Tuesday, February 8, 2022

(4) Keith William Nolan - Huế, Trận đánh Mậu Thân - Hoàng long Hải dịch - Chương 3: Bắt đầu đánh chiếm từng nhà Ty Ngân Khố và Bưu Điện


 


Vài lời trình bày:

 

Trước khi vào Chương 3, tôi xin nói vài điều về trường hợp tôi.

Các Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đã núp ở phía trường Trung Học Đệ Nhị Cấp Bán Công Huế để tấn công vào Ty Ngân Khố (người Huế thường gọi nôm na là Kho Bạc). Một người lính TQLC Mỹ, 19 tuổi, đã tử trận ở sân cỏ của ngôi trường nầy.

Đây là ngôi trường tôi đã dạy học ở đó 10 năm. Sau khi tình hình an ninh vãn hồi, tôi đi dạy lại, và được nghe ông cai trường thuật lại cái chết của người lính ấy, một cái chết rất đáng thương.

Khung cảnh của trường sau trận đáng năm Mậu Thân, làm cho một nửa học trò của tôi, trai cũng như gái, đeo khăn tang khi đi học trở lại. Đó là lý do khiến tôi “tự ý bỏ viên phấn đi cầm súng”.

Cũng vì câu chuyện đó, tôi đặt thêm cho Chương 3 nầy một đầu đề mới:

“Người Lính Mỹ Chết ở Sân Cỏ Trường Bán Công  Huế”.

kính cẩn.

 

Phần 1:

Của người dịch.

 

Tôi học đại học năm đầu tiên vào niên khóa 1958-59, sau ba năm làm precepteur tại nhà một người bà con. Rời khỏi nơi sống tạm nhưng khá yên ổn ấy, nỗi lo cơm áo hằng ngày đè nặng lên vai tôi. Tôi ở lang thang nhiều nơi, tìm những nơi nấu cơm tháng rẻ nhứt, chỗ ở rẻ nhứt vì tôi không tìm ra một công việc gì khác có thể giúp tôi, ngoại trừ một ít tiền nhuận bút nhờ cộng tác với tờ Rạng Đông của giáo sư LHM. Những người đã có uy tín trong giới báo chí còn chưa sống nỗi với nghề cầm bút, huống gì tôi, mới chỉ là một “Mầm non văn nghệ”. Tôi mong cho chóng tới hè để về quê, thị xã Quảng Trị, sống với mẹ, bớt lo chuyện cơm áo.

Nhưng niên học tới, gánh nặng đè trên vai tôi lại có phần gia tăng. Mẹ tôi đã già, muốn nghỉ việc. Các anh chị đều có gia đình riêng. Tôi có ba đứa em: Hai đứa em gái, một cô đã lấy chồng, tạm yên phần nó. Một đứa vừa thi hỏng trung học, nói: “Sang năm em ở nhà, tự lo học để thi lại”. Riêng “Hùng móm” mới vừa đậu trung học, hạng bình. Trước mặt anh chàng nầy, ngôi trường Quốc Học mở ra tươi sáng, đang chờ anh ta bước vào. Việc ăn ở học hành của Hùng là gánh nặng trên vai tôi, ngoài phần tôi tự lo cho bản thân mình.

Gần hết hè, tôi vào Huế sớm để kiếm một chỗ dạy học. Lúc bấy giờ, tôi có thể xin bổ dụng làm giáo sư dạy giờ tại một vài trường trung học xa Huế. Nhưng ngay tại Huế thì không có nhu cầu. Tôi không thể xa Huế, một là vì việc học của Hùng cần có tôi bên cạnh, hai là tôi cũng không muốn gián đoạn việc học của tôi vì phải đi xa. Tôi không quen ai, thấy khó xin một ít giờ dạy tại các trường tư ở Huế. Tôi có nhờ giáo sư LHM xin dạy ít giờ ở trường Bình Minh gần cầu Thanh Long do cha Lập làm hiệu trưởng, nhưng khi tôi gặp ông ấy lần thứ hai thì ông lắc đầu, không hy vọng gì. Trước tình trạng bế tắc như thế, tôi làm một cái đơn, một bức thư thì đúng hơn, kể lể hoàn cảnh của tôi và xin dạy ở trường Trung Học Đệ Cấp Bán Công Huế. Đây là trường Đệ Nhị Cấp, chỉ có mấy lớp Đệ Nhứt Cấp, làm sao tôi có thể có giờ dạy ở đây được. Nhìn thành phần giáo sư ở đây, tôi thêm thất vọng. Toàn là những bậc “Lão Tiền Bối”: Cụ Đinh Thành Chương, cụ Lâm Toại, cụ Lê Trung Chi, các ông Cao Xuân Lữ, Trần Điền… là những bậc thầy của tôi.

Chẳng qua, trước tình trạng không có lối thoát, tôi chỉ làm một công việc cầu âu.

Tôi không có nhà ở Huế, mượn tạm địa chỉ người chị dâu tôi để tiện liên lạc. Một tuần lễ sau, khi tôi ghé lại nhà chị tôi, Mỹ Châu, cô em gái của chị, hỏi tôi:

– “Trường Bán Công kêu anh đi dạy, anh biết chưa?”

Tôi nói chưa. Cô ta bảo:

– “Anh qua trường gấp đi kẻo người ta mời người khác mất”.

Tôi đạp xe thật nhanh đến trường. Đoạn đường dài ba cây số bị nuốt đi thật nhanh. Khi tôi dựa chiếc xe vào vách tường, bác cai trường chưa kịp khóa cổng thì tôi đã nhảy ba bước đứng ngoài hành lang. Tôi vuốt lại tóc, sửa lại cái áo trắng hơi ngã màu “cháo lòng”, vuốt lại cái quần kaki màu xanh biển, lấy khăn tay chùi bụi bám vào đôi giày “xăng-đan” cũ, bước vào cửa chính. Trước mặt tôi là ông Nguyễn Văn Hai, một người đang mang trên vai một lô chức vụ: “Giám Đốc Nha Đại Diện Giáo Dục”, “Dân Biểu Quốc Hội” và Hiệu Trưởng ngôi trường nầy. Tuy nhiên, tôi cũng không ngại lắm vì mấy năm trước, ông ấy là hiệu trưởng trường Quốc Học (khi ấy còn mang tên Khải Định) và tôi đã gặp ông vài lần vì công việc báo chí của trường. Tôi đứng thẳng, chào: “Thưa thầy!”

Bên cạnh bàn ông, ông Châu Trọng Ngô, giáo sư Toán của tôi mới chỉ cách đây hơn một năm. Hai người đang thảo luận công việc gì đó. Ông Hiệu Trưởng nhìn tôi hỏi:

– “Cậu là Hoàng Long Hải?”

Tôi trả lời: “Thưa thầy, vâng”.

Ông ta nói: “Cậu chờ ta một chút”. Tôi thấy hơi vui. Biểu chờ tức là còn có hy vọng. Với những học trò ông có cảm tình, ông thường tự xưng ông bằng “ta”.

Chưa đầy một phút, ông ta ngưng thảo luận với ông Châu Trọng Ngô, hỏi tôi:

– “Cậu học gì bên đại học?”

– “Thưa thầy, con học luật và văn khoa”. Tôi nói theo đúng lễ nghĩa hồi ấy: Gọi bằng thầy và xưng con, dù thầy còn trẻ.

Ông ta nói ngay:

– “Học làm chi cho nhiều. Bỏ văn khoa đi. Học luật thôi, sau dễ kiếm việc. Học luật dễ lắm, chỉ cần một tháng trước ngày thi, học riết vào mà thi, còn cả năm lo đi dạy”.

Ngưng một chút, ông ta nói tiếp:

– “Hiện có ba lớp Việt Văn Đệ Ngũ, hai lớp Việt Văn Đệ Tam, cậu dạy hết đi. Được không?”

