Friday, September 16, 2022

50 năm tái chiếm Cổ thành Quảng Trị - Biệt Cách Dù tại Cổ Thành Quảng Trị Năm 1972

 

MX Lê Quang Liễn: Hình chụp lúc đi học Basic School 1969

 

Đôi Dòng Về MX Lê Quang Liễn - K20

Đại Úy Lê Quang Liễn, K20VB, tham dự trận chiến Quảng Trị kể từ tháng 3/1972 trong chức vụ ĐĐT/ĐĐ4/TĐ2 TQLC cho đến khi ĐĐ4 đánh tan đơn vị phòng thủ phối hợp giữa Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 48/SĐ320B và Trung Đoàn 95/SĐ325 CSBV, tại mặt trận Thị Xã và Cổ Thành Quảng Trị vào ngày 15/9/1972 tại khu hầm ngầm cạnh dinh Tỉnh Trưởng Quảng Trị.

Ngày 20/ 9/ 1972, Đại Úy Liễn được đặc cách thăng thiếu tá tại mặt trận và được bổ nhiệm làm TĐP/TĐ2/TQLC từ 11/72- 1973. Sau đó, ông được thuyên chuyển làm TĐP/TĐ7 của Th/Tá TĐT Phạm Cang.

Trong những ngày cuối tháng 3/1975, LĐ147/ TQLC bị kẹt tại bờ biển Thuận An, em trai của Thiếu Tá Liễn bị tử thương. Ông đem được xác em lên tàu HQ, rồi quay lại bờ cùng với Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Phạm Cang và đồng đội tiếp tục chiến đấu cho tới viên đạn cuối cùng rồi bị bắt, vào ngày 27/3/1975.

Ông đã bị tù CS 13 năm (từ 27/3/1975 đến 12/ 2/1988).

BBT/Sóng Thần

Cùng với Nhảy Dù, TQLC là một trong 2 thành phần Tổng Trừ Bị cấp sư đoàn của Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. Sư Đoàn TQLC thường tham dự những cuộc hành quân qui mô lớn, với nhiệm vụ giải quyết những chiến trường quan trọng trên khắp 4 Quân Khu, với chiến thuật điều quân thần tốc, dùng hỏa lực tối đa để trấn áp và tiêu diệt địch, hoặc trấn đóng các khu vực trọng yếu, như Quảng Trị, gần Vùng Phi Quân Sự.

CSBV mở đầu chiến dịch Nguyễn Huệ tại Quân Khu I vào ngày 30 tháng 3 năm 1972 đúng vào mùa Lễ Phục Sinh (phía Hoa Kỳ thường gọi The Easter Offensive), chúng vượt qua vĩ tuyến 17, xua quân xâm chiếm miền Nam. Chúng đã đưa nhiều sư đoàn bộ binh, nhiều đơn vị thiết giáp, pháo binh, đặc công... tràn qua sông Bến Hải (ranh giới giữa 2 miền Nam Bắc), chiếm đóng một phần tỉnh Quảng Trị, trong đó có Thị Xã và Cổ Thành Quảng Trị.

Trong thời gian đầu, để bảo toàn lực lượng, các đơn vị trú đóng tại Tỉnh Quảng Trị đã phải di tản chiến thuật, tạm thời để các lực lượng CSBV chiếm đóng một phần Quảng Trị.

Chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt trên khắp lãnh thổ VNCH vào Mùa Hè 1972, trong khi những thương thảo đang đến hồi gay cấn trên bàn hòa đàm tại Paris. CSBV cố chiếm Thị Xã Quảng Trị để thiết lập thủ đô cho cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng miền Nam, tay sai của chúng, nhằm tăng uy thế cho chính phủ bù nhìn này trên chính trường quốc tế. Biết được mưu đồ của chúng, Chính phủ VNCH quyết tái chiếm Thị Xã và Cổ Thành Quảng Trị với bất cứ giá nào. Vì lẽ, đây là một mục tiêu quân sự, vừa có tính chính trị với tầm mức chiến lược lúc bấy giờ.

Sư Đoàn Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến, là 2 nỗ lực chính, được BTTM giao cho trách nhiệm này.

Ngày 27/7/1972, thời gian ấn định chiếm Thị Xã và Cổ Thành Quảng Trị chưa đạt được. Trung Tướng Trưởng quyết định dừng cuộc tấn công vào Thị Xã và Cổ Thành Quảng Trị của Sư Đoàn Dù, giao nhiệm vụ lại cho Sư Đoàn TQLC. (Trích Quân Sử TQLC trang 262) .

