Friday, September 16, 2022

50 năm tái chiếm Cổ thành Quảng Trị: Tiểu Đoàn 3 & 6 TQLC tiến về Quảng Trị (Một Cọp Biển)


Ba mươi tháng ba năm 1972, quân Cộng sản Bắc Việt đã bất thần mở trận đại tấn công vào tỉnh Quảng Trị với 3 Sư đoàn Bộ binh, khoảng 4O ngàn quân cùng các loại chiến xa T54, T34, PT76, hỏa tiễn SA2, SA7 và dữ dội nhất là hỏa lực của Sư đoàn Pháo với đại bác 13O ly nòng dài, bắn xa cả 3O cây số.
Sư đoàn 3 Bộ binh với sự tăng cường của một Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến, một Liên đoàn Biệt Động Quân chỉ cầm cự được có 31 ngày. 

Ngày 1/5/72, ta phải triệt thoái khỏi tỉnh Quảng Trị. Tất cả lực lượng đều lui về lập tuyến phòng thủ tại bờ Nam sông Mỹ Chánh, ranh giới Quảng Trị và Thừa Thiên.
Tại ranh giới này, quân sĩ của Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến đã chận đứng tất cả mưu toan tiến xa về phía Nam của quân Bắc Việt, và đồng thời cũng đã mở nhiều cuộc tấn công giới hạn vào Hải Lăng và Mỹ Thủy, phía Bắc phòng tuyến Mỹ Chánh bằng phương tiện trực thăng và đổ bộ bằng tàu Hải quân. Những cuộc hành quân đột kích này đã khiến cho địch quân phải luôn luôn ở thế phòng thủ, không biết ta sẽ phản công vào chỗ nào và bất cứ giờ phút nào. 


Ngày 27/7/72 Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến được lệnh thay thế Sư đoàn Nhảy Dù đánh chiếm cổ thành Đinh Công Tráng, mục tiêu chính trong việc tái chiếm tỉnh Quảng Trị.
Kể từ lúc qua sông Mỹ Chánh, chỉ trong vòng một ngày quân ta đã tiến sát ngoại ô tỉnh lÿ. Và 3 ngày sau lực lượng của Sư đoàn Dù đã kiểm soát được toàn diện tỉnh lÿ, trừ khu vực Cổ thành Đinh Công Tráng. Ngôi thành cổ hình vuông, mỗi chiều chỉ 5OO mét nhưng lại xây bằng gạch nung cứng được bao bởi lớp đất dày trên 5 mét mặt thành, bao quanh là một lớp hào sâu, rộng khoảng 1O mét. Đây là Tiểu khu Quảng Trị, và trong suốt tháng 4/72 là bản doanh của Bộ tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh. Tướng Giai đã ra lệnh tăng cường tối đa vật liệu phòng thủ như hàng chục rào kẽm gai bao quanh chân thành. Trên mặt bốn bờ thành, binh sĩ Tiểu khu đã đào công sự phòng thủ với hàng trăm lô cốt kiên cố, cạnh Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Trị, Trung tâm Hành quân Sư đoàn 3 Bộ binh đã được một Đại đội Công Binh xây cất kiên cố bằng gỗ, bằng sắt và trên nóc là 15 lần bao cát. Tất cả những công trình phòng thủ này đã để lại cho địch xử dụng. Gậy ông đập lưng ông! Cộng quân đã lợi dụng những phòng thủ này để cầm cự với Sư đoàn Nhảy Dù trong suốt 2O ngày qua. Bốn Tiểu đoàn thiện chiến Nhảy Dù, kể cả Tiểu đoàn đã nổi danh tạo nên 6 sĩ quan cấp Tướng đã bị chặn lại dưới bức thành cổ này. Vào những giờ phút cuối bàn giao trách nhiệm, cấp chỉ huy của lực lượng Dù còn đẩy một toán quân lên bờ thành với hy vọng cắm được cây cờ ! Tất cả đều hy sinh.
Nhận trách nhiệm tái chiếm Cổ thành Quảng Trị, đoàn chiến sĩ Mũ Xanh có ngờ đâu là nhận trách nhiệm với quân đội, với lịch sử Việt Nam, danh dự to tát này đã được tạo nên bằng sự hy sinh của hàng ngàn chiến sĩ Cọp Biển.
Đại tá Ngô Văn Định, vị Lữ đoàn trưởng thâm niên nhất, được giao nhiệm vụ này, ranh giới đã được vẽ lại trên bản đồ: Bên phải quốc lộ 1 là trách nhiệm của Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến.
Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến thay thế cho Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù đánh vào hướng Tây Nam, những đứa con của Thần Ưng một thời oanh liệt ở căn cứ Phượng Hoàng đã luân phiên chiến đấu trong suốt 4O ngày sau đó.
