Từ Trường Janne D’ Arc tới Nhà Thờ
Trong cuộc chiến tranh xử dụng mìn bẫy, TQLC nếu có ai bị thương nhẹ cũng hy vọng được nghỉ đôi ba ngày tại trạm nghỉ trước khi trở lại chiến trường. Tuy nhiên, trong cuộc chiến trên đường phố Huế, bác sĩ và y tá tại trạm xá MAC.V đã phải khó khăn khi khuyên thương binh khoan trở lại chiến trường. Mấy anh lính trẻ khi bị thương về trại nghỉ một lúc rồi quay trở lại trạm xá, nói với y tá bây giờ họ đã khỏe, để được ra đơn vị trở lại. Trung úy Ray Smith, đại đội trưởng Alpha 1/ 1 thế cho Batcheller, sau khi cuộc chiến chấm dứt vài tuần lễ, viết thư cho đại úy cũ của anh ta như sau: “Nếu ai ở với TQLC tại Huế trong những ngày đó, không thể không thương họ. Vài người lính của tôi bị thương nơi chân và tay, đi cà nhắc vòng quanh để tìm tôi xin được ở lại, không phải tải thương. Họ chiến đấu thật dũng cảm, rất hòa thuận với nhau, và không khi nào tôi nghe một lời than phiền. Đó là tinh thần TQLC trong trận đánh Huế.”
Một trong những yếu tố quan trọng nhất là thái độ năng nổ dậy lên từ ngày họ rời chiếc xe bus ở trường huấn luyện. Họ thấy họ là chiến sĩ, là kẻ thắng, và là “Những Phần Tử Tinh Túy”. Họ có lòng tin tưởng cấp chỉ huy, – từ những người chỉ huy cấp tiểu đoàn cho tới anh trung sĩ hay trung úy, thiếu úy trẻ chỉ huy trung đội. Tất cả những ai ngay bên họ trên đường phố, cùng nhau chiến đấu, cùng bị thương vong. Các người lính trẻ TQLC cũng tự hào đặc biệt vì họ là bộ binh, và cảm nhận trái ngược với lòng tự hào là không ai tệ hơn người lính chiến. Thêm vào đó họ có niềm tự hào căn bản về binh chủng TQLC Hoa Kỳ và đất nước họ.
Nhưng niềm tự hào đó chỉ được giải thích một phần. Lý do cao thượng vì tự do cho Miền Nam VN không là động cơ thúc đẩy người lính TQLC xông pha lửa đạn để cứu một đồng đội bị thương. Một nhà chính trị ở quê nhà ca ngợi các thanh niên của chúng ta ở ngoại quốc không thể là lý do để cho một người lính từ chối di tản sau khi bị thương một hai lần. Ba, má và apple-pie chỉ là một việc không đáng kể với một người lính TQLC muốn giữ cân bằng giữa một trong những hành động kinh khiếp nhất trong chiến tranh Việt Nam. Điều gì trong những yếu tố đó đã xẩy ra ở Huế đơn giản chỉ là tình chiến hữu.
Có một ít kinh nghiệm nhân bản so sánh được trong tình thương đồng đội và anh em của người lính TQLC khi họ chiến đấu. Nó không phải là vấn đề gốc gác như thế nào, màu da ra sao, học hành tới đâu, hoặc cha mẹ giàu có như thế nào. Tất cả vấn đề là người sống chung trong tiểu đội, trung đội. Toàn bộ vấn đề là giúp đỡ nhau, chia xẻ với nhau, giúp nhau bảo toàn tính mệnh khi súng bắt đầu nổ. Đêm đêm, họ ngủ chung với nhau trong một hầm chiến đấu, cùng nhau chịu đựng cái nắng như thiêu như đốt hay cái giá lạnh của những cơn mưa phùn gió bấc, ì ạch lội qua những đám ruộng sình và cùng chiến đấu chống kẻ thù chung. Trong chiến đấu, mỗi người lính TQLC đánh giặc hết sức mình vì họ không thể để cho bạn mình ngã xuống. Hy sinh, không có gì thắc mắc. Đó là chân lý của họ trong cuộc Thế Giới Chiến Tranh thứ Hai, trong Chiến Tranh Cao Ly và một lần nữa, trong Chiến Tranh Việt Nam.
Nhưng ở Huế, có một khúc quanh đặc biệt: Hận thù. Trước khi đánh nhau, có thể người lính TQLC chưa bao giờ thấy một anh lính CSBV hay Việt Cộng trong trận đánh. Điều họ biết là việc giết chóc tàn ác và việc làm thương tật ghê gớm bằng mìn bẫy. Họ đã nếm mùi kinh hãi mà chẳng làm gì chống lại được. Họ thấy thất vọng trong việc đi tuần trên một con đường mà chẳng phát hiện được gì hết, bị bắn sẻ từ trong làng bắn ra mà không được bắn trả vì sợ thương vong cho người dân. Tuy nhiên, ở Huế, họ cảm nhận được những gì họ đang làm: Mặt đối mặt với kẻ thù – Họ có thể giết kẻ thù. Đại úy Pyle từng nói: “TQLC ở Huế thành công. Đó là thời điểm trả lại cái thua ở An Hòa.”
Tinh thần cao là động cơ tốt đẹp cho việc thành công của người lính TQLC. Tiểu đoàn trưởng Gravel nói: “Sự đóng góp lớn nhứt của những người lính ấy, không phân biệt cấp bậc, đã hoàn thành ở một mức độ ít thấy. Chẳng hạn như những trung úy đại đội trưởng, các trung sĩ trung đội trưởng, hạ sĩ và tiểu đội trưởng đã hoàn thành tốt đẹp trách nhiệm của họ. Binh sĩ của tôi làm được nhiều điều, nhiều phương cách mà quí vị không thể hy vọng nơi những người lớn tuổi hơn và chín chắn hơn, thực hiện chính xác những công việc hết sức nguy hiểm… Tôi không lo lắng gì hay chỉ lo chút ít vì tôi biết, tôi cảm nhận những gì họ làm, họ thực hiện là hết sức tốt đẹp mà không cần chỉ dẫn gì nhiều.”
