Đợt 1 của cuộc tấn công với Sư Đoàn
Dù Sau khi nhận nhiệm vụ tại Quân Đoàn 1, Tướng Trưởng đã yêu cầu Bộ Tổng Tham
Mưu tăng viện cho ông để trám vào sự mất mát của Sư Đoàn 3 BB, và đã được tăng
viện 2 Lữ Đoàn của Sư Đoàn Dù. Lữ Đoàn 2, với Lữ Đoàn Trưởng là Đại Tá Trần
Quốc Lịch (về sau thăng lên Chuẩn Tướng, làm Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh [10]),
đến Huế vào ngày 8-5-1972 và được Tướng Trưởng điều động lên ngay mặt trận phía
Bắc, trấn giữ phòng tuyến dọc bờ Nam của sông Mỹ Chánh, cùng với Lữ Đoàn 258
(với Lữ Đoàn Trưởng là Đại Tá Ngô Văn Định) của Sư Đoàn TQLC . Lữ Đoàn 3,
với Lữ Đoàn Trưởng là Đại Tá Trương Vĩnh Phước, cũng được tăng viện cho Vùng I
vào ngày 22-5-1972. Ngay sau đó, Bộ Chỉ Huy của Sư Đoàn Dù, với Tư Lệnh là
Trung Tướng Dư Quốc Đống, cũng bay ra Vùng I, và đặt tại Bải Đổ Quân Sally
(Landing Zone (LZ) Sally) ở phía Nam Sông Bồ, ngay bên cạnh Quốc Lộ 1.
3 giờ sáng ngày 28-6-1972 , Đại Tá Trần Quốc Lịch điều động 3 tiểu đoàn
của Lữ Đoàn vượt sông Mỹ Chánh tấn công lên phía Bắc: Tiểu Đoàn 2 do Thiếu Tá
Nguyễn Đình Ngọc làm Tiểu Đoàn Trưởng đi cánh trái, Tiểu Đoàn 1 do Thiếu Tá Lê
Hồng làm Tiểu Đoàn Trưởng đi giữa, và Tiểu Đoàn 3 do Thiếu Tá Trần Văn Sơn làm
Tiểu Đoàn Trưởng đi cánh phải. Nhờ yếu tố bất ngờ, các tiểu đoàn Dù này đã đạt
được những kết quả rất khích lệ, phá được phòng tuyến của quân Bắc Việt, tấn
công thẳng vào Bộ Chỉ Huy của Trung Đoàn chiến xa 203 của địch, tịch thu được
nhiều vũ khí nặng (như súng cối 61 và 82 ly, súng phòng không 37 và 57 ly) và
luôn cả 3 chiến xa T54 của địch. Các lực lượng Dù tiếp tục tiến lên phía Bắc,
và sau đó Tiểu Đoàn 3 mở mũi dùi tấn công về phía Đông nhằm tái chiếm quận Hải
Lăng. Rạng sáng cùng ngày, thêm hai Tiểu Đoàn Dù nữa là Tiểu Đoàn 9 (với Tiểu
Đoàn Trưởng là Trung Tá Trần Hữu Phú) và Tiểu Đoàn 11 (với Tiều Đoàn Trưởng là
Thiếu Tá Lê Văn Mễ) được trực thăng vận đổ xuống phía Bắc sông Nhung. Hai tiểu
đoàn này cùng đi song song, tiến lên phía Bắc và nhổ hết tất cả các chốt của
địch. Chắc chắn đã đoán được mục tiêu của cuộc phản công này của QLVNCH là nhắm
vào việc chiếm lại Quảng Trị, địch quân đã chống cự rất mãnh liệt, với những
cuộc pháo kích liên tục bằng đại pháo 122 ly và 130 ly cũng như hỏa tiển 107
ly, gây thương vọng rất nặng nề cho các tiểu đoàn Dù. Một thí dụ điển hình là
trận Tân Lê Phước Môn, tất cả 4 đại đội trưởng của Tiều Đoàn 9 đều bị thương,
với Đại Úy Ngưu, Đại Đội Trưởng của Đại Đội 94 bị tử thương.
Sau
nhiều trận kịch chiến với quân Bắc Việt trong khoảng 10 ngày, Tiểu Đoàn 3 Dù
chiếm lại được quận Hải Lăng vào 4 giờ chiều ngày 7-7-1972. Trong trận này, Thiếu Tá Tiểu Đoàn
Trưởng Trần Văn Sơn bị thương nặng và được thay thế bởi Thiếu Tá Võ Thanh Đồng,
Tiểu Đoàn Phó của Tiểu Đoàn 9 Dù. Với Hải Lăng được tái chiếm, con đường tiến
lên phía Bắc hướng về Cổ Thành Quảng Trị của các đơn vị QLVNCH đã được rút ngắn
rất nhiều nhưng việc tiến quân hoàn toàn không dễ dàng hơn một chút nào hết.