Cuối cùng, sau 51 ngày đêm chiến đấu gian khổ, phải đánh chiếm từng ngôi nhà, khu phố trong Thị Xã và Cổ Thành Quảng Trị, Binh Chủng TQLC đã tiêu diệt các ổ kháng cự cuối cùng của CSBV trong toàn Thị Xã và Cổ Thành Quảng Trị vào ngày 15 tháng 9 năm 1972. Tổng kết cho toàn chiến dịch từ Tháng 6 năm 1972 cho đến ngày 16 tháng 9 năm 1972 đã có 3658 quân nhân TQLC hy sinh và hàng ngàn TQLC bị thương, nghĩa là trung bình cứ 4 quân nhân TQLC thì có 1 TQLC hy sinh. Sư Đoàn bị tổn thất nhiều vì TQLC đánh địch ở thế tấn công. Địch quân phòng thủ theo chiều sâu, trên các cao điểm với quân số hơn ta khoảng 4 lần.



Thủy Quân Lục Chiến, đã cắm cờ VNCH trên Cổ Thành vào ngày 16 tháng 9 năm 1972, chấm dứt vẻ vang chiến dịch “3 tháng thừa thắng xông lên tái chiếm lãnh thổ” do Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đề ra.

 

Trái qua phải: MX Liễn, NT Đồ Sơn, MX ĐH Tùng, MX NP Định

 

Những câu hỏi đã được suy đoán và đặt ra. Tại sao Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù không tiếp tục thanh toán nốt mục tiêu, mà lại được lệnh giao lại cho TQLC? Vì TĐ 5 ND bị tổn thất quá nhiều, khó có thể hoàn thành nhiệm vụ? Hay vì các cấp lãnh đạo muốn dành công trạng này cho TQLC? Phải chăng có sự sắp xếp từ cấp rất cao? Phải chăng đơn vị TQLC, được thay thế, không cần phải làm gì nhiều mà chỉ cần có mặt để lấy công?

Các câu hỏi trên, qua một thời gian dài, vẫn chưa có câu trả lời thích đáng, nhất là những người ít có cơ hội tìm hiểu kỹ càng về trận đánh này. Họ đã có những suy đoán không hợp lý, dựa trên cảm tính hơn là tìm hiểu sự thật. Đối với những quân nhân thường tham dự các cuộc hành quân, họ không bao giờ đặt ra các câu hỏi đại loại như trên, vì việc hoán đổi vị trí trách nhiệm các đơn vị là việc bình thường.

Thật may mắn, tôi đã có câu trả lời rõ ràng khi có dịp đọc quyển sách “Tàn Cơn Binh Lửa” của Biệt Cách Dù Lê Đắc Lực. Tác giả đã cho thấy cái nhìn khách quan về diễn tiến thực sự khi 2 đại đội của Liên Đoàn 81 BCD tăng phái cho TĐ5 ND, cho đến lúc bàn giao vị trí cho TQLC.

Trước khi tiếp tục câu chuyện, tôi muốn trình bày đôi nét về đơn vị Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù. Khởi thủy, Lực Lượng Đặc Biệt có hai đơn vị tác chiến độc lập là: Delta và Tiểu Đoàn 91BC/ND với nhiệm vụ: Thả toán và khai thác mục tiêu. Nên các cuộc hành quân thường là: “Theo dõi, bám sát để phát giác những căn cứ của địch, các trục xâm nhập, bắt sống tù binh để khai thác”. Để đạt mục đích, họ quen thuộc với chiến thuật dùng nhiều toán nhỏ, thâm nhập vào trong lòng địch, thường xuất quân “lúc chiều tàn, khi sương lên nhiều, và màn đêm đang từ từ phủ xuống” nhằm tránh địch theo dõi... Nhiệm vụ của họ thật nặng nề, nên mỗi toán Delta đều được huấn luyện thuần thục, đa năng với công thức 4+2/7. Nghĩa là toán có 4 quân nhân VN và 2 quân nhân HK, với thời gian hoạt động trong vòng 7 ngày hay lâu hơn. Toán trưởng là sĩ quan Việt Nam, các toán viên Hoa Kỳ thường trợ giúp về mặt vận chuyển, yểm trợ... Cho nên, các hoạt động của đơn vị này rất đặc biệt, riêng rẽ, độc lập, và rất âm thầm. Địch quân nhiều lúc bị thương vong, bị tấn công hoặc đánh bom trong cơn hoảng loạn vì quá bất ngờ.

