Monday, February 28, 2022

Các Quân Y Sĩ, Hiện Dịch và Trừ Bị, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã Sống, Nghĩ và Viết Như Thế Nào? (Trần Xuân Dũng )

 


Cách đây khoảng 5,7 năm, lúc còn sống, bác sĩ Phạm Hữu Trác đưa tặng một vị tướng Quân Y Gia Nã Đại, sống tại vùng Montréal, một bản của cuốn sách Quân Y Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, song ngữ Pháp-Việt xuất bản năm 2000 phát hành tại Paris. Sau mấy tuần, vị Tướng này tìm gặp lại bác sĩ Trác và bảo: - Tôi không ngờ các quân y sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã trải qua những khoảng thời gian như vậy. Thật đáng phục. Tôi rất kính trọng họ.

Đây không phải là lần đầu tiên một bác sĩ cao cấp trong ngành quân y ngoại quốc có cảm tình và kính trọng các Bác sĩ Việt Nam.

 

Trong nửa đầu của thập niên 50’các khoá sinh Quân Y Việt Nam Phạm Vận,Trần Nguơn Phiêu, Dương Hồng Mô học trường Quân Y Bordeaux, Pháp. Đến khoảng cuối năm 1956 thì họ trình luận án tốt nghiệp ở trường Y khoa Đại Học Bordeaux. Vào thời gian đó Thủ tướng Ngô Đình Diệm mở cuộc trưng cầu dân ý để truất phế Quốc Trưởng Bảo Đại. Trong cuốn “Những ngày qua” Bác sĩ Trần Nguơn Phiêu đã viết: “Phó giám đốc Trường Quân Y Bordeaux lúc đó đã bán chính thức tiếp xúc riêng từng khoá sinh Việt Nam và cho biết là sau khi tốt nghiệp, các sinh viên có thể ở lại Pháp, không nhất thiết phải trở về Việt Nam, vì chính thể đã đổi. Ông cho hay chính phủ Bỉ đã biết tin và nhờ ông tiếp xúc với vài sinh viên để xin nếu đồng ý có thể ký giao kèo làm việc ở các thuộc địa Congo Belge của họ ở Phi Châu. Các anh em đã bàn với nhau và đã trả lời cho trường là các anh em đã đi học với học bổng tuy là của Pháp nhưng là tiền của dân chúng Việt Nam, nên anh em đã lựa chọn là phải về phục vụ lại dân chúng Việt Nam.

Người viết bài không quên được giây phút cảm động khi Y sĩ Đại tá Phó Giám đốc trường là Đại Tá Simon, trong văn phòng riêng của ông, sau khi nghe tôi giãi bầy,đã từ từ đứng lên, nghiêm nghị tuyên bố: _“Anh hiện nay tốt nghiệp mang cấp hiệu Trung úy, tôi mang cấp bậc Đại tá, nhưng tôi xin đứng lên cung kính chào lòng thương nước của các anh.” …Y sĩ trở về đầu tiên là Bác sĩ Phạm Vận. Bác sĩ Dương Hồng Mô và tôi về sau một tuần…” Vừa tốt nghiệp xong, được cho ở lại Pháp, nhưng các bác sĩ Phạm Vận, Trần Nguơn Phiêu, Dương Hồng Mô, đã có quyết định trở về, do lòng yêu nước. Cao quý thay!

Tại sao những Quân y sĩ Việt Nam Cộng Hòa , hiện dịch hay trừ bị, lại đáng trọng? Trong giới hạn của bài này, người viết chỉ có thể kể ra được một số những đức tính tiêu biểu của giới này. Và những người được đề cập tới là những đại diện cho một tập thể quên mình cứu người, trong bộ quân phục của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. 

(Chú thích: Cấp bậc của những nhân vật trong bài này là cấp bậc lúc câu chuyện xẩy ra. Hàng số đi theo chỉ thời điểm của chuyện.)

