Vào ngày thứ nhì của trận đánh, thứ Năm, ngày 1 tháng 2 năm 1968, Bộ Chỉ Huy LLĐN X-Ray, cách Huế 8 dặm, bên QL1, trong không khí phức tạp vừa lạc quan, vừa hoài nghi và tin tức sai lạc. Cọng thêm vào đó là vấn đề cố hữu của các chỉ huy trưởng ở Việt Nam – do áp lực từ Hoa Thạnh Đốn, muốn nói những gì họ muốn nghe mà thôi. – Người ta có thể hiểu tại sao Tướng LaHue, khi được phái viên UPI phỏng vấn nói là vào ngày thứ hai của cuộc chiến: “Hoàn toàn chắc chắn là chúng tôi kiểm soát phía nam thành phố. Chúng tôi nghĩ là họ (CSBV) không thể nào chịu đựng nỗi. Tôi biết họ không thể chống đỡ được. Tôi không nghĩ là họ có đủ tiếp tế, và khi xử dụng hết những thứ họ đem lẻn vào được thì họ không còn gì nữa cả.”
Không phải một mình Tướng LaHue tin lầm như vậy. Tin tức báo chí đưa ra ở Saigon dựa trên tin tức của các phân bộ MACV nói rằng địch đang bị càn quét. Toán cố vấn Quân Đoàn 1 ở Đà-Nẵng cho biết quân Đồng Minh sáng nay đã đẩy quân Việt Cộng ra khỏi Huế và Tư lệnh Quân đoàn 1, Tướng Lãm nói rằng địch đã bị đánh bại ngoại trừ một trung đội đang cố thủ trong thành nội.
Huế, Cọng Sản đang nắm quyền kiểm soát thành phố.
Trong Thành Nội, Tướng (bấy giờ là đại tá) Trưởng và binh lính của ông vẫn còn giữ được Bộ Tư Lệnh trong thành Mang-Cá. Ở phía nam thành phố, lực lượng của Trung Tá Gravel giữ được Alamo (1). Trong thành phố thì các nhóm Mỹ và binh lính Nam Việt Nam bị cô lập, đang cố giữ cơ quan của họ mà Cộng sản bỏ qua hay đang bao vây. Vào lúc nầy chẳng ai có đủ sức mạnh quân sự để giúp đỡ các nhóm nầy hay phản công địch.
Quân CSBV và Việt Cộng (VC) thực hiện một công tác tuyệt hảo khi xâm nhập và chiếm giữ thành phố. Họ di chuyển nhanh và lén lút. Điều quan trọng nhất là có thể hỗ trợ cho nhau trong thành phố. Một cách lý tưởng, quân Mỹ và quân Nam VN đã triển khai các đơn vị trong toàn thành phố, cắt đứt đường tiếp tế của địch trong khi TQLC càn quét các toán quân địch đang thiếu tiếp liệu, lương thực, quân số mà thương vong càng lúc càng cao vì bị kẹt lại trong thành phố. Nhưng tình hình thì không phải hoàn toàn lý tưởng. Đây là cuộc tấn công vào dịp Tết. Cuộc tấn công vào tòa đại sứ Mỹ coi như thất bại, nhưng trận đánh ở Saigon thì chỉ mới bắt đầu. Khe Sanh còn tiếp tục bị bao vây, nhiều thị xã ở lưu vục sông Cửu Long bị địch chiếm. Mặc dù Huế là mặt trận tấn công vào dịp Tết lâu nhứt và đẫm máu nhứt, sự lưu tâm của phe Đồng Minh vẫn đồng nhứt. Căng thẳng quá độ vào dịp Tết, cọng thêm với sự kiện Bộ Chỉ huy X-Ray điều động một cách mập mờ khó hiểu các đơn vị thuộc Sư Đoàn 1 TQLC chỉ cho phép một vài đơn vị liên hệ hành quân ở Huế. Việc bao vây thành phố Huế là điều cần thiết, theo tính toán, phải cần tới 16 tiểu đoàn bộ binh. Rõ ràng không có sẵn một số lượng binh lính như vậy.
Trong cố gắng đánh bại quân địch trong và ngoài Huế, tướng John J. Tolson, một cấp chỉ huy có trách nhiệm cao và được tưởng thưởng nhiều huy chương của Sư Đoàn Không Kỵ Hoa Kỳ được lệnh gởi lực lượng trực tiếp đến bên ngoài thành phố Huế. Sư Đoàn 1 Không Kỵ được ủy nhiệm tham gia những mặt trận nặng như Quảng Trị và bất cứ nơi nào khác. Vì vậy, ngày 2 tháng Hai chỉ có tiểu đoàn 2 của trung đoàn 12 Kỵ Binh triển khai ở căn cứ Evans, phía bắc Huế. Họ được trực thăng vận đến một bãi đáp kế bên Quốc Lộ 1, cách Huế 10 cây số về phía tây-nam và tiến nhanh về phía thành phố. Sông Hương ở phía bên hông phải của cánh quân nầy. Trước khi trận đánh kết thúc, thêm ba tiểu đoàn kỵ binh được trực thăng vận tới một nơi gọi là “Hành Quân Jeb Stuart”. Thời tiết rất xấu, mây thấp, vấn đề tái tiếp tế gặp nhiều khó khăn, khó thực hiện các cuộc thả dù tiếp tế mà trong nhiều trường hợp, đó là phương cách duy nhứt, ngay tại căn cứ chính Evans cũng vậy. Việc chiến đấu trong rừng rậm hết sức căng thẳng, ít nhứt có một trung đoàn CSBV đang hoạt động trong vùng. Công việc tiến hành hết sức chậm chạp.