Tóm lại, các anh là tai, mắt giúp cho các bộ tư lệnh cao cấp hiểu rõ tình hình địch để có kế hoạch đối phó.

Tháng 8 năm 1970, Lực Lượng Đặc Biệt bị giải tán vì đã hết nhiệm vụ nhảy Bắc, nhảy Lào và đổ bộ biển. Các quân nhân Lực lượng Đặc biệt đều được phân tán về các binh chủng khác trong quân đội, nhiều nhất là chuyển qua Biệt Động Quân và Nha Kỹ thuật, với nhiệm vụ vẫn như cũ. Riêng bộ phận chỉ huy phía Việt Nam Cộng Hòa của Trung tâm Hành quân Delta và Tiểu đoàn 81 Biệt cách Dù được tổ chức lại, sáp nhập thành Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, mà vị Chỉ Huy Trưởng là Trung Tá Phan Văn Huấn K10/VB. Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù trở thành một lực lượng Tổng Trừ Bị của Bộ Tổng Tham mưu.

Khi mới thành lập, quân số của Liên Đoàn chỉ khoảng 900 người. Về sau, Liên Đoàn được mở rộng với quân số lên đến 3,000 quân nhân.

Mặc dù được huấn luyện cho những công tác thật đặc biệt, tuy nhiên khi tình hình nguy ngập như trong mùa Hè Đỏ lửa 1972 tại An Lộc và Quảng Trị, Bộ Tổng Tham Mưu đã xử dụng Liên Đoàn 81 BCD như là một lực lượng tăng viện, tiếp cứu và thanh toán chiến trường, khi cần đến các kỹ năng chuyên môn đặc biệt của đơn vị.

Một chi tiết rất quan trọng có tính cách nhân chứng cho một sự kiện lịch sử khi 2 đại đội của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù (BCD) được tăng phái cho TĐ5 Nhảy Dù vào những ngày gần cuối tháng 7 năm 1972 trong nỗ lực tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị. (Tàn Cơn Binh Lửa trang 137-138)

Các Đại Đội 51 và 52 của TĐ5 Nhảy Dù và các Đại Đội 3 và 4 BCD đang bố trí bên ngoài Cổ Thành gần khu vực Nhà Thờ Tri Bưu thì bị đánh bom lầm ngày 26 tháng 7 năm 1972.

Sự kiện đau buồn này đã làm tiêu hao sinh lực của các đơn vị tham chiến trong cố gắng đánh vào Cổ Thành. Tôi hiểu được nỗi niềm đau đớn lớn lao này mỗi khi đơn vị bị thiệt hại. Chính đơn vị tôi đã từng bị phi cơ HK thả bom lầm ngày 5 tháng 5 năm 1972 khi mới thiết lập tuyến phòng thủ Mỹ Chánh được mấy ngày.

Đánh đuổi CSBV ra khỏi Thị Xã Quảng Trị là công lao xương máu của mọi Quân Binh Chủng, các đơn vị chủ lực quân cũng như địa phương của QLVNCH, của các đơn vị yểm trợ như Không Quân, Hải Quân, Pháo Binh, Công Binh,... và Đồng Minh. Đó là phần đóng góp xương máu vô cùng lớn lao của các quân nhân Nhảy Dù, TQLC, Biệt Động Quân, Liên Đoàn 81 BCD, Thiết Giáp, các đơn vị Pháo Binh 155 ly, Địa Phương Quân và Nghĩa Quân qua nhiều giai đoạn của chiến dịch tái chiếm lãnh thổ này. TQLC được giao phó nhiệm vụ nặng nề và hãnh diện là đơn vị đánh tan quân xâm lăng CSBV ra khỏi Thị Xã và cắm cờ VNCH trên Cổ Thành Quảng Trị vào ngày 16 tháng 9 năm 1972. Tức là sau gần 2 tháng kể từ ngày 27/7/72 khi Lữ Đoàn 258 TQLC thay thế Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù, (hai Lữ Đoàn đã liên lạc hàng ngang ngày 25 tháng 7 về kế hoạch thay quân trong và chung quanh Thị Xã Quảng Trị), với các chi tiết: TĐ3TQLC thay thế cho TĐ5ND hướng Đông- Bắc Cổ Thành tại Cô Nhi Viện Hài Đồng Tri Bưu (cách CT gần 300m), TĐ9TQLC thay thế cho TĐ9ND gần ngã ba Long Hưng (Trên QL1) và cách QL về hướng Thị Xã khoảng 100m.

