” Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về“.
Từ Thành phố Biên Hòa, theo con đường đất đá, ngược giòng sông Đồng Nai đi lên Thác Trị An, qua khỏi quận Công Thanh, đến xã Đại An, ta sẽ gặp một bến đò. Đối diện bến đò, bên kia sông là xã Thái Hưng. Xã trải dài theo bờ hữu ngạn của con sông, gồm có 4 làng, mỗi làng đều có Nhà Thờ Công giáo, có Cha xứ chăm lo họ đạo. Phía Bắc và Tây-Bắc là đất ruộng. Xa xa là rừng Đất Cuốc; núi rừng bất tận nối liền với các chiến khu Đ và C, tức chiến khu Dương Minh Châu của Việt Cộng. Thái Hưng là một xã Công giáo Di cư. Đồng bào miền Bắc từ hai tỉnh Thái Bình và Hưng Yên phải rời bỏ quê cha, đất tổ, đi vào Nam tìm TỰ DO sau Hiệp định Đình chiến Genève năm 1954, được Chính phủ của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đưa về đây tái định cư lập nghiệp. Nhờ ruộng đất màu mỡ, tôm cá đầy sông, chẵng mấy chốc, người dân đã có một cuộc sống sung túc thoãi mái, hơn hẳn hồi còn ở quê nhà. Nhưng “Quê hương ta đẹp hơn cả” (Home sweet home!). Lòng hoài vọng cố hương đó thể hiện qua việc đặt tên cho Xã. Đồng bào đã lấy hai chữ đầu của chữ Thái Bình và Hưng Yên ghép lại thành tên THÁI HƯNG.
Nhưng vào một đêm hè năm 1974, trong lúc dân làng đang sống hạnh phúc, yên lành thì Cộng quân với chiến thuật cố hữu là “tiền pháo, hậu xung”, chúng đã nã đạn pháo đủ loại, từ súng cối 61ly, 82ly, đến các loại pháo tầm xa 120ly, và 130ly lên đầu người dân Thái Hưng vô tội. Sau những đợt mưa pháo tàn bạo, các đơn vị bộ đội của Trung đoàn 165 thuộc Sư đoàn 7 CSBV đồng loạt tiến công chiếm xã Thái Hưng mà chúng coi như là một đồn bót của QLVNCH. Tiểu đoàn Địa Phương Quân Tỉnh Biên Hòa, với nhiệm vụ an ninh lãnh thổ, đứng trước một địch quân với con số áp đảo, đành phải rút về cố thủ một góc ở đầu xã, lưng dựa vào mé sông, để bảo toàn lực lượng.
Trung tướng Phạm Quốc Thuần, Tư lệnh Quân đoàn III & Quân khu 3 chỉ định Sư đoàn 18BB cấp tốc mở cuộc Hành quân diệt địch. Trung đoàn 43BB của Đại tá Lê Xuân Hiếu được Thiếu tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh Sư đoàn chọn đưa vào cuộc chiến. Và Tiểu đoàn 2/43 của Thiếu tá Nguyễn Hữu Chế là đơn vị chịu trách nhiệm mũi tấn công chính. Tiểu đoàn sẽ vượt sông Đồng Nai đánh thẳng vào đầu bọn Cộng sản xâm lược đang chiếm giữ xã Thái Hưng. Trong lúc đó, Tiểu đoàn 3/43 của Thiếu tá Nguyễn Văn Dư hoạt động án ngữ vùng rừng Đất Cuốc, phía Tây-Bắc xã; Tiểu đoàn 1/43 của Thiếu tá Nguyễn Hữu Tài tiến quân theo trục Tây-Đông đến áp sát vào mục tiêu, để phân tán lực lượng địch.