Tiểu đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến thay thế cho Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù đánh vào mặt Đông cổ thành vào những ngày đầu, và chính những chiến sĩ Sói Biển trong ngày chót của chiến dịch đã may mắn leo lên bờ Cổ thành phía Đông mở đường cho quân ta kéo vào cắm cờ trong ngày 15/9/72.
Lữ đoàn 147 phía Đông, chặn địch ngang từ quận Triệu Phong ra đến bờ biển, Tiểu đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến từ ngày xuống phía Nam quận Triệu Phong vẫn còn nằm lì ở đây chịu pháo để ngăn chận trục tiếp tế của Cộng quân từ phía Bắc vào Cổ thành. Việc tiếp tế phải thực hiện vào ban đêm qua sông Thạch Hãn nên rất hạn chế và khó khăn. Có Quái Điểu che chở sườn phía bên phải, các chiến sĩ Sói Biển yên lòng nhìn về phía Bắc. Cổ thành rêu phong chỉ còn cách xa có 4OO mét, cở 2 tầm đạn M16. Chỉ 2 tầm đạn súng tay, 2 Tiểu đoàn 3 và 8 Thủy Quân Lục Chiến đã luân phiên đánh 48 ngày ròng rã, tiến lên từng thước một, có ngày bò xa được vài chục thước, tối lại phải lui về chỗ cũ. Đại đội quân số 14O, chỉ 48 giờ sau còn lại 8O, lại phải lui ra bổ sung và tiếp tế. Pháo, cối từ bờ Bắc sông Thạch Hãn rót sang, 75 ly không giật, B4O, B41 từ trong bờ thành bắn ra như tên vãi.
Không thể đánh ban ngày, mọi hoạt động của ta, từ trên bờ thành cao địch đã quan sát rõ, mọi sự di chuyển đều là mục tiêu địch tập tác xạ đủ mọi loại súng. Một chiếc nón sắt đưa cao khỏi giao thông hào là đạn đủ loại tập trung bắn tới, một con chó hoang dại dột chạy ra chỉ vài phút sau là “chầu bác”.
Tin tức tình báo là 1 Trung đoàn địch cố thủ trong ngôi Cổ thành này, như vậy trên mặt thành phía Nam có ít nhất 1 Tiểu đoàn Bộ binh địch đào hầm chữ A trên bờ thành, mỗi thước đất có 1 tên địch nằm tử thủ, làm sao đẩy được tụi lính trẻ con cháu Bác Hồ nhất định giữ lời thề Sinh Bắc Tử Nam. B52 không đánh được vì quá gần quân bạn, Pháo binh không hiệu quả, bắn ngàn trái chỉ rơi 15 trái trên mặt bờ thành, tụi lính Cộng chui trong lỗ như chuột, trái nào may mắn rơi trúng miệng hố thì cũng chỉ sát hại 1 tên là cùng. Chỉ còn có bom là hiệu quả, phi cơ phải bay thật thấp, bất chấp hỏa lực phòng không, mỗi trái 5OO lbs phá được vài thước bờ thành. Phải xử dụng cả ngàn phi vụ mới đập nát bốn mặt thành, nhưng đập nát không phải là mặt thành sẽ bỏ trống để quân ta bò lên dễ dàng.
Bom trúng địch có chết, nhưng khi máy bay vừa hết bom rời vùng thì toán địch khác bò lên trám vào chỗ trống, lại đào hố, sửa lại nắp hầm. Bờ thành có mòn đi nhưng hàng rào hỏa lực lại được lập lại thật nhanh đan kín 3 mặt thành, một con chim không bay qua được.
Chính những khó khăn này đã làm cho quân sĩ Mũ Đỏ bị chặn lại xa bờ thành không tiến lên được. Họ đã từ bờ Mỹ Chánh tiến vào ngoại ô tỉnh lÿ Quảng Trị trong 7 ngày, nhưng 2O ngày sau Sư đoàn Nhảy Dù chỉ tiến được thêm có 5OO thước và bị chận lại. Cuối cùng Tướng Trưởng phải giao trọng trách này cho Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Khó khăn nào cũng vượt qua, chiến trường nào cũng thích hợp, mục tiêu nào cũng đánh thắng, đó là châm ngôn của người lính Mũ Xanh.
Bằng mọi giá phải áp dụng câu châm ngôn trên vào mặt trận này. Điều khó nghĩ của Bộ tư lệnh Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến là phải có một kế hoạch để có thể đạt được mục tiêu mà không phung phí xương máu của quân sĩ.