Kết quả là địch quân ở Huế, – dưới sự kiểm soát của trung đoàn 6 CSBV – có thể duy trì lực lượng của họ. Ngoài việc lấy được một số lớn vũ khí đủ loại do Mỹ chế tạo cho Thiết Giáp QĐ/ VNCH, quân CSBV tiếp tục nhận được tiếp liệu từ phía tây Huế chuyển tới. Ngoài ra, họ còn có nhiều đường tiếp tế khác chuyển vận tới như lương thực, đạn dược, trang bị y tế; họ cũng được tăng cường lực lượng. Để tăng cường cho 9 tiểu đoàn chiếm đóng Huế trong ngày đầu tiên, có thể thêm 5 tiểu đoàn nữa đã vào Huế; tiểu đoàn 146, trung đoàn 5 CSBV, tiểu đoàn 4 và tiểu đoàn 6 của trung đoàn 24/ CSBV, tiểu đoàn 7 và tiểu đoàn 8 trung đoàn 90/ CSBV. Tính chung, khoảng 6 ngàn quân CSBV đối đầu với TQLC và Quân Đội VNCH. (Lực lượng tăng cường nầy cho thấy rõ là không đủ để thắng Cộng Sản. Sau trận đánh có cuộc thảo luận, cho rằng CS đã khôn khéo kéo một trong những sư đoàn 10 ngàn người của họ ẩn náu trong vùng núi non bao vây căn cứ TQLC Hoa Kỳ ở Khe Sanh gởi cho mặt trận Huế – một khả năng thúc đẩy tướng Creighton Abrams nói với một phóng viên nhà báo hồi tháng Giêng/ 1969 rằng: “Chúng tôi vẫn còn chiến đấu ở đây.”
Thời tiết xấu cũng có lợi cho địch. Trời lạnh, một cái lạnh bất thường 50 độ, gió bấc mưa phùn của cơn “Gió Mùa Đông Bắc” đôi khi biến thành những cơn mưa ẩm ướt và lạnh. Cùng với mưa là mây che phủ bầu trời và sương ngang mặt đất cản trở máy bay trực thăng và phi cơ oanh tạc hỗ trợ cho TQLC. Quân Đồng Minh lại ở vào vị thế bất lợi vì tướng Lãm, tư lệnh Quân Đoàn 1 yêu cầu tránh tối đa thiệt hại cho dân chúng và giảm thiểu việc làm hư hại thành phố lịch sử. Pháo binh, bom và bom lửa bị cấm xử dụng.
Với những bất lợi đó, các nhà chỉ huy quân sự CSBV có vài sai lầm nghiêm trọng và tính toán trật. Tin vào đường lối tuyên truyền của mình, Cộng Sản tin rằng dân chúng sẽ nổi dậy, hoan hô người đến giải phóng họ và chiến đấu cùng với quân Cọng Sản. Điều đó chẳng bao giờ có. Mặc dù có một số nhỏ cảm tình viên theo Cọng Sản, – hầu hết bọn họ là các sinh viên học sinh trẻ làm điểm chỉ viên cho Cộng Sản – toàn bộ dân chúng tìm cách tránh xa nơi có đánh nhau.
Địch quân cũng không có khả năng bảo vệ thành phố sau khi chiếm được nơi nầy. Họ không phá được cầu An Cựu trên sông An Cựu và cắt đứt đường giao thông giữa Phú Bài và khu Nam thành phố Huế, rồi lại thất bại trong việc chống lại quân Mỹ phản công khi vượt qua cầu nầy. Họ cũng thất bại nhiều lần khi cố đánh phá các cây cầu trên Quốc Lộ 1, nối liền Phú Bài với Huế. Họ hy vọng chiếm Huế trong 1 đêm rồi dùng Huế để tấn công, lập các phòng tuyến kháng cự nằm bên ngoài Huế. Tuy nhiên, MACV và Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 tự biến thành các điểm kháng cự từ bên trong – họ phải chấp nhận TQLC phản công từ bên trong đánh ra – Quân địch chỉ sở trường khi tác chiến ở vùng quê, rừng rậm, và thất bại khi tấn công Huế, không chiếm được hai vị trí quan trọng (MACV và BTL/SD 1/BB) sau khi TQLC Mỹ tăng cường. Họ bị đánh bật lui, trụ lại và tiếp tục cầm cự.
Hành động như thế là họ tự giết họ. Từ bên trong MACV, các binh sĩ của trung tá Gravel có thể vượt qua bên kia đường, khu trường Đại Học, bảo vệ khu bờ sông, bảo vệ vùng trời để trực thăng hoạt động được, mang theo tiếp liệu và lực lượng tới tăng cường.
Hạ sĩ Carter và số binh sĩ còn lại của đại đội Fox 2/5 trải qua một đêm căng thẳng ở trên đồi, theo dõi tiếng nổ và các vệt lửa nổ lốp đốp ở thung lũng bên dưới. Tới sáng, một đoàn xe GMC chạy tới. Họ lên xe và tài xế mở tốc lực 60 dặm một giờ. Mọi người ai cũng sợ bị phục kích. May sao chẳng có tiếng súng nào.
Họ đi qua một ngôi làng bên đường và thấy cảnh tượng xảy ra đêm trước. Người ta đang khóc than rên xiết bên cạnh xác chồng, mẹ hay con cái. Tất cả họ, ai cũng mặc đồ tang. Xe chạy qua một làng và thấy một đơn vị hỗn hợp Việt Mỹ phía sau hàng kẽm gai. Xác Việt Cộng nằm vắt trên hàng rào kẽm gai và ruồi bu đen. Một Việt Cộng nằm chết gần đường đi, xác bị bắn, mất đầu. Carter không tin ở mắt mình khi chợt thấy chiếc xe chạy trước không lạng qua một bên được. Bánh xe cán lên đầu anh ta kêu bụp một tiếng như tiếng bí đỏ bị cán vậy. Carter la lên: Trời ơi! ghê quá!