Còn ngược lại nữa là khác. Lý do thật đơn giản: các lực lượng địch chiếm giữ
Quảng Trị đã nhận được lệnh tử thủ. Trọn 3 tuần lễ, từ ngày 7-7 đến ngày
27-7-1972, các tiểu đoàn Dù (tăng cường thêm với Tiểu Đoàn 5 vừa giải tỏa xong
An Lộc) đã tiến rất chậm trong phần đất rất ngắn giữa sông Nhung và sông Thạch
Hãn vì sự chống trả mãnh liệt của địch. Chỉ sau khi phi cơ B-52 trải thảm dọc
bờ Bắc sông Thạch Hãn, Tiểu Đoàn 5 mới vượt được sông Thạch Hãn, tiến vào đóng
quân tại khu vực của thôn An Thái, chỉ còn cách Cổ Thành Đinh Công Tráng độ 3
km về phía Tây Nam.
Trận đánh tái chiếm Thị xã Quảng Trị
và Cổ Thành Đinh Công Tráng của các tiểu đoàn Dù thật sự bắt đầu vào ngày 17-7-1972
với các cánh quân được bố trí như sau:
•Tiểu Đoàn 7 phía Tây Thị xã
•Tiểu Đoàn 11 từ bờ sông Thạch Hãn đến ngã ba Long Hưng
•Tiểu Đoàn 9 phía Nam Thị xã
•Tiểu Đoàn 6 phía Đông Thị xã
•Tiểu Đoàn 5 là lực lượng chính tấn công vào Cổ Thành Đinh Công Tráng<br/.
Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu, Tiểu Đoàn Trưởng, Tiểu Đoàn 5 Dù, quyết định ngày hôm
sau, 18-7-1972, toàn bộ tiểu đoàn sẽ đồng loạt tấn công vào Cổ Thành, với mục
tiêu là nội trong 2 ngày phải chiếm cho được ít nhứt là phân nữa chu vi bờ
thành.
Cổ Thành Đinh Công Tráng được
xây dựng vào năm 1823 thời vua Minh Mạng. Lúc mới xây thành làm bằng đất; đến
năm 1838 thì mới được xây lại bằng gạch. Thành hình
vuông, mỗi cạnh dài khoảng 500 m, nên chu vi của thành gần 2000 m. Tường thành
cao 9,4 m, dưới chân dày 12 m. Bao quanh thành có hào rộng 4 m, sâu 8 m,
bốn góc thành là 4 pháo đài cao nhô hẳn ra ngoài.
Khi trận Quảng Trị bắt đầu
vào ngày 30-3-1972 thì trong Cổ Thành là bản doanh của tiểu khu Quảng Trị và Bộ
Tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ Binh của QLVNCH (Bộ chỉ huy Tiền phương của Sư Đoàn 3 thì
đóng ở căn cứ Ái Tử).
Với quy mô kiên cố của thành như vậy,
với quyết tâm tử thủ của các lực lượng địch chống giữ thành, cùng với sự yểm
trợ tối đa của các đơn vị chiến xa, pháo binh, và phòng không của địch, các
cánh quân Dù đã bị tổn thất rất nặng nề với những số thương vong rất lớn. Nhưng
ngược lại với các đợt oanh kích phi pháo của hải quân và không quân Hoa Kỳ (máy
bay B-52 trải thảm), quân CS cũng phải trả giá rất đắt trong việc chống giữ Cổ
Thành Đinh Công Tráng.
Trung Tá Nguyễn Chí
Hiếu, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 Dù , lực lượng tấn công chinh, chỉ
định Đại Đội 51, với Đại Úy Trương Đăng Sỹ làm Đại Đội Trưởng, và Đại Đội 52,
với Trung Úy Hồ Tường làm Đại Đội Trưởng, cùng song song tiến lên trước. Cuộc
tiến quân vô cùng khó khăn vì sự chống trả quyết liệt của địch…
“: Từ làng Trí Bưu, về hướng Tây Bắc, mục tiêu kế tiếp là Nhà Thờ Trí Bưu.
Tôi và Hồ Tường song song bung đội hình từng bước tiến lên, nhường làng Trí Bưu
lại cho Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn. Đoạn đường từ đây đến Nhà Thờ Trí Bưu khoảng vài
trăm thước cũng không phải dễ đi …
Tôi đã xử dụng tất cả hỏa lực yểm trợ: 18 khẩu 105 ly, cơ hữu Nhảy Dù, 4 khẩu
155 ly, 2 khẩu 175 ly của Quân đoàn 1…
Ngày nào cũng có ít nhất hai phi tuần oanh tạc. Ban đêm, thỉnh thoảng còn được
hải pháo từ Đệ nhất hạm đội bắn yểm trợ. Nếu cần thiết, còn được 18 khẩu 105 ly
của Thủy quân Lục chiến tăng cường. Ngày nào ít lắm cũng có một hay hai lần bắn
“T.O.T”.
Có lúc chúng tôi phải tiến quân trong mưa bụi của pháo binh, mục đích không cho
địch quân ngóc đầu khỏi hố. Tôi áp dụng chiến thuật từng bước nhảy vọt. Hồ
Tường tiến tới từ 50 đến 100m thì dừng lại bố trí, 51 tiến lên qua mặt 52, rồi
lại tiến lên 50m đến 100m dừng lại hầm hố bố trí, cứ thế tiến dần …
Nhưng sức kháng cự của địch quân còn quá mạnh, nhất là bên cánh phải còn khu
làng nhỏ sát bờ sông Thạch Hãn, địch bắn qua quá rát. Ban đêm đôi lúc chúng tôi
còn nghe cả tiếng chiến xa địch.”
