Monday, October 11, 2021

.TỪ VÙNG PHI CHIẾN ĐẾN VÙNG HỎA TUYẾN!

 


Trước 1975 người miền nam thường nghe được bản nhạc: " Thương về vùng Hỏa Tuyến", một sáng tác của cố nhạc sĩ Anh Bằng, do danh ca Thanh Tuyền trình bày trên các làn sóng điện của các đài phát thanh hay truyền hình Sài Gòn. Đó là hình ảnh của một vùng phi quân sự được hình thành từ khi chia đôi đất nước bởi hiệp định Genève 1954.

Có ai qua vùng hỏa tuyến

Nhắn cho tôi một vài lời

Mái tranh thân yêu còn đâu

Lũy tre xanh tươi còn đâu

Đổi thay giờ đây lửa máu

Xóm thôn hoang tàn đổ nát

Luống khoai nương cà nghẹn ngào

Tiếng chuông vang không còn nữa

Vắng trâu ăn trên đồng sâu

Trẻ thơ đi tìm Mẹ hiền

Trung Lương ơi !

Đây vùng phi chiến

Nay thành khu chiến

Từ khi giặc tràn về

Bao người dân trắng tay

Mà vui ước hẹn đi theo lời thề

Toàn dân thương Trung Lương

Toàn quốc thương Gio Linh

Thương Bến Hải, thương cầu Hiền Lương

Có ai qua vùng hỏa tuyến

Nhắn cho tôi một vài lời

Oán xâm lăng gây lửa khói

Để cho bao nhiêu lệ rơi

Để cho sầu héo lòng tôi .

(Sáng tác Anh Bằng)

Trung Lương trong bài hát nầy là một quận của tỉnh Quảng Trị, địa danh này chỉ tồn tại từ tháng 8/1954 đến tháng 12/1967. Về vị trí địa lý, quận Trung Lương nằm ở phía Bắc Gio Linh, tức là sát với vĩ tuyến 17.

Trung Lương ơi !

Đây vùng

phi chiến......

Địa danh nầy khác với địa danh Ngã ba Trung Lương , là nơi 1 đường rẽ phải theo quốc lộ 1 về Cần Thơ, 1 đường đi thẳng vào thành phố Mỹ Tho; Hoặc Xã Trung Lương, Định Hoá, Thái Nguyên. Tại hai nơi kể trên không có vùng phi chiến! 

“…Tháng 5 năm 1958, các huyện được đổi thành quận và Quảng Trị lúc đó gồm 7 quận: Cam Lộ, Gio Linh, Hải Lăng, Hướng Hóa, Triệu Phong, Ba Lòng và Trung Lương, tháng 6 năm 1965 lập thêm quận mới là Mai Linh, đến tháng 12-1967 sáp nhập quận Trung Lương vào quân Cam Lộ, tháng 4-1968 lập thêm quận Đông Hà.

Vậy Trung Lương là một quận của tỉnh Quảng Trị, địa danh này chỉ tồn tại trong 9 năm, từ tháng 5/1958 đến tháng 12/1967.

Về vị trí địa lý, quận Trung Lương nằm ở phía Bắc Gio Linh, tức là sát với vĩ tuyến 17. Điều này giải thích được ý nghĩa của câu hát: Toàn dân thương Trung Lương, Toàn quốc thương Gio Linh, thương Bến Hải, thương cầu Hiền Lương…”

 

Source:

https://dongnhacvang.com/ve-ca-khuc-thuong-vung-hoa-tuyen-cua-nhom-le-minh-bang/

 


 


Nhân viên thuộc Uỷ Ban Quốc Tế tại cầu Bến Hải nơi vùng Phi Quân Sự

 


Cầu Bến Hải  nơi vùng Phi Quân Sự với cảnh sát của Bắc và Nam VN



Vùng phi chiến ( cầu Bến Hải bờ nam)

 

Vùng phi chiến còn gọi là "Khu phi quân sự" nằm trên vĩ tuyến 17 (được biết nhiều trên quốc tế với tên gọi Khu phi quân sự Việt Nam, tiếng Anh: Vietnamese Demilitarized Zone - V-DMZ) là một khu phi quân sự được lập ra theo Hiệp định Genève về Đông Dương năm 1954, với mục đích ban đầu là một giới tuyến quân sự tạm thời ngăn cắt vùng tập kết giữa một bên là các lực lượng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với quân đội Pháp và các lực lượng đồng minh. Về nguyên tắc, khu phi quân sự này rộng 1,6 km (một dặm Anh) về mỗi phía tính từ bờ sông Bến Hải, bắt đầu từ biên giới Việt Nam – Lào cho đến bờ biển Đông.

