Dòng Cái Lớn chứa đầy tôm cá
Vùng Kiên Hưng giặc phá như tinh
Trên bờ phong cảnh hữu tình
Dưới sông mìn ẩn lục bình ngược xuôi
(NĐS)
Trong thời gian lưu lại Kiên Hưng, ngoài những cuộc hành quân thường bị địch bắn trộm B40 và B41, mọi người còn chịu đựng những cơn ác mộng vì lo ngại tàu bị mìn. Nhất là vào những chiều hôm, trước khi đi ngủ, nhân viên luôn luôn thay phiên canh gác để kịp thời phát hiện những đám bèo (lục bình) trôi lại gần tàu.
Tử thần ẩn nấp trong các cụm lục bình!!!
Miền Hậu Giang Việt Nam có một hệ thống sông ngòi chằng chịt như một tổ nhện, nối liền các thị trấn, quận xã bằng đường thủy. Những danh từ như rạch, sông, kinh, được dùng để đặt cho các thủy lộ ấy. “Rạch” là dòng nước nhỏ hẹp, chừng vài mét bề ngang. “Sông” là dòng nước thiên nhiên, rộng lớn chừng vài chục mét hoặc hơn. “Kinh” thường là dòng nước nhân tạo, do người xưa đào từ lâu đời, có đoạn thẳng tắp dọc theo đường liên tỉnh lộ, vì con đường được xây nên bởi đất đào làm kinh.
Có nhiều con sông hai đầu đều thông ra biển, không có thượng nguồn, hạ dòng gì cả. Thủy triều lên xuống không tạo nên dòng nước chảy xiết như nước sông Cửu Long. Hầu như lúc nào dòng nước trong các sông rạch cũng lững lờ trôi, buổi sáng về đông, buổi chiều sang tây, hay ngược lại. Vì con nước không chảy xiết, lục bình sinh sôi nảy nở rất nhiều trên sông rạch như trên nước ao hồ. Lục bình kết tụ thành đám, thay hình đổi dạng liên miên như mây trời, nên mới có thành ngữ “hợp rồi tan như bèo mây”.
Lợi dụng sự di động chậm của dòng nước, Việt Cộng gài mìn có buộc phao, thả nổi ngụy trang vào bên các cụm lục bình. Mìn có gắn nam châm, khi đến gần thành sắt của giang đĩnh thì bị hút vào.
Nạn tàu chìm vì mìn nổi xảy ra rất thường trên các kinh rạch vùng Hậu Giang. Có loại mìn tối tân, nổ tự động khi chạm vào thành sắt, nhưng rất hiếm thấy. Phần lớn là các loại mìn nội hóa thô sơ có giây điện gắn theo dài tới vài trăm thước. Đầu giây điện nối vào cục pin điện để trên bờ, gần hàng đáy. “Hàng đáy” là những cọc cây đước, do ngư dân cắm xuống lòng sông, ra tận giữa sông để gắn lưới chài tôm và cá.
Chờ lúc con nước chảy về phía có tàu đậu, địch bơi ra giữa dòng, buộc mìn vào mấy cụm lục bình, quàng giây điện vào một cọc đáy, rồi lên bờ, nới dây điện dài ra cho đến khi mìn trôi theo các cụm lục bình đến gần tàu và bám vào hông tàu nhờ sức hút của nam châm gắn trên mìn. Ở trên bờ thượng dòng, bên hàng đáy, khi thấy giây điện không còn bị kéo dài ra nữa, địch có thể đoán biết được mìn đã bị hút vào hông tàu. Nhấn chốt nối dòng điện, mìn liền nổ tung. Ở trên bờ, địch sẽ khoái trá nhìn chiếc tàu tung lên rồi từ từ chìm xuống, lôi theo thân xác của những người lính hải quân nạn nhân vào dòng nước đục.
Thấm thoắt mà đã gần ba tháng kể từ ngày tân đáo đơn vị. Tôi dần dần quen thuộc các sinh hoạt thường nhật và tên gọi của nhân viên trong Giang Đoàn, nhất là trong thời gian xử lý thường vụ cho Chỉ Huy Trưởng đi phép.