Trước hết là sử dụng hỏa lực tối đa của Không quân, Hải pháo, Pháo binh cơ hữu của Sư đoàn. Thứ hai là đánh chậm mà chắc, tiến được thì lên, không tiến được thì lui, không được hy sinh một cách vô ích. Có kế hoạch bổ sung tiếp tế và tải thương đầy đủ đáp ứng nhu cầu của chiến trường. Có đủ những yếu tố trên, sự chiến thắng là lẽ đương nhiên, có chăng là vấn đề thời gian... Cái thời gian đó đã kéo dài trong suốt 48 ngày đêm, kể từ ngày trám tuyến Nhảy Dù đến ngày cắm được Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ trên Cổ thành Đinh Công Tráng.

Ngay sau hôm lực lượng Thủy Quân Lục Chiến thay thế Sư đoàn Nhảy Dù, tôi đã theo chân Lữ đoàn trưởng 369 lên Bộ chỉ huy Tiểu đoàn 6 để nhìn cho rõ sư điêu tàn của thành phố Quảng Trị. Xe vừa ngừng thì pháo 13O ly đã ầm ầm đổ xuống, những người lính Tiểu đoàn 6 đã nhanh nhẹn ẩn nấp vào những căn hầm nhỏ ở những góc nhà đổ nát. Còn chúng tôi đành ngồi xuống chịu trận mưa pháo mãi gần 1O phút, pháo ngớt chúng tôi mới được hướng dẫn vào Bộ chỉ huy Tiểu đoàn 6.
Thiếu tá Tùng, người hùng của chiến thắng căn cứ Phượng Hoàng 2 tháng trước, với thành tích hạ 12 chiến xa của địch. Anh đã 2 lần đem Tiểu đoàn 6 nhảy xuống đất địch tại Hải Lăng và Mỹ Thủy phá nát căn cứ địch rồi trở về nguyên vẹn. Bây giờ đơn vị anh là mũi dùi chính, đánh vào Cổ thành rêu phong đổ nát kia, anh cười nói với chúng tôi:
- Nghĩ sao với loạt pháo 13O ly chào đón vừa rồi ?
- Không có gì lạ cả, anh quên rằng những ngày ở Ái Tử chúng tôi đã từng chịu pháo dữ dội hơn nhiều. Ngày đó, cả Sư đoàn Pháo địch tập trung vào Ái Tử. Bây giờ trận địa quá rộng cho một Sư đoàn Pháo phải không anh ? Vài chục quả không ăn thua gì.
Sau đó anh đưa chúng tôi lên đài quan sát của Tiểu đoàn và chỉ cho chúng tôi những địa điểm đã kiểm soát được. Đó là sân thượng của những cái nhà 2 tầng đã bị sập, chỉ còn cái cầu thang bằng gạch đi lên từng trên, một bức tường được đục một lỗ châu mai để quan sát về phía Cổ thành. Đứng ở đây nhìn bao quát cả thành phố Quảng Trị, tôi không thấy gì ngoài gạch đá, tôn gỗ và ngói vụn. Không biết bao nhiêu bom đạn đã ném xuống cái thành phố khốn khổ này. Không nhìn thấy đường phố, không còn một căn nhà nhỏ nào nguyên vẹn ! Những cụm khói bốc lên khắp nơi, địch vẫn pháo thường xuyên vào những vị trí đóng quân của ta, xa hơn nữa về mé Đông chừng 7OO mét là cái Cổ thành đang chìm trong màn khói của phi cơ oanh kích.
Tôi rời đài quan sát, thầm thương xót cho người dân thành phố này. Nếu ta chiếm lại được thì đến bao giờ họ mới kiến thiết được ngôi nhà cũ ?
Hỏi thăm tình hình, anh Tùng cho tôi biết chung quanh bức tường kia phía ngoài 4OO mét vẫn còn rất nhiều chốt của địch. Ta và địch vẫn còn lẫn lộn trong những đống gạch vụn đổ nát, không thể vẽ ranh giới chính xác trên bản đồ. Chỉ những ông Đại đội trưởng và Trung đội trưởng mới biết ta ở đâu và địch đóng chốt ở chỗ nào. Chiều hôm qua, ta còn phát hiện một Tiểu đội của Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù nằm sâu trong tuyến địch. May mà ta phát hiện trước khi trời tối nếu không sẽ bắn lầm. Tại tuyến đầu, lính gác ban đêm đều sẵn sàng lựu đạn, nghe tiếng động phía trước là ném ngay, đặc công địch đêm tối mò mẫm tìm cách đánh trộm, bên ta sơ hở là lãnh đủ.
