Wednesday, December 2, 2020

Tưởng Năng Tiến - Thằng Lính Bạc Tình (Audio: Hồi Ký Miền Nam)

 


 

Thằng Lính Bạc Tình

 

Nếu cấp số của đại đội là hai trăm thằng hoặc ít hơn thì bốn trung đội sẽ được chia gọn vào bốn phòng: I, II, III và IV. Vì một lý do không dễ hiểu, quân số đại đội của tôi có đến hai trăm mười mấy mạng, và theo danh sách thì tôi nằm cuối cùng; do đó, tôi và mười ba thằng kia bị đẩy vô phòng V.

Cái được gọi là phòng V, truớc kia, có lẽ được dùng làm nhà kho. Người ta kê đủ bẩy cái giường đôi trong đó rồi ấn đại chúng tôi vào. Tôi không ưa nơi cư trú bất đắc dĩ này và ghét thậm tệ những thằng ở chung phòng với mình.

Hai chữ “chúng tôi”, trong trường hợp này, có lẽ cũng cần có đôi điều minh định. Mười ba thằng kia dứt khoát không phải là những sinh viên sĩ quan đàng hoàng tử tế. Phần lớn tụi nó đều là giáo sư, kỹ sư, hay cán sự gì đó và tất cả đều đã có vợ con hay đào kép lang chạ tùm lum hết trơn rồi. Trong tương lai chúng sẽ trở thành những sĩ quan biệt phái, hoặc lính ngành lính nghề vớ vẩn gì đó thôi. Còn tôi, tôi mới là sinh viên sĩ quan thứ thiệt. Với học lực được ghi trong hồ sơ là “sinh viên văn khoa năm thứ hai” thì chắc chắn tôi sẽ ra trường với ám số tác chiến, và đương nhiên sẽ trở thành loại lính “bóp cò”.

Tất nhiên, tôi đủ khôn ngoan và lịch sự để không bao giờ nói ra những ý nghĩ “thầm kín” này. Tôi cũng cố không tỏ ra khó chịu hay bực bội gì cả. Nói cách khác là tôi ăn ở cư xử hết sức biết điều; thế mà, vẫn không xong, vẫn chưa vừa lòng người – những thằng người… khốn nạn! Tụi nó kỳ thị tuổi tác ra mặt.

Tất cả đồng lòng gọi tôi là “lính sữa”. Điều khổ tâm là tôi không thể nào chối cãi đuợc rằng mình không…”sữa”. Bảng tên cùng số quân bắt đầu bằng hai số “72” gắn chình ình trên đầu giường ngủ là bằng chứng hùng hồn về số tuổi đời hơi yếu của tôi. Có thằng còn tuyên bố khơi khơi là nó sẽ gả con gái út cho tôi, nếu như tôi “ăn ở và cư xử…người lớn hơn chút đỉnh!”

Cái trò chơi mất dậy làm tụi nó vô cùng thích thú là thỉnh thoảng lại có đứa nằm hát ông ổng cho cả phòng nghe:”…năm hai mươi mốt tuổi, tôi đi vào quân đội mà lòng chưa hề yêu ai.” Nó hát dở như cứt mà cả đám vẫn cứ nhao nhao vỗ tay, và thế nào cũng có một thằng chó chết nào đó xía miệng vào:

– Mà nó còn lâu mới tới hai mươi mốt tuổi. Thằng này vô “động” đâu có em nào dám tiếp.
– Ủa, sao vậy?
– Mấy em sợ lỡ bị bắt thì ngoài tội mãi dâm ra còn dám bị ghép thêm tội dụ dỗ trai vị thành niên lắm.
– Đ…mẹ, vậy mà bữa trước xuống câu lạc bộ tao thấy nó cũng bày đặt mua dao cạo râu.
– Chắc nó mua để cạo lông.
– Lông nó cũng cóc có.
– Có, tao xác nhận. Bữa trước tắm chung tao thấy rõ ràng nó có mấy sợi lông, lông măng!

