20 Tháng Bảy 2015
Điều mà ít ai ngờ đến đã biến thành
sự thật, một sự thật tàn khốc trong cuộc chiến tranh diệt chủng hiện tại. Đó là
việc Hà Nội công khai xua quân tràn qua con sông ngăn cách Bến Hải với hàng
ngàn xe tăng, đại pháo 130 ly và hỏa tiễn để xâm lăng miền Nam Việt Nam. Và nếu
chiến cuộc không bùng nổ lớn như thế, cái tên Mỹ Chánh cũng như bao nhiêu địa
danh xa xôi khác trên phần đất khốn khổ này đã không trở thành quen thuộc với
mọi người như hiện tại.
Vào những ngày đầu tiên của tháng 4/72, khi trận chiến bùng lên dữ dội, các căn
cứ hỏa lực của ta nằm dọc theo khu phi quân sự thất thủ, mọi sinh hoạt tại Mỹ
Chánh vẫn bình thường. Người ta vẫn tấp nập đi đi, về về, như giòng nước của
con sông vẫn lặng lờ xuôi chảy ra phá Tam Giang. Và cũng không một ai có thể
nghĩ rằng chỉ một tháng sau đó, con sông Mỹ Chánh đã đi vào huyền sử đấu tranh
của dân tộc chống lại ngoại xâm từ phương Bắc. Bây giờ thì bất cứ người lính
Thủy Quân Lục Chiến nào cũng có quyền hãnh diện khi nhắc đến địa danh đó. Nơi
đây gót giày xâm lăng của Cộng sản đã chùn bước và bỏ lại dọc theo giòng sông
Mỹ Chánh hàng trăm chiếc xe tăng đủ loại, hàng ngàn xác chết của đồng bọn khi
chúng mưu toan tiến sâu hơn về phía Nam.
·
Cầu Mỹ Chánh 1972
Trong bài viết này, tôi sẽ ghi một cách tóm lược trong trường hợp nào mà con
sông Mỹ Chánh đã trở thành phòng tuyến bảo vệ cố đô Huế từ sau cuộc lui binh
(...) của Sư đoàn 3 Bộ binh ra khỏi tỉnh Quảng Trị ngày 1/5/72, cùng những diễn
biến tổng quát mà những người lính Thủy Quân Lục Chiến đã chiến đấu như thế nào
để giữ vững phòng tuyến này.
·
Một đơn vị bên bờ sông Mỹ Chánh
Ngày 15/4/72, tôi từ giã Sài Gòn ra đơn vị trong khi đang học nửa chừng khóa
học điều chỉnh rất ư là “cultivateur” tại trường Bộ binh Thủ Đức, một quân
trường mà buổi sáng thức dậy đã thấy có những gánh hàng rong bán bánh cuốn, bún
riêu... la ơi ới ở đầu giường, buổi trưa thì chè cháo, đậu hủ loạn xạ. Khoảng thời
gian này, từ 10/4 đến 30/4/72, Lữ đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến với các Tiểu
đoàn 2, 5 và 9 đang hoạt động ở phía Tây và Tây Bắc Mỹ Chánh trong một khu vực
rộng chừng 200 cây số vuông, gồm các căn cứ Nancy, Barbara và Động Ông Đô nhằm
ngăn chặn sự xâm nhập của Cộng quân từ mặt Tây Nam Quảng Trị. Đơn vị tôi lúc ấy
đang đóng tại căn cứ Nancy nằm bên trái quốc lộ 1, cách cây cầu Mỹ Chánh chừng
1 cây số về phía Tây Bắc, sau đó di chuyển ra đóng tại một ngôi làng nhỏ, kín
đáo bên cạnh đường rầy xe lửa. Gần một tháng chịu trách nhiệm khu vực trên, các
đơn vị thuộc Lữ đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến đã chiến đấu trong những hoàn cảnh
cực kỳ gian khổ, hàng ngày chạm địch liên miên từ cấp Tiểu đoàn trở lên, đại
pháo 130 ly của địch nã đạn như mưa bấc, mọi công tác tải thương đều phải di
chuyển bằng đường bộ, khiêng hoặc cáng đi trên một quãng đường dài gần 10 cây
số đường núi vì trực thăng tải thương không có. Nhưng dù thế nào mặc lòng, các
chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến đã chiến đấu hăng say trong hoàn cảnh eo hẹp đó và
mọi cố gắng của địch tiến quân ra vùng đồng bằng thuộc quận Hải Lăng đều bị
chặn đứng hoàn toàn. Vì ai cũng hiểu rằng nếu để địch xâm nhập được khu vực này
thì thành phố Quảng Trị sẽ bị cô lập ngay cũng như khoảng quốc lộ giữa Huế và
Quảng Trị sẽ bị cắt đứt. Cộng quân rất cay cú, hàng ngày chúng gia tăng pháo
kích dữ dội vào các đơn vị ta. Các pháo đội của Tiểu đoàn 1 Pháo binh Thủy Quân
Lục Chiến phải thay đổi vị trí súng mỗi ngày, nhưng di chuyển đi đâu cũng bị
chúng pháo theo. Tiền sát viên của địch bám rất sát mọi sự xê dịch, di chuyển
của quân ta. Thỉnh thoảng ta có bắt được một vài tên có máy móc vô tuyến đàng
hoàng nhưng cường độ pháo kích của địch vẫn không hề suy giảm.