Họ về tới căn cứ Phú Bài, được tiếp tế thêm, nhận thư, thức ăn nóng, và đi mua hàng PX. Họ trải qua một đêm trong lều vải và tới sáng hôm sau, ngày 1 tháng Hai, tập trung ở bãi trực thăng. Lệnh đi Huế. Đại đội trưởng, đại úy Michaels P. Downs đã có mặt sẵn ở đó. Carter chẳng biết nghĩ thế nào về ông đại úy nầy. Ông ta là một sĩ quan giỏi, một người lạnh lùng, rất chuyên nghiệp. Cái vẻ lạnh lùng ấy làm Carter không ưa. Tuy nhiên, Carter nghĩ có thể cấp chỉ huy gạt bỏ tình cảm riêng tư qua một bên và bày tỏ một thái độ lạnh lùng để công việc được thực hành. Tuy vậy, cũng có khi tuồng như anh ta chẳng quan tâm đến những điều đó nữa. Carter tin tưởng đại úy Downs, con người biết phải làm gì khi đánh nhau với địch.
Chỉ trong mấy phút, mấy chiếc CH-46 Sea Knight bay đến, trông giống như những con châu chấu khổng lồ. Đại đội Fox trên đường bay đến Huế. Rock Christmas là đại uý, 27 tuổi, quê ở Yeadon, Pennsylvania, cưới con gái của đại tá Davids Lownds, người hùng Khe Sanh. Đại úy Christmas chỉ huy đại đội Hotel 2/5 khi trận đánh Tết xảy ra hôm 31 tháng Giêng. Quân CSBV tấn công cây cầu trên QL 1 do binh lính anh ta canh giữ. Cuộc tấn công kéo dài mấy tiếng đồng hồ. Tới sáng, địch quân bị đẩy ra phía bờ sông.
Đại úy Chritmas sẵn sàng phản công thì có tin điện. Anh ta la to trong máy:
– “Cái gì? Đừng có giỡn.”
– “Không có. Bộ chỉ huy muốn chúng ta rút ra QL-1 chờ lệnh mới.”
Binh lính kéo ra tới đường. Christmas điện đàm với tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 5/ TQLC. Trung tá Ernest Cheatham giải thích tình hình các đơn vị: Huế bị địch tấn công. Đại đội Golf của Chuck Meadow đang hành quân với 1/1, Đại đội Fox của Mike Downs, đang trên đường tới Phú Bài để được vận chuyển đi Huế.
“Sau đó có thể là anh” – Cheatham nói với Christmas – “Thực ra, tất cả chúng ta sẽ gặp nhau ở Huế.” Rồi ông đại tá càu nhàu: “Tại sao họ thường đưa từng phần chúng ta vào mặt trận?”
Carter ngồi dựa lưng vào tấm vải bạt nịt đai của chiếc trực thăng cùng với số binh lính còn lại, thấy cấn một cục gì đó trong dạ dày. Những cái bồn chồn trước trận đánh nầy; cứt thiệt! mình lại đi.
Khi gần tới Huế, máy bay bay thấp để tránh súng phòng không, là là vào bãi dáp. Carter nhìn qua của sổ tròn bên thân máy bay, thấy sông Hương, cầu Trường Tiền, mái nhà, từng hàng cây xanh và lửa tóe ra từ các họng súng. Một tràng đạn quạt vào máy bay. Hai TQLC bị thương nhẹ ở chân. Xạ thủ đại liên 50 ngồi ngay cửa quạt lại mấy tràng. Chiếc trực thăng hạ xuống bãi đáp bên bờ sông, kế bến tàu. Hai thủy quân lục chiến bị thương được ở lại trên tàu trong khi những người khác chạy nhanh ra khỏi máy bay, giống như các cầu thủ banh bầu dục mang nón sắt, áo giáp và balô. Súng nổ trên đầu. Carter chạy lom khom phía sau một bức tường cao cở 2 fít, chụm đầu với những người khác trong khi một tràng đạn bắn tới rào rào. Họ được gọi tập trung thành nhóm 3 người ở một bức tường dẫn tới bên trong khu đại học, rồi tiến xuống con đường ở bên phải để vào MACV. Các TQLC khác và ba người thuộc nhóm đầu tiên chạy đi. Carter với số còn lại chạy theo họ. Carter chú ý thấy một nhà báo đang quì bên kia đường máy quay phim nhỏ đặt trên vai đang quay phim họ. Anh ta quay mặt về hướng ống kính và cười, hy vọng ba má sẽ thấy anh ta đang cười. Bất thần anh ta té xuống một hố đạn, nằm dài ra, ba lô vuột khỏi vai, nón sắt và súng M-16 mỗi cái văng mỗi đường. Carter và hai người bạn thân vào được trong tòa nhà, trung đội anh ta đi khuất bãi đáp.
Họ lại chạy xuống đường, cũng không biết mình đang ở đâu, lại sợ. Họ gặp một chiếc xe tăng bên đường, bèn núp dưới nòng súng, vừa lúc đó thì tiếng súng gầm lên. Carter té giật lui lề đường, tai vưng lên, đầu lạch cạch. Một anh TQLC ló đầu ra khỏi pháo tháp nhìn bọn họ, nói một cách xỏ lá: “Xin lỗi nghe. Có thể đi qua được rồi.”
Cách mấy chục thước phía trước, họ thấy trung đội của họ đi vào MACV.
Ngày thứ nhì, từ lúc trời mới sáng, dân chúng bắt đầu ló dạng ra và rồi tuôn ra đường đông đảo ở phía đông nam của thành phố. Phần đông họ là đàn bà và trẻ em, một ít người già và binh sĩ VNCH. Trong một phút hy vọng, Gravel cho rằng chiến trận đã xong và đêm qua, quân địch đã rút lui, không còn cầm giữ dân chúng nữa. Chẳng bao lâu người ta biết không phải tình hình như vậy. Gravel chuyển người tỵ nạn cho các cố vấn quân sự, kiểm soát lại tình hình và củng cố vị trí.