Sau khi đọc xong phần trích đoạn nói về sự hiện diện của các Đại Đội 3 và 4 BCD, chắc chắn chúng ta đã có câu trả lời rõ ràng, khách quan cho một sự kiện lịch sử quan trọng về diễn tiến trận đánh tái chiếm Thị Xã và Cổ Thành Quảng Trị vào mùa Hè 1972.

Tôi cũng xin phép chiến hữu Lê Đắc Lực, tác giả của tác phẩm “Tàn Cơn Binh Lửa”, được đăng lại trích đoạn sau đây.
“...Sau cùng, Đại Đội tôi cũng đã tiếp cận tuyến phòng thủ của Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù, tôi trình diện Mê Linh, tức là Thiếu Tá Lê Văn Mễ, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 11 Dù. Cùng gặp Mê Linh với tôi sau đó là Đại Úy Nguyễn Ích Đoan, Đại Đội Trường Đại Đội 1 Biệt Cách Nhảy Dù.

Mê Linh giao nhiệm vụ cho hai Đại Đội Biệt Cách Dù là tái chiếm Nhà Thờ La Vang, tên mới là Vương Cung Thánh Đường La Vang:

- “Đại Đội các anh phải chiếm lại Nhà Thờ nầy và giữ nó, không cho địch chiếm lại.”

Có nghĩa là Dù đã chiếm nó. Đó là công lao của “Hùng Móm”, nhưng Hùng phải bỏ nó lại đi tiếp xuống để đánh vào thành phố Quảng Trị. Thừa cơ hội đó, VC chiếm lại mục tiêu nầy.

Con đường tiến quân của cộng sản đánh vào Quảng Trị là con đường từ Ba Lòng xuống Như Lệ, Phước Môn, bên hữu ngạn Sông Thạch Hãn, theo một con đường bỏ hoang đã lâu, có cái tên cũ là đường Bảo Đại. Nó không giống như con đường Trần Lệ Xuân ở Phước Long, con đường đi lấy gỗ rừng của dân xe be khai thác gỗ.

Ở đây, đường Bảo Đại là con đường đi săn của Nhà Vua trước năm 1945, khi ông vua ham săn bắn nầy còn ngồi trên ngai vàng. Quân cộng sản đã theo con đường này, đưa quân chiếm lại Nhà Thờ La Vang. Nó cũng có nghĩa là khi Tiểu Đoàn 11 Dù từ hướng Tây đánh vào Thành Phố, thì coi như Tiểu Đoàn đưa lưng ra cho địch từ sau đánh tới. Trong ý nghĩa đó, hai Đại Đội Biệt Cách Dù có nhiệm vụ lấy lại Nhà Thờ La Vang, và giữ nó là nhằm mục đích bẻ gãy ý định của địch.

Bây giờ chúng tôi lại phải áp dụng chiến thuật sở trường: đánh đêm.

Vị trí giữa địch và ta đã thay đổi. Trước kia, chúng ta ở trong đồn, VC công đồn, chúng phải đánh ta vào ban đêm, chúng ta khó phát giác địch. Bây giờ thì chúng ta phải công đồn, chúng ta cũng đánh đêm, địch không thể phát giác được ta.

Nhà Thờ La Vang mặt quay về hướng Đông. Đại Đội 1 đánh từ hướng Tây Tây Nam, phía có Hang Đá Đức Mẹ. Đại Đội 4 tôi cũng đánh từ hướng Tây, Tây Bắc, phía có con đường đi lên Nhà Thờ Phước Môn ở phía Tây Nhà Thờ La Vang, gần chân núi Trường Sơn hơn.

Vào nửa đêm, chúng tôi âm thầm hai cánh quân tiến sát vòng đai Nhà Thờ La Vang, vừa dàn quân lại gặp một trận mưa lớn, chúng tôi án binh bất động.

