Friday, December 25, 2020

Chuyện Có Thật Vào Đêm Giáng Sinh Năm 1944: Đêm Hòa Bình Kỳ Diệu Giữa Chiến Tranh

 25/12/2020

Phương Tôn viết lại

Mùa Giáng Sinh 2020

 


American soldiers in the Ardennes Forest

Lời người viết: 

Câu chuyện có thật được dịch và viết lại theo lời kể của Fritz Vincken, người gốc thành phố Aachen-Đức lúc đó 12 tuổi, đã trải qua một đêm Giáng sinh rất đặc biệt trong một lán gỗ tại khu rừng Ardennes ở Bỉ. Có lẻ đây là một đêm Giáng Sinh không thể nào quên được trong cuộc đời của gia đình Vincken. Câu chuyện của Fritz Vincken nổi tiếng một phần cũng do được Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Ronald Reagen, đã đọc khi ông đến thăm binh sĩ ở Bitburg vào những năm 1980. Câu chuyện Giáng sinh “kỳ diệu” do Fritz Vincken kể lại sau đó được phổ thành phim vào năm 2002 tại Canada với tựa đề “Silent Night” (Đêm Yên Bình).

Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật, mang đầy tính nhân văn. Câu chuyện thật thích hợp khi được đọc và kể cho cháu nhỏ về tình người, giá trị cuộc sống dù đứng ở chiến tuyến nào.

Vào mùa đông năm 1944, một trận chiến khốc liệt đã diễn ra trong các khu rừng của tỉnh Ardennes thuộc Vương quốc Bỉ. Lính Đức và Mỹ quần nhau kịch liệt ở mặt trận miền Tây. Khi thành phố Aachen bị quân đồng minh dội bom, gia đình Fritz Vincken trở thành vô gia cư do ngôi nhà chỉ còn là một đống gạch vụn. Cha của Fritz là một thợ cả làm bánh mì ở vùng biên giới Ardennes, vô tình tìm thấy một lán gỗ trống trong rừng nên bèn đưa gia đình đến đây trú ngụ nhằm tránh bom đạn trong vòng ba đến bốn tuần lễ với hy vọng chiến tranh sẽ kết thúc sớm. Trong khi bản thân ông ta phải đi tham gia vào lực lượng phòng không tại thành phố biên giới Monschau cách đó sáu cây số.

Tuy nhiên, hy vọng này tan thành mây khói khi Hitler mở cuộc tấn công Ardennes vào ngày 16 tháng 12 năm 1944. Trong lúc đó, gia đình Fritz Vincken vẫn sống trong lán lều, ngập đầy tiếng súng giao tranh, giữa khu rừng bạt ngàn tuyết trắng bao phủ. Cũng may, gia đình vẫn còn đầy đủ thực phẩm và một cái lò sưỡi đốt bằng củi ấm cúng.

Buổi chiều đêm Thánh 24.12.1944, tiếng đại bác như sấm sét vang vọng từ mặt trận gần đó và máy bay chiến đấu của quân Đồng minh bay vần vũ trên bầu trời tìm mục tiêu để dội bom. Mãi đến khi trời tối, mặt trận mới trở nên yên tĩnh và điều kỳ diệu của một đêm thánh đã xảy ra với Fritz , một cậu bé 12 tuổi, khi tiếng gõ cửa căn lán vang lên.

Bà mẹ nhanh chóng thổi tắt nến rồi đi ra mở cửa. Bên ngoài, một khung cảnh ma quái của những tán cây phủ đầy tuyết, cùng thêm hình dáng hai người đàn ông đội mũ sắt như những bóng ma hiện hình. Một người trong họ nói với bà bằng thứ ngôn ngữ mà Fritz không hiểu được, anh ta lấy tay chỉ đến một đồng đội thứ ba đang nằm yên trên tuyết. Mẹ Fritz hiểu ngay, họ là người Mỹ. Là kẻ thù!

Bà mẹ đứng lặng người, đặt tay lên vai Fritz. Những người đàn ông trang bị vũ khí có thể buộc hai mẹ con phải để cho họ vào nhà, nhưng họ vẫn đứng bất động và chỉ dùng đôi mắt để hỏi ý kiến. Người đàn ông bị thương trông dường như chết nhiều hơn là còn sống.

– “Vào đi”, bà mẹ mở lời.

Hai người lính Mỹ khiêng đồng đội của họ vào nhà và đặt anh ta trên giường của Fritz.

