Ông sinh ngày 13-12-1929 tại tỉnh Bến Tre (sau đổi tên là Kiến Hòa), theo học Khóa 4 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức, mãn khóa ngày 1-6-1954 với cấp bậc Thiếu Úy, tình nguyện vào Binh chủng Nhảy Dù, và là một Trung Ðội Trưởng của Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù. Ông đã lần lượt thăng cấp như sau: (16)
· Thăng cấp Trung Úy ngày 1-12-1955
· Thăng cấp Ðại Úy năm 1961
· Thăng cấp Thiếu Tá năm 1964
· Thăng cấp Trung Tá tháng 4-1965
· Thăng cấp Ðại Tá nhiệm chức ngày 19-6-1966
· Thăng cấp Chuẩn Tướng nhiệm chức ngày 4-2-1967
· Thăng cấp Thiếu Tướng nhiệm chức ngày 3-6-1968
· Thăng cấp Trung Tướng nhiệm chức ngày 1-11-1971
Ông nổi tiếng là một tướng lãnh rất gương mẫu về quân phong, quân kỷ, rất tận tụy với trách nhiệm, và luôn luôn có mặt tại những điểm nóng trong khu vực thuộc trách nhiệm của mình, như đoạn văn mô tả sau đây:
“Tư-Lệnh Quân-Ðoàn I & Quân-Khu I Ngô Quang Trưởng được hầu hết mọi người khâm-phục. Ông đã dành nhiều tâm-trí, công-sức, và thì-giờ vào các cuộc hành-quân hơn là vào công việc văn-phòng. Ông thường-xuyên mặc chiến-phục, đội mũ sắt, mang áo giáp, bay đến tận từng đồn + chốt khắp Quân-Khu, để quan-sát, nghiên-cứu tình-hình tại chổ, và kiểm-tra tác-phong, kỷ-luật của các cấp quân-nhân. Bản-thân ông ít thích truy-hoan, nên cấm sĩ-quan thuộc quyền đến khiêu-vũ ở các nhà hàng ca + vũ + nhạc, khiến các Tỉnh-Trưởng và Thị-trưởng cấm luôn cả các phòng trà ca-nhạc tổ chức khiêu-vũ cho bất cứ giới khách hàng nào.” (17)
Ông cũng nổi tiếng là một tướng lãnh trong sạch, thanh liêm, và không dung túng cho cấp dưới làm bậy, xâm phạm tài sản của dân chúng, như trong giai thoại sau đây:
“Trong giữa năm 1974, Ông đã có một hành động rất ngoạn mục. Lính của một sư đoàn tại vùng I đã lùa một đàn bò của dân chúng, đem cất giấu tại thung lũng Quế Sơn. Khi nghe dân chúng tố cáo, ông đích thân bay đi tìm và đem trao trả cho khổ chủ. Số bò còn thiếu, ông trừ lương từ Trung Ðoàn Trưởng đến binh sĩ, lấy tiền mua bò trả đủ số cho dân, không dung dưỡng bao che các việc làm mờ ám của thuộc cấp, như một số các vị chỉ huy khác.” (18)
Ông cũng là một trong số rất ít các tướng lãnh hoàn toàn không có tham vọng chính trị và không bao giờ dính líu vào các âm mưu, biến cố chính trị. Ông dành toàn thời gian cho quân vụ. Cũng như Tướng Thanh, Tướng Trưởng là một trong số ít các vị tướng lãnh của QLVNCH đã chỉ huy các đơn vị tác chiến từ cấp thấp nhứt đến cấp cao nhứt:
· Trung đội trưởng: tháng 7-1954 (một trung đội của Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù)