Tất cả địa danh được ghi trong bài hát đều là những địa danh chung quanh vĩ tuyến 17, ranh giới chia 2 VN năm 1954.

Đây vùng phi chiến

Nay thành khu chiến

Từ khi giặc tràn về

Bao người dân trắng tay

Mà vui ước hẹn đi theo lời thề

Toàn dân thương Trung Lương

Toàn quốc thương Gio Linh

 


VÙNG PHI CHIẾN= KHU PHI QUÂN SỰ (K.P.Q.S)

Hình bên là vị trí của vùng phi chiến hay còn gọi là "khu phi quân sự" (Demilitarized Zone - DMZ) vùng có gạch sọc nghiêng.

Ngày 18 tháng 8 năm 1954, Ủy ban liên hợp Trung ương ra quyết định số 06/QĐ quy định về việc vạch giới hạn thực tế của khu phi quân sự (Demilitarized Zone - DMZ), về số lượng an ninh mỗi bên trong DMZ cũng như việc ra vào DMZ.

Ở đoạn giới tuyến quân sự trùng với sông Hiền Lương, mỗi bên sẽ chịu trách nhiệm đặt ở các địa điểm qua lại những tấm biển ghi bằng hai thứ tiếng Việt - Pháp: "Giới tuyến quân sự tạm thời Ligne de démarcation militaire provisoire".

Trên đoạn giới tuyến lên đến biên giới Việt - Lào, cứ độ một cây số lại có một dấu hiệu như trên, đặt ở những chỗ dễ thấy.

Ranh giới phía Bắc DMZ được giới hạn bởi:

- Một đường từ Đông sang Tây nối liền cửa sông phía Bắc sông Cửa Tùng tới làng Yên Du Bắc chạy thẳng qua làng Tân Trại Thượng và Liêm Công Tây đến mỏm 46.

- Một đường ngăn đôi làng Liêm Công Tây và làng Đơn Thầm đi vượt qua quốc lộ số I ở chỗ chiếc cầu nhỏ cách 2,5km Đông Nam Đơn Duệ.

- Một đường đi theo đường ranh giới phân chia các làng Quảng Xá - Tiên Lai - Tiên Trạo ở phía Tây và các làng Phan Xá - Lê Xá ở phía Đông. Đường này vượt qua đường xe lửa rồi men theo phía Tây làng Thủy Ba Hạ, đi qua các mỏm 16 - 15 rồi gặp dòng sông Ngọn Đan, đi theo con sông đó đến tận nguồn, đi sâu vào miền núi qua các mỏm 52, 84, 145, 414, 776, 1023, 1254, 917, 1250, 700.

Ranh giới phía Nam DMZ được giới hạn bởi:

- Một đường đi từ bờ biển ở chỗ 281, 771 qua các mỏm 10, 5 và 23 đến sông Tân Yên. Từ sông Tân Yên chạy thẳng đến sông Cao Xá.

- Đường ranh giới giữa các làng Trung Sơn, Gia Bình ở phía Nam và làng Đông Thị, Kinh Môn ở phía Bắc.

- Dòng sông Kinh Môn giữa các chỗ 154 - 750 và 110 - 731.

- Một đường nối liền chỗ 110 - 731 với con sông Khe Mước ở chỗ 189 - 715 bao gồm các con sông Thanh Hương và Thanh Khê.

- Dòng sông Khe Mước đến chỗ 050 - 690.

- Một đường đi qua các mỏm 330, 360, 415, 370, 624, 705, 628, 815, 895, 808, 1028, 422.

Đường ranh giới phía Bắc và phía Nam của DMZ sẽ được đánh dấu trên địa hình bằng những cọc gỗ, đặt ở những địa điểm dễ nhận thấy, có ghi những chữ “K.P.Q.S” ở một mặt.