Không ai trong số họ nói được tiếng Đức. Bà mẹ thử nói tiếng Pháp, và một trong hai người đàn ông hiểu được ngôn ngữ đó. Trước khi chăm sóc cho người lính bị thương, bà mẹ nói với Fritz:

– “Những ngón tay của hai người này lạnh cứng hết rồi. Con hãy cởi áo khoác và ủng cho họ, rồi ra ngoài mang vào cho mẹ một xô tuyết”.

Tiếp ngay sau đó, Fritz dùng tuyết xoa đôi bàn chân đông lạnh tím ngắt của họ.

Người đàn ông có thân hình trông chắc nịch là Jim. Bạn của anh, người cao và mảnh khảnh, tên là Robin. Harry, người lính bị thương lúc này đã ngủ trên giường của Fritz, khuôn mặt anh ta trắng bệt như tuyết bên ngoài. Họ đã lạc mất đơn vị, phải lang thang trong rừng trong ba ngày qua. Họ phải vừa tìm kiếm quân người Mỹ, vừa phải đề phòng quân Đức. Họ không cạo râu, không có áo khoác ấm dày, trông vẫn như những cậu bé lớn con. Và đó cũng là cách bà mẹ đối xử với họ.

– “Đi ra đem “Hermann” vào! cùng với khoai tây nữa”, bà mẹ nói với Fritzt

Đó là một thay đổi lớn trong chương trình mừng Giáng sinh của gia đình. “Hermann” là một con gà trống mập mạp (được đặt theo tên của Hermann Göring) mà lâu nay được vỗ béo trong nhiều tuần qua với hy vọng cha của Fritz sẽ về nhà đúng vào dịp Giáng sinh. Chỉ đến khi cách trước vài giờ, khi những người lính Mỹ vào nhà, mẹ con Ftitz mới biết tin ông cha không được phép về hưởng lễ Giáng Sinh, nhưng bà mẹ gia hạn cho “Hermann” sống sót thêm vài ngày nữa với hy vọng chồng bà sẽ được phép về cùng vợ con đón mừng năm mới. Bây giờ bà thay đổi ý định. “Hermann” có nhiệm vụ khẩn phải hoàn thành.

Trong khi Fritz và Jim giúp việc bếp núc, Robin chăm sóc cho Harry, anh ấy đã bị bắn vào đùi và mất máu gần như có thể không thoát khỏi cái chết. Bà mẹ xé tấm vải ra giường thành dải để băng vết thương cho Harry.

Chẳng mấy chốc mùi gà quay hấp dẫn thoảng quanh căn phòng thì bỗng lại có một tiếng gõ cửa. Fritz mở cửa không chút do dự, vì cậu bé mong gặp thêm nhiều người Mỹ đi lạc. Bên ngoài có bốn người đàn ông mặc quân phục mà Fritz nhận ra rõ sau năm năm chiến tranh: Lính Đức – Người phe mình!

Sợ đến tê liệt người. Mặc dù còn nhỏ nhưng Fritz biết rõ luật lệ: Ai nuôi quân giặc là phạm tội phản quốc. Tất cả gia đình đều có thể bị bắn! Bà mẹ cũng sợ. Với khuôn mặt trắng bệch, nhưng bà bước ra và nói một cách bình tĩnh:

– “Chúc Giáng sinh vui vẻ!”. Những người lính cũng chúc lại và nói:

– “Chúng tôi đã lạc mất đơn vị và muốn đợi cho đến rạng sáng,” người chỉ huy, một hạ sĩ quan cho biết.

– “Chúng tôi có thể ở lại đây không?”

– “Tất nhiên,” bà mẹ trả lời với vẻ bình tĩnh trong tuyệt vọng, rồi nói tiếp:

– “Các ông cũng có thể có một bữa ăn ngon, ấm áp và ăn với những gì còn đó”.

Những người lính mỉm cười, hân hoan đánh ngửi mùi thơm phả vào mũi họ qua cánh cửa bếp khép hờ.

– “Nhưng”, bà mẹ tiếp tục nói với một cách mạnh mẽ, “chúng tôi có ba người khách ở đây mà các ông có thể không coi họ là bạn.” Giọng bà đột nhiên nghiêm trọng như Fritz chưa từng nghe thấy bao giờ.

– “Hôm nay là đêm Giáng sinh và ở đây không có nổ súng.”

– “Ai ở trong đó?”, viên hạ sĩ quan hỏi gay gắt, “Người Mỹ à?”.

Bà mẹ nhìn từng người trong khuôn mặt đang đông cứng.