Có một sĩ quan Tiểu đoàn 6 kể lại cho chúng tôi nghe, chỉ có một cái chốt địch mà Trung đội anh không tiến lên được bước nào trong mấy ngày liền. Trong đám bám chốt này có một tên đầu trọc gan lì và khôn lanh như cáo, tên đầu trọc này đã được binh sĩ Sư đoàn Dù bàn giao lại, y đã bắn hạ rất nhiều khinh binh của ta và của Tiểu đoàn Dù lúc trước. Mãi sau ta phải dùng cái lối đánh đặc công để tiêu diệt cái chốt này.
Mặt trận tại thành phố Quảng Trị cứ chậm chạp diễn tiến như vậy, chẳng có trận đánh nào lớn, địch không có đất để điều động xe tăng vào vòng chiến. Nhưng pháo địch vẫn là điều e ngại cho quân ta, ngày ẩn nấp chịu pháo, đêm chờ đón đặc công địch, lúc thuận tiện chiếm thêm vài căn nhà, lúc khó khăn lại lùi về vài thước.
Cấp cao ở xa, đâu có nhìn thấy tận mắt cái khó khăn của những Trung đội trưởng và Đại đội trưởng. Những ngày trên tuyến đầu của họ là những ngày đêm mất ăn mất ngủ. Ăn làm sao ngon giữa những cơn mưa pháo và lính bị thương đem về liên tiếp. Ngủ làm sao yên khi đêm nào địch cũng hò hét xung phong đôi ba lần ? Dẫn Đại đội lên tuyến đầu với quân số 14O, ba ngày sau bị thương một phần ba, phải lui lại về bổ sung. Đại đội nào ngon lắm thì cũng chỉ chịu đựng được 1O ngày, sau 1O ngày là quân số tác chiến sẽ hao phân nửa. Thượng cấp xài xễ sao không đánh mà tổn thất nhiều, thật ra nhiều lúc “chỉ giữ được cũng đã là anh hùng”, có ai hiểu cho nỗi khó khăn của những sĩ quan cấp nhỏ thế này!
Bốn Tiểu đoàn Bộ binh xa luân chiến trong suốt 4O ngày mới xua được hết địch chui trong cái Cổ thành khốn nạn này. Trong suốt 4O ngày đó, Đại đội nào đi xa nhất chỉ được 5OO thước, và cũng trong thời gian ấy có phía chỉ tiến lên được 2OO thước, 2OO thước bằng xương máu của binh sĩ.
Mặt trận phía Nam quận lÿ Triệu Phong cũng vậy. Hai Tiểu đoàn 1 và 2 của Thủy Quân Lục Chiến cũng thay nhau đánh cả tháng trời mà cũng không ai làm được Quận trưởng quận Triệu Phong.
Tất cả một Trung đoàn địch chui vào một cái bánh chưng mỗi bề 5OO thước, bằng cách nào phải đập cái bánh, làm tê liệt khả năng của địch và đuổi chúng chạy về bên kia sông Thạch Hãn. Chiến dịch 9O ngày tái chiếm lãnh thổ đã chầm chậm bước qua ngày thứ 8O, chỉ còn có 1O ngày mỏng manh nữa, phải làm sao thanh toán được cái bánh chưng Cổ thành Quảng Trị đổ nát kia.
Kể từ ngày qua sông Thạch Hãn, chỉ 1O ngày sau mình đã tiến gần, đã thấy ngôi Cổ thành Đinh Công Tráng, Sư đoàn Nhảy Dù đã chiến đấu trong 2O ngày mà chỉ bám được vào mặt thành, dựng vội một lá cờ để rồi bị đánh bật trở lại. Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến lên thay thế đã chiến đấu ròng rã trong 8O ngày, chỉ đẩy được tất cả các chốt địch ngoài bờ thành vào trong, và điểm gần nhất cũng còn cách bờ thành 2OO mét. Trận đánh thật kỳ cục, cả một Sư đoàn dồn vào một mục tiêu mỗi chiều có 5OO mét, thượng cấp sốt ruột, người dân cũng nóng lòng chờ tin chiến thắng. Không thể chần chờ, Bộ tư lệnh Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến soạn thảo kế hoạch Phong Lôi, xử dụng tối đa hỏa lực trong 48 giờ liên tiếp, Không quân chiến lược B52 oanh tạc ngày đêm trải thảm bên kia sông Thạch Hãn tới Đông Hà, đập nát những dàn Pháo binh hỏa tiễn cùng những bộ chỉ huy, điểm tiếp vận của địch.