Sau gần một tuần lễ ác chiến, quân Cộng sản xâm lược đã thảm bại hoàn toàn, phải rút về rừng sâu, mang theo hàng chục chiếc xe bò chở đầy thương vong. Xã Thái Hưng đã được giải tỏa. Đồng bào tản cư lánh nạn ngay từ những ngày đầu của trận chiến, nay lục tục trở về làng cũ, xây dựng lại quê hương đổ nát với sự tiếp tay của các chiến sĩ Tiểu đoàn 2/43BB vừa mới buông tay súng. Vào một đêm mùa hè năm 1974, mở đầu chiến dịch Hè – Thu, Sư đoàn 7 Cộng sản Bắc Việt đã tung Trung đoàn 165 đánh chiếm xã Thái Hưng. Chúng đã nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa, dồn Tiểu đoàn Địa Phương Quân Tỉnh Biên Hòa lo an ninh lãnh thổ về một góc ở đầu Xã. Tình hình thật nguy ngập! Trung đoàn 43, Sưđoàn 18BB/QLVNCH của Đại tá Lê Xuân Hiếu đuợc lệnh cấp tốc mở cuộc hành quân giải tỏa. Lúc này đơn vị đang hoạt động vùng Tân Uyên (Biên Hòa), Bình Cơ, Bình Mỹ (Bình Dương). Với ba Tiểu đoàn cơ hữu: TĐ1 từ Tân Uyên tiến quân theo hướng Tây-Bắc – Đông-Nam đến Thái Hưng. Tiểu đoàn 3 hoạt động vùng Rừng Đất Cuốc, để phân tán lực lượng địch; Tiểu đoàn 2 làm nỗ lực chính, vượt sông Đồng Nai đánh chính diện vào mục tiêu. Ngày N: Đoàn quân xa đưa TĐ đến đỗ tại bến đò thuộc Xã Đại An, bờ Nam sông Đồng Nai. Bên kia sông là xã Thái Hưng, thuộc Quận Công Thanh, Tỉnh Biên Hòa, đang bị Trung đoàn 165 CSBV chiếm cứ. Tiểu đoàn ĐPQ bị dồn vào một góc ở đầu Xã. Vừa đỗ quân, TĐ liền triễn khai đội hình, áp sát bờ sông chờ lệnh. Tiểu đoàn trưởng, và Ban Tham mưu cùng các Sĩ quan Đại đội trưởng đi quan sát địa thế để chọn địa điểm vượt sông. Điểm vượt sông là nơi đối diện qua giòng sông với Tiểu đoàn ĐPQ đang co cụm cố thủ. Quân đoàn III biệt phái 15 chiếc xuồng đổ bộ. Mỗi chiếc chuyên chỡ được một Tiểu đội. Như vậy mỗi đợt có thể vượt sông cả một Đại đội. Giờ vượt sông là lúc trời nhá nhem tối. Tiểu đoàn sẽ vượt sông nhiều đợt. Đại đội 2 của Trung úy Võ Văn Mười, K.25 Đà Lạt đi chuyến đầu tiên; kế đến là Bộ Chỉ Huy nhẹ TĐ của Đại úy Phạm Đình Huệ, K.23 Đà Lạt, và Đại đội 3 của Trung úy Nguyễn Văn Hùng, K.24 Đà Lạt. Bộ Chỉ Huy TĐ sẽ đi cùng Đại đội 1 của Trung úy Nguyễn Mỹ, SQ/Thủ Đức. Đại đội Chỉ Huy & Yểm trợ của Trung úy Võ Kim Thạch, SQ/Thủ Đức; Đại đội 4 của Trung úy Hà Văn Dương, SQ/Thủ Đức, sẽ đi những chuyến sau cùng. Hệ thống truyền tin làm việc tốt, nhất là với đơn vị bạn, TĐ/ĐPQ đang nằm chờ đợi bên kia sông.
Đến giờ G, giờ vượt sông. Ba chiếc xuồng máy chở trung đội đầu tiên vượt tuyến xuất phát để thăm dò phản ứng địch, và lập đầu cầu cho điểm vượt sông. Khi những chiếc xuồng qua khỏi được nửa giòng sông, sắp tiến vào bờ để đổ bộ, thì súng AK, B40, B41, và đại liên của địch đồng loạt nổ, nhắm vào ba chiếc xuồng đang rẽ sóng. Một chiếc bị trúng đạn B40 rồi lật chìm. Hai chiếc kia bị bắn thủng nhiều lổ đạn, phải vội vã quay trở lại. Các chiến sĩ trên chiếc xuồng bị bắn chìm chới với giữa giòng sông. Một số được cứu thoát, nhưng người Trung sĩ Tiểu đội trưởng và hai đồng đội bị nước cuốn trôi theo giòng sông về tận Thành phố Biên Hòa. Khi được vớt lên, họ đã thành người thìên cỗ. Đó là những chiến sĩ anh dũng của TĐ2/43 đầu tiên hy sinh trong trận chiến tái chiếm xã Thái Hưng. Cuộc vượt sông thất bại! Nhưng “thất bại là mẹ thành công”, “thua keo này, bày keo khác”. Nhiệm vụ nhất định phải hoàn thành!