Tôi mừng khấp khởi. Chừng đó giờ dạy, đủ cho tôi và hai đứa em sống và học hành thoải mái. Tôi trả lời:

“Thưa thầy, được”.

Cụ Võ Mão, giám thị, ngồi phía bàn của cụ, nhìn ngang với bàn hiệu trưởng, nói:

– “Chút nữa có hai giờ ở lớp Đệ Ngũ 2. Thầy coi có dạy ngay được không. Không thì tôi cho học trò về”. Ngưng một chút, ông cụ nói tiếp: “Học trò về giữa buổi là phiền lắm”.

Tôi vội trả lời:

– “Tôi dạy được!”

 Ông Châu Trọng Ngô, giáo sư, còn đứng bên cạnh bàn ông Hiệu Trưởng, e ngại hỏi:

“Hải xem có dạy được không? Chưa chuẩn bị gì cả”.

 Tôi là học trò của ông, biết tính ông rất cẩn thận, bài dạy ông soạn rất kỹ nên ông ta mới nói thế. Tôi trấn an:

– “Không can chi thầy. Vô lớp, giảng lại chương trình cho học trò, giới thiệu sơ qua những tác phẩm, tác giả sắp sửa học cũng đã cả tiếng đồng hồ rồi. Rồi còn chuẩn bị cho bài mới, có lẽ không dư giờ bao nhiêu”.

Ông ta nói, vẫn giọng ôn tồn muôn thuở:

-“Vậy thì Hải vào phía trong uống nước, chờ chuông reo thì theo cụ Mão vào lớp”.

Sau nầy tôi nhận ra rằng tôi được giao nhiều giờ dạy chẳng phải tôi tài cán gì cả. Ông Nguyễn Văn Hai, Hiệu Trưởng là người quê ngoại ở Quảng Trị, họ Hồ làng Cổ Thành. Ông rất thương những người cùng quê mẹ của ông. Có lần ông nói với tôi: “Học trò Quảng Trị thuộc vùng giới tuyến, đất đai nghèo nàn lại bị chia cắt. Tâm lý chúng phức tạp, nghịch ngợm, ưa phản kháng nhưng học chăm”.

Tôi vào phòng uống nước, vuốt tóc lại cho gọn, rồi lấy ly uống nước trà. Nhìn lên tấm gương soi, tôi thấy thích thú bởi một câu ai viết một cách nắn nót, cẩn thận dán lên phần trên cùng tấm gương soi: “Sĩ phu ba ngày không đọc sách, soi gương thấy mặt đáng ghét, nói chuyện lạt lẽo khó nghe”. – Hoàng Đình Công. Tôi cũng là người mê sách. Khi chuông reo đổi giờ, tôi bước ra cửa chính văn phòng. Cụ Mão đứng chờ tôi ở đó, tôi theo cụ lên lầu trên. Lớp Đệ Ngũ 2 ở ngay giữa lầu.

Khi tôi đưa mắt nhìn quanh lớp thì học sinh ngưng không thì thào nói chuyện nữa. Tôi không “khớp” nhưng hơi ngại. Học trò Đệ Ngũ, khoảng từ 13 đến 15, 16 tuổi, kém tuổi thầy không bao nhiêu. Xem ra thì có mấy anh lớn con ngồi phía sau cùng còn hàng đầu có hai chị em CTTN. Minh Nghĩa và Bửu Trí nhỏ tuổi và nhỏ con nhứt, ngồi lọt thỏm trong cái ghế Macadi (Học trò ở đây ngồi ghế Macadi như ở đại học) trông như con gấu vải đặt vào cái ghế nhỏ trong phim ciné.

Tôi nói sơ qua về bài giảng sắp tới và nói chuyện thơ về “Phong trào thi ca lãng mạn tiền chiến” cho học trò nghe. Ai nấy đều im lặng. (Xem “Một Chút Tình Thu”) Khi tôi bắt đầu nói tới “Cõi âm trong thơ”thì chuông reo hết giờ. Tôi phủi phấn bảng bằng cách xoa hai bàn tay vào nhau, chuẩn bị bước ra khỏi phòng. Không vở, không sách, không một mảnh giấy, suốt hai giờ nói chuyện thơ, tôi hơi mệt. Một học sinh ngồi ở đầu phòng nói vừa đủ nghe: “Đi dạy hai tay không, như một nghệ sĩ”. Câu nói đó ám ảnh tôi suốt mấy năm, nhứt là nhiều khi tôi vào lớp với hai tay không và khi xem bức hí họa trên báo Sổ Tay Sư Phạm do Đ.C. vẽ. Câu chú thích trong hình vẽ là: “Thầy giáo phải là một kịch sĩ”. Tôi nghĩ khác thế. Nếu là một thầy giáo dạy môn văn chương, thì thầy phải là một nghệ sĩ chứ không hẵn là kịch sĩ mà thôi. Kịch sĩ còn có đạo diễn. Nghệ sĩ là người tự mình làm đạo diễn cho mình, bằng tâm hồn của mình. Và cái tinh hoa của “người xưa” được diễn đạt lại cho “người đời sau” bằng tâm hồn nghệ sĩ ấy. Những người học với tôi giờ đầu tiên chiều hôm ấy, sau nầy, trong lĩnh vực văn học, báo chí có người rất thành công: Đó là nhà thơ Hoàng Xuân Sơn, nhà báo Ngô Vương Toại, nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn, và một số người thành công trong lãnh vực khoa học kỹ thuật.

Tôi tưởng tôi chỉ dạy ở ngôi trường nầy vài năm sau khi tôi học xong và “Hùng Móm”, em tôi vào đại học, có thể tự lo liệu cho Hùng được. Thế mà cuộc đời đưa đẩy, tôi dạy ở đây mười năm. Trong thời gian ấy, năm nào tôi cũng chuẩn bị một chuyến rời trường đi xa, nghe như có tiếng gọi giang hồ ở cuối thiên nhai mà không đi được, cho đến Tết Mậu Thân.

Sau tết Mậu Thân, học trò lục tục đi học trở lại. Nhìn bọn chúng, tôi bỗng mất tinh thần. Lớp nào cũng vậy, hơn một nửa nam sinh mang băng tang đen trên áo còn nữ sinh thi bịt “khăn chế” ngang đầu. Đứa mất cha, đứa mất anh, đứa mất chị… Con gái tuổi 15, 17 quấn khăn tang ngang đầu là một hình ảnh đau đớn não nề. Câu thơ của Xuân Diệu “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang” chỉ có thể là cái đẹp trong văn chương, còn trong đời thực đó là một hình ảnh đau thương xoáy vào tận đáy lòng nhân ái.

Đi dạy lại chưa đầy một tuần, tôi bỏ lớp xuống văn phòng, nói với anh Ấu Đức Tài, hiệu trưởng, rằng tôi nghỉ dạy, chuẩn bị nhập ngũ. Ai cũng chưng hửng vì tôi đang được hoãn dịch. Mấy người bạn thân xúm lại hỏi tôi, tôi không nói thẳng ý tôi là “muốn chống Cộng bằng bóp cò súng chứ không bằng phấn bảng” (Câu tôi hay nói đùa với bạn bè) vì sợ mất lòng họ, cho họ là không “gan” như mình, nhưng ai cũng cho rằng tôi điên. Bỏ dạy trình diện nhập ngũ trước khi hết hạn kỳ hoãn dịch, mà còn có thể xin tái hoãn dịch được nữa, là một hành động điên rồ.

Tôi gọi điện thoại cho người em rể đang làm việc ở Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương, hẹn có rảnh lái xe qua đưa tôi vào trình diện phòng Tuyển Mộ Nhập Ngủ Thừa – Thiên / Huế.