Trước thực tế chiến trường như vậy, nhiều đơn vị đã được tăng phái cho mũi
dùi tấn công của hai Đại Đội 51 và 52 của Tiểu Đoàn 5 Dù:
•Đại Đội 2 Trinh Sát của Sư Đoàn Dù
•1 đại đội của Tiểu Đoàn 11 Dù – Tiểu Đoàn “Song Kiếm Trấn Ải”- Charlie 1015M
•2 đại đội của Lữ Đoàn 81 Biệt Kích Dù vừa giải vây An Lộc
Mặc dù đã được tăng viện như thế, mũi dùi tấn công Cổ Thành Đinh Công Tráng của
các đơn vị Nhảy Dù vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn vì sức chống trả điên
cuồng của địch. Đại Úy Sỹ đã 2 lần cố gắng tạo cơ hội cho đơn vị của mình dựng
quốc kỳ VNCH trên Cổ Thành nhưng cả 2 lần đều không kéo dài được lâu.
Lần thứ nhứt, ông sử dụng một toán cảm tử gồm 8 binh sĩ, với
Hạ sĩ nhứt Trần Tâm làm trưởng toán và Binh nhứt Hồ Khang , một người
sinh trưởng và lớn lên tại Quảng Trị, sẽ có nhiệm vụ dựng cờ. Toán cảm tử xuất
phát lúc nửa đêm, và đến sáng sớm thì họ thành công dựng được quốc kỳ VNCH,
nhưng lập tức địch tập trung pháo dữ dội vào địa điểm dựng cờ. Hai Đại Đội 51
và 52 tiến lên ngay để tiếp cứu toán cảm tử. Khi đến gần bờ thành, họ không thể
tiến được nữa vì bị hào thành rộng gần 10 m ngăn chận. Đêm hôm đó, Đại Úy Sỹ
được trinh sát báo cho biết 4 binh sĩ trong toán cảm tử đã bị tử thương, số còn lại bị mất tích.
Sáng hôm sau, ông cho gọi
một phi tuần máy bay khu trục A1 Skyraider của Không Quân VNCH đến dội bom,
đánh sập được một góc tường thành, lấp được khoảng hào thành đó. Các đơn vị Dù
vượt qua hào, tiến vào chiếm và bám chặt góc tường thành đã bị đánh sụp đó. Đại
Úy Sỹ cho dựng cờ VNCH lần thứ hai, nhưng ngay lúc đó một phi tuần phản lực cơ
A37 oanh kích lầm vào các đon vị Dù gây thương vong cho hơn phân nửa các dơn vị
Dù. Cuộc tấn công của Tiểu Đoàn 5 Dù vào Cổ Thành Đinh Công Tráng phải tạm
ngưng.
Ngày hôm sau, 26-7-1972, có lệnh từ Trung
Tướng Ngô Quang Trưởng cho Sư Đoàn Dù bàn giao việc tấn công Cổ Thành lại cho
Sư Đoàn TQLC .
Đợt 1 của cuộc tấn công với Sư Đoàn TQLC
Trở lại thời gian đầu tháng 5-1972, sau khi cử Trung Tướng Ngô Quang Trưởng
thay Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm làm Tư Lệnh Quân Đoàn I vào ngày 2-5-1972, thì
2 ngày sau, vào ngày 4-5-1972, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cũng cử Đại Tá Bùi
Thế Lân, lúc đó đang là Tư Lệnh Phó lên thay Trung Tướng Lê Nguyên Khang làm Tư
Lệnh Sư Đoàn TQLC. Đến cuối tháng, vào ngày 28-5-1972, Đại Tá Lân vinh thăng
Chuẩn Tướng nhiệm chức, do chính Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đích thân gắn sao
cho ông ngay Bộ Chỉ Huy của Sư Đoàn TQLC tại Huế.
Ngay từ ngày đầu của Chiến dịch Lam Sơn 72, 28-6-1972 , thi hành lệnh của
Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Chuẩn Tướng Bùi Thế Lân, tân Tư Lệnh của Sư Đoàn
TQLC, đã điều động ngay 4 tiểu đoàn tác chiến là các Tiểu Đoàn 3,5,7 và 8 tiến
lên phía Bắc, dọc theo bờ biển, bên phía Đông của Quốc Lộ 1, song song với Sư
Đoàn Dù. Các tiểu đoàn TQLC đã gặp sự kháng cự mãnh liệt của các đơn vị của Sư
Đoàn 304 CS đóng chốt trong hàng loạt các công sự bê tông vững chắc (bunkers).