Như vậy, ông ta có được Đại đội Alpha 1/1, Golf 2/5 và Fox 2/5 mới đến. LLDN X-Ray giao cho ông ta nhiệm vụ mới: Gởi Đại đội Fox tới giữ nhà lao, không cho địch giải phóng tù nhân ở đây. Nhà lao cách khu chiếm đóng của CSBV có mấy lô đất, và theo cảm tưởng chung, cũng như theo tin đại cương thì Cộng Sản đã giải phóng tù nhân ở đây ngay ngày đầu tiên. Ông ta báo cáo lại cho cấp trên là tù nhân đã được thả hết rồi. Do dó, lệnh của LLĐN được thu hồi.
Vì số thương binh càng lúc càng cao, chẳng bao lâu Gravel nhận ra rằng cần củng cố gấp con đường từ MACV ra bãi đáp trực thăng và bến tàu. Đánh chiếm từng nhà cách để mở đường đi như họ đã thực hiện đêm đầu tiên là điều khó chấp nhận được. Cuối cùng, Gravel ra lệnh dọn một con đường tới bãi đáp trực thăng, bằng cách đánh sập những chỗ tường cản trở đường di chuyển. Đại tá Adkisson giận tím người vì việc phá tường như thế nhưng chẳng làm sao hơn. Đó là con đường chuyển các người bị thương nặng ra bãi đáp trực thăng mà không gặp gì khó khăn. Tuy nhiên, Gravel lại phải đụng đầu với đại tá Adkisson vì một vấn đề nhỏ nhặt khác. Chỉ trong vòng mấy ngày TQLC không còn thuốc hút. Ở PX (Post Exchange) thì đầy thuốc lá nhưng TQLC lại chẳng ai có tiền mua, Adkisson lại chẳng muốn phát không cho lính rồi báo cáo là tổn thất khi đánh nhau. Cuối cùng, biết rằng có thể làm cho binh lính giận dữ, Adkisson ra lệnh mở cửa PX.
Trên lưng áo giáp, hạ sĩ Jim Soukup vẽ mắt một con bò mộng thật to và viết câu: “Gắng gặp may, Charlie.” Đó là cách làm ra vẽ hiên ngang của một anh TQLC mới 20 tuổi. Nhưng điều Soukup quan tâm là anh ta không muốn thấy một người Việt Nam nào khác trong đời anh ta nữa. Anh ta đã đi đánh trận 10 tháng và mới đi nghỉ phép từ Úc về được 6 ngày thì trận đánh nầy bắt đầu. Sau một thời gian nghỉ ngơi với những người đàn bà mắt tròn, má hồng, bia lạnh, Soukup quyết định là anh ta không muốn chiến đấu cho cái lỗ đít đầy máu hôi hám ấy. Hai tháng còn lại, anh ta muốn đứng ngoài rìa mọi việc nhưng trận đánh Tết làm tan hoang kế hoạch của anh ta. Rồi ngày 1 tháng Hai, lệnh đưa ra là lên yên, nạp đủ đạn vào súng. Và anh ta được đưa tới Phú Bài giữ nhiệm vụ tiểu đội trưởng như cũ. Là một TQLC, xạ thủ súng đại bác không giật. Anh ta tiếp tục phàn nàn. Người trong tiểu đội đều là bạn thân của anh.
Họ lên một chiếc Sea Knight, kéo lên theo khẩu đại bác không giật 106ly, nặng 350 pound rồi máy bay bay lên. Chiếc trực thăng chất đầy người và trang bị. Soukup chẳng biết là đi đâu cho tới khi đến Huế và được thả xuống bãi đáp gần viện đại học.
Chung quanh, súng địch nổ lóc bóc. Một tràng đạn trúng sàn máy bay. Xăng và nước chảy quanh chân. Soukup căng thẳng, lo lắng. Anh ta nói như trẻ con: “Đừng rớt.” Chiếc trực thăng đổ nghiêng một bên trên bãi đáp. Cửa sau máy bay bị kẹt, mở có một nửa. TQLC vội vàng nhảy ra khỏi máy bay ở độ cao 10 fít, tìm chỗ núp. Từ bên kia sông, Quân CSBV bắn như mưa vào bãi đáp trực thăng.
Có mấy TQLC khác xuống bãi đáp rồi, đang la hét và chỉ chỏ. Soukup thấy một tia chớp lóe lên ở cửa sổ một ngôi nhà bên kia sông. Anh ta bắn một tràng đạn M-16.
Súng tiếp tục nổ. Một anh lính trong tiểu đội chạy tách ra, la hét và bắn loạn xạ chẳng nhắm vào đâu hết. TQLC cúi mình núp sau những cái cây và các hồ nước trên sân cỏ, mắng anh ta. Anh ta không nghe. Cuối cùng mấy TQLC nắm lấy anh và đè xuống đất. Họ quẳng anh ta lên chiếc máy bay sắp bay đi. Soukup không bao giờ thấy anh ta lần thứ hai nữa.
Quân CSBV bắn thưa dần.
Soukup và tiểu đội chạy lại chỗ chiếc trực thăng đang chờ, hạ cánh cửa xuống, phụ nhau đưa khẩu súng đại bác ra khỏi máy bay. Từ bãi đáp họ lom khom tiến về phía MACV. Vì họ phải dùng cả hai tay để ôm đại bác nên súng cá nhân lắc lư bên hông. Mọi người ai cũng sợ bị bắn sẻ. Họ vào bên trong và Soukup đi tìm chỉ huy. Anh ta không biết đường và cũng không biết tiểu đội anh phải làm gì. Anh ta không biết trí súng ở đâu và cũng không rõ đạn nằm ở đâu, cũng không biết tiểu đoàn cũng như đại đội ở đâu. Anh ta bèn quyết định nhập với trung đội đầu tiên gặp được và cứ theo thói quen mà chiến đấu.