Trong khi chờ người em tới, tôi bước ra bãi cỏ trước sân văn phòng. Thợ hồ đang xây lại chỗ tường bị bắn thủng, phía ngó qua bên kia đường Hoàng Hoa Thám là Ty Ngân Khố.

Bác Nguyễn Tốn, cũng quê ở Quảng Trị, cai trường, đang đứng đó, kể cho tôi nghe:

– “Một thằng lính Mỹ rất trẻ chết ngay chỗ ni (nầy)”.

Thấy tôi đưa mắt hỏi, bác nói tiếp:

-“Từ chỗ ni, nó phóng qua cái lỗ ni, qua bên tê (kia) đường. Nó bị đạn bắn vô đầu. Một thằng khác cỏng nó về đây, rồi nó nằm chết ngay chỗ ni, trên cỏ”.

– “Sao bác biết rõ vậy?” Tôi hỏi.

Bác cai trường nói:

– “Mấy bữa đó, tui với vợ con tui núp phía sau “ga-ra”. “Ga-ra” ni mái đúc, không sợ pháo kích. Một thằng lính Mỹ còn trẻ lắm, khoảng 18, 19 tuổi, buổi sáng hôm nớ (ấy) nó ngồi nghỉ ở con đường hẽm giữa “ga-ra” với lớp Đệ Nhị. Nó ngồi dựa lưng vô tường, tay cầm tấm hình, nó gọi chi đó, rồi khóc. Tôi hỏi thằng con trai tui. Thằng con tui nói: “Nó kêu mạ ơi! “Hi! Mom”. Tiếng Mỹ là “mạ ơi” đó. Có lẽ người trong hình là mạ nó”. Một lúc sau, thấy mấy đứa dỏ (nhỏ) con tui lấp ló, nó kêu lại cho mấy miếng “sô-cô-la”. Rồi lấy mấy hộp thịt hộp, mứt, cho mấy đứa dỏ. Thấy mấy đứa dỏ còn thèm, nó nói hết rồi, còn hẹn ngày mai đem cho nữa.

“Nhưng khoảng xế trưa thì có lệnh tấn công Việt Cộng núp bên Ty Ngân Khố. Nghe lệnh, thằng lính leng teng chạy ra, mình mang balô nặng trịch. Nó theo mấy thằng tê, chui qua lỗ hàng rào, phóng qua bên tê, rồi bị đạn vô đầu. Thiệt tội nghiệp cho thằng lính Mỹ, chết còn quá trẻ!

Người xưa nói: “Nhân chi tương tử, kỳ ngôn giả thiện”. Thằng lính Mỹ không biết văn chương, không nói một cách bóng bẩy như Lưu Bị. Nó vừa khóc gọi mẹ vừa chiến đấu. Nó gọi bằng một lời chân thật nhứt: “Mom”. Đó là tiếng gọi Mẹ. Mẹ là nơi người ta sinh ra mà cũng là nơi người ta trở về. Mẹ là chân nguyên. Ra đi từ nơi mẹ, là ra đi từ chân nguyên, và chết là trở về với chân nguyên, với mẹ. Số phận con người! Đáng thương thay!

Thằng lính Mỹ bên kia Thái Bình Dương qua chết nơi nầy. Chết cho ai? Cho quyền lợi tư bản Mỹ, cho quyền lợi của nhân dân Mỹ, hay cho quyền lợi của nhân dân Miền Nam Việt Nam. Nhìn vào lăng kính nào chúng ta cũng thấy có lý và không có lý cả, nhưng nếu nhìn vào mặt nhân bản thì những cái chết của người lính Mỹ trên đất nước nầy, hay của chính người lính miền Nam chết ngay trên quê hương của họ, há không phải là để bảo vệ tự do, chống lại một chế độ độc tài tàn ác hay sao? Và không ít những người học trò của tôi, nghe theo lời thầy dạy trong câu thơ “Chinh Phụ Ngâm”: “Xếp bút nghiên theo việc đao cung” đã bỏ mình trên chiến trường đâu đó.

Trong ý nghĩa bảo vệ tự do, chống lại một chế độ độc tài tàn bạo thì những cái chết đó là có lý tưởng, là những hy sinh cao cả thật sự, vinh quang thật sự cho cả nhân loại chứ không phải chỉ riêng cho ai, cho một dân tộc nào. Đó cũng là ý nghĩa của sự gần gũi giữa những người khác màu da, khác chủng tộc đứng chung một chiến tuyến vậy.

Trong suy nghĩ đó, tôi bước lên ngồi trên xe để người em rể đưa đi trình diện nhập ngũ, nghe như có lời kêu gọi của một chuyến phiêu bạt phương xa, mà lòng không còn một chút đắn đo, suy nghĩ.

                                                                                                               

Phần 2:

Dịch từ sách của Keith W. Nolan

 

Các đồng sự nói rằng trung tá Ernest C. Cheatham, Jr. là sĩ quan khéo léo nhứt mà họ đã từng phục vụ. Đó là điều họ muốn nói tới ông ta.
Ông ta người cao lớn, 6 fít, một cựu cầu thủ bóng bầu dục chuyên nghiệp, hăng hái, tài ba, can đảm của một cấp chỉ huy quân đội. Ông là người có trách nhiệm cao theo phương cách của tướng Patton (thường gắn cặp kính che mắt trên mũ sắt), ông ta quan tâm sâu sắc đến các TQLC trẻ dưới quyền chỉ huy của ông. Trong tiểu đoàn người ta gọi ông là Big Ernie.
Ông ta bị vỡ mộng. Ba trong bốn đại đội của ông: Fox, Golf và Hotel đang chiến đấu ở Huế. Trong khi ông ta thì bị kẹt lại ở Phú Bài mà không biết việc gì đang xảy ra cho binh sĩ của ông. Ông ta quấy rầy Trung Đoàn Trưởng, đại tá Robert D. Bohn, và cuối cùng, ngày 3 tháng Hai, ông ta được lệnh nắm lại tiểu đoàn. Họ tổ chức một đoàn xe. Cheatham và trung sĩ tham mưu trên một chiếc xe Jeep, ban tham mưu tiểu đoàn thì chen nhau trên những chiếc xe Jeep có gắn máy truyền tin. Lính bổ sung, ban Chỉ Huy, Đại Đội Công Vụ, Văn Phòng thì lên xe GMC. Một chiếc có trí súng đại liên 50 đi đầu để giữ an ninh. Cũng trên GMC trong chuyến đi có đại tá Stanley Smith Hughes, vừa mới được chỉ định làm Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn TQLC số 1, chịu trách nhiệm chỉ huy và kiểm soát Lực Lượng Đặc Nhiệm thành phố Huế.
Đoàn xe tiến ra QL. 1, lên hướng bắc vào lúc sáng sớm. Lại cũng là câu chuyện cũ: Bầu trời xám xịt, không có dấu hiệu gì về phía địch, không có bóng người. Họ vượt qua sông Phú Cam (An cựu), hướng về phía MACV và bị quân CSBV tấn công. Từ trong các tòa nhà, AK-47 bắn ra như mưa. TQLC 1/ 1 ở một bên, bắn trả. Đoàn xe tiếp tục di chuyển. Một chiếc xe Ontos trên đường bị giật mạnh vì trúng đạn B-40. Phía tay mặt súng bắn dữ hơn, phía sau là gần nhà thờ công giáo.