Hải pháo từ các chiến hạm ngoài khơi bắn vào các điểm tình nghi của địch suốt ngày đêm. Pháo binh 175 ly từ Phong Điền tăng cường quấy rối, đặc biệt ngôi Cổ thành được chiếu cố thật kỹ, 12 khẩu đại bác 155 ly, 54 khẩu đại bác 1O5 ly cơ hữu của Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến được lệnh tác xạ không ngừng một phút, pháo thủ chỉ được thay nhau ngủ vài giờ đồng hồ nửa đêm, từng khẩu pháo được điều chỉnh để không một trái nào lọt ra ngoài bờ thành. Đạn bắn không cần đếm, hàng trăm xe vận tải dài chở đạn suốt ngày đêm trên lộ trình Đà Nẵng - Quảng Trị; đạn pháo để dọc lề đường quốc lộ 1 hàng cây số. Các xe của Tiểu đoàn Pháo binh cứ chạy ra vác về, khỏi phải làm phiếu lãnh. Tại điểm tiếp liệu Mỹ Thủy, xà lan chở đạn cũng đổ đầy bờ biển. Chưa bao giờ các pháo thủ được bắn xả ga như vậy. Có người đã ôm viên đạn nhưng không đủ sức nạp vào nòng súng và ngã xuống. Trong 48 giờ đồng hồ 4 Tiểu đoàn Pháo binh đã bắn đi 6O ngàn trái đạn. Có thể nói không thước đất nào là không có đạn rơi.
Bốn bờ tường thành được dành cho Không quân chiến thuật, các phi công phải lựa chiều bay ném bom sao cho trúng bờ thành có 5 thước bề ngang. Phải làm sao san bằng các bờ thành kia, làm cho nó càng thấp càng tốt, phải đập nát những cái lô cốt ở 4 góc thành, phải làm câm họng đại liên, thượng liên, phải tiêu diệt những tên Cộng quân điên cuồng đã tự khóa xích chân mình vào vũ khí để tử thủ.
Sau hết, phải nhờ đến một số bom “Mắt thần”, những trái bom nặng 5OO lbs điều khiển bằng Radar, đánh trúng bờ thành đã làm nhiều chỗ mòn đi quá nửa. Cái tường thành ngạo nghễ rêu phong chỉ còn thấp chừng vài ba thước, gạch đất ngỗn ngang. Nhưng giữa đống gạch vụn cao thấp đó vẫn còn đám con cháu Bác Hồ chui rúc trong những căn hầm chữ A, loại hầm cứng chắc có khả năng chịu đựng được các loại pháo của ta. Cứ dứt pháo là địch lại nhô đầu ra bắn điên cuồng về phía trước mặt.
Cái bánh chưng khó nuốt đã được cắt làm hai, Bộ tư lệnh Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến giao cho mỗi Lữ đoàn một nửa: Nửa phía Đông thuộc phần của 147 với 2 Tiểu đoàn làm 2 mũi nhọn, Tiểu đoàn 8 từ Đông đánh qua, Tiểu đoàn 3 vào chính diện góc bên phải bờ thành phía Nam. Nửa bên trái phiá Tây là trách nhiệm của Lữ đoàn 258 gồm 2 Tiểu đoàn 2 và 6, Trâu Điên từ hướng Tây đánh vào, Ó Biển đánh chính diện, mục tiêu là cái bờ thành đổ nát. Tất cả sẵn sàng để chờ sau 48 giờ của kế hoạch Phong Lôi làm tê liệt khả năng chiến đấu của địch là tiến quân.

Tại căn hầm của Bộ chỉ huy Tiểu đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến, Thiếu tá Cảnh chậm rãi nói với Đại úy Thạch, Đại đội trưởng Đại đội 3:
- Anh Thạch, tôi biết Đại đội anh mới lui về nghĩ có mấy ngày mà lại giao nhiệm vụ này thì cũng kỳ quá, nhưng trong Tiểu đoàn bây giờ, anh là Đại đội trưởng cứng nhất...
Thạch ngắt lời:
- Xin Thiếu tá cứ ra lệnh, tôi sẽ cố gắng.
Anh đã đoán được ý định của ông Tiểu đoàn trưởng. Anh chửi thề trong bụng: “Mẹ kiếp, bốc thơm tôi làm gì. Tên tôi là Thạch, Thạch là đá. Đá ném đâu chẳng được”.
- Tôi thì cũng muốn vậy, lệnh thượng cấp phải làm sao chiếm được cái thành trước mặt kia trước thời hạn ấn định. Chỉ còn 1O ngày nữa, kế hoạch Phong Lôi bắt đầu từ hôm qua, với bom đạn như vậy tôi hy vọng sức địch yếu đi nhiều. Tối nay anh đem Đại đội lên trám tuyến cho thằng H rồi tìm cách tiến sát vào cái chân thành kia trước khi trời sáng. Nếu không được thì lui về, đừng để trời sáng tụi nó nhìn rõ là hỏng việc.
- Tôi nhận rõ, tôi sẽ cho con cái “move” vào lúc nửa đêm. Xin Đại Bàng chỉ thị ngưng soi sáng vào lúc 12 giờ.