TQLC nói họ thuộc Đại đội Fox 2/5. Anh ta không chắc. Mọi sự đều lộn xộn ghê gớm và thật căng thẳng trước khi trận đánh kết thúc. Tiểu đội 10 người của Soukup có 2 người bị giết và 7 người bị thương. Nhưng lại được tăng cường, chỉ có vài đơn vị tăng cường quá trễ.
Trung úy James V. DiBernado 33 tuổi, xuất thân là một nhà báo TQLC, quê ở Fulton, Nữu Ước, hiện phục vụ tại Bộ phận 5, đài phát thanh và truyền hình Quân Đội Hoa Kỳ đặt tại phía nam thành phố Huế. Ông ta có cách sống hòa hợp giữa TQLC, Việt Nam và nhân viên dân sự trong một căn nhà cách MACV mấy lô.
Trước hôm đánh nhau, thiếu tá Breth và Swenson đến thăm. DiBernardo cười vì cuộc sống rất tiện nghi hai ông nầy cũng như xếp của ông ta vậy. Hai ông thiếu tá đề nghị DiBernardo dọn vào ở trong MACV nhưng anh nầy từ chối. Chỗ anh ta ở tương đối an toàn. Vậy rồi Cộng Sản tấn công.
DiBernardo và người của anh ta bị cô lập; chờ hai ngày, tiếp tế bị cắt đứt, lắng nghe chừng tiếng súng trên đường phố. Tới ngày thứ ba, anh ta ra phòng trước khi một ngươi lính canh chạy vào la to là đại đội TQLC đã tới. DiBernardo ra cửa sổ nhìn, thấy lính CSBV lom khom chạy theo bờ tường bên ngoài, sẵn sàng tấn công vào nhà. Anh ta chạy vào phòng khách, mọi người vào vị trí. Anh ta chụp lấy cây súng carbine và ra phục nơi cửa sổ. Người lính CSBV đi đầu bèn rút lui và chuẩn bị ném lại một bọc chất nổ. DiBernarso bắn một tràng đạn, người lính CSBV chết vì bọc chất nổ nổ tung.
Thế là hai bên đánh nhau. Phía Mỹ nổ súng. Bắc Việt Nam cũng nổ súng, suốt mấy tiếng đồng hồ. DiBernardo bị thương mấy chỗ nơi cánh tay. Ai cũng có bị thương hết. Sau cùng, lính CSBV trèo lên cao, bắn vào mái nhà. Lửa cháy, khói đầy đặc nhà. Người trong nhà bèn chạy ra, vừa chạy vừa bắn. Quân địch bắn vào họ xối xả, người cố vấn kỹ thuật dân sự té xuống chết ngay trên mặt đường.
DiBernardo và những người sống sót chạy tới cuối khu phố.
Mấy chục thước trước mặt họ là một đám ruộng trống. Làm sao vượt qua được? Lính CSBV đuổi theo sau lưng. Phía nào cũng có súng nổ. Một tràng đạn trúng vào tay DiBernardo. Chẳng biết chạy vào chỗ nào. Nhìn quanh, họ thấy có khoảng 50 lính CSBV núp ở những ngôi nhà chung quanh. Họ chỉ còn lại có 4 người, ai cũng bị thương vì đánh nhau ban nãy. Họ đưa tay đầu hàng.
Sau trận đánh, trung sĩ Steve Berntson và Dale Dye, hai phóng viên báo chí của Sư đoàn 1 TQLC tới ngay căn nhà nầy. Họ biết những người trong ban tham mưu làm việc và ở đây. Họ tìm thấy trung sĩ Tom Young nằm chết ngoài bờ hào. Tay bị trói ra sau lưng, phần sau của sọ bị bắn nát. Berntson va Dye gở cánh cửa đặt người bạn của họ lên đó khiêng về MACV. Họ khóc vì họ thấy Tom không gặp may. Họ cũng nghĩ rằng trung úy DiBernado đã chết rồi, không biết rằng DiBernardo đang ở trên đường dẫn ra Hà Nội.
Mặt trận Huế cũng là nơi bất an cho một người đàn bà Pháp. Đó là bà Cathy Leroy. Sinh trưởng ở Pháp, bà rời trường âm nhạc đi làm phóng viên chiến trường. Nhỏ con, nhanh nhẹn, tóc vàng, bà ta đến các khu đánh nhau ở Việt Nam trong bộ quần jean, giày ống, tóc đánh con rít, máy ảnh treo tòn ten nơi cổ. Để làm nhiệm vụ của mình, bà đi với lính nhảy dù Mỹ, chụp hình các trận đánh dữ dội ở vùng Phi Quân sự hồi mùa hè 1967, bị thương sau đó hai tuần lễ khi một đơn vị TQLC bị pháo kích. Thời kỳ đi theo TQLC Hoa Kỳ, bà viết bài đăng trên tạp chí “Life” (2) TQLC Mỹ luôn nhắc tôi nhớ những điều chúng ta gọi là lính Lê Dương… to mồm với những trái tim vàng.
Khi Cathy nghe tin TQLC Mỹ đang đánh nhau ở Huế, nơi bà muốn tới, liền đi cùng Francois Mazure, một người bạn phóng viên khác. Nghe TQLC Mỹ đang canh giữ đường, họ tìm một chuyến xe nhà binh đi Huế nhưng không kiếm được, lại gặp một người Việt biết nói tiếng Pháp. Tốn ít đồng bạc, họ thuê một chiếc xe đạp. Đó là chiếc xe đạp đôi hai người ngồi. Họ đạp xe đi Huế trên con đường vắng hoe.