Ngày 29-6-1972 , 2 Tiểu Đoàn 1 và 4, với tổng số 1.450 quân, được trực
thăng vận (bằng các trực thăng CH-46 và CH-53 của TQLC Hoa Kỳ) đổ xuống phía
Đông Bắc Thị xã Quảng Trị, dọc theo Hương Lộ 555 tại 2 Bãi Đổ Quân (LZ =
Landing Zone) Flamingo và Hawk. Nhờ các oanh kích bằng phi pháo, kể cả B-52
trải thảm, các tiểu đoàn TQLC không gặp sự kháng cự mạnh mẻ của địch tại các
LZ. Tuy nhiên, sau đó, địch quân đã nhiều lần sử dụng bộ binh có chiến xa yểm
trợ tìm cách bao vây các đơn vị TQLC nhưng đều bị tiêu diệt bằng hải pháo từ
các chiến hạm Hoa Kỳ ở ngoài khơi, cách bờ biển khoảng 4 Km. Tổng kết vào cuối
tháng 6, riêng các tiểu đoàn TQLC đã gây tổn thất đáng kể cho địch quân như
sau: 1.515 chết, 15 bị bắt làm tù binh, và 18 chiến xa bị phá hủy.
Trong hai tuần lể đầu của tháng 7-1972, các tiều đoàn TQLC được lệnh cũng cố
các vị trí đã chiếm được của địch. Tướng Lân thấy cần phải thực hiện thêm một
cuộc hành quân nữa, nhằm đưa một tiểu đoàn lên xa hơn phía Bắc để ngăn chận
viện quân của địch. Mục tiêu của cuộc hành quân này là cắt đứt Hương Lộ 560,
dài khoảng 17 Km, từ căn cứ Cửa Việt (một căn cứ cũ của QLVNCH) cho đến Thị Xã
Quảng Trị, con đường huyết mạch tiếp tế cho các lực lượng của địch cố thủ trong
Thị Xã Quảng Trị và Cổ Thành Đinh Công Tráng.
Ngày 11-7 , Tướng Lân ra lệnh bắt đầu một cuộc
hành quân trực thăng vận mới này, đưa Tiểu Đoàn 1 (danh hiệu Quái Điểu, với
Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu Tá Nguyễn Đăng Hòa) đổ xuống Triệu Phong, tại các Bãi
Đổ Quân Blue Jay và Crow. Đây cũng là một cuộc đổ quân vô cùng nguy hiểm vì là
nhảy thẳng vào lòng địch, và chắc chắn sẽ gặp sự kháng cự mạnh mẽ của địch. Do
đó, đích thân Tướng Trưởng và Tướng Lân đã đến tận nơi xuất phát, bắt tay tiễn
đưa trước khi Thiếu Tá Hòa bước lên trực thăng. Mặc dù các bãi đáp đã được “dọn
cỏ” trước bằng phi pháo và B-52, đoàn trực thăng 32 chiếc (cũng của TQLC Hoa
Kỳ, gồm 17 chiếc CH-53, mổi chíếc chở được 60 binh sĩ, và 15 chiếc CH-46, mỗi
chiếc chở được 20 binh sĩ) của cuộc hành quân đã được dịch quân dàn chào thật
kỷ bằng các dàn phòng không 23 và 37 ly. Chiếc trực thăng của Thiếu Tá Hòa bị
trúng dạn phòng không nhưng may mắn không bị rớt, nhưng khi vừa nhảy ra khỏi
trực thăng, Thiếu Tá Hòa đã bị trúng ngay một mãnh đạn pháo 57 ly của địch và
bị thương ở đùi phải. Sau khi được băng bó vết thương, ông vẫn ở lại mặt trận
và tiếp tục chỉ huy tiểu đoàn. Một chiếc trực thăng CH53 bị trúng phòng không
và nổ tung trên trời, 60 người trên máy bay chỉ còn 12 người sống sót. Sau khi
cuộc đổ quân hoàn tất, Tiểu Đoàn 1 có số tổn thất là trên 100 người, vừa chết
vừa bị thương.
Sau 3 ngày giao tranh liên tục và ác
liệt với các đơn vị địch luôn luôn có chiến xa yểm trợ, Tiểu đoàn 1, đã chận
đứng tất cả các cuộc phản công, bắn cháy nhiều chiến xa của địch bằng súng M72,
và giữ vững được phòng tuyến, hoàn thành tốt đẹp mục tiêu của cuộc hành quân.
Sau đó, Tiểu Đoàn 1 được Tiểu Đoàn 2 (danh hiệu Trâu Điên, với Tiểu Đoàn Trưởng
là Thiếu Tá Trần Văn Hợp) tiến lên thay thế, mở rộng phòng tuyến ra đến cầu Ba
Bến, giúp cho Công Binh TQLC bắt được cầu phao qua sông Vĩnh Định để cho các
chiến xa M48 đầu tiên của Thiết Đoàn 20 tiến vào phòng thủ các vùng lãnh thổ mà
trước đó Tiểu Đoàn 1 đã chiếm giữ được. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ngày
14-7-1972, Tiểu Đoàn 1 được lệnh rút về Huế để dưỡng quân và bổ sung quân số.