Tụi chó đẻ cứ tung hứng như vậy hết chuyện này sang chuyện khác rồi cười rũ rượi với nhau. Thật ra, không ai bắt tôi phải nằm chịu trận mãi trong phòng với những thằng mất dậy này. Vào giờ nghỉ tôi có quyền đi xem phim, mướn truyện, hay la cà tán tỉnh mấy em bán cà phê ở khu gia binh…Điều phiền là cứ mười lần bước chân ra khỏi sân đại đội là có đến chín lần tôi… mắc nạn, những tai nạn lảng xẹt mà tôi vẫn cứ bị hoài hoài.

Tôi rất hay quên đội nón, quên gài nút áo, quên gôm ống quần. Toàn là những thứ quên lãng hợp lý nhưng lại không được chấp nhận ở đời sống quân trường. Tôi thích nhìn nắng chiều hay nắng sớm lao xao trên những hàng cây nên đôi khi còn quên luôn cả chào huynh truởng nữa.

Có lần tôi quên không chào một thằng huynh trưởng thuộc tiểu đoàn 6, đại đội 61, trung đội 612. Nó móc cái nón sắt trên cột hàng rào và bắt tôi phải chào cái nón thổ tả đó 612 lần trong khi nó ung dung ngồi hút thuốc chờ tôi thi hành lệnh phạt. Nó đúng là một thằng…chó đẻ!

Lần khác, vào lúc trời vừa chạng vạng tối, tôi lạng quạng sao đó nên nhìn lầm một thằng siêu huynh trưởng ra một thằng cùng khóa. Nó đang đi tôi gọi giật lại để xin mồi thuốc. Khi ánh lửa que diêm vừa lóe lên thì nó chợt nhìn ra màu khăn và màu bảng tên trên ngực áo của tôi, mộ thằng “siêu đàn em”. Nó gầm lên như một con hổ bị thương và bắt tôi phải “đột kích” xuống cái giao thông hào lõng bõng nước ngay trước mặt…bốn chục lần.

Sau những lần bị tai họa như trời giáng như thế tôi phải thu hết tàn lực mới lết được về phòng, nằm vật ra giường, trông thảm hại như một cái mền bông ngấm nuớc. Tụi mất dậy ở phòng V lại có dịp rú lên cười đùa châm chọc:

– Mẹ ơi, sao con khổ thế này!
– Đã bảo rồi, đi đâu phải có người lớn đi kèm, không bỏ được cái tật “dế mèn phiêu lưu ký” thì còn khổ nhiều con ạ.

Tôi thề có đất trời chứng giám là nếu còn sức tôi sẽ vùng dậy đấm vỡ mặt tất cả những thằng khốn nạn ở chung phòng nàỵ Tiếc thay, tôi lại mệt gần chết. Thể chất tôi không mạnh bằng người. Tôi phải đau buồn mà công nhận như vậy.

Tôi sinh ra trong một gia đình có đến chín anh chị em, và là đứa con ra đời ngoài dự liệu. Lúc tám tuổi, khi khổng khi không, thằng anh kế của tôi lăn đùng ra chết. Khi đó, dù đã ngoài năm mươi nhưng bố tôi vẫn còn muốn ráng có thêm một đứa con để nuôi chơi trong lúc tuổi già. Ổng “ráng” không tới mức. Nếu người ta cần phải có cỡ một muỗm tinh trùng để tạo ra một thai nhi bình thường khỏe mạnh thì bố tôi, có lẽ, chỉ còn sản xuất được cỡ chừng vài ba giọt gì thôi.

Tôi gầy yếu là phải. Tôi chịu không nổi mấy chục lần đột kích hay vài trăm cái chào taỵ Tôi buồn bố mẹ tôi và giận mấy thằng bạn ở chung phòng. Tôi hay hình dung ra những màn phục thù lâm li, gay cấn.