 

I. Sự Tận Tâm Đối Với Bệnh Nhân.

 

1- Y Sĩ Trung Úy Bạch đình Minh, 1959. Một sĩ quan, tên là Vũ Văn Tâm, đã viết về Y sĩ Trung Úy Bạch Đình Minh vào năm 1959, là thời mà các phương tiện liên lạc, truyền tin ,và giao thông còn rất giới hạn: “Một kỷ niệm và cũng là một ấn tượng về bác sĩ Minh mà tôi không bao giờ quên là một buổi chiều mưa, mà như anh đã rõ, đường xá Pleiku khi mưa thường lầy lội. Tôi đứng cửa nhìn trời, thấy bác sĩ Minh mặc áo mưa đi bộ ngoài đường. Tôi hỏi: “Anh đi đâu giữa lúc trời mưa này?” Bác sĩ Minh đáp: “ Tôi sang trại gia binh”. Tôi nói : “ Trời gần tối rồi, trại gia binh mãi bên kia đồi, sao không để mai hãy đi?” Ông đáp: “Buổi chiều nay, tôi có khám và cho thuốc một anh lính thượng. Tôi đã dặn dò cách uống, nhưng sợ anh ấy không hiểu rõ, nên phải đến tận nơi xem lại.”

 

2- 2- Y sĩ Đại Tá Phạm Hà Thanh, 1968. Trong thời gian cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, tuy đang giữ chức Chỉ Huy Trưởng Tổng Y Viện Cộng Hoà nhưng Ông vẫn cùng với những Y sĩ đàn em, suốt ngày đêm giải phẫu mổ xẻ cứu chữa thương binh.

 

3- 3- Y Sĩ Trung Tá Nguyễn Hoàng Hải,1973. Y sĩ trưởng Bệnh viện 1 Dã chiến Quảng Ngãi kể lại câu chuyện Ông và chỉ với hơn một chục Y Tá đã cứu đám thương binh nặng, (đã được giải phẫu rồi), thoát khỏi chết vì lụt như thế nào: Trận Lụt Miền Trung Quảng Ngãi nằm trên một giải đất hẹp, ép giữa dãy Trường Sơn và biển cả.

Mùa mưa nước tràn từ núi đổ xuống quá nhanh, bị ứ ở cửa sông, nước thoát ra biển không kịp, nhiều khi gây nên lũ lụt trong thời gian ngắn, khó đoán trước được. Miền Trung còn nằm trên đường gió mùa thổi, có khi tụ lại chuyển thành bão.Thiên tai do mưa lụt từ núi đổ xuống, gió bão từ biển thổi thốc vào, liên miên không dứt, năm nào bình yên mới là chuyện lạ. Bệnh Viện 1 Dã Chiến gồm hơn ba chục căn trại thấp đa số mái lợp tôn, một vài căn có mái bằng xi măng, nằm đối diện với Bệnh Viện Dân Y cách nhau một con đường cái. Bệnh viện Dân y xây bằng gạch và có hai tầng lầu. Có một năm bị lụt lớn. Mưa liên tiếp hai ngày, mực nước bắt đầu dâng lên đe dọa có thể ngập tới mái bệnh viện. Lụt xảy ra vào lúc chiều tối.

Các thương bệnh binh còn di chuyển được tự động chạy sang bên Dân Y tá túc. Đa số các binh sĩ cơ hữu đã chạy về nhà lo cho vợ con, chỉ còn gần hơn một chục y tá cùng với tôi lo lắng cho số thuơng binh mới bị mổ hay bị thương nặng đang nằm chờ người tới cứu. Trước tiên phải lấy hai tấm nệm giường, chồng lên nhau dùng làm phao và khiêng họ nằm trên đó tạm chờ, để có đủ thời gian cấp cứu số đông còn kẹt lại. Trông cái cảnh một đoàn nệm phao với các thương binh, nổi lềnh bềnh lênh đênh trên mặt nước trong lúc hoàng hôn, phó thác số mệnh cho sự rủi may thật là não nùng và trớ trêu. Trong đêm tối bọn tôi vừa lội, vừa lôi, vừa đẩy, vừa kéo hì hục cũng di chuyển kịp đám thương binh này sang bệnh viện Dân Y ở bên kia đường. Lúc đó vừa may nước bắt đầu từ từ ngập tới mái nhà và đã sang đêm, có ánh sáng mơ hồ của trăng non trông lung linh ma quái lạ lùng. Tới sáng thì mực nước ngừng lại, bắt đầu rút.

 

4- 4- Y Sĩ Trung Úy Bạch Thế Thức, 1975. Trong những ngày cuối tháng 3-1975, Đà Nẵng ở trong một tình trạng kinh hoàng. Đã có thể hơn cả 100.000 người chạy từ Quảng Trị và Huế vào. Người ở Đà Nẵng cũng đang cuống cuồng chạy đi. Bằng bất cứ phương tiện nào. Dân dùng những phương tiện dân sự như tầu buôn, thuyền. Lính dùng phương tiện của quân đội như máy bay , tầu chiến, xuồng máy, vân vân… Rồi tới mức, lính và dân không còn phân biệt nữa. Dân cố leo lên tầu lính. Và ngược lại, lính xuống cả thuyền đánh cá, ghe nhỏ của dân.