Khoảng 1 giờ chiều, họ vào tới MACV.
Đại tá Hughes gọi ngay Gravel và tức thời lập bộ chỉ huy trong câu lạc bộ sĩ quan trong MACV. Hughes là người được chọn đúng để chỉ huy cuộc hành quân. Quê ở tiểu bang Nữu Ước, người chắc nịch, da hơi đen – có mang huyết thống da đỏ – ít nói, thân mật. Năm 1944, khi còn là một trung đội trưởng trẻ, ông đã được thưởng huy chương Hải Quân do chỉ huy thêm hai trung đội sau khi các sĩ quan bị tử thương trong một cuộc tấn công dữ dội vượt qua một con suối ở mũi Gloucester. Khi làm trung đoàn trưởng, ông được mọi người kính trọng.
Tại Bộ Chỉ Huy Hành Quân, Hughes và ban tham mưu trung đoàn đặt bản đồ xuống và cố xem xét coi thử ở Huế đang xảy ra chuyện gì và phải ứng phó như thế nào. Tướng LaHue và những người ở LLĐN X-Ray không có tin tình báo chắc chắn. Thực ra, chẳng ai nắm chắc tình hình địch. Có một điều Hughes hy vọng được là những gì ông hiện có trong tay để ứng phó ngay tại mặt trận. Buổi chiều ngày 3 tháng Hai hôm đó, trong tay ông ta có: Đại đội Fox, Đại đội Golf và Đại đội Hotel 2/ 5 do trung tá Cheatham chỉ huy.

Hầu hết Đại đội A và Trung Đội Công vụ 1/ 1do trung tá Gravel chỉ huy.
Toán súng cối và đại bác không giật lấy từ Đại Đội Công Vụ của tiểu đoàn; xe vận chuyển súng chống chiến xa của chi đội; Chi Đoàn Chiến Xa số 1; bốn chiến xa còn lại của Chi Đoàn 3 Chiến Xa thuộc Sư Đoàn 3/ TQLC, xe trang bị đại liên 50 của Pháo Đội D, Tiểu Đoàn 1, Trung Đoàn 44/ Pháo Binh và Trung Đội Pháo Dã Chiến của VNCH.
Nhân viên Toán Cố Vấn số 3 tại MACV, thủy thủ tàu Hải Quân ngoài bến tàu sông Hương, một số nhân viên mới được gởi tới tăng cường, một số TQLC thuộc Tiểu Đoàn Quân Vận số 1 giữ nhiệm vụ chuyển vận giữa Huế và Phú Bài. Một số ít đơn vị thuộc QĐ/ VNCH.
Lệnh của đại tá Hughes là quét sạch Cộng Quân tại khu nam thành phố Huế, nửa mặt trận bên kia sông, trong Thành Nội, do tướng Trưởng và QĐ/ VNCH chịu trách nhiệm, không có sự hỗ trợ của bộ binh Hoa Kỳ. Với ý đồ như thế, đại tá Hughes vội vàng vạch kế hoạch. Cheatham gánh một trách nhiệm nặng nề, đẩy lùi quân địch từ MACV dọc theo sông Hương tới ngã ba sông An Cựu, chỗ khúc sông nầy nối với sông Hương (khu trường Pellerin – ngd). Trục hành quân chính cho Đại đội 2/5 là dọc theo đường Lê Lợi, đường nầy chạy song song với sông Hương, (chỗ khúc đường nầy hơi cong là bộ Chỉ huy của quân Cộng Sản và hầu hết quân lính họ tập trung ở đây). Đơn vị 1/ 1 của Gravel hành quân cùng Đại đội 2/ 5 dọc theo sông An Cựu, giữ an ninh QL. 1 giao thông với MACV. Trong hai nhiệm vụ nầy, nhiệm vụ Gravel dễ hơn vì đơn vị của ông thiếu quân số trầm trọng. Vã lại, so ra thì Gravel tính tình cẩn thận hơn. Sự thật, trước khi được tăng cường, – trước khi Bộ Chỉ Huy biết chắc những gì xảy ra ở Huế, LLĐN đã thúc đẩy ông ta tiến nhanh và hoàn thành nhiệm vụ. Họ nghĩ ông ta đã làm hết sức mình.
Đại tá Hughes ra lệnh Quân đội VNCH quét sạch địch ở hậu tuyến TQLC, tiêu diệt những tay bắn sẻ còn trốn lại, chịu trách nhiệm giúp dân tỵ nạn, thường dân bị thương tích xảy ra khi phải cận chiến từng nhà một.
Cheatham và Gravel đứng trong phòng hành quân khi đại tá Hughes ra lệnh. Cheatham hơi chần chừ một chút, chờ thêm tin tức.
Chờ gì nữa. Chẳng có thêm tin tình báo hay gì khác. Đại tá Hughes biết ý, nói: “Nếu muốn có gì thêm thì anh chẳng được gì hết”. Giống như mọi người đến Huế, Hughes chỉ có những tin tức đại khái. Ông ta nói thêm: “Anh phải tự lo liệu lấy, bằng cách nào đó thì cách. Còn như thượng cấp có gì thì tôi sẽ lo cho anh”.
Nghe vậy, Cheatham đội nón sắt lên đầu, tay với cây súng M-16 rồi đi ra mặt trận. Mấy phút sau, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 5 TQLC đụng giặc.
Trung tá Cheatham đặt Ban Chỉ Huy bên kia đường, ngang với MACV, trong một ngôi nhà của viện Đại Học Huế. Các Đại đội Fox, Golf và Hotel đang đóng chung quanh ngôi nhà nầy. Khu vực của họ chỉ có chừng đó. Trước mặt là quân Cộng Sản BV, thỉnh thoảng nổ súng. Bên phải là đường Lê Lợi và sông Hương. Bên trái là đại đội 1/ 1. Phía trước, bên phải, địch đang nắm hết mấy con đường, có khoảng 11 khu nhà và chín cái nằm sâu bên trong. Cứ mỗi một đường đi, mỗi góc đường, cửa sổ, ngã tư là có thần chết ngự trị ở đó. Phải đánh chiếm từng khu một, từng nhà một, từng viên gạch một. Họ có thể xoáy được bản đồ ở cây xăng Shell, Ty Cảnh Sát và nhân viên quân sự tại MACV. Cheatham, ba đại đội trưởng, chín trung đội trưởng chia nhau ba cái bản đồ. Mục tiêu đầu tiên nằm ngay trước mặt: Ty Ngân Khố, sát ngay đó là Bưu Điện. Quân CSBV đào hầm núp ngay bên trong. Họ không có ý định phân tán hay rút lui như họ thường rút lui trong vùng quê hay trong rừng rậm.
Hạ sĩ Dan Arkie Allbritton, 20 tuổi, 4 tháng làm tiểu đội trưởng, thuộc Trung đội 3, Đại đội Fox. Anh ta lùn, mang kiếng, quê ở Arkansas, nói giọng mũi, có Chiến Thương Bội Tinh với dấu tích ở mấy cái sẹo sau lưng vì bị mìn ba tháng trước tại An Hòa. Lần đầu tiên vào Huế, Allbritton nghe một anh trung sĩ nói họ đã quét được mấy tay bắn sẻ.
Chỉ trong mấy ngày, câu trả lời của anh là: Chuyện nhảm nhí.

Ngay trong những ngày đầu, Trung đội 3 kiểm soát được khu vực quanh MACV và khu Đại Học. Ở đây cũng có một chiến xa của QĐ/ VNCH, đậu sát tường. Allbritton quan sát, đùa giỡn với mấy người lính Việt Nam phía sau chiếc xe tăng, bắn vài tràng đạn trên pháo tháp trước khi các tên bắn sẻ làm được gì, rồi toác miệng cười với TQLC.
Cuối cùng thì có lệnh. Tuy nhiên, hạ sĩ Allbritton, hạ sĩ Carter, và những người còn lại trong Trung đội 3 còn gặp may. Trung đội 2 được chọn đi đầu. Họ quan sát Trung đội 2 TQLC đi quanh các bức tường rồi biến mất ở đầu đường, phía bên trái, tiến về ty Ngân Khố và Bưu Điện. Chỉ trong mấy phút, cả con đường súng nổ dậy lên.