– “Nghe này,” bà chậm rãi nói:

– “Các cậu có thể là con trai của tôi, và những người trong đó cũng vậy. Một trong số họ bị thương, đang vật lộn với cái chết. Còn hai người đồng đội của cậu ta cũng lạc lõng và đói khát như các cậu trong đêm nay”. Bà xoay sang, cao giọng nói với viên chỉ huy:

– “Trong đêm Giáng sinh này, chúng ta không nghĩ đến việc giết nhau!”

Viên hạ sĩ quan nhìn bà chằm chằm trong hai hoặc ba giây, khi đó lại là khoảng thời gian im lặng dài vô tận. Rồi bà chấm dứt tình trạng mập mờ này bằng cách vỗ tay rồi nói to:

– “Nói đủ rồi! – Đặt vũ khí xuống trên đống gỗ đó – rồi nhanh lên, nếu không mấy đứa kia sẽ ăn hết bây giờ.”

Bốn người lính, như thể sững sờ, đặt vũ khí của họ trên đống củi trong hành lang, gồm hai khẩu súng lục, ba khẩu súng trường, một khẩu súng máy hạng nhẹ và hai Bazookas chống thiết giáp. Trong khi đó, bà vội vàng nói với Jim bằng tiếng Pháp. Anh ấy nói gì đó bằng tiếng Anh với người đồng đội, và thật ngạc nhiên khi hai người Mỹ cũng trao vũ khí cho bà.

Thế rồi, người Đức và người Mỹ đứng sát cánh cùng nhau trong căn phòng nhỏ, có bà mẹ đang đóng vai chánh. Mỉm cười, bà tìm chỗ ngồi cho mọi người. Nhưng cả căn lán chỉ có ba cái ghế, nhưng giường của bà mẹ thì lớn. Ở đó, bà đặt hai trong số những người đến sau, bên cạnh Jim và Robin.

Sau đó, mặc cho không khí căng thẳng, bà quay trở lại nấu ăn. Nhưng bây giờ con gà “Hermann” lại không lớn thêm mà bữa tiệc lại có thêm bốn người ăn.

– ““Nhanh lên!”, bà mẹ thì thầm với Fritz, “lấy thêm khoai tây và một ít bột yến mạch. Họ đang đói, và khi bụng đói kêu lên thì họ sẽ cáu.”

Khi Fritz đang lục soát tủ kho đựng thực phẩm thì nghe tiếng Harry rên rỉ. Một anh người Đức đeo kính đang cúi xuống băng vết thương cho anh người Mỹ.

– “Cậu là bác sĩ?”, bà mẹ hỏi.

– “Không,” anh ta trả lời, “nhưng cách đây vài tháng tôi đang học y khoa.” Sau đó anh ta giải thích với hai người Mỹ bằng thứ tiếng Anh khá trôi chảy rằng, vết thương của Harry không bị nhiễm trùng nhờ cái lạnh cóng bên ngoài.

– “Anh ấy vừa mất rất nhiều máu,” anh ta nói với bà mẹ. “Nhưng anh ấy chỉ cần nghỉ ngơi và ăn uống thật nhiều mà thôi.”

Áp lực căng thẳng bắt đầu giảm bớt khi tất cả ngồi chung cạnh nhau, những người lính đều trông có vẻ rất trẻ. Heinz và Willi, cả hai đều đến từ Cologne, mới mười sáu tuổi. Viên hạ sĩ quan lớn tuổi nhất trong nhóm là 23 tuổi. Anh lôi ra một chai rượu vang đỏ từ túi bánh mì của mình, và Heinz tìm thấy một ổ bánh mì đen liền đưa cho bà mẹ cắt thành từng lát. Tất cả được dọn lên trên bàn ăn tối. Nhưng bà mẹ lại để riêng ra một ít rượu, bảo là:

– “Dành cho đứa bị thương.”

Rồi bà mẹ bắt đầu cất lời báo ân trước bữa ăn. Bà rơm rớm nước mắt khi nói những câu quen thuộc: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến, làm khách của chúng con …” Và quanh bàn, đôi mắt của những người lính mệt mỏi vì chiến trận cũng ươn ướt. Họ cũng chỉ là những cậu bé, một số đến từ Mỹ, một số khác đến từ Đức, tất cả đều xa nhà.

Khoảng nửa đêm, bà mẹ đưa tất cả mọi người ra khỏi nhà, yêu cầu tất cả hướng về ngôi sao Bethlehem. Ngoại trừ Harry, người đang ngủ yên, tất cả đều đứng cạnh bà. Đối với tất cả mọi người lúc này chỉ còn sự im lặng và cảnh tượng của Sirius, ngôi sao sáng nhất trên bầu trời, chiến tranh lúc này dường như rất xa vời và gần như bị lãng quên.