Một hôm mùa hạ, trời khá nóng nực, tôi đang ngồi nghiên cứu bản đồ địa phương, cố thuộc lòng các địa thế, địa danh thôn xóm và kinh rạch, thì Thiếu Tá Điền tới vỗ vai và nói:
– Này, sao đăm chiêu thế toa? Nhớ nhà hả?
Tôi chỉ cười, chờ đợi mà không trả lời câu hỏi. Tánh anh Điền lúc nào cũng bặt thiệp và hào sảng nên hẳn là anh có chuyện gì vui muốn nói.
– Ngày mai, toa lấy một chiếc Alpha về Rạch Sỏi rồi bảo Hạ Sĩ Năng lấy xe jeep chở về thăm nhà!
Tôi vui mừng đáp:
– Cảm ơn ông “Trưởng”. Tôi định xin phép thì ông đã “đi guốc” trong bụng tôi rồi. Có điều nhà tôi ở mãi tận Nha Trang, đi về mất mấy ngày, không biết thời gian tiêu chuẩn đi phép 10 ngày có thấm thía gì không?
– Thì toa đi hai tuần! Anh Điền đáp một cách thản nhiên. Nhưng lúc nào trở lại nhớ mang mấy ký mực khô Nha Trang để nhậu với rượu nếp than nhé!
– Bắt buộc! Nhưng mà tôi biết lái xe và có bằng lái. Tôi muốn tự lái xe về thăm nhà, không phiền đến Hạ Sĩ Năng.
– Thế à. Tùy toa. Giang Đoàn mình có hai chiếc jeep. Toa lấy một chiếc mà về thăm nhà.
Khi tôi mãn phép trở lại Bộ Chỉ Huy Tiền Phương của LLTB tại Rạch Sỏi thì liền nhận hung tin: Tối hôm trước, chiếc giang đĩnh của Thiếu Tá Điền bị mìn lật úp và anh đã bị mất tích! Tôi bèn vội gọi máy vô tuyến rồi lên xe jeep của Giang Đoàn đến bãi sông Tắc Cậu chờ tàu về đón ra vùng hành quân.
Chờ một lúc thì hai chiếc Alpha từ ngoài Sông Cái Lớn ghé vào. Tư Lệnh Lực Lượng Thủy Bộ Hoàng Cơ Minh bước lên bờ. Sau khi tiếp nhận cái chào kính của tôi, ông ra lệnh:
– Tôi chỉ định Đại Úy tạm thời Quyền Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn 75 thay thế Thiếu Tá Nguyễn Xuân Điền, cho đến khi có lệnh mới. Bây giờ anh ra Kiên Hưng cố gắng điều động giang đoàn tuần tiểu bảo vệ chiếc tàu bị chìm cho đến khi toán Người Nhái tìm được tung tích hoặc xác của Thiếu Tá Điền!
Tôi vội đứng nghiêm, đưa tay chào kính lần nữa:
– Tuân lệnh!
Kế rồi Đại Tá Minh quay lưng, lên xe jeep của ông ấy đã chờ sẵn, ra hiệu cho tài xế lái đi luôn.
Tôi xuống chiếc giang đĩnh, trở lại vùng Kiên Hưng.
Ra đến vùng Thới An – Hốc Hòa, tôi thấy vài chục chiếc giang đĩnh đang tuần tiểu quanh một chiếc tàu bị nạn, lúc bấy giờ đang lật úp, lườn tàu phía trước nhô lên khỏi mặt nước. Toán Người Nhái vừa vớt được hai người thủy thủ bị chết đuối trong lòng tàu. Họ không tìm thấy anh Điền đâu cả. Hỏi ra mới biết chiếc tàu bị nạn ấy là một chiếc Tango của GĐ74TB chứ không phải chiếc Tango 97 của Chỉ Huy Trưởng GĐ75TB.
Toán Người Nhái lặn tìm mãi, chỉ kiếm được xác của hai nhân viên bị chết đuối vì kẹt trong tàu. Vài hôm sau, họ lại vớt được hai tử thi của hai nhân viên khác nổi lên ở mấy địa điểm khá xa chiếc tàu chìm. Riêng tung tích anh Điền thì vẫn bặt tăm, nên được xem là “mất tích”.
Một tuần sau thì Liên Đoàn được lệnh điều động về Kiên An. Hành quân vùng Kiên An, Tắc Cậu và Kinh Cán Gáo, tương đối an toàn hơn ở Kiên Hưng và Cánh Đồng Thơm Chương Thiện.