Trung úy Donald A. Hausrath, Jr. trung đội trưởng Trung đội 3, được lệnh tiến lên, giúp Trung đội 2 rút lui. Hai chiếc xe tăng của TQLC di chuyển thật chậm phía trước, trên con đường rộng có hai hàng cây bai bên. Từ trên mái những căn nhà phía trước quân CSBV bắn xuống. Đạn rớt và kêu lụp bụp chung quanh. TQLC lom khom núp sau hai chiếc xe tăng, đi từng bước một, quan sát rất cẩn thận, đầu cúi xuống tránh đạn. Carter thấy một anh TQLC da đen nằm bên lề đường. Chung quanh súng vẫn nổ. Carter nghĩ, Chúa ơi, Trung đội 2 chắc bị quét sạch cả rồi.
Xe tăng bắn trả bằng đại liên 50 và đại bác 90ly. Vài TQLC núp sau xe tăng cũng bắn phụ vào. Thiếu úy Hausrath cùng với những người khác cố kéo những người bị thương hay chết vào phía sau xe tăng. Trong trung đội, những người còn sống núp vào trong các ngưỡng cửa hay các con hẽm, bắt đầu tháo lui. Có ai đó quăng một anh TQLC còn trẻ, đã bất tĩnh lên lưng chiếc xe tăng, ngay trên đầu Carter. Bất thần, một quả B-40 bắn vào pháo tháp, trượt qua trên mình anh lính bị thương, mảnh đạn văng ra. Anh lính TQLC bị rớt xuống khỏi chiếc xe tăng, tỉnh dậy và rên. Một chân anh ta bay mất.
Họ bỏ hết cả người bị thương và chết lên xe tăng rồi vừa lùi vừa bắn dữ dội. Súng cối từ ban chỉ huy đại đội bắn tới yểm trợ. Đó chỉ mới là một sự thử thách ngắn ngủi và đẫm máu. Đại úy đại đội trưởng bị thương nhẹ vì mảnh đạn B-40.
Những người bị thương được chuyển về trạm xá. TQLC lui về ẩn núp trong những ngôi nhà và các bờ tường, ngay nơi họ vừa xuất phát. Carter đang đứng nơi đó thì trung úy Hausrath nắm lấy anh ta:

– “Carter, có phải anh là người bắn hỏa tiễn. Anh được xác nhận năng lực rồi phải không?”

– “Vâng, đúng, thiếu úy.” Carter trả lời. “Tôi là chuyên viên về hỏa tiển. Đó là khả năng chuyên môn quân sự của tôi.” (MOS)

– “Được rồi, anh là người bắn hỏa tiển của chúng tôi.”
Một cây súng bắn hỏa tiễn 3.5 inch, na ná cây bazooka cũ, được mang tới. Carter được lệnh mang cây súng xuống đường, nơi họ vừa mới bị chận đánh tơi bời, đục một lỗ ngay trong sân, phía bên phải. Kế hoạch là đưa Đại đội Fox vào trong một cái sân trước, rồi đánh chiếm từng nhà cho tới khi vào ty Ngân Khố, như thế là mở được an ninh cho các con đường trong khu vực nầy. Một chiếc xe tăng bắt đầu tiến tới, Carter đi lom khom bên cạnh, giữa bức tường và chiến xa. Anh ta vác khẩu súng trên vai, súng nạp sẵn một viên đạn. Carter nhắm mục tiêu, bắn, cái cổng sắt ngang bức tường bay mất.
Phần còn lại của đại đội tiến tới trước, núp bên những cái lỗ trên tường. Họ bắt đầu chiếm từng nhà. Carter thì mở cửa nhà bằng đại bác, TQLC thì quăng lựu đạn, rồi tiến vào nhà kiểm soát. Địch không bắn trả. Sự việc kéo dài khoảng 15 phút.
Carter khom lưng xuống, lại nạp đạn khi anh thấy một vài TQLC của đại đội 2 tiến vào bờ tường một cái sân nhà khác (mỗi sân nhà cách nhau bằng một bức tường). Họ đẩy một anh lính qua cái sân nhà bên cạnh. Vừa khi đầu anh lính ló lên khỏi đầu tường là súng AK- 47 của những tên bắn lén không biết núp ở đâu bắn lốp bốp. Anh lính té ngược lui, đạn trúng mặt. Anh ta chỉ kịp kêu lên “Mẹ ơi”, rồi chết.
Carter bắn toang cánh cửa ngôi nhà bên cạnh. Rồi anh ta cùng với một anh hạ sĩ khác chạy nhanh vào. Chẳng có ai hết. Họ phóng qua bức tường trước mặt. Carter từ từ mở cánh cửa sổ và nhìn ra bên ngoài, tim muốn ngừng đập. Tại “ban-công” căn lầu hai tòa nhà bên cạnh có 3 lính CSBV đứng đó. Họ đội nón cối có gắn sao đỏ phía trước, gần đến nỗi có thể thấy được mặt nhau. Anh ta hơi ngại. Nếu bắn, không chắc an toàn cho vị trí của trung đội gần đó. Carter gọi anh hạ sĩ: “Ê! Nhìn đây nầy. Tom, có mấy thằng cùi đây nầy.”

– “Nói với tao làm quỷ gì? Bắn đi.”
Cú bắn đó thật dễ. Carter tháo cây M-16 và để lên vai. Anh ta nhắm một tên mặc kaki và bóp cò. Anh nầy té ngược lui. Carter nhắm lẹ qua anh thứ hai, anh nầy té qua “ban-công” xuống đất. Người thứ ba biến mất.

Carter nhăn răng cười với bạn, nhắm một chút nước bọt vào mấy đầu ngón tay và ngửi ngửi đầu nòng súng.

Mặt trời lặn, suốt đêm súng ba hồi nổ, ba hồi ngưng.
Đêm đó, Cheatham gọi tên các đại đội trưởng. Sáng ra, ông ta nói, toàn bộ tiểu đoàn sẽ tập trung tấn công Ty Ngân Khố và Bưu Điện. Đại đội Fox của đại úy Downs thì chiếm khu vực hai ty Ngân Khố, Bưu điện; Đại đội Hotel của đại úy Christmas chiếm ty Y Tế, nằm bên phải của Đại đội Fox; đại uý Meadows và Đại đội Golf của ông ta vì bị hao hụt hết 1/ 3 trong những ngày đầu nên được chọn làm trừ bị.
Với cố gắng bảo tồn vẻ đẹp và tính lịch sử của thành phố Huế, tướng Lãm và chính phủ ở Saigon yêu cầu bộ Chỉ huy TQLC hạn chế xử dụng vũ khí nặng, có nghĩa là không dùng bom, hoặc đại bác của hải quân, không dùng vũ khí gây hỏa. TQLC đối đầu với một lực lượng địch cao hơn về quân số, công sự chuẩn bị kỹ, bảo vệ kín, trang bị vũ khí tự động, đại bác không giật, súng cối và hỏa tiển. Chỉ có xe tăng là khí cụ TQLC có mà quân CSBV thì không. Lại có báo cáo quân CSBV xử dụng một số đại bác được gắn trên thiết vận xa của QĐ/ VNCH do họ chiếm được.
Tình hình rất tồi tệ cho phía TQLC đang tham chiến ở đây, từ người đại đội trưởng 30 tuổi cho tới anh binh nhì 18 tuổi có nhiệm vụ chiến đấu trên từng đường phố.

Cheatham nói với các đội trưởng một cách vắn tắt: “Các anh phải đào chuột từ trong hang của nó.