Các đơn vị tan rã vì không còn bom đạn để xử dụng. Trong lúc mọi người chỉ còn lo chạy, không ai có thì giờ lo cho người khác thì Bác sĩ Bạch Thế Thức, lại chỉ đứng trong phòng mổ Tổng Y viện Duy Tân, chuyên tâm giải phẫu chữa trị cho những người bị thương, bất kể là lính hay là dân. Một người bạn cùng lớp, là bác sĩ Ngọc, thấy tình trạng cấp bách, rủ bác sĩ Thức bỏ hết đi, để cùng chạy . Bác sĩ Thức từ chối, khiến bác sĩ Ngọc phải phát khóc, vì nghĩ khi vào tới Sài Gòn sẽ không biết nói sao với vợ của bác sĩ Thức là bác sĩ Thúy San đang có đứa con đầu lòng được bốn tháng.

 

5- 5- Y Sĩ Thiếu Tá Nhảy Dù Trần Đức Tuờng, 1975. Là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Quân Y Nhẩy Dù, Bác sĩ Tường đã nói với các thương binh trong Bệnh viện Đỗ Vinh rằng “tôi sẽ không bỏ anh em mà chạy.” Quả thật thế. Trong vài ngày chót trước khi thảm họa mất nước xẩy ra, Bệnh viện Đỗ Vinh tràn ngập thương binh. Bác sĩ Tường đích thân chỉ huy việc di chuyển số lượng vượt mức này tới những cơ sở điều trị khác như Tổng Y Viện Cộng Hòa và Quân Y Viện Trần Ngọc Minh. Và vào ngày 30-4-1975 trong lúc ông đang chuyển giao các thương binh Nhẩy Dù, Biệt Kích Dù, và cả vài thương binh Việt Cộng nữa, cho Quân Y Viện Trần ngọc Minh, thì quân Bắc Việt ập vào đây.

 

6- 6- Y Sĩ Trung Úy Thân Trọng An, 1974. Sự tận tâm của các quân y sĩ đối với thương bệnh binh không chỉ nhắm vào một người,vào một trại bệnh hay một quân y viện, mà lại đối với tất cả những ai đang trong tình trạng bị hành hạ bởi bệnh tật hay bị thương tích nguy hiểm đến tính mạng, dù người đó là một thương binh Việt Cộng. Xin nghe Bác sĩ Thân Trọng An kể: “… Khi Phước Long thất thủ, tụi tôi cũng bị tấn công khá nặng và phải chăm sóc thêm nhiều thương binh từ Sông Bé chạy về, thêm nhiều trường hợp tâm thần phải khuyên giải và chữa trị.

Ðích thân tôi đã ba lần cứu sống cán binh và cán bộ VC bị quân trinh sát Tiểu Khu phục kích bắt về, một lần tôi đã cả gan từ chối phòng 2 Quân Ðoàn không cho thẩm vấn ngay tù binh lúc sức khỏe anh ta chưa ổn định.” Một cách tổng quát, muốn hiểu Quân Y Quân Lực Việt nam Cộng Hòa đối xử ra sao với những bộ đội Việt Cộng đã bị thương, xin mời độc giả đọc đoạn dưới đây của Y sĩ Trung tá Phạm Viết Tú, chỉ huy trưởng Tổng Y viện Duy tân, Đà Nẵng, trong khoảng thời gian từ năm 1960 đến 1972. … “Một vấn đề khác làm nhức nhối tim óc là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa nói chung, và ngành Quân Y nói riêng, theo truyền thống nhân đạo, đã cứu chữa thương binh cộng sản tại mặt trận và sau đó di chuyển họ về các Quân Y viện để điều trị tiếp Tổng Y viện Duy Tân dù chật hẹp, không đủ chỗ cho thương bệnh binh của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, nhưng cũng phải dành một trại riêng biệt để điều trị tù thương binh cộng sản.

