Wednesday, December 9, 2020

Lâm Vĩnh Thế - Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh (1931-1970)

 Tam Thanh

Vị tướng được kể tên thứ ba là Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh (1931-1970)

Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh (1931-1970)

 

          Ông sinh ngày 31-3-1931 tại Tân An, Long An, theo học Khóa 4 Trường Võ Bị Liên Quân Ðà Lạt, mãn khóa ngày 1-12-1951 với cấp bậc Thiếu Úy, và lần lượt thăng cấp như sau: (13)

·       Thăng cấp Trung Úy tháng 12-1953

·       Thăng cấp Ðại Úy năm 1955

·       Thăng cấp Thiếu Tá tạm thời ngày 26-10-1959

·       Thăng cấp Trung Tá nhiệm chức năm 1964

·       Thăng cấp Ðại Tá nhiệm chức ngày 9-10-1965

·       Thăng cấp Ðại Tá thực thụ tháng 12-1965

·       Thăng cấp Chuẩn Tướng nhiệm chức ngày 19-6-1966

·       Thăng cấp Chuẩn Tướng thực thụ ngày 19-6-1967

·       Thăng cấp Thiếu Tướng nhiệm chức ngày 19-6-1968

Ông cũng đã chỉ huy các đơn vị tác chiến sau đây:

·       Trung Ðội Trưởng, Trung Ðội 12, Ðại Ðội 51, Tiểu Ðoàn 15 Việt Nam vào tháng 12-1951

·       Ðại Ðội Trưởng, Tiểu Ðoàn 15 cuối năm 1952

·       Tiểu Ðoàn Trưởng, Tiểu Ðoàn 707 ÐỊa Phương vào năm 1953

·       Trung Ðoàn Trưởng, Trung Ðoàn 12, Sư Ðoàn 7 Bộ Binh năm 1962

·       Tư Lệnh Sư Ðoàn 7 Bộ Binh ngày 9-10-1965

·       Tư Lệnh Quân Ðoàn IV ngày 1-7-1968

Tướng Thanh nổi tiếng trong QLVNCH là một sĩ quan gương mẫu và trong sạch, thanh liêm với khá nhiều giai thoại về đức tính liêm khiết và tận tụy với quân vụ của ông, như trong lời kể lại sau đây:

“Vào giữa năm 1968, Thiếu Tướng Nguyễn Viết Thanh được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV, Quân Khu IV.  Lúc đó tôi làm Tổng Thư Ký Hội Đồng Tái Thiết Phát Triển kiêm Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Điều Hợp Tỉnh Kiên Giang.  Hàng tháng tôi thường về họp tại Trung Tâm Điều Hợp Quân Khu do Đại Tá Phạm Văn Út làm Trung Tâm Trưởng và thỉnh thoảng có ghé qua thăm Thiếu Tướng Thanh.  Nhân một buổi họp cuối năm, tôi có chở theo vài món đặc sản Rạch Giá như nước mắm nhĩ Phú Quốc, khô cá thiều và một ít bánh ú lá dừa biếu gia đình ông.  Vì biết tôi có quà cho Tướng Thanh nên Trung Tá Tỉnh Trưởng Kiên Giang cũng nhờ tôi chở theo một số quà biếu Tư Lệnh.  Ông nghe tiếng Thiếu Tướng Thanh rất thanh liêm, không ưa vụ biếu xén quà cáp, nên ông không dám đích thân đi biếu mà nhờ tôi là chỗ thày trò cũ, may ra được nhận chăng?  Hôm đó sau buổi họp ở văn phòng Đại Tá Út, tôi qua thăm Tư Lệnh.  Thiếu Tướng Thanh niềm nở tiếp tôi, hỏi thăm chuyện vợ con, hỏi thăm Thiếu Tướng Khuyên, rồi ông nói: "Bây giờ cũng trưa rồi, Quý qua bên nhà ăn cơm với vợ chồng tôi nhé, ăn chay đó."  Tôi thưa: "Cám ơn Thiếu Tướng, hôm nay đàn em không xin được trực thăng, phải đi đường bộ, về trễ sợ nguy hiểm, lần sau sẽ xin ghé tư dinh thăm chị luôn."  Tôi tranh thủ trình bày vụ biếu quà, ông bảo: "Thôi được, món nào của anh thì tôi nhận, nhưng chỉ lần này thôi nhé.  Còn của anh Tỉnh Trưởng thì anh đem về nói là tôi rất cám ơn, nên đem mấy món quà đó tặng cho anh em thương bệnh binh nhân dịp Tết cho họ mừng.  Đó là điều mà cấp chỉ huy nên làm." Bất giác tôi chợt nhớ đến cái Tết 10 năm trước ở Vĩnh Bình. Sáng mồng một Tết, ông cùng Thiếu Tá Khuyên vào bệnh viện tỉnh thăm thương bệnh binh.  Rồi suốt ngày mồng hai Tết, ông hết đứng lại ngồi đăm chiêu trước bản đồ hành quân để nghiên cứu địa hình và tình hình địch.  Hình như ông nóng lòng trông cho mau đến ngày mồng 3, hết hạn hưu chiến để tổ chức hành quân Bình Định.  Cuộc đời của ông chỉ biết phục vụ, phục vụ và phục vụ, chí công vô tư, xả thân vì nước.” (14)

