Friday, September 16, 2022

50 năm tái chiếm Cổ thành Quảng Trị - Tái Chiếm Quảng Trị trận chiến dài nhất (John Howard - Đinh Yên Thảo chuyển dịch)

 

Trận đánh tái chiếm cổ thành Quảng Trị kéo dài 81 ngày trong Mùa Hè đỏ lửa 1972 là một trong những trận đánh dài và khốc liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam. Đây cũng là một chiến tích hào hùng của quân lực Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Trong tạp chí tháng Tư trên trang mạng khảo cứu lịch sử historynet, Thiếu Tướng hồi hưu John Howard, một sĩ quan West Point và cựu cố vấn cao cấp tại chiến trường Việt Nam vào năm 1972 đã viết lại diễn biến toàn bộ chiến dịch và trận tái chiếm lịch sử này. Chuyên mục xin tóm dịch và giới thiệu lại cùng quý độc giả bài viết sẽ chia làm ba kỳ này.

 


John Howard - Đinh Yên Thảo chuyển dịch

Kỳ 1:

Chiến Dịch Phục Sinh

Nằm gần các mật khu phía Bắc khu phi quân sự (DMZ) và giáp Lào, Quảng Trị là một chiến trường đụng độ liên tục trong chiến tranh Việt Nam. Các ủy viên Bộ Chính Trị Bắc Việt gọi đây là “mặt trận rực lửa” và Lê Duẩn xem Quảng Trị là “thành phố cách mạng anh dũng” khi tái thiết lại cổ thành này vào năm 1980. Các hướng dẫn viên du lịch tại đây thường giới thiệu với du khách ngoại quốc và ca ngợi sự anh hùng của những người cộng sản trong cuộc Tổng tấn công Xuân-Hè 1972. Nhưng họ không hề nhắc đến rằng, quân cộng sản đã chiếm được cổ thành này vào ngày 1 tháng 5 năm 1972 và lính Thủy Quân Lục Chiến của miền Nam Việt Nam đã anh dũng tái chiếm lại sau 5 tháng.

Cuộc tấn công mở màn của Bắc Việt diễn ra vào ngày 30 tháng 3, tức ngày thứ Năm trước lễ Phục sinh. Nó thường được gọi là Chiến Dịch Phục Sinh (The Easter Offensive, theo cách gọi của Mỹ và Mùa Hè Ðỏ Lửa của VNCH), là chiến dịch lớn nhất trong cuộc chiến. Quân cộng sản tấn công bằng các đơn vị chủ lực trong mục đích giành chiến thắng quyết định, không đánh du kích và dùng các đơn vị nhỏ  làm tiêu hao lực lượng khiến quân Mỹ  mệt mỏi và rút quân như trước kia. Chiến lược đánh dai dẳng bị loại bỏ để Bắc Việt dốc một canh bạc “được ăn cả, ngã về không” (go-for-broke) nhằm đánh bại quân lực Việt Nam Cộng Hòa và lật đổ chính phủ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Quân Bắc Việt tràn qua DMZ và vượt qua Lào dọc theo Quốc lộ 9, hướng đến cố đô Huế, khởi đầu chiến dịch bằng 3 cuộc tấn công vào các vùng khác nhau của Nam VN. Rạng sáng ngày 3 tháng Tư, cộng quân tấn công vào các căn cứ hỏa lực vùng cao nguyên, mở màn với trận đánh vào Kontum với mục tiêu tối hậu là cắt đôi Nam VN ở trung lộ. Ở phía Nam thì 4 ngày sau, tại khu vực quanh Sài Gòn, cộng quân tràn qua Lộc Ninh, một khu vực tiền đồn được phòng thủ chắc chắn tại vùng biên giới Campuchia và bao vây An Lộc, chỉ cách Sài Gòn khoảng 60 dặm.