Dân chúng đóng kín cửa, núp trong nhà. Việc nầy làm cho hai nhà báo bồn chồn. Khi nào thấy có người ló mặt ra nhìn, Mazure la to:
– “Bonjour!” như để nói cho biết họ không phải là người Mỹ.
Khi họ tới phía nam thành phố Huế, tiếng súng nổ lốp bốp chung quanh khiến họ nhận ra rằng họ đã đi vào vùng Cộng Sản kiểm soát. Họ lo lắng đứng chung với những người dân đang tụ họp thành cái chợ trời, lắng tai nghe tiếng súng và xem máy bay Quân Đội Nam Việt Nam đánh bom trong Thành Nội. Chẳng ai nói gì với họ, nhưng khi có ai tới gặp họ, họ nói nhanh bằng tiếng Việt rằng họ là các phóng viên báo chí người Pháp từ Paris tới. Những người Việt Nam nầy có vẻ thù địch nên làm cho Cathy và Francois sợ. Họ thấy toát mồ hôi suốt hai giờ đồng hồ. Cuối cùng có một người đàn ông đến gặp họ, chỉ cho thấy một nhà thờ công giáo và đề nghị họ nên vào ở chung với nhiều người tỵ nạn đang núp trong nhà thờ. (Dòng Chúa Cứu Thế – ngd)
Có mấy ngàn người đang trốn trong nhà thờ. Đám người nầy chẳng giúp đỡ và cũng không nhường đường cho họ đi. Đám trẻ con thì chen lấn hoặc nhìn họ chăm chú.
May mắn có một linh mục già thấy họ nên đến chào, nói chuyện bằng một thứ tiếng Pháp trôi chảy, chỉ cho họ nhìn chung quanh và nếu như muốn đi một vòng quan sát thì sẽ dẫn đi. Ông linh mục nói với họ rằng hai chục năm trước, vị hoàng đế cuối cùng của Việt Nam cũng được đưa vào trốn trong nhà thờ nầy, khi phong trào Việt Minh nổi lên. Dân chúng trong nhà thờ – phần đông là đàn bà, trẻ em và người già – nằm la liệt khắp nơi, giữa những hàng ghế dài trong nhà thờ, chung quanh bàn thờ. Một người đàn bà mới đẻ nằm nghỉ sát phòng xưng tội.
Không khí hết sức ồn ào. Trẻ con thì khóc, người lớn nói chuyện, các tu sĩ cầu nguyện lớn tiếng. Bên ngoài súng nổ suốt đêm.
Hai nhà báo nằm cố ngủ trong một cái phòng nhỏ của một linh mục. Tới sáng, họ được báo cho biết là người Việt ở đây không bằng lòng việc họ có mặt vì họ sợ mặt mũi trông giống như người Caucase, có thể khiến cho Cộng Sản tấn công vào nhà thờ. Một linh mục nói với họ nên tìm đến khu vực Mỹ và một em bé có thể dẫn đường tới MACV. Cathy và Mazure bỏ lại hết các thứ trang bị nhà binh trong nhà thờ, cả giày ống, thẻ nhận dạng, và làm một lá cờ trắng bằng vạt áo của một linh mục. Một linh mục viết một cái thư, giải thích họ là người trung lập, dân sự.
Họ đi theo em bé dẫn đường ra tới một con đường đầy bụi bặm, chẳng bao lâu thì tới một cái cổng một biệt thự rất lớn (Cung An Định – ngd), bên trong là một vườn hoa xanh tươi. Họ dừng lại, nhận ra có mấy người mặc áo quần màu xanh lá cây, trong dáng bộ mệt mỏi, mang súng AK-47 và nhìn chăm chú vào họ. Em bé dẫn đường phất thật mạnh lá cờ trắng. Có ba người lính CSBV mặc đồng phục kaki đi về phía họ. Họ có vẻ thù địch nhưng không có gì giận dữ nên Cathy thấy đỡ lo một chút. Mazure đưa cho họ bức thư của linh mục nhưng họ không có vẻ gì muốn nhận thư ấy. Khi Mazure, do tự nhiên muốn che cái máy chụp hình thì những người lính CSSBV liền nắm lấy mấy cái máy ấy, rồi ra dấu gọi thêm ba người khác trong vườn hoa. Họ trói tay hai nhà báo lại rất kỷ bằng một sợi giây dù. Có khoảng 15 lính CSBV đang ngồi bên cạnh những cái hố trong vườn cây. Hai nhà báo bị giữ ở đó khoảng 45 phút. Mazure nói tiếng Pháp liên miên, cố chứng tỏ anh ta không có gì sợ hãi cả. Mấy người lính CSBV thì chỉ trố mắt ra nhìn.
Cuối cùng, một người lính khác tới và dẫn họ ra phía sau biệt thự. Một người da trắng, có lẽ là người Pháp, ngồi sau một cái bàn.
Mazure hỏi: Ông là người Pháp phải không?
Ông ta là người Pháp, rất vui khi gặp các phóng viên. Ông ta đi vòng sau lưng và bắt tay họ trong khi tay họ còn bị trói. Ông ta và gia đình cũng là tù nhân ngay chính trong nhà họ nhưng không bị đối xử tàn tệ. Người Pháp giới thiệu một sĩ quan CSBV trẻ đến phỏng vấn. Người nầy khoảng 25 tuổi, có thể một thời là sinh viên du học ở Pháp, anh nầy nói với họ là họ có thể đi. Họ được cởi trói, dụng cụ được trả lại. Người sĩ quan cho biết Cộng Sản đã chiếm thành phố, và họ đang giải phóng toàn thể nước Việt Nam.