Tôi đã từng nghe những tiếng nổ, tiếng rít của các loại hỏa tiễn 122 ly, 240 ly,
nhưng lần này là tiếng rít xé gió đi trong không khí cũng như tiếng nổ của loại
đạn đại bác 130 ly (bắn xa 27 cây số, do Nga Sô chế tạo) nghe thật kủng khiếp.
Nghe tiếng rít bay qua đầu, tôi có cảm tưởng như là tiếng rít của phi cơ phản
lực. Rồi tiếp theo là tiếng nổ thật lớn nhưng ấm, mảnh văng tung tóe, rơi trên
những mái nhà tôn như có ai lấy thật nhiều đá ném lên. Mảnh nào mảnh nấy to
bằng miệng chén và văng xa trong vòng bán kính 200 thước. Chẳng ai biết được
chúng đặt súng ở đâu, chỉ nghe được tiếng “depart” ục, ục ở đâu đó trong núi xa
xa, rồi sau đó chừng 5, 7 giây là đạn đã bay đến nổ ầm rồi. Thường thì chúng
bắn 2 quả một lúc, lính tráng hễ nghe hai tiếng “depart” ục, ục thì la to:
- Một cặp đó anh em ơi !
Thế là mọi người chui lẹ vào hầm trú ẩn, địch bớt pháo thì lại chui ra. Cứ chui
ra chui vào như thế suốt ngày. Cái hoạt cảnh lên hầm xuống hầm đó chẳng bao giờ
tôi có thể quên được, nhất là khi một mảnh đạn rơi trên cái mũ sắt của tôi phát
ra một âm thanh khô, cộc lốc cùng với cái cảm giác như có ai gõ trên đầu mình.
Ngay giây phút ấy, tôi thấy thương cái mũ sắt của tôi vô cùng. Có hôm, địch nã
vào đơn vị tôi mấy trăm quả. Ôi thôi, tơi bời hoa lá, nhìn đâu cũng thấy khói
bụi mịt mù bốc lên, tiếng nổ chát chúa thì sát bên tai. Thằng nào còn nghe, còn
nhìn được thì biết rằng mình còn sống và lo lắng cho bạn bè, không biết có
thằng nào xấu số không. Ấy vậy mà khi địch ngưng pháo, đơn vị tôi kiểm lại thì
chỉ có 1 chết và 3 bị thương vì đạn rớt trúng ngay hầm. Giữa lúc bị pháo kích,
ai nấy trong hầm tinh thần cũng đều căng thẳng, lo âu nhưng nếu khi nghe một
quả bị lép không nổ được thì lính tráng lại vỗ tay cười. Thật tình lúc bấy giờ
tôi không biết họ nghĩ sao mà lại cười như thế. Có lẽ họ cười vì biết mình còn
sống hay cười vì cái khôi hài của chiến tranh, tự nhiên khi không lại bắn giết
nhau. Riêng tôi thì thương cái hầm của tôi hết sức, hôm nào phải thay đổi vị
trí đóng quân, tôi không thấy tiếc cái gì cả mà chỉ tiếc có mỗi cái hầm trú ẩn
mà mấy thầy trò, anh em tôi đã đào đắp công phu. Nhiều lúc nhìn cái hầm, tôi
nghĩ đến sự nhiệm mầu của đất. Đất nuôi sống con người, cứu vãn con người và
khi người ta buông xuôi cũng trở về với đất. Trên cõi đời ô trọc và buồn phiền
này, ngoài tình yêu của con người được coi là bất diệt thì có điều gì tồn tại
hơn đất không ? Và đất rõ ràng là nơi chốn sau cùng của mọi người không phân
biệt bạn thù. Ai cũng bình đẳng trong lòng đất cả, tại sao người ta lại lùng
bắn giết nhau ghê thế nhỉ ?
Khoảng thời gian đó, đối với tôi, ngày cũng như đêm thật là dài. Ngày thì nắng
và nóng, nóng tàn nhẫn. Trời không một cơn gió, mồ hôi lúc nào cũng vã ra như
tắm. Bên tai luôn luôn nghe tiếng súng, tiếng pháo của ta và địch xen lẫn tiếng
súng nhỏ ủa các đơn vị bạn đang đụng độ. Còn ban đêm thì trời rất trong, sao
giăng mắc. Chùm Đại Hùng tinh, sao Bắc Đẩu in rõ trên nền trời, có cả chùm sao
Hiệp Sĩ nữa. Cả hai đều chỉ rõ hướng Bắc, nơi đó thành phố Quảng Trị đang cố
đẩy lui các cuộc tấn công của Cộng quân. Hỏa châu thả sáng đầy trời, thỉnh
thoảng từ phía Đông những lằn lửa xẹt lên bay ngang qua rồi vụt tắt. Có lẽ đó
là Hải pháo được các hạm đội bắn đi từ ngoài biển, đôi khi tôi cũng thấy những
cụm lửa thật to của hỏa tiễn SAM địch bắn lên các phi cơ.