Dale Dye, phái viên báo chí Sư đoàn 1 TQLC đã tìm hiểu cẩn thận và kết luận như sau: “Hầu hết chúng ta đều có băng cứu thương để băng bó những vết thương nhỏ. Chúng ta đều bẩn thỉu dơ dáy mà tôi nghĩ chắc giống như những tay kẻ cướp người Mê-Xi-Cô, nhưng với TQLC thì đó là cái dơ dáy trong sự huy hoàng. Tinh thần của họ là tinh thần đặc biệt của người lính TQLC trong bất cứ một cuộc chiến đấu gian khổ nào. Họ chưởi thề, họ khóc và họ nguyền rủa mọi thứ từ cấp chỉ huy cho tới người lính CSBV hay nguyền rũa ngay cả khí hậu khắc nghiệt. Nhưng tôi nghĩ tinh thần là một ngôn từ không đúng, không nói được hết. Đó là một thứ cay đắng giai dẵng, là điều quyết định để thấy việc đánh nhau chẳng là gì cả. Chúng ta quá chán nãn, bị căng ra quá lâu do những thúc ép triền miên và tất cả chúng ta đều yếu đuối cam chịu. Tôi không nghĩ bất kỳ ai trong chúng ta nghĩ rằng mình sẽ còn sống sau cuộc chiến đấu, tôi không nghĩ ai trong chúng ta sẽ trở thành đê tiện bằng cách nầy hoặc bằng cách khác.”
Bên cạnh tình chiến hữu, các TQLC Mỹ ở trận đánh Huế có một điểm chung – ghét quân CSBV và Việt Cọng. Vấn đề nầy không phải nhìn theo nhãn quan chính trị, mà phần lớn là vì cá nhân. Đó là vì bạn bè họ chết một cách thảm khốc. Vì vậy, họ cho rằng quân địch là những kẻ dơ dáy, ti tiện và bướng bỉnh. Vì vậy, họ có bị giết cũng không có chi ân hận và về sau có thể trở thành một câu nói đùa. Đó là điều không thể không quan tâm hay từ chối, làm ngơ. Nhưng người ta có một cảm nhận khác đối với kẻ thù – một sự quan tâm bất đắc dĩ – Đó là những người Việt Nam ốm yếu, nhỏ bé chiến đấu rất mãnh liệt và ít khi chịu thua cuộc. Trung sĩ Dye cũng kết luận như vậy: “Quân CSBV ở Huế là một thứ con hoang tận tụy và chiến đầu cừ. Chúng nó thì cố thủ trong khi chúng ta thì di động suốt ngày và chuyển qua tấn công vào ban đêm. Chúng ta thường phải tìm cách lấy lại khu vực mà chúng ta đã giành được ngày hôm trước vì ban đêm quân CSBV đã chiếm lại, chúng ta không đủ quân để bảo vệ những gì giành được. Tôi nghĩ rằng người lính CSBV vừa quá khích mà cũng vừa hèn nhát.
Về điều tôi nghĩ, đáng nguyền rủa là có quá nhiều những tên quá khích. Tuy nhiên, sự thực rõ ràng là chúng ta giỏi hơn họ.”
Y Sĩ Hải Quân Robert C. Hamilton nhận nhiệm vụ tại Đại đội Bravo, Tiểu đoàn Quân y số 1, Sư đoàn 1/ TQLC, có đến thăm thành phố Huế trước khi trận đánh Huế bắt đầu. Ngày Chủ Nhật trước Tết, ông ta cùng tài xế của ông và một sĩ quan trẻ đặc trách công tác Dân Sự Vụ thực hiện một chuyến du ngoạn Huế. Họ uống cà-phê ở một tiệm cà-phê ngoài trời; chụp hình trong Đại Nội cho đến khi lính canh đến đuổi họ đi và cạn cốc với đại úy Stephen Bernie trong câu lạc bộ MAC.V. Ông nầy là y sĩ tại trạm xá tại đây.
Mọi việc đều hết sức bình thường. Y sĩ Hamilton nghĩ qua đêm Tết đầu tiên ở Phú Bài với mấy người lính TQLC của ông và y tá Hải Quân trong khi hỏa tiển nổ.
Sau đó, tướng LaHue gọi ông ta, yêu cầu ông tường trình sự việc tại trạm chỉ huy của ông. Lúc đó là khoảng nửa đêm, điện bị mất. Tuy nhiên Hamilton tìm được một người tài xế TQLC gốc da đỏ, dám lái xe trong bóng đêm đen như mực đưa ông ta vào Bộ Chỉ Huy. Cũng từ đó, Hamilton là sĩ quan quân y của LLDN X-Ray. LaHue giải thích cho ông ta hay có chuyện lôi thôi ở Huế nhưng ở đó chẳng có đơn vị nào có y sĩ cả. Bằng một sự trùng hợp kỳ cục, các y sĩ tham dự một hội nghị về y học ở Đà-Nẵng khi Tết bắt đầu nên họ không trở về đơn vị kịp. Tướng LaHue hỏi Hamilton có thể làm gì được bây giờ.
Hamilton trả lời có thể gọi một toán gồm 20 nhân viên trợ y của Tiểu đoàn 1 Quân Y ở Đà-Nẵng. Tuy nhiên, ông ta nói nếu tình hình không quá nghiêm trọng thì ông cùng với ít y tá đến trạm y tế MAC.V ở Huế để giúp Bernie chờ khi bác sĩ giải phẩu của tiểu đoàn tới. Tướng LaHue đồng ý.
Hamilton gặp sĩ quan Quân Vận để sắp đặt chuyến đi Huế rồi quay lại đơn vị để lấy y tá đi theo ông ta. Nhiều người không bằng lòng. Ông bèn ra lệnh cho y tá trưởng ở lại coi sóc mọi việc khi ông vắng mặt. Rồi ông ta tìm một y tá trẻ, giải thích với anh nầy tình hình mọi sự. Anh nầy hỏi Hamilton có đi Huế không, nếu đi thì anh ta xin đi theo. Hamilton nói rất vui nếu y tá nầy cùng đi với ông. Xong, ông ta chọn anh y tá nầy cùng hai người nữa, một ông già của đại đội, người được họi là Pappy Reinhart.
Sáng ngày 4 tháng Hai, họ lên đường. Hôm đó, có hai chuyến xe đi Huế. Họ theo chuyến đầu, khoảng 30 xe GMC chở đồ tiếp liệu và đạn dược. Nhân viên ẩm thực và thư ký cầm M-16 đi theo giữ an ninh. Đó không phải là chuyện không bình thường. Châm ngôn của TQLC là mỗi người một tay súng, dù đảm trách công việc gì chăng nữa. Hamilton ngồi trên thùng xe GMC chở đầy lựu đạn M-26.
Vừa qua khỏi sông Phú Cam (An Cựu), qua chợ An Cựu thì từ những toà nhà hai bên đường, quân CSBV nổ súng.
Hamilton ngồi trên một thùng chở lựu đạn trong khi lính bếp và văn phòng kê súng lên lưng ghế bắn trả; tài xế cho xe chạy nhanh hơn. Họ tới MAC.V, xe chạy vào trong, Hamilton cùng các y tá nhảy xuống xe. Y sĩ Bernie cười đón họ và đứng vòng quanh nói chuyện với nhau. Hamilton cảm thấy an tâm khi được ở trong những bức tường thành nầy.
Bất thần địch quân pháo kích bằng hỏa tiển.