Trời vừa sáng, dứt cơn mưa, quan sát các bố phòng của địch, tôi điện báo cho Đại Úy Đoan để phối hợp tác chiến, rồi bắt đầu phát lệnh xung phong, tấn công chớp nhoáng, ào ạt, địch quá bất ngờ, nên một số đã bị tiêu diệt, một số vất súng đầu hàng, vài ba tên tháo chạy vào bên trong nhà thờ dùng B.40, AK.47 tác xạ chống trả, nhưng đã bị cánh quân hướng Tây Bắc của Đại Đội 4 chúng tôi ném lựu đạn triệt hạ 20 tên và bắt sống 5 tên. Chúng tôi có 3 binh sĩ bị tử thương và 12 bị thương. Thu dọn chiến trường xong, Đại Đội 1 được lệnh ở lại bố phòng Nhà Thờ La Vang. Đại đội tôi tiếp tục tiến về hướng Đông Đông Bắc để thanh toán mục tiêu kế cận là Chi Khu Mai Lĩnh.

Chi Khu Mai Lĩnh, thuộc Quận Mai Lĩnh, tọa lạc trên đoạn đường rẽ, tên thường gọi là Ngã Ba Long Hưng, là con đường cũ đi vào thành phố, phía ngoài sân vận động Quảng Trị cũ, kế cận trường trung học Nguyễn Hoàng.

Trên con đường tiến quân từ Nhà Thờ La Vang đến Chi Khu Mai Lĩnh, Đại đội tôi bị tổn thất một khinh binh và một tiểu đội trưởng vì đụng chốt VC tại ngã ba đường La Vang và Quốc Lộ 1. Nhổ chốt là sở trường của Biệt Cách Nhảy Dù, theo chiến thuật của Đại Tá Huấn. Pháo Binh cho nổ một tràng vào vị trí địch, buộc địch phải lụt đầu xuống, núp trong các hố cá nhân. Các viên đạn cuối là đạn lép. Trong khi nghe tiếng đạn đi, VC còn núp, thì chúng tôi biết đó là đạn lép, không có gì nguy hiểm, liền nhanh chóng áp sát chỗ chúng ẩn núp. Nhờ đó, chúng tôi thanh toán bọn chúng không mấy khó khăn.

Đại đội tôi cũng áp dụng chiến thuật đánh đêm để tiến chiếm Chi Khu Mai Lĩnh. Đơn vị VC đóng chốt lại đây không đông, khoảng 15 hay 20 tên. Chúng nằm trong các công sự có sẵn trong Chi Khu để chống trả, và vì thế mà chúng đã không ngờ binh sĩ của Đại Đội tôi, một nửa ém quân bên ngoài, thỉnh thoảng tác xạ súng phóng lựu M.79 vào bên trong Chi Khu, một nửa lợi dụng trời tối đen như mực đã bò vào nằm sát bên ngoài công sự, khi chúng tác xạ chống trả thì đã để lộ mục tiêu, nên bị chúng tôi ném lựu đạn giết chết và làm trọng thương hầu hết.

Ở lại trấn thủ Chi Khu Mai Lĩnh được hai hôm, Đại đội tôi được lệnh tăng phái cho Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu Tá Bùi Quyền, Thủ Khoa Khóa 16 Võ Bị Đà Lạt, đang hành quân ở phía Đông Thành Cổ. Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn đang đóng tại khu vực thôn An Thái cách Cổ Thành khoảng 3 km về hướng Đông Nam. Tôi trình diện danh tánh, cấp bậc, chức vụ với Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5, Thiếu Tá Bùi Quyền nhìn tôi nói đùa:

- “Tôi thì nhỏ con, Trung Úy Lực thì to con, vậy tôi gọi ông là Lực Đô nhé. À... à.. mà Lực Đô nói lái là Lộ Đức. Vậy thì Lộ Đức là ám danh đàm thoại vô tuyến tôi đặt cho Trung Úy trong cuộc hành quân này. Trung Úy, có chịu không?”

Nói xong, Thiếu Tá Quyền cười vui vẻ vì cái sáng kiến độc đáo của ông. Nhờ ông, mà cái biệt danh Lộ Đức đã đeo đẳng theo tôi từ đó cho tới bây giờ.

Hôm sau Đại Đội 3 của Đại Úy Phạm Châu Tài cũng được điều động đến tăng cường cho Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù.

