riêng Chuẩn Tướng Richard J. Tallman thì bị thương nặng, sau đó đã chết trên phi cơ tản thương trên đường bay về Bệnh viện 3 Dã Chiến.
Ngày 17 tháng 7 năm 1972, Sư Đoàn 18 Bộ Binh do Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo làm Tư Lệnh đã nhảy vào An Lộc, thay thế cho Sư Đoàn 5 Bộ Binh dời vùng An Lộc về Lai Khê kể từ ngày đó.
KẾT LUẬN:
An Lộc tuy nhỏ bé nhưng người dân nơi đây rất hiền hòa, dễ mến. Thị Xã này chưa được kể là Thị Xã giàu có về kinh tế nhưng đời sống người dân đều được ấm no hạnh phúc. Trẻ nhỏ nô đùa, ngày ngày học sinh được cắp sách đến trường học hành để tạo dựng tương lai đầy hy vọng. Nhưng kể từ ngày những kẻ trong rừng chui ra phá nát cái sự sống êm đềm đó. Sang đầu tháng 6 năm 1972, khi tình hình đã tương đối lắng đọng, những người Công Giáo ở trên An Lộc đã có thể đến Nhà Thờ của Giáo Xứ Thánh Mẫu để tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật. Ngôi Nhà thờ mái ngói bị trúng đạn pháo sập hết 80%. Những ghế ngồi gẫy nát. Trong lòng nhà thờ có 2 trái đạn pháo găm xuống nền Nhà Thờ còn chưa nổ, được đánh dấu để mọi người đừng bước đến gần. Nhà thờ đầy đất cát, bụi bặm. Riêng khu Gian Thánh thì tạm thời còn làm Lễ được. Chúa Nhật đầu tiên đi dự Lễ, các người dân, người nào cũng chít khăn tang trắng trên đầu. Cả một Thị Xã đã biến thành đống gạch vụn hoàn toàn. Cả Thị Xã giờ này đã biến thành một Nghĩa Trang rộng lớn nơi chôn xác Lính, nơi chôn xác Dân và cũng chôn rất nhiều xác của quân xâm lược nữa. Ai gây nên cảnh tang thương này.
Phần kết luận tôi muốn viết để kể về con số bao nhiêu xe tăng và chiến xa đã bị bắn cháy, rồi tổn thất hai bên như thế nào..v...v...Nhưng ở đây tôi chỉ muốn kết luận rằng các anh bên đi xâm lược, các anh đã thua trong trận đấu mà những người bên phe tử thủ đã thắng, vì họ có chính nghĩa được Dân yêu thương. Còn các anh, quân xâm lược, các anh hoàn toàn không có chính nghĩa, dân sợ các anh, các anh đến dân phải chạy về phía VNCH để tìm sự che chở. Các anh hãy nhớ và suy nghĩ về câu nói “ rất thật ” của Ông Lê Duẩn, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản của các anh đã nói rằng:”Ta đánh đây là đánh cho Liên Sô và Trung Quốc”. Câu này hiện còn để ở Cửa Mả của Ông ta.
Santa Ana, California. Ngày 30 tháng 5 năm 2021.
Phạm Minh Huyên/P3 /TTHQ/BTL. SĐ5 BB.
(Được viết lại theo trí nhớ về những gì đã xảy đến cho An Lộc trong năm 1972)
.
No comments:
Post a Comment