Buổi sáng ngày Chủ nhật, 4 tháng Hai, trời buồn rầu u ám, và lạnh. Súng lại nổ trên đường phố.
Đại úy Christmas cùng xạ thủ đại bác, trung sĩ Frank, A. Thomas, Jr. chỉ huy Đại đội Hotel tiến tới. Trung đội 1 tìm cách chiếm ngôi nhà sát ty Y Tế (Nhà thuốc Tây Lê Đình Phòng – ngd), trung đội ba chiếm ngôi nhà bên kia đường nhưng bị quân CSBV bắn dữ dội. Họ tháo lui, hai người bị thương. TQLC thảy lựu đạn khói xuống đường để che địch nhưng súng địch phía mặt hông bắn rất sát, xuyên qua màn khói. TQLC của Đại Đội Golf từ các cửa sổ của viện Đại Học (Morin cũ – ngd) bắn xuống. Đại úy Christmas và xạ thủ đại bác hội ý với trung đội trưởng, quyết định đưa cây đại bác 106 ly không giật lên để bảo vệ việc băng qua đường. Họ thả trái khói, quan sát tình hình, và toán xạ thủ 106 ly làm việc. Viên đạn bắn xuống đường, khói đen bốc lên, quân địch cúi đầu núp trong mấy phút. Thế là đại đội vượt qua bên kia đường.
Họ chiếm ty Y Tế. Súng nổ trong giây lát, một TQLC và một chục CSBV chết.

Lính TQLC leo lên mái nhà, chiếm các cửa sổ, và bắt đầu tác xạ vào phía hông ty Ngân Khố và Bưu Điện. Ở bên trái, Đại đội Fox đang đánh nhau với địch.

Thiếu úy Hausrath và trung đội đang ở phía trước. Carter đục một lỗ ở bức tường sân trước ngôi trường hai lầu của giáo hội Catholic (Thực ra đây là trường Trung Học Đệ Nhị cấp Bán Công Huế, đối diện ty Ngân Khố, bên kia đường Hoàng Hoa Thám – ngd) và các TQLC vội vàng chui qua đó tiến tới bức tường đối diện. Bên kia đường, ngay trước mặt là Ty Ngân Khố. Từ trên lầu ty Ngân Khố, quân CSBV bắn xuống đường như mưa, đạn vải lụp bụp trên tường và sân cỏ của ngôi trường. Ty Ngân Khố được xây vững chắc như một nhà kho gồm hai tầng, chung quanh là bức tường cao 8 bộ, sân có hàng cây.
Quân CSBV cố thủ bên trong.
Đại úy Downs và người mang máy truyền tin của anh ta vào được trong trường. Viên đại úy muốn một toán hỏa lực tấn chiếm kho bạc nên gọi Carter phá tường cho họ tiến vào. Carter ôm đại bác 3.5 nhưng phía nầy sân trường lại không có cửa. Anh ta phải bắn thủng một lỗ trên tường, cát gạch đổ xuống đường. Rồi anh ta phá một lỗ nhỏ ở bức tường trước của ty Ngân Khố, cẩn thận nhắm vào một điểm cách xa 15 bộ, chỗ quân CSBV từ trên lầu bắn xuống có thể bị cây và tấm bia đá cản tầm bắn của họ. Việc đó phí công.
Vừa khi toán hỏa lực đổ xuống đường, quân CSBV bắn như điên khùng. Các TQLC núp vào bờ tường, đạn bay qua đầu và dội trên mặt đường ngay sau lưng họ. Một anh lính trẻ tên là Washburn ló đầu lên bờ lỗ tường và ngọ nguậy. Bỗng người anh ta giựt mạnh và chùng xuống – anh ta bị địch bắn vào đầu. Mấy người khác vội vàng kéo anh ta ra khỏi cái lỗ đó. Anh ta còn hơi thở yếu nhưng đồng đội không thể mang anh ta quay lại bên kia đường mà không lảnh đạn.
Dọc theo bờ tường trường học, hạ sĩ Allbritton và tiểu đội của anh bắn như điên, cố gắng hỗ trợ cho toán hỏa lực. Phía quân CSBV cũng bắn dữ dội.
Toán trưởng hỏa lực, hạ sĩ Thomas R. Burnham quê ở Pennsylvania, chạy lom khom dọc theo tường, gần Allbritton, trông có vẻ chán nản. Bernie Burnham là con người huyền thoại của tiểu đoàn. Trước hết, anh ta 31 tuổi, từng chiến đấu ở Triều Tiên nhưng khi chiến tranh chấm dứt thì anh ta còn ở trong trại huấn luyện. Rồi anh ta làm thợ điện. Khi chiến tranh Việt Nam hâm nóng trở lại thì anh đăng lính qua Việt Nam. Bốn tháng trước, trong khi Cộng Sản tấn công Nông Sơn, anh ta đè mình lên một trái lựu đạn. Lựu đạn không nổ, anh ta sống một cách gan lì – Anh có được Hải Quân Chiến Công Bội Tinh – và là thần tượng của những anh TQLC 18, 19 tuổi trong trung đội, là người mà người khác nhờ cậy được.
Một lần nữa, hạ sĩ Burnham lại chứng tỏ thiên tài của anh.
Anh ta ló đầu lên lỗ tường rồi phóng thẳng xuống đường. Ai ai cũng nổ súng bắn che cho anh ta. Đạn của quân CSBV rơi chung quanh. Anh nằm sát vào bờ tường ty Ngân Khố, rồi nhắc bỗng Washburn lên vai chạy ngược lui bên nầy đường. Toán hỏa lực đứng dậy chạy trối chết theo anh ta trong khi anh ta chạy trong đám lửa đạn, nhào vào phía trong bức tường trường học. Nếu có thì giờ thì đám lính đồng đội la to hoan hô anh. Washburn chết tại sân cỏ trường học trước khi kịp chuyển về MACV.
Burnham thực hiện kỳ công đó khi Allbritton thấy một phóng viên và người mang máy quay phim dọn đồ quay về. Họ nói là họ trở về ban chỉ huy. Allbritton biết họ là dân sự và không nên có mặt ở đây làm anh ta thêm bực mình. Mấy TQLC hỏi anh nhà báo người Úc sao không quay trở lui giống như những người Mỹ, anh ta nói là sợ, không dám đi một mình.
Carter lại ngồi xổm bên cạnh bức tường với cây súng đại bác 3.5inch. Anh ta biết là anh có cây súng quái quỉ nầy và phải làm gì đây. Anh ta nghĩ là nên quay lại ngôi trường, đặt súng trên lầu hai mà bắn nát họng mấy thằng cùi bên kia đường.
Carter gọi to cho Hausrath và nói ý định của anh.

Trung úy Hausrath đang ngồi nghỉ bên bờ tường, gọi lại:

“Làm thử đi, coi chừng bị bắn.”
Carter giỡn trở lại: “Trung úy muốn vậy hả?”
Carter và trợ viên khi thì bò, khi trườn, rồi chạy về phía ngôi trường. Bụi, đất, gạch đá văng tung tóe quanh hai người. Lính đang ngồi nghỉ, không ai bắn trả địch. Họ lại đứng lên, súng lại nổ. Phải hai chục phút họ mới băng qua được sân cỏ. Rồi họ xông vào một cái cửa lớn. Carter lấy làm lạ tại sao anh ta không bị thương. Họ đi ngang qua chỗ đại úy Downs và người mang máy truyền tin rồi theo cầu thang lên lầu hai. Tầng nầy dài, một phía là cửa lớn làm theo kiểu Pháp, phía kia có khoảng 15 cửa sổ ngó qua ty Ngân Khố. Carter đặt súng lên vai, hơi cúi mình xuống, anh trợ viên tra đạn vào nòng. Xong, Carter tiến ra cửa sổ, để mắt vào ống nhắm, bấm cò.