Đạn pháo bay qua bức tường nổ trên mái một toà nhà, mảnh đạn và đá cát bay xuống họ. Chẳng ai phản ứng gì kịp đành đứng chịu trận. Khi Hamilton đưa mắt nhìn quanh, ông ta thấy chỉ có một y tá không bị thương. Bernie thì bị một mảnh đạn nhỏ nơi tay, một người trong nhóm họ là một nhân viên dân sự của chính phủ bị chảy máu đầu vì mảnh ngói vỡ, máu ra nhiều, người ta vội vàng đưa ông vào phòng cứu cấp.
Hamilton, 34 tuổi, bác sĩ thực hành ở Chicago, bị động viên sáu tháng trước, nhận được vài sự chào đón nồng nhiệt khi tới đây. Hôm nay chỉ mới là ngày đầu tiên: Hamilton, Berinie, và tất cả y tá còn lại của TQLC, các y sĩ băng bó chăm sóc cho tất cả các TQLC bị thương đang nằm ở đây rồi khi có thời gian nghỉ ngơi, Hamilton tới câu lạc bộ của đại tá Hughes ở bộ Chỉ huy. Người ta cho biết chuyến xe chiều hôm đó, sau chuyến của Hamilton đã bị phục kích dữ dội.
Chuyến xe buổi chiều do trung úy Terry Charbonneau, 25 tuổi, quê ở Detroit, trung đội trưởng Trung Đội 2, Đại đội Charlie, Tiểu Đoàn Quân Vận số 1, Sư Đoàn 1 TQLC chỉ huy.
Tại trại Evans của Kỵ Binh 1, anh ta lúng túng vì một trung đội xe vận tải từ một đại đội khác tới trong khi một tướng lãnh biểu anh ta tìm cách giải quyết việc tài xế xe tải thiếu hụt. Charbonneau phải nhờ tới hậu cứ tiểu đoàn quân vận đóng ở Giạ Lê, nhưng tài xế và xe ở trại nầy lại kẹt ở Phú Bài. Thực ra thì anh ta cũng chẳng làm gì được hơn. Trong dịp Tết, trung đội của anh được phái đi chung với các đơn vị khác và hiện đang kẹt ở Huế. Một vài xe GMC từ căn cứ tiếp liệu đến với một số ít lính tăng cường trên xe. Có người không có nón sắt và áo giáp. Anh ta hỏi thì họ cho biết trong kho hết nón sắt và những thứ khác không đáng quan tâm lắm. Anh ta biểu họ vào trạm xá xin mượn nón sắt trong đó để đi Huế.
Charbonneau biết đại úy đại đội trưởng Đại Đội Alpha, anh nầy tổ chức đoàn xe bằng người của Đại Đội A và B và vài người trong Trung Đội 2 TQLC của chính anh ta. Anh ta đi kiếm đại úy nầy và hỏi đoàn xe anh ta đi đâu? Huế. Charbonneau muốn đi cùng, nhưng viên đại úy hỏi anh ta có biết ở Huế đang đánh nhau không? Anh ta biết. Lala, nhân viên anh ta vừa được thưởng Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Bạc cũng muốn đi. Viên đại úy nhìn anh ta, nói: “Được rồi, anh sẽ là người đi sau”. (Chịu trách nhiệm an ninh mặt hậu đoàn xe). Charbonneu nhận lãnh trách nhiệm và cùng mấy người trong nhóm lên chiếc xe thứ hai, ngồi cạnh tài xế, xạ thủ đại liên 50 và hiệu thính viên. Đằng sau anh ta, trung đội y tá trên chiếc xe chót, một xe cần trục. Hai chục chiếc xe chở đầy đạn dược, thực phẩm, y tế, v.v… cùng nhân viên văn phòng, hỏa đầu quân, thợ máy, nhân viên tiếp liệu đi theo với nhiệm vụ giữ an ninh.
Họ lên đường lúc quá trưa một chút. Viên đại úy ngồi trên xe Jeep đi đầu. Chạy trên QL 1. Họ chẳng thấy ai. Dân chúng núp trong nhà. Có một thằng bé Việt Nam đứng bên đường, hoàn toàn một mình. Khi đoàn xe đi qua thằng bé đưa ngón tay cái lên ra hiệu số 1 (tốt).
Charbonneau nghĩ rằng đó là ấn tượng đẹp. – thằng bé và gia đình nó sẽ gặp khó khăn lớn nếu Việt Cộng thấy nó làm như thế. TQLC nhìn xuống sàn xe, chẳng ai cười vì họ không biết gì đang đợi họ đây. – Và đưa tay ngoắt lại thằng bé.
Gần tới cầu An Cựu, xe dừng lại. Charbonneau lo lắng chờ đợi. – một chếc xe GMC đang nghiêng xuống đường – bèn bước ra khỏi xe. Anh bước qua bên lề đường vói nhìn lên trước. Mấy chiếc xe đầu đang chạy chậm chậm. Anh ta tự hỏi không biết có việc gì rồi quay lại xe và cầm máy gọi viên đại úy. Bất thần có tiếng nổ dữ dội. Chiếc xe của viên đại úy bị cháy. Tiếng súng nhỏ nổi lên.
Tiếng của sĩ quan quản trị đại đội (qua hệ thống bộ chỉ huy quân vận) bất thần xen vào trong máy điện đàm. Ông ta nói với trung úy Charbonneau rằng ông đang đảm trách công việc, yêu cầu tiếp tục di chuyển.
Phía trước, các xe GMC rú hết máy vượt qua cầu, xe Charbonneau tiếp theo. Anh ta biểu tài xế dừng lại bên chiếc xe Jeep đang cháy rồi nhảy xuống xe tìm viên đại úy và người tài xế trong khi khẩu đại liên 50 bắn yểm trợ cho anh ta. Charbonneu không tìm thấy ai hết. Trước mắt họ, đoàn xe tiếp tục đi vì vậy anh ta phải nhảy lên xe chạy cho kịp. Đoàn xe chạy tới, gặp một bùng binh có trạm xăng Shell bên đường rồi tiếp tục qua một đoạn hai bên là ruộng. Và rồi – Charbonneau không thể tin được – quân CSBV chạy xuyên qua đám ruộng, bắn vào các xe vận tải. Mọi người bắn trả lại. Cây đại liên 50 trên xe Charbonneau nã đạn, TQLC trên các xe chạy phía sau dùng M-16 bắn lốp bốp về phía địch. Toán hỏa lực thì phản công bằng đại bác M-79. Nước và bùn văng lên ở các đám ruộng. Quân CSBV chúi đầu vào các đường rãnh, đường hầm, không bắn lại nữa.
Đoàn xe cứ lo bắn để chạy, phía trước, hai bên hông và đằng sau.