Ngoài đức tính cương trực và thanh liêm giống như hai Tướng Thắng và Chinh, Tướng Thanh còn một đặc điểm nữa là gần gủi và chăm lo cho dân rất nhiều trong thời gian ông đảm nhiệm chức vụ Tỉnh Trưởng tại 2 tỉnh Long An (1961) và Gò Công (1963).  Do đó mới có một chuyện xảy ra như sau ngoài sức tưởng tượng của mọi người như trong lời kể lại của chính Chuẩn Tướng Hoa Kỳ William R. Desobry (1918-1996), Cố Vấn Trưởng Vùng IV:

“Vị Tướng Cố Vấn Quân Đoàn IV đã kể chuyện Tướng Thanh được ái mộ như thế nào: Trong một dịp, lúc đó Tướng Thanh còn làm Tư Lệnh Quân Đoàn IV ở Cần thơ, ông cùng vị Tướng Cố Vấn bay lên Bản Doanh BTL Sư Đoàn 7 Bộ Binh ở Mỹ Tho. Hai vị Tướng ăn cơm trưa một cách kín đáo trong một nhà hàng ở Thị Xã; người ta xầm xì rỉ tai và mọi người cuối cùng rồi cũng hay tin.  Dân chúng và binh sĩ ùn ùn kéo đến chào mừng vị Tư Lệnh cũ của họ. Trong suốt cả tiếng đồng hồ, Tướng Thanh phải gật đầu, bắt tay liên tục cả trăm người.” (15)

Ngoài đức tính cương trực, thanh liêm, lúc nào cũng chăm lo cho đời sống của binh sĩ và dân chúng trong vùng trách nhiệm của mình, Tướng Thanh còn được cấp dưới kính trọng vì sự dũng cảm gần như huyền thoại của ông trong trận mạc.  Ông là một trong số rât ít những tuớng lãnh của VNCH được Chính phủ Hoa Kỳ ban thưởng huy chương cao quý Silver Star khi đã là một tướng tư lệnh vùng như chúng ta thấy trong bản tuyên dương sau đây:

Bản Tuyên Dương Kèm Theo Huy Chương Silver Star Trao Tặng Thiếu Tướng

Nguyễn Viết Thanh Tư Lệnh Quân Ðoàn 4 Do Hành Ðộng Dũng Cảm Phi Thường

 

Ngày 24-2-1969 Tại Tân Châu

(Xin tam dịch sang Việt ngữ như sau: “Tồng Thống Hoa Kỳ, được phép do Ðạo Luật của Quốc Hội ngày 9-7-1918, hân hạnh ban thưởng huy chương Ngôi Sao Bạc cho Thiếu Tướng Nguyễn Viết Thanh, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, vì sự dũng cảm phi thường trong hành động vào ngày 24-2-1969, gần Tân Châu, trong lúc đang phục vụ với tư cách Tướng Tư Lệnh Quân Ðoàn IV, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.  Vào ngày hôm đó, Chi Ðội A, thuộc Chi Ðoàn 1 của Thiết Ðoàn 12 Kỵ Binh và Ðại Ðội 226 Ðịa Phương Quân đụng nặng với Tiểu Ðoàn Mười Trí.  Việt Cộng đã bắt đầu cuộc tấn  công ác liệt với rốc-kết, bích kích pháo, và các súng liên thanh nhỏ vào cánh phải của đơn vị kỵ binh.  Tướng Thanh phản ứng ngay lập tức bằng cách thiết lập liền một căn cứ yểm trợ hỏa lực và sau đó ra lệnh cho cạnh trái phản công để tái lập thế trận.  Ðịch quân phản công và đẩy lui quân bạn.  Hoàn toàn bất kể sự an nguy của bản thân, Tướng Thanh xông lên giữa trận, kêu gọi và cỗ vũ binh sĩ của mình, tiếp đó ông sử dụng một thiết vận xa để tiến về phía Ðại Ðội 226 Ðịa Phương Quân, tập họp họ lại và ra lệnh phản công.  Tướng Thanh từ trên nóc chiến xa chỉ huy cuộc phản công mãnh liệt vào địch quân.  Ðịch quân bị đẩy lui với rất nhiều thương vong, và quân ta chiếm lại trận địa.  Sư hiện diện của ông tại mặt trận, vào lúc quyết định nhứt của trận đánh, là tác nhân trực tiếp khôi phục lại sức chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.  Sự anh dũng nổi bật trong hành động của Tướng Thanh phản ánh rõ rệt công trạng của ông cũng như của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.”).   