Tôi sắp đặt chuyến vượt sông lần thứ hai. Thời điểm là quá nửa đêm, lúc trăng vừa lặn. Đúng 12 giờ, tôi cho dàn pháo 8 khẩu 105 ly từ căn cứ hõa lực bắn tới tấp lên mục tiêu, và dọc theo bờ sông. Đồng thời tôi yêu cầu vị Thiếu tá TĐT/ĐPQ cho mở những cuộc phản công giả, và đồng loạt nổ súng. Đúng 12:30, toàn bộ Đại đội 2 của Trung úy Mười bắt đầu cuộc vượt sông. Lo âu và hồi hộp! Nhưng toán quân tiền phương đã đặt chân được lên bờ, đã lập được đầu cầu. Tiểu đoàn vượt sông theo đúng kế hoạch. Sau khi gặp vị Thiếu tá TĐT bạn, tôi cho lệnh đơn vị phản công ngay để nới rộng vòng đai kiểm soát. Tiểu đoàn bắt đầu cuộc đánh đêm. Chúng không ngờ đơn vị vừa mới đặt chân lên bờ đã tổ chức ngay cuộc tấn công đêm. Đánh đêm là sở trường của VC. Lạ địa thế, đêm tối khó nhận ra nhau. Nhưng các Đại đội trưởng giàu kinh nghiệm chiến trường, từng xông pha qua nhiều trận mạc, từ An Lộc của Bình Long Anh Dũng năm 1972 đến trận Bố Lá thuộc Quận Phú Giáo, Bình Dương năm 1973, đã rất xuất sắc hướng dẫn đơn vị mình tiến công, đánh đuổi địch ra xa ngoài sự mong ước của tôi. Cộng quân bị đánh bất ngờ, phản ứng yếu ớt. Phần lớn chúng chỉ tìm cách tháo lui về hướng Bắc, không dám giao chiến lâu. Tin tức sơ khởi cho biết, Đại đội 2 đã diệt gọn một ổ kháng cự của địch, tịch thu một súng cối 61ly và mấy khẩu AK47. Đại đội 3 của Trung úy Hùng cũng đuổi địch chạy dài. Chúng bỏ lại cả quân trang quân dụng và thương vong không kịp mang theo. Nghĩa là chúng đã “bỏ của chạy lấy người”. Đến lúc trời sáng, Tiểu đoàn đã hoàn toàn làm chủ Làng 1, và một phần của Làng 2 (Xã có 4 làng). Chúng tôi đã chiếm được khu Nhà Thờ kiên cố. Tôi đặt Bộ Chỉ Huy/TĐ trong khuôn viên nhà của Cha Xứ. Từ đó mở những cuộc tấn công kế tiếp. Cộng quân đã không chịu nổi cuộc tấn công vũ bão và bất ngờ của Tiểu đoàn, đành phải lùi dần, lùi dần… về hướng Bắc, nơi tiếp giáp với những cánh rừng già đi về các mật khu.
Ngày N+1: Tiểu đoàn tấn công chiếm nốt Làng 2. Trận chiến khá gay go. Tôi đã phải xử dụng Pháo binh và Không quân liên tục để triệt hạ những dàn súng cộng đồng và những ổ kháng cự mạnh của địch. Có điều rất thuận lợi cho quân bạn là đồng bào toàn xã Thái Hưng đã tìm cách tản cư qua bên kia sông Đồng Nai ngay từ khi Cộng quân về chiếm đóng làng. Đồng bào là những người di cư từ miền Bắc trốn thoát “Thiên đường Cộng sản” tìm Tự Do. Đồng bào đã có thừa kinh nghiệm với bọn Cộng sản vô thần, dã man, và khát máu. Đồng bào đã nhanh chóng tìm cách xa lánh chúng. Nơi nào có quân Cộng sản xuất hiện là nơi đó đồng bào Công giáo tìm cách bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ ruộng vườn ra đi. Đồng bào đã tránh xa bọn Cộng sản xâm lược cũng như người dân tránh xa bệnh cùi hủi. Các cha xứ cũng đến gặp Thiếu Tướng Tư lệnh Lê Minh Đảo để yêu cầu cứ việc xử dụng bom đạn tối đa hầu tiết kiệm xương máu của quân sĩ, miễn sao giải tỏa được nhanh chóng để người dân có thể sớm trở về làng cũ. “Được lời như cởi tấm lòng”, tôi đã xử dụng tối đa phi pháo để mau chóng thanh toán mục tiêu. (Phóng viên truyền hình Nguyễn Cầu của Đài Truyền hình Quân đội đi theo đơn vị ngay từ ngày đầu tiên của trận chiến, đã ghi lại những đoạn phim quan trọng, rất giá trị. Anh đã quay cận cảnh, cảnh các chiến sĩ TĐ2/43 giằng co khẩu súng phòng không 12ly7 với địch quân tại một ổ kháng cự nằm phía Tây Làng 2. Trận chiến đẫm máu và gay go của TĐ2/43 để tái chiếm xã Thái Hưng đã được anh Nguyễn Cầu ghi lại đầy đủ. Sau đó anh lấy thêm cảnh đổ nát của làng xã, cảnh 11 Nhà Thờ và Nhà Nguyện, trong số 13 cái của toàn xã bị hư hại. Nhưng đồng bào đã rất hoan nghênh các chiến sĩ QLVNCH, vui mừng trở về làng cũ xây dựng lại cuộc sống sau trận chiến. Cảnh tiếng chuông giáo đường ngân nga trong sáng sớm hay chiều hôm, cảnh các tín hữu đi lễ Nhà Thờ,…anh cũng ghi lại đầy đủ. Nguyễn Cầu đã thực hiện một cuốn phim nhựa dài 23 phút với tựa đề: ” TRỞ VỀ LÀNG CŨ”. Cuốn phim được trình chiếu cho Phái đoàn Liên Minh Á Châu chống Cộng do Bác sĩ Phan Huy Quát làm Chủ tịch, khi đến viếng thăm Tỉnh Biên Hòa vào cuối năm 1974. Theo anh Cầu cho biết, Phái đoàn ngỏ ý muốn mua cuốn phim với giá 3 triệu đồng, nhưng anh đã từ chối! Cuốn phim cũng đã được chiếu lại nhiều lần trên đài Truyền hình Quân đội trong những ngày cuối tháng Tư đen, trước khi tan hàng. Hiện anh Cầu định cư tại San José, California.