 

Căn cứ Carroll – nguồn discover.hubpages.com

 

Lực lượng tấn công của quân Bắc Việt có khoảng 30,000-40,000 quân từ 3 sư đoàn thiện chiến là 304, 308 và 325C, đã cùng với 200 chiến xa và các khẩu đội phòng không, tấn công vào một lữ đoàn mong manh của quân đoàn Thủy Quân Lục Chiến và Sư đoàn 3 quân lực VNCH. Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, người đứng đầu Quân đoàn I đóng tại Ðà Nẵng đã bỏ qua các báo cáo tình báo cho thấy kẻ thù đã tập trung lực lượng lớn khắp DMZ và ra lệnh chuyển quân giữa hai căn cứ hỏa lực của Sư đoàn 3 vào ngày 29 tháng 3. Mệnh lệnh sai thời điểm của ông đã thêm vào tình trạng hỗn loạn khi cộng quân tấn công vào ngày hôm sau.

Thủy Quân Lục Chiến và Sư đoàn 3  ở ngay phía Nam DMZ và ở chân đồi phía Tây đều bị tấn công dữ dội  vào Chủ Nhật Phục sinh, ngày 2 tháng Tư. Trung tá QLVNCH Phạm Văn Ðính, chỉ huy trưởng Trung đoàn 56 của Sư đoàn 3, đã đầu hàng toàn bộ đơn vị của mình cùng căn cứ Carroll, một căn cứ hỏa lực cũ của Thủy quân Lục Chiến Mỹ. Trung Tá Ðính cũng không cho phá hủy kho đạn lớn hoặc vô hiệu hóa hơn 20 khẩu pháo, trong đó có 4 khẩu 175 mm.

Các cố vấn trung đoàn quân đội Mỹ là Trung tá Bill Camper và Thiếu tá Joe Brown đã gửi một tin vô tuyến ngắn gọn cho biết họ sẽ rời khỏi căn cứ. Vì lý do an ninh, họ không cho biết Trung đoàn 56 đã đầu hàng hàng loạt. Một Trung tá mới được thuyên chuyển đến gởi ra một mệnh lệnh  “Không được rời căn cứ!”. Camper và Brown bất chấp mệnh lệnh nhằm tránh bị bắt và rời trên chiếc trực thăng Chinook CH-47 do Ðại úy Harry Thain lái, người về sau đã nhận được huân chương cho cuộc giải cứu táo bạo này.

 

Cộng quân chiếm căn cứ Carroll – nguồn mạnh hải/flickr

 

Việc mất căn cứ Carroll dẫn đến một cuộc triệt thoái quân về các vị trí gần thị xã Ðông Hà. Các cuộc không kích của Hoa Kỳ đã giúp chậm bước quân Bắc Việt. Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm thiết lập một hàng phòng thủ liên hoàn đã bị thất bại bởi Tư Lệnh Quân đoàn I liên tục ra các lệnh thiếu sự phối hợp. Ngày 28 tháng 4, Ðông Hà thất thủ. Ba ngày sau thành Quảng Trị tan hoang, quân đội triệt thoái.

Tình trạng hỗn loạn đã diễn ra. Thủy quân lục chiến VNCH giữ vững kỷ luật và chặn đứng đường tiến quân của cộng quân bằng một tuyến phòng thủ kiên cố dọc theo sông Mỹ Chánh, cách Huế 15 dặm.

Những thành công ban đầu của phe cộng sản đã củng cố sự lạc quan của những lãnh đạo diều hâu trong Bộ Chính trị Bắc Việt và gạt qua những thành viên muốn có sự thận trọng. Lê Duẩn, thủ lĩnh của phe chủ chiến, cương quyết cho rằng môi trường chính trị tại Hoa Kỳ sẽ ngăn cản Tổng thống Richard Nixon có phản ứng mạnh mẽ vì năm 1972 là năm bầu cử tổng thống và công chúng Hoa Kỳ bị xem đã mệt mỏi với chiến tranh . Ðó là một suy đoán hoàn toàn sai lầm về Tổng thống Hoa Kỳ.