Ngày 22-7-1972 , Tướng Lân lại cho mở một cuộc hành quân mới ở phía Bắc
và phía Đông của Thị Xã Quảng Trị, nhằm cắt đứt toàn bộ các đường tiếp tế và
truyền tin của địch. Đây là một cuộc hành quân hỗn hợp giữa hai tiểu đoàn của
Lữ Đoàn 147 TQLC với các đơn vị thiết ky và bộ binh. Các đại đội của Tiểu Đoàn
5 được trực thăng vận đổ xuống hai Bãi Đổ Quân Lima và Victor (xem bàn đồ bên
dưới), cách thị xã khoảng 3 Km về phía Đông Bắc, chỉ gặp kháng cự tương đối yếu
ớt của địch, nhưng, ngược lại, các đơn vị bộ binh và thiết kỵ thì bị địch chống
cự mãnh liệt trước khi kết nối được với các đơn vị TQLC. Đến giữa trưa thì cả
hai tiểu đoàn của Lữ Đoàn 147 đã kết nối được với nhau và địch quân bị đẩy lùi
về phía sông Cửa Việt. Trong các cuộc giao tranh trong hai ngày kế tiếp, các
đơn vị TQLC đã thanh toán xong tất cả các chốt của địch, với 133 địch quân tử
trận, 5 chiến xa bị bắn cháy, và một bệnh viện dả chiến với 100 giường của địch
đã bị san bằng. Cuộc hành quân này kết thúc Đợt 1 của Chiến Dịch Lam Sơn 72 mà
Sư Đoàn TQLC chỉ giữ vai trò phụ. Theo quyết định của Tướng Trưởng, từ ngày
27-7-1972, Sư Đoàn Dù bàn giao lại cho Sư Đoàn TQLC vai trò lực lượng tấn công
chính với mục tiêu là, bằng mọi giá, phải chiếm cho bằng được Thị Xã Quảng Trị
với biểu tượng là Cổ Thành Đinh Công Tráng.
Đợt 2 của cuộc tấn công với Sư Đoàn TQLC
Ngày 27-7-1972, Chuẩn Tướng Bùi Thế Lân đưa ra kế hoạch hành quân tấn công tái
chiếm Cổ Thành Đinh Công Tráng như sau:
•Lữ Đoàn 258, với Lữ Đoàn Trưởng là Đại Tá Ngô Văn Định, trước sau đã sử dụng
tất cả 7 tiểu đoàn tác chiến của TQLC là các Tiểu Đoàn 1,2,3,5,6,8,9, Tiểu Đoàn
1 Pháo Binh 105 ly của Sư Đoàn TQLC, Thiết Đoàn 17 (thuộc Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh,
với các thiết vận xa M-113, Chỉ Huy Trưởng là Trung Tá Nguyễn Viết Thạnh), và 1
Chi đoàn chiến xa M48, chịu trách nhiệm khu vực phía Tây Nam của Cổ Thành, sẽ
là lực lượng tấn công chính vào Cổ Thành; ngoài ra, tại Bộ Chỉ Huy của Lữ Đoàn
258 TQLC lúc nào cũng có sự hiện diện của một toán gồm 10 cố vấn Hoa Kỳ, dưới
quyền chỉ huy của Thiếu Tá Gordon Keiser, TQLC Hoa Kỳ, Cố Vấn Trưởng của Lữ
Đoàn 258, “chuyên đảm nhiệm thiết lập kế hoạch hoả lực yểm trợ cũa Không Quân
và Hải Quân Hoa Kỳ từ Hải Đoàn Đặc Nhiệm 77 của Hạm Đội 7 ngoài Thái Bình Dương
và các phi vụ phi cơ chiến lược B52 từ Guam và Thái Lan.”
•Lữ Đoàn 147, với Lữ Đoàn Trưởng là Trung Tá Nguyễn Năng Bảo, sử dụng 3 tiểu
đoàn tác chiến và Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh của TQLC, phụ trách khu vực phía Đông
Bắc của Cổ Thành, là lực lương tấn công phụ vào Cổ Thanh và ngăn chận viện quân
của địch từ phí Bắc kéo xuống.
•Lữ Đoàn 369, với tân Lữ Đoàn Trưởng là Đại Tá Nguyễn Thế Lương (thay thế Đại
Tá Phạm Văn Chung lên làm Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn TQLC), làm lực lượng trừ bị.
Về mặt chiến thuật, Tướng Lân quyết định áp dụng xa luân chiến. “Các Tiểu Đoàn
TQLC từ 1 đến 9 thay phiên nhau trực thuộc Lữ Đoàn lên tuyến đầu chiến đấu, rồi
lui về sau bổ sung nghỉ ngơi. Nhờ vậy các Tiểu Đoàn TQLC đều được bổ sung đều
đặn, khả năng chiến đấu không quá suy giảm vì tổn thất.”