- Đúng, tôi sẽ làm như vậy. Chúc may mắn, anh cần gì thêm ban 4 sẽ lo cho anh.
Thạch chào ông Tiểu đoàn trưởng theo đúng lễ nghi quân cách, đàng sau quay rồi rão bước về vị trí đóng quân của Đại đội. Anh triệu tập ngay các Trung đội trưởng và ra lệnh chuẩn bị xuất quân. Nhìn các sĩ quan trẻ tuổi đã cùng anh chịu gian khổ trong mấy tháng qua, anh vừa kiêu hãnh vừa bồi hồi xúc cảm. Họ vẫn tin tưởng ở anh, họ cũng mệt mỏi chỉ muốn được nghĩ thêm ít ngày nữa, nhưmg họ cũng hiểu rằng quân đội là kỷ luật, lệnh phải được triệt để thi hành. Thạch trầm giọng nói:
- Tập họp ở đây, chắc anh em cũng đoán được việc phải làm. Lệnh Tiểu đoàn, chúng ta lên trám tuyến cho Đại đội 1 tối nay, và nửa đêm sẽ là mũi dùi chính tấn công cái bờ thành khốn kiếp ở trước mặt. Đây không phải là lần thứ nhất chúng ta làm chuyện này, nhưng lần này chúng ta phải làm cho được. Danh dự của các bạn, của tôi, của Tiểu đoàn và của tất cả những người lính Mũ Xanh của Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, bao nhiêu bạn bè chiến hữu của chúng ta đã hy sinh chung quanh cái bờ thành đổ nát kia, các anh em nghĩ sao?
Những lần trước chúng ta không dám ủi bừa bãi vì thương xót sinh mạng người lính trẻ. Lần này là lần chót, chúng ta không làm được thì phải nhường vinh dự cho đơn vị khác. Không bao giờ tôi nói nhiều như tối nay, giờ thì chúng ta bàn kế hoạch đánh đêm nay.
Mục tiêu chẳng cần phải vẽ trên bản đồ, cứ nhắm mắt đi thẳng là tới cái hào sâu, băng qua được là tới cái chân thành đổ nát. Chúng ta không thể vừa bắn vừa xung phong như những trận đánh trước kia, 12 giờ đêm nay phi cơ soi sáng sẽ rời vùng, mình sẽ âm thầm bò tới, len lỏi qua những đống gạch đổ nát, giữ thật im lặng
Bây giờ anh em về chuẩn bị trám tuyến, xong còn vài giờ để ngủ. Cố mà ngủ chút nào hay chút nấy. Đúng 12 giờ xuất phát, đội hình như thường lệ: ông Thạch dẫn Trung đội đi tiền đạo, Tòa hữu vệ, Thanh tả vệ. Ông Phán đi với tôi và Trung đội súng nặng theo tiếp ứng, còn ông Phó nhòm từ bây giờ đến nửa đêm ông điều chỉnh pháo vào cái bờ thành đó. Sau 12 giờ đêm chuyển pháo xa hơn chừng 1OO thước và ngưng đạn soi sáng. Nhớ xử dụng “delay” càng nhiều càng tốt, ông rót được bao nhiêu trái lên bờ thành là đỡ từng ấy mạng binh sĩ hy sinh. Trăm sự nhờ ông đó.
- Thưa Đại úy, tôi sẽ làm hết mình.
Chưa bao giờ anh sĩ quan tiền sát trẻ tuổi thấy mình quan trọng như đêm nay.
- Thôi trước khi giải tán, ai còn thắc mắc gì cứ hỏi. Không có ai hỏi gì thì chúng ta chia tay về chuẩn bị di chuyển khi chặp tối. Điều chót tôi dặn kỹ là chỉ thị binh sĩ không có bắn vu vơ, cứ im lặng bò tới, làm sao đến sát cái bờ thành thì tung lựu đạn thật nhiều rồi leo lên bám chặt vào đó, đừng để tên nào leo trở xuống. Bám được vào đó là ta có thể tựa để bụng ngang hai bên. Điều duy nhất để thành công. Chúc anh em may mắn.
Đại úy Thạch bắt tay từng Trung đội trưởng, đến lượt Thiếu úy Thạch, anh nói:
- Ông cùng tên với tôi. Thạch là đá, đá thì phải cứng, tôi chọn ông đi tiên phong là thế. Tôi hy vọng ông làm được việc.
Đại úy Thạch ngồi dựa lưng vào một bức tường thấp, hỏi khẽ người lính truyền tin lúc nào cũng theo ông như bóng với hình: “Có tin gì của các Trung đội không ? Đưa ống nói cho tao”.
- Thạch Thảo, Thạch Sanh gọi.
- Thạch Thảo nghe Đại Bàng.