Họ đa số là những người trẻ, bị tuyên truyền nhồi sọ, trở thành những tên ác ôn khát máu một cách đáng thương hại. Có gì mỉa mai, vô lý, bất công cho bằng khi các chiến hữu thương binh phải nằm hai người một giường, hoặc nằm ngoài hành lang, thì kẻ tử thù, Việt Cộng, lại được mỗi người một giường và cũng được điều trị đúng mức và có lương tâm." Sẽ có người hỏi:_ “Thế còn đối với tù binh cộng sản thì ra sao.” Xin độc giả đọc phần tường trình dưới đây của Y sĩ Trung tá Phạm hữu Trác: “Ngành Quân y cũng phụ trách cấp cứu và điều trị tù binh cộng sản.. Riêng tại Tổng Y viện Cộng Hòa, trại bệnh của tù binh cộng sản chiếm tới 100 giường. Tại bốn trại giam tù binh cộng sản ở bốn quân khu có một ban quân y gồm một bác sĩ và nhiều y tá để săn sóc tù binh cộng sản. Đặc biệt tại Phú Quốc, Quân y đặt một bệnh viện 100 giường gồm có 5 bác sĩ, một nha sĩ, một dược sĩ và trợ y, y tá để yểm trợ y vụ cho hơn 30,000 tù binh cộng sản bị giữ tại đó. (Trích Quân Y Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa 2000)

XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP

 

Sunday, February 27, 2022

Nhà văn HUY PHƯƠNG (1937-2022)

 .

 


CÁO PHÓ


Chúng tôi xin trân trọng báo tin cùng

Quý độc giả, thân bằng quyến thuộc và bằng hữu xa gần

Chồng, cha, anh, và ông ngoại của chúng tôi là:

 

Nhà văn HUY PHƯƠNG

LÊ NGHIÊM KÍNH

Pháp danh Thiện Bảo

 

Nguyên Giáo sư Trung học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị

Nguyên sinh viên sĩ quan Khóa 16 Trừ bị Thủ Đức

Nguyên sĩ quan thông tin và báo chí

Phòng Thông tin – Báo chí và đài phát thanh quân đội QLVNCH

Sinh ngày 25 tháng 6 năm 1937 tại Huế

Đã giã từ thế gian, xuống tàu ở ga cuối

Lúc 4:00 P.M. Ngày 25 tháng 2 năm 2022

(nhằm ngày 25 tháng Giêng năm Nhân Dần) tại tư gia Hoa Kỳ

Hưởng thọ 86 tuổi

Linh cũu hiện quàn tại Peek Family Funeral Hall 7801 Bolsa Ave, Westminster, CA 92683

Thời gian cử hành tang lễ:

Thứ ba ngày 8 tháng 3 năm 2022:

9:00 AM-10:00 A.M. Nhập quan, phát tang, cầu siêu

10:00 AM-8:00 PM Thăm viếng

5:00 P.M.-7:00 P.M.  Lễ tưởng niệm

Thứ Tư ngày 9 tháng 3 năm 2022:

9:00 A.M. Lễ di quan; 10:00 A.M. Hỏa táng

TANG GIA ĐỒNG KHẤP BÁO

Quả phụ: Phan Thị Điệp

Trưởng nam: Lê Nguyên Phương

Thứ nữ: Lê Quý Phương và chồng Lục Văn Khang

Thứ nữ: Lê Đông Phương và chồng Huỳnh Kim Luân

Ngoại tôn: Lục Khôi Nguyên, Huỳnh Diệu Phương, Huỳnh Chân Phương

Em: Lê Tin Kính và chồng Phạm Đình Ty cùng các con cháu (Việt Nam)

Em: Lê Tôn Kính và chồng Dương Đức Quảng cùng các con cháu (Hoa Kỳ)

Em: Lê Khiêm Kính và vợ Phạm Lê Thanh Thảo cùng con (Hoa Kỳ)

Em vợ: Phan Văn Phi và vợ Trần Thị Đào cùng các con cháu (Việt Nam)

Em vợ: Phan Văn Năng và vợ Hoàng Thị Hoài cùng các con cháu (Hoa Kỳ)

Em vợ: Phan Thị Thể Tần và chồng Trần Ngọc Dụng cùng các con cháu (Hoa Kỳ)

 

CÁO PHÓ NÀY THAY THẾ THIỆP TANG

XIN MIỄN TRÀNG HOA VÀ PHÚNG ĐIẾU

Điện thoại liên lạc gia đình: 949-400-8825

 oOo

 