Ngày 2-5-1970, lúc 1 giờ 40 trưa, trong khi đang thị sát mặt trận tại biên giới Việt-Miên, ông đã tử nạn khi chiếc trực thăng chở ông bị rớt vì đụng phải một chiếc trực thăng Cobra.  Ông được Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu truy thăng lên cấp Trung Tướng và truy tặng Ðệ Nhị Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương.

Lâm Vĩnh Thế

Ghi Chú:

1.    Trần Ngọc Thống, Hồ Ðắc Huân, Lê Ðình Thụy, Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.  California: Hương Quê, 2011.  Tr. 203-204.

2.    Những Giai Thoại Sạch của Tướng Thắng, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.generalhieu.com/ndthang-u.htm

3.    Clarke, Jeffrey J., United States Army in Vietnam: advice and support: the final years, 1965-1973.  Washington, D.C.: U.S. Army Center of Military History, 1988, tr. 256.

4.    “CIA report on the Situation in South Vietnam as of 10/24/66,” tài liệu mật của CIA, đề ngày 24-10-1966, giải mật ngày 4-3-1994, gồm 15 tr., có thể truy cập trực tuyến và toàn văn từ cơ sở dữ liệu Declassified Documents Reference System (DDRS), các tr. II-1 và II-2.

5.    “CIA report on the Siituation in South Vietnam covering period 10/31-11/6/66,” tài liệu mật của CIA, đề ngày 7/11/1966, giải mật ngày 16/12/1993, gồm 24 tr., có thể truy cập trực tuyến và toàn văn từ cơ sở dữ liệu DDRS, các tr. II-1 và II-2.

6.    Lâm Vĩnh Thế, Việt Nam Cộng Hòa, 1963-1967: những năm xáo trộn.  Hamilton, Ont.: Hoài Việt, 2010.  Tr. 192.

7.    Trần Ngọc Thống, Hồ Ðắc Huân, Lê Ðình Thụy, Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sđd, tr. 127-128.

8.    Nguyễn Ðức Thắng, Phan Trọng Chinh, Lê Minh Ðảo, Lý Tòng Bá, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://vanghe.blogspot.ca/2011/09/nguyen-uc-thang-phan-trong-chinh-le.html

9.    Tưởng nhớ Trung Tướng Phan Trọng Chinh, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://vietnamcuongthinh.blogspot.ca/2015/03/tuong-nho-trung-tuong-phan-trong-chinh.html

10.                       Tướng Phan Trọng Chinh, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.generalhieu.com/ptchinh-u.htm

11.                       “Intelligence report on the situation in South Vietnam,” tài liệu mật của CIA, đề ngày 19-12-1966, giải mật ngày 16-6-1998, gồm 24 tr., có thể truy cập trực tuyến và toàn văn từ cơ sở dữ liệu DDRS, tr. II-4.

12.                       Ahern, Thomas L., Jr., CIA and the generals: covert support to military government in South Vietnam.  Langley, Va.: CIA, 2009.  Tr. 113.

13.                       Trần Ngọc Thống, Hồ Ðắc Huân, Lê Ðình Thụy, Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sđd, tr. 199-202.

14.                       Nguyễn Mậu Quý, Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.generalhieu.com/nvthanh-u.htm

15.                       Hai vị tướng tác chiến giỏi: Ðỗ Cao Trí và Nguyễn Viết Thanh, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.banvannghe.com/a2347/tuong-gioi-do-cao-tri-va-nguyen-viet-thanh-truong-duong-chuyen-ngu

SOURCE:

https://sites.google.com/site/namkyluctinhorg/tac-gia-tac-pham/i-j-k-l-m/lam-vinh-the/-nhut-thang-nhi-chinh-tam-thanh-tu-truong?fbclid=IwAR13QLsm6qgtybW38i2YPr_0mCBmAkDz8z4_NOQ6BZ9tN-j_K6mErbJ5P5M


 

No comments:

Post a Comment