- Anh tới đâu rồi ?
- Tôi nghĩ sắp đến cái bờ nước, nhưng không có nước nhiều, tối quá không thấy gì hết. Tôi chưa liên lạc được với thằng Xuân dẫn đầu, nó bò nhanh quá.
- O.K anh cho người tìm nó, tôi chắc anh chẳng còn xa lắm đâu. Tôi chờ tin anh, tạm dứt.
Thạch trả ống nói cho người lính truyền tin, anh đoán Trung đội tiên phong chắc đã tới sát cái hào kia. Xuất phát từ lúc nửa đêm, cả Đại đội anh mò đi trong bóng tối đã gần 3 giờ đồng hồ. Ba giờ đồng hồ với khoảng cách chưa đầy 2OO thước. Chưa bao giờ đoàn quân tiến chậm như vậy, cái may là cho đến giờ phút này con cái đều vô sự. Địch vẫn thỉnh thoảng pháo và bắn vu vơ, tuy ít hơn mọi đêm nhưng cũng làm chậm bước tiến vì binh sĩ phải tìm chỗ ẩn núp cho dứt cơn pháo rồi lại dò dẫm bò lên từng bước một.
Bỗng lúc đó có một loạt đạn pháo binh nổ chát chúa ngay trước mặt. Thạch giật mình cầm lấy ống nói:
- Thạch Thảo anh có làm sao không ?
- Trình thẩm quyền vô sự.
Có tiếng nói lào xào ở bên kia, rồi Thạch nghe tiếng la mừng rỡ của người Trung đội trưởng:
- Trình Đại Bàng, thằng Xuân của tôi đã qua hào vào sát bờ thành, pháo nổ ngay trên đầu nó, thẩm quyền bảo ông Phở Bắc ngưng đi để tụi nó leo lên.
- O.K anh cũng leo nhanh lên và tiến với nó, tôi theo sát anh đây. Tôi sẽ thúc thằng Hai và Ba lên song song với anh, trời sắp sáng rồi, hãy vào hết chân thành và đồng loạt leo lên.
Thạch ra lệnh cho binh sĩ bò nhanh thêm, anh không ngờ mọi việc lại thuận buồm xuôi gió như vậy. Trung đội 1 đã bám được vào chân thành. Vừa báo cáo cho Tiểu đoàn diễn tiến của Đại đội thì từ phía trước hàng chục trái lựu đạn đã nổ trên mặt thành và tiếng báo cáo trong máy vọng ra:
- Thằng Xuân đã lên đến đầu tường rồi, chúng tôi đều sang cả bên kia bờ nước.
- Tốt lắm Thạch Thảo, tôi lên với anh đây, leo hết cả lên cái bờ thành và nằm thủ ở đó, không thằng nào được lui.
Lúc này địch đã phát hiện ta tấn công, súng từ trên bờ thành bắn ra như mưa, rồi cối, pháo đổ xuống phía sau của Đại đội. Thạch đứng dậy hét to: “Xung Phong!”. Tất cả chạy nhanh qua cái hào đã cạn vì gạch đất từ 2 bên đổ xuống. Không còn đường lui, kẻ nào lui là kẹt trong hàng rào hỏa lực của pháo và cối. Chỉ còn một đường sống là vào sát chân thành.
Trong lúc đó, phía Tây Nam Cổ thành Đinh Công Tráng, một Đại đội của Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến do Đại úy Định, tức Định con, chỉ huy cũng đã bò vào đến chân thành. Nghe tiếng súng nổ và tiếng xung phong phía bên phải, Đại úy Định cũng hô xung phong và thúc con cái xông lên. Chỉ 5 phút sau, lính của Thần Ưng đã làm chủ góc thành phía Tây Nam.
Sức kháng cự của bộ đội Cộng sản yếu dần, một số nhanh chân tẩu thoát về phía Bắc, tên nào ngoan cố không chịu ra khỏi hầm đều bị tiêu diệt bằng lựu đạn. Trời vừa hừng sáng thì toàn thể bờ thành phía Nam đã bám đầy lính của Thần Ưng và Sói Biển.
Hướng Tây Bắc Cổ thành, Trâu Điên đang theo sau đoàn cua sắt M48 ép sát vào chân thành. Trận chiến đã nghiêng chiều thắng lợi rõ ràng...
Đúng ra khi 2 Đại đội của Tiểu đoàn 6 và 3 Thủy Quân Lục Chiến tiến chiếm được cái bờ thành phía Nam thì có thể coi như đã cắm được ngọn cờ lên bờ thành ngay sáng ngày 15 tháng 9 năm 1972.