Cộng quân chiếm Quảng Trị vào ngày 29 tháng 4, dân chúng đổ dồn về Huế. Nguồn AP

 

Tuy nhiên, vào thời điểm này trong cuộc chiến, các chọn lựa đáp trả mạnh mẽ từ Hoa Kỳ bị hạn chế. Vào ngày 30 tháng 4 năm 1972, có 68,100 lính Mỹ ở Việt Nam, giảm từ mức cao nhất là 543,100 quân vào tháng 4 năm 1969. Năm đó, chính quyền Nixon khởi xướng chương trình Việt Nam hóa chiến tranh, rút ​​dần quân đội Mỹ để chuyển giao trách nhiệm chiến đấu cho miền Nam Việt Nam. Chỉ còn lại hai lữ đoàn chiến đấu của Mỹ, một ở phía bắc Nam Việt Nam và một ở khu vực Sài Gòn với nhiệm vụ chính của họ là bảo vệ các căn cứ không quân và cơ sở hậu cần của Hoa Kỳ.

Nixon loại trừ việc điều quân bộ binh mà tấn công bằng không quân. Ông điều động thêm phi cơ đến Ðông Nam Á, tiếp tục ném bom ra mạn Bắc và ra lệnh thả mìn phong toả các cảng của Bắc Việt Nam. Không quân Hoa Kỳ và các chiến đấu cơ trên các hàng không mẫu hạm, với 206 phi cơ B-52 thả bom và hơn 800 phản lực chiến đấu đã sẵn sàng cho cuộc chiến. Vào đầu tháng Năm thì tình thế tại miền Nam Việt Nam bị xem là lâm vào tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng

Việc mất Quảng Trị và hỗn loạn tại Huế đã dẫn đến quyết định từ Tổng Thống Thiệu là tướng Lãm phải bị thay. Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lịnh vùng đồng bằng sông Mekong và được xem là một trong những tướng tài nhất của miền Nam VN sẽ thay thế. Tướng Trưởng cùng các sĩ quan tùy tùng bay ra vùng Một trong vòng 24 tiếng. Quân lực VNCH chuẩn bị phản công.

 

 

Kỳ 2

Những cuộc giao tranh đẫm máu

Trung tướng Ngô Quang Trưởng cùng các sĩ quan tùy tùng thân tín bay ra Quân đoàn I trong vòng chưa đầy 24 giờ sau lệnh bổ nhiệm từ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Vị tân tư lịnh thể hiện một phong cách riêng khi chuyển Bộ chỉ huy chính của Quân đoàn I từ Ðà Nẵng ra Huế, nơi chỉ là một Sở chỉ huy tiền phương nhỏ do một số sĩ quan và cố vấn Hoa Kỳ chỉ huy nhưng ông vẫn bay về Ðà Nẵng đánh tennis và ăn tối ở nhà.

Tuyến quân tại sông Mỹ Chánh cần được tăng viện. Tướng Trưởng đề nghị Tổng Thống Thiệu cho bổ sung quân số.

Ngày 8 tháng 5, Lữ đoàn 2 Nhảy Dù đến tăng viện và củng cố lại tuyến đường duyên hải. Hai tuần sau, Lữ đoàn 3 Nhảy Dù và Bộ chỉ huy Sư đoàn Dù bay đến Huế. Các đơn vị thiện chiến nhất bao gồm Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Sư đoàn Dù và Sư đoàn 1 QLVNCH lúc này xem như đã nằm dưới quyền chỉ huy của tướng Trưởng.

Bày binh bố trận tốt cho phép vị tướng trở nên quyết đoán táo bạo hơn. Lữ đoàn 369 của Thủy Quân Lục Chiến VNCH mở màn cuộc tấn công vào hậu cứ Cộng quân ngay phía Nam thị xã Quảng Trị với 2 Tiểu đoàn đổ bộ từ trực thăng. Hai ngày sau, vào ngày 15 tháng 5, Sư đoàn 1 QLVNCH tái chiếm được căn cứ hỏa lực cũ của Mỹ là Bastogne, củng cố phía mạn Tây dẫn vào Huế. Trong khi quân đội VNCH tiếp tục chiến đấu với địch quân thì các cố vấn Mỹ đã điều các cuộc không kích dữ dội đầy hữu hiệu.