· Ðại đội trưởng: đầu năm 1955 (Ðại Ðội 1, Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù)
· Tiểu đoàn trưởng: năm 1961 (Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù)
· Tư lệnh sư đoàn: năm 1966 (Sư Ðoàn 1 Bộ Binh)
· Tư lệnh quân đoàn: năm 1972 (Quân Ðoàn IV và Quân Ðoàn I)
Ông đã tham dự nhiều trận đánh quan trọng khi còn phục vụ trong Binh chủng Nhảy Dù, nhưng nổi tiếng nhất là trận Hắc Dịch vào tháng 2-1965. Lúc đó ông còn mang cấp bậc Thiếu Tá và là Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù. Hắc Dịch là một mật khu của Công Trường 7 (tức Sư Ðoàn 7) của Việt Cộng nằm trong một khu rừng ở phía Bắc Núi Ông Trịnh thuộc tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa). Cuộc hành quân tấn công vào Hắc Dịch do Bộ Tư Lệnh Vùng III tổ chức để càn quét các lượng Cộng quân đã gây thiệt hại nặng cho Tiểu Ðoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) trong trận Bình Giả (gần khu vực mật khu Hắc Dịch, vào cuối năm 1964 đầu năm 1965). Cuộc hành quân này được đặt tên là Chiến dịch Nguyễn Văn Nho (đặt theo tên của vị Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 4 TQLC đã tử trận trong trận Bình Giả) và bắt đầu vào ngày 9-2-1965. Tham gia cuộc hành quân có Chiến Ðoàn II Nhảy Dù dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Trương Quang Ân (về sau thăng cấp Chuẩn Tướng, làm Tư Lệnh Sư Ðoàn 23 Bộ Binh, và tử nạn trực thăng vào ngày 8-9-1968). Chiến Ðoàn II Nhảy Dù gồm 3 tiểu đoàn trong đó Tiểu Ðoàn 5 của Thiếu Tá Ngô Quang Trưởng là chủ lực. Tiểu Ðoàn 5 đã gây thiệt hại rất nặng nề cho 2 Trung Ðoàn Q761 và Q762 của Công Trường 7, với “hằng trăm xác cộng quân tràn ngập chung quanh tuyến phòng thủ, đầy dẫy hằng trăm vũ khí đũ loại từ AK47, súng trường CKC, súng chống chiến xa B40, B41 đến trung liên nồi, đại liên 12.8 ly, cối 61 ly, đạn dược quân trang quân dụng nhiều vô kể.” (19)
Thiếu Tá Ngô Quang Trưởng được vinh thăng lên Trung Tá đặc cách tại mặt trận và được ban thưởng Ðệ Tứ Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương. Sau trận này, ông rời Tiểu Ðoàn 5 về làm Tham Mưu Trưởng Lữ Ðoàn Nhảy Dù, và qua năm sau, 1966, khi Lữ Ðoàn Nhảy Dù được nâng lên thành Sư Ðoàn, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Phó Tư Lệnh.
Tuy nhiên, đối với gần như tất cả quân dân VNCH, ông nổi tiếng nhứt về chiến công giữ vững được Huế và tái chiếm Quảng Trị trong trận Tổng Tấn Công của Cộng sản vào Mùa Hè năm 1972 khi ông được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm vào chức vụ Tư Lệnh Quân Ðoàn I thay thế Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm.