Cuộc hành quân phản công
tái chiếm Quảng Trị của Lữ Đoàn 258 TQLC được chia ra làm 3 giai đoạn:
•Giai đoạn 1: từ ngày 27-7-1972 đến ngày 29-8-1972
•Giai đoạn 2: từ ngày 29-8-1972 đến ngày 9-9-1972
•Giai đoạn 3: từ ngày 9-9-1972 đến ngày 16-9-1972
Giai đoạn 1: từ 27-7 đến 29-8
Trong giai đoạn này, Lữ Đoàn 258 sử dụng 3 Tiểu Đoàn 3, 5 và 9. Đại Tá Ngô Văn
ĐỊnh quyết định dàn quân như sau:
•Tiều Đoàn 3 của Thiếu Tá Nguyễn Văn Cảnh phụ trách phía Đông Nam Cổ Thành, tại
khu vực Nhà thờ Trí Bưu
•Tiểu Đoàn 9 của Trung Tá Nguyễn Kim Để phụ trách phía Nam Thị xã Quảng Trị,
tại khu vực Ngả ba Long Hưng
•Tiểu Đoàn 5 của Thiếu Tá Hồ Quang Lịch làm trừ bị cho Lữ Đoàn, cũng đóng tại
Ngã ba Long Hưng
Sáng ngày 27-7-1972 , Tiểu Đoàn 3 TQLC tiến vào thay thế các đơn vị của
Tiểu Đoàn 5 Dù ở phía Nam Cổ Thành, cách bờ thành vào khoảng 200 m. Khi các đơn
vị của Tiểu Đoàn 3 TQLC tiến lên thì cũng bị địch chống trả mảnh liệt như đối
với Tiểu Đoàn 5 Dù trước đây. Sau 2 tuần lễ giao tranh, với tỹ lệ thương vong
gần 50% (400/700), Tiểu Đoàn 3 được lệnh rút về gần Bộ Chỉ Huy của Lữ Đoàn 258
ở Cù Hoan để dưỡng quân và bổ sung quân số. Tiểu Đoàn 8 tiến vào thay thế Tiểu
Đoàn 3. Sau hơn 2 tuần giao tranh với địch, Tiểu Đoàn 8 cũng bị tổn thất rất
nặng, lại phải rút ra và Tiểu Đoàn 3, sau khi đã được bổ sung, lại tiến lên
thay thế Tiểu Đoàn 8, cố gắng nhổ các chốt còn lại của địch và mở rộng khu vực
kiểm soát của Tiểu Đoàn 3 tới sát bờ thành.
Trong thời gian của giai đoạn 1 này, các đại đội của Tiểu Đoàn 9 thay phiên
nhau tấn công, nhổ các chốt của địch tại khu vực Ngã ba Long Hưng, khu Bệnh
viện, và trường Bồ Đề, sát bờ sông Thạch Hãn, dọc theo đường Trần Hưng Đạo dẫn
vào Thị xã Quảng Trị. Tổn thất của Tiểu Đoàn 9 cũng rất nặng với số thương vong
lên đến khoảng 300. Sau đó, Tiểu Đoàn 9 rút về khu vực Gia Đằng để dưỡng quân
và bổ sung quân số vũ khí và được Tiểu Đoàn 1 tiến lên thay thế.
Với các thành quả đạt được bằng xương máu này của Tiểu Đoàn 3 và Tiểu Đoàn 9,
đường vào Thị xã Quảng Trị và Cổ Thành Đinh Công Tráng đã được mở toang ra cho
các đơn vị của TQLC. Nhưng trận chiến vẫn chưa chấm dứt và máu của các chiến sĩ
TQLC còn phải đổ thêm nhiều nữa.
Giai đoạn 2: từ 29-8 đến 9-9
Trong giai đoạn 2 này, Lữ Đoàn 258 đã được tăng cường và sử dụng đến 5 tiểu
đoàn tác chiến là các Tiểu Đoàn 1,3,5,6, và 8.
Cuộc chiến đấu đầy cam go với tổn thất không kém trong giai đoạn 1 của các tiểu
đoàn TQLC lần này diễn ra ngay bên trong Thị xã Quảng Trị. Mục tiêu của các
tiểu đoàn TQLC là diệt tất cả các chốt của địch, chiếm giữ các cơ sở hành chánh
trong Thị Xã, chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng: Tấn công và chiếm lại Cổ Thành
Đinh Công Tráng.
Đại Tá Định phân công cho các tiểu đoàn như sau:
•Tiều Đoàn 1, thay thế Tiểu Đoàn 9, sẽ từ khu Bệnh Viện tấn công lên phía Bắc,
chiếm lại Ty Cảnh Sát, nhà máy điện, trường nữ tiểu học, và doanh trại của Cảnh
Sát Dã Chiến.
•Tiểu Đoàn 3, thay thế Tiểu Đoàn 8, tiếp tục chiếm giữ phía Đông Nam Cổ Thành
•Tiểu Đoàn 5 chịu trách nhiệm khu Đông Nam của Ngã Ba Long Hưng
•Tiểu Đoàn 6 (với Trung Tá Đỗ Hữu Tùng là Tiểu Đoàn Trưởng) chịu trách nhiệm
càn quét địch ở phía Bắc Ngã Ba Long Hưng và tiến về phía Tây Nam Cổ Thành
•Tiểu Đoàn 8 (với Thiếu Tá Nguyễn Văn Phán là Tiểu Đoàn Trưởng), sau khi bàn
giao khu vực cho Tiểu Đoàn 3, được lệnh rút về phía sau làm trừ bị.
Trong suốt 2 tuần lễ của giai đoạn 2 này, các tiểu đoàn TQLC đã luôn luôn gặp
sự kháng cự rất mãnh liệt của địch. Chiến thuật tác chiến trong thành phố (đã
từng được các đơn vị TQLC áp dụng nhuần nhuyễn tại Huế và Sài Gòn trong Trận
Tết Mậu Thân 1968) đã lại được 4 Tiểu Đoàn TQLC 1,3,5 và 6 đem ra sử dụng một
lần nữa. Họ đánh cận chiến với địch để giành lại từng khu phố, từng con đường,
từng ngôi nhà. Thêm vào đó, các đơn vị pháo binh của địch đóng bên ngoài thị
xã, vẫn tiếp tục pháo vào, gây khó khăn và tổn thất khá năng cho các đơn vị
TQLC. Tuy vậy, sau cùng, các tiểu đoàn TQLC cũng đã hoàn thành nhiệm vụ, tiến
sát vào các bờ thành của Cổ Thành Đinh Công Tráng.