Tại bến đò Xã Đại An bên kia sông Đồng Nai, tôi đặt một Tiền trạm Tiểu đoàn để lo việc tải thương và tiếp tế. Hằng ngày đồng bào Thái Hưng đã nấu khoai, sắn, có khi thì xôi gởi qua ủng hộ các chiến sĩ đang chiến đấu. Đúng là tình “Quân Dân như cá với nước”.
Ngày N+2: Nhiều phóng viên Sài gòn đến mặt trận. Trong số đó có hãng UPI và AFP. Tôi gặp họ chuyện trò và chờ đợi. Tôi chờ đợi một trận chiến quyết định. Trong lúc đó các cánh quân vẫn tiếp tục tiến chiếm các phần đất Cộng quân còn bám giữ. Nhưng nặng nhất là cánh quân của Đại đội 1 do Trung úy Nguyễn Mỹ chỉ huy. Cánh quân này đang gặp sức kháng cự mãnh liệt của địch cấp đại đội. Chúng có súng phòng không và súng cối 61ly. Súng 82ly và 130ly thì từ xa bắn lại. Tôi cho Tiền sát viên Pháo binh điều chỉnh chính xác, bắn tập trung làm cho tê liệt mục tiêu. Sau đó tôi mời các phóng viên cùng đi tham dự trận đánh. Anh Nguyễn Cầu thì sẵn sàng tiếp tục làm công việc của mình. Kết quả, ổ kháng cự của địch bị tiêu diệt. Bắt sống 3 tù binh. Tịch thu 1 súng phòng không 12ly7, 1 súng cối 61ly, 2 máy truyền tin Trung cộng, nhiều vũ khí cá nhân. Xác địch nằm la liệt do đạn pháo. Sau trận đánh quyết định đó, những ổ kháng cự của Cộng quân còn lại phản ứng rất yếu ớt, và đã nhanh chóng bị thanh toán.
Ngày N+3: Tiểu đoàn 2/43 đã hoàn toàn làm chủ trận địa. Buổi trưa hôm đó, ngay khi tiếng súng truy kích địch còn nổ ròn, Đại tá Trung đoàn trưởng 43BB Lê Xuân Hiếu đã hướng dẫn Thiếu Tướng Tư lệnh SĐ Lê Minh Đảo và Trung tướng Tư lệnh Quân đoàn III Phạm Quốc Thuần đến thăm trận địa. Khói súng vẫn còn nghi ngút, chưa tan hết; xác địch vẫn còn nằm rải rác khắp đó đây. Và đến chiều, tôi đã có thể cho phép đồng bào “trở về làng cũ” như tựa đề của cuốn phim do anh Nguyễn Cầu đã thực tế thực hiện. Giòng sông Đồng Nai hiền hòa lại trở về những ngày tháng bình yên cũ, mang đất phù sa màu mỡ từ những cánh rừng già, bồi đắp cho ruộng đồng thêm tốt tươi. Giòng sông lặng lờ chảy qua Thành phố Biên hòa hiền dịu, cuồn cuộn tuôn ra sông Nhà Bè, trước khi tụ hội về Biển Đông.
Michigan, cuối mùa tuyết trắng 2005
Bảo Định Nguyễn Hữu Chế
Tiểu đoàn 2/43/SĐ18BB/QLVNCH.
Nguồn: https://hung-viet.org/p13a9640/dong-nai-day-song
.
No comments:
Post a Comment