Giữa trưa ngày Thứ Năm, 30-3-1972, trong Mùa Lễ Phục Sinh, Cộng quân bắt đầu cuộc Tổng Tấn Công trên khắp lãnh thổ của VNCH. Riêng tại vùng giới tuyến ngay phía Nam vĩ tuyến 17, sau một loạt pháo kích dữ dội, 3 sư đoàn chủ lực của Bắc Việt (các Sư Ðoàn 304, 308, và 320B), vượt Vùng Phi Quân Sự, tấn công vào phía Bắc và phía Tây của tỉnh Quảng Trị. Phòng thủ lãnh thổ của tỉnh Quảng Trị là trách nhiệm của Sư Ðoàn 3 Bộ Binh dưới quyền tư lệnh của Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai (tốt nghiệp Khóa 10 Trường Võ Bị Liên Quân Ðà Lạt), gồm có 3 trung đoàn (2, 56 và 57) và được tăng viện với 2 lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến (Lữ Ðoàn 147 TQLC và Lữ Ðoàn 258 TQLC). Tất cả các căn cứ đóng quân và căn cứ hỏa lực của Sư Ðoàn 3 lần lượt thất thủ rất bi thảm, trong đó có vụ đầu hàng của cả Trung Ðoàn 56 tại trại Carroll dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Phạm Văn Ðính (tốt nghiệp Khóa 9, Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức, năm 1960) làm chấn động QLVNCH và Ðồng Minh. Ngày 1-5-1972, tỉnh Quảng Trị thất thủ, Sư Ðoàn 3 Bộ Binh tan rã, tháo chạy về Huế ở phía Nam, dân chúng thạy theo, bị địch quân truy kích rất tàn bạo, tạo ra “Ðại Lộ Kinh Hoàng” trên đoạn Quốc Lộ 1 giữa Quảng Trị và Thừa Thiên (Huế), và kế tiếp gây ra cảnh hỗn loạn ngay trong thành phố Huế, với một số binh sĩ QLVNCH rời bỏ đơn vị, vô kỷ luật, cướp bóc và hiếp dân. Trong cảnh hỗn loạn này, người dân Huế còn có thêm nổi lo sợ Huế có thể sẽ lại rơi vào tay Cộng quân và họ nhớ lại trong kinh hoàng vụ tàn sát hồi Tết Mậu Thân 1968, và họ không còn cách nào khác hơn là tìm mọi cách thoát ra khỏi Huế, làm cho tình hình rối loạn tại Huế càng tệ hại thêm.
Ngày 3-5-1972, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm Trung Tướng Ngô Quang Trưởng làm Tư Lệnh Quân Ðoàn I thay cho Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm. Ngay buổi chiều hôm đó, Tướng Trưởng cùng bộ tham mưu của ông bay ra Huế liền lập tức.
Ngày hôm sau, ông ban hành 2 lệnh quan trọng:
1) Thiết lập Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Quân Ðoàn I ngay tại phía Bắc thành phố Huế với nhiệm vụ chận đứng tất cả các cuộc tấn công của Cộng quân; và,
2) Tất cả quân nhân, lạc đơn vị, bỏ đơn vị, hay không còn đơn vị nữa đều phải lập tức trình diện tại những nơi có các cấp thẩm quyền quân sự; quân nhân nào bất tuân lệnh này sẽ bị bắn bỏ tại chổ. Trật tự lập tức được vãn hồi ngay. Ðồng thời, dân chúng Huế rĩ tai nhau là “Tướng Trưởng đã về” và tất cả mọi người yên tâm không bỏ chạy nữa. Chuyện này không có gì lạ vì người dân Huế hết sức tin tưởng Tướng Trưởng vì họ đã biết quá rõ tính cương quyết và tài dụng binh của ông trong Trận Mậu Thân 1968 khi gần như toàn thành phố Huế đã lọt vào tay Cộng quân ông vẫn tiếp tục chiến đấu cùng với quân nhân các cấp của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh mà ông là Tư Lệnh và giữ vững được tổng hành dinh tại Mang Cá trong Thành Nội Huế, và sau đó phản công giải phóng Huế. Trong suốt lịch sử của VNCH và chiến tranh Việt Nam, chưa bao giờ có hiện tượng này: một cá nhân có thể làm thay đổi diễn tiến của cuộc chiến một cách rõ rệt như vậy.