Giai đoạn 3: từ 9-9 đến 16-9
Đây là giai đoạn cuối cùng của Chiến Dich Lam Sơn 72, với mục tiêu là tái chiếm
Cổ Thành Đinh Công Tráng. Tướng Lân quyết định dùng 2 Lữ Đoàn, 147 ở phía Đông
Bắc (với 2 Tiểu Đoàn 3 và 7; Lữ Đoàn Trưởng 147 là Trung Tá Nguyễn Năng Bảo và
Lữ Đoàn Phó là Trung Tá Nguyễn Xuân Phúc) và 258 ở phía Tây Nam (với 4 Tiểu
Đoàn 1,2,5 và 6), cùng một lúc tấn công vào Cổ Thành.
Mục tiêu chính của Lữ Đoàn 258, là
Dinh Tỉnh Trưởng Quảng Trị (MT 90; MT = Mục Tiêu) và Tòa Hành Chánh Tỉnh Quảng
Trị (MT 28), được giao cho Tiểu Đoàn 2, với Thiếu Tá Trần Văn Hợp là Tiểu Đoàn
Trưởng và Đại Úy Phạm Văn Tiền là Tiểu Đoàn Phó, có Bộ Chỉ Huy đóng ở Ngã Ba
Long Hưng, tại góc đường Lê Huấn và Quốc Lộ 1.
Việc tấn công và chiếm giữ hai Mục Tiêu 28 và 90 này được Thiếu Tá Hợp giao cho
Đại Đội Đại Đội 4 với Đại Úy Lê Quang Liễn là Đại Đội Trưởng, và Đại Đội 5 với
Trung Úy Huỳnh Văn Trọn là Đại Đội Trưởng. Chắc chắn cũng đã biết được ý đồ của
các đơn vị TQLC đã có mặt trong Thị Xã nên từ sáng sớm ngày 14-9-1972, địch đã
“dàn chào” 2 Đại Đội 4 và 5 của Tiểu Đoàn 2 bằng một trận pháo 130 ly rất dữ
dội nhưng không gây được tổn thất gì nghiêm trọng. Sau khi trận pháo chấm dứt,
Đại Đội 4 tiến chiếm mục tiêu đầu tiên là Trường Phước Môn, và sau đó là Trường
Trung học Teresa, và bắt được một số tù binh. Khai thác các tù binh, Đại Úy
Liễn biết được họ thuộc một một đơn vị của Sư Đoàn 320 B vừa vượt sông Thạch
Hãn tối hôm trước để tăng viện cho các đơn vị của địch còn đang cố thủ trong
Thị Xã. Đêm hôm đó, cùng với Đại Đội Phó là Trung Úy Nguyễn Hữu Hào và Đại Đội
Trưởng Đại Đội 5 là Trung Úy Trọn, Đại Úy Liễn thảo luận và lên kế hoạch thật
tỉ mỉ cho cuộc tấn công vào MT 28 vào sáng hôm sau, 15-9-1972.
Với sự yểm trợ của 2 chiến xa M48 và
2 thiết vận xa M113, hai
Đại Đội 4 và 5 của Tiểu Đoàn 2 TQLC , tuy gặp sự chống trả mãnh liệt
của các chốt địch, đã hoàn thành nhiệm vụ, chiếm lại được Tòa Hành Chánh
Tỉnh Quảng Trị (tức MT 28) vào lúc 8 giờ 30 sáng ngày 15-9-1972, với kết
quả vô cùng rực rỡ :
“Riêng Đại Đội 4 đã tịch thu được một số lớn chiến lợi phẩm và một kho tiếp
liệu gồm:
•412 súng cá nhân
•102 súng cộng đồng
•40 thùng lương khô do Trung Cộng sản xuất
•23 máy truyền tin của Trung Cộng
•18 tù binh
•Nhiều hố chôn tập thể và xác quanh khu vực Tòa Hành Chánh và khu hầm ngầm bên
trái Tòa Hành Chánh, khoảng 30 xác.
Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến phải dùng 6 đợt thiết vận xa M113 để
chuyển tù binh và chiến lợi phẩm về Bộ Chỉ Huy.”
Về phần Lữ Đoàn 147, phụ trách tấn công từ hướng Đông Bắc, mục tiêu chính là
thanh toán nốt các chốt của địch còn cố tử thủ trong tòa Cổ Thành Đinh Công
Tráng đã đổ nát vì bom đạn trong hơn hai tháng đã qua. Nhiệm vụ chính này được
Lữ Đoàn 147 giao cho Tiểu Đoàn 3, với Thiếu Tá Nguyễn Văn Cảnh làm Tiểu Đoàn
Trưởng và Thiếu Tá Trần Kim Đệ là Tiểu Đoàn Phó. Thiếu Tá Cảnh phân công cho 2
đại đội của Tiểu Đoàn 3 là Đại Đội 2 của Đại Úy Giang Văn Nhân và Đại Đội 3 của
Đại Úy Nguyễn Văn Thạch nhiệm vụ nhổ chốt này.