Cuộc đình chiến riêng kéo dài tiếp tục đến sáng hôm sau. Harry càu nhàu gì đó trong giấc ngủ, rồi thức dậy vào lúc rạng sáng, được bà mẹ đút cho ít muỗng súp. Vào lúc bình minh, anh ấy rõ ràng đã mạnh hơn. Bà mẹ pha chế cho anh ấy một thức uống bổ dưỡng từ quả trứng duy nhất còn lại trong nhà, cộng thêm phần còn lại của rượu vang đỏ hồi hôm và một ít đường. Phần những người trong nhà được điểm tâm bằng bột yến mạch. Sau đó, một chiếc cáng dành cho Harry được làm từ hai chiếc gậy và chiếc khăn trải bàn tốt nhất trong nhà.

Trên tấm bản đồ của Jim, viên hạ sĩ quan chỉ cho người Mỹ đường đi trở lại đoàn quân của họ. Ở giai đoạn này lính Đức xem ra được thông tin đầy đủ một cách đáng ngạc nhiên. Anh ấy chỉ tay trên một dòng suối rồi nói:

– “Anh đi lối đó! – Tới đầu nguồn anh sẽ gặp đội quân số 1, họ đang tập hợp quân ở đó.” Anh lính y tá dịch mọi thứ sang tiếng Anh.

– “Tại sao không đi đến Monschau?” Jim hỏi.

– “Lạy Chúa. Không!” viên hạ sĩ quan hét lên. “Chúng tôi đã chiếm lại Monschau rồi.”

Đến khi đó, bà mẹ trả lại vũ khí cho mọi người rồi nói:

– “Hãy cẩn thận, các cậu nha! Tôi ước rằng một ngày nào đó các cậu được trở về quê hương. Chúa bảo vệ tất cả các cậu! “

Người Đức và người Mỹ bắt tay chào rồi mỗi bên đi về mỗi hướng ngược nhau.

Khi hai mẹ con trở vào nhà, bà mẹ lấy cuốn Kinh thánh cũ của gia đình ra. Cuốn sách mở đầu với câu chuyện Giáng sinh, kể về sự ra đời trong máng cỏ và ba nhà thông thái từ xa đến để dâng quà. Ngón tay bà lướt trên dòng chữ: “… và họ đã trở về đất nước của mình bằng mỗi một con đường khác nhau.”

Câu chuyện của mẹ con Fritz Vincken cho thấy dù bị bộ máy tuyên truyền nhồi sọ thế nào đi chăng nữa, nhân tính, tình thương yêu đồng loại vẫn luôn hiện diện trong mỗi con người để chờ chực có cơ hội bùng phát ra mà thôi.

Phụ chú:

Năm 1959, Fritz Vincken rời Đức di cư sang Mỹ sinh sống.

Năm 1964, ông viết về những kỷ niệm không thể nào quên của mình trong đêm Giáng sinh 1944 “thần thánh”.

Năm 1966, bà mẹ tuyệt vời, người đã tạo nên một cuộc đình chiến kỳ diệu qua đời.

Năm 1971, Fritz Vincken mở một tiệm bánh mì đặc sản của Đức ở Honolulu, Hawaii, tiệm hiện do các con ông điều hành.

Mong muốn của Fritz Vincken, một lần gặp gỡ lại những người lính Mỹ và lính Đức trong đêm Giáng Sinh 1944 tại căn lán gỗ nhà ông đã không thành hiện thực. Ông trông tìm ba người lính Đức trong vô vọng, có lẽ họ đã ngã xuống trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến.

Nhưng thật tình cờ, Vincken đã tìm được Robin, một trong ba người lính Mỹ.

Năm 1996, ông đến thăm Robin trong một viện dưỡng lão ở Frederick, Mỹ. Robin vẫn còn giữ chiếc la bàn quân đội Đức mà một trong những người lính Đức đã đưa cho ông khi chia tay bên con suối.

Nhiều tháng sau, Fritz Vincken tìm ra Jim, lúc đó 76 tuổi, ở Ohio- Mỹ.

Harry, người lính bị bị thương sau đó đã mất vào năm 1972.

Robin bây giờ cũng đã qua đời.

Fritz Vincken qua đời vào ngày 8 tháng 12 năm 2001 tại Oregon, Mỹ.

 

Nguồn bài viết lại:

https://www.aachener-nachrichten.de/lokales/eifel/heiligabend-1944-eine-nacht-des-friedens-mitten-im-krieg_aid-35235197

https://khoahocnet.com/2020/12/24

.

 

No comments:

Post a Comment