Sau khi ổn định tình hình và chận đứng được cuộc tấn công của Cộng quân vào tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế, Tướng Trưởng lập tức lên kế hoạch phản công để chiếm lại Quảng Trị. (20)
Ðịch quân cố thủ trong Cổ Thành Quảng Trị chống trả mãnh liệt. Tướng Trưởng phải sử dụng đến 2 đại đơn vị thiện chiến nhứt của QLVNCH là Sư Ðoàn Nhảy Dù và Sư Ðoàn TQLC để tấn công tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị. Trận đánh này trở thành trận đánh gây thương vong nhiều nhứt cho cả 2 phía trong Chiến tranh Việt Nam. Sau cùng chính các binh sĩ của Ðại Ðội 2, Tiểu Ðoàn 3, Lữ Ðoàn 147 TQLC đã thượng kỳ VNCH trên Cổ Thành Quảng Trị “vào lúc 12 giờ 45 ngày 16/9/1972 sau 51 ngày đêm nhận lãnh trách nhiệm mà Sư Ðoàn Dù giao lại và sau 78 ngày cuộc Hành quân tái chiếm Quảng trị được khởi sư.” (21)
Khả năng lãnh đạo và điều quân ở cấp đại đơn vị của Tướng Trưởng không phải chỉ nổi tiếng trong hàng tướng lãnh của QLVNCH mà nay cả các cấp tướng lãnh của quân đội Hoa Kỳ đã từng tham chiến tại VNCH cũng đều khâm phục. Lời phẩm bình sau đây của một tác giả Mỹ đã mô tả một cách ngắn gọn nhưng vô cùng chính xác về con người và tài năng quân sự của Tướng Trưởng:
“He was considered one of the most honest and capable generals of the South Vietnamese army during the long war in Southeast Asia. General Bruce Palmer described him in his book The 25-Year War as a “tough, seasoned, fighting leader” and “probably the best field commander in South Vietnam.” (22)
(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Ông được xem như là một trong những vị tướng lãnh lương thiện nhứt và có khả năng nhứt của quân đội Nam Việt Nam trong cuộc chiến dài tại Ðông Nam Á. Trong tác phẩm “Cuộc chiến tranh 25 năm” của ông, Tướng Bruce Palmer [là Trung Tướng Phó Tư Lệnh MACV dưới quyền tư lệnh của Ðại Tướng Westmoreland] mô tả Tướng Trưởng như là một nhà lãnh đạo cứng cỏi, dày kinh nghiệm, và, có lẻ là vị tướng cầm quân giỏi nhứt của Nam Việt Nam.”).
Sau ngày 30-4-1975, Tướng Trưởng định cư tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ. Ông mất ngày 22-1-2007 tại thành phố Fairfax, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ và tang lễ của ông đã được cộng đồng người Việt trong vùng tổ chức rất trọng thể với đầy đủ lễ nghi quân cách dành cho một tướng lãnh của QLVNCH. Theo ý nguyện của ông, tro hài cốt của tướng quân Ngô Quang Trưởng đã được gia đình ông mang về Việt Nam và rải trên Ðèo Hải Vân. (23)
Thay Lời Kết
LỊch sử VNCH chỉ khoảng 20 năm và gần như lúc nào cũng ở trong tình trạng chiến tranh. Trong dân chúng, gần như không có gia đình nào không có con em trong quân đội. Càng gần cuối cuộc chiến, vai trò của các tướng lãnh ngày càng quan trọng hơn. Một số không nhỏ các tướng lãnh đã tham nhủng và làm giàu, nhiều khi là trên xương máu của chính binh sĩ dưới quyền mình. Dân chúng rất bất mãn với tình trạng tham nhủng này. Do đó họ đặc biệt quan tâm theo dõi các vị tướng trong sạch thanh liêm, và, sau cùng, đã “xếp hạng” 4 vị tướng trong sạch nhứt của QLVNCH: ‘Nhứt Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng.” Cả 4 vị tướng được dân chọn đều rất xứng đáng với lòng tin của dân chúng VNCH.
Ghi Chú:
1. Trần Ngọc Thống, Hồ Ðắc Huân, Lê Ðình Thụy, Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. California: Hương Quê, 2011. Tr. 203-204.
2. Những Giai Thoại Sạch của Tướng Thắng, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.generalhieu.com/ndthang-u.htm
3. Clarke, Jeffrey J., United States Army in Vietnam: advice and support: the final years, 1965-1973. Washington, D.C.: U.S. Army Center of Military History, 1988, tr. 256.
4. “CIA report on the Situation in South Vietnam as of 10/24/66,” tài liệu mật của CIA, đề ngày 24-10-1966, giải mật ngày 4-3-1994, gồm 15 tr., có thể truy cập trực tuyến và toàn văn từ cơ sở dữ liệu Declassified Documents Reference System (DDRS), các tr. II-1 và II-2.