Mấy hôm trước, mồng một Tết, Charbonneau đã lái xe đi Huế, khi dân chúng đang làm lễ năm mừng mới. Anh ta có cho dân chúng rượu vang, kẹo. Bây giờ thì thành phố vắng hoe, mặt tiền các cửa hàng chất đầy củi cây vì quân địch dựng công sự chiến đấu. Quân địch làm công sự như vậy hai bên đường cho tới khu MACV, phía ngoài cổng thì hẹp lại như cái cổ chai. Charbonneau nhìn lui, không thấy chiếc xe cần cẩu chạy theo sau. Anh ta bèn chạy lui nói với toán hỏa lực quay lui tìm chiếc xe nầy. Một người lính trong bọn tỏ ý chán nãn, anh ta không muốn chạy giữa lằn đạn một lần nữa.
– “Gắng lên.”
Người lính gần như muốn xin lỗi:
– “Chúng tôi là xạ thủ vũ khí chống máy bay.”
– “Chúng ta không thấy chiếc máy bay nào. Anh có thể bắn chúng nó. Đi đi.”
Anh lính lái xe lách ra khỏi đoàn xe đang ngừng, tìm cách quay lui thì chiếc xe cần cẩu trờ tới. Viên đại úy bị mảnh đạn ở sau lưng. Tài xế của ông ta thì phía trên mắt cá chân bị rách đong đưa mấy miếng da, xạ thủ cũng ở đây, gò má bị mấy vết sứt và người y tá có bộ râu như ghi-đông xe đạp xử dụng súng tiểu liên Thompson đang cúi xuống chăm sóc cho những người bị thương nầy. Có mấy miếng gỗ được dùng chèn thùng nước xe bị bắn bể. Mấy người lính VNCH mang cáng tới cho một người bị thương. TQLC mở cáng ra, thận trọng đặt người tài xế lên đó rồi nhẹ nhàng khiêng vào trạm xá.
– “Lẹ đi, anh lính nằm trên cáng nói, tôi sắp chết rồi đây. Nhanh lên.”
Charbonneau bước vội vào trạm xá theo tài xế. Y Sĩ Hamilton khám và chích cho anh ta một mũi thuốc. Người lính TQLC nhìn chằm chằm vào chân anh ta. Hamilton lấy kéo cắt mấy miếng da tòn ten đi.
Charbonneau quay lại sân trong MACV. Vài TQLC hỏi anh ta bao giờ thì trở lại Phú Bài. Chẳng ai biết gì cả. Có mấy chiếc xe tải bị hỏng, chiếc thì bể vỏ xe, chiếc chảy bình nước. Các thợ máy đang sửa xe thì có pháo kích. Đạn hú và nổ trong sân. Ai nấy tìm chỗ núp. Charbonneau lăn xuống gầm một chiếc xe tải trước khi kịp nghĩ ra đạn súng cối nổ sát mặt đất. Thêm mấy loạt đạn bắn vào nữa nhưng chẳng ai bị thương, chỉ làm cho một chiếc xe GMC thủng lỗ chỗ mà thôi.
Tới tối, Charbonneau, viên đại úy bị thương, y tá, và một số TQLC mang những người bị thương băng qua một lỗ nơi vách tường để đi vào trong tầng đầu của một tòa nhà chờ trực thăng đến tải thương. Y tá hỏi anh tài xế bị thương ở chân cần chích thêm morphine cho đỡ đau không.
Rõ ràng người nầy đang đau nhưng anh ta lắc đầu. “Không.” – Anh ta nói, anh không muốn ghiền. Anh thường chịu đau đã quen.
Charbonneau nghĩ thật là mai mỉa. Trước kia anh lính nầy bị bắt gặp ngủ gục khi đang gác và bị giữ ở Việt Nam vì hút cần sa nhưng bây giờ thì lại chứng tỏ can đảm khi đang bị thương.
Cuối cùng có tin trực thăng tới bãi đáp ngoài bờ sông, phải đem thương binh đi, theo con đường thường đi; trời đang mưa và sương mù. Hai chiếc Sea Knight từ hướng Phú Bài bay tới, không bật đèn. Máy bay nhận thương binh xong bay đi liền. Đại úy đại đội trưởng Đại Đội Alpha, mặc dầu đang bị thương, quyết định ở lại. Ông ta quay lại MAC.V cùng Charbonneau lo chuẩn bị đoàn xe tải.
Buổi sáng. Họ lại đem thương binh ra bãi đáp. Thỉnh thoảng trực thăng tới nhưng chỉ chuyển ai bị thương nặng đi trước. Một anh TQLC, thân mình bị băng bó bốn nơi, khấp khiểng ra tới bãi đáp ngồi chờ với những người khác trong đám cây cọ và bao cát làm công sự. Sĩ quan phi hành nói có một chiếc trực thăng khác đang trên đường bay tới. Khi Charbonneau thấy đó là chiếc trực thăng Quân Đội Mỹ đang bay tới hướng họ – không phải máy bay của TQLC – hạ xuống, anh ta bèn chế giểu anh sĩ quan phi hành. Anh nầy bèn nói cho biết có nhiều trực thăng của TQLC bị bắn hạ, không có cách nào khác. Chiếc máy bay vừa đậu lại thì anh thương binh bị băng 4 chỗ cùng những người khác lên tàu, một viên trung úy bị băng quanh đầu tới máy bay.
Người trưởng toán phi hành đuổi người lính ra khỏi máy bay, nhường chỗ cho viên trung úy. Charbonneau nhìn chằm chằm vào viên trung úy ấy một lúc và nghĩ: “Với tên nầy thì trước đàn bà và trẻ em, y muốn được trước. Trông y hoàn toàn lúng túng và sợ hãi.”
Chiếc máy bay cất lên. Charbonneau nhận ra rằng anh vừa chứng kiến một cảnh tồi tệ của con người có cấp bậc và đặc quyền ưu tiên: Viên trung úy trông có vẽ bị thương không nặng lắm. Truyền tin báo cho biết khoảng hai giờ đồng hồ nữa sẽ có trực thăng tới. Nghe vậy, anh TQLC nói anh sẽ chờ tại MAC.V. Charbonneau nói với người lính anh ta sẽ dìu anh lính về nhưng anh ta cám ơn rồi khập khểnh bước đi.
Mấy ngày sau, viên đại úy bị thương ra lệnh cho Charbonneau trở về liên lạc với tiểu đoàn. Anh ta trở về bằng tàu Hải Quân, đi chung với vài người dân Việt Nam, các TQLC tử trận và cái chân của người tài xế đựng trong cái bao.