Cathy và Francois lấy lại được bình tĩnh, xin phép cho chụp hình. Người sĩ quan tỏ vẻ thích, đưa họ lui đằng sau góc vườn. Các người lính khác cũng vui sướng đến chụp hình chung. Họ còn trẻ và tự tín.
Tuy nhiên, đó không phải là bầu không khí thanh bình. Cathy và Mazure chú ý thấy họ chuẩn bị để có thể bắn qua mấy lỗ hỗng trên tường nếu TQLC bất thần đến tấn công. Họ như đang ở giữa cuộc chạm súng, trang bị vũ khí đầy đủ: AK-47, SKS, hỏa tiễn B-40, vũ khí chiếm được do Mỹ chế tạo, máy truyền tin và nhiều đạn dược.
Sau khi chụp mấy tấm hình, Mazure trở lại biệt thự và tuyên bố một cách vô tình rằng sẽ viết lại câu chuyện nầy. Chẳng ai phản đối.
Người Pháp mời mọi người hút xì-gà, bắt tay và chúc mọi người may mắn. Cathy và Francois cùng với em bé dẫn đường đi ra cổng. Họ quyết định trở lại nhà thờ, được an toàn hơn rồi sau đó tìm đường khác để tới MAC.V.
Dân chúng ở nhà thờ biết ngay họ có tiếp xúc với CSBV.
Thằng bé dẫn đường tỏ ra tự hào về việc nó đã làm. Hai nhà báo vui cười, lại cố làm cho có vẻ vui lên và thêm hứng khởi. Những người dân chạy giặc cũng cười, chia vui với họ. Họ biếu hai nhà báo thức ăn. Vị linh mục tiễn họ ra cửa và chào từ biệt.
Chỉ có Cathy và Mazure đi trên đường. Họ cẩn thận đi ngang một khu không có một bóng người. Có lúc họ khom mình đi qua khu Quân đội VNCH để tránh xa chỗ đang có đánh nhau. Họ thoát ra được ngoài thì trời đã chiều.
Đại đội Fox 2/5 được sắp xếp lại sau khi rút lui về tới MAC.V.
Đại úy Downs được lệnh cho lính qua bên kia đường, ngang chỗ bãi đáp trực thăng để dò thám vị trí địch. Trung đội 3 di chuyển trước và khi vòng tới cuối đường thì thấy TQLC Đại Đội Alpha 1/1 và Golf 2/5 trên các cửa sổ. Họ dồn đống ở ngã tư. Hạ sĩ Carter chạy lom khom dọc theo bờ tường cùng với toán súng máy M-60. Phía trên, hai TQLC và trung sĩ Mahoney đứng gần cuối bức tường. TQLC là những người chiến đấu trong rừng rậm rất giỏi, nhưng đánh nhau trên đường phố với họ là điều mới mẻ. Họ không biết rằng nếu cứ đi thẳng mình là coi như mời thần chết tới. Họ không biết trước khi di chuyển là phải dọn đường bằng lựu đạn và M-16. Họ thiếu kinh nghiệm về loại tác chiến nầy. Do đó, người ta hiểu tại sao hai người lính TQLC và anh trung sĩ đi qua đường bên kia trông như đi tản bộ.
Trung sĩ Mahoney bất thần phóng vào chân tường và ra dấu cho hai người lính TQLC bắn yễm trợ cho anh ta. Ngay lúc đó, – Carter há họng ra mà nhìn – AK-47 nổ một tràng trên đầu anh trung sĩ. Anh nầy to con, rơi xuống bên cạnh Carter một cái bịch như một bao đá. Anh ta bị bắn nát mặt, chết tức khắc. Carter nắm tay anh ta kéo lui nhưng chẳng nhúc nhích được gì. Carter không nghĩ anh trung sĩ nặng đến như thế. Carter gọi to, kêu người đến giúp. Hai TQLC chạy tới. Một loạt súng bất thần từ căn nhà bên kia ngã tư nhắm tới. Đạn rớt chung quanh, dụng vào bức tường. Tất cả bọn họ trườn lui để tránh đạn. Carter ở đằng sau bức tường, thở khó nhọc, không ngờ mình còn sống.
TQLC bắn trả. Trong khi đó mấy TQLC chạy lên lôi xác Mahoney lui. Rồi họ cùng nhau về lại MACV.
Đêm đó, quân CSBV lại bắn vào các bức tường ở MACV, cố tấn công như những lần trước, nhưng bị TQLC phản công mãnh liệt nên chịu thất bại. Đêm đó, Đại đội Fox không đánh nhau. Họ được vào nghỉ trong một căn nhà lầu trong khi súng vẫn nổ ngoài cửa sổ. Ngày đầu tiên của họ ở Huế khá vất vả và một TQLC mới tới Việt Nam bỗng nổi cơn điên. Anh ta đứng lên, la to là anh ta không thể chịu đựng được, rồi khóc, rồi chạy lòng vòng quanh những người đang ngủ.
Mấy TQLC nắm lấy anh ta, đè xuống và tống anh ta ra khỏi Huế. Tiếng súng bên ngoai mỗi lúc mỗi thưa và dứt hẵn, đám lính ngủ được một giấc ngon.
Buổi sáng ngày thứ Sáu, 2 tháng Hai/1968, TQLC thấy cầu Trường Tiền trên sông Hương bị giựt sập. (TQLC gọi cầu Trường Tiền là cây cầu bạc vì nó sơn màu bạc). Có tiếng nổ lớn và khi khói, bụi tan hết, họ thấy hai vài giữa rơi xuống nước. Giao thông giữa bờ nam và Thành Nội bị cắt đứt. Chẳng có sẵn đơn vị công binh nào để sửa cầu. Có tin báo quân địch xuất hiện bên kia sông, gần đầu cầu. Họ là những người lớn con, lớn hơn khổ người Việt Nam trung bình và mặc một thứ quân phục khác với CSBV hay Việt Cọng. Đầu tiên, người ta cho đó là một trung đội quân Trung Cọng. Cũng có thể là không phải nhưng cũng chẳng ai phủ nhận.