Tin về đến Lữ đoàn, rồi về đến Bộ Tư lệnh Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến ở Hương Điền, Chuẩn tướng Bùi Thế Lân thức dậy ngay từ 5 giờ 3O theo dõi diễn tiến tình hình và đích thân cầm máy ra lệnh cho 2 ông Lữ đoàn trưởng 147 và 258 Thủy Quân Lục Chiến phải thu dọn sạch cái bánh chưng trong vòng 24 giờ đồng hồ để loan tin chiến thắng, cắm cờ vào 8 giờ sáng ngày 16. Không được cho phái đoàn báo chí vào gần hôm nay. Phòng 5 bàng kế hoạch làm sao có cái ảnh dựng cờ cho đẹp như cái cảnh Thủy Quân Lục Chiến Mỹ dựng cờ ở Nhật Bản năm 1945 tại đảo Iwo Jima.

Tám giờ sáng ngày 15, bờ thành phía Nam đã do 4 Đại đội của 2 Tiểu đoàn 3 và 6 làm chủ. Phía Đông, Tiểu đoàn 8 Thủy Quân Lục Chiến đang tiến sát vào chân thành, việc leo lên chỉ là vấn đề thời gian. Phía Tây, bên trái của Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến, đoàn chiến xa của Thiết đoàn 2O cũng ào ào lên vào sát chân thành. Bị tấn công cả 3 mặt, sức kháng cự của Cộng quân sút kém dần. Cho đến chiều thì quân ta đã thanh toán được một nửa thành phía Nam. Địch lui dần và vẫn cố thủ ở bờ thành phía Bắc. Phải xua cho hết lũ chuột trong những cái hầm chữ A ra khỏi thành đêm nay. Thượng cấp đã tuyên bố sẽ cắm cờ ngày mai, mà cờ thì phải cắm ở giữa thành và cả 4 mặt bờ thành.
Đại úy Thạch đứng trên bờ thành quan sát: ta đã chiếm được mấy căn hầm của nhà tù, như vậy Bộ chỉ huy của địch cũng đã chém vè, tinh thần địch đã sút kém, tù binh cho biết bị pháo mấy ngày đêm chúng chỉ muốn bỏ chạy. Quả thật như vậy, địch phần chết, phần tháo chạy, súng vất bừa bãi khắp nơi. Thạch ra lệnh cho các Trung đội trưởng chỉnh đốn hàng ngũ, lãnh thêm M72 và lựu đạn. Không thể xử dụng pháo binh lúc này đành xài M72.
M72 đồng loạt khai hỏa, lựu đạn tung vào những miệng hầm. Lính Sói Biển ào ạt xông lên. Đám lính Cộng ném súng tháo chạy như đàn vịt, tên nào chậm chân là lãnh đủ. Hàng trăm tên leo nhanh qua bờ thành, nhảy xuống sông lội qua bờ Bắc.
Trời đã về chiều, khu trục cơ đã rời vùng, chỉ còn có một chiếc L19 lờ lững trên cao. Nhìn lính Cộng đang lội qua sông, anh phi công trẻ tuổi tinh nghịch lao xuống cho phi cơ bay sát mặt sông dọa địch. Vũ khí của anh chỉ có khẩu súng lục và vài ba trái khói, làm sao mà giết giặc ?

Trận đánh chiếm lại Cổ thành Đinh Công Tráng coi như chấm dứt vào 8 giờ tối ngày 15 tháng 9 năm 1972. Các đơn vị thu dọn chiến trường báo cáo vũ khí thu được chưa kịp đếm. Mỗi tiểu đoàn cần vài xe vận tải 2 tấn rưỡi mới chở hết. Dựa lưng vào bờ thành, Đại úy Thạch nâng cao ly cà phê nóng, nhấp một hớp nhỏ, anh gọi người lính truyền tin ra lệnh gọi các Trung đội đi tìm cột để cắm cờ, càng cao càng tốt.
Trong suốt 48 ngày đêm, kể từ ngày thay Sư đoàn Nhảy Dù lãnh nhiệm vụ tái chiếm Cổ thành, đêm nay là đêm thứ nhất Đại úy Thạch cởi đôi giày trận và ngủ một giấc đến sáng. Khi người cận vệ đánh thức anh dậy vào sáng hôm sau, anh cảm động muốn khóc khi nhìn thấy 4 bờ tường thành hàng trăm lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ phất phới trong ánh nắng mai.
Đó là buổi sáng ngày 16 tháng 9 năm 1972.

Một Cọp Biển

SOURCE:

https://www.tqlcvn.net/chiensu/cs-td3va6-tienveQT-72.htm?fbclid=IwAR150YItM3CVZFMzlZ7GKxr761I4T1pv5ShXuPxEDJxJK1tbyHBVHPWKQSU

 

No comments:

Post a Comment