Mãi đến ngày 4 tháng Hai, trung tá Gravel vẫn còn ở tại MAC.V. Ông ta chẳng có gì nhiều để lựa chọn. Toàn bộ tiểu đoàn ở Huế, ngoài ban tham mưu và các trung đội thuộc Đại Đội Alpha 1/ 1 thiếu hụt quân số và binh sĩ thương vong. Ngày 2 tháng Hai, hai trung úy Smith và tiền sát viên của Alpha, Perkins – cố về lại tiểu đoàn bằng chuyến xe của Đại Đội Hotel 2/ 5. Khi qua An Cựu thì bị phục kích, các thùng đạn trên xe bị đổ và đè chết Perkins. Sĩ quan kia, trung úy Ray. L. Smith, trung đội trưởng Trung đội 2 chỉ huy đại đội Alpha thay cho Gunny Canley.
Sáng ngày 4 tháng Hai, Gravel quyết định tiến công.
Mục tiêu bây giờ là trường Janne D’ Arc và nhà thờ (nhà thờ nhà nước – tên thường gọi – ngd), cách MAC.V khoảng một trăm mét. Gravel biết có lực lượng quân CSBV ở đây. Buổi sáng ngày 1 tháng Hai, dân chạy nạn đổ vào MAC.V thật đông, trong số có vài bà xơ người Việt. Gravel nói chuyện với họ bằng một thứ tiếng Pháp không được gãy gọn lắm do học được khi còn ở trường cấp ba. Các bà xơ nhỏ bé ăn mặc áo tu đen trắng nầy cho biết quân CSBV đã chiếm nhà thờ. Họ nói: “Ít cũng có khoảng một trăm người, chia làm bốn, ở trong các lớp học và trong phòng ngủ của các bà “xơ”. Tiến đánh lực lượng nầy gồm có hai trung đội rưởi của Đại Đội Alpha, do Smith và Canlay chỉ huy.
TQLC tiến vào mục tiêu, quân CSBV bắn như mưa. Lính bị thương khi họ chạy vòng qua góc nhà hay tấn công vào cửa. TQLC bắt đầu dùng chất nổ C-4 và hỏa tiển tấn công để phá hủy vách nhà và sân tường thành những lỗ có thể tiến quân qua được. Đó là một cố gắng bền bĩ và chậm. Cuối cùng. Họ tấn công thẳng vào địch quân. Các lớp học nầy là một khu tứ giác lớn, ở giữa là sân rộng.
Nhà thờ nằm cạnh bên lớp học, giữa những hàng cây xanh.
Trung úy Smith và Canley cho quân tiến lên, bắn vào vị trí địch. Hai người dẫn đầu, chạy từ chỗ núp nầy tới chỗ núp khác, vừa chạy vừa la xung phong và điện đàm với Gravel qua máy truyền tin. Hạ sĩ Jackson dừng lại với tiểu đội. Hỏa tiển B-40 do địch bắn nổ liên tiếp, mảnh bay lung tung. Chưa bao giờ anh ta nghe hỏa tiển nổ nhiều như vậy. “Chúa ơi! Thiệt là cảnh kinh hoàng!” Anh nghĩ thế. Hai quả đạn nổ trên mái nhà, làm vài người bị thương. Ở phía bắc, nơi Đại đội 2/ 5 đang tấn công vào ty Ngân Khố, trận đánh đang gay cấn. Hơi cay của Đại Đội 2/5 xử dụng bay ngược về phía Đại Đội Alpha làm cho cuộc tấn công bị ngưng lại.
Gravel đang ở trên máy, nói với bạn:
– “Ernie Cheatham, đừng bắn hơi cay nữa”.
– “Xin lỗi ông bạn già.”
Các trung đội tấn công, xông vào nhà thờ, bất thần lựu đạn nổ âm ầm vào toán hỏa lực tiên phong. Mấy TQLC vừa chết vừa bị thương. Lựu đạn nầy từ trên mái quăng xuống.
Địch núp trên nóc nhà thờ.
TQLC phải bò ngược trở lại điểm xuất phát.
Smith gọi máy hỏi Gravel: “Chúng tôi làm gì bây giờ?”
Gravel nghĩ tới các bà xơ đang tạm trú ở MAC.V với lòng biết ơn, nhưng ông ta không có cách chọn lựa nào khác:
-Bắn trốc mái đi.
Smith điều một chiếc tăng lên và bắt đầu tác xạ. Một toán đại bác không giật cũng lên, hòa âm ầm ầm cùng đại bác xe tăng. Nhà thờ rung rinh, ngói, gỗ bay khỏi mái. Cột và cửa sổ mặt tiền đổ sụp xuống thành đống. Địch trên nóc nhà thờ đều chết cả. TQLC lại tấn công, bắn đục tường để lấy đường vào bên trong, diệt các toán CSBV trong các phòng học và các phòng ngủ nhỏ của các xơ. Địch chiến đấu từng thước đất một. Thật là một cuộc đổ máu kinh hoàng. Chẳng còn lệnh lạc gì nữa hết. Toán hỏa lực chạy vào các lớp học, bắn như điên như cuồng, quăng lựu đạn nổ ầm ầm. Khói bay mù mịt, tiếng la hét, vôi vữa bay khắp nơi, xác người nằm ngỗn ngang. TQLC thấy mình đã chiếm được cánh bên nầy của trường học, bắn nhau với địch đang núp ở cánh bên kia, cách nhau bằng sân trường. Trung sĩ Gonzalez, hôm qua đã bị thương hôm nay vẫn chiến đấu, đá bung cửa một lớp học, xộc vào trong cùng với mấy TQLC của Trung Đội 3. Từ hai cửa sổ phía trước, hỏa tiển B-40 bay tới. Gonzalez cầm hỏa tiển LAWW lên nhắm. Anh ta bắn ít nhất 10 trái hỏa tiển, lửa và khói bùng lên ở vị trí quân CSBV. Súng ngưng nổ.
Thêm một ngày Gonzalez chiến đấu.
Quân địch rút khỏi nhà thờ và trường Janne D’ Arc. TQLC vào chiếm đóng. Kiểm điểm quân số: TQLC hai người chết, 20 bị thương.
Hạ sĩ Jackson cùng với binh lính của anh ta tiến vào một trong các phòng học, bỗng phòng bên cạnh có một tiếng nổ kinh hồn làm rung rinh cả tòa nhà: Địch ở bên kia bắn qua một quả B-40. Hạ sĩ Jackson cùng mấy người lính TQLC chạy băng qua hành lang đầy đặc khói, xông vào một phòng khác. Tấm sắt ở trên của sổ văng vào trong lớp. Hai TQLC bị thương té xuống và – Chúa ơi! Gonzalez nằm dài trên nền nhà, ruột lòi ra. Bụng anh ta trúng một trái hỏa tiển. Jackson không muốn để anh ta lại một mình trong đống vữa, gạch vụn – Anh ta không muốn quân CSBV có cơ đụng đến thân thể bạn anh, anh cùng hai TQLC khác kéo Gonzalez tới một cánh cửa bị đổ. Rồi họ chạy lui phía sau trường học, băng qua khỏi ngôi nhà thờ nhỏ nơi Gravel đặt bộ chỉ huy tạm.