Sáng sớm ngày 15-9-1972, Đại Đội 3
tiến lên trước, phá vỡ được phòng tuyến của địch nơi cửa Hữu của Cổ Thành, các
Trung Đội của Đại Đội 2 lập tức tràn lên bờ thành, tỏa ra tấn công vào tất cả
các cửa thành. Trung Đội 22 chiếm cổng chính cửa Tiền đường Lê Văn Duyệt. Các
chốt của địch quân kháng cự yếu ớt, rút về cố thủ ở cửa Tả đường Phan Đình
Phùng, nhưng đã quá trể. Tất cả các cánh quân của cả hai Đại Đội 2 và 3 của
Tiểu Đoàn 3 đồng loạt xung phong, tràn vào tất cả các ngỏ ngách của khu vực này
của Cổ Thành. Tiếng súng kháng cự của địch thưa dần và sau cùng tắt hẳn.
Tiểu
Đoàn 3 TQLC đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Cổ Thành Đinh Công Tráng
trong phạm vi của Thị Xã Quảng Trị đã hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của các
đơn vị TQLC của QLVNCH. Cổ Thành với tường thành cao 9,4 m, dưới chân dày đến 12 m, đã bị các
trận phi pháo kinh khủng của QLVNCH và Hoa Kỳ phá tan nát, chỉ còn là đống gạch
vụn, như một phế tích …
“Sau gần 24 giờ chiến
đấu không nghỉ, những người lính của Đại Đội 2 Tiểu Đoàn 3 TQLC đã dựng ngọn cờ
trên cổng thành cửa Tả vào mờ sáng ngày 15 tháng 9 năm 1972.”
Lễ thượng cờ VNCH được
cử hành chính thức ngày hôm sau, lúc 12 giờ 45 trưa ngày 16-9-1972. Chiến Dịch
Lam Sơn 72, khởi sự ngày 28-6-1972, đã chấm dứt với chiến công rực rỡ của Sư
Đoàn TQLC, QLVNCH, chiếm lại được tỉnh Quảng Trị đã lọt vào tay quân địch từ
ngày 1-5-1972.
Trận đánh tái chiếm Quảng Trị, từ ngày 28-6-1972 cho đến ngày 16-9-1972, rất
khó có thể biết một cách thật chính xác, nhứt là đối với quân Cộng sản đã tử
thủ và bị chôn vùi trong những đổ nát của Thị xã Quảng Trị và Cổ Thành Đinh
Công Tráng do các trận oanh kích của phi cơ và hải pháo từ Hạm Đội 7, của Không
Lực VNCH cũng như các phi vụ trải thảm của B-52. Một điều gần như chắc chắn là
2 Trung Đoàn 48 và Triệu Hải của Sư Đoàn 320 B, đã tử thủ trong Thị Xã và Cổ
Thành, đã tổn thất rất nặng bị xóa sổ , họ đã tổn thất 36.000 quân…
Về phía QLVNCH, chỉ riêng đối với Lữ Đoàn 258 TQLC, từ
ngày 29-3 đến ngày 16-9-1972, tổng số thương vong chính thức là 3.911 gồm 637
tử thương và 3.274 bị thương …
Các con số này không bao gồm thương vong của 2 Lữ Đoàn 147 và 369 của Sư
Đoàn TQLC, cũng như của các đơn vị của Sư Đoàn Dù, và các binh chủng khác của
QLVNCH đã có tham gia trận đánh (Biệt Động Quân, Biệt Cách Dù, Thiết Giáp).
Trong 1 tác phẩm của tác giả Dale
Andradé (Ghi chú số 17; tr. 196), đã viết như sau: “… the South Vietnamese
marines suffered more than 5,000 casualties since June, 3,658 of them during
the seven-week battle to recapture the citadel. Almost one out of every four
marines in the entire division was wounded or killed.” (tr. 196; xin tạm
dịch sang Việt ngữ như sau: “… Thủy Quân Lục Chiến của Nam Việt Nam đã có tổng
số thương vong hơn 5.000 từ tháng 6, trong đó có 3.658 là trong thời gian trận
đánh 7 tuần lễ tái chiếm cổ thành. Gần như là một phần tư binh sĩ của sư đoàn
đã bị thương hoặc tử trận”)./.
Nguồn:
https://onnguonsuviet.com/p104a516/chuong-trinh-nghien-cuu-quan-su-quan-luc-vnch-mua-he-do-lua-nam-1972-tran-tai-chiem-co-thanh-dinh-cong-trang-quang-tri-
https://dongsongcu.wordpress.com/2021/07/24/mua-he-do-lua-nam-1972-qlvnch-tai-chiem-co-thanh-dinh-cong-trang-quang-tri/?fbclid=IwAR3ucicMrwX1-iO_xGtrzzplZSzDtC9wSLshP6tAquhBv7qWP6qg28kCzCQ
No comments:
Post a Comment