Cuộc phản công của Quân đoàn I mang mật danh là Chiến Dịch Lam Sơn 72 nhằm đẩy lùi địch quân qua khỏi khu vực phi quân sự DMZ. Tuy nhiên Tổng Thống Thiệu ra lệnh cho tướng Trưởng tái chiếm cổ thành Quảng Trị, là thành phố tỉnh lỵ duy nhất nằm trong tay địch, trước khi tiến quân xa hơn ra phía Bắc. Thị xã này không có giá trị chiến lược và tướng Trưởng muốn bỏ qua nó vì ông muốn tiêu diệt các đơn vị Cộng quân và chiếm lại các vùng đã mất trước, nhưng lệnh của Tổng thống Thiệu đã buộc các Sư đoàn Dù và Thủy Quân Lục Chiến bước vào một cuộc đụng độ đẫm máu trong nội đô với quân địch.

Một kế hoạch tinh vi nhằm đánh lừa địch quân về thời gian và địa điểm của cuộc tấn công được vạch ra. Ðó là cho “lộ bí mật” về một cuộc nhảy dù và cuộc đổ bộ vào hậu cứ của địch quân. Tuy nhiên, cú lừa này không tạo ra hiệu quả đặc biệt gì vì bộ chỉ huy quân cộng sản trong khu vực đã nhận được thông tin chi tiết về cuộc tấn công thật sự từ một điệp viên của họ cài vào trong Ban Tham Mưu Quân đoàn I.

Ngày 15 tháng 7, Trung tướng Ngô Quang Trưởng, thăm Bộ chỉ huy Hải quân phía bắc Huế, nơi trưng bày vũ khí tịch thu được của cộng quân. (AP / Jacques Tonnaire)

Chiến dịch Lam Sơn 72 bắt đầu vào ngày 28 tháng 6 khi Thuỷ Quân Lục Chiến và lính Dù mở cuộc tấn công trong đêm qua sông Mỹ Chánh. Mặc dù kế hoạch đã bị lộ, họ cũng gặp sự kháng cự giới hạn từ địch quân. Các sĩ quan cao cấp đầy tự tin của QLVNCH hy vọng sẽ tái chiếm được cổ thành Quảng Trị trong 9 ngày nhưng thực tế đã đi rất xa hơn dự tính này.

Cuộc tấn công do 2 Tiểu đoàn lính Dù và 2 Tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến VNCH được hỗ trợ bởi các cuộc oanh kích của B-52, có sự yểm trợ mạnh trên không cùng hỏa lực của Hải Quân Hoa Kỳ đổ bộ vào phía sau tuyến kháng cự chính của địch quân. Dù vậy, sư đoàn Dù cũng phải mất một tuần mới áp sát được vòng ngoài của thị xã. Tốc độ tiến quân chậm đã giúp phía địch quân có được thời gian để củng cố lực lượng trong cổ thành. Ðược xây dựng vào năm 1824, bốn mặt vuông của cổ thành có chiều dài 1,640 feet (khoảng 500 mét) và tất cả đều được bảo vệ bởi một con hào rộng. Những bức tường gạch dày cao gần 30 feet (hơn 9 mét) với một tháp pháo đài ở mỗi góc thành.

Tư lệnh Sư đoàn Dù là Trung tướng Dư Quốc Ðống ra lệnh cho Lữ đoàn 2 Dù, gồm 3 Tiểu đoàn với hơn 2,000 lính Dù, đánh chiếm thị xã. Ðại tá Trần Quốc Lịch cam đoan với tướng Ðống rằng Lữ đoàn của ông sẽ chiếm lại nhanh chóng và đã chuẩn bị rượu champagne để ăn mừng chiến thắng. Dù vậy, Ðại Tá Lịch vẫn cho tấn công khá thận trọng.

Thiếu tá Lê Văn Mễ, một sĩ quan tài ba xuất chúng chỉ huy đơn vị chủ lực của Lữ đoàn là Tiểu đoàn 11 Dù, biết sự thận trọng của Ðại Tá Lịch đã khiến Tiểu đoàn của ông mất phần chủ động. Cố vấn Hoa Kỳ của Thiếu tá Mễ là Ðại úy Gail “Woody” Furrow, nói với một cố vấn khác rằng: “Chúng ta đã có họ đang trên đường bỏ chạy. Chúng ta nên bỏ qua thị xã Quảng Trị đó và tiến thẳng đến DMZ”.