Ba tháng kế tiếp là thời gian tôi làm Quyền CHT/GĐ75TB và đã trở lại Kiên Hưng để hành quân một lần nữa, sẽ thuật lại sau. Ở đây xin kể nốt tin tức về Thiếu Tá Điền.
Sáu tháng sau, một hôm tôi đang nghỉ phép ở Nha Trang thì Thiếu Tá Điền bước vào nhà bố vợ tôi. Anh em mừng rỡ ôm chầm lấy nhau. Với giọng Bắc Kỳ di cư và tài nói chuyện dí dỏm, anh kể chuyện bị Việt Cộng bắt và chuyện vượt ngục trở về, ly kỳ như chuyện phim:
Chiều hôm ấy, Thiếu Tá Điền được Trung Tá Liên Đoàn Trưởng TTT gọi sang tàu ông ấy ăn cơm và bàn chuyện hành quân. Cơm nước, thảo luận đến lúc tối mịt, anh Điền định về tàu mình thì bỗng có tiếng nổ lớn: Chiếc Tango bị trúng mìn VC, bể mất một mảng lườn, nước vô xối xả, tàu nghiêng đi rất nhanh. Trung Tá T và mọi người nhảy xuống nước và được các chiến đĩnh khác vớt lên. Riêng anh Điền còn nán lại để giúp vài nhân viên của GĐ74TB bị choáng váng trong tàu vì sức chấn động của mìn nổ và đang bơi bì bõm trong lòng tàu lúc bấy giờ đã ngập nước.
Đang vói tay kéo mấy nhân viên lên thì chiếc tàu đột nhiên lật úp vì nước vào quá nhiều. Anh và hai nhân viên bị kẹt trong đó mấy tiếng đồng hồ, chỉ thở được bằng bọng không khí bên trong.
Tàu chìm dần xuống gần đáy sông. Ba người cố gắng lặn xuống để chui ra ngoài, nhưng áp lực nước quá mạnh làm tức ngực, chịu không nổi, phải trồi lên thở bằng bọng không khí. Lần lặn cuối cùng chỉ có anh Điền may mắn đủ hơi sức thoát ra được, còn hai nhân viên vẫn bị kẹt ở trong tàu. Anh leo lên ngồi trên lườn tàu đã lập úp, chỗ phần phía trước tàu còn nhô lên khỏi mặt nước, chờ anh em đến cứu. Nhưng đoàn tàu đã dời xuống hạ dòng, cách xa khoảng vài cây số. Khi trời mờ sáng anh Điền có thể nhìn thấy những giang đĩnh đi tuần nhưng chờ mãi vẫn không thấy chiếc nào đến gần.
Thế rồi một chiếc ghe đuôi tôm từ bên bờ bắc miệt Thới An chạy sang Hốc Hòa, gần chỗ chiếc giang đĩnh bị chìm. Anh Điền mừng rỡ đứng lên vẫy gọi. Chiếc ghe đổi hướng về phía tàu chìm. Đến gần, anh nhận ra một cậu thiếu niên lái ghe chở một nhà sư mặc áo tỳ kheo màu vàng úa. Nhà sư nhìn thấy anh nhưng đột nhiên không chịu cứu độ người gặp nạn, ra hiệu cho thiếu niên bẻ lái chiếc ghe chạy luôn sang Hốc Hòa.
Một lát sau thì có một chiếc ghe đuôi tôm từ miệt Hốc Hòa chạy thẳng về hướng chiếc tàu chìm. Trên ghe có hai người đàn ông trung niên mặc áo bà ba đen. Khi ghe đến gần, một người rút trong mình một khẩu súng colt, ra lệnh anh Điễn nhảy xuống ghe. Chiếc ghe bèn quay hướng chạy về Hốc Hòa. Lên bờ, anh bị mấy tên du kích VC chờ sẵn, trói tay chân và bịt mắt miệng, nhốt trong hầm trú ẩn gần bờ, khuất sau mấy bụi chà là (dừa nước).