Những chữ đó, chữ nọ đặt dưới chữ kia, viết bằng sơn xanh hoặc đen trên nền trắng. Cọc cao 1,7m, cắm cách nhau xa hay gần tùy theo địa hình (tối thiểu là 50m, tối đa là 300m). Ở những ngã ba đường quan trọng, các cọc đó sẽ được thay thế bằng những biển ghi những chữ “Khu phi quân sự". Bắt đầu đến vùng rừng núi, phía Bắc từ Thủy Ba Hạ, phía Nam từ Thanh Khê trở lên đến biên giới Việt - Lào thì mỗi cọc cắm cách nhau chừng 1km.

Ở trên biển, DMZ là vùng giới hạn bởi hai đường ranh giới DMZ Bắc và Nam trên đất liền kéo dài và nghiêng 450 so với bờ biển.

Từ ngày 27 tháng 8 năm 1954, hai bên phải rút tất cả lực lượng, vật liệu, dụng cụ quân sự ra khỏi DMZ.

Trừ nhân viên của Ủy ban Quốc tế, các đội thị sát của Ủy ban quốc tế, Ủy ban liên hợp Trung ương, Ban liên hợp Bình Trị Thiên, các tổ liên hợp, nhân viên dân chính cứu tế và những người được phép riêng của Ban liên hợp Bình Trị Thiên, không một người nào dù quân nhân hay thường dân được vào DMZ cũng như vượt giới tuyến quân sự.

Trừ vật liệu dụng cụ quân sự cần thiết riêng cho lực lượng an ninh, không một thứ vật liệu, dụng cụ quân sự nào được mang vào DMZ.

Hai bên đều không được gây nên bất cứ một hành động xung đột nào trong DMZ, hoặc từ trong DMZ ra, hoặc từ ngoài vào DMZ và phải tránh mọi thái độ hay hoạt động có thể đưa đến xung đột

Toàn thể những người từ 17 đến 60 tuổi (trừ những người tàn phế) vẫn sinh sống hoặc được tạm thời ra vào trong DMZ phía Nam và phía Bắc giới tuyến quân sự đều phải có giấy chứng minh của chính quyền mỗi bên trong DMZ cấp cho, trong đó ghi rõ tên tuổi, nam hoặc nữ, địa chỉ và dấu tích đặc biệt, nếu có thể thì sẽ có ảnh. Những người có giấy chứng minh ấy mới được phép ra vào tự do DMZ.

Cũng theo quyết định này, việc bảo vệ Giới tuyến quân sự và DMZ sẽ do lực lượng công an và cảnh sát của hai bên đảm nhiệm. Mỗi bên có nhiều nhất là 100 người, kể cả cán bộ. Trang bị cho mỗi đội có 50% mang súng ngắn; số còn lại, 1/3 mang carbin, 2/3 mang tiểu liên, không có lựu đạn. Mỗi khẩu carbin hoặc tiểu liên có 200 viên đạn, mỗi súng ngắn 50 viên.

Để tạo thuận lợi cho kiểm soát Giới tuyến quân sự, quyết định trên còn quy định rõ 10 địa điểm nhân dân được phép qua lại, gồm có cầu Hiền Lương và 9 bến đò nối đôi bờ sông. Tại những nơi này, mỗi bên sẽ đặt các đồn hay trạm gác của mình để kiểm soát và những ai muốn ra vào DMZ phải có giấy thông hành do Ban liên hợp DMZ cấp, gồm ba loại:

a. Giấy thông hành vĩnh viễn để đi lại trong DMZ mỗi miền do cơ quan hành chính cấp cho dân trong DMZ của mình, tuổi từ 17 đến 60.

b. Giấy thông hành tạm thời để vào DMZ do Tiểu ban hỗn hợp DMZ cấp cho những người ở ngoài muốn vào DMZ trong một thời hạn nhất định.

c. Giấy thông hành đặc biệt để vượt tuyến do Tiểu ban hỗn hợp DMZ cấp.