Tôi tưởng tượng khi mình vừa ra trường đã may mắn bắn trúng ngay đầu “đồng chí” Trần Văn Trà, hay Nguyễn Chí Thanh gì đó nên được đặc cách vinh thăng lên…đại úy – và được chỉ huy nguyên cả một tiểu doàn. Cùng lúc thế nào cũng có vài thằng, trong số mười ba thằng khốn nạn ở phòng V, bị xếp tụi nó “đì” đi tác chiến và vô phúc lọt ngay vào đơn vị của tôi.

Coi: tôi đang ngồi ở văn phòng tiểu đoàn, ve cổ áo thêu ba cái bông mai đen thui, miệng ngậm ống tẩu, mặt nghiêm và buồn. Tụi nó khép nép bước vô, kính cẩn đưa tay chào trình diện. Với tất cả uể oải và lơ đãng, tôi sẽ đưa tay lên chào lại, mắt hơi nheo nheo, và miệng thì hình như có vẻ mỉm cười …Chỉ một “show” này thôi cũng đủ làm tôi thích chết đi được và yên tâm đi vào giấc ngủ.
Tôi sẽ còn khổ lâu, không chừng là vĩnh viễn, nếu không lanh trí chụp lấy cơ hội “vùng lên làm cách mạng.” Có chiều mới đi phép vào, vừa bước vô phòng, tôi đã nghe tụi nó cười như một lũ điên. Một thằng chợt hỏi:

– Ê, bộ mày đăng báo tìm bạn bốn phương hả?
– Cái gì

Tôi giật thót người như bị điện giật. Tôi có thể làm hàng ngàn tỉ chuyện điên rồ nhưng “đăng báo tìm bạn bốn phương” thì không, không bao giờ, Giời ạ!

– Tao thấy có tên mày trên báo nè.

Nói rồi nó thản nhiên cầm tờ Văn Nghệ Tiền Phong đọc lớn cho cả phòng nghe:” Sinh viên sĩ quan Thủ Đức hai mươi mốt tuổi đời, một phần ba tuổi lính, yêu màu tím hoa sim, thích nhạc họ Trịnh và giọng ca Chế Linh, cần tìm một em gái tuổi đôi tám…Nếu hợp sẽ đi xa trong tương lai. Thư về…”

Tôi ước ao ngay lúc đó có một quả bom nguyên tử nổ hay ít nhất thì cũng có được một con rắn cực độc ở đâu đó nhào ra cắn một phát cho tôi toi mạng. Làm sao tôi có thể tiếp tục sống được nữa sau một chuyện lố bịch và nhục nhã đến thế nàỵ. Cách đùa giỡn ngu xuẩn của một thằng mả mẹ nào đó đã làm bầm dập quả tim vốn đã te tua tan nát của tôi từ mấy tháng nay.

Tôi hay quên cài nút quần, nút áo và hay quên chào huynh trưởng chỉ vì tôi đang… thất tình thế thôi! Tôi mới vào Thủ Đức có hai tháng thì nhận được thư của một thằng bạn. Nó long trọng buồn bã báo cho tôi biết là “tao thấy Ngọc Quế đi với một thằng sinh viên chính trị kinh doanh.” Trời đất, “tôi đi chinh chiến để nước yên vui”, đâu phải chuyện chơi, sao lại có một thằng sinh viên vô lương tâm nào đó bò ngay vô mùng của người yêu tôi như vậy.

Tôi cố nghĩ rằng thằng bạn tôi đã trông lầm một con “khốn nạn” nào đó chứ không phải là Ngọc Quế; hoặc “lỡ” phải thì thằng sinh viên thổ tả nào đó chắc chắn chỉ là một người bà con xa gần gì đó thôi. Thiệt tình, tôi muốn viết thư hỏi thăm nàng về “người bà con” đó hết sức nhưng chỉ muốn vậy thôi chớ nhứt định không làm. Tôi ghen, giận, hận, buồn và – tất nhiên – tự ái. Tôi chỉ làm hai câu thơ ngắn gửi về Đà Lạt thôi:

Ngày xưa chán ngấy giảng đường.
Bây giờ lê bước quân trường, chán hơn!