Thiếu Tá Bùi Quyền họp các Đại Đội Trưởng Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù và Biệt Cách Dù để ban lệnh hành quân. Ông giao cho tôi nhiệm vụ tấn công chiếm cứ nhà thờ Hạnh Hoa Thôn, thuộc làng Cổ Thành, quận Triệu Phong. Đai Đội 3 là lực lượng trừ bị. Thôn nầy ở bên sông, đẹp như cái tên của nó, nằm trên con đường đất hẹp, từ phía Đông Thành Cổ ra tới bờ sông Vĩnh Định. Thôn Hạnh Hoa có những ngôi nhà cổ, vườn rộng, cây lá xanh tươi, nhiều gốc mai lưu niên, có thể là trồng từ lâu lắm, đã mấy chục đời.

Nhà thờ Hạnh Hoa nhỏ, đối diện với bên kia đám ruộng nhỏ là nhà thờ Tri Bưu cao lớn, có tháp chuông vươn khỏi những ngọn tre làng.

Địch đang chiếm cứ trong nhà thờ. Đánh trận ở đây, khi thấy địch chiếm đóng nhà thờ, tôi thường nhớ lại một câu trong bài hát:

“Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím”:
“Từ khi giặc tràn qua Xóm Đạo,
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương.”

Vâng, tôi là người chiến sĩ giữ Quê Hương và tôi đang đuổi giặc ra khỏi xóm quê nầy, mặc dù tôi chẳng có một em nhỏ nào cả “để nghe khe khẽ lời em nguyện” mà chỉ có “Luyến thương chan chứa Tình Quê Mẹ ” mà thôi.

Hình như quân cộng sản chỉ quen với chiến thuật tấn công hơn là chiến thuật phòng thủ. Nhờ vậy, chúng tôi lần nữa xử dụng kỹ thuật đánh đêm. Tôi bung bốn trung đội men theo các nhà dân bị đổ nát, song hành tiến sát nhà thờ Hạnh Hoa Thôn. Lại một trận mưa rào đổ xuống đã giúp xóa bớt tiếng động di chuyển của chúng tôi, và nhờ đó mà Đại Đội đã vào chiếm cứ nhà thờ không một tiếng súng nổ. Đáng buồn là khi trời hừng sáng, địch đã nổ súng phản công và trong lần đụng độ này, tôi mất người hiệu thính viên mà tôi rất thương mến: Hạ Sĩ Chấn. Anh đã hy sinh ngay khi đang cầm ống nghe liên lạc báo cáo với Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, thì bị một viên đạn địch bắn trúng đầu.

Vào ngày hôm sau, từ tờ mờ sáng đại bác của VC tác xạ liên hồi từ hướng Tây vào các vị trí phòng thủ của các đơn vị Nhảy Dù, Đại Đội tôi, và rải rác quanh khu vực phía Đông của Cổ Thành. Vừa ngưng pháo kích thì VC bắt đầu mở cuộc tấn công qui mô với một đơn vị cộng quân đông hơn quân số đại đội của tôi tới khoảng 5 lần.

Bọn chúng từ một ngôi làng ở hướng Bắc thôn Hạnh Hoa, ồ ạt xung phong biển người tấn công vào nhà thờ Tri Bưu và nhà thờ Hạnh Hoa. Chúng tôi sử dụng hết hỏa lực của mình để ngăn giặc. Nhưng kỳ lạ chưa? Bọn chúng như điên cuồng, như rồ dại, như uống bùa mê thuốc lú, hết lớp nầy ngã xuống, lớp sau tiến lên. Lớp sau ngã xuống, lớp sau nữa tiến lên. Không những chúng tôi ngạc nhiên, thấy kỳ lạ mà còn kinh hoảng nữa, tự hỏi: “Sao bọn chúng ngu xuẩn, điên rồ vậy?” Cứ tình trạng nầy, đại đội của tôi, với quân số ít ỏi, chưa kịp bổ sung sau trận An Lộc, sẽ bị chúng tràn ngập mất thôi.

Nhưng cuối cùng, trước hỏa tập TOT của Pháo Binh Dù và Sư Đoàn 1, cùng sự chiến đấu dũng cảm của các đại đội Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù và Đại Đội 4 chúng tôi. Bọn chúng quay đầu tháo chạy như lũ chuột, bỏ lại trên bãi chiến trường la liệt xác chết của đồng bọn, của những tên giặc cộng cuồng tín, vô thần, mất hết cả lương tri, nhân tính.