Viên đạn nổ bên phía ty Ngân Khố (Kho bạc).
Carter lại cúi mình xuống, trợ xạ thủ nạp đạn, rồi hai người lần ra hành lang, cho đạn bay qua cửa sổ. TQLC mang súng M-60 chạy lên cầu thang tiếp sức. Họ kê súng lên ngưỡng cửa sổ và bắn vào những chỗ họ thấy họng súng của địch ló ra bên phía ty Ngân Khố, xác định mục tiêu cho Carter. Thêm nhiều TQLC chạy lên lầu nữa, bắn liên tu, vỏ đạn đổ thành đống trên sàn nhà. Carter tiếp tục bắn. Anh ta không biết đã bắn bao nhiêu quả đạn nữa, có lẽ cả trăm. Địch cũng bắn lách cách bên ngoài làm cho Carter sợ, nhưng đồng thời anh ta cũng thấy vui. Lính TQLC vừa bắn vừa chưởi thề: “Đ. mẹ, trả lại cho chúng nó đi.”
Allbritton ngồi xổm đằng sau mấy cây cột bằng gạch, dùng M-16 bắn như mưa qua bên kia đường. Bất thần đạn bắn trúng vào cột làm văng mảnh ximăng vào mặt anh ta. Anh ta nhảy qua chỗ mới, gở nón sắt xuống, nhổ ximăng trong miệng ra. Anh ta nhìn lên thấy một TQLC đang núp phía sau, nhìn anh ta nhăn răng ra cười, nói lè nhè: “Mày biết không, Arkie, có thể được thêm một chiến thương bội tinh nữa đó.”

Cheatham chạy vòng quanh các tòa nhà trong trường chỉ huy cuộc đấu súng, cố làm thế nào để chiếm cho được ty Ngân Khố. Anh ta gọi máy, chỉ cho một chiến xa mục tiêu phía trước. Chiếc chiến xa ló đầu ra khỏi hai khu nhà hai bên, trước khi bắn được phát súng thì một quả B-40 nổ ngay trước mũi xe tăng. Tài xế dọt xe lui, càn lên đống kẽm gai. Cheatham chưởi thề, rồi gọi toán đại bác không giật 106 ly tới bắn mấy phát đạn làm vỡ bức tường.

Đại úy Harold Ernie Pyle hết sức bối rối. Trước khi đoàn xe đi Huế với ban chỉ huy của Đại đội 2/5, sĩ quan liên lạc không quân của Trung đoàn 1 TQLC có báo cho anh ta biết vài qui định khi vào Huế. Nếu gọi không yểm thì anh ta chỉ được hỗ trợ súng với loại đạn 7. 62ly và 20ly, hỏa tiễn 2.75 inch. Anh ta nghĩ, quỉ thiệt, bọn lính bộ có nhiều vũ khí hơn thế, điều họ cần là bom 500 cân Anh, bom lửa. Vào Huế, anh ta đã từng thấy máy bay oanh tạc Skyraider của Không Lực/ VNCH thả bom trong Thành Nội, vậy mà TQLC/ Mỹ thì bị cấm. Anh ta muốn – nếu thời tiết tốt – cho mấy chiếc Phantoms tấn công Kho Bạc (Ngân Khố), giúp cho TQLC chiếm mục tiêu được dễ hơn.
Nhưng không được vậy. Đại úy Pyle thấy đại úy Tom Fine, sĩ quan kiểm soát không yểm đi theo với vai trò như một sĩ quan bộ binh. Họ leo lên tầng hai viện Đại Học (lầu Morin ngd) và tìm hướng cửa ngó ra ty Ngân Khố. Họ mở một cánh cửa làm theo kiểu Pháp, núp ở hành lang và bắn qua Kho Bạc.
Họ thấy đại liên địch núp trong ty Ngân Khố bắn xuống đường. Đó là chỗ Đại Đội Hotel phải tiến tới. Và đó cũng là điểm gay go cho đại đội Fox. Đại úy Pyle đi tìm Cheatham.
Cheatham và sĩ quan quản trị, thiếu tá Ralph J. Salvati xuất hiện. Cheatham nhìn một lúc rồi gọi toán xạ thủ đại bác 106 ly. Toán nầy cho xe chở súng lên. Thiếu tá Salvati giúp họ đưa cây súng lên cầu thang và đặt vào góc phòng. Họ nhìn vào ống ngắm để định vị trí và bắn vài tràng đại liên 50. Xạ thủ nới giây buộc rồi tất cả bọn họ chạy lui núp sau hành lang. Xạ thủ lại kéo mạnh sợ giây, súng nổ, toàn bộ căn phòng rung rinh. Khi bụi tan đi, họ quay lại phòng. Trần nhà thủng một lỗ và cây súng 106 thì bị lấp dưới lớp vữa và gạch. Kế hoạch của Cheatham thành công: Phía dưới đường, tiếng súng của địch im bặt.
Thiếu tá Salvati nắm cây súng Thompson chạy đi quan sát xem Đại đội Fox hành quân như thế nào. Ông ta thấy đại úy Downs ở trong trường học. Anh ta thất vọng. Súng của TQLC chỉ bắn trúng vào tường ty Ngân Khố, quân CSBV thì có một xạ trường rất tốt. Mặc dù toán súng cối 81 ly của đại đội nằm trong sân trường Đại Học rót đạn trúng mái nhà nhưng tuồng như không mấy hiệu quả. Salvati biết ông ta không thể ở lại với ban Chỉ Huy Đại Đội được nữa nên gọi mấy TQLC cùng lấy 1 khẩu đại bác không giật 3.5 inch, ở lại với Đại Đội Fox. Toán xạ thủ nầy núp phía sau bức tường và bắt đầu tác xạ vào Kho Bạc.
Từ vị trí của mình, Carter bắn thêm một phát đại bác nữa, anh trợ thủ nạp đạn, Carter lại thò ra cửa sổ. Carter nhớ ra trợ thủ chưa đóng cơ bẫm. Anh cúi xuống, vói tay đóng cơ bẫm thì một trái B-40 bay vù vào, xuyên qua cửa sổ và nổ ầm trong hành lang. Bụi cát, đất, đá kiếng bể bay đầy hành lang trường học. Carter nhoài người lui phía sau cánh cửa lớp. Rồi anh ta nằm yên, không còn cảm giác gì về thân thể mình nữa, cũng không nghe mà cũng không thấy. Tất cả mọi thứ chỉ có một màu xám xịt. Điều anh ta làm được là tự nói thầm: “Chúa ơi! Chắc tôi chết.” Anh ta có cảm tưởng như đang kẹt trong một cái hầm đá, có một chút ánh sáng ở cuối hầm mà thôi. Anh ta tự nói thầm với mình nếu tay còn nhúc nhích được, đầu còn lắc lư được là chưa chết. Anh ta thử lắc đầu nhưng không được. Có tiếng la to: “Đem nó ra khỏi đây, chắc nó chết rồi.” Có ai đó nắm vào cổ tay anh ta lôi đi. Carter quẫy người, lắc đầu rồi ngồi dậy. Tay anh ta đau vì mảnh đạn. Toàn cả hành lang đầy khói và mảnh tường vỡ. TQLC chạy lên chạy xuống cầu thang mang người bị thương đi.
Vài người phía sau Carter rên lên, anh ta giật đầu nhìn lui. Phụ xạ thủ ngồi trong đống vữa, hai má dính máu, mảnh kiếng vô trong mắt. Carter không biết làm sao, không dám đụng vào mắt anh ấy. Anh ta lấy hộp giấy đựng phần ăn C và lanh lẹ quấn quanh đầu người bị thương.
Những người bị thương nhẹ lại bắt đầu trở ngược lên cầu thang. Toán xạ thủ M-60 lại nổ súng. Carter bước trên đống vữa đi tìm cây đại bác 3.5 inch của anh và lại bắt đầu bắn.