Gravel nhìn lên. Kinh ngạc. Trung sĩ Gonzalez, người lính TQLC tuyệt vời đã chết. Họ đặt xác Gonzalez phía sau ngôi nhà thờ nhỏ cùng với những người bị thương khác. Có hai phóng viên báo chí đang đứng ở đây, họ chụp hình các người chết và bị thương. Họ đang nói chuyện đùa, Jackson nghĩ có lẽ họ là người Pháp. Jackson cũng chẳng thèm lưu tâm, chạy trở lui với trung đội của mình.
Gravel bắt đầu tiến lên nữa, tìm một vị trí an toàn. Ông ta thấy hai tu sĩ cùng TQLC chạy tới nhà thờ của trường Janne D’ Arc. Các tu sĩ nầy vừa được giải thoát khỏi tay quân CSBV. Gravel lấy làm lạ tự hỏi tại sao họ vẫn sống được – TQLC thường tự động bắn vào những ai mặc đồ đen. Mặt các tu sĩ nầy thì trắng: Một là người Pháp, người kia là Bỉ. Các tu sĩ hết sức giận dữ, một người thì có vẻ sốc vì súng đạn, người kia thì thét vào mặt Gravel vì nhà thờ bị bắn sụp.
Ngoài việc xin lỗi, Gravel chẳng biết làm gì hơn. Ông ta cũng biết chẳng còn chọn lựa nào khác. Ông ta đi băng qua đám gạch ngói đổ và nhìn lên mái nhà thờ. Quân CSBV phá vở mái hiên bằng gỗ, Gravel nghĩ bọn địch đeo đẳng quá lâu ở đây, và thế là qua một buổi chiều đánh nhau dài dằng dặc, tốn hao xương máu.
Trung sĩ Gonzalez đánh giặc giỏi và bây giờ thì anh ta đã qua đời!
Buổi chiều khi hai trung đội rưởi của Đại Đội Alpha đang đánh nhau với địch ở trường Janne D’ Arc, thì các binh sĩ còn lại thuộc Trung Đội 1 bị mắc kẹt ở Quảng Trị lên đường về Phú Bài. Ở đây, họ nhập với Đại Đội Bravo 1/ 1 và tiến ra QL. 1.
Xe chất đầy đạn dược, không còn chỗ ngồi, hạ sĩ Edward F. Neas của toán súng máy Trung Đội 1 chỉ còn chỗ đứng mà thôi. Nếu có gì được xem là điển hình cho người lính bộ binh TQLC trong chiến tranh Việt Nam thì có thể xem Neas là một con người thích hợp với điều đó. Quê ở Queens, to con, gồ ghề, tóc đen, 19 tuổi, bỏ trường năm 16 tuổi, vì hay cãi lại cha mẹ, vào TQLC năm 17 tuổi, tình nguyện qua Việt Nam năm 18 tuổi vì muốn làm một cái gì đó, xăm hình con phượng hoàng, quả địa cầu và mỏ neo (huy hiệu TQLC) lên bắp tay và viết mấy chữ DTK (Down To Kill) vào lưng áo giáp. Anh ta ghét quân CSBV chỉ vì họ bắn vào anh và bạn bè anh, và đánh giặc thật hay chỉ vì anh ta là TQLC. Khi được về hậu cứ thì anh ta nghe radio, uống vài loon bia và hút thuốc với bạn bè.
Tới gần sông An-Cựu, đoàn xe chạy qua những chiếc xe tăng do Mỹ sản xuất đã bị hư hỏng, đâm đầu vào các ngôi nhà gạch hai bên đường, súng đại bác bị bung khỏi pháo tháp, rớt xuống bên cạnh. Có vẽ như những xe nầy bị B-40. Neas và bạn anh im lặng, căng thẳng, nhìn ra hai bên đường, súng sẵn sàng trong tay. Bất thần có mấy tiếng nổ, tiếng súng nhỏ từ trong những dãy nhà hai bên đường bắn ra. TQLC bắn trả, xe dọt nhanh tối đa. Neas tưởng như xe chạy có hai bánh hướng nhanh về MAC.V. Vào tới nơi, phóng xuống xe và họ sẵn sàng đứng vào vị trí dọc các vách tường. Quanh khu MAC.V đầy xác quân CSBV, kẻ thì vắt trên hàng rào, nhiều xác nằm dài trong sân, có xác mắc trong kẽm gai, cứng đơ và đã sình.
Neas nghĩ: “Chúa ơi, trông như trong một cuốn phim chết tiệt.”
Có người báo cho biết: “Đại úy Batcheller bị thương nặng, trung úy Perkins chết, trung sĩ Gonzalez chết, bác sĩ Brooklyn cũng chết.”
Neas bị xúc động mạnh. Kẻ thù đã giết mất những người giỏi nhứt. Nhưng Neas tự an ủi, ít ra cũng còn Canley, những người bị thương và tất cả mọi người.
Chỉ mới 6 tuần trước, đại đội thực hiện một cuộc tấn công quân CSBV trong các hầm hố ở Cồn Tiên. Neas lom khom đằng sau một chiếc xe tăng khi chiếc xe nầy tiến tới. Một trong các xạ thủ đại liên bị đạn vào ngực. Y tá chạy lên, cũng trúng đạn và ngã xuống. Neas thấy Canley chạy vượt qua chỗ anh ta, ôm lấy người y tá bị thương bây giờ trông rất tơi tả, rồi nhanh như chớp quay trở lại, vừa chạy vừa bắn mà chẳng bị chợt da một chút nào.
Neas rất tin những người chỉ huy Trung Đội 1. Thiếu úy William R. Donnelly là một người dẻo dai, tóc vàng, vừa mới được gắn loon ra trường tại học viện Annapolis. Vì Neas và những người lính khác mới 18, 19 tuổi trông anh ta còn trẻ nên họ đặt cho Donnelly biệt danh là “Chú Bé”. Trong trung đội cũng có một anh trung sĩ, trung sĩ Josef Burghardt, 21 tuổi, dáng người rắn chắc, đẹp trai và thông minh. Anh ta từ Nam Tư di dân đến Mỹ hồi 5 tuổi, và muốn tạo sự nghiệp trong TQLC. Anh ta xăm một cái hình lớn biểu tượng cho TQLC/ Hoa Kỳ trên bắp tay. Năm 1966-67, anh đến Việt Nam một lần, khi ở Sư đoàn 9, được thưởng Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Đồng – như anh ta thường nói, chẳng nghĩa lý gì cả -, khi anh ta cùng đồng đội phản kích một cuộc tấn công của Cộng Sản sau khi đã bị thương.