Tôi ngồi nghỉ mệt, lật tấm bản đồ ra xem lại vị trí của mình, tôi bỗng chợt nhớ câu chuyện của một người bạn cũ kể lại. Tết năm Mậu Thân, VC dùng con đường nầy để tiến quân đánh vào Thị Xã Quảng Trị. Ngay tại điểm nầy, chỗ tôi đang ngồi, thôn Hạnh Hoa, VC đụng phải một tiểu đoàn Nhảy Dù và thiệt hại không ít. Nhờ đó mà Quảng Trị được yên hơn Huế là vì vậy.

Hèn chi, VC cố chiếm lại nhà thờ Hạnh Hoa Thôn là vì nó nằm trên con đường chiến thuật. Mất nhà thờ Hạnh Hoa Thôn, là chúng mất con đường tiếp cận với binh lính của chúng đang cố thủ trong Cổ Thành. Giữ được nhà thờ Hạnh Hoa Thôn là đại đội tôi đã đóng góp sức mình cho công việc tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị.

Tình hình chiến sự ở khu vực cận Cổ Thành vẫn còn sôi động, súng đạn từ trong bắn ra từ ngoài bắn vào nổ liên tục. Tiểu Đoàn 5 Dù được tăng cường thêm Đại Đội 1 và Đại Đội 2 Trinh Sát Dù, đang nỗ lực tấn công chiếm Cổ Thành. Thiếu Tá Bùi Quyền ra lệnh cho Đại Đội 3 và Đại Đội 4 Biệt Cách Dù, cùng tiến lên chiếm lĩnh phòng thủ tại Nhà Thờ Tri Bưu, để phụ trách sườn cánh phải, hướng Bắc của Cổ Thành..

Tôi dẫn Đại Đội thi hành nhiệm vụ. Chẳng còn thằng cùi hủi nào trong Nhà Thờ Tri Bưu cả. Bọn chúng đã bị Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù triệt hạ hầu hết trong lần tập kích trước, nên rút chạy cả rồi.

Dân chúng chung quanh Nhà Thờ đã di tản đã lâu, từ đầu trận đánh. Bây giờ chẳng còn thằng nào bén mảng đến đây.

Tôi vẫn cho binh sĩ lục soát kỹ ở Nhà Thờ, không có gì hết, ngoài một số xác chết của đám “sinh Bắc tử Nam” bị sình thối, nằm vương vãi một vài nơi, trong và ngoài khuôn viên Nhà Thờ. Nhưng tôi rất buồn khi nhìn lên bàn thờ Thánh, tượng Chúa Giê Su còn đó, một mình trên Thập Giá. Cha Xứ và con chiên chạy trốn giặc cộng hết cả rồi. Cảnh tượng ấy làm cho tôi thấy đau lòng hơn cả câu thơ của Phạm Văn Bình:

“Chúa buồn trên Thánh Giá. Mắt nhạt nhòa mưa qua!”

Tôi không khóc, vốn dĩ từ nhỏ tôi ít khi khóc. Nhưng xúc động thì tình cảm của tôi không thua kém ai, nhất là khi tôi nhìn lên gác chuông nhà thờ. Gác chuông đã bị đổ sập, chỉ còn một nửa. Là một Phật Tử, không mấy khi tôi vào quì lạy trong nhà thờ để nhìn lên tượng Chúa, nhưng gác chuông nhà thờ là một hình ảnh không xa lạ gì với số đông người Việt Nam. Vì vậy, khi nhìn cái gác chuông bị gãy đổ, lòng tôi xúc động hơn. Nơi đây không còn tiếng chuông nhà thờ nữa, tiếng chuông rộn rã mà tôi đã từng nghe khi tôi còn tuổi ấu thơ.

Đại Đội được lệnh nằm án ngữ tại nhà thờ Tri Bưu, ban đêm bung quân ra bên ngoài, để ngăn chặn địch có thể trở lại quấy phá. Trong một lần kích đêm, tiểu đội tiền đồn của Trung Sĩ Khưu Công Quí đã bắn tử thương 2 giặc cộng đang mò mẫm đi vào hướng khu nhà đổ nát của dân, tôi nghĩ chắc để tìm kiếm lương thực (?). Không lâu sau đó, Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù ra lệnh Đại Đội 3 và 4 chúng tôi đưa quân về hướng Đông, tiếp giáp Cổ Thành. Có đơn vị Nhảy Dù đang chờ ở đó.