Thư hồi âm chưa thấy đâu thì đã có chuyện “tìm bạn bốn phương” vô cùng tai hại nàỵ Tôi có cái tên nghe “ba tầu” chết mẹ, tầu hơn bất cứ một anh Tầu lai hay Tàu thiệt nào đã từng hiện hữu trên cuộc đời này, không thể nhầm hay lộn với bất cứ ai; đã vậy, chị em Ngọc Quế lại chuyên môn đọc báo Văn Nghệ Tiền Phong. Trời ơi, nếu mà nàng hiểu lầm rằng tôi đang “cần tìm một người bạn gái tuổi đôi tám” và “nếu hợp có thể sẽ đi xa hơn trong tương lai” thì sự nghiệp ái tình của tôi coi như là…chấm hết!

Bất thần tôi chộp cây M16 gần nhất trên giá súng, rút lẹ một băng đạn trong ba lô, nạp đạn, lên đạn rồi dí súng vô đầu thằng đang cầm tờ báo:

– Mày xé nát tờ báo tao coi.

Thằng em còn hơi có vẻ do dự thì tôi tôi mở khóa an toàn nghe cái “cốp”:
– Chậm tay là óc mày sẽ biến thành đậu hũ tức thì…

Mặt nó đổi màu chàm, mồ hôi trán rịn ra thành giọt, nó run run xé tờ báo ra từng mảnh nhỏ. Tôi đảo mắt một vòng, mọi thằng đều lấm lét. Tôi bỏ súng trở lại giá, lững thừng trở lại giường nằm. Cả phòng im phăng phắc. Từ đó, mấy thằng em ngán tôi thấy rõ.

Cũng kể từ đó cho đến chiều nay, khi tôi ngồi viết nhừng giòng chữ « thổ tả» này, đã hơn hai chục năm qua. Hai mươi năm: biết bao nhiêu là nước sông, nước suối, nước cống, nước rãnh…đã ào ào chẩy qua cầu qua cống rồi ? Thời gian chứng minh cho tôi thấy là “những thằng già khốn nạn” ở phòng V đều chịu chơi và chơi được. Chính tụi nó đã dậy cho tôi những bài học để đời về tình huynh đệ chi binh.

Khi mới ra trường tôi lãnh gần trọn một mùa mưa thối rừng thối đất. Có lúc thời tiết xấu đến độ đơn vị chúng tôi bị bỏ đói cả tháng trời chỉ vì chuyện tiếp vận vô phương thực hiện. Chúng tôi ăn rau bí và rau tầu bay chấm muối thay cơm. Cho đến khi muối cũng hết luôn thì tôi bắt đầu phát … sảng. Tôi chửi rủa lung tung qua hệ thống máy truyền tin. Bộ chỉ huy không đứa nào thèm trả lời tôi. Tụi nó còn dọa đưa tôi ra tòa án quân sự về tội phát ngôn bừa bãi. Tôi cóc sợ. Thỉnh thoảng tôi vẫn lên máy gào thét một cách vô vọng. Có hôm, bất chợt tôi nghe tiếng hỏi:

– Phải mày đang lải nhải như một con đĩ già ế khách đó không Lê Lai – Sơn Tây?

Lê Lai – Sơn Tây có nghĩa là “lính sữa” và đây là danh hiệu truyền tin không mấy dễ nghe mà tụi phòng V đã “gắn” cho tôi kể từ khi thực tập bài học truyền tin ở quân trường. Tôi mừng quýnh:

– Phải Lê Lai – Sơn Tây đây. Xin lỗi thẩm quyền nào đầu máy vậy?
– Thẩm quyền cái con…mả mẹ mày! Tango – Tư Tưởng phòng V đây, nghe rõ trả lời?

À ! thằng Tám Tàng, thằng mất dậy này sau khi ra trường về quân nhu hay quân vận gì đó. Nó thương tôi lắm. Nó “chuyên môn” lau súng giùm tôi mà.