Trước khi tới phiên, khi ông ta còn trong ban Chỉ Huy Đại Đội, thiếu tá Salvati đã biết xử dụng súng phóng lựu đạn cay E-8. Đó là một loại thiết bị cao 2 bộ, có thể phóng trái đạn ra xa tới 250 mét. Thứ lựu đạn khói hiện được ném vào ty Ngân Khố tạo ra không đủ khói và tan rất nhanh. Ông ta nghĩ loại E-8 có thể đem ra xử dụng được. Ông ta nhớ trong khi MACV có cất giữ, chưa xử dụng tới.
Ông ta rời trường học, đi tìm Cheatham và nói với ông nầy ý định xử dụng loại vũ khí đó. Ông đại tá cho là ý hay. Salvati gọi tài xế, nhảy lên xe jeep, lái về MACV. Có vài quân nhân VNCH đang đứng gần nơi cất E-8. Họ trố mắt nhìn khi thấy Salvati vụt mấy cây súng phóng nầy lên thùng xe kéo sau xe Jeep.
Trở lại trường học, Salvati cùng với vài TQLC mang mặt nạ vào và chạy vào sân trường mang theo vũ khí E-8. Họ đặt súng phóng xuống, canh cho đạn vượt qua đầu tường, lọt vào Kho Bạc rồi họ chạy lui sau bức tường.
Salvati kéo giây cò, không có gì hết. Quái gì đây?

E-8 có thể cho nổ bằng cò điện nên Salvati chạy kiếm một hộp pin. – Ở đâu đó, ông ta cũng chẳng nhớ – xong quay trở lại sân trường và nối giây. Quả đạn nổ và bay qua Kho Bạc. Chất hơi không làm chết người bắt đầu xịt tóe ra khắp tòa nhà, bay ra khỏi cửa sổ và các khe hở. Lính CSBV không có mặt nạ chống hơi cay.

Đại úy Downs gọi Carter xuống, đại đội đang tấn công, anh ta phải yểm trợ hỏa lực bằng đại bác 3.5 inch. Carter vác súng kèm theo mấy viên đạn chạy xuống sân trường. Anh ta quỳ xuống và nhắm mục tiêu. Không thấy kẻ địch bắn anh. Anh ta đoán là họ đang chờ và sẽ nghiền nát đại đội ngay trên mặt đường. Phát súng đầu tiên của Carter phá toang cổng kho bạc, bay vào cửa chính, nổ, một cánh cửa rơi xuống. Phát thứ hai làm cánh cửa còn lại bay đi nốt. Anh ta bắn thêm một quả khói lân linh vào trong cửa rồi chạy tới bờ tường bắn trái khói xuống đường. Gió thổi khói bay ngược về phía ty Ngân Khố. Trong sân trường, đại úy Downs chuẩn bị binh sĩ tấn công.
Allbritton và tiểu đội nằm sát bờ tường, mang mặt nạ, giữ chặt súng M-16, chờ. Có người la to: “Tiến lên.” Họ đứng lên chui qua các lỗ trên tường và chạy như điên, băng qua bên kia đường. Chạy, chạy, chạy… vượt qua sân trước, qua cánh cửa bị sập, qua cửa Kho Bạc, toát mồ hôi! Allbritton cùng đồng đội quăng lựu đạn, rồi xông vào, bắn ngang hông.
Họ chạy vào hành lang, có một phòng bên phải, một phòng bên trái. Allbritton kêu hai người bắn yểm trợ cho anh ta rồi chạy tới cánh cửa cuối hành lang. Cửa nầy bị kẹt vì gạch cát đổ xuống. Có tiếng chân chạy sau cánh cửa, có tiếng người chạy từ trên cầu thang xuống. Có tiếng nói Việt nam. Allbritton la to, chỉ, xạ thủ M-60 bắn vào cửa. Họ quăng thêm lựu đạn. Cánh cửa bung ra. Người người chen nhau chạy lên cầu thang, bắn loạn xạ. Allbritton vượt cầu thang chạy ra một phòng nhỏ, ném lựu đạn, bắn M-16. Chẳng có ai ở đây cả.
Vỏ đạn AK-47 rơi trên sàn một phòng nhỏ trên cao.

Allbritton thấy mảnh E-8 trên sàn. Anh ta bước ra cửa sổ. Tường nhà dày 2 bộ, giống như công sự, đạn khó qua nổi. Anh ta nhìn qua kẻ hở. Địch thấy rõ ngoài đường và sân trường học. Đúng là một xạ trường lý tưởng. Anh ta bước lui, vừa đi vừa lẫm bẫm: “Đồ chó đẻ. Đồ chó đẻ!”
Hạ sĩ Burnham gom góp người trong tiểu đội lại ở trong lầu 1. Lính CSBV rút đi rồi, qua ngã mấy ngôi nhà và sân sau. Burnham chạy vào hành lang, bắn theo họ như điên. Có một người lính CSBV bị thương đang bò trong hành lang. Burnham trút hết băng đạn vào ngực anh nầy, trả giá. Trong ít phút, ty Ngân Khố và Bưu Điện được an toàn.
Lính TQLC đi băng qua đường. Đếm xác địch nằm trong đống gạch vụn. Mấy TQLC chớp mấy gói vàng thẻ và mấy gói bạc. Chẳng ai nói gì. Carter giúp đưa mấy người bị thương vì lúc nãy họ băng qua đường và bị CSBV bắn. Rồi anh ta đi quanh tòa nhà, thấy một cây B-40 bị bắn vỡ, mấy cái bao và thư rơi trên nền nhà. Trên lầu, có mấy hỏa tiển không nổ dính trong vách tường. Trong một văn phòng có mấy bức tranh vẽ còn treo trên tường, hình một cặp vợ chồng mới cưới và đồ chơi trẻ em nằm lẫn trong đám gạch cát vụn. Anh ta tìm một chỗ và chợt ngủ thiếp đi.

Sáng sớm, vài TQLC đánh thức Carter dậy, biểu anh vác đại bác tới Bưu Điện gấp. Có khoảng một chục CSBV núp trong căn nhà nhỏ, gọi không chịu ra. Căn nhà nhỏ nầy cách Bưu Điện khoảng 15 bộ, gần quá nên Carter không bắn được, mảnh đạn có thể văng ngược lui trúng anh ta. Anh ta leo lên mái, ra tới rìa, và nhắm. Anh ta bắn ba phát, cửa xoắn lại. Một TQLC Trung đội 2 quăng vào một trái lựu đạn cay. Lính CSBV từ trong tuôn ra, vừa ho vừa khóc. Súng máy nổ.
Xong, Carter tụt xuống. Một trong các trung sĩ khen anh ta giỏi và hỏi anh ta có bị bắn sẻ phải không? Carter nói vâng. Anh ta nghe tiếng súng nhưng vẫn cứ tập trung vào việc bắn. Anh trung sĩ cho biết đề nghị Carter được tưởng thưởng Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Đồng. Nghe thế, Carter thấy hơi thích.
Về sau anh ta chẳng bao giờ nghe nói tới huy chương, cũng chẳng bao giờ anh ta thấy anh trung sĩ đó nữa; có người nói là đã tử trận.

Cuộc chiến đấu trên đường phố Huế vẫn còn tiếp tục./

 

SOURCE:

https://tusachonline.wordpress.com/2015/01/01/keith-william-nolan-hue-tran-danh-mau-than-chuong-3-bat-dau-danh-chiem-tung-nha-ty-ngan-kho-va-buu-dien/?fbclid=IwAR2jDAI4Pd5lltO-OCUlbCS-7bK0sCiBQzeBOi-aG3WiK0z9Dm9kVw_oUPs 

 

XIN XEM TIẾP CHƯƠNG 4

 

G
M
T
Y
Text-to-speech function is limited to 200 characters

No comments:

Post a Comment