Về phần Carter, anh ta thấy buổi sáng đến nhanh quá, TQLC ăn sáng xong rồi lên đường, đi ra phía ngoài, tuần tiểu trên đường phố chính. Carter đi giữa với Trung đội 3, sau lưng là đại úy Downs và anh lính mang máy truyền tin. Họ đi dọc theo con đường có hai hàng cây hai bên. Phía trước mấy tay bắn sẻ núp trên các cây cọ dừa bắn vào trung đội đi đầu. TQLC bắn lại như mưa, hạ mấy tên bắn sẻ. Những tên bắn sẻ nầy từ trên cây nhảy xuống, tính bỏ chạy thì bị bắn hạ ngay. Họ đi xa hơn nữa, ngang qua một chiếc xe Jeep đã bị phá hư, có mấy xác quân CSBV nằm trong bùn và giây kẽm gai.
Trung đội đi đầu tới ty Cảnh Sát nằm cách MACV mấy lô nhà. Các TQLC ai cũng ngạc nhiên khi mấy cảnh sát Nam Viêt Nam từ trên những phòng nhỏ trên nóc nhà ló mặt ra rồi chạy xuống . Họ vừa khóc vừa cầm lắc tay các TQLC rồi quì xuống cám ơn. Người thông dịch viên đến hỏi chuyện thì được biết họ trốn trên trần nhà mấy ngày trong khi Cộng Sản chiếm tầng dưới. Chỗ nầy bị đạn bắn lỗ chỗ. Carter nhìn vào trong, có vết máu dính vào tường. Mấy xác người nằm trong đống gạch vụn. Vài TQLC vào bên trong và kéo các xác người ấy ra ngoài sân. Carter không nhận rõ những xác nầy là ai: CSBV, VC hay QĐ/VNCH hay dân sự. Anh ta nghĩ chẳng có ai lưu tâm đến họ, dù là ai đi nữa thì họ cũng như nhau.
Lại có tiếng súng bắn sẻ. Những người bắn sẻ nầy núp chung quanh nhà thờ. TQLC tập trung phía sau ty Cảnh Sát, chỗ đó có con đường đất dẫn qua nhà thờ. Một chiếc xe tăng loại nhỏ trang bị súng chống chiến xa 106 ly lách cách chạy tới. Carter nhắm vào ống nhắm đặt trên xe. Súng nổ ầm, lá cây và bụi bay mù mịt. Cái tháp chuông nhà thờ cao mấy chục thước vỡ tan, cửa kính bay mất, mặt sau nhà thờ bị sập. Bụi bay lên, một đám đông từ trong nhà thờ chạy ra như ong.
Carter nhìn vào khẩu súng, rồi nhìn vào đám dân chúng đang kinh hoàng và bị thương. Chẳng ai muốn giết những người dân vô tội.
Cathy Leroy, đang đứng chụp hình, liền chạy về hướng các TQLC. Thấy người sĩ quan đầu tiên, một bà xơ (Soeur) ta nắm tay la to: “Có bốn ngàn người chạy giặc núp trong đó. Họ không phải là quân Cọng sản. Họ là dân.” TQLC đã ngưng bắn nhưng trong khi đó thì Cọng Sản vẫn cứ tiếp tục nổ súng. Những người chạy giặc mang bao bị, bồng bế trẻ em, có người cột một miếng vải trắng vào đầu gậy. Họ lết thết chạy về phía MACV.
Hạ sĩ Soukup đặt súng đại bác không giật 106 ly trên lề đường cách MACV hai lô nhà. Trước mặt là quân CSBV. Đám xạ thủ làm việc chiếu lệ, đẩy vào trong nòng một viên đạn dài, đóng cơ bẩm, bấm nút. Cứ bắn mỗi viên thì cát bụi lại bay lên. Viên đạn nổ phùm ở cuối đường. Soukup đứng ở ngưỡng cửa với một đám TQLC nhưng anh ta không biết họ, chờ lệnh để nhắm mục tiêu.
Có tiếng kêu rắc trên không. Có cái gì như mảnh đạn trên đầu Soukup, bay vào đụng bức tường bên trong nhà. Khi rảo bước vào trong, anh ta thấy vết đạn xuyên thủng bức tranh treo trên tường. Bức tranh có thể dùng làm vật kỷ niệm. Anh ta nhét bức tranh vào balô và nhăn răng cười. Nhưng rồi anh ta lặng người đi khi nhận ra rằng một anh lính CSBV nhắm một đường đạn đi thẳng từ đầu anh vào tới bức tranh. Rõ ràng kẻ bắn lén muốn giết anh ta. Đó không phải là một tràng đạn bắn hoảng mà một mục tiêu được nhắm đàng hoàng. Chỉ cần viên đạn đi thấp một chút nữa thì anh ta trở thành một đống thịt. Anh ta té xuống rồi lết vào trong.
Chú thích:
Alamo: Phòng tuyến của Tây Ban Nha tại San Antonio, Texas. Đây là di tích lịch sử anh hùng. Năm 1836, chưa tới 200 người Texas cố thủ ở đây chống lại Mexico để bảo vệ độc lập. Trong số những người nầy có Davy Crockett và Jim Bowie hy sinh trong cuộc bao vây lâu dài của 4 ngàn lính Mexico do tướng Santa Anna chỉ huy. Câu nói Nhớ Alamo là nhắc tới cuộc bao vây nầy.
(2) Life, xb ngày 16 tháng Hai/ 1968. Từ trang 22 đến 29.
SOURCE:
No comments:
Post a Comment