Cho đến giờ phút đó, phòng tuyến ở phía Tây Mỹ Chánh do Thủy Quân Lục Chiến
trấn giữ vẫn vững như bàn thạch. Và chẳng ai nghĩ rằng Quảng Trị sẽ thất thủ
cả, nhưng đùng một cái, trong các ngày 28, 29 và 30/4/72 Cộng quân mở một trận
pháo kích cấp tập kinh hồn vào thành phố địa đầu này. Thế là dân chúng hoảng
hốt, bồng bế dắt díu nhau chạy về Huế lánh nạn. Trong 2 ngày 29 và 30, trên
quãng đường từ Quảng Trị đến Mỹ Chánh, dân chúng chen chúc nhau đi chật cả quốc
lộ. Từ sáng đến chiều, đoàn người đi xen lẫn với các loại xe lớn nhỏ, nườm nượp
về phía Nam. Dưới mắt tôi, đó là một “con rắn người” khổng lồ ngoằn ngòeo dài
đến hàng mấy chục cây số, đang bỏ đi trong hoảng hốt để cố tránh cái tai họa
bủa chụp sau lưng... Tôi xót xa nhìn những cảnh tượng đang diễn ra trước mắt:
chỗ này có anh thanh niên đang cõng một người mù, vừa đi vừa thở dốc. Đàng kia,
người mẹ yếu đuối gánh đôi thúng chất đầy những vật dụng gia đình ở một đầu, và
đầu kia là một em bé độ 6 tuổi đang vốc cơm ăn ngon lành. Chỗ khác, cả gia đình
đang cố đẩy một chiếc xe bò với đủ thứ quần áo, bàn ghế và cả con heo đang nằm
co quắp đàng trước. Người đàn ông, hình như là chủ gia đình, nở nụ cười đau khổ
khi thấy tôi cầm máy ảnh đến trước mặt ông bấm một “bô”. Không hiểu ông cười vì
được chụp ảnh hay cười cho cảnh đời oan nghiệt này ? Bên vệ đường, một ông già
cùng hai cháu nhỏ đang ngồi nghĩ chân. Xa xa một bà già tàn tật, lê gậy khập
khểnh lúc bước lúc dừng, bóng bà đổ dài trong ánh hoàng hôn của ngày hai mươi
chín.
Ngay trước vị trí đóng quân của Tiểu đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến, các anh chiến
sĩ đem nước để ven lề cho dân chúng uống. Có anh còn đem phần gạo sấy của mình
ra chia cho những gia đình đang đói lả. Dù sao, đây cũng là những người còn ít
nhiều may mắn vì đã vượt về tới Mỹ Chánh. Một số lớn dân chúng còn kẹt lại
trong vùng giao tranh giữa ta và địch tại cầu Bến Đá, 5 cây số phía Bắc Mỹ
Chánh. Đây chính là quãng “hành lang máu” của hàng ngàn dân vô tội chết oan khi
đi lánh nạn Cộng sản.
Lợi dụng một lỗ hổng nhỏ do sự rút quân của Tiểu đoàn 7 Thủy Quân Lục Chiến
đang đóng tại đây để ra tăng cường cho mặt trận Quảng Trị, Cộng quân đã xâm
nhập được cầu Bến Đá. Chúng chận đốt những đoàn xe chở dân chúng cũng như bắn
giết dân chạy nạn không thương xót. Hàng loạt đại bác 130 ly bắn thẳng vào “con
rắn người” tạo nên những cái chết bất ngờ và kinh hoàng. Một chiếc xe bị bắn
lật nhào xuống hố kéo theo 30 mạng người, chiếc hố đã thành mồ chung của họ.
Trên quãng đường này, không một gia đình nào còn nguyên vẹn, kẻ mất người còn,
thất lạc tứ tung. Đấy, sự nghiệp giải phóng của đoàn quân miền Bắc là như thế.
Giải phóng thường dân vô tội mau về bên kia thế giới. Giải phóng tất cả sự
nghiệp của mọi người để họ trở về với hai bàn tay trắng. Những hình ảnh thê
thảm trên quãng đường này, có lẽ suốt đời tôi không thể nào quên được.
Thiếu Tá Huỳnh Văn Phú
SOURCES:
Nguồn Thủy
Quân Lục Chiến
·
No comments:
Post a Comment