Từ Nhà Thờ Trí Bưu, Đại Đội đi lom khom, lẩn khuất trong các khu vườn nhà dân, từ vườn nầy qua vườn khác, để tránh địch phát giác. Tới phía ngoài Cổ Thành, trong vị trí bố phòng của các Đại Đội Nhảy Dù, tôi nhìn thấy có một số binh sĩ Nhảy Dù tử thương, bị thương, đang nằm trên các băng ca, chưa kịp di tản. Cũng vào lúc đó hàng loạt trái đạn do Pháo Binh tác xạ, rồi tiếp theo sau là các chiến đấu cơ A.37, Skyraider của Không Quân Việt Nam đang thay nhau oanh tạc, nổ dồn dập, inh ỏi trên Kỳ Đài Cổ Thành Quảng Trị.

Nhưng, bỗng dưng, không rõ từ đâu có hai chiến đấu cơ loại F.5 của Mỹ, bay vào khu vực dội bom, nổ lạc hướng về phía phòng thủ của Nhảy Dù, gây nên tổn thất nặng nề về nhân mạng cho Đại Đội 51 và 52 của Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù và một ít cho hai Đại Đội 3 và 4 Biệt Cách Nhảy Dù đang bố phòng kế cận.

Sự kiện nầy làm cho quân số của Nhảy Dù hao hụt nhiều hơn. Họ tham gia cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị kể từ đầu tháng 5 cho đến giờ, vậy là đã hơn 2 tháng. Hai tháng đánh trận liên miên, ngày đêm không ngơi nghỉ, sức voi cũng không chịu nổi. Tôi nghĩ thầm mà thấy thương cho các chiến hữu của tôi.

Ngày 27 tháng 7 năm 1972, ba Lữ Đoàn Nhảy Dù và hai Đại Đội 3 và 4 Biệt Cách Dù có lệnh triệt thối để bàn giao chiến trường cho Thủy Quân Lục Chiến. Vì là lực lượng tăng phái, Đại Đội 3 và 4 Biệt Cách Dù được rút trước. Nhảy Dù còn ở lại, chờ quân bạn tiến lên tiếp nhận phòng tuyến.

Barbara và Helène là hai cao điểm nằm ở thượng nguồn, giữa sông Ba Lòng và sông Nhung về phía Tây Tỉnh Quảng Trị, gần Trường Sơn. Đỉnh Helène cao hơn, thường bị mây mù bao phủ sớm chiều, nhất là về mùa mưa, mây che mờ mịt. Còn Barbara thì thấp hơn một chút, ít mây mù hơn, thuận tiện công việc quan sát đường chuyển quân của cộng sản quanh mật khu Ba Lòng.

Rút khỏi Quảng Trị, mấy chiếc Chinook bốc thả Đại Đội 1 và Đại Đội 4 Biệt Cách Nhảy Dù xuống căn cứ Babara, với nhiệm vụ là từ cao điểm này, tung các toán Thám Sát của Đại Đội, thâm nhập vào phía Nam mật khu Ba Lòng để theo dõi, phát giác sự di chuyển, rút quân của địch, mà hướng dẫn pháo binh tác xạ và khu trục oanh kích.

Căn cứ nầy trước kia là của Quân Đội Mỹ trú đóng. Họ đã rút đi, nay chỉ còn lại những công sự ngầm và hàng rào phòng thủ bao quanh phòng tuyến.

Chiến trường Quảng Trị vẫn còn tiếp diễn, nhưng có lẽ địch đã núng thế rồi, không còn hy vọng gì giữ Cổ Thành lâu hơn được nữa. Do đó, các toán Thám Sát đã báo cáo thấy địch rút quân ra nhiều hơn là đưa quân vào tăng cường cho quân phòng thủ trong Thị Xã. Các toán Thám Sát nhận lệnh theo dõi và định vị chính xác đường mòn, căn cứ địch. Từ đó, tôi thông báo về Bộ Chỉ Huy để xin pháo binh và phi cơ tiêu diệt.

Công việc cứ tuần tự như thế cho đến khi nghe tin chiến thắng. Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến đã giương cao ngọn Cờ Vàng ba sọc đỏ của Tổ Quốc Việt Nam trên Cổ Thành Quảng Trị. Hôm ấy là ngày 16 tháng 9 năm 1972, trước kỳ hạn ba tháng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.” Hết trích.

 

Houston, Tháng 3 năm 2018

MX Lê Quang Liễn, K20

SOURCE:

http://tqlcvn.org/thovan/van-BCD-taiCoThanh-QuangTri-1972.htm

 

No comments:

Post a Comment