CHÚC THƯ CỦA MỘT NGƯỜI LÍNH CHẾT GIÀ


Tôi người lính già ở xa tổ quốc
Xa chiến trường lưu lạc tới đây
Nơi quê người sương pha tuyết đổ
Mang nỗi đau con ngựa lạc bầy.
Ngày tôi bỏ đi, bạn bè đồng đội
Vẫn hiên ngang cho đến phút sau cùng
Đã tự hiến thân mình cho tổ quốc
Thắng hay thua thì cũng vẫn can trường.
Không phải chỉ chịu ơn người đã chết
Tôi như còn mang món nợ nước non.
Chết không nghĩa là đã tắt hơi thở
Sống đôi khi cũng có nghĩa chết mòn.
Khi tôi chết ván hòm xin đậy nắp
Có vui chi nhìn người lính chết già
Hổ thẹn đã không tròn ơn nước
Tiễn tôi chi, thêm phí một vòng hoa.
Hãy quên tôi, người lính gìa lưu lạc
Đừng phủ lá cờ tổ quốc cho tôi
Anh em tôi trong những giờ tuyệt lộ
Nằm lại bờ lúc chiến hạm ra khơi.
Chiến hữu tôi chết đầu sông cuối biển
Ngày tan hàng đành nằm lại quê hương
Không ai trổi cho khúc kèn truy điệu
Không có ai phủ giúp ngọn cờ vàng.
Hãy phủ cờ lên nấm mồ tử sĩ
Xác bị xới đào trong nghĩa trang xưa
Hãy rải hoa trên con đường thấm máu
Phút lui binh phải gãy súng buông cờ.
Anh là ai, mang ngọn cờ tổ quốc
Nhân danh ai, đứng phủ lá quốc kỳ.
Chúng ta là những con người bỏ ngũ

Quên anh em nằm lại, để ra đi.
Ta lành lặn để bao người thương tật
Ta sum vầy đành để bạn chia phôi
Ta đến bến để bao người chết biển
Dù ấm êm cũng thương nhớ một đời.
Danh dự này dành cho người đã chết
Đã hy sinh để giữ vững ngọn cờ
Không phải tôi, người lính hèn bỏ ngũ
Để sống còn trong lúc bạn sa cơ..


HUY PHƯƠNG

(trích Chúc Thư Của Một Người Lính Chết Già-
Thơ- Namviệt xuất bản 2013- xbnamviet@gmail.com)

 


GỬI NGƯỜI ĐÃ CHẾT
(Tưởng niệm những nấm mồ trên bờ biển An Dương)


Anh nằm lại trên đất quê hương
Biển vẫn đêm đêm hát điệu buồn
Gió lộng hàng dương ru anh ngủ
Vỗ về cát lạnh nấm mồ chôn.
Tháng ba, ngày tan hàng gãy súng
Trước mặt anh, biển cả muôn trùng
Sau lưng anh quân thù, đạn pháo
Ngang nhiên nhận cái chết sau cùng.
Anh nằm lại đây cùng chiến hữu
Đã cùng anh chiến trận bao ngày
Thương cái chết giữa giờ oan khuất
Không pháp trường mà phải phân thây.

Biển liệm cho anh cùng bè bạn
Phút cuối cùng nằm lại bên nhau
Sống chiến đấu, chết cùng huyệt mộ
Xương lẫn xương, đầu lại bên đầu.
Tưởng ngày hòa bình ngưng tiếng súng
Sau bao năm anh sẽ về nhà
Mẹ vẫn chờ con, đêm khó ngủ
Tuổi già mòn mỏi tháng ngày qua.
Trước cửa nhà, ai đang dừng lại
Phải chăng, người lính trận trở về
Nghe tiếng chân người trên lối sỏi
Không, chỉ là tiếng gió đêm khuya
Ai thắp nén nhang cho tử sĩ
Ai thay anh vuốt mắt mẹ già.
Ai vấn lên đầu vòng tang trắng
Hay rồi ngày tháng cũng phôi pha.
Tôi người lính già còn sống sót
Một vần thơ thay nén nhang khuya
Khóc đất nước, thương anh hùng tận
Xót xa cho những nỗi chia lìa..


HUY PHƯƠNG
(trích Chúc Thư Của Một Người Lính Chết Già)
 

Nguồn:

https://vuongthuc.wordpress.com/2013/03/28/nha-tho-huy-phuong-1/
www.vietnamvanhien.net