Neas yêu mến Burghardt; anh ta là một TQLC giỏi, một người bạn, một hạng người có thể tin tưởng hết lòng. Cả Trung Đội 1 ai cũng có lòng tin anh ta như vậy.
Thiếu úy Donnelly và trung sĩ Burghardt không có thì giờ nghỉ ngơi một chút sau khi sắp xếp đơn vị lại tại MAC.V. Viên thiếu úy được lệnh đưa trung đội của anh ta, một trung đội lấy từ đại đội Bravo và hai cái xe tăng nhỏ có trí súng đại bác đi tìm xác hai TQLC bị giết ở phía đông MAC.V, quanh sân vận động Huế. Họ đã để lại hai xác chết nầy trên đường. (TQLC có truyền thống là không được bỏ xác đồng đội lại sau khi rút đi).
TQLC tiến ra, vòng theo các đường phố và con hẽm, không ai biết chắc việc gì sẽ xảy ra. Trước đây, họ chưa bao giờ chiến đấu trong thành phố. Mọi người ai cũng căng thẳng thần kinh. Bất thần có bóng người di chuyển phía trước, thập thò ở cái hố bên đường. Tức khắc, hai TQLC quỳ xuống và nổ súng, chiếc xe tăng có gắn đại bác đi đầu cũng nổ súng. Mấy bóng người gục xuống. Khi TQLC tiến lên, họ bối rối vì quang cảnh trước mặt: Dưới đáy hầm và bên lề đường là xác mấy người Việt Nam mặc đồ dân sự. Có thể đó là quân CSBV xâm nhập ngụy trang dân sự. (đơn vị 1/ 1 đã gặp rắc rối vì tình trạng nầy) hoặc cũng có thể họ là người dân thường thật sự.
Dù sao thì cũng có vài TQLC chẳng quan tâm lắm.
Cuộc tuần tiểu tiếp tục. Có tiếng súng AK nổ phía trước. Ngay phát súng đầu tiên, Burgdardt và Neas nằm sát xuống đất, bên chiếc xe đại bác đi đầu. Xe quay súng về phía căn nhà nhỏ nằm
Có người phát hiện ra mấy cái xác họ đang đi tìm nên bốn TQLC chạy lên trước để nhận xác. Súng AK và B-40 lại nổ khiến ba người té xuống đường, bị thương. Thiếu úy Donnelly và trung sĩ nhứt James R. Bresnahan cùng Dagley, cả hai thuộc Đại Đội Bravo chạy lên trước. Lính TQLC bắn như điên để che cho những người nầy. Cách khoảng mấy chục thước phía trước, địch bắn tới, đất như bị cào lên chung quanh. Donnelly bị mấy mảnh đạn hỏa tiển, nhưng ba người nầy vừa khom mình chạy vừa bắn để kéo mấy người bị thương lui.
Trung đội tập trung người bị thương và bắn ngược lại phía đường cũ: MAC.V. Thiếu úy Donnelly đem trung đội tiến ra hướng tây để tham chiến cùng những người còn lại trong đại đội. Họ vào một ngôi nhà lớn và Donnelly thấy mình đang đứng hàng đầu. Anh ta điện đàm với trung úy Smith, người muốn anh ta rút lui. Tuy nhiên, lúc ấy trời đã tối, di chuyển trong đêm rất nguy hiểm. Vì vậy, trung đội ở lại. Chỉ còn có 19 người. Donnelly gọi điện cho Smith bắn súng cối yểm trợ cho anh ta.
Trung sĩ Burghardt trải qua một đêm ngồi bên cửa sổ, nhìn qua đám ruộng và hàng cây phía bên hông. Thỉnh thoảng hỏa châu bắn lên, rọi xuống đường và các đám ruộng đầy nước. Ngay ở đây, nhìn qua cửa sổ, anh ta thấy quân CSBV. Họ đi từng đoàn, từng đoàn phía bên kia ruộng lúa, giống như đàn kiến, hướng về phía biển. Họ không mang súng, nhưng pháo binh hay súng cối cũng không được gọi tới tác xạ vào họ. Suốt đêm, quân CSBV an toàn di chuyển, không bị hề hấn gì, mang người chết và bị thương ra ngoài thành phố và mang đồ tiếp tế vào. Burghardt nghĩ: “Thiệt là ngu xuẩn.”
Hôm đó, đại tá Hughes ở trong MAC.V khi có pháo kích. Sau đó, có tin báo cáo là cầu An Cựu đã bị đặc công địch phá sập. Như thế, con đường bộ từ Phú Bài đi Huế bị cắt đứt. (Có vài cây cầu khác nữa nằm phía tây cầu An Cựu, cũng trên sông đào nầy, một nhánh sông từ sông Hương chảy vào, nhưng tất cả cầu nầy còn nằm trong tay địch). Đó là tin xấu, nhưng địch cũng không may gì. Họ đã để một thời gian quá lâu mới phá cầu. Đó là chỗ hỏng lớn trong kế hoạch hành quân của họ. Cây cầu đã giúp đưa các Đại đội A/ 1/ 1 và G/ 2/ 5 vào MAC.V ngay ngày đầu tiên, cứu được nơi nầy, thiết lập điểm phòng ngự, chuẩn bị cho cuộc tấn công của Hoa Kỳ. Cầu nầy giúp đưa thêm vào Huế nhiều binh lính và tiếp liệu. Đến khi quân CSBV phá cầu An Cựu thì đã có 5 đại đội ở Nam Huế. Xem xét tình hình địch, Gravel thấy có lý do để mỉm cười.
Sáng hôm sau, thứ Hai, ngày 5 tháng Hai, hai Đại Đội Alpha và Bravo bắt đầu tiến chiếm các ngôi nhà dọc theo ruộng lúa. Hạ sĩ Neas cùng toán súng máy chạy qua một con hẽm, bắn vào các cửa sổ ở những ngôi nhà trước mặt họ. Quân CSBV bắn lại như mưa.
Trung sĩ Burghardt vẫn còn ở trong căn nhà lớn với hạ sĩ Norris Brennen, anh nầy là tiểu đội trưởng súng máy, đang bắn qua bên kia đường. Burghardt gọi máy cho Donnelly báo rằng cần thêm hỏa lực hỗ trợ. Anh ta biểu Brennan tránh xa các cửa sổ cho đến khi họ có thể xử dụng xe tăng được hay sẽ làm gì đó rồi rút ra khỏi hành lang. Anh ta mới đi được có mấy bước thì nghe Brennen bắt đầu nổ súng trở lại. Rồi anh ta nghe có tiếng vũ khí đụng lách cách trên sàn nhà. Burghardt vội quay lại phòng. Brennan là người chậm chạp, để súng cướp cò trúng mặt, máu tuông ra.