Một thời gian thật lâu sau, anh nghe tiếng tàu chạy qua lại rất gần bờ và có tiếng người nói chuyện trên máy vô tuyến. Anh nghe cả tiếng kêu gọi tên mình nữa. Chung quanh hầm không còn nghe tiếng bọn du kích, anh Điền đoán là bọn chúng sợ bị lộ nên đã bỏ anh nằm một mình và chạy trốn rồi. Anh muốn vùng vẫy mở khăn bịt miệng để kêu cứu nhưng chúng cột chặt quá, không thoát được.
Anh chịu đựng tình trạng thúc thủ như thế rất lâu. Đến khi bọn du kích trở lại mở khăn bịt mắt cho anh thì trời đã tối. Chúng dẫn anh đi vào sâu trong xóm, cho ăn uống rồi dẫn vào rừng U Minh Thượng, phía nam lưu vực Sông Cái Lớn. Nơi ấy anh gặp rất nhiều tù binh, đại đa số là sĩ quan đủ các loại binh chủng Bộ Binh, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động, Nhảy Dù, v.v., duy nhất chỉ có anh Điền là sĩ quan Hải Quân.
Bị nhốt ở rừng U Minh khoảng 6 tháng, ngày nào anh cũng bị tra hỏi về các chiến thuật hành quân của LLTB nói riêng và của Hải Quân nói chung.
Đám tù bị di chuyển thường xuyên. Lần sau cùng ra gần bờ sông lớn, vì nơi ấy đã cảm thấy gió mát từ sông thổi vào.
Những ngày có dịp đi ra ngoài làm lao động canh tác sản xuất, anh đã cố gắng ghi nhận hướng di chuyển của mặt trời và địa thế, đối chiếu với các hình thể địa dư trên bản đồ hành quân mà anh còn nhớ, để phỏng đoán vị trí của trại tù. Anh đoán là mình đang bị di chuyển về hướng tây nam và đang ở trong rừng U Minh Hạ, gần sông Trèm Trẹm hoặc sông Ông Đốc. Đêm đêm, nhóm tù binh nhìn về hướng tây bắc, thấy có những hỏa châu bắn lên từ một vị trí cố định, họ đoán nơi ấy là đồn bót hay quận lỵ, chớ không phải là hoả châu di động của các cuộc hành quân.
Một đêm trời không trăng nhưng đầy sao, lợi dụng lúc bọn quản canh ngủ say, anh đã cùng một số sĩ quan bạn thi hành kế hoạch vượt thoát đã chuẩn bị từ lâu. Mới đầu họ chạy về hướng nam khoảng vài cây số. Đến khi gặp một con rạch nhỏ thì chạy theo giữa giòng nước khoảng vài trăm thước rồi mới vượt sang bờ bên kia và chạy về hướng tây. Khoảng một giờ, họ lại đổi về hướng bắc, có chòm sao Bắc Đẩu vằng vặc trên trời, đằng trước mặt. Họ băng sang nhiều con rạch mà đi khoảng vài giờ, thì thấy có những đốm hỏa châu thỉnh thoảng lại lóe lên từ chân trời. Họ lại xác định vị trí các hỏa châu bằng cách đối chiếu với sao trời và chạy về hướng đó. Các đốm hoả châu càng lúc càng lớn dần.
Cuối cùng, đến gần sáng anh Điền và đồng bạn tù đã trốn thoát đến được Chi Khu Thới Bình gần bên sông Trèm Trẹm. Nơi đây, sau khi kiểm chứng danh tánh, anh Điền đã được trực thăng của LLTB đón về Rạch Sỏi. Sau thời gian trình diện, điều trần, và báo cáo tại Cục An Ninh Hải Quân, anh được đổi ra Trại Tây Kết, vùng 2 Duyên Hải, Nha Trang. Nhờ đó anh đã có dịp ghé thăm tôi nhân dịp tôi về phép.
Sau năm 75, Thiếu Tá Nguyễn Xuân Điền ở lại và bị bắt đi tù cải tạo. Năm 1992 anh đã sang Mỹ theo diện HO, và đang cư ngụ tại trị trấn Covina, phía đông Los Angeles, California. Mùa hè năm 1999, tôi đã được gặp lại anh, đã cùng anh nâng ly bia uống mừng ngày tái ngộ và ôn lại những kỷ niệm của những ngày tháng gian khổ trong vùng U Minh hung hiểm.
Nguồn: Bài của Mr. Nguyễn Đình Sài.
.
No comments:
Post a Comment