Việc kiểm soát hoạt động ở DMZ sẽ do Tổ Quốc tế 76 thuộc Ủy ban quốc tế, gồm có đại diện 3 nước Ấn Độ, Ba Lan và Canađa phụ trách. Tổ có nhiệm vụ kiểm tra việc thi hành Hiệp định ở DMZ, có thể triệu tập Ban liên hợp DMZ họp nếu thấy cần thiết. Mỗi lần Tổ muốn đi kiểm tra ở đâu phải báo trước với Ban liên hợp DMZ và phải có đại diện Ban liên hợp đi theo để cùng giải quyết tại chỗ những việc xảy ra trong khu vực phụ trách.

Do thực tế trên nên ranh giới DMZ có độ rộng hẹp khác nhau. Chẳng hạn, cột ranh giới DMZ Bắc trên quốc lộ I chỉ cách cầu Hiền Lương 2,5km, ranh giới DMZ Nam ở Cao Xá (cũng trên quốc lộ I) cách cầu 4,5km và ranh giới phía sau làng Tân Trại cách sông hơn 6km.

Sau khi phân chia, DMZ Nam có xã Vĩnh Liêm (11 thôn, dân số 10.406 người) và một nửa xã Vĩnh Sơn (có những thôn: Tân Xuân, Võ Kinh Đồng, Tân Kinh Đồng, Tân Lập; dân số 2.861 người). DMZ Bắc có xã Vĩnh Giang hoàn toàn phi quân sự (8 thôn, dân số toàn xã: 4.557 người), một nửa xã Vĩnh Sơn (có các thôn: Cổ Hiền, Phan Xá, Lê Xá, Huỳnh Thượng, Huỳnh Hạ, Tiên Cụ, Phước Sơn, Minh Đức; dân số 3.070 người), một số thôn của xã Vĩnh Tùng (Vĩnh An, Xóm Trăn, Xóm Chùa, Xóm Dâu, Tân Lý, An Bằng, An Ngãi, Họ Tây; dân số 3.607 người)

Những khu phi quân sự nổi tiếng trong lịch sử thế giới:

1. Vùng Rhineland của Đức là khu phi quân sự sau Thế chiến thứ nhất theo Hiệp ước Versailles năm 1919. Rhineland bị nước Đức phát xít chiếm lại và bỏ tình trạng phi quân sự năm 1936.

2. Khu phi quân sự giữa Trung Hoa Dân Quốc và Mãn Châu: Quân đội Nhật Bản bắt đầu chiếm Mãn Châu từ tháng 9 năm 1931 đến tháng 2 năm 1932 và thành lập chính phủ bù nhìn cho vùng đất này. Tháng 5 năm 1933, Hiệp ước Tanggu giữa Trung Hoa và Nhật Bản xác định ranh giới giữa Mãn Châu với phần còn lại của lãnh thổ Trung Quốc là khu phi quân sự.

3. Các khu phi quân sự giữa Israel với Syria (ba vùng), giữa Israel với Ai Cập và giữa Israel với Jordan sau cuộc chiến tranh Ả rập – Israel, 1948.

4. Khu phi quân sự Vĩ tuyến 38 trên bán đảo Triều Tiên , nay vẫn còn tồn tại và luôn trong trạng thái chiến tranh .

5. Khu phi quân sự vĩ tuyến 17 trong Chiến tranh Việt Nam, lập ra theo Hiệp định Genève về Đông Dương năm 1954. Khu phi quân sự này rộng 1,6 km (một dặm Anh) về mỗi phía tính từ bờ sông Bến Hải, bắt đầu từ biên giới Việt Nam – Lào cho đến bờ biển Đông.

Vùng phi chiến này bị cộng sản Bắc Việt chiếm đóng từ sau mùa hè đỏ lửa 1972. Lằn ranh mới giửa Bắc Việt và Nam VN được dời đến bờ bắc của sông Thạch Hản thuộc tỉnh Quảng trị. Tại đây có Uỷ Hội Quốc Tế đóng 2 bên bờ sông Thạch hản và cuộc trao trả tù binh vào năm 1973 được thực hiện tại hai bên bờ sông Thạch Hản. Người viết cũng từng có mặt trong ngày trao trả tù binh này.

Hình ảnh được người viết sưu tầm trên internet.

Trịnh Khánh Tuấn tổng hợp 23.8.2014

(Được bổ túc thêm ngày 11/7/2016)

SOURCE:

TUỔI TRẺ NGUYỄN THÁI HỌC (vothilinh.blogspot.com)

 

 

No comments:

Post a Comment