Neas đang trí súng vào thành cửa sổ để bắn thì thấy mấy TQLC đang ở phía dưới đường vội vã khiêng một người ra cửa. Đó là Brennan, đầu anh ta băng kín. Còn sáu tuần nữa thì anh ta hết phiên ở Việt Nam, nhưng anh bị xuất huyết cho tới khi chết.
Có nghĩa là bây giờ hạ sĩ Neas làm tiểu đội trưởng.
Vài phút sau, tiếng xích sắt xe tăng kêu leng keng dưới đường. Xe dừng lại, pháo tháp quay chậm chậm về phía ngôi nhà có quân CSBV ẩn núp, bắn mấy phát. Đại bác 90 ly nổ bum lên, người chỉ huy bắn đại liên 50 vào các cửa sổ, gạch ngói bay lung tung, khói lên cuồn. Địch chạy ngược lui cửa sau, trợn tròn mắt kinh hoàng, không bắn được phát súng nào, chạy vượt qua khoảng sân sau. Burghardt chạy tới cửa sổ tầng lầu 2. Cách khoảng mấy chục thước, quân CSBV đang bò. Vài người giật bắn lên và rơi xuống vì trúng đạn. Số khác chạy thoát được. Burghardt nổ súng nhưng cũng không chắc anh ta có gặt hái được gì.
Cuối cùng, anh ta ngưng bắn, mang súng M-16 chạy xuống cửa sau nơi quân CSBV chạy ra. Một lính địch nổ súng. Anh ta bắn lại một tràng, địch ngã ngay xuống sân. Rồi một tên phóng ra, anh ta bắn hạ, lại một tên nữa phóng ra, anh bắn hạ, cứ thế mà anh ta đã hạ được nhiều địch quân.
Một lúc, tình hình yên tĩnh trở lại. TQLC hé nhìn qua các khe cửa, Họ thấy có 9 địch quân chết nằm chồng lên nhau mà các đồng chí của họ không kéo đi được. Gravel thấy tự hào về thành quả đó. Quả thật đơn giản là quân CSBV không thể nào đương cự nỗi với những người lính TQLC trẻ trung của ông ta.
Các thương binh TQLC vẫn tiếp tục chiến đấu hoặc được đưa vào trạm xá trong MAC.V. Lúc tình hình lắng dịu, y sĩ Hamilton tới bộ chỉ huy của đại tá Hughes. Ông ta đang đứng đó thì có bức điện gởi tới cho đại tá Hughes. Mấy TQLC phát hiện quân CSBV trong một ngôi chùa và xin phép bắn súng cối vào ngôi chùa ấy. Hughes làm theo chỉ thị về cuộc chiến ở Huế, nên gọi điện xin phép bộ chỉ huy LLĐN của tướng LaHue ở Phú Bài, rồi từ đây chuyển cho bộ tham mưu tướng Robertson tư lệnh Sư đoàn 1 TQLC ở Đà Nẵng. Từ đây, điện lại chuyển cho bộ tham mưu tướng Cushman. Hai giờ sau, Hughes nhận được lệnh cho pháo kích ngôi chùa nhưng kèm theo lời khuyến cáo giảm thiểu tối đa sự hư hại ngôi chùa cũng như những kiến trúc quanh chùa. Tới khi TQLC bắn đại bác không giật vào chùa thì quân CSBV đã rút mất rồi.
Hôm sau, ngày 6 tháng Hai, trung sĩ Burghardt leo lên tầng trên của ngôi nhà lớn khi anh ta nghe la có quân địch ở phía sân sau. Anh ta chạy tới cửa sổ nhìn xuống thấy có một Việt Cộng và hai quân CSBV đang núp dưới mấy cây dừa ở trong sân, lặng lẽ quan sát vị trí của TQLC. Họ không biết là họ đã bị phát hiện. Burghardt đưa súng lên nhưng vì lá dừa che nên không trông rõ địch. Anh ta mang súng chạy xuống tầng dưới tìm một cửa sổ khác trông ra. Bây giờ anh ta thấy rõ. Họ đang ngồi quay lưng về phía anh. Anh ta từ từ đưa súng lên vai và nhắm bắn. Một lính CSBV đâm đầu gục xuống gốc cây. Phát thứ hai: Anh kia rơi phịch lui sau. Cả trung đội nổ súng: Tên địch thứ ba và lá cây như bị xé nhỏ ra.
Dù vậy, họ không phải thanh toán hết đám địch trong khu nầy.
Một lúc sau đó Burghardt đang đứng ở tầng dưới nói chuyện với trung úy Donnelly thì có tiếng nổ lớn phía sau bức tường họ đang đứng. Hai người lính TQLC đang đứng ở đây, tai bị vưng lên, phủi bụi và chùi máu phía sau cổ. Một mảnh đạn xuyên qua áo giáp và mũ sắt. Anh ta nhận ra quân CSBV đã dùng ngay chính hỏa tiển của họ để bắn.
Hai người đều được Chiến Thương Bội Tinh nhưng không ai chịu di tản cả.
Trong tuần đầu tiên chiến đấu trên đường phố, Đại đội 1/ 1 lấy làm vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ trong trận đánh Huế. Từ ngày đầu tiên, Gravel đã gọi điện tiếp xúc với bán Phi Đội Cat Killer của Không Quân Hoa Kỳ, họ đang đóng gần MAC.V và đang bị quân CSBV bao vây. Họ đào hầm trong nhà, đặt mìn claymore chung quanh nhà, chờ giải cứu. Mỗi khi Đại Đội Alpha hay Bravo tiến gần tới họ thì họ bị địch bắn rất gắt. Họ có một bản đồ và thông báo vị trí địch cho Gravel. Mỗi khi địch bắn vào nhà hay bắt đầu quấy rối bên ngoài thì họ chỉ điểm vị trí địch cho Gravel. Do đó, Đại đội 1/ 1 bắn súng cối vào vị trí địch, đẩy địch ra chỗ trống để dễ tác xạ. Được ít ngày, pin trong máy của họ bắt đầu yếu đi. Do đó, Gravel nói với họ gọi hạn chế giờ lại để báo cáo tình hình mà thôi. Một hôm, họ nghe được trong máy tiếng nói như thì thầm. Gravel biểu họ cố giữ liên lạc bằng việc lắc ống nói. Không Quân cố thả pin xuống cho họ nhưng lại lạc dấu. Cuối cùng Đại đội 1/ 1 chiếm lại được ngôi nhà và giải cứu họ. Đó là kinh nghiệm giữa 1/ 1 và toán phi công Cat Killer. Sau Huế các phi công nầy hết lòng giúp binh lính của Gravel.
SOURCE:
XIN XEM TIẾP CHƯƠNG 5
No comments:
Post a Comment