Tư lệnh quân Bắc Việt tại chiến trường này là Trung tướng Trần Văn Quang, biết Tổng Thống Thiệu sẽ cho thực hiện bất cứ điều gì cần thiết để tái chiếm thị xã. Biết là một trận chiến đẫm máu sẽ diễn ra, ông ta đã chuyển một số trung đoàn bộ binh vào trong thành cổ và sử dụng một trung đoàn khác để xây dựng các công sự bên trong thị xã. Súng cối và ống pháo, đặc biệt là pháo hạng nặng 130 ly do Liên Xô chế tạo đã được tái bố trí để hỗ trợ tối đa hỏa lực. Các khẩu pháo 130 ly đã phóng những quả đạn nặng 70 pound đi xa khoảng 17 dặm, vượt xa tầm bắn của các loại pháo 105 và 155 ly của phía VNCH. Pháo binh và súng cối của cộng quân đã gây ra phần lớn thương vong cho lính VNCH.

Chiến sĩ Sư đoàn Dù bắn vào các boong-ke của Cộng quân trong cuộc giao tranh gần trung tâm Quảng Trị vào ngày 16 tháng 7 năm 1972. (AP)

Cuộc tấn công của Lữ đoàn 2 Nhảy Dù bắt đầu vào ngày 10 tháng 7. Hai Tiểu đoàn 6 và 11 tấn công từ phía Nam, trong khi Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù thực hiện cuộc tấn công chính từ phía Ðông Bắc. Các Tiểu đoàn 5 và 6 Nhảy Dù, tăng viện vào ngày 25 tháng 6, không đủ túc số chiến đấu do tổn thất từ chiến trường An Lộc kéo dài từ tháng Tư đến giữa tháng Sáu. Ðại úy Earl Isabell, cố vấn của Tiểu đoàn 5, sau đó cho biết: “Chúng tôi được chỉ định là mũi tấn công chính nhưng không được bổ sung thêm quân số. Chúng tôi cần thêm vài đại đội. Các tân binh thì hầu như chưa được huấn luyện còn các chỉ huy dày dặn kinh nghiệm tử nạn tại An Lộc vẫn chưa được thay thế”.

Các Tiểu đoàn 6 và 11 Nhảy Dù đã giành được ưu thế ở vành ngoài thị xã, nhưng quân Bắc Việt đã cầm cự tại mỗi góc nhà. Cuộc giao tranh giành đất được tính từng mét và mỗi tòa nhà chiếm được. Tiểu đoàn 1 của Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến đã mở một cuộc tấn công ở cách thị xã Quảng Trị khoảng một dặm về phía Ðông Bắc vào sáng ngày 11 tháng 7 để ngăn chặn giao thông trên đường 560, song song với sông Thạch Hãn, là tuyến tiếp tế chính của quân cộng sản phòng thủ. Tiểu đoàn được chở trên 34 chiếc trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ và có 6 chiếc trực thăng tấn công Cobra của Quân đội Hoa Kỳ hộ tống.

Cuộc đổ quân được yểm trợ bởi hỏa lực Hải Quân và các cuộc oanh tạc trước của B-52 nhưng vẫn vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ. Súng tự động và hỏa tiễn đất đối không SA-7 bắn lên như mưa. Một chiếc CH-53 Sea Stallion và hai chiếc trực thăng CH-46 Sea Knight chở Thủy Quân Lục Chiến bị bắn hạ. Một chiếc trực thăng vô tình hạ cánh gần một chiếc xe tăng T-54 của cộng quân được ngụy trang khá kỹ nhưng chiếc Cobra hộ tống có trang bị phi đạn chống tăng nên đã tiêu diệt được chiếc xe tăng này.

Thiếu tá Nguyễn Ðăng Hòa, Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu đoàn 1 và cố vấn của ông là Ðại úy Thủy Quân Lục Chiến Mỹ Lawrence Livingston đã dẫn đầu các cuộc xung phong vào ngày 11 tháng 7 nhằm phá hủy các công sự của cộng quân đang chặn đường tiến quân lính VNCH. Livingston đã được tặng thưởng Bội Tinh vì sự anh dũng của mình. Trận đánh tiếp diễn trong 3 ngày. Ðến ngày 14 tháng 7, đường 560 đã bị cắt đứt. Quân Bắc Việt phải tìm đường khác thay thế để tiếp tế cho quân phòng thủ của họ tại Quảng Trị.

Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù đã thực hiện cuộc tấn công chủ lực vào đêm ngày 11 tháng 7. Hỏa lực pháo binh được bắn trước và 18 cuộc xuất kích của Không quân Hoa Kỳ đã làm yếu hẳn các công sự phòng thủ của tòa thành. Tuy nhiên, quân phòng ngự của địch quân đã chặn được Tiểu đoàn 5 ngay sát chân tường thành. 25 lính bị tử nạn và hơn 100 lính bị thương.

Lệnh cấm Không Quân Mỹ không kích vào bên trong thị xã được ban hành vào ngày 15 tháng 7 vì Tổng Thống Thiệu muốn tái chiếm Quảng Trị mà không cần sự trợ giúp từ Hoa Kỳ. Trước sự phản đối của tướng Trưởng, một vòng tròn tưởng tượng đã được vẽ xung quanh thị xã. Các cuộc không kích của Hoa Kỳ đã bị cấm trong khu vực đó.

Các chiến sĩ VNCH chuẩn bị cho trận đánh quyết định cuối cùng.

 

Kỳ cuối

 

Khúc khải hoàn viết bằng máu

Chiến thắng hào hùng tại Cổ thành Quảng Trị đã được viết bằng máu. Quân Bắc Việt không chịu thúc thủ, không chỉ phòng ngự mà còn mở các cuộc tấn công nhằm phá vỡ những cuộc hành quân phối hợp của VNCH. Họ tấn công Tiểu Ðoàn 5 vào ngày 15 tháng 7 và gần chiếm được trạm chỉ huy tiểu đoàn. Vì một lý do không giải thích được, cuộc tấn công đã bị khựng lại khi chiến thắng nằm trong tầm tay của cộng quân. Hai ngày sau, một cuộc tấn công tương tự vào Tiểu Ðoàn 6, hai bên đánh xáp lá cà trước khi quân Bắc Việt rút lui.

Lính Dù của quân lực VNCH tấn công nhưng kết quả giới hạn và thương vong tăng cao. Những người cộng sản nướng quân cho chuyện cầm cự vì việc giữ được Quảng Trị là ưu tiên hàng đầu của Hà Nội. Mặc dù đường 560 đã bị chặn, các chuyến phà trên sông Thạch Hãn vẫn chuyển quân, hàng tiếp liệu và khí cụ tiếp viện vào Cổ thành, cố duy trì ưu thế về quân số của mình. Trong khi đó, phía VNCH đã gặp khó khăn để đáp ứng kịp nhu cầu thay quân.

Bộ chỉ huy Lữ đoàn Dù 2 nhận mệnh lệnh mở một cuộc tấn công khác. Lần này Tiểu Ðoàn 5 được tăng cường thêm hai Ðại Ðội từ Tiểu Ðoàn 81 Biệt Cách Dù thiện chiến và một Trung Ðội xe tăng. Trước cuộc tấn công vào đêm 23 tháng 7, một chiếc F-4 Phantom của Không lực Hoa Kỳ đã thả một quả bom đạn đạo laser nặng 2,000 cân Anh xuống thành lũy phía Ðông Bắc của tòa thành để Tiểu đoàn 5 đột kích vào pháo đài.

Khi trời rạng sáng, lệnh hạn chế Không lực Hoa Kỳ lại bị áp đặt và Không Quân VNCH được ra lệnh thay thế. Một phi cơ đã vô tình thả 3 quả bom 500 cân vào giữa lính nhảy dù, gây thiệt mạng 45 binh sĩ và làm bị thương nặng 100 người khác.Tiểu đoàn 5 buộc phải rút lui.