– Ông đang ở đâu vậy Tango – Tư Tưởng?
– Tao mới về làm sĩ quan tiếp liệu cho đơn vị nè.
– Đ…mẹ, vậy thì ông phải cứu tôi tức khắc. Lính của tôi sắp chết đói hết rồi.
– Bộ mày không đói chắc?
– Ờ thì cũng đói thấy mẹ đây.
– Uống rượu được chưa con?

Thuở ấy, tôi uống rượu chưa được mấy nhưng vẫn cứ nói bừa:

– Được, dư được, nhưng lúc này nếu có cái gì để ăn thì có lý hơn.

Nó cười sằng sặc chế giễu:

– Nằm im đó đi, cỡ chiều là tao vô tới.
– Thiệt không?
– Sao không ! Tao chơi chưa để thằng nào nói mà, tin đi.

Thiệt tình tôi “không tin” gì mấỵ Tôi biết rõ hoàn cảnh của mình hơn bất cứ ai. Chỉ có trời mới gỡ được cho tôi cú này thôi. Con đường duy nhất xe có thể chạy đến nơi tôi đóng quân được làm dở dang kể từ hồi còn Pháp, và đã bị bỏ hoang mấy chục năm rồi. Tụi công binh mới “clear” đâu chừng được một phần ba và chưa đổ đá. Mưa khiến con đường hóa lầy và có những đoạn nước từ triền núi đổ xuống y như thác vậy. Xe nào mà vô nổi, trừ khi Tám Tàng kiếm được một cái xe …tăng!

Tôi lại chui vào túi ngủ, lòng buồn, dạ đói, bụng hoang mang. Tôi ngủ với nhiều giấc mơ ngắn và đều có liên quan đến chuyện ăn. Tôi mơ thấy mình đi ăn với Ngọc Quế ở tiệm Tân Khánh Hoàn. Nắng chiều Đà Lạt vàng ươm, rực rỡ. Tôi gọi bao tử xào dầu hào với rau bố xôi, cơm bò xào bông cải, và chim mía rô ti …

Rồi tôi thấy mình cùng với những thằng bạn ấu thời đi bắt dế ở phi trường Cam Lỵ Trên đường về chúng tôi bị mắc mưa nên chạy vào buôn Thượng. Bà mẹ người Thượng già cà răng móm mém chỉ chúng tôi ngồi quanh bếp lửa rồi lấy thật nhiều khoai lùi vào tro. Khoai chín thơm lừng và thật ngọt.

Có lúc tôi lại mơ thấy một bầy heo rừng vướng mìn Claymore bị nổ thịt văng khắp nơi. Cả đơn vị hớn hở vội vàng chụm lửa. Thịt heo nướng chẩy mỡ xèo xèo bốc khói làm cay mắt và ứa nước bọt đến tận răng…

Rồi tôi bỗng nghe tiếng máy truyền tin rè rè cùng với tiếng Tám Tàng yếu ớt:

– Lê Lai – Sơn Tây, Lê Lai – Sơn Tây … đây Tango – Tư Tưởng …

Tôi và người lính truyền tin cùng chồm dậy, anh ta vội vàng chuyền ống liên hợp cho tôi:

– Lê Lai – Sơn Tây nghe, ông đang ở đâu vậy?
– Tao thua rồi!

Lần này thì giọng nói của nó nghe rõ vẻ thì thào. Tôi hoảng:

– Cái gì? Ông đang ở đâu mới được chớ?
– Mày đi theo con rắn lớn (con đường), qua giây ba chạc (ngã ba) một khúc xa, có thể cũng gần tới …Tao không biết chắc …Tao lên bộ trưởng (bị thương) rồi.
– Cái gì ? Đ… mẹ, đừng có giễu dở chớ Tango…
– ….
– Tango, Tango …nghe không, trả lời?
– Nghe ..mà đ…mẹ tao mệt quá rồi. Mày lẹ lên…
– Tango …Tango …

Nó im luôn. Tức tốc tôi khều thêm mấy thằng em lầm lũi đi ngược trở ra. Tôi cắm cúi lầm lũi dưới mưa mà lòng dạ rối bời. Chừng ba tiếng đồng hồ sau, theo vết trượt của bánh xe, tôi thấy một cái Dodge nằm lật nhào dưới lũng. Thực phẩm rơi đổ tung tóe theo sườn núi.