5. “CIA report on the Siituation in South Vietnam covering period 10/31-11/6/66,” tài liệu mật của CIA, đề ngày 7/11/1966, giải mật ngày 16/12/1993, gồm 24 tr., có thể truy cập trực tuyến và toàn văn từ cơ sở dữ liệu DDRS, các tr. II-1 và II-2.
6. Lâm Vĩnh Thế, Việt Nam Cộng Hòa, 1963-1967: những năm xáo trộn. Hamilton, Ont.: Hoài Việt, 2010. Tr. 192.
7. Trần Ngọc Thống, Hồ Ðắc Huân, Lê Ðình Thụy, Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sđd, tr. 127-128.
8. Nguyễn Ðức Thắng, Phan Trọng Chinh, Lê Minh Ðảo, Lý Tòng Bá, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://vanghe.blogspot.ca/2011/09/nguyen-uc-thang-phan-trong-chinh-le.html
9. Tưởng nhớ Trung Tướng Phan Trọng Chinh, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://vietnamcuongthinh.blogspot.ca/2015/03/tuong-nho-trung-tuong-phan-trong-chinh.html
10. Tướng Phan Trọng Chinh, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.generalhieu.com/ptchinh-u.htm
11. “Intelligence report on the situation in South Vietnam,” tài liệu mật của CIA, đề ngày 19-12-1966, giải mật ngày 16-6-1998, gồm 24 tr., có thể truy cập trực tuyến và toàn văn từ cơ sở dữ liệu DDRS, tr. II-4.
12. Ahern, Thomas L., Jr., CIA and the generals: covert support to military government in South Vietnam. Langley, Va.: CIA, 2009. Tr. 113.
13. Trần Ngọc Thống, Hồ Ðắc Huân, Lê Ðình Thụy, Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sđd, tr. 199-202.
14. Nguyễn Mậu Quý, Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.generalhieu.com/nvthanh-u.htm
15. Hai vị tướng tác chiến giỏi: Ðỗ Cao Trí và Nguyễn Viết Thanh, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.banvannghe.com/a2347/tuong-gioi-do-cao-tri-va-nguyen-viet-thanh-truong-duong-chuyen-ngu
16. Trần Ngọc Thống, Hồ Ðắc Huân, Lê Ðình Thụy, Lược sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sđd, tr. 235-237.
17. Lê Xuân Nhuận, Biến-loạn Miền Trung: hồi ký. Alameda, Calif.: Xây Dựng, 2012. Tr. 285.
18. Minh Dũng, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng: Tư Lệnh Quân Ðoàn I và Vùng I Chiến Thuật, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.luanhoan.net/danang/htm/danang10_12.htm
19. Trận Hắc Dịch: ngày 9 & 10/2/1965, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://nhaydu.com/index_83hg_files/left_files/T-Chien/1965-TranHacDich.pdf
20. Ngô Quang Trưởng, The Easter Offensive of 1972. Washington, D.C.: U.S. Army Center of Military History, 1980. (Indochina Monographs). Tr. 15-77.
21. Giang Văn Nhân, “Tiểu đoàn 3/TQLC dựng cờ trên Cổ Thành Quàng Trị 15/9/1972,” trong Tuyển tập 2: hai mươi mốt năm chiến trận của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam (1954-1975). Santa Ana, Calif.: Tổng hội TQLC/VN tại Hoa Kỳ, 2005, tr. 438-450.
22. James H. Willbanks, “The most brilliant commander”: Ngo Quang Truong, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.historynet.com/the-most-brilliant-commander-ngo-quang-truong.htm
23. Hà Giang, Cố Trung Tướng VNCH Ngô Quang Trưởng đã về nhà, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đậy: http://aihuubienhoa.com/a1532/co-trung-tuong-vnch-ngo-quang-truong-da-ve-nha-ha-giang
Lâm Vĩnh Thế
Ngày 30-11-2016
No comments:
Post a Comment