Cuộc chiến đấu kéo dài hai tuần gần như xoá sổ cả Lữ đoàn 2 Nhảy Dù. Tiểu đoàn 5 bị thiệt hại nặng nề nhất. Ðơn vị có 600 quân bị thiệt mạng 98 binh sĩ và 400 người bị thương. Hai tiểu đoàn còn lại cũng không khá hơn. Bốn trong sáu cố vấn Mỹ bị thương và phải cấp tốc chở vào bệnh viện. Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam tiếp viện cho Sư đoàn Dù vào ngày 27 tháng 7. Một cố vấn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đã phải giật mình trước những gì nhìn thấy tại Quảng Trị.

Một đơn vị nhảy dù đang chiến đấu giành lại từng tấc đất tại Cổ thành Quảng Trị. (AP)

Quảng Trị là hình ảnh của Berlin vào năm 1945. Hố bom khắp mọi nơi. Mọi cấu trúc hầu như đã bị phá hủy, chỉ còn những tòa nhà trơ trọi vách.

Thủy Quân Lục Chiến tin rằng họ sẽ nhanh chóng chiếm ưu thế nếu bên Dù chưa làm được. Sự lạc quan của họ nhanh chóng sụt giảm khi đụng đầu với một lực lượng phòng vệ vượt trội về quân số của địch quân.

Thiếu tướng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ là Richard Rothwell, cố vấn cho Tiểu đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến VNCH, đổ lỗi cho Sư đoàn Dù rằng đã không bảo vệ được sườn trái của lực lượng Thủy Quân Lục Chiến. Nhiều pháo đài cũ ở phía Tây Quốc lộ 1 do Cộng quân chiếm giữ đã nã pháo như điên vào các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến đang tấn công.

Trước đó Thiếu Tá Lê Văn Mễ, Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu đoàn 11 Dù đã cho rằng các pháo đài nằm quá xa để có thể cản đường tiến công dọc theo trục mà quân Thủy Quân Lục Chiến đang sử dụng.

Bất kể là lý do gì, bộ tham mưu Quân Ðoàn I đã không giao trách nhiệm rõ ràng về các pháo đài và thiết lập ranh giới chính xác giữa hai sư đoàn. Ðây là một sơ suất nghiêm trọng của Bộ tham mưu vì thiếu sự phối hợp chiến thuật chung.

Cuộc tấn công vào ngày 3 tháng 8 cũng bị sa lầy. Tổng Thống Thiệu dỡ bỏ các hạn chế đối với các cuộc không tạc của Mỹ vào Quảng Trị, nhưng quyết định đó cũng không thay đổi được gì khi trận chiến đã trở thành các cuộc đọ sức giữa pháo binh VNCH cộng với các cuộc oanh tạc của Không Quân Hoa Kỳ thử sức với pháo binh cộng quân. Lúc này Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến không đủ lực lượng để thắng được. Chuẩn Tướng Bùi Thế Lân, Tư lệnh Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến yêu cầu cần được tăng quân.

Trong suốt tháng 8, các cuộc giao tranh tại từng mỗi góc nhà và các cuộc đấu pháo binh đã gây ra nhiều tổn thất cho quân đội VNCH. Kể từ ngày 30 tháng 3, Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến hùng mạnh với 15,000 quân đã thiệt mạng hết 1,358 người và 5,500 bị thương.

 

Thiếu Tướng hồi hưu John D. Howard

 

 

Các cuộc giao tranh cũng đã gây ra không ít thiệt hại cho các cố vấn Mỹ trong sư đoàn. Vào đầu tháng Bảy, Cố vấn Thủy quân Lục Chiến yêu cầu thay thế khẩn cấp 9 sĩ quan Mỹ tử nạn.

Yêu cầu của tướng Lân về việc tăng thêm quân đã được đáp ứng vào ngày 8 tháng 9. Có 3 tiểu đoàn của Liên đoàn 1 Biệt Ðộng Quân đến thay cho Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến 147 ở phía Bắc thị xã, nhằm giúp Thủy Quân Lục Chiến mở các cuộc tấn công. Lúc này tướng Lân đã có trong tay 6 tiểu đoàn, gồm 4 tiểu đoàn ở hướng Nam và 2 tiểu đoàn ở hướng Bắc để thực hiện nhiệm vụ. Ông vẽ sơ đồ giáp công đến giữa thành, bố trí Lữ đoàn 147 ở hướng Bắc và Lữ đoàn 258 ở hướng Nam. Tiểu đoàn 6 tấn công từ hướng Ðông Nam.