Chúng tôi chạy vội xuống nhưng đã muộn. Tám Tàng bò được ra khỏi xe, nằm nghoẹo đầu trên máy, xác đã lạnh từ lâu. Tài xế và binh sĩ đi cùng chết kẹt trong ca bin. Chúng tôi cố mang xác họ ra cùng với cà phê, thuốc lá và cả can rượu đế.

Trời vẫn tầm tã mưa và lẫn trong nước mưa tôi biết có nước mắt của mình. Tôi thật sự bắt đầu uống rượu từ chiều hôm đó và uống luôn cho đến chiều nay. Đã một phần tư thế kỷ qua mà mỗi lần thoáng thấy hơi men tôi vẫn nhớ đến Tám Tàng. Tôi uống rượu hoài hoài, phần lỗi, không chừng là do …nó. Tôi muốn hành xác tôi chơi để Tám Tàng …vui lòng nơi chín suối.

Sau Tám Tàng, tôi gặp lại một nhân vật nữa của phòng V – ở trại tù binh. Ngày xưa, nó chính là thằng đã tuyên bố sẽ gả con gái út của nó cho tôi nếu như tôi “ăn ở và cư xử người lớn hơn chút đỉnh.”

Thằng này ra trường về làm sĩ quan thảo chương viên cho Bộ Tổng Tham Mưu. Nói cách khác nó chỉ là một thứ chuyên viên xử dụng máy vi tính cho quân đội. Chỉ có vậy thôi mà đảng và nhà nước phải đẩy nó tuốt ra miền Bắc mới yên tâm.

Lúc chia tay nó dấm dúi hết cho tôi những thứ qùa vừa nhận được của gia đình, kể cả chút tiền và ít thuốc tây. Tất nhiên, tôi từ chối:

– Ông cần mấy thứ này hơn tôi chớ.

Nó cầm tay tôi, nghiêm nghị y như là cảnh Nguyễn Phi Khanh dặn dò Nguyễn Trãi ở Ải Nam Quan vậy:

– Tao cần mẹ gì nữa. Chuyến này kể như là tao đi đứt rồi.
– Mày còn trẻ, lại không bị tụi nó đì ra Bắc. Thủ mấy thứ này cho ấm thân và cố giữ lấy mạng để còn có lúc trở về. Phải về lo lấy lại đất nước và trả thù cho tụi tao, nhớ chưa?
– Nhớ!

Xui cho nó, tôi không thuộc tip người Nguyễn Trãi. Tôi chỉ nói đại mẹ là “nhớ” để nó yên tâm đi vào chỗ chết. Thiệt tình thì tôi không nhớ gì hết ráo. Sau vài năm tù, tôi được thả về y như nó dự đoán. Có điều tôi tuyệt nhiên không hề lo chuyện “lấy lại đất nước” như đồng đội đã dặn dò; đã vậy, tôi còn bỏ nước để chạy tháo thân và lập tâm chuyến này là …dông tuốt!

Cái thứ người như tôi cứ mỗi lần nhậu xỉn mới chợt nhớ ra mình đã từng là lính, mới ba hoa về những năm tháng tù đầy, mới khề khà luận bàn về tình chiến hữu, về chuyện đấu tranh…này nọ. Tỉnh ra tôi lại lút cút đi làm, lại sống như mình chưa hề là lính, chưa từng có thằng vì tôi mà bỏ mạng, chưa có đứa đã chí tình dặn dò tôi lo chuyện quang phục quê hương. Lính có năm bẩy đường, năm bẩy thứ. Cái thứ như tôi ngó bộ có hơi kỳ và cũng hơi nhiều.

 

Tưởng Năng Tiến

Source:

https://tuongnangtien.wordpress.com/2010/01/26/th%e1%ba%b1ng-linh-b%e1%ba%a1c-tinh/

 

No comments:

Post a Comment