Ðể kéo đối phương ra khỏi Quảng Trị, Hạm Ðội 7 của Mỹ đã thực hiện một cuộc đổ bộ giả. Lữ đoàn đổ bộ Thủy Quân Lục Chiến số 9 đã lừa địch quân bằng cách tung sóng vô tuyến giả.

Vào ngày 9 tháng 9, các cuộc pháo kích của Hải Quân, các cuộc không kích chiến thuật và một cuộc tấn công bằng bom B-52 bắt đầu dội xuống bãi biển phía Ðông thị xã Quảng Trị.

Khi trận ném bom ngưng lại, quân Bắc Việt leo ra khỏi các hầm bong-ke để cận chiến với lực lượng đổ bộ.

Trong khi Lữ đoàn 9 cầm chân đối phương, thì cuộc tấn công vào Cổ thành mở màn. Phía Cộng quân cũng tái bố trí một số pháo binh bị hư hại do pháo từ Hạm đội 7. Thủy Quân Lục Chiến VNCH đã phải đối diện một trận đánh khốc liệt. Những đống gạch đổ nát do pháo kích đã tạo ra những vị trí phòng thủ cho bộ đội Bắc Việt, cộng vào đó, hệ thống hầm công sự kiên cố của chúng đã giúp chúng chống đỡ hỏa lực của lực lượng Thủy Quân Lục Chiến.

Ðêm 9 tháng 9, Trung tá Ðỗ Hữu Tùng, Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu đoàn 6 Thần Ưng TQLC cho một mũi thám báo đột nhập thành. Nhóm cho biết chỉ gặp sự kháng cự lẻ tẻ mà thôi. Lập tức Trung Tá Tùng phát lệnh tấn công ngay tối hôm sau.

Rạng sáng đầu ngày 11 tháng 9, một chốt đại đội đã cắm vào được bên trong góc Ðông Nam của tòa thành. Trung Tá Tùng tung thêm lính TQLC vào. Ðồng thời, các Tiểu đoàn 1 và 2 đã chiếm được phía bờ sông Thạch Hãn, chặn đường tiếp vận của địch. Cộng quân phản công mãnh liệt nhưng Thủy Quân Lục Chiến cuối cùng đã giữ vững được chiến tích của mình.

Về phía Bắc, các Tiểu đoàn 3 và 7 quét sạch khu vực đóng quân của địch. Sáng ngày 15 tháng 9, Tiểu đoàn 3 xông vào thành. Cộng quân dội một trận mưa pháo với mục đích cắt đôi Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 6, nhưng cả hai đơn vị này vẫn giữ được đội hình tác chiến.

12:45 trưa ngày 16 tháng 9, lá cờ Việt Nam Cộng Hòa phất phới tung bay trên Tây môn Cổ thành, chấm dứt 138 ngày bị lọt vào tay quân cộng sản.

Tin chiến thắng loan đi khắp thế giới. Với miền Nam Việt Nam, việc chiếm lại được tỉnh lỵ cuối cùng trong tay địch là một điều hết sức phấn khích.

Ngày 20 tháng 9, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bay ra tận nơi để ủy lạo Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, chúc mừng Bộ tham mưu, các sĩ quan và binh sĩ. Việc thăng cấp và trao huân chương cũng đã được thực hiện ngay tại chỗ.

 

SOURCES:

Main Source: https://www.historynet.com/

https://baotreonline.com/van-hoc/kien-thuc/tai-chiem-quang-tri-tran-chien-dai-nhat.baotre

https://baotreonline.com/van-hoc/kien-thuc/tai-chiem-quang-tri-tran-chien-dai-nhat-ky-2.baotre

https://baotreonline.com/van-hoc/kien-thuc/tai-chiem-quang-tri-tran-chien-dai-nhat-ky-cuoi.baotre?fbclid=IwAR3Wl_WDkB-B5f8Ckef-5G0QGhybBjfmYeSywGsrC7Gy4AMlzJ88BO6euJ4

.

 

No comments:

Post a Comment